Thói hư tật xấu của người Việt (2/7)
Thứ Năm, 1 tháng 1, 2009
Thói hư tật xấu của người Việt (2)
Nhắm mắt bắt chước điều không hay của cổ nhân và ngại thay đổi
(Dương Dũ Thúc, báo Nông cổ mìn đàm, 1902)
Người nước chúng ta sự tính lợi hại xét hơn thua không rõ, cứ người sau thì
làm theo những điều người trước hay làm. Bởi vậy cho nên cả nước giàu không đặng
giàu nhiều, nghèo thì nghèo đến đỗi không áo không quần mà thay, rồi mỗi mỗi cứ
đổ lỗi cho trời cho số, cho ngày sinh tháng đẻ. Cổ đạo (1) là những lẽ phải; có
vua tôi, có cha con, có anh em, có vợ chồng, có bạn hữu; nếu người nay mà trái
những điều đó mới mang tai(2). Chớ ví như đổi tục gian ra ngay, tục làm biếng
ra siêng, đổi dối ra thiệt, tục nghịch ra thuận, tục ngu ra trí, tục hèn ra
sang, tục dơ ra sạch, tục vụng ra khéo, tục trược (3) ra thanh, đổi
như vậy thì là phải lắm. Xin hãy coi gương người dị quốc (4), hoặc phương Đông
phương Tây, phương Nam cùng phương Bắc, người ta thường hay đổi hay sửa, ít bắc
chước những điều tệ của người trước; bởi vậy nay người ta thanh lịch lắm. Nếu
mà cứ theo tục sai không đổi thì quả là khờ và bị thiệt hại.
(1) đạo lý cổ truyền
(2) chịu những điều khốn khổ, có hại
(3) trược tức là trọc, có nghĩa là đục, không trong sạch
(4) người các nước khác
Trí túc và Hiếu cổ
(Quốc dân độc bản – tài liệu do Đông Kinh Nghĩa Thục soạn,
1907)
Dân ta đại để bảo thủ mà không biết tiến thủ. Sở dĩ bảo thủ một là do trí
túc, hai là do hiếu cổ (1). Thường thường cho rằng quê mùa chất phác là hay, lặng
lẽ rút lui là cao thượng, không biết rằng như vậy là chỉ muốn ăn chơi lười biếng.
Đó là tri túc làm trở ngại cho chí tiến thủ. Không biết rằng thế đạo (2) ngày một
suy, mà lại than thở phong tục xưa không được phục hồi. Lòng hiếu cổ ấy trở ngại
cho chí tiến thủ.
(1) Trí túc: biết thế nào là đủ; hiếu cổ; ưa thích những gì đã có từ xưa.
(2) đạo sống ở đời
Cái gì cũng đổ tại trời
(Quốc dân độc bản, 1907)
Thuyết mệnh trời làm cho dân ta bị trở ngại. Nước yếu không quy trách nhiệm
cho chính sự tồi tệ, quốc dân bất tài, mà lại nói vận số không phải do người
quyết định. Lụt lội hạn hán không trách cứ là không có kế hoạch tiêu nước kịp
thời, không phòng ngừa đói kém mà lại nói thiên tai không phải do người gây
nên. Dịch bệnh lan tràn thì nói con người sống chết có số, đề phòng cũng vô
ích. Cùng làm một nghề, kẻ thành người bại, cũng lại nói họ gặp may, ta gặp rủi.
Than ôi! sao lại có cách nói tự hại mình đến thế?
Dân khí bạc nhược
(Phan Chu Trinh – Thư gửi Chính phủ Pháp, 1906)
Nước Nam độ bốn mươi năm nay, vận nước ngày một suy, suốt từ trên đến dưới
chỉ biết chuyện lười biếng vui chơi. Pháp chế luật không còn có cái gì ra trò,
nhân tài cũng tiêu diệt đi mất cả. Người trên thì lâu lâu được thăng trật(1),
chẳng qua như sống lâu lên lão làng; người dưới '74hì đem của mua quan , thật
là tiền bạc phá lề luật. (...). Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian
giảo thì như ma như quỷ, lừa gạt bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu
thì như lợn như bò, giẫm cổ đè đầu, cũng không dám ho he một tiếng.
(1) trật: cấp bậc phẩm hàm.
