Wednesday, October 16, 2019


CÚNG BÁI VÀ CẦU XIN

CÚNG BÁI VÀ CẦU XIN
July 31, 2019

VuongVu, Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 5/2019. Ông cho biết  tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.

***

Mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo có cách thờ cúng khác nhau. Nếu bạn ở một bộ lạc nào đó không liên lạc với loài người thì hoặc bạn phải thờ cúng nhiều thần thánh khác nhau. Ngay cả các thành viên trong loại băng đảng vô thần thì phải sùng bái chính ông trùm hay lãnh tụ của họ. Tôi là người Mỹ gốc Việt nên tôi cúng ông bà.
Ngày xưa, chúng tôi cúng ông Táo, cúng Phật và ông bà đêm 30, cúng tiễn đưa ông bà mùng ba Tết, vợ tôi nấu bánh chưng, thịt heo kho, đồ xào, canh, v…v…, nhưng năm nay, già yếu rồi, chúng tôi chỉ cúng  chay. Cốt sao thắp được vài nén nhang mời ông bà, cha mẹ, bà chị, thằng em về chung vui là được.

Như đã nói ở trên, chúng tôi là dân thường, mà cũng chẳng phải là ngọn đuốc soi đường cho bất cứ ai về bất cứ vấn đề gì, nên hễ cúng, hễ bái là chúng tôi cầu xin.
Dù không lắng nghe xem bà vợ cầu xin  gì, nhưng tôi chắc lời cầu xin của hai vợ chồng sẽ rất khác biệt, thí dụ như tôi chỉ cầu có đủ ăn, đủ mặc, nhưng chắc vợ tôi sẽ xin thêm chút đỉnh để đi shopping, thêm chút nữa để mua được cái nhà mới hơn, không bị hư nhiều như cái nhà xây hồi thế chiến thứ hai này.  Đàn bà mà, giống như vợ tôi thường nói, “…đằng nào cũng mang tiếng xin, tại sao không xin cho nó đáng…”  Đại khái là nếu anh mở miệng nói “…cầu xin ông bà, trời phật phù hộ cho con trúng số 1 triệu…” thì mình giữ nguyên tất cả chỉ đổi số 1 thành 10 thôi, có gì khó đâu.

Chuyện các cụ hay trời phật linh hiển tôi qủa thật không biết ra sao.  Lấy thí dụ, tuần nào tôi cũng mua sổ xố 2 lần, trật nhiều hơn trúng. Theo khoa học thì chẳng có gì sai, nhưng bạn sẽ nói sao khi có người  vừa mới cúng kiếng hay mơ thấy người này người nọ thì trúng số?  Thật ra,  cũng không hẳn như thế, vì có thể không phải ông bà cha mẹ mà chúng ta cầu xin muốn cho là cho và cho bao nhiêu cũng được.  Để tôi kể cho bạn nghe một chuyện.

Một hôm tôi nằm mơ thấy gặp tất cả ông bà cha mẹ chị em đã khuất, tôi hỏi họ một câu,

