Thursday, August 29, 2019


Thói hư tật xấu của người Việt (6/7)

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2009
Thói hư tật xấu của người Việt (6)

Từ chối mọi cuộc cải cách
(Nguyễn Văn Huyên vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ năm 1939)
Tầng lớp trên ở nông thôn, các kỳ mục(1) trong làng, phản đối mọi cuộc cải cách thực sự và sâu sắc. Đây là những người đã trả giá trong hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm để củng cố địa vị xã hội của mình. Họ đã ở tuổi có thể bình thản ngồi xếp bằng trên những manh chiếu trải giữa đình để đánh giá cung cách người ta phục vụ họ ăn uống ra sao. Nếu có ai dám nghĩ đến chuyện thực hiện một cuộc cải cách nào đó thì người ấy chắc chắn chuốc lấy những mối hiềm thù không thương xót.
(1) những người có điển sản hoặc từng có phẩm hàm và chức vụ tập hợp lại làm nên hội đồng kỳ mục, có nhiệm vụ đề ra các chủ trương chung của làng xã.

Không hình thành nổi một dư luận sáng suốt
(Vũ Văn Hiền việc cai trị ở thôn quê, năm 1945)
Ngoài tinh thần độc tôn bè đảng, còn một trở lực nữa ngăn cản mọi công việc cải cách ở thôn quê tà dư luận trong làng, một thứ dư luận mạnh mẽ, ác nghiệt và mù quáng. Nhiều việc cải cách đã quyết định rồi đành bỏ dở chỉ vì người thừa hành sống trong làng xóm, không thể chịu đựng được những dị nghỉ chế giễu mà hàng chục hàng trăm người nhắc lại ở khắp đầu làng cuối ngõ. Đã không có quyền bắt mọi người im, lại sống luôn với những người đó, hương chức tránh sao nổi ảnh hưởng của dư luận và sau vài ba tháng làm việc, người hăng hái đến đâu cũng đành “dĩ hòa vi quý", bỏ hẳn những ý định của mình để sống theo nếp cũ.

Sự tự do, cam chịu bất công
(Hoàng Đạo, Bùn lầy nước đọng, 1939)
Đế vương xưa chỉ dạy thờ người trên và biết nghĩa vụ của mình còn quyền lợi không cần biết đến mà cũng không có nữa. Tục ngôi thứ đã in rất sâu vào óc người dân quê, đến nỗi những tư tưởng tự do phóng khoáng từ phương Tây truyền sang, đến lũy tre xanh là dừng lại, biến mất như một ngọn gió mát tan vào một bầu không khí nồng nực nặng nề.
Tục vị thứ hóa ra tục sùng bái nhân tước (1) một cách u ám đê hèn, và thay vào óc kính thượng là một óc nô lệ đáng khinh.
Tự do cá nhân và hết thảy các tự do ở bên ta và nhất là ở nơi thôn quê chỉ là một câu chuyện hoang đường. Cũng vì thiếu tự do - nếu ta không kể sự tự do phục tùng và tự do uống rượu - nên tình cảnh dân quê về phương diện tinh thần mới có vẻ điêu linh tàn tạ. Cũng vì thiếu tự do nên người ta đối với những công cuộc cải cách mới lạ thường có cái não ngờ vực. Sức phản động dìm dập dân quê vào nơi ngu tối, tạo thành cho họ cái tính nô lệ, cái căn tính chịu đựng trước những sự tàn ngược ức hiếp.
(1) Vị thứ tức ngôi thứ trong làng, nhân tước là những tước vị do con người đặt ra.

Thù ghét mọi sự thay đổi
(Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử đại cương, 1950)
Chúng ta không có những nhà tư tưởng xây dựng được những công trình huy hoàng phong phú. Chúng ta chỉ cốt sống được, và trong địa hạt sinh hoạt vật chất cũng như trong địa hạt tư tưởng nghệ thuật, chỉ nghĩ đến cái gì có thể giúp cho mình thích ứng với hoàn cảnh ác liệt, để theo đuổi một cuộc sống tầm thường kín đáo mà thôi. Bởi thế nếu thỉnh thoảng có một người nào có khí độ phóng khoáng, không chịu ép mình làm nô lệ thánh hiền mà vượt ra ngoài vòng lề lối - mới vượt ra ngoài chứ chưa chắc đã xây dựng được cái gì mới - thì xã hội đã xem là quái vật mà không dung. Hoặc giả khi có nhà nghệ thuật thực hiện được một cái gì to lớn phi thường như pho tượng thánh Trấn Vũ ở Hà Nội(1) chẳng hạn thì cái mái nặng nề của ngôi đền lại đè bẹp nó xuống ở trong bóng tối mò của gian chính tẩm(2). Những cái thái độ và quan niệm xuất kỳ(3) ấy thường bị cái tính thiết thực của dân tộc kìm hãm hay bài xích ngay.
(1) pho tượng này cao 3, 95m, đặt ở chùa Quán Thánh.
(2) gian nhà to rộng ở giữa.
(3) bày ra kế lạ, có những tư tưởng mới mẻ.

