Thursday, October 3, 2019


CÔ GÁI GỐC VIỆT VÀ BÍ MẬT KIM TỰ THÁP KHEOPS


CÔ GÁI GỐC VIỆT VÀ BÍ MẬT KIM TỰ THÁP KHEOPS
January 7, 2018
Phạm Cao Phong


Florence Trần là đạo diễn phim tài liệu “Kim tự tháp Kheops, những khám phá nhiệm mầu” vừa công chiếu tại Pháp ngày 28/11.

Bộ phim thu hút 1,4 triệu khán giả của Đài truyền hình ”France 5”.

Florence thuật lại con đường khám phá bí mật tầm cỡ nhất kể từ 1000 năm trở lại đây:


Bộ phim của cô gái gốc Việt Florence Trần được đánh giá là sự kiện 2017

“Em với Ai Cập và với những Kim Tự Tháp như con đường tuân theo một mệnh thức ma thuật. Lần đầu vào năm 2002. Dự tính cũng chỉ một vài tháng, kết cục cũng ba năm.
Thoạt đầu, nhìn thấy những Kim Tự Tháp, em choáng ngợp trước tầm cỡ khổng lồ của chúng. Và tự hỏi, niềm tin lạ thường nào thúc đẩy họ tạo nên những ngọn núi đá khổng lồ như vậy?


Nhóm làm phim cùng Florence Trần

Em mong muốn bước lên con tàu của thời gian để tìm hiểu họ đã sáng tạo ra chúng như thế nào. Thâm tâm, em thích thú cách người Ai Cập cổ đại nhìn nhận thế giới, nghi thức tôn giáo của họ, nỗi ám ảnh một thế giới tồn tại sau cuộc sống và cuộc tìm kiếm điên cuồng về sự bất tử.
Anh có nhớ câu phương ngôn cổ của người Ai Cập “Nếu bạn uống nước của dòng sông Nil dù chỉ một lần, thì dù có đi rất xa, đi đến phương trời nào, rồi cũng sẽ trở lại bên bờ sông Nil”.


Kheops là Kim tự tháp lớn nhất còn lại cho đến nay, được xây dựng cách đây hơn 4500 năm.

Kheops hay còn được gọi là Khnum-Khufu là vị vua thứ hai của Vương triều thứ tư, ông được coi là chủ nhân của Đại Kim tự tháp ở Giza, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại.
Em tự hỏi, phải chăng điều này cũng tương tự với những ai đến quá gần những Kim Tự Tháp. Hình như có những lực từ tính luôn luôn hút họ trở về với nó.
Thật nguy hiểm. Cần thận trọng và tránh xa những Kim Tự Tháp. Nó chiếm đoạt quá nhiều không gian của một đời, quá nhiều thời gian của một cuộc sống”.


Cuộc phiêu lưu ’15 năm ấy, biết bao nhiêu tình’, đằng sau tâm sự của ‘Flo’- cách gọi thân mật, như có âm hưởng u hoài.
Vì vậy tôi không dám khẳng định, ‘Flo’tiếc nuối hay chăng một phần cuộc đời trôi đi trên mảnh đất Ai Cập đầy cát bụi với mầu da cam của sa mạc, bầu trời xanh biếc điểm những ngôi sao lấp lánh về đêm thủ thỉ với những khối Kim Tự Tháp khổng lồ.
Chính từ những tâm tình của những vì sao, những vụ nổ mặt trời mầu hồng ngọc dội sóng xuống Trái đất mà các nhà khoa học quốc tế khám phá ra tiền đề trên con đường dẫn đến scan qua những khối đá khổng lồ tìm ra những bí mật ẩn còn ẩn dấu trong Tháp Kheops sau những khám phá đầu tiên từ năm 987 sau Công nguyên.


Bức tượng bằng ngà voi cao 3 inch vua Kufu được phát hiện năm 1903 tại Abydos hiện trưng bày tại Bảo tàng Cairo đã thôi thúc sự tò mò tìm hiểu về chủ nhân của Kim Tự Tháp.

Cũng phải đi ngược lại một bộ phim cũng khác, cũng do Florence làm về đề tài này. Đó là bộ phim ‘Kheops Rélévé’ (Giải mật Kheops), được trình chiếu năm 2008 trên kênh truyền hình Pháp ‘France 2’, ‘France5’ và kênh truyền hình Nhật Bản NHK.
Bộ phim 52 phút này kể về kiến trúc sư Pháp Jean Pierre Houdin và con đường ‘rồ dại’ của ông, nhiễm men đam mê nghiên cứu Kim Tự Tháp của người cha để rồi đóng cửa văn phòng kiến trúc, ngủ trên một chiếc giường gấp trong suốt 5 năm để giải mã công việc xây dựng Kim Tự Tháp. Cuối cùng đã giải mã đầy thuyết phục bài toán dằn vặt giới học thuật từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên kể từ giả thuyết của Herodotus (c-480 đến -425 BC).


