Sunday, March 31, 2019


Một người thầy

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019
Tản mạn về một người thầy

Tôi vẫn thường nói đùa, Giáo sư Bùi Dương Chi là một trong những người Việt tỵ nạn đến Hoa Kỳ sớm nhất. Chính xác là vào năm 1974, một năm trước ngày “định mệnh” khi Miền Nam… “đổi chủ”.

Sớm là vì ông rời Việt Nam để nhận học bổng của Đại học Boston, Massachusetts, môn Cao học Giáo dục khi Sài Gòn vẫn còn chìm đắm trong lửa đạn chiến tranh. Đến khi tốt nghiệp, ông không thể về nước và đã trở thành người tỵ nạn “bất đắc dĩ” để bắt đầu cuộc sống mới nơi đất khách.


GS Bùi Dương Chi tại Sài Gòn, 2015

Âu đó cũng là một “duyên may” khi tôi được học Anh văn với GS Chi năm lớp Đệ Tam và Đệ Nhị tại trường Trung học Ban Mê Thuột. Phải nói, cuối thập niên 60 Anh văn là một môn học đã thu hút sự chú ý của học sinh khi cuộc chiến tại Miền Nam bắt đầu “leo thang” với sự hiện diện của Hoa Kỳ và các nước đồng minh khác.

Thầy và trò chỉ hơn nhau 7 tuổi nhưng quả thật GS Chi đã “thổi” vào đầu óc học trò tỉnh nhỏ chúng tôi “một luồng gió mới” về môn Anh văn, nhưng quan trọng hơn cả là những suy nghĩ về cuộc sống. Đó là điều đọng lại sâu đậm nhất dù chỉ hai năm ngắn ngủi nhưng tràn đầy kỷ niệm của tuổi học trò.

Anh văn hồi tôi còn đi học chỉ là môn sinh ngữ phụ, sau tiếng Pháp. Ấy thế mà chỉ trong 2 năm mọi chuyện đã thay đổi, nó trở thành sinh ngữ chính lúc nào không biết. Thầy Chi có một phương pháp dạy học rất mới, ông kết hợp sách giáo khoa với âm nhạc, văn chương và cả với các hoạt động ngoài lớp học.

Ông dạy chúng tôi những bài thuộc loại dân ca Hoa Kỳ như “Five hundred miles” (1), những truyện ngắn nổi tiếng như của O’Henry, “The gift of the magi”, và thiết thực hơn nữa, ông tổ chức xây thư viện trong sân trường. Học sinh tự làm gạch rồi tự xây một thư viện “bỏ túi” để vào ngồi đọc sách! 


Thầy Chi và Thư viện trường Trung học Ban Mê Thuột

Rồi thời gian qua đi, thầy trò gặp lại nhau khi GS Chi về Sài Gòn để làm thủ tục du học năm 1974. Khi đó tôi đã là giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội và hai thầy trò lên An ninh Quân đội (Số 4 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) để tôi đứng ra bảo lãnh cho thầy đi Mỹ du học theo luật định hồi đó!

Cả hai thầy trò đều không ngờ đó là lần cuối của thầy tại Việt Nam, rõ hơn là dưới chính thể VNCH. Cuộc đời của một giáo sư Anh văn đã bước sang một trang mới, tôi gọi đó là “đời tỵ nạn”, khác hẳn với đời của một giáo chức ngày xưa.

Qua những hồi ức mang tên “Tôi du học”, chúng ta hiểu được phần nào cuộc sống của người tỵ nạn những ngày đầu sau biến cố 30/04/1975. Thầy Chi viết:

“Tốt nghiệp NK [niên khóa] 1975-1976 tôi theo lời khuyên của thân nhân xuống tiểu bang Virginia kiếm việc vì nơi đây đang tuyển dụng giáo viên dậy tiếng Anh cho học sinh nhập cư. Nộp đơn và tờ khai quá trình dậy học mới mấy ngày là tôi đã nhận được thư nhanh mời đến Phòng Nhân Viên để Tiểu Ban Tuyển Dụng phỏng vấn”.

Thầy Chi đã được tuyển dụng làm giáo viên tiếng Anh, là “ngôn ngữ thứ hai” (ESL – English as a Second Language), kiêm tư vấn cho Ủy ban vì sĩ số Trung-Tiểu học và Mẫu giáo tại Fairfax khi đó đã lên tới khoảng 188.000 học sinh với gần 1/3 có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh.

Thầy được xếp vào bậc lương “Step 5”, bậc cao nhất dành cho những người ngoài tiểu bang đến dậy với kinh nghiệm trên 5 năm. Trước khi nhận việc, thầy Chi được thuyết trình rất kỹ về nền giáo dục Hoa Kỳ, chẳng hạn như nguyên tắc “Spare the rod, spoil the child” (Tha roi vọt là làm hư trẻ) hoàn toàn không được áp dụng tại Mỹ.

