Làm Gì Ở Mỹ của Phan Ngọc Vinh.
samedi 21 janvier 2017
Chung quanh câu chuyện Làm Gì Ở Mỹ của Phan Ngọc
Vinh.
Năm cũ sắp qua đi và một năm mới sắp đến.
Rất có nhiều người Việt Nam đã định cư ở ngoại quốc rất lâu và
chưa một lần đi trở lại nơi chôn nhau cắt rún.
Họ phải là những người ít nhất trên tuổi 42.
Ngày xưa đó, họ đã chọn dung thân nơi đất người
và họ vẫn giữ lời hứa với chính mình.
Cũng có những hoàn cảnh làm người ta chọn trở lại nơi mình đã
ra đi vì lý do gia đình và đau đớn nhất là họ lại thích những cuộc
vui mới tạm bợ.
Nếu có những chị như Phan Ngọc Vinh tả Làm Gì Ở Mỹ, thì người
trong nước có lẽ thích thú ôm bụng cười vì cái quê mùa mà chị kể ra khi hành Nghề Làm Móng.
Tại sao chị lại rất vui khi có được nghề lao động vất vả với
đồng tiền nhỏ nhoi?
Thưa tại vì chị biết được cái giá trị của 2 chữ
Tự Do đấy.
Những người biết tự trọng và biết Tư Do được đánh đổi như thế
nào thì tuyệt đối họ không bao giờ phản lại quê hương.
Tôi chỉ viết lên đây những cảm nhận buồn cho thân phận những bậc
cha chú đã ra đi vĩnh viễn mà chưa được trở lại mảnh đất quê nhà.
Tôi buồn cho những người mai này sẽ và còn ra đi mà sẽ không bao
giờ nhìn thấy bất cứ mùa Xuân nào trở lại với mình trên đất nước
Việt Nam của thời xa xưa.
Đã ở đất nước Tự Do thì quyền đi lại là chuyện tự do của từng
cá nhân, và chỉ cá nhân mà thôi.
Không cần ai phê phán và không ai được phê phán ai
cả vì chỉ cần mình nhìn mình vào gương mà thấy mình còn là mình
trong gương ngày xưa nữa hay không thì chỉ có mình tự biết mà thôi.
Mời quý anh chị đọc bài thơ của anh Ttần Văn Lương và đọc câu
chuyện của chị Phan Ngọc Vinh và tự cho mình thấy Thói Đời.
Caroline Thanh Hương
" Làm gì ở Mỹ ? "
- Phan Ngọc Vinh
Bạn từ Việt Nam đi du lịch sang Mỹ. Bạn bằng tuổi mình, năm nay được 65 cái
xuân xanh, nhưng nhà nước ở VN cho Bạn về đuổi gà chăn vịt từ lúc tuổi mới 55,
trong khi mình vẫn còn mài đũng quần, ngồi
"dũa" móng cho các bà già Mỹ.
Từ hồi học Trung học, Bạn là người Bạn tốt đối với mọi người, nên bạn bè của
Bạn bây giờ ở khắp năm châu. Bạn được
các bạn mời đi thăm các nơi khắp nước Mỹ và đây là chặng dừng chân cuối cùng,
đó là tệ xá của mình .
Ông xã mình nhường chỗ cho Bạn ngủ với mình, và câu đầu tiên khi ngã đầu nằm
cạnh nhau, Bạn hỏi mình
"Làm gì ở Mỹ?".
Chỉ 4 chữ thôi, nhưng nó trải dài 22 năm ở Mỹ của mình. Mình ngồi dậy, cầm
chai nước ở đầu giường, uống một hơi để lấy giọng, và bắt đầu kể....
*****
Từ phi trường Philadelphia gia đình mình gồm 4 người, được người bảo trợ
đưa đến một căn nhà Twin, nhà 7 phòng nhỏ xíu, mỗi phòng là một gia đình từ 2,
đến 3 hoặc 4 người, mà mỗi người, ông chủ nhà lấy 100 đô/tháng, không kể người
lớn hay con nít.
Đêm đầu tiên nghĩ dưỡng sức, đến đêm thứ nhì mình đã có
việc rồi.
