Monday, August 26, 2019


Thói hư tật xấu của người Việt (3/7)

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2009
Thói hư tật xấu của người Việt (3)

Thạo sử người hơn sử mình
(Hoàng Cao Khải, Việt sử yếu, 1914)
Sĩ tử khắp nước ta làu thông kinh sách mà không biết đất đai của nước ta và nòi giống dân ta như thế nào. Họ chỉ biết Hán Cao. Tồ, Đường Thái Tông mà không biết Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ ra làm sao. Họ chỉ biết Khổng Minh, Địch Nhân Kiệt mà không biết các bề tôi Tô Hiến Thành, Trần Quốc Tuấn thờ vua giúp nước như thế nào. Họ chỉ biết núi Thái Sơn cao chót vót, sông Hoàng Hà sâu thăm thẳm, nhưng không hề hay biết núi Tản Viên từ đâu tới, sông Cửu Long ở Nam Kỳ - phát nguyên từ nơi nào.
Ưa chuộng phong tục nước ngoài cho nên bao nhiêu nghi lễ về quan hôn tang tế (1), chúng ta đều bắt chước người Trung Hoa cả. Lại còn lấy kỹ nghệ nước ngoài làm ưa thích. Đã không chịu học hỏi cách biến chế, óc sáng kiến của họ, mà tại đi tiêu thụ hàng hóa giúp cho họ. Đa số những vật liệu như đồ sứ, hàng tơ, lụa, hàng thêu, hàng đoạn(2)... chúng ta đều đi mua sắm từ bên Trung Quốc về dùng. Rồi dần đà lâu ngày, linh hồn của dân tự nhiên bị đổi dời, trí não của dân ta tự nhiên bị bưng bít mà ta không hề biết, chỉ vì cái cớ chúng ta cứ chuyên trọng Bắc sứ(3) mà thôi.
(1) các việc thuộc về đình đám, ma chay, cưới xin…
(2) hàng dệt bằng tơ, mặt bóng mịn
(3) tức lịch sử Trung Hoa.

Ai cũng học mà chẳng học ai cả
(Ngô Đức Kế, Nền quốc văn - Tạp chí Hữu Thanh, 1924)
Người nước mình từ xưa đến nay, cái tâm lý đối với việc học là học mà đi thi, đi học cũng như đi buôn bán hay làm nghề, cái mục đích chỉ là cầu lợi mà thôi. Tiếng rằng nước mình tôn sùng đạo Khổng, song đó là vì học đi thi mà tôn sùng, chứ không phải vì tôn sùng mà phải học. Cho nên ngày trước triều đình thì Hán tự thì người mình lo học Hán tự để lấy ông cử, ông nghè. Ngày nay Chính phủ bảo hộ thi Pháp văn thì người mình lo học Pháp văn để lấy ông tham ông phán…

Không có can đảm là mình
(Nguyễn Duy Thanh, Muốn cho tiếng An Nam giàu, báo Phụ nữ tân văn, 1929)
Ông Dorgelès trong quyển Con đường cái quan có nói đến thói hay bắt chước của người mình. Đại khái ông nói rằng: "Ngày xưa người Tàu sang cai trị An Nam, người An Nam đều nhất nhất theo Tàu cả. Nay người Pháp sang bảo hộ mới được gần một trăm năm, mà nhà cửa đã theo Tây thời rất dễ dàng, nói đến tiếng An Nam thời khô khan, hình như phải dịch tiếng mình ra tiếng nước ngoài… Khoa học có nói rằng giống thằn lằn hễ bám vào cây nào thì lâu dần sẽ giống da cây ấy. Ở bên An Nam này thời không thế, thằn lằn không đổi màu da mà chính cây đổi màu da để lấy màu da thằn lằn".
Câu nói đau đớn thay mà xét người ta nói cũng phải.
...Người viết văn phải có can đảm mà dịch những chữ nước ngoài ra. Mở đầu có hơi ngang tai, sau dần rồi cũng nghe được. Cụ Nguyễn Du không can đảm sao dịch nổi chữ tang thương ra chữ bể dâu, chữ thiết diện ra chữ mặt sắt (1)… Mà cũng lạ thay cho người mình không suy xét kỹ: Người Tàu nói chữ vân cẩu tang thương có khác gì chữ mây chó chữ bể dâu không. Ấy thế mà giá mình nói "Bức tranh mây chó vẽ người bể dâu”(2) tất phần nhiều người cho là mách qué!
Người Tàu trước kia làm gì có những tiếng cộng hòa, cách mạng, cá nhân, vật lý học, kỷ hà học (3)… Vì lòng sốt sắng làm cho tiếng nước nhà giàu thêm lên, nên họ không ngại khó, rồi mới đặt ra được cái tiếng ấy. Người mình thì không thế. Muốn dịch một chữ Pháp hay chữ Anh ra tiếng nước nhà mà không dịch nổi, thì cứ việc mở ngay tự vị (4) Tàu ra, trong ấy đã sẵn sàng cả rồi. Dù người Tàu có dịch sai chăng nữa cũng mặc cứ cắm đầu cắm cổ mà chép, ai biết đến đó mà lo.
(1) hai câu nguyên văn trong Truyện Kiều: "Trải qua một cuộc bể dâu” và "Lạ cho mặt sắt cũng ngây vi tình”.
(2) một câu trong "Cung oán ngâm khúc”. "Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”
(3) tức hình học.
(4) tức từ điển.