Giáo viên nào xúc phạm đến thân thể học sinh trong bất kỳ tình huống nào là vi phạm luật giáo dục và cả luật hình sự. Ông Giám đốc Nhân viên nhấn mạnh đó là nguyên tắc mà tất cả mọi giáo viên cũng như ban Giám hiệu phải tuân thủ triệt để tại Hoa Kỳ. Ông còn giải thích thêm, “In Rome do like the Romans” (Ở La Mã phải hành xử như người La Mã).

Điều khiến thầy Chi bối rối là vấn đề quốc tịch. Theo luật định, giáo viên phải có quốc tịch Mỹ nên nhà trường có lời khuyên ông nên đến Sở di trú nộp đơn nhập quốc tịch càng sớm càng tốt. Ông rất khó xử vì không có ý định bỏ quốc tịch Việt Nam. Thấy vậy, ông Giám đốc khuyên thầy nên suy nghĩ kỹ về vấn đề này sau niên học đầu tiên.


"Tôi du học" - Bùi Dương Chi

Đang từ một nền giáo dục của VNCH với 3 nguyên tắc "Nhân bản - Dân tộc - Khai phóng" thầy Chi được tiếp xúc với một lý thuyết mới lạ của Hoa Kỳ, trong đó vai trò của thầy và trò được xác định qua phương châm: “Đừng đi đằng trước tôi, tôi không theo đuôi; đừng đi đằng sau tôi, tôi không dẫn lối; hãy đi bên cạnh tôi và làm bạn của tôi” (2). Ông viết:

“Ở Mỹ, trong một niên khóa, học sinh thường học từ 190 đến 200 ngày… Học sinh nhà nghèo được mượn sách và ăn trưa miễn phí. Vì quận Fairfax rất khá giả [về ngân sách] nên nhiều em còn được ăn điểm tâm dù cha mẹ không phải là công dân Mỹ.

“Tiết 2 thường gọi là “Homeroom”. Tất cả các học sinh cùng lớp phải về phòng của giáo viên hướng dẫn (chủ nhiệm) để điểm danh, chào cờ, nghe thông cáo, thảo luận sinh hoạt hiệu đoàn (ngoại khóa), v.v…

“Trừ tiết “Homeroom”, tiết thể dục và tiết ăn trưa, học sinh thường học 4 tiết mỗi ngày, tùy theo trình độ và các môn đã chọn được ghi trong thời khóa biểu cá nhân để đi đến phòng học… 

(hết trích)

Một đặc điểm của nền giáo dục trung học Hoa Kỳ là chương trình “G & T” (Gifted & Talented - Thiên phú & Tài năng). Những em dù điểm trung bình thấp vẫn có thể được chọn vào nhóm này miễn là có lý luận sắc bén, có ý kiến khác người hoặc thậm chí có óc tưởng tượng phong phú.

Theo GS Chi, nhờ những chương trình tìm kiếm và đào tạo nhân tài như vậy mà Hoa Kỳ luôn giữ ngôi vị hàng đầu trong các lãnh vực khoa học, nghệ thuật, kinh tế, quân sự…


“School bus” chở học sinh đến trường và về nhà

Cuối niên khóa 1981-1982 Khu học chính Fairfax lại gửi văn thư nhắc về việc nhập quốc tịch Mỹ. Thầy Chi suy nghĩ rất nhiều về chuyện này. Ông cho rằng giáo viên dạy trung và tiểu học ở Mỹ khác hẳn với công việc của một giáo sư dạy trung học tại Việt Nam mà ông đã trải qua. 

Khi còn dạy Đệ nhị cấp tại Ban Mê Thuột ông chỉ dạy có 12 tiếng mỗi tuần và được trả lương phụ trội nếu dậy thêm giờ. Ở Mỹ, ông làm việc 8 tiếng mỗi ngày, kể cả công việc chăm lo cho học sinh tại căng-tin!

Cuối cùng, thầy Chi tạm xếp bút nghiên để hành nghề lao động tự do! Ông chọn nghề thợ sơn và sửa chữa lặt vặt sau khi đã nghiên cứu sách vở và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước.

Để quảng cáo, ông nhờ người quen thiết kế “tờ rơi” (flyer), in thành 1.000 bản rồi đem bỏ vào thùng thư hoặc gài vào khe cửa từng nhà khắp vùng Tây Bắc Washington thay vì quảng cáo trên các phương tiện truyền thông rất tốn kém.


Tờ rơi quảng cáo dịch vụ sơn sửa nhà cửa

Chờ đợi hơn một tháng mà chẳng thấy một người khách nào gọi điện thoại đến! Ông bắt đầu nao núng với số tiền đã bỏ ra mua dụng cụ, tiền trả góp xe pick-up để chuyên chở đồ đạc. Tức cảnh ông làm thơ than thở:

“Chờ hoài khách không gọi,
Quanh quẩn đếm ngày qua,
Khoan, kìm, cưa, búa… rỉ
Bạc đầu ai biết ta?” 


