Thursday, March 28, 2019


Hồ Xuân Hương (2/2)


Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013
Hồ Xuân Hương: nhà thơ nhiều bí ẩn
(Tiếp theo)

Hồ Xuân Hương được coi là nhà thơ tranh đấu cho quyền bình đẳng của nữ giới, ngày nay người ta thường gọi là phong trào giải phóng phụ nữ (women’s liberation movement). Cho dù Women’s Lib chỉ chính thức bắt đầu từ thập niên 60 nhưng Bà Chúa Thơ Nôm đã có những tư tưởng “cách mạng” về vai trò của phụ nữ từ hơn 200 năm trước.

Trong một xã hội bị trói buộc bởi Nho giáo, việc phụ nữ chửa hoang là điều tối kỵ nên mới có câu mỉa mai “Không chồng mà chửa mới ngoan / Có chồng mà chửa thế gian sự thường”. Là một nhà thơ nữ, Hồ Xuân Hương đã dũng cảm nói lên tâm sự của cô gái mang trong bụng một “khối tình” chỉ vì “cả nể” nhưng vẫn mạnh bạo mỉa mai sự nghịch lý chua chát của thân phận đàn bà: “Không có nhưng mà có mới ngoan”.    


“Vịnh người chửa hoang”

Trong bản dịch bài thơ Vịnh người chửa hoang, giáo sư John Balaban dùng tựa đề The Unwed Mother, trong đó “cả nể” được chuyển thể sang tiếng Anh thành “too easy”; “nỗi lòng” thành “the hollow in my heart” và “không có nhưng mà có mới ngoan” biến thành “don’t have it, yet have it! So simple”.

Tôi nghĩ, cách chuyển thể của Balaban chỉ mới thoát ý về mặt ngôn từ. Ý nghĩa sâu xa của câu ca dao Việt Nam “Không chồng mà chửa…” chắc hẳn người đọc nước ngoài trong bối cảnh một nền văn hóa khác hẳn Việt Nam làm sao hiểu được sự mỉa mai của Hồ Xuân Hương. Câu kết “Don’t have it, yet have it! So simple” của Balaban chắc chắn trở thành khó hiểu đối với người đọc bản dịch, nó không “đơn giản” (so simple) như lời của người dịch!  

Because I was too easy, this happened.
Can you guess the hollow in my heart?
Fate did not push out a bud
even though the willow grew.
He will carry this a hundred years
but I must bear the burden now.
Never mind the gossip of the world.
Don’t have it, yet have it ! So simple.

Công việc dịch thuật của Balaban khó khăn hơn nhiều nếu so với những cảm tác bằng tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Chẳng hạn như bài Vịnh cái quạt cũng là một ý “đột phá” trong thơ Hồ Xuân Hương mà cố danh họa trình bày qua nét phác thảo. Tuy thơ và họa hoàn toàn không trùng khớp với nhau nhưng người đọc thơ cũng như xem tranh vẫn tìm thấy ở đâu đó nét tương đồng ngoài việc có chung một hình ảnh là cái quạt: 

Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa,
Duyên em dính dáng tự ngàn xưa.
Vành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.
(Vịnh cái quạt)


Cảm tác “Vịnh cái quạt” của Bùi Xuân Phái

Dựa vào một số tài liệu lưu truyền, những bài thơ được khẳng định là của Hồ Xuân Hương, các nhà nghiên cứu đã tạm thừa nhận một số kết luận ban đầu về tiểu sử của bà: Hồ Xuân Hương (1772-1822) thuộc dòng dõi họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đây là một dòng họ lớn có nhiều người đỗ đạt và làm quan nhưng đến đời Hồ Phi Diễn - thân sinh của bà - thì dòng họ này đã suy tàn.

Bà Chúa Thơ Môm là một nhân vật văn học có nhiều bí ẩn, nói theo ngôn ngữ thời nay, Hồ Xuân Hương là người “có nhân thân không rõ ràng”. Bà là một phụ nữ tài hoa, có cá tính mạnh mẽ, nhưng đời tư lại gặp nhiều bất hạnh, sóng gió.

Nguyễn Hữu Tiến trong Danh nhân Dị mặc còn mô tả Hồ Xuân Hương có khuôn mặt “rỗ hoa” nên lận đận về đường tình duyên. Có thể đó cũng là lý do Hồ Xuân Hương lấy chồng muộn, mà đến hai lần đi lấy chồng, cả hai lần đều làm lẽ và cả hai cuộc hôn nhân đều ngắn ngủi, không có hạnh phúc.

