Người Trung Quốc Xấu Xí?
Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012
Người Trung Quốc Xấu Xí?
Người Trung Quốc Xấu Xí
(醜陋的中國人) là tựa đề cuốn sách của
nhà văn lớn tuổi người Trung Quốc, ông Bá Dương (1). Sách được xuất bản tại Đài
Bắc (Đài Loan) năm 1985, và thật bất ngờ, đến năm 1989 Người Trung Quốc Xấu Xí
được nhà xuất bản Hoa Thành (thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông) ấn hành tại
Trung Hoa lục địa. Những tác phẩm khác của Bá Dương sau đó cũng được Bắc Kinh
tái bản, nổi bật nhất là hai tuyển tập tạp văn của ông được nhà xuất bản Hữu
Nghị phát hành.
"Người Trung Quốc Xấu Xí"" , bản gốc của Bá Dương
Nguyên tác Người Trung Quốc Xấu
Xí được dịch sang tiếng Anh với tựa đề
“The Ugly Chinaman And The Crisis Of Chinese Culture”.
Bản dịch tiếng Anh “Người Trung Quốc
Xấu Xí”
Năm 1997, ông Nguyễn Hồi Thủ, một học
giả người Việt sống tại Paris, dịch cuốn sách gây nhiều tranh cãi của Bá Dương
sang tiếng Việt. Có lẽ vì lý do “nhạy cảm” nên Người Trung Quốc Xấu Xí chưa có
cơ hội xuất hiện tại Việt Nam?
Bản tiếng Việt của Nguyễn Hồi Thủ
NXB Chân Mây Cuối Trời (Pháp)
Tôi đã có dịp đọc bản dịch Người
Trung Quốc Xấu Xí của Nguyễn Hồi Thủ từ rất lâu nhưng nay đọc lại thấy có nhiều
điều thú vị về họ. Hơn nữa, người Trung Quốc hiện nay là một đề tài thời sự
nóng bỏng tại Việt Nam. Hàng ngày, những chuyện có liên quan đến người Trung Quốc,
từ ngoài Biển Đông vào tới đất liền, xuất hiện rất nhiều trên phương tiện truyền
thông, “lề phải” cũng như “lề trái”, cả ở trong nước lẫn ngoài nước.
Tình hình hiện tại thúc đẩy nên nhiều
người Việt bỗng thấy mình tự nhiên có khuynh hướng tìm hiểu kỹ hơn về người
Trung Quốc. Còn gì chính xác hơn là nhìn người Trung Quốc với bề dày 5.000 năm
văn hiến qua bức chân dung do chính người Trung Quốc phác họa.
Tác giả Bá Dương viết: “Người Trung Quốc sở dĩ trở thành xấu xí như ngày nay bởi chính vì họ
không hề biết rằng mình xấu xí”.
Dịch giả Nguyễn Hồi Thủ dùng từ ngữ ‘xấu xí’ theo
ý nghĩa của chữ ‘ugly’ trong tiếng Anh. Tại Mỹ vào năm 1958 có xuất hiện cuốn
sách “The Ugly American” của hai tác giả Eugene Burdick và William Lederer.
Bestseller Người Mỹ Xấu Xí là một tiểu thuyết thuộc loại giả tưởng, xảy
ra tại một quốc gia ở Đông Nam Á có tên là Sarkhan (thoạt đầu người đọc cứ ngỡ
là Miến Điện hay Thái Lan nhưng cuối cùng mới ‘té ngửa’: Sarkhan lại chính là Việt Nam). The Ugly
American nói về những thất bại của người Mỹ tại Đông Nam Á và sau này được đạo
diễn George Englund chuyển thành phim năm 1963 với tài tử Marlon Brando.
Poster phim “The Ugly American”
Người Nhật cũng “xấu xí”. Ông Đại sứ
Nhật Bản tại Argentina (Á Căn Đình) đã viết cuốn sách có tựa đề Minikui Nihon
Jin (tạm dịch là Người Nhật Xấu Xí hay Người Nhật Xấu Xa). Sau khi sách xuất bản,
ông Đại sứ bị cách chức vì đã… “bôi nhọ dân tộc mình”!
