Hồ Xuân Hương (1/2)
Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013
Hồ Xuân Hương dưới mắt Bùi Xuân Phái và John
Balaban
Đã từ lâu, người ta ca tụng Hồ Xuân Hương là “Bà Chúa Thơ Nôm”. Nôm là biến
âm của chữ Nam, ám chỉ nước Việt, người Việt. Gọi là chữ Nôm để phân biệt với
chữ Hán hay còn gọi là chữ Nho. Tóm lại, Hán hay Nho là chữ của người Tàu, Nôm
là chữ của người Việt (1).
Chữ Nôm được khảm xà cừ trang trí trên ống điếu
Sau khi chữ quốc ngữ được phổ biến vào đầu thế kỷ 20, chữ Nôm dần dần mai một
với chính sách không khuyến khích dùng chữ Nôm của người Pháp. Người ta thường
nói “Nôm na là cha mách qué” với hàm ý
coi khinh chữ Nôm nhưng kho tàng văn chương Việt Nam đã có nhiều tác phẩm giá
trị viết bằng chữ Nôm.
Có thể kể đến truyện Trinh Thử của Hồ Huyền Qui, truyện Trê Cóc và Lục Súc
Tranh Công, không biết tác giả là ai. Sau đó là các tác phẩm Nhị Độ Mai, Bần Nữ
Thán, Quan Âm Thị Kính… Văn thơ Nôm có những áng văn thơ nổi tiếng như Hoa Tiên
Truyện, Bích Câu Kỳ Ngộ, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm và đặc biệt là Truyện
Thúy Kiều.
Truyện Kiều bản Chiêm Vân Thị
dưới tựa đề “Thúy Kiều Truyện Tường Chú”
Hồ Xuân Hương là một trường hợp làm thơ bằng chữ Nôm hiếm có trong lịch sử
văn chương Việt Nam. Thơ Hồ Xuân Hương ngày nay được nhiều người tìm đọc và thưởng
thức vì trộn lẫn “ý tục” được diễn tả dưới dạng “chữ thanh” rất ý nhị pha lẫn
cách dùng chữ theo kiểu… “tả chân mà lại không phải là tả chân”.
Sau này, những ý thơ gợi hình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương còn được khắc họa
sinh động qua nét bút phóng khoáng của cố danh họa thời cận đại, Bùi Xuân Phái
(2), khiến người xem tranh phải… đỏ mặt. Bộ tranh vẽ theo thơ của Hồ Xuân Hương
được cố danh họa thực hiện từ năm 1982 đến 1986. Bộ tranh này hiện do người con
trai của ông là họa sĩ Bùi Thanh Phương lưu giữ.
Phố cổ và tranh khỏa thân trong tranh Bùi Xuân Phái
Hơn thế nữa, thơ Hồ Xuân Hương đã được phổ biến trên văn đàn thế giới.
Trong cuộc viếng thăm Việt Nam năm 2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton nhắc đến
Hồ Xuân Hương nhân sự kiện cuốn sách Spring Essence: The Poetry of Ho Xuan
Huong do nhà thơ Hoa Kỳ John Balaban (3) biên soạn và dịch sang tiếng Anh.
Sách do Copper Canyon Press xuất bản vào tháng 10/2000 tại Hoa Kỳ và Spring
Essence được dịch từ tên của “Bà Chúa Thơ Nôm” Xuân Hương. Tác phẩm này được in
bằng 3 thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Việt và cả chữ Nôm.
“Spring Essence: The Poetry of Ho Xuan Huong”
Theo tôi, có 3 lý do chính khiến trường hợp của Hồ Xuân Hương trở thành đặc
thù và bí ẩn để được các nhà phê bình văn học gán cho danh hiệu “Bà Chúa Thơ
Nôm”. Thứ nhất, bà là một trong những trường hợp hiếm hoi của người phụ nữ làm
thơ, mà lại là thứ thơ châm biếm thiên về khuynh hướng tính dục, vừa thanh lại
vừa tục. Thứ nhì, tung tích của Hồ Xuân Hương, cho đến nay, vẫn còn bao trùm
nhiều bí ẩn. Thứ ba, nhiều học giả cho rằng những bài thơ được coi là của Hồ
Xuân Hương có thể do nhiều người sáng tác trong thời kỳ Nho học không cho phép
người làm thơ đưa ra những tư tưởng phóng khoáng, cách tân.
