Thursday, August 1, 2019


Thế hệ Millennial Baby Boomer X Y Z là gì?

Thế hệ Millennial Baby Boomer X Y Z là gì
18/04/2019  NO COMMENTS


Millennial Baby Boomber XYZ Generation là gì? 
Nhìn vào biến động của các lớp tuổi qua dòng thời gian có thể hữu ích cho những suy gẫm về ngày mai. Đó là chủ đích của bài viết này.
Có nhiều cách định nghĩa thế hệ, thế hệ theo biến cố lịch sử, qua các chuyển biến xã hội, qua các lớp tuổi hay theo thứ tự dòng họ. Trong sinh học, thế hệ là thời gian từ khi người mẹ sanh con đầu lòng cho đến khi con gái của bà ta sanh con lần thứ nhất. Theo thống kê ở Mỹ năm 2007 thời gian này là 25,2 năm, ở Anh quốc năm 2004 là 27,4 năm.


Nghiên cứu về thế hệ tức là tìm các đặc tính riêng của một lớp tuổi tùy theo hoàn cảnh lịch sử văn minh, xã hội, văn hóa, kinh tế, địa dư, tuy nhiên không phải vì thế mà cá nhân trong thế hệ hoàn toàn đồng nhất. Cũng không có một giới hạn nhất định về thời điểm hay thời gian, mà thường có sự tròng tréo giữa các thế hệ.
William Strauss và Neil Hove trong quyển Generations (ISBN 0-688-11912-3, 1991) nghiên cứu về dân tộc Anglo-American trong vòng 500 năm, đã căn cứ vào các biến chuyển xã hội, cho rằng các thế hệ vận chuyển theo từng chu kỳ mà ông gọi là saeculum. Mỗi saeculum dài 90 năm gồm có bốn thế hệ, mỗi thế hệ chừng 22 năm. Các thế hệ này chuyển mình tùy theo các khúc quanh văn hóa xã hội (xin xem phụ bản ở cuối bài).
Tại Canada, cũng trong năm 1991, Douglas Coupland xuất bản quyển Generation X, Tales For An Accelerated Culture, danh từ thế hệ X, rồi Y, Z được dùng để chỉ các thế hệ đến sau thế hệ baby-boomer.

Trong thế kỷ XX, các nhà xã hội học đã phân chia và đặt tên cho các thế hệ, lần lượt như sau:
- Generation hay Greatest Generation (1901–1924) là thế hệ đã tham dự vào thế chiến thứ hai.
- Thế hệ im lặng (1925-1942) cũng gọi là Traditionalist, con đẻ của thời kỳ khủng hoảng kinh tế 1929.
- Thế hệ Baby Boomber (1943-1960), thời kỳ hậu chiến khi tỷ lệ sinh sản gia tăng, có nhiều biến chuyển xã hội, thế hệ này chối bỏ các giá trị cũ, tái định nghĩa lại giá trị xã hội cổ truyền.
- Thế hệ X (1961-1981) cũng gọi là thế hệ 13, hay là thế hệ Baby Busters, quyền lợi xã hội thiệt thòi so với baby-boomers.
- Millennial là gì? Millennial là thế hệ Y (1982-2000) hay còn gọi Millenium, GeNext, là con của thế hệ Boomers
- Thế hệ Z (2000 – ?? ) New Silent, Gen I, Internet Gen. or Net Gen., Digital Natives, Gen Tech
- Thế hệ Alpha, A …
Đối với người Việt Nam ở hải ngoại, tương đương vi X là thế hệ một rưởi, trong nước tương đương với Y là thế hệ 8x và 9x.
– Thế hệ Y ở Trung Hoa gọi là bát thập kỷ thế hệ hay Little Emperors, thế hệ Tàu này lạc quan về tương lai, tiêu thụ nhiều, có óc kinh doanh, muốn biến nước Tàu thành cường quốc. Vì chính sách hạn chế sinh sản mỗi gia đình chỉ được phép có một con, người Trung Hoa chỉ giữ bào thai lại khi biết sẽ có con trai, gây ra tình trạng trai thừa gái thiếu khá trầm trọng; hiện có tới 40 triệu thanh niên Tầu không lấy được vợ.