Số phận của nhà văn Bá Dương cũng
gian truân không kém. Ông tâm sự:
“Tôi
sống ở Đài Loan hơn 30 năm, mười năm viết tiểu thuyết, mười năm viết tạp văn,
mười năm ngồi tù [vì nói lên sự thật – chú thích của NNC], còn mười năm tới sẽ
dùng để viết lịch sử…”.
Riêng tại Việt Nam, nghe đồn học giả
Vương Trí Nhàn có ý định xuất bản một cuốn sách lấy tựa đề Thói Hư, Tật Xấu Của
Người Việt. Cuốn sách này tôi chưa được đọc nhưng nghe nói là đã bị giới phê
bình văn học “vùi dập” không thương tiếc!
Viết một cuốn sách đề cao một dân tộc
là chuyện dễ dàng và tác giả thường được dân tộc đó ca tụng hết lời. Đó là trường
hợp cuốn Per Comprendere Il Vietnam e Vietnamita của A. Pazzi (Dịch giả Hồng
Cúc chuyển ngữ thành Người Việt Cao Quý). Bản dịch từ nguyên tác tiếng Ý được Tủ
sách Kiến thức Thời đại “Cảo Thơm” Saigon phát hành năm 1972. (2)
“Người Việt Cao Quý”
Trở lại chuyện “xấu xí” về người
Trung Quốc. Bá Dương đã dùng rất nhiều thuật ngữ để mô tả về họ: dơ bẩn, hỗn loạn,
ồn ào, kiêu ngạo, tự đại, khoe khoang, tự ti, ích kỷ, kỳ thị, tham lam, luôn
ghanh tị và cấu xé lẫn nhau… tất cả “thói hư, tật xấu” đó đều bắt nguồn từ một
nền văn hóa lâu đời mà Bá Dương gọi là “văn hóa hũ tương”.
Trước hết, hãy bàn về “văn hóa hũ tương”.
Trong bài nói chuyện tại New York năm 1981 với chủ đề “Người Trung Quốc và cái
vại tương”, Bá Dương đặt câu hỏi với cử tọa người Tàu tại Mỹ:
“Người Trung Quốc từ 200 năm gần
đây, lúc nào cũng có một ước mong cho đất nước hùng cường, ước mong cho dân tộc
chúng ta trở thành một dân tộc ưu tú trong thế giới. Nhưng đã bao nhiêu năm
nay, chúng ta luôn luôn yếu kém, mãi bị ngoại nhân khinh thị, nguyên nhân tại
đâu?”.
Nhà văn Bá Dương (1920-2008)
Bá Dương kể lại chuyện đi thăn Viện
bảo tàng Boston. Tại đây, ông tận mắt nhìn thấy đôi giày bó chân của phụ nữ
Trung Quốc thuộc những thế hệ trước và đặt câu hỏi:
“Tại sao trong văn hóa
chúng ta lại có thể sinh ra một cái tập quán tàn khốc đến thế? Lại có thể áp đặt
nó lên trên một nửa dân số trong hàng nghìn năm, làm cho những người bị bức hại
phải tàn phế cả hai chân, thậm chí có khi còn gãy cả xương, thối cả thịt, không
thể đi đứng được?”.
“Nền văn hóa hũ tương” dã man như
thế đã kéo dài hàng nghìn năm trong lịch sử Trung Quốc mà không có một người
nào đứng lên kết tội tập tục này phản tự nhiên, phản khoa học. Ngược lại, đại
đa số nam nhi còn xem việc bó chân phụ nữ là hay, là đẹp.
Chiếc giày bó chân… Gót sen ba tấc
Về phần đàn ông cũng bị bách hại:
không chỉ riêng những “hoạn quan” trong triều bị thiến mà ngay cả các nhà quyền
thế cũng có quyền cắt bỏ bộ phận sinh dục của các nô bộc trong nhà. Hành động
ghê rợn này kéo dài cho đến triều Tống vào thế kỷ XI mới bị nghiêm cấm.
Bá Dương kết luận: “Chỉ căn cứ vào
hai việc trong biết bao nhiêu việc không hợp lý và vô nhân đạo của văn hóa
Trung Quốc suốt quá trình lịch sử của nước này, ta cũng có thể thấy là những
thành phần không hợp lý của nó đã lên đến một mức độ không thể nào khống chế được”.
