Wednesday, September 4, 2019


Sau Huawei, Mỹ sẽ "tống cổ" gã khổng lồ đường sắt Trung Quốc khỏi thị trường nước này?

Sau Huawei, Mỹ sẽ "tống cổ" gã khổng lồ đường sắt Trung Quốc khỏi thị trường nước này?

Tác giả: Ngọc Khánh        Nguồn: Soha      Ngày đăng: 2019-05-30


CRRC - doanh nghiệp đường sắt số 1 của Trung Quốc

Mục tiêu tiếp theo của Mỹ được cho sẽ là tập đoàn đường sắt số 1 của Trung Quốc.
Tập đoàn đường sắt Trung Quốc CRRC: (­­­CRRC Corporation Limited) - doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc - đang đứng trước nguy cơ buộc phải rút lui khỏi hệ thống tàu điện ngầm quanh khu vực thủ đô Washington DC.
Sau khi đang liên tục gây áp lực đến "ông lớn" sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc Huawei thì mục tiêu tiếp theo được cho rằng quốc hội Mỹ nhắm đến sẽ là Tập đoàn đường sắt CRRC.
Tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản) đưa tin ngày 25/5 cho biết, bốn Thượng nghị sĩ Mỹ bao gồm Mark Warner và những người khác đến từ các vùng lân cận thủ đô Washington đã đệ trình một dự luật có điều khoản: 
"Cấm các nhà khai thác tàu điện ngầm Washington ký hợp đồng đường sắt với bất kỳ công ty sở hữu hoặc liên quan đến tài chính thuộc quốc gia có nền kinh tế phi thị trường".
Dự luật không đề cập đến các quốc gia hoặc công ty cụ thể nào nhưng nó được cho là nhắm vào CRRC của Trung Quốc.
"Việc sử dụng phương tiện đường sắt Trung Quốc gây ra mối đe dọa đối với an ninh Mỹ" - Thượng nghị sĩ Warner phát biểu ở cuộc họp báo trong ngày đệ trình dự luật.
Đồng thời, ông cảnh báo, có khả năng các phương tiện do Trung Quốc sản xuất sẽ được sử dụng như một công cụ để thu thập các cuộc gọi và hình ảnh trong tàu điện ngầm. Điều này diễn ra trong bối cảnh công ty đường sắt số 1 thế giới - CRRC đã ký hợp đồng tàu điện ngầm loại mới với các thành phố lớn như Los Angeles, Chicago, Boston và Philadelphia.
Trước đó, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer, do lo ngại những ảnh hưởng liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ đã yêu cầu Bộ Thương mại nước này điều tra khả năng thiết kế phương tiện của CRRC.
theo Trí Thức Trẻ

***

TQ vừa thân thiện, vừa "mưu đồ" chiếm phần hơn trên sân nhà của Nga: Không qua được mắt Moskva!
Tác giả: An An    Nguồn: Soha      Ngày đăng: 2019-05-30


Một nhóm nghiên cứu trên tàu phá băng Rồng tuyết Trung Quốc đang tiến hành nghiên cứu ở Bắc Băng Dương. Ảnh: Tân Hoa Xã

Khu vực Bắc Cực đang tan băng và Trung Quốc đang tận dụng cơ hội này để mở rộng ảnh hưởng về phía Bắc.
Trung Quốc mở rộng hoạt động ở Bắc Cực
The New York Times (Mỹ - NYT) nhận định: 
"Đối với Trung Quốc, sự tan băng của Bắc Cực mang lại hai lợi ích tiềm năng: nguồn năng lượng mới và tuyến vận chuyển hàng hải ngắn hơn qua khu vực phía Bắc của thế giới. Vì những mục đích này, Trung Quốc đang phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn với Nga".
Ở vị trí cách quê nhà 3000 dặm (khoảng 5000 km), các công nhân Trung Quốc đang tiến hành khoan thăm dò khí đốt tự nhiên bên dưới vùng nước băng giá biển Kara - ngoài khơi bờ biển phía Bắc của Nga.
Vào mỗi mùa hè trong 5 năm qua, các tàu chở hàng của Trung Quốc thường đi qua vùng biển đầy băng gần bờ biển Nga và các quan chức Bắc Kinh muốn gọi tuyến đường này là con đường tơ lụa địa cực. Công ty đóng tàu Trung Quốc gần đây đã hạ thủy tàu phá băng thứ hai mang tên "Tuyết Long 2" (tức Rồng tuyết 2) tại Thượng Hải.
Ông Aleksi Harkonen, Đại sứ của Phần Lan về các vấn đề Bắc Cực cho biết, tham vọng của Trung Quốc tại Bắc Cực cũng giống như tham vọng của họ ở tất cả các nơi khác. 
"Trung Quốc tìm kiếm ảnh hưởng trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Bắc Cực." ông nói.