Jean Pierre Houdin bắt đầu từ xuất phát điểm ‘kỳ quặc’. Không trước tiên đi đến đến chạm tay vào những phiến đá của Kheops, mà những vết gắn kết giữa những khối đá nặng 60 tấn khít không để lọt bề dầy của một lưỡi dao cạo.


Ông dò ra con đường các vị Pharaons xây cất nên Kim Tự Tháp trước khi đến Ai cập, giải mật mã tồn tại 4500 năm qua bộ óc của mình, trong studio nhỏ tiện nghi tối thiểu ở Paris. 
Hệt như một câu chuyện cổ tích.


Nguyên tắc sử dụng những hạt lượng tử để xây dựng nên nguyên lý scan Kheops

Và cũng phải kể đến nhà khoa học gốc Việt Bùi Huy Đường (1937-2013), bằng phát kiến và tìm tòi năm 1986 đã chứng minh Kheops có những khoảng trống chiếm tới 15% dung tích. Viện sĩ hàn lâm khoa học Pháp gốc Việt đã đặt tiêu đề cho việc scan Kheops sau này.
Những cơn bão cát cuồn cuộn mầu hung đỏ thổi qua Kheops không mảy may làm rung động những sợi tóc của những quan chức Ai Cập. Những yêu cầu khảo sát thêm trong lòng Kim tự Tháp của nhà bác học gốc Việt đã bị từ chối, đóng băng sau năm 1986.
Ông ra đi trước lúc được xem bộ phim của ‘Flo’.
Phải chăng những người Pháp, trong đó có cả Viện sĩ Bùi Huy Đường và Florence Trần đã tước đoạt những sự trọng vọng lẽ ra những quan chức ở Le Caire lẽ ra được hưởng? Nhưng họ đã làm gì trong suốt 1000 năm ấy?
Những thước phim của ‘Flo’ chiếu cảnh tiến sĩ Zahi Hawass, cựu Bộ trưởng về Di chỉ và Khảo cổ’, ‘Bảo tàng biết đi về Ai Cập cổ đại’, mà hình ảnh luôn xuất hiện trên kênh truyền hình National Georaphic, đã quăng một câu tỉnh queo trước nỗ lực của đoàn khảo sát quốc tế : ”Ôi dào, vẽ chuyện. Hơn một trăm năm nay, cả giáo sư đại học Harvard có tìm thấy gì đâu. Chém gió”.


Công việc xúc tiến trong sự mỉa mai, nghi ngờ của rất nhiều chuyên gia Ai Cập học. 
Đặc biệt tiến sĩ Dr. Azahi Hawass. Không ai tin trong lòng Kim tự Tháp còn có những bí mật tồn tại đã 1000 năm.
Và bây giờ khi ba đoàn khảo sát độc lập cùng đi đến một kết quả giống nhau, định vị được một căn hầm bí mật chưa từng được biết đến, dung tích khổng lồ như một chuyên cơ chở khách tồn tại trong Kim Tự Tháp Kheops thì họ sẽ còn phải đợi không biết đến bao lâu nữa những tờ giấy phép để tiến hành bước tiếp theo. Đó là khoan một lỗ đường kính 3cm (không to hơn đường kính một tách cà phê), để luồn camera điện tử vào khảo sát vào vị trí căn hầm. Nhắc lại, Viện sĩ Bùi Huy Đường cũng phải bỏ dở tìm tòi của ông sau năm 1986.


Ba đơn vị độc lập của ba nước tiến hành khảo sát riêng biệt để đảm bảo tính khách quan trong việc chụp cắt lớp. Họ đã đi đến kết luận giống nhau.
Sau giọng nói dịu dàng, nhỏ nhẻ, rụt dè là một nghị lực lớn, kiên nghị đáng khâm phục của cô gái gốc Việt với tuổi đời còn trẻ.
Những tên phim nói hộ con đường sáng tạo phong phú của Florence.
Đó là bộ phim ‘Hồ Nasser, nước trong trái tim sa mạc’ năm 2014, trong chùm phim ‘Cuộc đời bí ẩn của những hồ nước’ của Đài truyền hình Arte, ZDF, Radio Canada.


Một phim rất quan trọng ‘Id Wahda, une seule main’ làm chung với Seif Khirfan dẫn chúng ta đến Monastère de St. Catherine, nơi gìn giữ bản thảo viết bằng tay có chữ ký của nhà Tiên tri Đạo hồi Mahomet. 
Nội dung bản thảo ghi rõ lời thề của nhà sáng lập Hồi giáo tuyên thệ tôn trọng và bảo vệ tín ngưỡng của người Thiên Chúa giáo.
Bộ phim năm 2012, cũng về chủ đề Ai Cập ‘Une Arme de choix’ (Vũ khí lựa chọn).
Bộ phim ”Samahni” (theo tiếng Ai cập – Hãy để tôi được nghe tiếng nói của bạn).
Chặng đường ‘Flo’ đi làm phim dẫn đến cả hồ Baikal của nước Nga xa xôi, đến Tây Tạng, Bhoutan, những vùng đất heo hút.
Đó là ”Sáu tháng trong căn lều bên hồ Baikal”, 2010/2011 (Đài truyền hình Bo Travail, France 5, Voyage).
Phim ”Ngọn núi diệu kỳ, trên những nẻo đường dẫn đến Kailash”, 2010/2011 (Đài truyền hình Sombrero&Co, France 5, Voyage).
Với phim này Florence nhận giải đặc biệt của ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Dijon 2011, dành cho thực hiện và kỹ thuật Liên hoan phim du ký Val d’Issère 2012.
Bộ phim ”Theo vết chân Tintin tại Tibet”, 2009/2010 (Gédéon Programmes, ARTE), Florence nhận giải đặc biệt của Ban Giám khảo quốc tế Diablerets Thụy sĩ.
Một phim trong chùm phim về Tây tạng của Florence là ”Vũ điệu thiên đường Bhoutan”.