Pháp luật đơn sơ
(Quốc dân độc bản, tài liệu của Đông Kinh nghĩa thục,
1907)
Dân trí càng mở mang thì pháp luật càng phải tinh tế. Luật lệ nước ta sơ
sài hết sức. Những điều rõ ràng thì hoặc là phiền toái vô dụng, hoặc là khe khắt
quá khó lòng giữ đúng (...) Những điều ta nói ta làm hàng ngày mà theo luật quy
tội, thì sáng bị tội đồ, tội lưu, chiều bị tội phạt trượng. Đến những điều đáng
phải theo cũng không thể theo được. Trên cũng như dưới đều mơ mơ màng màng, cơ
hồ thành một nước không có pháp luật. Dân không giữ chữ tín, trong dân gian người
ta làm khế ước với nhau, thường mực chưa khô đã bội ước. Quy tắc của trường học,
kế hoạch của công sở phần lớn nằm trên giấy, treo lên cho vui mắt, đọc lên cho
vui tai mà thôi. Trên dưới không tin nhau, mà mong giữ đúng pháp luật thì thật
là khó thay! Đã không giữ được
thì thay đổi đi là hơn.
Làm ra vẻ yêu nước để mưu lợi riêng
(Phan Bội Châu - Cao đẳng quốc dân, 1928)
Chứng bệnh hay giả dối là chứng bệnh chung của người nước ta mà ở trong lại
có một chứng đặc biệt là chứng ái quốc giả... Nào đám truy điệu, nào tiệc hoan
nghênh, nào là kỷ niệm anh hùng, nào là sùng bái chí sĩ, chuông dồn trống giục,
Nam hát Bắc hò, xem ở trong một đám lúc nhúc lao nhao, cũng đã có mấy phần người
biết quyền nước đã mất thì tính mạng không còn, hồn nước có về thì giang sơn mới
sống. Nếu những tấm lòng ái quốc đó mà thật thà chắc chắn thì giống Tiên Rồng chẳng
hạnh phúc lắm sao? Nhưng tội tình thay, khốn khổ thay, người ưu thời mẫn thế chẳng
bao nhiêu mà người rao danh thì đầy đường đầy ngõ. Giọt nước mắt khóc nước vẫn
ngày đêm chan chứa mà xem cho kỹ thì rặt nước mắt gừng; tiếng chuông trống kêu
hồn vẫn trong ngoài gióng giả mà nghe cho tới nơi thì rặt là chuông trò trống hội;
ngoài miệng thì ái quốc mà trong bụng vẫn là kim khánh mề đay; trước mặt người
thì ái quốc mà đến lúc đếm khuya thanh vắng thì tính toán những chuyện chó săn
chim mồi. Cha ôi! Trời ơi! ái quốc gì, ái quốc thế ư? Đeo mặt
nạ ái quốc để phỉnh chúng lừa đời, một mặt thời mua chuốc lấy tiếng chí sĩ
chân nhân, một mặt thì ôm chặt lấy lốt ông tham bà đốc.
Học đòi làm dáng một cách sống sượng
(Nguyễn Văn Vĩnh, Đăng cổ tùng báo, 1907)
Cứ chiều đến, độ sáu bảy giờ, đứng ở góc hồ Hoàn Kiểm, trông kẻ đi qua người
đi lại, thấy ngứa mắt quá. Nhăng trông mấy ông ăn mặc quần áo Tây. Gớm, sao mà
khéo bắt chước, giả sử sự học hành, sự buôn bán mà cũng bắt chước được khéo thế
thì hay quá! Ông cổ cồn trắng, cổ nút xanh, nút đỏ, đầu thì mũ cỏ, tay thì ba
toong, giày thì bóng nhoáng, hai ngón tay thì khéo gẩy gẩy cái nách áo gi-lê.
Ông ngồi xe thực khéo lấy dáng. Ngày xưa cái ô lục soạn , cái điếu thuốc lá bọt.