Chăm học nhưng chưa thoát khỏi tư cách học trò
(Phạm Quỳnh, Bàn về quốc học, Nam phong, 1931)
Nước ta vẫn có tiếng là ham học, nhưng cả nước ví như một cái trường học lớn, cả năm thầy trò chỉ ôn lại mấy quyển sách giáo khoa cũ, hết năm này đến năm khác, già đời vẫn không khỏi cái tư cách làm học trò! Ấy cái tình trạng nước ta, sự học từ xưa đến nay và hiện ngay bây giờ cũng vẫn thế… Xưa khi học sách Tàu thì làm học trò Tàu, ngày nay học sách Tây chỉ làm học trò Tây mà thôi... chưa mấy ai là rõ rệt có cái tư cách - đừng nói đến tư cách nữa, hãy nói có cái hy vọng mà thôi - muốn độc lập trong cõi tư tưởng cả. Như vậy thì ra giống ta chung kiếp (1) chỉ làm nô lệ về đường tinh thần hay sao? Hay là tại thần trí của ta nó bạc nhược quá không đủ cho ta cái óc tự lập.
(1) suốt đời.

Học không biết cách
(Nguyễn Văn Vĩnh, Đông Dương tạp chí, năm 1913)
Về đạo cương thường cứ nói rằng thâm nhiễm (1) của Tàu nhiều lắm rồi, nhưng tôi xét ra chưa có điều gì gọi là thâm nhiễm cả. Trong hết cả số người theo Nho học thì họa là có mấy ông vào bực giỏi, hiểu biết được đạo Khổng Mạnh. Còn những bực nhoàng nhoàng thì thường cứ thấy người học cũng học, học cho thuộc cách mà thôi, chứ không có định trong bụng rằng theo những điều nào, kháp (2) đạo ấy vào tính tình riêng của người nước mình nó ra sao... Vua Gia Long bỏ luật Hồng Đức (3) đi, mà làm ra cả một pho luật mới chép tuốt cả của Tàu, cả từ điều nước mình có, cho đến những điều mình không có, cũng bắt chước. Thành ra luật pháp cũng hồ đồ. Cương thường đạo lý toàn là giả dối hết cả, không có điều gì là có kinh có điển.
(1) thâm nhiễm: ảnh hưởng sâu sắc.
(2) kháp: tức khớp, ghép lại cho khít, cho phù hợp
(3) bộ luật cổ của nước ta có từ thời Lê, tham khảo nhiều từ bộ luật đời Đường.

