Thursday, August 20, 2020

 Đạo văn – Kỳ (2/4): Ai đạo hơn ai

 

https://www.luatkhoa.org/2020/05/dao-van-ky-2-ai-dao-hon-ai/

 

Đạo văn – Kỳ 2: Ai đạo hơn ai

Published 2 months ago on 24/05/2020

By Y Chan

Minh họa: midnightpapers.com

 

Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ở những nước phương Đông và các nước Đông Âu hậu Cộng sản, hiện tượng đạo văn diễn ra nghiêm trọng hơn những nước phương Tây.

 

Nguyên nhân được chỉ ra là do văn hóa và thể chế.

 

Theo đó, người dân các nước phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam có tư tưởng tập thể (collectivist culture), đề cao cái chung của cộng đồng hơn cái riêng của cá nhân. Những tư tưởng, sáng tạo có lợi được xem là tài sản chung, được khuyến khích chia sẻ rộng rãi.

Các nước phương Đông cũng chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, nhấn mạnh tôn ti trật tự, khuyến khích học hỏi, nghe theo và lặp lại y khuôn lời dạy của các bậc thánh nhân hay lãnh tụ.

Trong khi đó kết quả khảo sát các nước Đông Âu hậu Cộng sản như Nga, Bulgaria và Croatia cho thấy sinh viên những nước này dễ chấp nhận các hành vi gian lận học thuật (bao gồm đạo văn) hơn sinh viên các nước Tây Âu và Mỹ.

 

Không phải ai cũng đồng ý với những nhận định trên.

 

Phản hồi một trong các bài viết của Colin Sowden về vai trò của văn hóa dẫn đến tình trạng đạo văn, Dilin Liu chỉ ra rằng tại Trung Quốc, khái niệm “đạo văn” đã có tít nhất thế kỷ thứ tám và vẫn luôn bị xã hội xem là một hành vi vô đạo đức. Tương tự, Phan Le Ha đưa ra ý kiến rằng ở Việt Nam, đạo văn xưa nay vẫn luôn bị xem là hành vi phi đạo đức, và ngay từ cấp tiểu học, các học sinh sẽ bị phạt khi bị phát hiện sao chép bài của bạn.

Những ý kiến phản bác không cho rằng “DNA văn hóa” là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đạo văn của sinh viên nước ngoài theo học tại các nước phương Tây – ngược lại cách hiểu trên bị xem là “chụp mũ” hay “thành kiến” (stereotype). Theo họ, một trong những vấn đề chính là do tiêu chuẩn học thuật khác biệt.

 

Hãy tạm rời vấn đề để tìm hiểu xem vì sao lại có sự khác biệt này.

 

Trong “Quyển sách nhỏ về Đạo văn”, tác giả Richard A. Posner thuật lại câu chuyện của Lisa Pon về thời kỳ Phục Hưng tại Ý.

Ban đầu, những người làm nghề in tranh từ các nghệ sĩ được xem trọng cũng ngang với các tác giả. Đó là vì việc in ấn thời đó đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao, rất khó thực hiện. Các sản phẩm in sao này là thứ duy nhất có thể thỏa mãn ước muốn của những ai muốn sở hữu các tác phẩm nghệ thuật (mà không thể có bản gốc).

Khi kỹ thuật in ấn phát triển, các sản phẩm in trở thành đại trà, giá trị các bản in giảm xuống, những người in từ vai “nghệ sĩ” rớt xuống hàng “thợ”.

Những bản sao bị rớt giá còn do thị trường đối với tác giả/ nghệ sĩ mở rộng, biến những tác giả này thành người nổi tiếng, có thương hiệu, với giá trị của các sản phẩm gốc có thương hiệu này tăng vọt.

Posner cho rằng ám ảnh về tính nguyên gốc (cult of originality) của xã hội bắt nguồn từ lý do kinh tế lẫn sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân (individualism).

Khi kỹ thuật càng ngày càng phát triển, của cải dư dả, các thành viên trong xã hội càng lúc càng có những vai trò riêng biệt (phân công lao động), cộng thêm việc được giáo dục thoát khỏi những ràng buộc xiềng xích của tập quán cũ và ảnh hưởng của quyền lực, họ càng có ý thức về vai trò của “cái tôi”. Tất cả đều nghĩ rằng mình có vai trò riêng biệt trong xã hội, xứng đáng được ghi nhận cái tôi riêng biệt đó. Hành vi đạo văn (ăn cắp cái tôi của người khác) vì vậy bắt đầu trở thành thứ vô đạo đức.

