MỘT BÀI PHÂN TÍCH
lundi 5 août 2013
MỘT BÀI PHÂN TÍCH từ một cây bút HÀ NỘI
Ôn cố: Cái hoang tưởng của chúng ta
Mỗi khi gặp chuyện gì khó khăn, chúng ta thường mang cái quá khứ oanh liệt
ra để tự ru ngủ, mong cái men chiến thắng của cha ông thành liều thuốc an thần
trấn áp đi cái bất định, cái nan giải hiện tại. Chúng ta từ khước một đặc điểm
sinh tồn cốt yếu: học từ thất bại quá khứ để xác định bước đi hiện tại sao cho
dẫn đến thành công tương lai.
Chúng ta nhắc đến cái chiến thắng giặc Hán, Pháp Mỹ mỗi
ngày nhưng chúng ta tuyệt nhiên không hề nhắc đến cái nạn đói 1975-1990 do sai
lầm của chúng ta, một nạn đói có thể tránh được nếu chúng ta đừng quá say mê với
chiến thắng và vì say mê với chiến thắng, chúng ta coi thường cái nguy cơ tụt hậu,
nghèo đói, bị cô lập.
Năm 1978 trước khi xua đại quân tiến chiếm Nam Vang, bộ ngoại giao nước ta
tung ra một chiến dịch ngoại giao để lôi kéo các quốc gia lân cận để cùng nhau
liên minh chống hiểm họa bành trướng Bắc Kinh, mặc dầu suốt cuộc chiến chống Mỹ,
chúng ta không tiếc lời mạt sát khối liên Minh Đông Nam Á là sản phẩm của chính
sách gây hấn và can thiệp của đế quốc Mỹ.
Tháng 6 năm 1978, khi Việt Nam bắt đầu oanh tạc Cambodia, Phan Hiền sang Mã
Lai tuyên bố ủng hộ một Đông Nam Á hòa bình và trung lập.
Sau đó vào tháng 9 năm đó Thủ Tướng Phạm Văn Đồng sang Mã
Lai đặt vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ Mã đã hy sinh vì chống …Mã Cộng. Thêm
vào đó, ông còn xin lỗi các lãnh đạo Mã Lai vì trót lỡ viện trợ vũ khí cho phiến
quân Mã Cộng vì “hiểu sai tình hình” (flawed understanding of the situation).
Sang Băng Cốc, Thái Lan, thủ tướng Phạm Văn Đồng cam kết
không yểm trợ bọn Thái Cộng CPT (Communist Party of Thailand) vốn bị hiến pháp
Thái Lan đặt ngoài vòng pháp luật. Lãnh đạo Việt Nam chỉ muốn ký kết một hiệp ước
hữu nghị và hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á để chuẩn bị cho một hàng cừ hay
bờ đê ngăn chận cơn lũ bành trướng Bắc Kinh.
Đồng thời cách nửa vòng Trái đất, ở Nữu Ước, bộ trưởng
ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng thúc đẩy nỗ lực bình thường hóa ngoại giao với
Mỹ. Lần này, chúng ta không đặt điều kiện bồi thường 3 tỉ mà Nixon đã hứa ở hiệp
định Paris 1972. (Nguồn Brother Enemy của Nayan Chanda.)
Như chúng ta đã biết, tất cả đều vô ích.
Liên Minh Đông Nam Á từ lâu bị ám ảnh một Việt Nam hung
hãn, quyết làm một mũi nhọn xung kích của thế lực Cộng Sản đều lịch sự từ chối
“lòng tốt” của chúng ta và Mỹ sau khi tiếp Đặng Tiểu Bình, cũng lịch sự gác lại
chuyện bình thường hóa ngoại giao với Việt Nam và không hứa ngày đàm phán lại vấn
đề đó. Kết quả là chúng ta sa lầy ở Cambodia suốt 10 năm và đói nghèo suốt 15
năm.
Quan trọng hơn, chúng ta chựng lại trong khi các quốc gia
láng giềng tiến bộ vượt bực về khoa học, kỹ thuật, giáo dục, xã hội, kinh tế…Chúng
ta quay về thời xe hơi chạy than, xe bò, ăn bo bo, mặc quần áo vá, dùng phân
xanh như thời trung cổ.
