Wednesday, August 19, 2020

 Đạo văn – Kỳ (1/4): Ai đạo, đạo ai

https://www.luatkhoa.org/2020/05/dao-van-ky-1-ai-dao-dao-ai/

 

Đạo văn – Kỳ 1: Ai đạo, đạo ai

Published 2 months ago on 23/05/2020

By Y Chan

Minh họa: ISTOCK.COM/DANE_MARK.

Trong các hình thức trộm cướp, hành vi “đạo văn” (ăn cắp chữ) có tuổi đời rất non trẻ trong lịch sử nhân loại. Đó là vì “văn”, hay “chữ”, xuất hiện khá muộn so với những thứ có thể ăn trộm ăn cướp được.

Khác với những hành vi trộm cắp khác, nạn nhân của “đạo văn” không chỉ có một loại, và thông thường không chỉ có một người. Trong nhiều trường hợp, hàng triệu người dễ dàng trở thành nạn nhân của “văn tặc” (kẻ đạo văn).

Nhưng “đạo văn” không bị xem là một loại tội (crime). Trong tuyệt đại đa số trường hợp, đây được xem là “lỗi” nhiều hơn là “tội”. Hình phạt về mặt luật pháp dành cho hành vi “đạo văn” chỉ có thể xuất hiện khi nó cùng lúc xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ của người khác được quy định trong luật.

Đây cũng là hành vi trộm cắp độc quyền của con người mà cho tới nay chưa có loài động vật nào bắt chước thực hiện được.

Sinh sau đẻ muộn, câu chuyện về “đạo văn” vẫn luôn nóng hổi và gây nhiều tranh cãi tới tận ngày nay.

 

***

 

Kỳ 1: Ai đạo, đạo ai

Đại danh hào William Shakespeare có phải là một kẻ đạo văn?

 

Hàng trăm năm qua, người ta đã tranh cãi không dứt về việc liệu Shakespeare có “ăn cắp” tác phẩm của người khác để cho ra đời những kiệt tác trứ danh mang tên mình (hay thậm chí nghi ngờ Shakespeare có phải là một nhân vật có thật).

Các bằng chứng đã được xác thực cho thấy nhiều tình tiết, từ ngữ, các nhân vật, hình tượng xuất hiện trong những vở kịch nổi tiếng của Shakespeare đều được “mượn” từ những nguồn khác nhau.

Nhưng bất kể việc mỗi năm qua đi, các bằng chứng mới liên tục xuất hiện, rất nhiều người vẫn không xem Shakespeare là kẻ đạo văn.

 

Có phải họ mù quáng vì thần tượng?

 

Có thể. Nhưng lý do chính họ đưa ra thì không mù hay quáng chút nào: khái niệm “đạo văn” vào thời của Shakespeare khác rất xa thời bây giờ, đấy là nếu có tồn tại một khái niệm như vậy.

 

Tài sản trí tu

Từ “đạo văn” trong tiếng Anh, “plagiarism”, có nguồn gốc từ chữ plagiarius của tiếng Latin, với nghĩa là “kẻ bắt cóc”.

Trường hợp đầu tiên được ghi chép khi plagiarius được sử dụng theo nghĩa kẻ ăn cắp chữ là từ một nhà thơ La Mã, có tên là Martial, sống vào thế kỷ thứ nhất.

Trong “Quyển sách nhỏ về Đạo văn”, tác giả Richard A. Posner (vốn là một thẩm phán) đã kể lại việc Martial trách cứ một nhà thơ khác nhận vơ những bài thơ của ông thành tác phẩm của mình. Ngoài từ plagiarius/ kẻ bắt cóc, Martial sau đó còn dùng thẳng chữ fur/ kẻ cắp để chỉ người đạo thơ của ông.

Richard A. Posner

Richard Allen Posner is an American jurist and economist who was a United States Circuit Judge of the United States Court of Appeals for the Seventh Circuit in Chicago from 1981 until 2017, and is a senior lecturer at the University of Chicago Law School.