Tưởng nói thật mà hóa ra nói dối
(Hoài Thanh, Thành thực và tự do trong văn chương, 1936)
Văn chương ta từ trước từ nay vì bó buộc quá đỗi nên luôn luôn đi bên cạnh sự giả dối, sự bịa đặt. Nhà văn chỉ lo viết thế nào cho đúng với lẽ phải của xã hội mà không cần đúng với sự thật tự nhiên(1). Văn chương thành ra một cách để dối mình và dối người.
(1) trong xã hội học có sự phân biệt giữa cái tưởng là sự thật, đang được một người trong xã hội công nhận và các sự thật đúng như nó có, song chưa được phát hiện và nhận thức thấu đáo, ở đây ý nói nhà văn ta chỉ biết loại sự thật thứ nhất.

Hợm hĩnh quá đáng
(Phan Khôi, Khái luận về văn học chữ Hãn ở nước ta, 1939)
Một vài ông vua nước Nam đã làm cho thần dân của các ngài tưởng lầm rằng văn học nước mình cũng ngang hàng với Trung Quốc. Sự thác giác(1) ấy làm hại cho quốc dân từ lâu nay, cái hại chẳng phải nhỏ.
Lê Thánh Tông phê bình hai câu thơ của Thân Nhân Trung quan đại học sĩ tại triều mình "Quỳnh đảo mộng tàn xuân vạn cảnh - Hàn giang thi lạc dạ tam canh" hợm hĩnh cho rằng dù Lý Bạch, Đỗ Phủ, Âu Dương Tu, Tô Thức(2)... cũng vị tất đã nghĩ được ra.
Gần này người ta còn truyền tụng hai câu thơ phê bình thi văn bản triều(3): "Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán - Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường".
Văn học chữ Hán đến triều Nguyễn đáng gọi là thịnh hơn các triều khác, nhưng nếu bảo vượt qua cả Hán Đường thì quá lố!
Những lời tự khoe ấy cần phải cải chánh.
(1) Thác giác: lầm tưởng.
(2) Các thi hào nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung quốc.
(3) tức triều Nguyễn.

Tinh thần voi nan
(Xuân Diệu, sinh viên với quốc văn, đầu năm 1945)
Còn những tật xấu riêng của người Việt ta là gì? Chỉ cần kể ra đây một cái tật đại biểu, cái tật to lớn nhất, rõ rệt nhất, có hại nhất là cái tinh thần mà tôi gọi là: tinh thần voi nan. Phải, những con voi to lớn lắm, có đủ chân đủ vòi, nhưng nó ở trong bằng nan ở ngoài bằng giấy. Trong kinh tế những cái “imprimene" hay "boulangene universelle"(1) chẳng hạn là những cái nhà có dăm mươi thợ làm, những đại thương cục(2) là những hiệu bán một ít khăn quàng bít tất, thì trong văn chương nhiều quyển sách là những sự bôi phết qua loa chẳng đủ tài liệu mà cũng chẳng nói ra được điều gì mới lạ. Mấy năm nay, các bạn chắc cũng bị cái mã khảo cứu nó đánh lừa, mua quyển sách về được cái bìa là có ý nghĩa.
Một bản dịch "Ly tao" mà đem điệu Sở từ dịch qua loa ra lục bát là voi nan. Một tập sách nói nhảm dông dài mà gọi là tiểu thuyết, một quyển sách gọi là "Hát dặm Nghệ Tĩnh” mà chỉ góp nhặt những bài hát dặm vài huyện Nghi Xuân Can Lộc tại Hà Tĩnh, chứ chẳng thấy tỉnh Nghệ An ở đâu: đều là voi nan cả. Voi nan đề lừa độc giả, voi nan để làm tiền, kể làm sao xiết voi nan!
(1) Tiếng Pháp chỉ các nhà in, các cửa hàng bánh mì lớn.
(2) giống như các trung tâm nọ trung tâm kia thời nay.