Ở Đại Hàn thế hệ đặt tên theo các biến động chính trị, thế hệ dân chủ 1960 chống Lý Thừa Vãn, thế hệ 1964 chống hoà ước với Nhật, thế hệ 1969 chống chế độ tổng thống 3 nhiệm kỳ.

Ở Ấn độ có thế hệ độc lập 1947, thế hệ Indian boomers 1960, thế hệ Ge, thế hệ X phát triển kinh tế kỹ thuật.

Hẳn không thể nào có một mẫu người cho mỗi lớp tuổi, các thế hệ mọi nơi mọi lúc cũng không hoàn toàn đồng đều, nhưng vì truyền thông và giao dịch toàn cầu càng ngày càng mau chóng, ảnh hưởng hỗ tương các nơi trên địa cầu lan rộng, từ đó có nhiều điểm tương tự để so sánh.. Ta có thể nhìn vào thế hệ Âu Mỹ để có một nhận định khái quát về các các thế hệ trong thời kỳ vừa qua.

Thế hệ Traditionalists là thế hệ sanh trước khi thế chiến thứ hai kết thúc, hiện nay có vào khoảng 75 triệu người, chiếm một phần tư dân số Mỹ.
Họ chịu ảnh hưởng của thời kỳ khủng hoảng kinh tế 1929, thế chiến thứ hai 1939-1945, chế độ quân dịch và chiến tranh lạnh. Nhóm người này rất trung thành với thể chế xã hội, yêu nước, bảo thủ trong các dự tính, lịch sự, có tinh thần đạo đức, ít chú trọng vào kỹ thuật, coi trọng nghề nghiệp cao, có tinh thần trách nhiệm, chu toàn công việc trong sở. Tổng thống “Bush cha” là điển hình của thế hệ này.

Thế hệ Baby-boomers là thế hệ sanh vào khoảng giữa 1946-1964, nhân số chừng 80 triệu người ở Mỹ.
Sanh sau thế chiến thư hai, lúc tỷ lệ sanh sản lên cao, họ trưởng thành vào lúc kinh tế bắt đầu thịnh vượng, nhưng chịu ảnh hưởng cuộc chiến Việt Nam và chiến tranh lạnh, họ chống đối chiến tranh, đòi hỏi quyền lợi riêng, chịu ảnh hưởng cuộc cách mạng tình dục, hay ghiền ma túy, thích nhạc rock and roll, cư ngụ bên ngoài thành phố, hai vợ chồng đều đi làm, đời sống gia đình thay đổi.
Nhóm này muốn tạo dấu ấn của mình trong xã hội, làm khác người, lạc quan, thiên về lý tưởng, có tinh thần phấn đấu cao, thành công ngoài đời, ly dị cao, ít chấp nhận thất bại, không yêu cầu giúp đỡ, dễ bị burn-out, thiên về vật chất, nợ nần nhiều. Bỡ ngỡ về giá trị trong xã hội, họ thường tự hỏi who am I?
Điển hình cho thế hệ này là tổng thống Bill Clinton, Nicolas Sarkozy.

Thế hệ X, sanh khoảng 1965-1980 nhân số 46 triệu ở Mỹ.

Thế hệ Y, sanh trong thời kỳ 1980-2000, vào khoảng 76 triệu ở Mỹ. Trưởng thành trong giai đoạn phát triển kỹ thuật truyền thông, giầu nghèo cách biệt, ảnh hưởng của các sắc dân di trú. Có nhiều người nghiền ma túy, cần sa, gia nhập bọn côn đồ bạo hành.
Họ nhận định các cơ chế xã hội theo cách nhìn riêng của mình. Lớp tuổi này mệnh danh là thế hệ digital, hiếu biết cao về điện toán và tin vào internet, thông tin, máy tính 24 trên 24 giờ, chấp nhận dị biệt và mong người khác cũng chấp nhận quan điểm của mình, quan tâm về môi trường, thích nhac MTV (Music TV).
Giá trị học lực càng ngày càng cao, không quan tâm về việc làm, nhưng muốn đổi mới và tự mình làm chủ.