“Lâu nay ông bà và bố mẹ có mạnh khoẻ, an vui không?”
Ông tôi cười trả lời,
“Cũng được cháu ạ, mọi chuyện vẫn như thường.”
Bố tôi thì nói,
“Nhờ trời mọi người ở đây không đau ốm nên đi làm thêm chút đỉnh cũng không thấy mệt nhọc.”
Tôi hơi ngớ người tỏ vẻ không hiểu, thì bà tôi giải thích,
“Ồ cũng chẳng có gì, ông bà và bố mẹ cháu tình nguyện đi làm thêm giúp đỡ người ta một chút thôi.”
Tôi vẩn chưa hiểu hỏi lại,
“Cháu vẫn chưa hiểu hết, những người trên đây đã mất không lẽ còn thiếu thốn mà phải giúp đỡ?”
Mẹ tôi nói,
“Không con à, ông bà bố mẹ đi giúp cho những người còn trên dương thế.”
Nghe thế tôi hơi tị nạnh lên giọng hờn trách,
“Trời ơi, tụi con trên đó cũng đâu có dư giả gì, mà mỗi lần cúng kiến đều cầu xin ông bà bố mẹ, chị, và em giúp đỡ mà chẳng thấy cái gì, trong khi đó ông bà bố mẹ và chị em mình thì rảnh rỗi lo cho người dưng.”
Thằng em tôi nãy giờ vác bộ mặt chù ụ mà tôi chẳng biết vì sao, dấm dẳng nói,
“Sao ông bà bố mẹ không nói thẳng cho ảnh nghe, ảnh lớn rồi thì cũng phải hiểu chớ.  Nếu ông bà bố mẹ còn cưng chiều ảnh không muốn nói thì để con nói.”
Tôi còn đang ngớ người không hiểu chuyện gì đã xảy ra, thì nó đã xoay sang tôi, cao giọng,
“Anh có nhớ ngày xưa anh suýt bị xe lửa tông chết không, ở cái đường rày gần chợ Vườn Chuối đó?”
Tôi hơi đỏ mặt gật đầu.
Đó là chuyện xảy ra từ tôi mới 16, 17 tuổi.  Vào một buổi chiều, tôi đang chơi dỡn trên đoạn đường rầy xe lửa đi qua khu xóm, hai bên là nhà, có nhiều người lớn con nít đang chơi trước sân.  Tôi đang biểu diễn tài đi trên tà vẹt  thì nghe tiếng còi tầu. Biết mình đang được theo dõi,  tôi liền bước  khỏi đường ray, nhưng cố ý chỉ cách chừng một mét, nghĩa là vừa đủ an toàn cho tôi nhưng cũng làm cho những người chung quanh thấy tôi gan dạ cỡ nào. Bên tai tôi lúc ấy, tiếng còi tàu hú liên tục,  cùng với tiếng la ó của mọi người át cả tiếng rầm rập của đoàn tầu hỏa. Thầm hãnh diện vì sự cam đảm của mình làm mọi người chú ý, tôi gỉa bộ không biết cứ cúi mặt lầm lũi bước đi. Ngay lúc ấy, thình lình có tiếng hét bên tai và tiếng gió sát sạt đẩy mình dạt sang một bên.  Nhìn lên, thấy con tàu ào qua sát bên mình.  Nếu không kịp thời dạt ra ngoài trong vài giây cuối thì chắc tôi đã lãnh trọn cú đá của anh chàng ngồi trên bậc thang của cái đầu tầu hỏa.

Chuyện kể lại dài dòng, nhưng khi chú em hỏi và tôi gật đầu công nhận thì chỉ là  chớp mắt. Chú em tôi đưa tay chỉ rồi hỏi,
“Anh có thấy cái tòa nhà đó không?”
Trước khi chú ta chỉ thì đó là khoảng không, nhưng nhìn  theo ngón tay, tôi thấy một tòa building rất lớn có nhiều cột bự đã hiện lên phía trước. Ngay trên nóc nhà có hàng chữ thếp vàng lóng lánh chói mắt,

“NGÂN HÀNG PHƯỚC ĐỨC”.

“À, cái chú này ỷ mình chết trước nên định lòe thằng anh chứ gì. Cứ đợi đó, mai mốt anh cũng chết xuống đây xem ai hơn ai; dù có là ma mới tao cũng là anh mày!”  Tôi nghĩ thầm.
Có vẻ chú em đoán được tôi nghĩ gì, chú ta dịu giọng giải thích,
“Ở đây những người thường chỉ thấy được những cái mà người khuất mặt muốn họ nhìn thấy. Chẳng phải em tài giỏi gì, mai mốt anh lên rồi anh muốn làm gì anh làm… Thôi khoan nói những chuyện đó, anh thử nhìn rồi đoán xem cái ngân hàng kia dính líu gì tới anh?”
Nhìn cái bảng hiệu, tôi cũng đoán được đại khái đây là cái ngân hàng mà ông bà tổ tiên tôi hay mọi người bỏ phước đức mình vào đây, nhưng cách nó vận hành ra sao thì tôi chịu.  Chú em nhìn thấy câu hỏi trong mắt tôi nên nóng nảy giải thích luôn,
“Nhìn cái tên ai cũng biết ngân hàng đó chứa cái gì, mình có bao nhiêu phước thì bỏ vào đó, nhưng khi nào thì lấy ra và có điều kiện gì không thì chỉ có khi nào anh ở trên này anh mới biết.  Để em giải thích cho anh nghe….”
Nó liếc mắt nhìn ông bà, bố mẹ tôi nhưng làm ngơ không thấy những cái lắc đầu nhè nhẹ như mây khói, nói tiếp,

“Cái buổi anh suýt bị xe lửa cán chết đó, là nhờ ông đã lấy hết số phước đức của các cụ để lại cho gia đình mình để đẩy anh ra xa vài bước khỏi cái đường rầy đó…”

Nó nhìn vào ánh mắt nghi hoặc của tôi rồi nói chắc như đinh đóng cột,
“…đúng vậy, anh tưởng là anh đã nghĩ phải bước ra vài bước cho an toàn, nhưng những ý nghĩ đó đã được ông dùng tiền phước đức mua những hạt nhân tốt gieo vào đầu anh, rất may cái căn bản anh chưa mất hết, nên anh tiếp nhận được những hạt nhân đó thoát chết để tiếp tục phá hết những đồng phước đức tiết kiệm mà ông bà, bố mẹ đã gởi vào đây để giúp những con cháu khác.”