Nay những cái ấy đã cho là đồ cũ rồi. Cái xe Nhật Bản bây giờ cũng bỏ. Bây giờ
có xe cao su, êm hơn mà ngồi ưỡn ra bệ vệ hơn nhiều. Tay cần quyển sách hay là
cái nhật trình (1), mắt giả lờ trông thì lại ra tuồng (2) nữa. Em (3) thực là
người hiếu sự duy tân. Cách ăn mặc An Nam đội cái khăn bằng cái rế, búi tóc như
quả bưu , áo lướt tha lướt tư ướt, giày lẹp cà lẹp kẹp, móng tay gãi đầu như người
rũ chiếu thì cũng bẩn lắm thực. Em cũng muốn rằng người An Nam ăn mặc cho gọn
gàng sạch sẽ diện mạo tinh nhanh, nhưng mà thấy những trò sài sơn (4) của các
ông cũng ngứa mắt lắm.
(1) báo ra hàng ngày
(2) trông có vẻ phường tuồng.
(3) Bài này ký tên Đào Thị Loan là một trong những bút hiệu của Nguyễn Văn Vĩnh.
Bởi in trong mục: Nhời đàn bà, nên xưng "em”
(4) Ăn diện.
Cái hay của người không biết học
(Nguyễn Trọng Thuật - Điều đình cái án quốc học, Nam
Phong, 1931)
Từ Lê Hồng Đức bắt đầu gieo cái mầm cẩu thả , rồi Mạc Trịnh lại càng tài bồi
cho thành cái rừng cẩu thả. Cẩu thả nên toàn mô phỏng, mô phỏng thì không còn
biết biến hóa nữa. Như người học vẽ tranh mà làm cách lồng phóng hay là can-ke
thì thế nào cũng không đúng. Kỳ cạch mãi càng không đúng, bấy giờ khoanh tay lại
lắc đầu lè lưỡi mà rằng "Bức vẽ mẫu là thiên tài trời đã định, mà mình là
bất tài trời đã định"... Bấy giờ dẫu có ai hoán anh cho biết cũng không
tin, có ai biệt sáng biệt lập (1) cái gì cũng không thèm ngó tới.
(1) sáng tạo.
Óc sùng ngoại lại quá nặng
(Nguyễn Trọng Thuật – Điều đình cái án quốc học, Nam
Phong, 1931)
Anh thợ vẽ cầm lấy cái bút là vẽ ngay phong cảnh Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn
tự; thày đồ tìm đến cái bút là tả ngay lịch sử Hán Cao Tổ Trương Lương Hàn Tín;
anh phường tuồng ra trò là diễn ngay tấn Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi. Thổ sản
thổ hóa mà hễ cái gì tồi thì cho một tiếng "nam” vào để giễu, như cái áo tơi
gọi là áo cừu nam sột soạt, anh chàng dở người mà hay bàn thời thế họ gọi là
Gia Cát nam. Cái gì tốt thì cho một tiếng "tàu" vào để khen, như măng
khô gọi là măng tàu. Ấy cũng vì tư tưởng đã thiên di như thể, những nhà chế tạo
nội hóa rất khốn khổ, đồ tốt không bán được phải thất nghiệt, mà những đồ thô bỉ
tầm thường thì may còn ngoi ngóp sống để kiếm ăn với những người quê mùa nghèo
khó.
Tính ỷ lại
(Phan Bội Châu - Cao đẳng quốc dân 1928)
Tục ngữ có câu rằng Tháp đổ đã có Ngô xây - Việc gì vợ góa lo ngày lo đêm.
Tháp đó là tháp của ta, ta không xây được hay sao? Nghểnh đầu nghểnh cổ trông
ngóng, nếu Ngô không sang thì vạn tuế thiên thu chắc không bao giờ có tháp.
Tháp đổ mặc tháp, khoanh tay đứng dòm, nghiễm nhiên một đống bù nhìn rồi hẳn. Hỏi
vì cơn cớ làm sao? Thì chỉ vì ỷ lại.
Câu tục ngữ ấy thật vẽ đúng tâm tình người nước ta. Nếu ai cũng lo gánh vác
một phần trách nhiệm của mình thì có gánh gì không cất nổi. Nhưng tội tình
thay, anh nào chị nào trong óc cũng chất đầy một khối ỷ lại. Anh Cột trông mong
vào chú Kèo, cô Hường trông mong vào thím Lục, mà chú Kèo, thím Lục lại ỷ có
anh Cột, cô Hường rồi. Rày lần mai lữa, kết cục không một người làm mà cũng
không một người phụ trách nhiệm.