Đội ngũ các nhà khoa học quốc tế trong chương trình “Scan Pyramids”. Florence Trần, cô gái Pháp gốc Việt, là phụ nữ duy nhất.

Từ Tibet (TâyTạng) đến dòng Cửu Long?

Tôi gặp lại ‘Flo’ trong một buổi điểm sách tại nhà chị Loan de Fontbrun, tác giả nhiều cuốn sách về mỹ thuật và nhiếp ảnh xưa về Việt Nam, cũng như bàn bạc với chị về ấp ủ những cuốn sách sắp tới về Hà Nội và Huế. Do vô tình chuyện trò với tác giả vừa ra một tác phẩm mới về Sài Sòn, tôi đã làm cả một nhóm phải ngồi đợi cơm gần một tiếng đồng hồ. Để chuộc lỗi vô duyên, tôi mời lại bạn bè đến nhà riêng, làm những món Việt nam mà ‘Flo’ vẫn nói ”sống không thể thiếu’, đồng thời nghe dịch giả Nghiêm Xuân Tuấn tâm sự về công việc cho ra mắt những tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn, ”Thuyền trưởng và chim bói cá”, ”Chuyện kể năm hai nghìn” chuyển dịch sang tiếng Pháp. Một nhà văn Việt Nam mà theo dịch giả thì tài năng không thua kém gì giải Nobel Trung hoa Mạc Ngôn.

Cha Florence là người Việt, sang học kỹ sư tin học tại Pháp từ năm 1955, chưa lần nào trở lại Việt Nam. Florence cũng chỉ mới về Việt nam năm 2003. Khi kể về lần về Việt Nam hiếm hoi ấy vẫn pha những hồi ức về Ai Cập ”em cũng chỉ quanh quẩn quanh vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng hùng vĩ như đồng bằng sông Nil”. Cũng một ngại ngần nữa là ‘Flo’ không thạo tiếng Việt, mẹ chị người Pháp, nên dễ hiểu Florence nói tiếng mẹ đẻ, khi về phải va chạm với những giễu cợt, châm chọc không phải là những kỷ niệm dễ chịu.
Tôi kể cho ‘Flo’ những khám phá về Phú Yên, nơi còn gìn giữ cuốn sách của Alexandre de Rhodes, hay về ngôi mộ của một giáo sĩ Pháp trong nhà thờ Mằng Lăng mà ngay cô hướng dẫn viên xinh xắn Thiên Thi cũng không biết đấy là nơi gửi thân của người xưa mà dẫm chân lên phiến đá, để rồi hoảng hốt lùi lại sau lời dịch bia nghi bằng tiếng Pháp của tôi. Những clips video ghi lại ghềnh đá đĩa mà cột đá đen khổng lồ trồi lên từ những phun trào núi lửa cả triệu triệu năm trước ở Phú Yên như bó cọc khổng lồ trên sông Bạch Đằng thời chống giặc thế kỷ 13.


Ghềnh Đá Đĩa ở Phú Yên
Hình như chúng tôi đã ‘dại dột’ gieo vào mắt ‘Flo’ những tia lửa của đam mê khám phá lại miền đất tổ mà người cha đã để lại phía sau và em sẽ lại mất ‘không gian của một đời, thời gian của một cuộc sống’?
‘Flo’ nói với tôi: ”Em đi Australia về rồi gặp anh ở Việt nam nhé?”.
Mong em cũng sẽ nói bằng ngôn ngữ điện ảnh ”Ai một lần uống nước dòng Cửu Long, thì đi đâu, về đâu, cũng về lại với dòng sông”?
Ừ, Mekong bắt nguồn từ dãy Himalaya vẫn được coi là dòng Trường Giang ‘mẹ của những dòng sông’ lẽ nào trong sóng phù sa đỏ sậm mầu hồ đào, cuồn cuộn đổ ra biển với chín cửa Cửu Long Giang lại không ẩn dấu những bí ẩn?
‘Flo’, em đã đi đến Tibet, nơi khởi nguồn của Trường Giang Mekong, em sẽ về gặp nơi tận cùng của dòng sông ấy?

Phạm Cao Phong

No comments:

Post a Comment