Thế hệ 7X, 8X và 9X ở Việt Nam là một khái niệm để chỉ những người sanh vào thập niên 1970, 1980 và 1990.
Những tranh luận cuả người trong ba lớp tuổi này và qua những bài bình luận về giới trẻ có thể nhìn thấy đặc tính nếp sống của họ

Thế hệ 7X, từ 30 đến 40 tuổi.
Một bạn trẻ trong lớp tuổi 7X đã nói về thế hệ của mình như sau. 
“Có người nói khoảng cách này (giữa thế hệ 7X và 8X) không đáng kể chỉ khoảng 10 năm thôi mà. Ở đây khoảng cách chúng ta không thể đo bằng con số mà chỉ có thể đo bằng suy nghĩ, cách nghĩ, cách hành động. Nhưng tại sao là 7X và 8X mà không phải 7X với 9X hay 7X với 6X. Điểm chung của hai thế hệ này là họ không chứng kiến chiến tranh, nhưng với mình là cả một khoảng cách khó có thể lấp đầy được. Đối với thế hệ 7X của tụi mình được sinh ra trong thời kỳ đất nước còn trong thời kỳ bao cấp. Mặc dù không trực tiếp ảnh hưởng bởi thời kỳ này nhưng tụi mình cũng biết được cuộc sống nó như thế nào. Mình không thể quên được cảnh ba mình 4 giờ sáng đi xếp hàng mua gạo, cả nhà không dám ăn thịt để đổi mỡ về chế biến các món ăn khác. Mình còn nhớ mãi lúc mình 8 tuổi, ba mình giao mình việc đi chợ. Nhà mình lúc đó đang nuôi gà để cải thiện nên phải mua cá vụn về nấu thêm cho gà ăn. Thế là mình chọn trong đám cá vụn đó có những con to lấy ra nấu cho nhà ăn. Sao bữa ăn lúc đó cực thế. Và để có thể sắm một chiếc xe đạp mình phải chuẩn bị gần ba năm trời bằng cách mua từng phụ tùng về để dành. Hồi đó mình tìm đủ mọi cách để có tiền như hàng sáng mình lấy đá trong tủ lạnh mang qua nhà hàng xóm bán, nhà mình có hai cây mận rất to, thế là mình hái mận mang ra ngoài ngõ ngồi bán. Chính vì chứng kiến cuộc sống thời kỳ đó mà mình rất thương bố mẹ. Và cũng chính vì lý do đó mà mình ở lại thành phố Nha Trang này. Không phải bây giờ người ta mới đổ xô vào Saigon để tìm cơ hội vươn lên. Khi ra truờng có rất nhiều cơ hội để mình phát triển nhưng chính lúc đó hình ảnh bố mẹ làm mình nghĩ lại”.

Thế hệ 8X là thế hệ những người từ 20 tới 30 tuổi ở Việt Nam, trưởng thành khi chiến tranh đã chấm dứt.
Họ rất năng động, hoạt bát và là thế hệ tiếp thu văn hóa phương Tây một cách nhanh chóng, đầy triển vọng, thường nghĩ khác làm khác so với lớp tuổi trước. Và với một số người, họ cho đó là phong cách sống của họ. Họ yêu tự do không thích ràng buộc và thích khám phá. Các giá trị truyền thống bị mất đi và hầu như con người chỉ sống vì cái tôi cá nhân đó.
Một bài báo tháng 2-2010 vừa qua đã mô tả giới trẻ thế hệ 8X ở Việt Nam là một lớp tuổi có ba vật bất ly thân.
Đó là dùng thẻ thanh toán ATM. 
Tiện lợi là thứ nhất song hơn cả, thẻ là những giao dịch trên mạng ngày càng thông dụng. Những đợt hàng giảm giá liên tục quảng cáo ầm ĩ trên internet luôn làm những người trẻ khó ngồi yên.

Điện thoại di động: số liệu cho biết cả nước có trên 3 triệu thuê bao điện thoại di động mà trong số đó ít nhất phải có đến 50% là giới trẻ. Không phải để khoe máy như hồi điện thoại di động còn là đồ xa xỉ, điện thoại với 8X hôm nay có rất nhiều chức năng khác, nhiều nhất vẫn là nhu cầu giao lưu khi mà giới trẻ 8X luôn khao khát được độc lập, tự do không phụ thuộc vào gia đình nữa. Chỉ cần một tin nhắn trên máy đủ để kéo những 8X lại gần nhau hơn.