Sự kiện này xuất hiện vào thế kỷ thứ nhất Sau Công Nguyên, nhưng mãi đến ít nhất là 15 thế kỷ sau, từ “plagiarism” mới được dùng trong tiếng Anh theo nghĩa như hiện nay, và đến thế kỷ 18 mới được chính thức đưa vào từ điển.

Trong suốt quãng thời gian đó, việc dùng lại lời, ý tứ, từ và chữ của người khác không những được xem là chuyện bình thường, nó còn được xem là sự ghi nhận, tôn trọng dành cho người đã tạo ra nó.

 

Vậy điều gì đã thay đổi?

 

Sự xuất hiện của ý thức và khái niệm về một thứ “tài sản” mới: tài sản trí tuệ (intellectual property).

Không phải ngẫu nhiên khi từ “plagiarism” được sử dụng phổ biến trong tiếng Anh (theo nghĩa đạo văn) gần như cùng lúc với sự ra đời của những đạo luật đầu tiên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở châu Âu.

Đó là các đạo luật được ban hành ở nước Cộng hòa Florence vào năm 1421 và đạo luật ở nước Cộng hòa Venice vào năm 1474. Tiếp theo sau đó là các Đạo luật về Độc quyền (Statute of Monopolies) vào năm 1624, và đặc biệt là Đạo luật của Anne (Statute of Anne) vào năm 1710, được xem là đạo luật đầu tiên làm cơ sở cho việc bảo vệ bản quyền thời hiện đại.

Đạo luật của Anne được mở đầu bằng những dòng sau:

“Với việc những nhà in, người bán sách và những người khác trong thời gian qua thường xuyên tý in ấn, tái bản, và xuất bản những quyển sách mà không có sự đồng ý của tác giả và người sở hữu hợp pháp… gây ra thiệt hại lớn và quá nhiều trường hợp phá hoại cuộc sống của các tác giả cũng như gia đình họ; đạo luật này từ đó được ra đời để ngăn chặn những hành vi tương tự trong tương lai, đồng thời khuyến khích những người có học thức tiếp tục soạn thảo và viết sách…”

Sự ra đời của các đạo luật đánh dấu cho thời kỳ mới, khi việc ghi nhận quyền sở hữu cho sản phẩm trí tuệ của các tác giả bắt đầu trở nên phổ biến.

Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác trở thành một tội, và những ai phạm tội sẽ bị xử phạt theo luật.

 

Hành vi đạo văn vì vậy cũng không được chấp nhận.

 

Nhưng đạo văn và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác, tuy có liên quan mật thiết, là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Người ta có thể đạo văn nhưng không vi phạm luật nào, và có thể xâm phạm tài sản trí tuệ của người khác mà không hề đạo văn.

 

Tội nhưng không tội

Phạm vi quy định về tài sản trí tuệ có các nội dung như “quyền tác giả” (copyright), “sáng chế” (patent), “thương hiệu” (trademark), “bí mật kinh doanh” (trade secret)… Phổ biến nhất là khái niệm về “quyền tác giả”.

Bản quyền tác giả có quy định về thời hạn hiệu lực. Khi một tác phẩm hết hiệu lực bảo hộ bản quyền (thông thường là 70 năm từ sau khi tác giả qua đời), nó trở thành tài sản của chung. Bất kỳ ai khi đó đều có thể sao chép, sử dụng một phần hay toàn bộ tác phẩm đó theo bất kỳ cách nào họ muốn.

Một người có thể tùy ý sao chép ý tưởng hay bê nguyên si nội dung từ vở “Romeo & Juliet” của Shakespeare, đưa vào truyện của mình và bảo đó là sáng tạo của họ. Hiển nhiên họ đang thực hiện hành vi đạo văn, nhưng không hề phạm bất kỳ điều luật nào.