Căn phòng kế bên có 2 vợ chồng HO, mới sanh baby chỉ 1
tháng, người vợ phải đi làm trở lại, cả 2 vợ chồng làm hãng thịt vào ca đêm,
nên độ 10 giờ đêm là bế đứa bé qua phòng mình ngủ, sáng đi làm về thì bỏ trên
bàn trong phòng mình tờ 5 đô.
Căn phòng share nhỏ xíu, 2 vợ chồng thì ngủ dưới đất, hai
đứa nhỏ 5 và 7 tuổi thì được ngủ trên 2 giường nhỏ, thêm đứa bé babysit, thì nằm
dưới chân. Phòng chật đến nỗi mình và Ông xã nằm ở dưới đất, một người nằm ngữa,
một người nằm nghiêng, nếu cả hai cùng nằm ngữa thì không vừa. Tối ngủ mơ màng,
cảm giác như có con gì bò nhột nhột, mình lấy tay đè bẹp dí thì nghe mùi gián. Ngồi dậy bật đèn lên thì gián mẹ, gián con, hàng trăm con chạy búa
xua, tìm chỗ trốn dưới thảm.
Ở Việt Nam nhà cửa đóng bợn, góc nhà bụi bậm bám đầy, mình chỉ quét, xem là
thường không có gì để gọi là quan trọng. Khi sang đây thấy nhà lót thảm đỏ, cứ
tưởng sạch sẽ, quý phái, sang trọng, nên mình chỉ lót cái mền rồi 2 vợ chồng nằm
ngủ, cứ nghĩ là sướng quá rồi, không ngờ mình nằm trên ổ gián. Bây giờ mỗi lần
nhớ lại vẫn còn cảm thấy rùng mình.
Giữ đứa bé độ một tuần, một hôm Ông chủ nhà đi ăn Buffet ở tiệm ăn Tàu đầu
ngõ, về nhà cho hay ngoài đó cần một Waitress, tức người bưng đồ ăn cho khách,
sau khi khách order. Với trình độ tiếng
Anh "ba xí, ba tú" từ thời
trung học, mình nghĩ:
Đây là "xứ của cơ hội",
nghề gì cũng làm thôi, chỉ sợ
người ta không mướn mình.
Ông Chủ người Tàu, cỡ 70 tuổi, nói tiếng Anh. Ông nói ông
nghe, mình lắp bắp làm như hiểu, nhưng thật sự chả hiểu con khỉ khô gì cả. Ông
cầm cái menu, gần 300 món. Ông dắt mình vào bếp, chỉ các thứ rau và nói tiếng
Anh tên các lọai rau. Giời ơi, coi bộ không dễ!
Ngày đầu tiên đi làm thì Ông chủ nhà chở ra giới thiệu với Chủ nhà hàng.
Mình chả biết họ nói gì, nhưng Ông chủ nhà hàng cứ gật đầu coi bộ ưng ý. Tối về
nghe nói lại là
"Tôi giới thiệu chị cùng
gia đình sang đây tị nạn CS, Ông chủ nhà
hàng người tàu Đài Loan nên cũng sợ CS. Tôi nói chị cũng có nhà hàng ở VN nên
Ông có vẻ nể chị lắm, Ổng nghĩ là chị biết mọi thứ trong nhà hàng, chỉ sợ tiếng
Anh còn dở thôi, nhưng ông ấy nói sẽ huấn luyện cho chị."
Nhà hàng buổi trưa thì bán Buffet, nên mình chỉ thay mấy cái khay đồ ăn
trên quầy, rồi để ý lau bàn, lau ghế dọn chỗ khi khách đứng dậy, cứ ấm ớ... "thank you", "goodbye"
chào khách về... "you have nice
day", hoặc khi khách nói "Thank
you", thì phải nói lại "You're
welcome"... Rắc rối quá, ở VN mình đâu có quá lịch sự như vậy.
À, quên đây là nước Mỹ mà...
Sợ nhất là buổi tối, khách tới ăn, mình chưa lấy order được
vì trở ngại tiếng Anh. Lương bắt đầu là 150 đô một tuần, làm 6 ngày, mỗi ngày
10 tiếng, Ông chủ nói, nếu mình lấy được
order, ổng sẽ trả thêm mình 100 đô/1 tuần.