Giai-nhân Dị-mặc – Sự-tích và thơ-từ Xuân Hương
(Imprimerie Tonkinoise, Hanoi)
Trước tiên, hãy đọc lại những vần thơ thuộc loại “tự sự” như quả mít với những
ngôn từ rất bình dị nhưng không hiểu sao người đọc cứ bị ám ảnh bởi bộ phận kín
của phụ nữ. Động tác “đóng cọc” lên trái mít cho mau chín vẫn được dân gian thực
hiện một cách bình thường nhưng nhà thơ lại khiến người đọc phải… nghĩ bậy!
Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay
(Quả Mít)
John Balaban đã chuyển ngữ sang tiếng Anh bằng 4 câu khá mạnh bạo nhưng tôi
vẫn e rằng người nước ngoài không thể hiểu hết nghĩa của thói quen “đóng cọc”
lên trái mít cho chảy nhựa, mau chín để ăn được. Cụm từ “pierce me with your
stick” không diễn tả hết nghĩa bóng và nghĩa đen của việc… “đóng cọc”:
My body is like the jackfruit on the branch:
My skin coarse, my meat thick
Kind sir, if you love me, pierce me with your stick
Caress me and sap will slicken your hands
(Jack Fruit)
Và họa sĩ Bùi Xuân Phái đã “hình tượng hóa” bài thơ qua bức tranh mô tả một
thiếu nữ ôm quả mít trước cái nhìn thèm thuồng của gã đàn ông râu quặp đứng bên
cạnh. Cảnh trai gái ôm nhau phía sau có tác dụng như một gợi ý chuyện trăng hoa
trong tư tưởng của người đàn ông.
Bài thơ “Quả mít” được họa sĩ Bùi Xuân Phái thể hiện trên tranh
Để mô tả công việc bình thường của người phụ nữ ngày xưa bên khung cửi với
“con cò”, “con suốt”… Hồ Xuân Hương đã khéo léo dẫn người đọc đến chuyện phòng
the nam nữ vốn được coi là “vùng cấm” trong thơ văn thời Nho học:
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau,
Con cò mấp máy suốt đêm thâu.
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc,
Một suốt đâm ngang thích thích mau.
Rộng, hẹp, nhỏ, to, vừa vặn cả.
Ngắn, dài, khuôn khổ cũng như nhau.
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ,
Chờ đến ba thu mới dãi mầu.
(Dệt vải)
Và đây là bài thơ Dệt vải được Balaban đặt tựa đề là Weaving at Night. Việc
đặt tựa đề khi dịch không quan trọng bằng việc diễn tả hết ý của nguyên tác:
Lampwick turned up, the room glows white.
The loom moves easily all night long
As feet work and push below.
Nimbly the shuttle flies in and out.
Wide or narrow, big or small, sliding in snug.
Long or short, it glides smoothly.
Girls who do it right, let it soak
Then wait a while for the blush to show
(Weaving at Night)
Họa sĩ Bùi Xuân Phái phác họa chuyện dệt vải của nữ sĩ Hồ Xuân Hương qua
hình ảnh một thiếu nữ ngồi gục đầu với mái tóc dài xỏa xuống quá lưng. Chỉ bằng
những nét đơn sơ ông đã vẽ nên một thân hình phải nói là tuyệt mỹ. Nói theo
ngôn ngữ ngày nay là “cả 3 vòng” đều đạt tiêu chuẩn của một người phụ nữ đẹp mà
không cần biết mặt mũi ra sao:
Cảm tác của họa sĩ Bùi Xuân Phái từ bài “Dệt vải”
Có người cho rằng thơ Hồ Xuân Hương mang đậm sắc thái của người bị ám ảnh
quá nhiều về tình dục. Điều này cũng đúng qua bài Đánh Đu với câu kết lấp lửng
“Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không”. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, bài thơ là cả một
bức tranh sống động với những từ láy được gieo vần một cách tài tình như “khéo
khéo trồng”, “khom khom cật”, “ngửa ngửa lòng”…
Tám cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông.
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới.
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân ai biết xuân chăng tá!
Cột nhổ đi rồi, lõ bỏ không.
(Đánh Đu)
Balaban cũng chơi chữ khá nhuần nhuyễn khi dịch “Trai đu gối hạc khom khom
cật / Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”
thành “A boy pumps, then arcs his back / The shapely girl shoves up her
hips”:
Praise whoever raised these poles
for some to swing while others watch
A boy pumps, then arcs his back.
The shapely girl shoves up her hips.
Four pink trousers flapping hard,
Two pairs of legs stretched side by side.
Spring games. Who hasn’t known them?