Quá tin ở những điều viển vông
(Phan Bội Châu – Cao đẳng quốc dân 1928)
Mê tín sinh ra những việc nực cười. Ngày giờ nào cũng là trời bày định mà bảo
rằng có ngày dữ ngày lành; núi sông nào cũng là đất tự nhiên mà bảo rằng có đất
tốt đất xấu; vì nấu ăn mới có bếp mà bảo rằng có ông thần táo; vì che mưa gió
mà có nhà mà bảo rằng có ông thần nhà; cho đến thần cửa thần đường, thần cầu
tài, thần cầu tử, trăm việc gì cũng trông mong vào thần; kết quả thần chẳng thấy
đâu, chỉ thấy những cửa nát nhà tan, của mòn người hết, tin thần bao nhiêu thì
tai họa bấy nhiêu...
Tư tưởng gia nô
(Phan Bội Châu - Cao đẳng quốc dân 1928)
Xem lịch sử nước ta tư xưa đến nay hơn ba nghìn năm, chỉ có gia nô mà không
có quốc dân. Quyền vua có nặng, nặng không biết chừng nào; gia dĩ (1) quyền
quan lại hứng đỡ quyền vua mà từng từng áp chế. Từ cửu phẩm kể lên cho đến nhất
phẩm, chồng càng cao, ép càng nặng, đến dân là vô phẳng thân giá (2) lại còn
gì. Thằng này là con ngựa thằng nọ là con trâu buộc cương vào thì cắm cổ cứ đi,
gác ách vào thì cúi đầu cứ lủi . Gặp Đinh thì làm nô với Đinh, gặp Trần thì làm
nô với Trần, gặp Lê Lý thì làm nô với Lê Lý.
Phận con hầu thằng ở, được đôi miếng cơm thừa, canh thải, đã lấy làm hớn hở
vênh vang; tối năm (3) đứng đầu ruộng mới được bát cơm ăn, suốt đêm ngồi bên
bàn khung cửi mới được tấm áo mặc, mà mở miệng ra thì “cơm vua áo chúa"; đồng
điền này, sông núi nọ mồ hôi lẫn nước mắt cày cấy mở mang, nhưng mà “chân đạp đất
vua", lại giữ chặt một hoạt kê vô lý (4). Cái tư tưởng gia nô! Cái trí thức
gia nô! Bệnh gia truyền làm nô đó không biết tự bao giờ để lại, bắt ta phải
gông đầu khoá miệng, xiềng tay xiềng chân, chịu gánh gia nô cho già đời mãn kiếp.
(1) thêm vào đó
(2) giá trị con người
(3) quanh năm
(4) đại ý: Tự mình làm ra mà lại bảo là do ơn người khác, thật là câu chuyện
buồn cười
Cái tánh di truyền của dân tộc ta
X.T.T. (Tiếng Dân, số 179, ngày 15-05-1929)
Trong mục “Lật chồng báo cũ”
chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu với độc giả trích đoạn các bình luận về đạo đức
xã hội của các nhà văn hóa thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám 1945 trên các báo
chí công khai.
Trước hết là một số bài của báo Tiếng Dân do nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng
làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Số 1 của báo ra ngày 10-08-1927. Sau khi ra số 1966
ngày 24-04-1943, báo Tiếng Dân đã bị nhà cầm quyền đình bản.