Bạn thử tưởng tượng ở VN mới sang, vốn tiếng Anh đã ít, mà sau 22 năm ở với VC,
lo chạy ăn bở hơi còn đói lên đói xuống, còn thời giờ đâu mà học tiếng Anh, mà cũng đâu nghĩ rằng có
ngày mình được đi Mỹ mà học tiếng Anh, vì vậy được trả lương như vậy thì đúng
là có nằm mơ cũng không thấy.
Ông Tàu già nầy tốt bụng vô cùng, mỗi buổi trưa vắng
khách Ổng cứ kêu mình tới quầy để học cái menu. Ông đọc trước biểu mình đọc
sau, rồi kêu mình xuống bếp chỉ tên từng món.
Vùng nầy ở miền Đông Hoa Kỳ, năm 1994 tuyết nhiều lắm, tuyết cao tới thắt
lưng, ban ngày buổi sáng đi làm, mình lấy bịch nylon bịt chân lại, cột tới mắt
cá, rồi mang vớ cao vào, mặc quần ấm ở trong, quần Jean ở ngoài, áo thì độn 2,
3 lớp, thêm cái áo Jacket dầy. Đầu thì bịt cái mũ ni mua ở VN, có 2 dây cột quấn
cổ, mình quấn ngang mũi, và cột lại sau gáy, xong xuôi thì đi bộ ra nhà hàng.
Nói là đầu ngõ, chứ đi bộ cả giờ mới tới. Khi đi phải đạp lên tuyết xốp mà đi,
chứ giẫm lên tuyết láng là bị "chơi một đường lã lướt" liền.
Buổi tối về thì Ông Chủ lái xe van cũ chở 2 đầu bếp, một tài xế delivery đồ
ăn và mình chất lên xe, chạy quanh co trên đường tuyết, lúc xuống dốc, khi lên đồi, Ổng kềm chặt tay lái, có hôm thầy
trò tưởng chừng bay xuống ruộng bắp.
Khoảng chừng 3 tháng, một hôm cuối tuần lúc phát lương mình nói với Ổng:
"Tôi lấy được order
rồi, Ông lên lương tôi chứ!".
Tội nghiệp ông già, Ổng
nói gì đó một hơi mình chả hiểu rồi móc túi đưa thêm 100, khoảng 2 tuần sau thì
nhờ người thông dịch mới biết là ổng nói nhà hàng ế quá, ổng lại già rồi, con ổng
biểu bán đi để về hưu, còn vài tuần nữa thì nhà hàng sang cho người khác rồi.
*****
Thế là cũng tới ngày phải ở nhà. Thời gian nầy ông xã
mình có đến Đại học Cộng đồng để học ESL. Tụi nầy cũng đưọc một Ông HO tốt bụng
ở chung nhà dạy lái xe nên đậu và đã mua được chiếc xe cũ.
Nghỉ ở nhà được 2 hôm, thì có người cùng xóm chỉ cho một gia đình VN có con
nhỏ mới đẻ một tháng đến nhờ mình tới nhà babysit, cho ăn, tắm rửa em bé rồi
canh cho nó ngủ. Mình chờ những lúc bé ngủ thì đọc báo hay xem phim gì đó, sợ
bé thức nên vặn nhỏ TV, riết thành thói
quen, xem TV chỉ xem hình, vì sợ tiếng động làm bé thức. Chính vì điều nầy làm
mẹ cháu lo, sao mà ban đêm cháu không chịu ngủ, cứ bò lên bò xuống. Mẹ cháu bế
cháu đi Bác sỹ khám thì BS cho biết cháu chả bịnh gì cả, thằng nhỏ bú sữa Mỹ,
nên mạnh như thần, chả hề thấy bệnh, hì hì, Bố mẹ thắc mắc sao nó không chịu ngủ,
mà vẫn mạnh cùi cụi thế kia.
Mình giữ em bé nầy đến 4 giờ chiều thì lái xe khoảng 8
mile để đến nhà một gia đình Mỹ, chở 2 đứa
nhỏ: đứa trai 9 tuổi, đứa gái 10 tuổi, đứa
trai thì đi Boy Scout, đứa gái học múa balê. Ngày nào sau giờ học cũng phải chở
2 đứa nầy, bữa thì học guitar, bữa thì học vẽ... Học gì mà đủ thứ. Có bữa lái
vòng vòng chở đi đầu nầy đầu nọ, về nhà xem lại số mile, có hôm khoảng 30 mile!