Trong văn hóa Trung Quốc, chế độ
“quan trường” là điển hình nổi bật. Người ta dùi mài kinh sử để sau này ra làm
quan, một khi đã lọt được vào giới này họ sẽ thuộc phe đối nghịch với người thường.
Đọc sách để có thể làm quan, làm quan ắt có mỹ nữ, có kim tiền. Xã hội phong kiến
đặt lợi ích của những người làm quan lên trên hết, và vì nó đã khống chế Trung
Quốc quá lâu cho nên đã hình thành một giai cấp có tầm ảnh hưởng vô cùng sâu rộng.
Văn hóa tựa như một dòng sông không
ngừng chảy. Vấn đề là nếu rác rưởi tích tụ theo thời gian sẽ biến nó thành một
dòng sông chết như một đầm nước ao tù, chẳng khác nào như một vại tương mà nhà
nào bên Trung Quốc cũng có.
Đậu tương và bột mì là chất liệu
chính để chế ra món nước tương mà ngày nay các tiệm ăn Tàu trên khắp thế giới đều
có. Bá Dương giải thích: “Nó là một thứ nước ao tù, lại được để cho bốc hơi,
cho lắng đọng nên nồng độ càng ngày càng đông đặc. Cái văn hóa của chúng ta,
cái tiền oan nghiệp chướng như đã nói cũng là như thế”.
Người Trung Quốc, dù ở trong nước
hay ở ngoài nước, dù hài lòng với cuộc sống của mình nhưng rất ít khi cười. Người
Mỹ, người Nhật lại khác, họ vẫn tươi cười dù đang sống trong hoàn cảnh khó
khăn. Phải chăng những cơ trên mặt của họ có cấu tạo khác với người Trung Quốc
hay vì dân tộc Hán mang một cái vốn văn hóa u ám như… màu của nước tương? Chìm
đắm lâu dài trong cái hũ tương đó, người Trung Quốc trở thành ích kỷ và thường
hay nghi kị lẫn nhau. Một nước lớn như Trung Quốc, có tài nguyên, có hơn một tỷ
người nếu đồng tâm hiệp lực, trong Á châu này chẳng lẽ không bằng được Nhật Bản?
Qua bao nhiêu niên đại, người Trung
Quốc mất dần năng lực phán đoán Đúng – Sai, mất khả năng phân biệt cái gì là đạo
đức mà chỉ phản ứng bằng tình cảm và trực giác, thiếu hẳn suy nghĩ. Quả báo
nhãn tiền là cuộc Chiến tranh Nha phiến năm 1840 (3), qua đó Trung Quốc bị nước
ngoài xâm chiếm và nền văn hóa bị phá sản. Sau Chiến tranh Nha phiến, Trung Quốc
trở thành một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến. Đó là bước ngoặt có tính cách
“quốc sỉ” đối với những người Trung Quốc biết suy nghĩ.
Hí họa về Cuộc chiến tranh nha phiến
Người Trung Quốc vẫn thường nghĩ “Nhân mệnh quan thiên” (số mệnh con người là
do nơi trời). Giết chết một người, có lẽ sẽ do trời xui đất khiến thật, nhưng nếu
hung thủ là một kẻ quyền thế thì đã chắc gì do trời? Lại nữa, “Dân vi quý, quân vi khinh” (dân là quý, vua là
thường), đấy chỉ là một thứ lý tưởng mà Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện được.
Trong hệ tư tưởng chính trị Trung Quốc, có vài
khái niệm rất lý tưởng, rất gần với Tây phương: Vua phạm pháp cũng bị tội như
thứ dân (Vương tử phạm pháp dữ thứ dân đồng tội). Nhưng điều này chẳng qua cũng
chỉ là một hy vọng và ảo tưởng mà thôi. Sự thực, vua và dân chưa hề có trường hợp
phạm tội như nhau và trên thực tế tuyệt đối không thể có.