Hiện tượng băng tan được cho mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc. Ảnh: AFP

Theo NYT, quan hệ đối tác Trung-Nga đã thúc đẩy tại khu vực này trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ về các vấn đề thương mại, cáo buộc gián điệp,... leo thang căng thẳng và sự căng thẳng này đã lan rộng đến Bắc Cực.
Hồi tháng 4, báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc trước Quốc hội Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã cảnh báo sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực, bao gồm cả khả năng gửi tàu ngầm hạt nhân tới Bắc Cực trong tương lai.
Trong tháng này, tại hội nghị các Ngoại trưởng được tổ chức ở Rovaniemi (Phần Lan) - nằm cách Bắc Cực vài dặm về phía Nam, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi hành động của Trung Quốc là "hung hăng", đồng thời cáo buộc những hành vi tương tự của Bắc Kinh ở các khu vực khác trên thế giới.
Tuy nhiên theo NYT, các chuyên gia về Trung Quốc ở Bắc Cực lại cho rằng, phát biểu của ông Pompeo đã phóng đại bản chất các hoạt động của Bắc Kinh ở Bắc cực.
Tờ này cũng cho rằng, sự nóng lên ở Bắc Cực có thể mang lại cho Bắc Kinh nhiều lợi ích chiến lược và nước này đang tập trung vào cuộc chơi dài hạn.
Trung Quốc đang cố gắng đổ tiền vào hầu hết các quốc gia ở Bắc Cực. Họ đã đầu tư hàng tỷ USD vào hoạt động khai thác năng lượng từ băng cháy ở bán đảo Yamal - miền Bắc nước Nga.
Trung Quốc đang hợp tác với tập đoàn năng lượng Nga Gazprom để khai thác khí đốt tự nhiên ở vùng biển Nga. Bắc Kinh cũng đang là thăm dò khoáng sản ở Greenland. Gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc đang háo hức hợp tác với một công ty Phần Lan nhằm xây dựng một hệ thống cáp mạng ngầm dưới biển khổng lồ mới kết nối Bắc Âu và châu Á.
"Cách làm của Trung Quốc ở Bắc Cực không hoàn toàn mới. 6 năm trước, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Iceland, tạo cho Iceland một thị trường khổng lồ đối với một trong những sản phẩm xuất khẩu chính của Iceland: Cá.


Nga-Trung được cho có nhiều dự án hợp tác tại Bắc Cực. Ảnh: AFP

Một công ty Trung Quốc đã đề xuất hợp tác với Greenland để xây dựng lại sân bay, khiến Đan Mạch phải can thiệp và đầu tư vào dự án đó. Một công ty Trung Quốc khác đã đề xuất xây dựng một cảng cho Thụy Điển nhưng dự án đã không được thực hiện do mối quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa hai nước", NYT chia sẻ.
"Các quốc gia ở Bắc Cực không thể nói không với đầu tư. Điều này là hiển nhiên", Đại sứ Phần Lan Harkonen nói. "Chúng tôi muốn chắc chắn rằng chúng tôi hiểu được điều Trung Quốc muốn".
Ngoài ra, tàu hàng Trung Quốc đang trên đường di chuyển theo tuyến đường biển phía Bắc. Công ty vận tải viễn dương Trung Quốc - một doanh nghiệp quốc doanh đã nhiều lần gửi các tàu chở hàng qua khu vực Bắc Cực trong năm năm qua và có kế hoạch tăng cường thêm nhiều chuyến đi vào mùa hè này.
Tại Diễn đàn Vòng tròn Bắc Cực do Trung Quốc tổ chức gần đây ở Thượng Hải, một lãnh đạo công ty này cho biết, tuyến đường qua khu vực Bắc Cực đã rút ngắn hành trình từ châu Á đến châu Âu 10 ngày so với tuyến đường qua Ấn Độ Dương và kênh đào Suez.

Hợp tác với Nga
Theo NYT, điều cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất chính là Trung Quốc đang hợp tác với Nga, trong khi Nga đang coi Bắc Cực là chìa khóa cho sự giàu có và sức mạnh trong tương lai.
Đối với Trung Quốc và Nga, mối quan hệ này ngày càng trở nên quan trọng. Để khai thác tài nguyên thiên nhiên dưới lớp băng cháy và kiếm lợi nhuận từ bờ biển vùng Bắc cực dài dằng dặc của mình thì Nga cần đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moskva.
Do đó, trái với thái độ thận trọng trước đây, Nga đã có thái độ cởi mở mới đối với Trung Quốc trong các cạnh tranh ở Bắc Cực.
"Mặc dù Nga và Trung Quốc có thể là đối thủ cạnh tranh tự nhiên về tài nguyên và ảnh hưởng ở Bắc Cực nhưng họ đã bắt đầu hợp tác. Họ biết rằng chỉ khi hợp tác, họ mới có thể đánh bại phương Tây", Agnia Griga, chuyên gia năng lượng ở Washington nói.