Tức như hiện trạng xã hội ta ngày nay, thử hỏi cái tánh di truyền từ thuở này
ở đâu, thì không biết tìm vào đâu, mà nói đến cái xấu thì hiện trên thế giới đều
lấy mình làm gương. Xin kể mấy điều về hình di truyền của người mình như sau
này: Một là học để làm quan. Người sinh ở đời có học mới khôn, có khôn mới làm
hết được bổn phận làm người. Làm quan chẳng qua là một việc trong sự làm người
đó mà thôi. Thế mà người mình có cái tánh di truyền "đi học cốt để làm
quan !" vì cái tánh đó, cha truyền con nối, trước bày nay làm, dầu cho
ngày nay phép học, phép thi đổi ra cách mới, càng chiến thương chiến, giặc tới
bên chân, mà người đi học trong nước vẫn ôm lấy cái hy vọng "làm
quan" là chú chốt. Hai là, làm quan ăn lót. Người mình mà có cái hy vọng
làm quan không phải vì ra mà kinh bang tế thế đặng ăn lộc nước mà thôi đâu, cốt
là mượn cái địa vị thế lực mà làm cái lợi riêng nữa, vì thế nên làm quan mà ăn
của dân, cho là cái quyền lợi tự nhiên mình được hướng, tập dữ tánh thành,
không ai cho là điều quái lạ hổ thẹn nữa. Ba là, a dua người quyền quý. Theo thời
đại chuyên chế, ông quân chú là thần thánh
bất khá xâm phạm, lần lần rồi đến những chân tay đầy tớ của ông cũng không
ai dám động đến. Ngu dốt mà cũng xưng là thông minh, bạo ngược mà cũng tán răng
nhân đức. Dầu cho ké nào có dựa được một chút quyền vị nọ mà đứng vào cái địa vị,
dân cũng không dám nói đến. Tham nhũng đến đâu mà cũng phô rằng thanh liêm, hèn
mạt đến đâu mà cũng tôn làm tài đức. (Thử xem mấy bài tấu, sớ, biểu, chương của
đám quan trường, cùng những đơn nguyện lưu các phú huyện, thì gần như trong đời
không có ông hôn quân cùng kẻ tham lại nào, mà thuần là thần thánh tài năng cả).
Vì cái tánh đó di truyền đã lâu, cho nên bất kỳ việc gì, người ra thế nào, đã
là quyền quý thì cứ nhắm mắt tán dương. Thói này thì ngày nay lại thịnh hơn
ngày xưa" vì không cần phải vua quan mà thôi, xem những tiếng "vạn tuế"
cao xướng hàng ngày thì đủ biết! Bốn là, trọng xác thịt. Vì trọng xác thịt, nên
ngoài sự án sung mặc sướng, ở yên ra, gần như không có tưởng gì nữa, tự mình đã
thế mà đối với kể khác cũng lấy cái mục đích đó mà xem xét, nghĩa là không hỏi
nhân cách thế nào, mà chỉ thấy ăn mặc xa hoa, lầu cao nhà lớn thì sinh lòng hâm
mộ muốn bắt chước theo, dầu có hại nòi nát giống, mắng mẹ đạp cha, mà đạt được
mục đích thì cũng không từ. Những điều như thế kể ra không xiết, nếu những điều
xấu cũ cứ một mực thịnh hành, mà không có cái gì ngăn ngừa, lại thêm cái văn
minh xu xác thế lực kim tiền noi theo mà thối giục lên nữa, thôi thì lửa nọ được
dầu, sóng kia thuận gió, không những quét sạch bao nhiêu tánh di truyền tốt của
ông bà ngày trước, mà còn có thể cuốn cả hai mươi triệu đồng bào ta xoay vào
cái rốn biển trầm luân mà không sao
ngóc đầu dậy được Ai mà nói rằng cải lương, xưng rằng tiến bộ, xin trước nhất
bắt đầu từ chỗ cái tánh di truyền của ta mà phù thực điều tốt bỏ hẳn điều xấu rồi
mới nói đến chuyện khác.
Tùy tiện, cẩu thả trong giao lưu, tiếp xúc
(Phan Chu Trinh, nước Việt Nam mới sau khi Pháp Việt liên
hiệp, 1912)
“Xét nước ta đời thụ phong Trung Quốc chỉ là chính sách ngoại giao cho nên
coi là trò chơi, không coi là vẻ vang. Kẻ lấy Trung Quốc làm ỷ
lại, ắt là vào thời cuối (1): vua nhác, tôi nịnh,
binh bị không sửa sang, coi họ như cha mà quên điều nanh ác. Thời cuối các đời
Trần, Lê đều có, mà triều ta (2) lại càng nhiều. Sứ thần
ngày xưa làm nhục được người Trung Quốc coi như vinh dự. Những kẻ đi việc sứ đời
sau lấy việc được một bài thơ, bài văn, một lời than , tiếng cười của sĩ phu
Trung Quốc trở về để khoe khoang với bạn bè làm vẻ vang. Mặt này lại là một điều
suy sút của sĩ phu nước ta.
(1) tức giai đoạn suy tàn của một triều đại.
(2) triều ta đây tức là nhà Nguyễn.
Được đăng bởi Unknown vào lúc Thứ Năm, tháng 1 01, 2009
No comments:
Post a Comment