Theo tài liệu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Lê Xuân Giáo, nữ sĩ lại có tới 3 đời chồng chứ không phải hai: người chồng đầu tiên là một ông cai tổng có tục danh là Cóc, tiếp đến là quan tri phủ Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Yên) họ tên đến này vẫn chưa rõ và cuối cùng là quan tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển.

Cũng theo Nguyễn Hữu Tiến, lúc trẻ Xuân Hương bị mẹ ép uổng phải lấy Tổng Cóc vốn đã dốt lại có tính ăn chơi bạt mạng, sau một lần đánh bạc thua nhẵn túi, gia sản khánh kiệt nên tiếc của mà chết. Theo Dương Văn Thâm, Xuân Hương làm bài thơ nổi tiếng Khóc Tổng Cóc lời lẽ trào phúng trong thời gian sau khi tái giá với tri phủ Vĩnh Tường:

Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi.
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi

Nguyễn Văn Hanh là người áp dụng phương pháp bệnh lý vào việc khảo cứu văn học theo Phân Tâm Học của Sigmund Freud, ông viết về trường hợp Hồ Xuân Hương: “Người ta ai cũng có sẵn tình dục. Nếu để tự nhiên theo sự nảy nở của cơ thể thì không sao, nhược bằng vì một lý do nào đó mà phải kiềm chế, thì có thể xảy ra bệnh lý gọi là “ẩn ức tình dục,” khiến con bệnh sinh ra những ý nghĩ, ngôn ngữ, hành động đặc dục tình…”.

Thơ Hồ Xuân Hương bài nào cũng đầy ắp những hình tượng tính dục nhưng lại được chuyển tải bằng một thứ ngôn ngữ rất “đời thường”, chẳng hạn như “nòng nọc đứt đuôi” hoặc “cửa son đỏ loét tùm hum nóc”:  

Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.
Hiền nhân, quân tử ai là chẳng…
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.
(Đèo Ba Dội)

Cũng vì những ngôn từ bình dân đó mà ngày nay người ta thường “nhái” thơ Hồ Xuân Hương để biến thành thơ… tếu. Chẳng hạn như bài Đèo Ba Dội đã được người đời sau biến thành hình ảnh và lời thơ vui như dưới đây:


Một trong những câu thơ “nhại” bài “Qua Đèo Ba Dội”

Họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng có một bức tranh thiếu nữ khỏa thân cảm tác từ bài Đèo Ba Dội. Bằng những nét phác thảo đơn sơ, Bùi Xuân Phái đã cho chúng ta thấy một người phụ nữ trên người không mảnh vải, ngoại trừ chiếc khăn vấn trên đầu theo kiểu phụ nữ miền Bắc ngày xưa:   


“Đèo Ba Dội”,
tranh Bùi Xuân Phái

Hai chị em người thiếu nữ trong Tranh hai tố nữ lai là một bài thơ không mang tính dục, Hồ Xuân Hương chỉ đưa ra một hình ảnh đẹp, “chị cũng xinh mà em cũng xinh” cái đẹp “mỏng manh” của tờ giấy trắng mà tạo hóa đã nhào nặn.

Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?
Chị cũng xinh mà em cũng xinh.
Đôi lứa như in tờ giấy trắng,
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.

Phiếu mai chi dám tình trăng gió,
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh.
Còn thú vui kia sao chẳng thấy,
Trách ông thợ vẽ khéo vô tình.
(Tranh hai tố nữ)

“Ông thợ vẽ” Bùi Xuân Phái không thể nào “vô tình” trước hai chứ không phải là một tòa thiên nhiên. Ông có sáng kiến cho người mẫu đứng trước gương để tạo một hình ảnh phản chiếu “như in” và chúng ta được thưởng thức cái đẹp của hai tố nữ. Dù không thấy mặt nhưng ngắm tranh ta cảm nhận được ngay hai thân hình gợi cảm:  


"Tranh hai tố nữ",
tranh Bùi Xuân Phái

Theo tôi, Thiếu nữ ngủ ngày là một trong những bài thơ hay của Hồ Xuân Hương với cách dùng chữ rất… Xuân Hương! Chúng ta hãy tưởng tượng một buổi trưa hè “hây hẩy” gió nồm từ hướng đông thổi về, người thiếu nữ tuy chỉ “nằm chơi” nhưng rồi lại thiếp đi trong giấc ngủ ngày… Yếm đào trễ xuống để lộ đôi “gò bồng đảo” và bên dưới là “lạch đào nguyên”. Bạn sẽ xử trí ra sao khi đứng trước cảnh này?

Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc chải cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch đào nguyên nước chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong.
(Thiếu nữ ngủ ngày)

Bùi Xuân Phái lấy ý hai câu cuối để phác thảo bức tranh Thiếu nữ ngủ ngày:


“Thiếu nữ ngủ ngày”,
phác thảo của Bùi Xuân Phái

Thơ Hồ Xuân Hương và cảm tác của họa sĩ Bùi Xuân Phái về những bài thơ đó còn khá nhiều nhưng chỉ xin đưa ra hai bài nữa. Đó là bài Giếng nước và một bài thơ hơi dài: Đánh cờ.

Ngõ sâu thăm thẳm tới nhà ông,
Giếng ấy thanh tân, giếng lạ lùng.
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép,
Nước trong leo lẻo một dòng thông!

Cỏ gà lún phún leo quanh mép,
Cá giếc le te lách giữa dòng.
Giếng ấy thanh tân ai đã biết?
Đố ai dám thả nạ rồng rồng.
(Giếng nước)


“Giếng nước”,
Tranh Bùi Xuân Phái

Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết.

Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Để đôi ta quyết liệt một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen,
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa.

Thọat mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.

Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Đem tốt đầu dú dí vô cung,
Thiếp đang mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.

Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu
Thua thì thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà
(Đánh Cờ)


“Đánh cờ”,
tranh Bùi Xuân Phái

Ngoài thơ chữ Nôm, những bí ẩn về Hồ Xuân Hương đã phần nào lộ diện qua những bài thơ chữ Hán. Năm 1962, ông Trần Văn Giáp đã công bố 5 bài thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương trên báo Văn nghệ viết về vịnh Hạ Long. Đến năm 1983, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã dịch và đặt tên cho 5 bài thơ này (bao gồm: Độ Hoa Phong, Hải ốc trù, Nhãn phóng thanh, Trạo ca thanh, Thuỷ vân hương) và công bố trong bài viết Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long, đăng trên tập san Khoa học xã hội, tại Paris năm 1984.

Năm 1964, nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại phát hiện một tập thơ nữa tên là Lưu hương ký (琉香記) mà nhiu người cho rằng những bài thơ đó là của Hồ Xuân Hương. Lưu Hương Ký là tập thơ có nội dung tình yêu, gia đình, đất nước, nhưng không thể hiện rõ cá tính mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương bằng thơ Nôm, cho nên, việc nghiên cứu giá trị thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu được thực hiện qua những bài thơ Nôm truyền tụng của bà.

Cũng cần phải nói thêm, tập Lưu Hương Ký gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài chữ Nôm nhưng tựa đề thì vẫn bằng chữ Hán. Đọc Lưu Hương Ký  ta thấy Xuân Hương có khá nhiều bạn trai, bạn thơ, bạn tình... nào Nguyễn Hầu, nào Trần Hầu, nào Tốn Phong thị, Mai Sơn Phủ, Thạch Đình, Cự Đình, Thanh Liên, Chí Hiên... Lưu Hương Ký  có rất nhiều câu than thân nên Trần Thanh Mại nhận xét: "Lưu Hương Ký là tiếng kêu thất vọng để có một tình yêu thành thực, thủy chung".

Trong một bài nghiên cứu khá công phu của Nguyễn Thị Chân Quỳnh (*), tác giả đưa ra nhận xét: “Ông Trần Thanh Mại xót thương "người đẹp" thì nghĩ thế chứ công bình mà nói thì Xuân Hương của Lưu Hương Ký thiếu gì bạn tình, chính mình không chuyên nhất, không chung thủy, sao có thể trách người chẳng thủy chung?”.

Trong Lưu Hương Ký  có một bài rất được chú ý là bài Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu, Nghi-xuân, Tiên-điền nhân, tạm dịch là nhớ bạn cũ viết gửi Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu, người ở Nghi-xuân, Tiên Điền. Đề tựa bài thơ khiến ta nghĩ ngay đến Nguyễn Du bởi Nguyễn Du quê ở Nghi-xuân, Tiên Điền, năm 1805 được phong Du Đức Hầu. Và đó cũng là một bí ẩn giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du.

Theo Nguyễn Thị Chân Quỳnh, khó có thể có một người họ Nguyễn thứ hai ở Tiên-điền cũng được phong làm Cần Chánh học sĩ nên ông Trần Thanh Mại là người đầu tiên đoán Nguyễn Hầu chính là Nguyễn Du. Bài thơ Cảm cựu… được bắt đầu bằng 2 câu:

Dậm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Cậy ai tới đấy gửi cho cùng.