Đầu tư cho một nghề mới

Thế rồi khách hàng đầu tiên cũng xuất hiện. Ông kể lại lần “mở hàng” trong “Tôi du học”:

“Tổ sơn mộc chắc thấu tình nên ít lâu sau đó có một bà gọi điện thoại hỏi tôi nhận sơn sửa lặt vặt không? Mừng quá tôi thưa: “no job is too small” nhưng giả bộ bận việc, tôi gồng mình nói tuần tới mới có thể ghé qua xem việc được. Rất may bà chịu chờ. Tới ngày hẹn, tôi mặc một bộ quần áo bạc mầu, khuỷu tay và đầu gối vá thêm vải lót, lái xe tới đậu gần nhà bà, căn y chang giờ giấc rồi cầm sổ tay bước lên thềm nhấn chuông.

“Chờ một hồi vừa nghe tiếng chó con sủa thì một bà đứng tuổi mở cửa ra gặp. Bà xin lỗi vì mắc bận điện thoại đường dài. Tôi tươi tỉnh chào và xin xem nơi cần sơn sửa. Bà dẫn ra nhà để 2 xe (2-car garage) bảo tôi con bà sắp vào Đại học nên đã đến lúc gỡ bỏ khu bóng rổ, trám xi măng các lỗ xoắn, thay mấy khung kính bị rạn nứt phía trên cửa và sơn 3 mặt ngoài của garage ăn thông với nhà bếp.

“Chăm chú ghi chép xong, tôi ra giá. Bà bằng lòng. Tôi cám ơn và một lần nữa lại giả bộ bận bịu nên nói để tôi xem lại lịch làm việc rồi sẽ bắt đầu.

(hết trích)

Sau mấy ngày lao động cật lực, kể cả việc quét dọn sạch sẽ “hiện trường” và trừ đi tiền mua vật liệu… tiền công ông kiếm được trong “phi vụ” đầu tiên bằng cỡ ¼ lương tháng của một giáo viên!

Với chủ trương “lấy công làm lời” của một “tay ngang”, thầy Chi đã bắt đầu một cuộc sống lao động chân tay, khác hẳn với những ngày lao động trí óc trước đó. Vị khách hàng đầu tiên rất hài lòng với công việc thầy Chi đã làm và từ đó giới thiệu với bạn bè có nhu cầu sửa chữa.

Dần dà, qua những lời giới thiệu truyền miệng (words of mouth), những tháng sau đó thầy Chi đã có từ một đến hai khách hàng. Người xưa đã nói “năng nhặt chặt bị” quả là không sai!

Đây cũng là dịp tốt để ông tiếp xúc với giới tinh hoa của khu phố cổ Georgetown tại thủ đô Washington. Khu này rất nổi tiếng vì là nơi sinh sống của những nhân vật thành đạt trong giới hàn lâm, chính khách và doanh nhân.

Thầy Chi dần dần phát triển dịch vụ sơn sửa nhà cửa với một ông anh ruột, một người bạn cũ là cựu giáo sư ngày xưa cùng dậy học trên Ban Mê Thuột… rồi lại còn thêm 3 anh em ruột thuộc loại “thợ gì cũng làm” khi mới vượt biên sang Hoa Kỳ.

Có thể nhờ vào nhân cách của cả tốp thợ tay ngang nên khách hàng, những người cần sự an toàn và riêng tư, rất tin tưởng khi giao phó công việc sửa sang nhà cửa.

Thầy Chi còn giữ được thư cám ơn của một viên chức Quỹ Dự trữ Tiền tệ Liên bang. Âu đó cũng là một phần thưởng tinh thần dành cho những người Việt chân chính tại đất Mỹ, bất kể đó là lao động trí óc hay lao động chân tay.


Thư cám ơn của một khách hàng

Chuyện “Tôi du học” của GS Chi là như vậy. Tuy nhiên tôi lại nghĩ, nên đặt tên cho chuyện này là chuyện của những người di tản thời kỳ đầu tiên trên đất Mỹ để chúng ta có thể biết chi tiết hơn về cuộc sống của những người tha hương… “bất đắc dĩ”!

***

Chú thích:

(1) Bản nhạc “Five hundred miles” có kèm lời ca với hơn 6 triệu người vào nghe:

(2) “Don’t walk in front of me, I will not follow; don’t walk behind me, I will not lead; walk beside me and be my friend”.


***

Tham khảo thêm:

* “Tình nghĩa thầy trò”
chinhhoiuc.blogspot.com/2014/07/tinh-nghia-thay-tro.html

* “Qùa Giáng Sinh” (The Gift of the Magi)
chinhhoiuc.blogspot.com/2017/12/qua-giang-sinh.html

***

No comments:

Post a Comment