Chỉ học theo lối mòn
(Trần Trọng Kim, Nho giáo, năm 1930)
Về đường học thuật và tư tưởng thì xưa nay ta chỉ có mấy lối học của Tàu truyền sang: trong đời nhà Lý và nhà Trần thì sự học của ta theo lối huấn hỗ (1) của Hán nho và Đường nho, rồi từ đời Lê về sau thì theo cái lối học của Tống nho. Ta chỉ quanh quẩn ở trong phạm vi của lối học ấy chứ không thoát ly được mà sáng lập ra cái học thuyết nào khác. Phần nhiều người trong nước lại có cái tư tưởng rằng những điều thánh hiền nói ở trong các kinh truyện đã đủ hết cả rồi, không ai biết được hơn nữa, cho nên kẻ học giả chỉ chăm chăm theo cho đúng những điều ấy mà tiễn lý (2) thực hành, chứ không ai để ý mà tìm cho đến cái chân lý nó thường lưu hành biến hóa. Cũng có người đạt tới chỗ uyên thâm của Nho giáo, song những người ấy lại cho rằng cái học sâu xa là tự mình phải lý hội (3) lấy chứ không thể lấy văn từ ra mà tuyên bố được. Bởi vậy các tiên nho ở ta chỉ làm văn thơ để tả cái tính tình của mình mà thôi, không hay làm sách vở để phát minh tư tưởng. Kết quả thành ra cái học Nho giáo thì rộng khắp cả nước mà cái học thuyết thì không thấy có gì là phát minh vậy.
(1) lối học bám vào từng chữ để giải thích
(2) tiễn ở đây là noi theo; tiễn lý là theo cái lý vốn có
(3) hiểu

Giỏi bắt chước, thiếu sáng tạo
(Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, năm 1938)
Nhà nghệ thuật Việt Nam không phải là người biểu diễn ý chí tâm tình của mình, cũng không phải là người quan sát và biểu hiện tự nhiên mà chỉ là người giỏi bắt chước những kiểu mẫu sẵn. Có muốn hơn người thì họ chỉ cốt ra tay cho khéo, chỉ cốt làm cho thật tỉ mỉ, thật tinh tế, thật dụng công...
Bởi thế mà nghệ thuật Việt Nam tuy có tính chất lưu động (1) và phiền phức (2), nhưng thiếu hẳn hoạt khí (3), cách biến hóa chỉ ở trong phạm vi hình thức...
(1) theo ngôn ngữ thời nay, tức linh động, mềm mại
(2) rườm rà nhiều mối
(3) sức sống.

Những mâu thuẫn nội tại
(Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, năm 1944)
Nói chung người Việt có chất nghệ sĩ nhiều hơn chất khoa học. Nhạy cảm hơn là có lý tính. Yêu thích văn học và trang trí. Đa số chỉ mơ ước nghề làm quan là con đường đã vạch sẵn, không đòi hỏi nhiều cố gắng độc đáo, mà lại đem đến nhiều vinh hiển.
Chẳng có mặt nào của tính cách người Việt lại không có mặt bù lại và không gợi ra ngay tức khắc một bằng chứng ngược lại. Chúng ta đã nói vế tính biếng nhác và sự uể oải của người Việt, nhưng người ta chẳng thấy nơi nào trên thế giới một dân tộc cần cù như vậy, và những người lao động sẵn sàng làm những trong việc nặng nhọc trong khi chỉ nhận được số tiền công rẻ mạt đến như vậy.
Chúng ta cong đã nói về tính phóng túng bông lông và mơ mộng của người Việt. Thế mà chúng ta lại cũng dễ dàng khám phá ở người dân nơi đây một đầu óc thực tế lạ lùng, nó quyết định chiều hướng tâm hồn người nông dân và trở nên một vũ khí lợi hại trong tay những người thợ mỹ nghệ. Nếu tính hay thay đổi là đặc tính của người Việt thì ta cũng phải ngạc nhiên mà nhận xét rằng trong bọn họ có một số kẻ là những tay dai dẳng và bám riết người ta khi xin xỏ, là những kẻ sính kiện tụng không ai địch nổi, là những học sinh sinh viên quyết chí săn đuổi bằng được bằng cấp.

Phá hoại rồi bịa ra những thứ không đâu để thờ (Vũ Ngọc Phan, Chuyện Hà Nội, năm 1944)
Ký vãng là ký vãng. Ngậm ngùi hay nhớ tiếc cũng đều là vô ích, nhưng đọc lại lịch sử Việt Nam, người ta không khỏi lấy làm lạ về cái tài phá hoại của người Việt Nam ta, một dân tộc vốn có tính thích duy trì cả những cái không đáng coi là quốc hồn, quốc tuý.

