Sunday, December 29, 2019


Tản mạn cuối năm

Tản mạn cuối năm
Trần Nhật Phong

Dù bận rộn chuẩn bị khai trương cửa tiệm, tối qua về tới nhà, tôi nhận được inbox của một người bạn trẻ (28 tuổi), đang sinh sống ở Hà Nội hỏi tôi rằng
“liệu sự thay đổi có làm cho Việt Nam tốt lên hay không? Hay thật sự sẽ tệ hơn tình hình hiện nay?”
Người bạn này bên cạnh câu hỏi đã kể cho tôi nghe rằng cha mẹ của cậu đã trải qua thời kỳ ném bom oanh tạc của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, cậu mô tả rằng cha mẹ cậu rất kinh hoàng với quá khứ chiến tranh, nên sợ thay đổi sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh khác.

Thật khó cho tôi khi phải viết một bài trả lời câu hỏi của người bạn trẻ này, vì câu trả lời này kể cả các bạn và tôi đều không có câu trả lời chính xác, tuy nhiên nếu nhìn về quá khứ, đối chiếu với những quốc gia xung quanh Việt Nam, có thể chúng ta sẽ có phần nào suy luận được kết quả của sự thay đổi.

Tôi nhớ khi còn bé (dường như mới 5 hay 6 tuổi), có một lần, bố tôi dẫn tôi ghé qua khu bưu chính ở Sài Gòn (nằm cạnh Nhà Thờ Đức Bà), khi đi ngang các kiot bán hàng bên ngoài khu bưu chính, tôi níu áo đòi bố tôi mua cho tôi một khẩu súng bằng nhựa, ông quay lại mua cho tôi, cùng lúc có một người ăn mày đang ngồi bên lề đường, ông móc ít tiền lẻ cho người ăn mày. Khi về đến nhà, bất chợt ông hỏi tôi, trong lúc tôi đang mân mê món đồ chơi mới ông vừa mua cho tôi, 
“nếu một ngày nào đó, con giống như người ăn mày kia, đã nhiều ngày không có hột cơm vào bụng, bỗng nhiên có một người đi ngang làm rớt ví tiền, con nghĩ con sẽ trả lại ví tiền cho người đó, hay sẽ lượm ví tiền để qua cơn đói?”

Bất ngờ trước câu hỏi của ông, ở cái tuổi chả biết gì cả, nhưng còn lúc bé tôi là một đứa trẻ “láu cá”, lại đang để tâm vào cây súng nhựa ông vừa mua, làm gì biết trả lời, tôi nói với ông rằng 
“bố cho con vài ngày, để con suy nghĩ rồi trả lời bố”, 
tuy nói vậy nhưng trong bụng tôi nghĩ sẽ kiếm mẹ tôi để tìm câu trả lời, không ngờ bố tôi xoa đầu tôi và mĩm cười
“bố cho con 20 năm để kiếm câu trả lời”.
Lúc đó tôi trố mắt nhìn bố tôi tưởng rằng ông đang nói chơi với tôi, nhưng thú thật cho đến ngày bố của tôi qua đời (2009) và đến nay, tôi vẫn chưa có một câu trả lời chính xác về câu hỏi của ông.

Những lúc tôi cực khổ ở trại tị nạn lúc vượt biển (trại Pulau Bidong), khi nằm giữa mùa bão tháng 10, vừa đói vừa rét, nghĩ đến câu hỏi của bố tôi, thời điểm đó tôi khẳng định rằng, tôi sẽ giữ lại ví tiền để qua cơn đói. Nhưng rồi khi định cư ở Hoa Kỳ, qua thời kỳ đầu khó khăn hội nhập, ổn định cuộc sống, thu nhập hàng tháng dư dả, khi nghĩ đến câu hỏi của ông, tôi lại có câu trả lời khác, lỡ như người đánh rớt ví tiền, trong đó là toàn bộ gia sản của người ta, và số tiền đó có thể là số tiền cứu mạng ai đó, nếu mình lấy đi thì có khác nào gián tiếp hại chết mạng người, tôi lại khẳng định là dù chết đói cũng trả ví tiền cho người làm rớt.

Và cả hai câu trả lời của những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời đã đeo đẳng tôi đến ngay hôm nay, tôi vẫn chưa có câu trả lời chung cuộc.
Kể câu chuyện này cho các bạn nghe, tôi muốn nói rằng, tư duy con người luôn thay đổi theo từng chu kỳ, theo từng bối cảnh sinh sống để thích ứng với xã hội, và thúc đẩy sự tiến bộ.

Việt Nam kể từ sau năm 1975, các bạn hỏi tôi có thay đổi hay không? Câu trả lời của tôi là không, tất cả những cái mà các bạn nghĩ là thay đổi như những tòa cao ốc mọc lên, những đường xá được đắp thêm nhựa, những chiếc Iphone các bạn cầm trên tay, đó chỉ là sự chắp vá chứ không phải là thay đổi, hay nói một cách chính xác là những kẻ cầm quyền đang cố gắng xây nhà trên khối gỗ mục nát, có thể xập bất cứ giờ phút nào.
Các bạn có biết tại sao trước năm 1975, Sài Gòn được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông” hay không? Và Sài Gòn từng là niềm mơ ước của Singapore, Hàn Quốc hay Thái Lan. 