Nó làm tôi hết sức lúng túng và mắc cỡ, cũng may chỉ có tôi và những người khuất mặt nếu không tôi không biết sẽ để mặt mũi mình vào đâu.  Để chữa thẹn tôi nói liều,
“Nếu đúng như vậy thì phước đức ông bà cha mẹ cũng là để cho con cái chứ để làm gì?”
Nó lắc đầu như chịu thua thái độ ngang bướng của tôi nhưng rồi như thương hại cố gắng gỉai thích thêm lần nữa,

“Đương nhiên là phước đức là để dành cho con cháu và đứa nào có phúc phận thì đứa đó được hưởng nhiều hơn, và cái Ngân Hàng Phước Đức đó có luật cấm mang tiền phúc đức xài cho chính mình, chỉ được xài cho con cháu nào có điều kiện.”

Tôi bắt được câu này của nó liền nói,
“Đấy, chính chú nói là tiền phúc đức chỉ được xài cho con cháu và những đứa có điều kiện, có thể anh có nhiều điều kiện hơn các anh chị em khác nên ông bà bố mẹ giúp anh đấy thôi.”
Thằng em laị lắc đầu chán nản,
“Không hẳn thế đâu, nó có nhiều khuất khúc lắm, trên này dù tốt đẹp hơn dưới đó nhưng vẫn có vài điều….”
nó kín đáo liếc quanh rồi tiếp,

“Ngân Hàng còn nhiều điều lệ phức tạp lắm, không thể một lúc mà nói hết được, nhưng cái chính em muốn nói là dù luật lệ khắt khe thế nào đi nữa cũng không qua được lòng thương con thương cháu của ông bà cha mẹ.   Có nhiều trường hợp họ biết đấy nhưng làm ngơ chỉ khi nào q lắm hay có ai thưa kiện thì mới can thiệp.  Tóm lại ông bà bố mẹ đã nuông chiều anh q mức xài hết tiền phước đức trong ngân hàng để giúp đỡ anh.  Thế anh có nhớ lúc chạy từ Hội An về Sài Gòn mà trong túi không có lấy một xu không…”

Tôi lặng lẽ gật đầu, nó tiếp tục,

“…Trong lúc bao nhiêu người chức tước lớn hơn anh, tiền bạc thiêu anh cũng không hết, hay dũng mãnh nhanh nhẹn hơn anh…v…v… mà vẫn phải bỏ mạng không thoát khỏi Hội An, Đà Nẵng chứ đừng nói vào tận Sài Gòn an toàn không rụng một sợi lông như anh…”

Trí nhớ tôi quay nhanh lại những hình ảnh chết chóc và dù có phách lối ngu ngốc cách mấy cũng thầm hiểu mình đã q may mắn trong kỳ chạy trốn cộng sản năm 75 đó, lúc đó tôi không hiểu rõ tại sao, nhưng bây giờ mọi chuyện đang dần rõ ràng.  Thằng em tiếp,
“…Anh có biết taị sao anh không có đồng xu dính túi mà không những anh chạy về đến Sài Gòn an toàn mà còn được 2 người lính theo sát, hầu hạ anh từ Đà Nẵng vào tận Sài Gòn không?”

Nó gằn giọng trong khi nói câu này chứng tỏ nó rất bực mình.  Qủa thực tôi thắc mắc nhiều hơn là bực mình vì thái độ của nó.  Nếu đúng như nó đã giải thích về cách dùng tiền phước đức, và dù ông bà tôi lúc đó có nhiều tiền thì chỉ dùng tiền đó mà cứu tôi được rồi tại sao lại cho tôi thêm nhiều tiện nghi trong khi những người khác với nhiều điều kiện hơn chỉ mong chạy trốn khỏi miền Trung về Sài Gòn mà không được.  Những hình ảnh xa xưa đó bỗng nhiên hiện về như tôi đang coi phim HD.