Bà này là Trưởng học khu, họp hành liên miên, ông chủ là Bác sỹ làm nhà
thương trực buổi tối, nên coi như buổi
chiều là mình tới "thầu" luôn, chở 2 đứa đi học. Sau khi bỏ tụi nhỏ ở
trường, rồi trở về nhà đó làm đồ ăn, quét dọn, chùi rửa.... clean nhà, clean cửa.
Ở VN lúc xưa gọi là làm đầy tớ, bây giờ gọi là Osin, ở Mỹ có từ hoa mỹ hơn, gọi là Housekeeper, chung quy là đi ở đợ.
Bà chủ nầy người Ireland, nghe nói dân nước nầy hà tiện lắm, bả sang Mỹ mấy
đời rồi mà còn cái gốc hà tiện. Khi hợp đồng miệng lúc nhận việc là 5 đô/1 giờ
cộng với tiền xăng, thì tuần đầu Bả trả
tiền xăng khoảng 5 đô cho cả tuần, lúc ấy con bả học thêm ít, nhưng từ tuần thứ
nhì trở đi thì bả lấy thêm giờ cho con bà ấy học thêm nữa, nên chở đi nhiều hơn.
Vậy mà có tuần trả 5 đô, có tuần không. Tính người Việt mình tự trọng không mè
nheo đòi hỏi, Bả lại càng lấn tới, có hôm
mới tới làm chỉ 1 giờ, cuộc họp ở
sở bả bị cancel, thì từ sở bả gọi điện về, bảo mình về đi.
Thành thử, lái đi, lái về, tất cả 16 mile, khoảng 25 cây số, làm chỉ 1 giờ
được 5 đôla thì bị kêu về đi. Con gái bả mới 10 tuổi nghe Mẹ kêu điện thoại về,
lúc mình sửa soạn ra xe, tiễn mình, nó còn dùng 4 ngón tay úp lại trong lòng
bàn tay, rồi chĩa ngón cái lên, dấu hiệu là
"bà
chịu về tốt quá... Hết xẩy!".
Sau nầy, về bàn lại với ông xã, bắt bả phải chịu trả ít nhứt 3 giờ mỗi tối, từ thứ hai đến thứ
sáu, lễ thì con bả nghỉ, mình cũng nghỉ.
*****
Ngày thứ bảy và chủ nhật thì mình lái xe tới tiệm Dunkin Donut đứng
bán bánh, loại bánh tròn, vị ngọt mà người
Mỹ hay đến mua ăn sáng và uống cà phê. Đôi khi cuối tuần cũng có vài nhà nhờ
mình tới nhà coi con để vợ chồng họ rảnh rỗi đi chơi với nhau.
Nhà bà Mỹ mình làm ở trên núi, lúc quẹo xe ra lái độ 3
mile thì ra tới ngã tư. Ngã tư nầy phải nói là ngã tư "tử thần" vì
không có đèn đỏ, đường ngang trước mặt thì đông đảo, xe cộ nối đuôi nhau, nhưng
chỉ đông có một lane bên về núi, còn lane xuống núi thì vắng ngắt, mình về nhà
phải lái trên lane xuống núi.