Swinging posts removed, the holes lie empty
(Swinging)
Họa sĩ Bùi Xuân Phái có lẽ tâm đắc nhất với câu kết nên ông chỉ vẽ một
chàng thanh niên vác trên vai một cây tre với câu “Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ
không”. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ phía bên trái bức tranh, sau lưng anh ta có vẽ một
cái lỗ tròn tròn, cỏ mọc um tùn. Điều ý nhị của bức tranh là đây:
"Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không"
(Còn tiếp)
***
Chú thích:
(1) Nhiều học giả cho rằng cách cấu tạo chữ Nôm có thể đã manh nha từ những
năm đầu khi người Trung Hoa chinh phục đất Giao Chỉ thuộc Miền Bắc Việt Nam
ngày nay. Khi đó, họ đặt nền đô hộ trên các bộ lạc người Việt từ những năm đầu
Công nguyên.
Phạm Huy Hổ trong Việt Nam ta biết chữ Hán từ đời nào? cho rằng chữ Nôm có
từ thời Hùng Vương. Văn Đa cư sĩ Nguyễn Văn San lại cho rằng chữ Nôm có từ thời
Sĩ Nhiếp, cuối đời Đông Hán, vào thế kỷ thứ 2. Nguyễn Văn Tố dựa vào hai chữ "Bố
Cái" trong danh xưng Bố Cái Đại Vương do người Việt suy tôn Phùng Hưng mà
cho rằng chữ Nôm có từ thời Phùng Hưng thế kỷ thứ 8. Ý kiến khác lại dựa vào chữ
“Cồ” trong quốc hiệu Đại Cồ Việt để cho rằng chữ Nôm có từ thời Đinh Tiên
Hoàng.
Trong một số nghiên cứu vào thập niên 1990, các học giả căn cứ vào đặc điểm
cấu trúc của chữ Nôm, dựa vào cứ liệu ngữ âm lịch sử tiếng Hán và tiếng Việt,
so sánh đối chiếu hệ thống âm tiếng Hán và tiếng Hán Việt đã đi tới kết luận rằng
âm Hán Việt, tức là cách phát âm của người Việt đọc chữ Hán, bắt nguồn từ thời
nhà Đường - nhà Tống vào thế kỷ thứ 8 hoặc 9.
Về văn bản thì khi tìm chứng tích trước thời nhà Lý, văn tịch hoàn toàn
không lưu lại dấu vết chữ Nôm nào cả. Sang thời Lý mới có một số chữ Nôm như
trong bài bi ký ở chùa xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (tạc năm
1173, niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 11) hay bia chùa Tháp Miếu, huyện Yên
Lãng (nay thuộc Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) tạc năm 1210 triều vua Lý Cao Tông.
Từ thế kỷ 10 cho đến thế kỷ 20, phần lớn các tài liệu văn học, triết học, sử
học, luật pháp, y khoa, tôn giáo và hành chánh được viết bằng chữ Nôm. Dưới triều
đại nhà Tây Sơn, toàn bộ các văn kiện hành chánh được viết bằng chữ Nôm trong
suốt 24 năm, từ 1788 đến 1802. Nói cách khác, chữ Nôm là công cụ duy nhất hoàn
toàn Việt Nam ghi lại lịch sử văn hoá của dân tộc trong khoảng 10 thế kỷ.
Theo học giả Nguyễn Hữu Vinh, “Chữ Nôm là một sáng tạo rất có ý nghĩa của tổ
tiên cha ông ta. Sự xuất hiện của chữ Nôm là một sự kiện lớn đánh dấu sự tiến
triển của nền văn hóa dân tộc trong gần 2000 năm qua. Sự hình thành của chữ Nôm
có thể do sự bức bách cần thiết trong việc giáo hóa dân chúng ở vào thời đại xa
xưa… Càng về sau, mỗi lần đất nước bị kẻ thù phương Bắc xâm lược thì trong những
thời kỳ đó, chữ Nôm lại đóng vai trò tích cực hơn trong việc chống trả ngoại
xâm và xây dựng đất nước.”
(2) Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) là một danh họa của Việt Nam ngang tầm thế
giới, đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm vẽ về Phố cổ Hà Nội (Phố Phái). Quê
ông ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông.
Ông tốt nghiệp khoa Hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa
1941–1946. Năm 1952 về Hà nội và sống tại nhà số 87 Phố Thuốc Bắc cho đến khi mất.
Năm 1956-1957 giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Hà Nội. Tham gia phong trào Nhân
văn Giai phẩm, phải đi học tập lao động trong một xưởng mộc tại Nam Định.
Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh
viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn
Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên - những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự
phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam
mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được
quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái.