Ngoài trừ những kiến trúc mà người dân miền Nam và người Pháp xây dựng ra, Sài Gòn còn mang hình ảnh của con người, kinh tế, văn hóa và nền giáo dục khiến những quốc gia đó mơ ước.
Con người ở Sài Gòn hội tụ những tinh túy của cả miền nam, mộc mạc, hiền hòa và hiếu khách.
Văn hóa ở Sài Gòn thời điểm 50,60 và giữa 70 được xem là phát triển rực rỡ, hàng ngàn nhạc phẩm, thi ca, văn chương sáng tác ở thời điểm đó, mãi đến bây giờ mọi người vẫn không ai quên, từ những nhạc phẩm trữ tình của Lam Phương, Nhật Ngân, Trần Trịnh, Ngô Thụy Miên, cho đến những tác phẩm văn học lừng danh của Nguyễn Thụy Long, Chu Tử, Duyên Anh. Và những đoàn trình diễn Cải Lương đêm nào cũng nghẹt rạp, đông khách như Thanh Minh Thanh Nga, Phụng Hảo, Kim Chung, Kim Chưởng.
Kinh tế của miền nam Việt Nam chủ lực nhờ vào nông sản, với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, sông nước miền nam sạch sẽ, cá lội tung tăng thò tay là bắt được cá, lúa vàng óng ả, môi trường sinh sống không bị ô nhiễm.
Còn nền giáo dục thì quả thật Sài Gòn chính là giấc mơ của Hàn Quốc, Singapore hay Thái Lan, các bạn cứ nhìn câu chuyện tôi kể ở trên là hiểu, bố tôi là người được đào tạo trong nền giáo dục của miền nam Việt Nam, cái triết lý mà ông dạy tôi qua câu chuyện tôi vừa kể, cho thấy nền giáo dục đó tốt đẹp như thế nào, chưa kể đến các ngôi trường ở Sài Gòn, những nữ sinh, nam sinh đều có những sinh hoạt mang tính hướng thiện, chứ không có những trò “bề hội đồng”, chữi thề hay hỗn láo với trưởng bối.
Tất cả những điều tôi kể trên đã làm nên một Sài Gòn hoa lệ, một Hòn Ngọc Viễn Đông đúng nghĩa, chứ không phải chỉ là những tòa kiến trúc làm nên một Sài Gòn, từng một thời là niềm mơ ước của Đài Bắc, của Seoul, của Bangkok hay của Singapore.

Và hơn 40 năm nay đảng Cộng Sản cầm quyền, các bạn đã thấy điều gì thay đổi? 

Hoàn toàn không có, mà chỉ chắp vá dựa trên hạ tầng cơ sở của Sài Gòn cũ, giáo dục thì bế tắc, con người trở nên nhiều cái ác hơn cái thiện, văn hóa thì hoa hòe, 40 năm qua có được những sáng tác văn học nào ra hồn, ngoại trừ những thứ ca ngợi, tô hồng cho chủ nghĩa cộng sản. Môi trường bị tàn phá, ô nhiễm khắp nơi.

Nói lịch sự là Việt Nam cần thay đổi, nhưng nói một cách trực tiếp thì Việt Nam cần môi trường xã hội hoàn toàn khác với hiện nay, nếu không nói là đối lập với những kẻ cầm quyền hiện nay, chỉ có xóa bỏ hoàn toàn, để xây dựng lại, Việt Nam không còn giải pháp nào khác là đào thãi cái đảng cầm quyền hiện tại.

Bạn hỏi tôi thay đổi có mang đến chiến tranh hay không?
Tôi hỏi lại các bạn ai sẽ gây chiến tranh?
Từ quá khứ các bạn đã biết rõ ai là kẻ gây chiến, ai là kẻ dành quyền quản lý miền nam của chúng tôi, đảng cộng sản có nhiều “thế lực thù địch”, vì những điều tàn ác mà họ đã gây ra với người dân miền nam Việt Nam, nhưng dân tộc Việt Nam và người dân miền nam thì hoàn toàn không có “thù địch” với ai cả. 
Do đó các bạn hiểu rõ, nếu thay đổi toàn bộ xã hội Việt Nam thì kẻ gây ra chiến tranh là ai.
Vậy đi nhé các bạn trẻ thân mến, cuối năm tản mạn với các bạn những điều mà các bạn chưa hề biết, vì nó không nằm trong hệ thống giáo dục của đảng cộng sản, đơn giản là vì những điều tôi vừa nói với các bạn, mang tính nhân văn của người miền nam Việt Nam, sự nhân vân hoàn toàn không có trong chủ thuyết của đảng cộng sản.

Phụ Lục:
Một bài hát của Miền Nam được dịch ra tiếng Nhật, tiếng Tàu (trong Video này)

No comments:

Post a Comment