Chúng ta dường như cấm kỵ không hề nhắc đến cái thất bại có thể tránh được
đó chỉ vì hội chứng say sưa với chiến thắng. Thắng đế quốc Mỹ ta có thể lướt thắng
được mọi thứ khác. Chúng ta hoang tưởng rằng cả
thế giới đều ngưỡng mộ chúng ta và cả thế giới cần chúng ta hơn là chúng ta cần
họ.
Với Mỹ, họ là kẻ thua họ phải “bồi thường” mới hòng được
chúng ta chìa tay cho mà bắt.
Với Đông Nam Á, một Việt Nam với hơn 8 quân đoàn sát bên
nách đáng gờm hơn là cái hiểm họa bành trướng từ Bắc Kinh xa vời vợi.
Nếu chúng ta hồi tưởng lại, việc tiếp tế cho phiến quân
Mã cộng, Thái cộng không thể khôi phục được lòng tin của các quốc gia Đông Nam
Á bằng một vài cử chỉ ngoại giao thân thiện. Xét cho cùng, ta vẫn có thể chiến
thắng Mỹ mà không cần phải thù nghịch với các quốc gia Đông Nam Á vì họ thủy
chung không tiếp tay với Mỹ trong cuộc chiến ngoại trừ Thái Lan (cho mướn căn cứ
Utapao) và Hàn Quốc (Hàn Quốc gửi quân tham chiến nhưng Hàn Quốc không thuộc
Đông Nam Á).
Ta học được điều gì nếu chúng ta thực sự muốn học?
Không nên có nhiều kẻ thù không cần thiết và tuyệt đối
không hoang tưởng ta quan trọng tới mức họ cần ta hơn ta cần họ.
Tri tân: Lại hoang tưởng Mỹ cần Biển Đông hơn ta cần Biển
Đông.
Đệ nhị thế chiến có một nguyên nhân
kinh tế và sâu xa hơn, một nhu cầu thời đại. Đó là có vài cường quốc muốn xóa mọi
trật tự thế giới để mong có phần của mình trong bối cảnh mới. Cách mạng khoa học
kỹ thuật trên nền tảng Newton đã phát sinh động cơ nổ kéo các toa xe lửa, xe hơi,
tàu bè và máy bay. Từ đấy các quốc gia tiên tiến tìm kiếm, bòn rút các thuộc địa
nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu, nguyên liệu cho kỹ thuật.
Đức, Ý, Nhật là những cường quốc chậm chân không có thuộc địa để phát triển
và tận dụng khoa học kỹ thuật mới. Lấy đâu ra cao su làm vỏ xe hơi? Xăng dầu? Sắt
thép?
So với các cường quốc như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… thì Đức, Ý,
Nhật mạnh hơn nhưng không có tương lai vì không có nguyên liệu lấy từ các thuộc
địa. Họ muốn xóa bỏ mọi trật tự cũ hòng mong thế giới chia cho mình cái phần
mình đáng được hưởng. Đức tiến chiếm Âu Châu. Không chịu kém, Nhật tiến chiếm Á
châu và thế chiến bùng nổ để khởi đầu cho một trật tự mới mà trong đó, các cường
quốc nào cảm thấy mình chịu thiệt, phải chiến đấu giành bằng được cái phần mà họ
cho rằng mình đáng được hưởng.
Trung Quốc chẳng học được điều gì cả. Họ cần con đường chuyên chở nhiên liệu
từ Trung Đông mà họ cho rằng với vị thế của họ hiện nay, họ đáng được hưởng.
Tham vọng của họ xuyên suốt từ Bắc Kinh vòng qua eo Malacca, băng qua Ấn Độ vào
Trung Đông chứ không chỉ ngừng lại sau khi chiếm trọn biển Việt Nam. Không may
cho ta, Việt Nam là mục đích đầu tiên trong cuồng vọng chiếm lĩnh cái hải trình
năng lượng đó.
Trung Quốc sai ở chỗ nó không tự lượng sức.