Một bữa kia, sau giờ babysit, lúc ngừng để chờ quẹo trái chạy xuống
núi, các xe ngừng lại cho mình quẹo,
khi quẹo được rồi thì bỗng đâu... khịt... khịt... pựt pựt... pựt...... Trời hỡi,
xe hình như chết máy! Tình
huống nầy từ hồi cha sanh mẹ đẻ chưa biết, nên không biết làm sao đây. Mình đem
hết sức đạp thắng, nhưng nó cứ bon bon không chịu dừng lại, nhìn kim đồng hồ
thì từ 50 mile/giờ vọt lên.... vọt lên mãi. Vì xe đang xuống núi mà! Sau nầy biết
ra nó bị hư bugi. Xe hiệu Buick, đời 82, xe tự động, nên khi máy không nổ, thì thắng cũng không hoạt động. Mình liền nghĩ
"Thôi rồi, mạng mình đến đây là chấm dứt! "
Nhìn kim đồng hồ tốc độ, thấy số 75, may là xe cộ đổ xô lên núi (nhà giàu thường lên núi ở),
phía bên mình là chạy xuống đồng bằng, nơi có nhiều hãng xưởng, giờ nầy ít xe đổ
xuống. Trước mặt không có xe nào, cũng chưa tới đèn xanh đèn đỏ. Bây giờ
làm sao đây? Nếu liều mạng kéo cần số về chữ P, rủi xe nó lộn tùng phèo
thì cũng chết, mà lủi đại vô hàng cây bên đường cũng chết, bên đường lại là
thung lũng. Miệng mình lâm râm niệm Phật, mà đầu thì suy nghĩ lung tung. Thôi
thì đàng nào cũng chết, mở mắt để thấy đường quẹo cua, tay thì giử vô-lăng cho
chặt. Kim đồng hồ từ 80 lùi lại 70... lùi từ từ mãi. Thì ra xe đã xuống đồng bằng,
nên tự nó giảm tốc độ. Vừa tới đèn xanh đèn đỏ thì mình quẹo vào lề, và rồi
không thắng mà nó ngừng lại.
Trời xui đất khiến, Ông Bà phù hộ, Phật Bà phổ độ, nên
mình đã không có những hành động vội vàng mà không biết hậu quả thế nào. Nếu ở
VN thì đã cạo đầu ăn chay vì vừa thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Ở Mỹ thì sợ
người ta tưởng mình đang làm chemo vì bị cancer, không ai dám mướn làm thì lại
khổ.
Tuần ấy, mình cho Ông bà Bác sỹ ấy biết tin dữ, và... không trở lại "con đường tử thần" ấy nữa.
Ông xã mình vẫn còn học ESL, mỗi khóa học kéo dài 3 tháng, lúc nầy anh ấy vẫn còn ESL. Vào giờ
con đi học thì ảnh delivery ở tiệm bán hoa, rồi về chờ con đi học về, tối mình
về thì làm ca đêm ở hãng gần nhà.
Trong cái rủi có cái may, ngày mà mình suýt bị lộn xe xuống núi, cũng khoảng thời gian ấy, cô bán bánh full time ở
tiệm Donut xin nghỉ việc vì có job khác khá hơn. Ông chủ tiệm đề nghị mình làm
fulltime thế chỗ cô ấy. Còn gì bằng! Thế là mình trụ trì cả ngày ở tiệm bánh, mỗi
ngày tiếp xúc bao nhiêu là khách Mỹ. Ban
đầu ấm ớ, riết rồi nghe, nói mãi cũng thông. Trước khi đi Mỹ, sau khi đến Mỹ
mình chả qua trường lớp ESL nào. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ, rồi thì việc nào cũng
xong cả.
Công việc của mình là đứng bán hàng từ 10 giờ sáng đến 10 giờ đêm, nghỉ
ngày Chúa nhật. Bán đủ thứ bánh trên quầy, thường thường khoảng 8 giờ đêm thì
hai đứa làm bánh sẽ đến, mình phụ đem bánh mới bỏ lên kệ và đổ bánh cũ. Có hôm
đứng sau quầy chờ mãi mà không thấy tụi ấy tới, trời mùa đông lạnh thấu xương,
mặc 3, 4 áo vẫn lạnh vì hệ thống heat cũ, xưa, nên máy heat vẫn chạy mà lạnh thì vẫn lạnh, lại
thêm cái lỗ dột to tổ bố trên trần mà ông chủ
lại không muốn sửa vì tốn tiền nhiều quá.
Một tối nọ, tuyết rơi đầy đường, mình đứng chỗ quầy để cân cà phê, bỏ vào từng
túi, mỗi túi 1 pound để mai bán lẻ cho khách, lúc nhìn ra đường thì xe cộ vắng
ngắt. Điệu nầy hai đứa thợ không biết có tới được hay không, vì từ nhà tụi ấy
lái đến tiệm cỡ 50 mile mà đường trơn như vầy lái rất ư là nguy hiểm.