Ổ cứng di động USB: trong Ban Chấp hành Đoàn ai cũng có một cái USB lủng lẳng đeo ở cổ. Lúc lên văn phòng copy tài liệu nọ, ảnh kia. Rồi muốn ra hàng net để gửi đi.
Về tiêu cực, 8X ngại xung phong, ngại dẫn đầu mặc dầu có khả năng, hời hợt, thiên về thực dụng. Cách suy nghĩ ấy đã dẫn đến một thế hệ tương đối thụ động, ít phát triển, ít đóng góp ý kiến, tròn trịa, như “hộp cá sốt cà”.

Thế hệ 9X là thế hệ từ 10 đến 20 tuổi.
Là nhóm lớn lên với sự phát triển kinh tế, thông tin điện tử mở ra thế giới bên ngoài (theo ước lượng hiện ở Việt Nam có tới 22 triệu người sử dụng internet). Họ được miêu tả là một thế hệ tiến bộ và nổi loạn, tự tin hơn thế hệ trước, theo đuổi những điều họ muốn có, dùng ngoại ngữ và đặc biệt là internet.
Họ có chiều hướng từ chối phong tục truyền thống, giá trị của lớp tuổi đi trước, thích nghe nhạc ngoại quốc, ưa phong cách sống và phong tục của nước ngoài.
Có lẽ đây là lớp tuổi bị chỉ trích nhiều, thế hệ 9X bị phê bình có một thành phần nông nổi nhất thời, lối sống buông thả, ăn chơi sành

Thế hệ Z là thế hệ tương đương với thế hệ 0X (zeroX) ở Việt Nam, là bước chuyển của thiên niên kỷ, sanh sau năm 2000.
Cũng gọi là thế hệ internet, hay là tân thế hệ trầm lặng (nouvelle génération silencieuse), để so sánh với thế hệ trầm lặng đầu thế kỷ 20. Nhân số đông đảo chiếm tới 18% dân số.
Những người trẻ này không những chỉ tin vào Wikipedia, mà thích truy cập mạng, tin tưởng vào kỹ thuật, hoạt động của họ áp dụng theo internet, www, google …Kiếm việc làm không khó.

Tuổi Z không có khiếu tranh luận bằng ngôn từ hay các loại phát biểu khác, họ thiếu kiên nhẫn, muốn có kết quả ngay. 
Thích sử dụng điện thoại di động và cảm thấy thiếu sót nếu không có iPod, iPad.
Cá nhân chủ nghĩa, ít tinh thần gia đình, thiếu thỏa hiệp, không tin vào giá trị chung của xã hội, thế hệ Z ít nghe lời người khác, không chú ý đến kẻ khác và có lẽ vì thích sống với thế giới ảo, nên lớp tuổi Z không có khuynh hướng quá khích.
Nhiều nhà xã hội dự đoán sau năm 2020 sẽ có thay đổi lớn trong cách làm việc, quan niệm về luân lý và giá trị. Khó biết được đặc tính văn hóa của lớp tuổi này.

DÂN SỐ VIỆT NAM

Khảo sát về dân số Việt Nam, một phần lớn chúng tôi dựa vào mô hình của US Bureau of Census, một cơ sở nghiên cứu về dân số tất cả các nước trên thế giới theo phương pháp cohort component projection.

Xin chú ý để tiện theo dõi theo thời gian, mầu sắc của mỗi khoảng cách 5 tuổi sẽ giữ nguyên trong những biểu đồ kế tiếp 10 năm sau.

* Nhìn về phía sau: dân số Việt Nam năm 1990 và 2000

Tháp tuổi dân số Việt Nam những năm 1990 và 2000 có hình mũi nhọn, lớp tuổi già không sống lâu như những năm về sau.
Phái nam từ 35, 40 tuổi trở lên (nghĩa là lớp người mà tuổi thanh niên đã trải qua cuộc chiến dài 30 năm trước1975) rất ít so với phái nữ, do hậu quả giết chóc của chiến tranh.
Tuổi sơ sinh trong năm 1990 tăng khá nhiều so với lớp tuổi lớn hơn. Điểm nổi bật khi so sánh tháp tuổi 1990 với tháp tuổi 2000 là số sanh bắt đầu giảm ở lớp trẻ nhỏ từ 0 tuổi tới 4 tuổi, con trai nhiều hơn con gái do hậu quả của tình trạng hạn chế sinh sản, mà phá thai là một yếu tố quan trọng tại Việt Nam, ước tính lên đến một triệu phá thai hàng năm (Truyền Thông số 18 Mùa Đông 2005), mặc dầu pháp lệnh dân số 2003 nghiêm cấm việc thăm dò giới tính của thai nhi..