Co mình trong hủ lậu
(Văn minh tân học sách, 1904)
Kìa những kẻ ham mê đàn sáo, đầu hồ(1), bài lá, cờ tướng, đố thơ, đánh chữ, số tướng, địa lý, phù thủy ngày ngày dốc cả trí khôn vào những thứ vô dụng, sống say chết mộng, chả kể làm gì. Những hạng cao hơn, đỗ đạt lên một tý được cái tiếng quèn đã vội khủng khỉnh ta đây kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thế đạo(2), ngày ngày khoe câu văn hay, khư khư ngồi giữ những thuyết hủ lậu, khinh bỉ hết thảy học mới văn minh. Hạng kém hơn nữa thi chỉ nghe có vấn đề thăng quan lên mấy bực cất nhắc mấy người, chứ không hề biết đến vấn đề nào khác. Có một ông nào đã nói với các bạn hậu tiến(3): "Các thầy muốn ra làm quan, thì phải cẩn thận, đừng đọc sách mới, xem báo mới”, nếu không biết đến sách báo mới thì thôi, chớ đã biết đến mà lại bưng bít che lấp đi khiến cho không nghe không thấy chuyện gì, để tự mình lại củng cố một căn tính nô lệ, nhân cách như thể thiệt nên lấy làm đau đớn!
(1) đầu hồ: một trò chơi của người xưa, ném một cái thẻ xuống một miệng trống rồi tính điểm, được "Đại Nam quốc âm tự vị” miêu tả là "một cuộc chơi lịch sự”.
(2) thế đạo: đạo lý ở đời.
(3) hậu tiến: đây chỉ có nghĩa lớp người thuộc thế hệ sau, chữ không phải người kém cỏi.

Văn chương nặng về chơi bời đùa giỡn
(Phan Khôi, Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta, 1939)
Ở nước ta, kẻ học khi chưa đỗ thì chăm về văn khoa cử, khi đỗ rồi thì chăm về văn thù ứng(1). Có những người nổi tiếng mà nhan nhản những bài hết tự tặng người này lại dâng người khác, té ra trời phú cho ông ấy cái văn tài lỗi lạc là để đi thù phụng thiên hạ. Vậy nếu tôi nói một ngàn năm nay người An Nam làm văn chữ Hán chỉ chuyên có hai lối khoa cử và thù ứng và trong văn học chỉ sở trường một cách “jeu de mots"(2) mà thôi, thì cũng chẳng quá nào!
(1) thứ văn thơ làm khi giao tiếp khoản đãi nhau.
(2) chơi chữ.

Lười biếng và hay nói hão
(Xuân Diệu, Sinh viên với quốc văn, 1945)
Tật đầu sổ là tật lười, tật làm biếng. Lười suy nghĩ thích nhàn nhã, thích ngồi không. Nếu máu chúng ta chạy mạnh thì tất chúng ta phải xung xăng làm cái nọ cái kia chớ vô vi thì chịu sao nổi. Vậy thì trong văn học thôi ta đừng dùng cái khẩu khí hát cô đầu nữa mà phải thế này: cúc cung tận tuỵ.
Thứ hai là tật "một tấc đến giời". Ngồi mà thanh tịnh vô vi thì dễ hiểu vũ trụ lắm: Ta cho vũ trụ là thế nào thì vũ trụ sẽ thế ấy chớ chi. Nhưng sự thật là ta phải đi nghiên cứu tìm tòi mới hiểu vũ trụ được. Một tật nữa là não(1) huyền hoặc, não chuộng thần quyền. Gần đây trong thơ văn có cái mốt nói chuyện Liêu Trai. Có những thi sĩ nhất định lấy hồ ly làm vợ và nếu buông cụ Bồ Tùng Linh ra thì họ không biết nói gì.
(1) não ở đây là một lối suy nghĩ, nay hay thay bằng "óc”

Trọng mê tín và xem nhẹ trách nhiệm với xã hội
(Nguyễn Trường Tộ(*), Tám việc cần làm gấp 1867)
Trong dân gian, phần nhiều hễ có công sai đến thúc giục thuế khóa thì cả hương hào lý dịch cũng lánh mặt. Thế mà ngày cúng thần thì không thiếu mặt nào cả. Có những gia đình không được khá giả, qua một kỳ cúng thần mang nợ suốt đời. Có người còn phải bỏ xứ đi phiêu tán. Thế mà họ không hề oán trách chuyện thần thánh phiền phức, lại đi oán trách sưu cao thuế nặng.
(*) Nguyễn Trường Tộ thuộc thế kỷ XIX, nhưng về tư tưởng gần với các trí thức thế kỷ XX, nên xin phép được đưa vào đây.