Quy định về bản quyền cũng không cấm việc sao chép, hay “lấy cảm hứng” về ý tưởng của tác phẩm. Một người có thể dùng chung ý tưởng với một tác phẩm đã được bảo hộ bản quyền, tạo ra sản phẩm mới với cách diễn đạt mới (expression) và thậm chí đăng ký bản quyền cho sản phẩm mới đó.

Nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể dùng ý tưởng về Thuyết tương đối của Einstein, diễn đạt lại nó theo cách thức của mình và đăng ký bản quyền cho sản phẩm mới đó. Nếu họ nhận luôn ý tưởng của Einstein là của mình thì đó cũng chỉ là hành vi đạo văn mà không phạm phải điều luật nào.

Ngược lại, nếu tự ý sao chép nội dung từ một tác phẩm được bảo hộ khác, đưa vào trong sản phẩm của mình, ghi rõ ràng nguồn trích dẫn, không phạm lỗi đạo văn, hành vi này vẫn có thể bị xem là xâm phạm bản quyền. Trừ phi nó phù hợp với Nguyên tắc sử dụng hợp lý (Fair use) của luật bản quyền.

Nguyên tắc này cho phép việc sử dụng, trích dẫn một phần nội dung các tác phẩm cho các mục đích như báo chí, giảng dạy hay bình luận.

 

Thế nào là đạo văn

“Đạo văn” trong tiếng Việt hay “plagiarism” của tiếng Anh đều có nghĩa gốc rất hẹp: ăn cắp chữ.

Cách hiểu này không đầy đủ, khi ở thời hiện tại đạo văn không chỉ xảy ra với các tác phẩm văn học. Các bức tranh, các bản nhạc, những ý tưởng cũng thường xuyên bị đạo. Bất kỳ thứ gì thuộc về “sản phẩm trí tuệ” đều có thể bị người khác nhận là của mình.

Theo Richard A. Posner, tác giả quyển sách về đạo văn đã nhắc đến, khái niệm “ăn cắp” (theft) cũng không chính xác trong trường hợp này. Khi ai đó “đạo” một phần, hay thậm chí toàn bộ nội dung của người khác, tác phẩm gốc vẫn tồn tại ở đó, không bị lấy đi mất. Nạn nhân của đạo tặc theo nghĩa thông thường mất đi quyền sở hữu thứ họ bị trộm cướp. Nạn nhân của đạo văn trong khi đó vẫn không bị mất sản phẩm trí tuệ của mình.

Tất nhiên khái niệm “mượn” mà nhiều người dùng để biện hộ cho hành vi đạo văn cũng sai bản chất. Một thứ mượn thì phải trả lại, còn trong trường hợp đạo văn, thứ bị “mượn” không bao giờ có thể được trả lại.

Những người biện minh cho đạo văn cũng thường dùng đến Nguyên tắc hợp lý ở trên để làm bình phong khi bị phát giác. Posner bác bỏ lý do biện hộ này. Ông chỉ ra rằng Nguyên tắc hợp lý (fair use) là ngoại lệ dành cho việc sử dụng hợp lý, hay công bằng (fair). Những kẻ đạo văn ngay từ đầu đã không “chơi đẹp” (fair play) thì không thể dùng cái cớ này biện hộ cho họ.

 

Vậy nên hiểu thế nào về đạo văn?

 

Theo Posner, có hai thành tố chính trong một hành vi đạo văn: che giấu (concealment) và hậu quả phụ thuộc (reliance).

Trong một hành vi đạo văn, có bốn đối tượng có liên hệ mật thiết với nhau, và có thể chia thành hai nhóm: (1) người thực hiện hành vi đạo văn, (2) những nạn nhân của người này.

Trong nhóm (2) có ba đối tượng: người bị đạo văn, khách hàng sử dụng sản phẩm đạo và đối thủ cạnh tranh của người đạo văn.

Một hành vi được gọi là đạo văn khi người thực hiện nó cố tình che giấu nguồn gốc sản phẩm của mình.