Buổi sáng  hôm đó tôi thấy một trung tá lái chiếc xe jeep chở gia đình ra bờ biển Tiên Sa để chỉ ngồi đó nhìn vô vọng vào hai chiếc tàu HQ đậu mãi ngoài xa chờ mong người tỵ nạn kiếm được cách leo lên. Người ta nói hai chiếc tàu HQ đó phải đậu xa bờ vì VC đã pháo kích trúng hay gần trúng 1 trong 2 chiếc sáng nay.  Ngày hôm đó tôi bị đánh thức 2 lần, một lần vào nửa đêm, thằng Th. đánh thức tôi dậy để ra xem lính sư đoàn 3 đang di tản hỗn loạn.  Cả một đoàn xe GMC và xe Jeep chẳng biết bao nhiêu chiếc, chở bao nhiêu lính, nhưng nghe từ những lời bàn tán hoang mang từ họ thì tôi được biết từ tướng đến lính bỏ chạy tới đây, bãi biển Tiên Sa, chờ tàu HQ chở về tái bố trí, nhưng tàu chưa tới nên họ ồn ào bàn tán.  Ba má thằng Th. mua cái nhà này ngay trên con đường cát nối đường chính với bờ biển.  Không biểt thằng Th. đánh hơi được điều gì hay không hay vì những bí mật ngoài sự hiểu biết của tôi mà nó rủ tôi tối đó chạy 1 vòng quanh Đà Nẵng xem thành phố trước viễn cảnh bị VC chiếm.

Nó chở tôi trên chiếc xe máy của nó, chúng tôi chạy trên những đường phố vắng lặng với những ngôi nhà, hàng quán đóng cửa tắt đèn im ỉm dù mới khoảng 1, 2 tiếng sau bữa tối.  Sau đó chúng tôi theo sau một chiếc xe bọc sắt (hình như là xe M113) của chính phủ với một người lính ngồi trên nắp mở gọi loa kêu gọi mọi người dân đừng ra ngoài, và những người lính trở về đơn vị trình diện.  Có thể vì thành phố vắng lạnh thanh bình, hay vì cái quan trọng là kêu gọi những người lính đào ngũ trở về đơn vị, hay họ nhận ra chúng tôi là lính nên họ không quan tâm và để chúng tôi theo sau một quãng đường dài. Khoảng 10 phút sau, chúng tôi thấy một đám lính áo hoa chừng 5, 7 người ngồi ăn nhậu cùng mấy cô gái quanh một cái bàn ở đầu một cái hẻm nhỏ ở phía trái chúng tôi.  Họ ăn nói to lớn cười đùa bên cạnh những ngôi nhà im ắng không đèn lửa.  Chiếc xe thiết giáp ngưng lại cách họ chừng vài chục thước.  Trước khi người lính ngồi trên gọi loa kêu gọi họ, anh ta nhắc chừng chúng tôi, “tuị nó có súng đó, mấy anh coi chừng.”   Lúc đó chúng tôi tò mò đậu sau, nhưng hoàn toàn lộ diện trước toán lính đào ngũ đó.

Đáp lời kêu goị của anh lính thiết giáp là loạt đạn nhắm về phía anh ta.  Người lính mau chóng chui xuống, và từ chiếc xe một loạt đạn lớn hơn bắn lại.  Bọn lính vừa chạy vào ngõ hẻm vừa bắn ngược trở lại.  Chiếc xe không bắn lại nhưng cũng không đuổi theo, và người lính cầm loa lại trèo lên tiếp tục công việc.  Thằng Th. chở tôi quay ngược lại, nhưng thay vì về trung tâm hành chánh quân y nơi chúng tôi đang ở, nó rủ tôi xuống ngủ ở nhà nó ngoài Tiên Sa.

Lúc này ở trung tâm hành chánh Quân Y Đà Nẵng có đông lính quân y chạy từ Quảng Trị, Hội An và những nơi khác nên cũng rất lộn xộn, ồn ào và không ai để ý đến chúng tôi, và tôi cũng tò mò với căn nhà mà thằng Th. nói chỉ dành riêng cho nó.

Chúng tôi tới đó khá trễ, căn nhà cũng khá rộng cho một mình nó. Tôi không nhớ là nhà nó có đèn điện hay không, nhưng tôi ham ngủ nên chỉ mau chóng phụ nó mắc mùng trên cái giường traỉ chiếu cỡ queen size bên Mỹ rồi nhanh chóng đánh một giấc.