Đúng lúc ấy, đằng trước tiệm đỗ xịch một chiếc xe màu tối thui, trên xe bước
xuống ba anh Mỹ đen. Tụi nó vào, đứa thì mua cái bánh, đứa thì hỏi mượn quẹt diêm, đứa thì vào cầu tiêu xin đi
tiểu... rồi hỏi đường xá lung tung. À, mình phải nói thêm là trong tiệm có cái
cassette, tụi thợ mỗi lần tới hay mở
radio nghe để đỡ buồn ngủ trong lúc làm bánh, còn mình thì có thu âm các tiếng
động như tiếng chày đập bột, tiếng người nói chuyện, để khi đứng một mình trong
đêm ở tiệm thì mở lên, giống như có người ở bên trong đang làm bột và đang nói
chuyện
Ngừa thì chỉ ngừa vậy thôi, chứ kẻ gian muốn giết mình để lấy tiền, thì có
ngừa gì thì nó cũng giết. May mắn hôm đó không có gì xẫy ra cho mình, nhưng khi 3 đứa đi rồi thì mất 4
bịch cà phê và hủ tiền khách donation (tài trợ) cho "chó mèo" cũng biến
mất. Hú hồn hú vía! Lại phải tin là có Ông Bà Trời Phật gì đỡ cho mình, nên xui
khiến chúng nó không giỡ trò gì, chứ thường những buổi tối như vầy là tụi cướp
nó đi quần kiếm chỗ làm ăn đấy!
Ông chủ tiệm bánh nầy đã làm 10 năm rồi
Cực quá, con còn nhỏ, không có thì giờ lo cho con, khi thợ làm bánh nghỉ
Ông phải ra làm thế, cơ sở vật chất thì hư hỏng quá nhiều. Hơn nữa quy định mới
của Franchise là tất cả các tiệm cũ trên 10 năm phải remodel (xây/trang trí lại)
theo kiểu mới. Nếu muốn tiếp tục, ổng phải bỏ ra cỡ 200 ngàn đô sửa chửa. Thôi
thì ông bán quách đi cho xong.
Và Ông bán thiệt. Ngày tiệm đóng cửa, mọi người bùi ngùi, từ nay vĩnh biệt
cái tiệm Donut đầy "thân thương
".
Hôm cuối cùng chia tay, còn tuần lễ nữa là đến ngày Halloween (Lễ Ma), tối ấy
mình chở 2 con vào Mall xin kẹo, mà lòng buồn rười rượi. Đang dắt 2 con đi vòng
vòng thì ba mẹ con dừng trước một tiệm bán đồ ăn Tàu dạng Fastfood, họ cho nhân
viên ra phát kẹo, nhìn bên góc tiệm thấy họ đề bảng "Help wanted", thằng
nhỏ nhà mình nhanh nhẹn nói “Mẹ ơi, họ cần người". "À, vậy con vào xin cho mẹ
đi".
Thế là nó vào nói với ông chủ tiệm. Năm ấy nó khoảng 7 tuổi, thằng kia 9 tuổi.
Hai đứa vào cùng deal với chủ tiệm, lương bổng, giờ làm việc... Ông chủ OK liền,
ngày mai bắt đầu vào làm, vì thời gian nầy là những ngày Lễ cuối năm, khách vào
Mall mua sắm, rồi tạt vào ăn uống nên tiệm rất cần người. Không dè ba mẹ con đi
chơi mà hai nhóc kiếm được việc làm cho Mẹ .
*****
Năm ấy, qua Mỹ đã được ba năm, ông xã mình vẫn đi làm
hãng buổi tối, ca ba. Tuổi mình lúc ấy đã 45, đứng bán hàng từ 10 giờ sáng đến
10 giờ tối, lúc ra khỏi cửa Mall thì chân tay dỡ lên muốn hết nổi. Trưa thì nghỉ
ăn cơm chỉ 15 phút, trong tiệm thì toàn người Tàu, nói tiếng Tàu chí chóe. Tụi ấy
kể lại câu chuyện Đặng Tiểu Bình đã dạy Cộng sản Việt Nam một bài học, nó đánh
VC nhừ tử, tụi nó đánh tới đâu chiếm đất tới đó..., ... hoặc chỉ cần 200 đô là
lấy được gái VN...