Chủ nghĩa cá nhân tạo ra nhu cầu đa dạng về các sản phẩm trí tuệ. Và một khi các sản phẩm trí tuệ cần phải đa dạng, yêu cầu về “nguồn gốc” hay “thương hiệu riêng biệt” của nó lại càng cao.

Điều tương tự xảy ra với thị trường sản phẩm vật lý. Khi xã hội có nhu cầu đa dạng đối với các sản phẩm, yếu tố thương hiệu bắt đầu trở nên tối quan trọng. Nó là cơ sở để khách hàng phân biệt và lựa chọn sản phẩm theo đúng ý muốn của mình. Hành vi làm hàng nhái, ăn cắp thương hiệu trong trường hợp này cũng giống như hành vi đạo văn đối với các sản phẩm trí tuệ.

Theo cách hiểu trên, nhu cầu đối với “sản phẩm trí tuệ nguyên gốc”, cùng với đó là việc phải bảo vệ quyền sở hữu nó, là sản phẩm của sự phát triển xã hội.

Vào thời của Shakespeare, nhu cầu đó vẫn chưa phổ biến, nên các tác giả không có động lực để tạo ra “sản phẩm gốc” (original). Họ chỉ cần tạo ra một thứ tốt hơn, dựa trên bất kỳ nguyên liệu nào đến từ đâu. Các khách hàng (độc giả, khán giả…) cũng chỉ cần có như vậy.

Vào thời nay, nhu cầu cho những sản phẩm tốt hơn vẫn luôn có (và đương nhiên nếu cỡ Shakespeare thì càng tốt), nhưng đồng thời nhu cầu về những sáng tạo riêng biệt, độc đáo lại nhiều hơn lúc nào hết trong lịch sử nhân loại.

 

Đây có phải là những thứ chỉ diễn ra ở xã hội phương Tây?

 

Câu trả lời là không. Vào thời điểm hiện tại, khi toàn cầu hóa và các thành quả khoa học kỹ thuật đã lan đến hầu như mọi ngóc ngách nơi có con người sinh sống, các loại nhu cầu là gần như nhau.

Đặc biệt là khi hầu khắp các quốc gia trên thế giới đều đang áp dụng cùng một mô hình kinh tế thị trường (kể cả ở những nước cộng sản độc tài), nhu cầu của người dân ở mọi nơi không có mấy khác biệt.

Mà nếu nhu cầu giống nhau, những thứ phản-nhu-cầu cũng đều sẽ gặp phải sự chống đối như nhau. Các hành vi gian lận, như đạo văn, là một thứ phản-nhu-cầu giống vậy.

Nhưng tiêu chuẩn về đạo văn ở phương Tây hiện tại rất khác biệt so với phương Đông và những nước đang phát triển.

 

Câu hỏi đặt ra không phải là vì sao nó khác biệt. Câu hỏi nên là vì sao lại có sự khác biệt.

 

Nếu chỉ đơn thuần là khác biệt, chẳng có lý do gì để một bên học theo bên còn lại. Người ta chỉ học theo một thứ tốt hơn.

Câu hỏi tương tự cũng có thể đặt ra đối với sản phẩm vật lý. Vì sao tiêu chuẩn hàng hóa ở Châu Âu và Mỹ lại khác biệt so với tiêu chuẩn của Trung Quốc và Việt Nam? Nếu chỉ đơn thuần là khác biệt, vì sao mọi người đều lựa chọn sản phẩm có tiêu chuẩn của Âu Mỹ?

Sự thật là xã hội của Trung Quốc lẫn Việt Nam từ ngàn năm qua đều không chấp nhận hành vi đạo văn nói riêng và gian lận nói chung. Nhưng cũng một sự thật khác là vào thời điểm hiện tại, tiêu chuẩn đạo văn và gian lận ở hai nước này lỏng lẻo hơn rất nhiều so với những quốc gia “sinh sau đẻ muộn” khác (và theo nhiều khảo sát, tình trạng gian lận đạo văn cũng nghiêm trọng hơn).

 

Do văn hóa, giáo dục, hay thể chế, hay tất cả? Câu hỏi này có lẽ không quan trọng bằng một câu hỏi khác.

 

Vì sao đến giờ vẫn chưa chịu thay đổi?

No comments:

Post a Comment