Thời đệ nhị thế chiến, hải quân hoàng gia Nhật có 20 hàng không mẫu hạm (http://en.wikipedia.org/wiki/Imperial_Japanese_Navy_of_World_War_II)
và vẫn thảm bại trước hạm đội 7 Mỹ. Ngày nay Trung Quốc mua được một tàu phế thải,
vá víu sửa chữa cho giống một mẫu hạm rồi tập tành chinh phục thế giới. Không cần
là một chuyên gia quân sự, ai cũng có thể nhận thấy Trung Quốc phải cần ít nhất
20 mẩu hạm để có thể uy hiếp Nhật, 20 nữa để có thể uy hiếp Ấn và không biết
bao nhiêu nữa mới có thể uy hiếp Nga hay Mỹ.
Năm xưa Sô Viết sa lầy ở Afghanistan và Cambodia (tiếng rằng Việt Nam sa lầy nhưng chỉ tổn thất nhân mạng,
thực ra Sô Viết
sa lầy vì phải chi viện đạn, xăng, khí cụ cho Việt Nam) 10 năm sa lầy khiến Sô Viết
không dẫy mà chết.
Để làm chủ hành lang năng lượng, với bao nhiêu mẫu hạm và nguy cơ đối đầu với
một siêu cường có thể sản suất ra một số lượng mẫu hạm không thể ước tính nổi
là Mỹ, bao lâu thì Trung Quốc không dãy mà chết?
Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột.
Ở vị thế siêu cường số 2, Trung Quốc không muốn thi gan một mất một còn với
ai, mà chỉ muốn áp đảo những kẻ không thể tự bảo vệ. Vâng. Nếu Meta là thằng
nhà giàu số 2 còn hơn làm thằng nghèo sặc máu hạng bét nếu thua trận.
Tốt nhất chỉ nên bắt nạt thằng không thể tự vệ.
Không may Việt Nam ta là thằng không thể tự vệ.
Đúng hơn chúng ta là thằng tự xua đuổi đồng minh nên không thể tự vệ.
Mới đây một đại tá Việt Nam ông Trần Đăng Thanh, Phó giáo sư tiến sĩ Học viện
Chính trị, Bộ Quốc phòng đã nói:
“Nước Mỹ chẳng bao giờ tốt với chúng ta, chỉ có Trung Quốc
tốt với chúng ta.”
Câu này thật là tai hại. Các tay yêu nước kiểu loa phường thường đòi “bằng
chứng đâu?”, “sai chỗ nào?” mỗi khi chúng ta vấp phải những sai lầm chí tử. Thậm
chí có bác còn chống chế: “Ứng khẩu nói không thể chính xác như đã soạn trước rồi
đọc” khi thấy ông đại tá nói sai be bét.
Như chúng ta biết, một giáo viên cấp cơ sở cũng ứng khẩu
chứ có ai giảng bài mà đọc từ giấy đâu mà chẳng bao giờ sai.
Cái này rõ ràng trình độ ông đại tá có vấn đề.
Thì tiện đây, Meta xin phân tích cái tai hại của ông đại tá.
Vẫn là hoang tưởng rằng Mỹ là bọn thèm Biển Đông hơn
chúng ta thèm Biển Đông.
Từ lâu chúng ta yên chí rằng chỉ cần búng tay một cái, Mỹ sẵn sàng lao vào
lửa đạn bảo vệ chúng ta trong khi đó chúng ta vẫn sa sả chửi rủa Mỹ. Chúng ta
yên chí rằng Mỹ là cỗ máy chiến tranh luôn sẵn sàng chờ lịnh ta để khai hỏa.
Làm như cái “lịnh ta” là một ơn huệ hay một vinh dự chúng ta ban cho Mỹ vậy.
Tệ hơn nữa, chúng ta chẳng bao giờ thèm tìm hiểu xem tại sao ta có được mỗi
năm 100 tỉ tiền đầu tư FDI để phát triển kinh tế.
Ta cũng không mảy may lo ngại từ nay cái FDI đó sẽ chuyển
hướng sang Miến Điện, nơi thỉnh thoảng không có những trò bẽ mặt như công an
quăng nhà ngoại giao Mỹ lên xe cây, làm ngơ khi tổng thống Mỹ xin ân xá cho một
vài người phạm tội rất nhẹ và mới đây, qua miệng một đại tá thuộc bộ Quốc Phòng
nói thẳng Mỹ luôn luôn có tâm địa xấu với Việt Nam.