Một nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng LNG trên Bán đảo Yamal, Nga. Trung Quốc nắm giữ 30% cổ phần dự án. Ảnh: Getty

Trong cuốn sách về khí đốt và địa chính trị gần đây, bà cũng cho biết: 
"Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc và sự phụ thuộc kinh tế của Nga vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đều phụ thuộc vào điều này."
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nước ngoài nào khác. Bản thân ông Putin cũng đang làm việc với các công ty về cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng của Trung Quốc để tìm kiếm đầu tư phát triển khu vực Bắc Cực rộng lớn.
Vào tháng Tư năm nay, trong cuộc gặp ở Bắc Kinh, hai ông Putin và Tập Cận Bình đã đề xuất kết nối tuyến đường phía Bắc đang tan băng trong vùng biển nội địa Nga với các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc trong sáng kiến Vành đai và Đường đường. Mà theo Tổng thống Putin, điều này sẽ tạo ra một "con đường toàn cầu cạnh tranh" kết nối phần lớn châu Á với châu Âu.
NYT cho biết, Trung Quốc đã hỗ trợ nguồn tài chính quan trọng cho các dự án khí đốt tự nhiên quy mô lớn trên Bán đảo Yamal. Đổi lại, Trung Quốc đã có được thứ mà họ rất cần: Nguồn năng lượng để cung cấp cho thị trường nội địa "đói khát".
Mùa hè năm ngoái, lô khí thiên nhiên hóa lỏng LNG đầu tiên đã được chuyển đến Trung Quốc thông qua tuyến đường biển phía Bắc. Các công ty Trung Quốc sở hữu 30% cổ phần trong dự án khí thiên nhiên Yamal.
Nhiều dự án hợp tác đang trong quá trình thai nghén. Trung Quốc và Nga gần đây đã tuyên bố hai nước sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu chung để nghiên cứu những thay đổi về băng đá dọc theo tuyến đường biển phía Bắc, cũng như các vấn đề khác.
Hồi năm 2017, Tập đoàn Poly - doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc - đã từng đề xuất xây dựng một cảng nước sâu mới tại thành phố ven biển Arkhangelsk của Nga.

Không chỉ đơn thuần là hợp tác
Nhưng theo NYT, bên cạnh các dự án trên thì mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga cũng đang rất phức tạp.
Trung Quốc đang chế tạo tàu phá băng thứ hai có khả năng đi xuyên vùng địa cực.
Nhưng theo một phân tích được công bố trong báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc, trên thực tế Nga đang thuê một hạm đội tàu phá băng lớn hơn nhiều và dẫn đường cho các tàu nước ngoài qua tuyến biển Bắc, do đó Moskva được cho là không hài lòng với sự cạnh tranh từ Trung Quốc.
Không chỉ vậy, quân đội Nga cũng đang thể hiện sức mạnh trong khu vực bằng cách khôi phục căn cứ quân sự thời Chiến tranh Lạnh ở bờ biển phía Bắc và hiện đại hóa tàu ngầm hạt nhân.
Trong khi đó, Trung Quốc tiết lộ họ muốn thành lập một lực lược hải quân vùng nước sâu để bảo vệ lợi ích toàn cầu đang không ngừng mở rộng của mình. Điều này có nghĩa là hải quân Trung Quốc có khả năng sẽ hiện diện ở những khu vực đầu tư chiến lược của Bắc Kinh.
Theo NYT, Trung Quốc đang rất kỳ vọng vào cuộc chơi này bởi nếu băng tiếp tục tan thì cơ hội giao thông đường thủy với phạm vi rộng lớn hơn sẽ mở ra ở Bắc Cực, điều này sẽ khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc kiểm soát vùng biển phía Bắc.
Heather A. Conley, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết, Mỹ từ lâu đã lơ là khu vực Bắc Cực và bà hy vọng Washington nên mở rộng sự hiện diện và tổ chức các diễn đàn hợp tác quốc tế với các chính phủ trong khu vực này.

"Nếu không [thực hiện như vậy] thì cơ hội và ảnh hưởng của Mỹ ở Bắc Cực sẽ suy giảm, các đồng minh và đối tác hợp tác của Washington ở khu vực này cũng sẽ ngày càng đi theo chính sách của Nga và Trung Quốc", bà nói.
-------------

No comments:

Post a Comment