Hệ quả là các khách hàng bị lừa, nghĩ là mình đang thưởng thức/ sử dụng một sản phẩm gốc. Nói cách khác, nếu độc giả, khán giả… biết sự thật, họ đã không mất thời gian hay tiền bạc cho sản phẩm bị đạo đó.

Vì khách hàng bị lừa chạy theo sản phẩm nhái, tác giả của sản phẩm gốc và những đối thủ cạnh tranh khác của người đạo văn cũng có thể bị thiệt hại từ việc mất đi khách hàng, thị trường, danh tiếng…

Xem xét trường hợp lỗi đạo văn vừa bị phát hiện ở Luật Khoa, ta có thể thấy nó có đủ hai nhân tố: che giấu và tạo hậu quả phụ thuộc.

Các bài viết đã che giấu nguồn gốc thật (sao chép từ các trang khác). Nếu người đọc biết được sự thật đó từ đầu, khả năng cao họ đã không mất thời gian đọc các bài viết nhái. Nếu đó là sản phẩm phải trả tiền, độc giả lại càng không có lý do để bỏ tiền ra mua một sản phẩm sao chép.

Tác giả của những bài viết gốc sẽ bị thiệt hại vì mất khách hàng. Các tờ báo khác cũng bị thiệt hại vì cạnh tranh không lành mạnh.

Trên thực tế thiệt hại này không đáng kể, xét đến nguồn lực hạn chế của Luật Khoa cũng như việc tờ báo vẫn đang bị chính quyền chặn không cho độc giả trong nước truy cập. Nhưng điều này vẫn không làm giảm đi ý nghĩa tiêu cực từ hành vi đạo văn trên.

 

Quay lại câu chuyện của Shakespeare.

 

Xét trong bối cảnh hiện đại, việc làm của Shakespeare (vay mượn ý tưởng, lời văn, câu chữ mà không đề cập gì đến nguồn gốc tác giả) hoàn toàn có thể xem là đạo văn. Đặt trong bối cảnh thế kỷ 16, khi khái niệm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn rất lạ lẫm, người ta khó có thể bắt tội ông. Đặc biệt là vào thời đó, định nghĩa về “sáng tạo” vẫn nhấn mạnh về “khả năng cải thiện” (improvement) nhiều hơn là “tính nguyên gốc” (originality).

Một điều nữa khiến nhiều người không đặt Shakespeare vào nhóm đạo văn: ông không tạo ra hậu quả phụ thuộc nào.

Khi Posner đặt đoạn văn gốc và đoạn đã cải biên của Shakespeare ra để so sánh, ông kết luận 

“nếu đây là đạo văn, thì chúng ta cần nhiều hơn nữa những thứ đạo văn như thế này”.

Shakespeare khi vay mượn ý tưởng, nội dung từ những người khác, cộng thêm những sáng tạo riêng của mình, đã cho ra đời một sản phẩm mới đủ tốt để cho dù người ta biết được “sự thật” về việc ông vay mượn, họ vẫn không có lý do gì thôi thưởng thức các vở kịch và ngưng bỏ tiền ra mua sách của ông.

 

Một so sánh tương tự là Truyện Kiều của Nguyễn Du.

 

Ngay cả khi biết được “sự thật” rằng tác phẩm này vay mượn phần lớn cốt truyện từ Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc, độc giả cũng không có lý do gì đánh giá thấp sản phẩm của Nguyễn Du.

Họ nhận ra rằng ông đã tạo nên một sản phẩm mới, chuyển thể một bài văn xuôi sang thể thơ lục bát theo cách thức tài tình và sáng tạo đến mức tác phẩm sinh sau lại được đánh giá cao hơn cả bản gốc.

 

Điểm chính ở đây là việc tạo ra được một thứ mới và có giá trị riêng biệt.

 

Nếu những thứ của Shakespeare và Nguyễn Du là đạo văn, rõ ràng là chúng ta cần nhiều hơn những sản phẩm đạo văn đó.

No comments:

Post a Comment