Khổ vì hội hè
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, 1915)
Xét cái tục hội hè của ta, rước xách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, tiêu pha rất tốn kém, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình. Đã đành mở hội trước là trọng việc sự thần (1), sau là cầu vui cho dân, nhưng trong mà rước xách tế bái lắm hóa ra khổ. Hội đến hàng tháng, chịu làm sao cho được?
Vả lại đã gọi là hội, trừ ra việc đóng góp, việc ăn mặc cũng đã tốn kém nhiều rồi, còn ngần nào chơi bời, ngần nào cờ bạc, con em bỏ công bỏ việc ở nhà để đi hội, chẳng những vô ích mà lại hại thêm cho làng nữa.
…Xưa nay chỉ mấy người hào trưởng (2) trong làng sính mớ hội vì họ có nhiều món lợi riêng, như mở tổ tôm điểm, bài phu điểm (3), hoặc gá bạc để lấy hồ (4)… Họ mượn tiếng sự thần, kỳ thực lá cầu tư lợi. Mà khốn nạn cho dân đàn em lại phần nhiều là ngu xuẩn, nói đến việc sự thần không ai dám gàn trở gì nữa, dẫu khổ cực thế nào cũng phải nhắm mắt chịu. Nếu ai gàn trở thì sợ thần quật chết tươi. Mà thần chẳng quật, bọn hào trưởng cũng quật, tội nghiệp!
(1) sự ở đây là thờ phụng.
(2) người có thế lực trong làng.
(3) những địa điểm ăn chơi, bài phu cũng là một loại bài lá như bài bất bài cào…
(4) tiền người đánh bạc nộp cho chủ sòng gọi là hồ.

Nạn “thần mãn”
(Ngô Tất Tố, Phải hỏi ngôi đền ấy thờ ông thần nào đã - báo Thời vụ 1938)
An Nam vốn là một nước nhiều thần nhất thế giới. Cái vạ thần mãn(1) kéo dài mấy trăm mấy ngàn năm nay làm hại bao nhiêu trâu bò gà lợn... của chúng ta. Đành rằng cũng có nhiều ông thần có công với dân, đáng để cho dân kỷ niệm, song cũng vô số thần cực kỳ bẩn thỉu dơ dáy, thí dụ như ông thần Cường Bạo đại vương chẳng hạn, nếu còn sống chắc phải đầy đi Côn Lôn. Thế mà chúng ta cứ thờ bừa đi, lễ bừa đi, há chẳng oan cho cái đầu cái cổ.
(1) quá nhiều thần, thừa thần,cũng như nạn nhân mãn là quá nhiều người, thừa người.

Mê muội hưởng lạc
(Nguyễn Trường Tộ, tám việc cần làm gấp, 1867)
Có những người nộp một quan tiền thuế mà tựa hồ bị cắt mất một miếng thịt, rên siết than vãn, thế mà đến sòng bạc thì cầm nhà bán cửa không tiếc. Có những hạng giàu có phong lưu, ăn mày chầu chực trước nhà không xin nổi một đồng điếu, người làng thiếu thuế không vay lợi được một quan, thế mà đến chỗ ăn chơi thì ngàn vàng mua một trận cười, trong cơn sát phạt, trăm vạn chỉ đặt một tiếng. Hạng người này nhiều lắm, không xe nào chở hết...
Cũng có nhiều người mới học kha khá đã truy hoan, ngày nào cũng mài miệt trong cuộc đỏ đen, thường lui tới các chủ nợ hứa với người ta rằng "Đợi tôi dạ một tiếng trước cổng trường(1) thì mọi việc sẽ đâu vào đấy". Rắp tâm hành động như thế, rõ ràng là quan trộm cướp của công chứ còn gì?
(1) tức là thi đỗ, rồi ra làm quan tha hồ kiếm chác.
Được đăng bởi Unknown vào lúc Thứ Năm, tháng 1 01, 2009

No comments:

Post a Comment