* Hôm nay: dân số Việt Nam năm 2010

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam kết quả cuôc tổng điều tra dân số và nhà ở tính đến ngày 1-4-2009, dân số Việt Nam là 85.789.573 người, tăng 9,5 triệu người so với 10 năm trước.

Có vài yếu tố đáng ghi trong tháp tuổi này

1- Chênh lệch giới tính đang tăng cao. Tỷ lệ nam nữ những người trên 65 tuổi là 33,5%, phái nữ nhiều hơn phái nam. Trái lại, tỷ số nam nữ khoảng 0-4 tuổi là 111% so với 106% năm 2005. Với đà tăng trưởng này, đã có dự đoán trong vòng 15 đến 20 năm nữa, ở Việt Nam sẽ thiếu 4,3 triệu thanh nữ.
Hiện nay tuổi kêt hôn của phái nam là 26,2 và phái nữ 22,8 tuổi.
2- Lực lượng lao động tức là những người từ 15 đến 59 tuổi tăng thêm nhiều so với bảng phân bố dân số những năm trước, hiện nay khoảng 43,8 triệu, trên dưới 50% dân số, đạt đến cơ cấu dân số vàng, nghĩa là hai người trong độ tuổi lao động mới phải gánh một người phụ thuộc. Tuy nhiên thời kỳ này không dài, Ủy Ban Dân Số, Gia đình dự đoán thời kỳ này sẽ chấm dứt năm 2015, trong khi bộ phận dân số của Liên Hiệp Quốc cho là thời kỳ dân số vàng ở Việt Nam sẽ kéo dài từ 2010 đến 2040.
3- Lớp tuổi phụ thuộc là những người không tham dự vào công việc sản xuất, khoảng gần 44% đối với lớp người dưới 15 tuổi và 14% đối với người trên 65 tuổi.
Từ các con số này, tính ra chỉ số lão hóa, biểu thị bằng tỷ số người trên 60 tuổi so với người dưới 15 tuổi. Hiện nay chỉ số lão hóa ở Việt Nam là 35,9%, Singapour 85% và Thái Lan 52%.
4- Tuổi học phổ thông từ 5 đến 19 tuổi khoảng 29 triệu, chiếm 28,7%, trong số này phái nữ đi học nhiều hơn phái nam 51,09%.

* Nhìn về phía trước : dự báo dân số

Cơ cấu dân số Việt Nam sẽ thay đổi mau chóng. Thống kê dự đoán đến năm 2020 dân số sẽ là 99 triệu và năm 2030 là 104 triệu.
Lớp tuổi nhỏ giảm, tuổi lao động tăng, tuổi già trên 60 tăng, biểu đồ phân bố dân số không có hình tháp mà giống hình cái chum (cái lu)..

Sinh xuất càng ngày càng giảm, nhóm tuổi 0-4 giảm rõ rệt.