Vâng điều này vẫn có thể là chủ trương của chính phủ vì nỗi
sợ canh cánh những cuộc cách mạng hoa hồng khắp nơi nhưng nói toạc ra điều này
nó chặn đứng ngay tức khắc bao nhiệu nguồn trợ giúp đang xúc tiến và sẽ thực hiện giữa 2 nước.
Hãy giả thử một mai Trung Quốc nuốt gọn Biển Đông, Mỹ phải
làm sao khi “người ta” đã nói thẳng “mày không bao giờ tử tế”?
Một kẻ có chút liêm sỉ sẽ không xăn tay áo giúp đỡ ta một khi ta từng mắng
mỏ và từ chối mọi hảo tâm của nó. Hãy đặt mình vào não trạng một người bị cự
tuyệt để suy luận phản ứng của họ trong tình huống khẩn thiết nhất.
Năm 1975 Mỹ bỏ Nam Việt Nam được thì Mỹ bỏ Biển Đông năm
2012 được. Đối với Mỹ, 1 nước Cộng Sản kéo dài từ Yên Kinh tới Côn Minh hay kéo
dài tới Cà Mau (trường hợp Trung Quốc nuốt gọn Việt Nam) cũng vẫn là 1 nước cộng
sản, chẳng qua là 1 nước Cộng sản dài hơn 1 chút xíu.
Nói khác đi, một Việt Nam do Tập Cận Bình lãnh đạo cũng
chẳng khác gì một Việt Nam do Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo. Mỹ chỉ quan tâm nếu Việt
Nam lột xác thay đổi như kiểu Miến điện thôi. Ngoài ra Cộng Sản nào cũng rứa.
Điều đáng lẽ chỉ nên giấu kín trong bụng nay đã lỡ nói toạc ra rồi thì Mỹ
không còn lý do gì lưu luyến nữa cả. Từ nay khỏi phải nói về nhân quyền nữa để
khỏi bị cái sượng sùng của tình cảnh nước đổ đầu vịt, về tham nhũng để khỏi phải
kinh doanh ở một nơi vô luật lệ, về dân chủ để khỏi bị lên án là phá hoại, ác
ý.
Việt Nam và Phi Luật Tân cách nhau một chuỗi đảo là Hoàng Sa và Trường Sa.
Có 2 con đường hàng hải đi qua Biển Đông là Tây Trường Sa và Đông Trường Sa. Nếu
Việt Nam tỏ ý không cần Biển Đông bằng Mỹ cần Biển Đông thì từ nay Mỹ sẽ bỏ Biển
Đông như đã bỏ Nam Việt Nam năm 1975.
Lịch sử cho thấy mất Sài Gòn không kéo theo mất Mã Lai,
Thái Lan, Singapore như chủ thuyết Domino tiên đoán thì mất tây Biển Đông cũng
không có nghĩa mất con đường hàng hải phía bên kia Trường Sa phía Phi Luật Tân.
Mỹ chỉ cần bảo vệ Mã Lai, Phi Luật Tân, Nhật và các đồng minh khác, những đồng
minh chưa bao giờ phát biểu: “Mỹ luôn là kẻ có
tâm địa xấu”, dù trong thâm tâm cũng có các quốc gia Đông Nam Á nghĩ
như vậy.
Trong lịch sử cận đại và hiện đại, dân tộc chúng ta hứng
chịu nhiều cái sai lầm của lãnh đạo nhưng mặc cảm tự ti hóa trang thành tự tôn
làm chúng ta không lãnh hội được gì cả. Một chủng loài sẽ đi về đâu khi không
thể sửa sai? Một thửa ruộng sẽ cho nhiều lúa hơn nếu chúng ta biết và muốn triệt
cỏ năn.
Củ năn cũng ngon ra phết.
Phải ăn năn đã thì không sợ thiếu lúa.
Metamorph
Hà Nội.
Publié par Carolfan à lundi, août 05, 2013
PS. Mục tiêu tối hậu của bè lũ: “Đánh cho LX,
TQ”
No comments:
Post a Comment