Khiêm nhường giả, kiêu căng thật
(Phan Khôi, Báo phổ thông, năm 1930)
Có sao nói vậy mới là ngay thật. Vẫn biết tự khiêm là một nết tốt, song làm người có sự tự tin thì mới ra người. Cái chỗ mình đã tự tin rồi mà nói ra không dám tỏ ý quả quyết, thì lại thành ra giả dụ, mất sự ngay thật đi.
(…) Người nước mình đã giả dối có tiếng, mà trong đám học thức, cũng lại giả dối quá người thường. Thật bụng thì kiêu căng tự phụ, coi người ta nửa con mắt, mà nói làm ra bộ khiêm nhường, theo lời tục nói, ở nhà như con tép. Cái sự tự khiêm giả dối ấy mỗi ngày một thêm lêm, làm cho sự tự tin mất đi, dần dần chẳng có ai dám chịu trách nhiệm trung việc gì hết, mà ai ai cũng thành ra hiền nhân quân tử hết, vì chỗ tự khiêm đó. Đó là cái bệnh di truyền mà Tống nho đã để lại.

Tự giam hãm mình trong lũy tre làng
(Trần Huy Liệu, Một bầu tâm sự, năm 1927)
Tục nước mình thường hay thiên trọng ở chốn hương thôn, quanh năm suốt tháng lẩn quẩn ở trong làng, chiếm được một chỗ ngồi nơi hương đảng đã lấy làm vinh dự, tranh nhau làm ông phó, tranh nhau làm ông xã, tranh nhau ăn trên, tranh nhau ngồi cao, chửi mắng nhau, đánh đập nhau, kiện tụng nhau. Cái câu "Hương đảng tiểu triều đình" (1) cùng "Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp" luôn luôn ở cửa miệng. Có nhiều người hết cơ, hết nghiệp vì một việc tức khí nơi hương thôn. Có nhiều người khánh kiệt gia tài vì một bữa hương ẩm (2). Ngoài cái làng ra, không còn biết đến nước nhà là gì, thế giới là gì. Vì vậy mà tư tưởng cục cằn kiến văn chật hẹp. Mấy dãy tre nơi đầu làng đã là cái khám nhốt người ta rồi. Không những không có người nào ra ngoại quốc học tập làm ăn, mà ngay đến trong nước, mỗi tỉnh mỗi xứ cũng coi như một thế giới riêng.
(1) làng xóm là một triều đình thu nhỏ
(2) cuộc ăn uống mời gần như cả làng

Kéo bè kéo cánh nắm giữ quyền lực
(Phan Kế Bính,Việt Nam phong tục, năm 1915)
Xét cách bầu cử tổng lý của ta khi xưa thật lắm phiền nhiễu mà phần nhiều dùng cách tư tình (1), những người làm việc chẳng qua lại.là con cháu họ hàng với những chức sắc kỳ mục. Trừ ra những làng khó khăn không ai muốn làm không kể, còn về các làng tốt bổng (2), con cái nhà có thế lực tranh nhau mà ra, có mấy khi lọt vào tay người khác được. Vì thế lý dịch hay có bè đảng, mà nhất là hay a dua với hàng kỳ mục(3) để dễ cho sự thầm vụng của mình.
(1) tức sử dụng những mối quan hệ cá nhân
(2) có nhiều quyền lợi
(3) kỳ mục là những người có thế lực nói chung, còn lý dịch là những người đương làm việc, đương nắm quyền.

Đám đông chỉ chờ kiếm chác
(Vũ Văn Hiền, Mấy nhận xét nhỏ về dân quê Bắc Kỳ, Thanh Nghị, năm 1944)
Việc làng thường định vào những ngày tuần tiết, là những ngày ở đình có tế lễ và ăn uống. Khi nào có việc gì khêu gợi sự cạnh tranh và đụng chạm đến những quyền lợi có sẵn thì số người ra họp rất đông. Còn khi nào chỉ họp để dự định công việc mới mê nhưng chưa ai thấy lợi trực tiếp cho mình thì buổi họp rất vắng. Nhiều người chỉ ra tế lễ ăn uống rồi về mà cũng chẳng có lề luật nào định phải có bao nhiêu người dự bàn mới là đủ.
Được đăng bởi Unknown vào lúc Thứ Năm, tháng 1 01, 2009

No comments:

Post a Comment