Theo Vũ Quang Việt, dự phóng dân số ở tuổi tiểu học sẽ giảm xuống 6,5 triệu vào năm 2020 và 6,3 triệu vào năm 2030.
cấp trung học sĩ số giảm mạnh xuống còn 10,4 triệu vào năm 2015, tức là ít hơn 2 triệu.
Dân số ở độ tuổi đại học có thể giảm đi 10% vào năm 2015, 20% vào năm 2020, và 24% vào năm 2030, nhưng nếu số sinh viên đại học không tăng thêm (năm 2006 là 20,5%), thì tỷ lệ đi học đại học vẫn tăng.
Sự giảm dân số trong lớp tuổi đi học có thể đem lại kết quả thuận tiện cho việc nâng cao nền giáo dục, tuy nhiên đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam vẫn còn thấp, 2,1% lợi tức quốc gia, so với tỷ lệ toàn thế giới là 5,4%.
Lực lượng lao động 15-59 tuổi tăng nhanh cả về tuyệt đối lẫn tương đối, có thể lên đến 65% dân số. Tuy nhiên không phải mọi người trong tuổi lao động đều tham gia hoạt động kinh tế, và người đến tuổi nghỉ hưu vẫn còn làm việc.
Trong khi lớp tuổi phụ thuộc trẻ 0-14 giảm thì lớp tuổi phụ thuộc già trên 60 tăng. Tốc độ lão hóa nhanh hơn tốc độ tăng dân số trong tuổi lao động, đạt tới 11,24 % năm 2020.
Liên Hiệp Quốc quy định rằng một dân số có 10% người cao tuổi là một dân số già. Các vấn đề sức khoẻ, tâm lý, xã hội sẽ đặt ra một cách nghiêm trọng. Theo Nguyễn Đình Cừ, trong số người cao tuổi chỉ có khoảng 16-17% hưởng lương hưu hoặc mất sức, hơn 10% hưởng trợ cấp người có công với nước. 
Như vậy còn trên 70% sống bằng cách khác, tiếp tục lao động hay nhận hỗ trợ của con cháu và gia đình.
Sự thay đổi về cơ cấu dân số vừa là một thuận lợi vừa gây ra áp lực trong công tác giải quyết việc làm đối với lớp tuổi lao động, bảo đảm an sinh xã hội cho lớp tuổi học sinh và lớp tuổi phụ thuộc, trẻ em và người già, và là một thách đố đối với việc ðầu tư vào giáo dục.
Ngày mai sẽ ra sao? Đó là một câu hỏi cho những ai còn muốn nhận quê hương là Việt Nam.
Tác giả: Phạm Hữu Trác T7-2010

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hababou, Ralph, Génération W, Fìrst, 2009
Coupland, Douglas, Génération A, Vintage, 2009.
Coupland, Douglas, Génération X, Tales For An Accelerated Culture, St Martin’s Press, 1991
When Generations Collide, Lynne C. Lancaster , The Management Forum Series, March 2004
Generation Gaps Revisited, Kenneth A. De Jong & Jayshree Sarma
Đối thoại với cái tôi của tuổi trẻ, Huỳnh Văn Sơn.
Internet
Phụ bản

Bảng đối chiếu các thế hệ (theo Strauss và Howe và Doulas Coupland)
Late medieval Saeculum                                           
Arthurian Generation                     1433-1460           Retreat from France
Humanist Generation                     1461-1482           War of Roses     
Reformation Saeculum                               
Reformation Generation                1483-1511           Tudor Renaissance
Reprisal Generation                       1512-1540           Protestant Reformation
Elizabethan Generation                 1541-1565           Intolerance and Martyrdom
Parliamentarian Generation          1566-1587           Armada Crisis    
New World Saeculum                                  
Puritan Generation                        1588-1617           Merrie England 
Cavalier Generation                      1618-1647           Puritan Awakening
Glorious Generation                      1648-1673           Religious Intolerance
Enlightenment Generation            1674-1700           Glorious Revolution
Revolutionary Saeculum                                           
Awakening Generation                 1701-1723           Augustian Age of Empire
Liberty Generation                        1724-1741           Great Awakening
Republican Generation                  1742-1766           French and Indian War
Compromise Generation               1767-1991           American Revolution
Civil War Saeculum                                      
Transcendental Generation           1792-1821           Era of Good Feeling
Gilded Generation                        1822-1842           Transcendental Awakening
Progressive Generation                1843-1859           American Civil War
Great Power Saeculum                               
Missionary Generation                 1860-1882                         
Lost Generation                            1883-1900                         
G.I. Generation                             1901-1924                         
Silent Generation                          1925-1942           Traditionalists    (Pre-1946)
Millennial Saeculum                                    
Baby Boom Generation                 1943-1960           Baby Boomers    (1946-1964)
13th Generation                             1961-1981           Generation X (1965-1981), 1 rưỡi.
Millenial Generation                      1982-2003?         Millennial, Y, GeNext (1982-2000)

Thê hệ 8x và 9x tại Việt Nam
New Silent Generation    2004- ?  Generation Z,    
Thế hệ A, alpha, zéro 
                                   
Ở Việt Nam hiện nay:                                   
Thế hệ 8x từ 20 tới 30 tuổi ở VN hiện nay có khoảng 9 triệu nam và 9 triệu nữ
Thế hệ 9x từ 10 tới 20 tuổi ở VN ít hơn, khoảng 8,5 triệu nam và 8 triệu nữ . (Xin coi tháp tuổi Việt Nam)

No comments:

Post a Comment