Hai câu thơ này cho ta cảm tưởng trên đường đi sứ sang Tàu, qua Thăng Long, Nguyễn Du có gặp lại Hồ Xuân Hương và bài thơ được sáng tác ngay sau khi đôi bên chia tay, tâm thần đang bị  khích động nên mới có "muôn nghìn nỗi nhớ".

Mối tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.

Hồ Xuân Hương nói rõ hai người dan díu với nhau đủ "ba năm vẹn", vậy thử tìm xem Ông Hoàng Thơ Việt và Bà Chúa Thơ Nôm yêu nhau vào thời điểm nào? Tác giả Chân Quỳnh phân tích:

“Nguyễn Du tuy sinh (1765) ở Thăng-long nhưng năm mười tuổi mồ côi cha phải đến ở với anh là Nguyễn Khản được vài năm thì về quê học. Năm 17 tuổi ta (1781), Nguyễn Du trở ra Thăng-long, đi thi đỗ Tam trường rồi ở lại Thăng-long cho tới khi kiêu binh phá nhà Nguyễn Khản (1784), Nguyễn Du phải trốn lên Thái-nguyên ở với cha nuôi họ Hà, giữ chức Chánh Thủ hiệu (một chức quan võ nhỏ) ở đó. Như thế thì sự hiện diện của Nguyễn Du ở Thăng-long trong khoảng thời gian 1781-4 coi như chắc chắn.

Về Hồ Xuân Hương, ông Hoàng Xuân Hãn đoán bà sinh năm 1772 thì đến 1781 bà mới có 9 tuổi, dù cả hai đều có mặt ở Thăng-long đủ ba năm cũng không thể bắt tình với nhau được”.

Hơn nữa, Hồ Xuân Hương nói mối tình kéo dài "ba năm vẹn" thế mà trong suốt tập Lưu Hương Ký không có lấy một bài thơ của Nguyễn Du xướng hay họa với Xuân Hương. Đối với cặp tài tử hay thơ như Xuân Hương - Nguyễn Du kể cũng lạ.

Chân Quỳnh kết luận: “Chúng ta cũng chưa có bằng chứng nào minh định là Nguyễn Du đã có một thời yêu Xuân Hương, bài "Cảm cựu..." chỉ "minh chứng" mối tình của Xuân Hương đối với Nguyễn Du mà thôi. Phần Nguyễn Du không có lấy một câu thơ nào cho biết đích xác Nguyễn Du có tình với Xuân Hương. Ở đời có khi "hoa rơi tuy hữu ý" mà "nước chẩy lại vô tình", chung quy chỉ là "giấc mộng rồi ra nửa khắc không"!

Hồ Xuân Hương quả là một trường hợp đặc biệt trong văn chương Việt Nam cách đây hơn 200 năm. Như đã nói ở phần trên, có 3 lý do chính khiến trường hợp của Hồ Xuân Hương trở thành đặc thù và bí hiểm: (1) bà là người phụ nữ làm thơ, (2) bà có tung tích bí ẩn, nên từ đó nảy sinh ra lý do thứ ba cho rằng những bài thơ được coi là của Hồ Xuân Hương có thể do nhiều người sáng tác.

Bất kể những lý do trên, chúng ta là những kẻ hậu sinh vẫn tự hào về một Hồ Xuân Hương với những vần thơ “độc nhất vô nhị” và dĩ nhiên xứng đáng với danh hiệu Bà Chúa Thơ Nôm.


Hồ Xuân Hương trên bìa sách
“Giai Nhân Dị Mặc” của Nguyễn Hữu Tiến
(Imprimerie Tonkinoise, Hanoi)

***

Chú thích:

(*) Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Châtenay-Malabry, tháng 9/1998. Thế Kỷ 21, số 115 tháng 11/1998. Sửa lại tháng 9/2005 (http://vietsciences.free.frhttp://vietsciences.net).

***

Bình luận trên FB:




***
2 nhận xét:

bố susu22:01 23 tháng 7, 2013
bài viết thật công phu
đọc thật hay

Trả lời

TTM Gốc Mai08:20 24 tháng 7, 2013
Anh Chính ơi! để tối nay M lại mang về nhà cất đó. Anh đã dày công nghiên cứu mới có những nhận định sâu sắc về HXH, chứ người bình thường như M thì từ khi ra trường đến nay cứ bôn ba với đời, có sách thì chỉ đọc mà không nghiên cứu sâu về bất kỳ sự kiện gì cả.

Trả lời

No comments:

Post a Comment