Mình biết qua lời kể lại của con Tàu bán hàng với mình. Lúc vào trong lấy đồ
ăn để đổi khay mới, tụi bếp người Tàu nhìn mình rồi cười hô hố, thằng Tàu con
nhỏ hơn mình vài tuổi nói tiếng Anh
"You look good". Tức quá mình chỉ
xuống "háng" (sorry nhe!), nói tiếng Anh
"Hey! Tao đẻ mầy ra còn được" làm
tụi cook Tàu tái mặt, không dám chọc nữa. Mình còn méc ông chủ đám thợ nấu bếp
và thằng bán hàng Tàu mất dạy, làm Ông chủ la chói lói, đám Tàu câm hết.
Nhưng cứ đứng thế nầy mãi, vài ba năm nữa còn đứng nỗi hay không?
"Con
càng lúc càng lớn, nhu cầu càng nhiều, biết làm gì nữa bây giờ".
*****
Một bữa nọ, một cô cũng sồn sồn, nói tiếng Anh nhuyển lắm, order đồ ăn.
Mình không muốn nhìn là người VN, vì thói thường người đến Mỹ trước xem thường
người đến sau, xem người đến sau như nghèo khổ ngu dốt hơn mình, nên chả bao giờ mình nhìn trước là
người VN với nhau. Cô ấy tới order đồ ăn vài ba lần, một hôm tự nhiên cổ hỏi
"Chị có phải là người VN không?",
đến
chừng ấy mình cười tươi như hoa và nói đúng rồi! Từ ấy trở đi mỗi lần đến thì
cô ấy và mình hỏi thăm thêm đôi chút, được biết, cô sang Mỹ năm 1975, hiện là kỹ
sư, nhưng cô ấy cũng là chủ một tiệm Nail gần đó. Một hôm cổ hỏi
"Sao chị không đi học Nail đi, nghề ấy vừa có lương
vừa có tip. Nếu chị thích em chỉ trường chị học, rồi về làm với em, bảo đảm
lương cao hơn đây."
Tối ấy về nhà bàn với Ông Xã, thì Anh ấy trả lời
"Đúng vậy chứ sao, ở Mỹ nầy một thời gian mình thấy:
thứ nhất là đàn bà, thứ nhì là con nít, thứ ba là chó mèo, thứ tư mới đến đàn
ông. Vậy em nên nhín thời giờ đi học lấy bằng Nail đi, có tương lai hơn là đứng
mãi như thế này!". (Ảnh cũng có ý định học nurse (y tá) về thú vật, nhưng ảnh xin
làm được ở hãng có đầy đủ benefit vào
ban ngày, nên bỏ ý định đó).
Ảnh phải đi làm kiếm thêm tiền, chứ nếu đi học
nurse cũng phải mất 2 năm. Sau nầy cũng hơi tiếc nhưng chuyện đã qua rồi.
Thế là mình nghe lời, vẫn làm ở đây, vẫn đứng bán fastfood, nhưng cứ 4 giờ
chiều thì xin ông chủ đi học ESL (chứ không nói học Nail), vì mình muốn giữ job nầy cho đến khi lấy được bằng
Nail.
Mỗi chiều mình lái xe gần 2 giờ đồng hồ để đi đến trường
dạy Nail, học 3 tiếng, rồi lại lái về 2 giờ nữa, vì đường đi lúc nào cũng bị kẹt
xe. Có những lúc buồn ngủ quá phải ngừng xe bên đường để ngủ, xong thức dậy chạy
tiếp.
Nếu học fulltime thì chỉ một tháng là xong, nhưng mình phải mất 6 tháng mới
xong, vì "cơm áo gạo tiền, nặng gánh đôi vai ", về nhà còn lo cơm nước
cho chồng con nữa.
Sau những thăng trầm trong nghề Nail, mình leo lên "làm chủ" gần
16 năm nay. Giấc mộng có "job ngồi" đã thành. Sau vài năm làm chủ,
mình mua được nhà, chạy được xe mới,
không còn lo sợ xe chết máy dọc đường, hai con thì đã xong Đại học. Mỗi lần vui
vẻ, mình và các con cứ kể chuyện “Con xin Job cho Mẹ". Ôi, sao vui ơi là
vui.
Quá khuya rồi bạn, thôi ngủ đi chứ !
Phan Ngọc Vinh
Publié par Caroline Thanh Huong à samedi, janvier 21, 2017
No comments:
Post a Comment