Khoảng chừng 2, 3 giờ sáng thằng Th. đánh thức tôi dậy như đã nói ở trên.  Tôi chiều ý nó mà đi ra vì nó nhất định không cho tôi ngủ tiếp.

Khoảng 6 giờ sáng hôm sau, tôi lại bị đánh thức, tiếng cha trung úy Đ. chưỉ thề than phiền là tôi đang ngủ trên những biến động đất nước, làm như nếu tôi không ngủ thì tôi có thể ngăn cản nó không xảy ra.  Cả đám chừng 4 người lùa tôi rửa mặt thật nhanh rồi đẩy tôi ra cửa.  Tôi tỉnh ngủ rất nhanh khi thấy không biết bao nhiêu là người xuôi ngược ồn ào trong con hẻm lớn trước cổng nhà thằng Th., cái hẻm mà tối qua chúng tôi tới vắng lặng như bãi tha ma.

Đủ cả mọi loại người, mọi loại lính tráng, mọi loại súng ống, đi qua đi lại như không biết mình làm gì.  Không một ai có được bộ mặt an bình, người lớn thì đăm chiêu lo lắng, con nít thì sợ hãi, có đứa khóc lóc.  Trung úy Đ. dắt tôi và Th. lên chiếc xe Jeep đậu trước cổng, trên xe có sẵn 3 người.  Chỉ có 2 người ngồi phía sau là tôi không biết, dù không nhìn kỹ tôi thấy dáng vẻ họ hơi lạ, lúc leo lên xe mới biết họ bị trói ngoặt tay phía sau.  Xe chạy ra phía bờ biển cách nhà thằng Th. chừng vài trăm thước, trung úy Đ. giải thích 2 người bị trói là đề lô VC.  Khi trung úy Đ. cùng mấy người bạn lái ra thì thấy họ đang đứng trước cổng trung tâm quân y dùng bộ đàm để điều khiển VC pháo kích, thấy thế mọi người mới bắt họ trói lại, nhưng vì không thể tìm được quân cảnh hay cảnh sát để bàn giao, họ chở luôn 2 tên VC này tới đây.

Dù chỉ cách vài trăm thước nhưng cũng phải mất một lúc chúng tôi mới lái tới bờ biển được, và bờ biển cũng đầy người như trong cái hẻm, ở đây cũng đầy những khuôn mặt lo âu và tuyệt vọng, đi qua lại.  Chúng tôi dò hỏi rồi nhìn theo hướng chỉ thấy 2 chiếc HQ đậu cách chừng 1km ngoài biển.  Trên đường đi tôi thấy 1 xe Jeep khác với tài xế gục đầu trên vô lăng, ông ta đeo lon trung tá, hình như có gia đình trên xe, nhưng tôi không để ý, chiếc xe đậu song song với bờ biển với nước thủy triều đang lên ngập phân nửa vỏ xe.  Tôi ngoái đầu nhìn lại thấy ông ta vẫn gục đầu trên tay lái không biết thủy triều đang lên, không biết chuyến xe ấy ra sao. Còn tôi thì lên tầu rồi thóat đi an toàn.

Hồi tưởng tới đây tôi cắt phim đột ngột để quay lại hỏi thêm chú em vì có cảm giác hơi lạ.  Đúng như tôi dự đoán, không còn ai bên cạnh tôi nữa, tôi tỉnh giấc trên chiếc giường quen thuộc.  Kế bên là bà vợ đang ngủ ngáy ngon lành. Hình như hai hàng lông mày vẫn cau tít lại; Có thể bà cũng đang gặp nhiều khó khăn mà không biết là do lỡ lấy nhằm ông chồng xài phước đức không tiết kiệm.

Từ đó tới nay tôi không mơ thấy ai nữa để hỏi cho kỹ càng, nhưng mỗi lúc tôi mỗi tin thêm. Tôi dự định gom một chút phước đức rồi đợi ông bà bố mẹ chị và thằng em khó chịu bỏ thêm vào cái ngân hàng đó rồi mới cầu xin tiếp; hy vọng lúc đó cái qũy tiết kiệm của ông bà được khá hơn.
Còn bây giờ trong lúc chờ đợi, vợ chồng tôi vẫn cúng tiếp.  Ở VN hay ở Mỹ, lúc nào ông bà bố mẹ anh chị em lại không muốn quây quần bên nhau, nhất là vào những dịp kỵ giỗ hay lễ tết.

VuongVu


No comments:

Post a Comment