Ngoài phố cổ, ông còn vẽ các mảng đề tài khác, như: chèo, chân dung, nông
thôn, khỏa thân, tĩnh vật... rất thành công. Ông vẽ trên vải, giấy, bảng gỗ, thậm
chí cả trên giấy báo khi không có đủ nguyên liệu. Ông dùng nhiều phương tiện hội
họa khác nhau như sơn dầu, màu nước, phấn màu, chì than, bút chì... Các tác phẩm
của ông biểu hiện sâu xa linh hồn người Việt, tính cách nhân bản và lòng yêu
chuộng tự do, óc hài hước, đậm nét bi ai và khốn khổ. Ông đã góp phần rất lớn
vào lĩnh vực minh họa báo chí và trình bày bìa sách, được trao tặng giải thưởng
quốc tế (Leipzig) về trình bày cuốn sách “Hề chèo” (1982).
Do tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, từ năm 1957 trở đi, hoạt động của
ông dần bị hạn chế. Để kiếm sống, ông phải vẽ tranh minh họa và tranh vui cho
các báo, lấy bút hiệu là: PiHa, ViVu, Ly. Mãi đến năm 1984 ông mới có được cuộc
triển lãm cá nhân (đầu tiên và cũng là duy nhất), nhận được sự đánh giá cao từ
phía công chúng, đồng nghiệp. Với 24 bức tranh được khách hàng đặt mua ngay trong
ngày khai mạc, có thể coi đây là triển lãm thành công nhất so với trước đó tại
Việt Nam.
Bùi Xuân Phái
(3) John Balaban là giáo sư văn chương tại Đại học North Carolina, ông cũng
là người nước ngoài đầu tiên dịch ca dao Việt Nam sang tiếng Anh, tiếp đó là tập
thơ Hồ Xuân Hương và truyện Kiều. John Balaban còn thành lập Hội Bảo tồn Di sản
Chữ Nôm tại Hoa Kỳ và một dự án số hóa Hán Nôm đầu tiên ở Việt Nam.
Hồ Xuân Hương và Kiều, hai người phụ nữ Việt giúp Balaban hiểu được phần
nào thân phận của phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến trước kia. Ông cảm
thông trước số phận trớ trêu của Kiều và yêu thích sự hài hước, hóm hỉnh của Hồ
Xuân Hương. Nhưng nếu phải đem so sánh, ông vẫn thích tính cách mạnh mẽ của Hồ
Xuân Hương hơn, còn Kiều thì có vẻ yếu đuối và không tự đấu tranh giải thoát
cho mình được.
Hỏi về những khó khăn khi dịch thơ Hồ Xuân Hương, Balaban cười: “Dịch thơ
Việt sang tiếng Anh đã khó, đằng này lại là thơ Hồ Xuân Hương. Do Hồ Xuân Hương
hay dùng cách nói lái. Thơ Hồ Xuân Hương không chỉ gây nên sự ngạc nhiên mới của
người Mỹ về Việt Nam mà còn giúp chúng tôi tìm thấy một Việt Nam với những tầng
sâu văn hóa khác”.
Dưới đây là những vần thơ lục bát bằng tiếng Việt của Balaban được sáng tác
trong thời gian dịch thơ Hồ Xuân Hương:
Ở bên trời Mỹ vẫn mơ
Nguồn sông còn chảy tình lờ lai rai
Trăm năm tiếng khéo ngân dài
Trên sông cổ nguyệt nhớ hoài Xuân Hương.
John Balaban
(Ảnh chụp lại qua video clip)
***
7 nhận xét:
TTM Gốc Mai09:19 20 tháng 7, 2013
Anh Chính ơi! M xin đưa bài viết này về trang blog và FB bên nhà M. Cám ơn
anh.
Trả lời
Trả lời
Ngoc Chinh Nguyen09:21 20 tháng 7, 2013
OK, TTM Gốc Mai.
Trả lời
Tuan Anh14:35 21 tháng 7, 2013
Đọc rất thú vị !
Trả lời
Anna Nguyen05:12 22 tháng 7, 2013
Cám ơn anh Chính. Xin anh cho copy nhé.
Trả lời
Nặc danh17:42 22 tháng 7, 2013
Xin được copy. Cảm ơn
Trả lời
chi nhan01:23 21 tháng 3, 2014
Bài viết rất hay, xin cho phép được phổ biến cho hậu sinh !!!
Trả lời
Yêu Hà Nội19:12 29 tháng 5, 2014
Đã được đọc hồi ký này khi còn ở Multiply.
Xin được copy lại trong blog mới.
Cảm ơn trước.
YHN.
Trả lời
No comments:
Post a Comment