Bá Dương cho rằng: “Người
Trung Quốc sống trường kỳ trong cái hũ tương, lâu ngày quá tự nhiên sinh ra một
tâm lý cẩu thả. Một mặt tự đại, khoe khoang, còn mặt khác lại tự ti, ích kỷ”. Người
Trung Quốc không có cái can đảm dám khen người khác, nhưng lại có cái dũng khí
đả kích đối phương. Tất thảy đều do “văn hóa hũ tương” đã ăn sâu, thâm căn cố đế
trong cách suy nghĩ của họ.
Dân chủ có nghĩa hoàn toàn không có ngoại lệ theo
kiểu: Trừ tôi ra. Đã có luật phải dừng lại khi đèn lưu thông chuyển sang màu đỏ
hay lệnh cấm khạc nhổ thì “tôi”, dù có làm tới chức nào đi nữa, cũng phải
nghiêm chỉnh chấp hành. Nhưng ở Trung Quốc thì “Chỉ
ngã lệ ngoại”, với hàm ý: riêng tôi là ngoại lệ!
Khổng Tử dạy: “Nước
bị nguy thì không nên vào, nước bị loạn thì không nên ở. Lúc thiên hạ có đạo lý
thì ta xuất đầu lộ diện, lúc không có thì ta ở ẩn. Nước có đạo lý mà nghèo hèn
là nhục. Nước vô đạo mà phú quý cũng là nhục”.
Học thuyết đó khiến người Trung Quốc
“phải sống theo chiều gió”. Chờ cho người khác “bình thiên hạ” xong thì ta nhảy
ra kiếm một chức quan. Lúc “dầu sôi lửa bỏng” thì ở nhà với vợ con nghĩa là tìm
cái thế lợi nhất cho bản thân để an toàn. Phải chăng đó là nhân sinh quan thụ động
của người Trung Quốc.
Trong toàn bộ giáo huấn của Nho
giáo hầu như không có việc khuyến khích con người suy nghĩ hay sáng tạo. Nho
giáo rất ít khi nói đến quyền lợi, nghĩa vụ, rất hiếm khi khích lệ cạnh tranh,
mà chỉ muốn học trò mình, rồi lại học trò của học trò mình, an phận với hiện trạng
mà ung dung tự đắc. Cái gì cũng có thể làm, miễn là nó không đem đến cho bản
thân mình điều nguy hiểm. Nếu mỗi người Trung Quốc đều tìm được hạnh phúc qua lối
sống đó, hơn một tỷ người sẽ còn sống tụt hậu so với thế giới bên ngoài.
Trong tám năm chuẩn bị cho Olympics Bắc kinh
2008, ngoài việc bỏ ra 40 tỷ đô la để đầu tư cho hạ tầng cơ sở, người Trung Quốc
còn hướng dẫn trên tivi, sách báo làm sao để dân chúng
“ăn phải ngậm miệng, không nhai tóp tép, đừng lấy tay
ngoáy mũi, ra đường không nhổ nước bọt và cố gắng đừng xả rác bừa bãi”.
Đó
là những tật xấu cố hữu của người Trung Quốc nhưng công bằng mà nói, những hành
động đó không phải chỉ người Trung Quốc mới làm. Điển hình là tại Việt Nam ta
những thói xấu này cũng không hiếm.
Bất cứ nơi nào có người Trung Quốc tụ tập sinh sống,
điều đầu tiên ai cũng thấy được là họ “đông, ồn, bẩn, loạn”. “Đông” vì hơn 1 tỷ
người chen chúc nhau khắp nơi trên trái đất, “ồn” vì người Trung Quốc thích ra
oai hù dọa đối phương (điều này quá đúng khi Trung Quốc lên tiếng dành chủ quyền
trên Biển Đông bằng bản vẽ “Đường lưỡi bò”), “bẩn” vì… ở bẩn mới sống lâu và
“loạn” vì tinh thần tự do, tự tại.
Trung Quốc là một dân tộc không biết ngưỡng mộ
anh hùng mà chỉ sùng bái “những con ma xui xẻo”
(chữ của Bá Dương).
Quả là một nghịch lý: Quan Công vì sơ xuất bị ám hại ở Kinh Châu, nên được người đời thắp
hương cúng bái. Sở Bá Vương vì cùng đường phải tự cứa cổ nên được xem là anh
hùng cái thế. Gia Cát Lượng vì cúc cung tận tụy dưới trướng Lưu Bị nên được tôn
thờ là thần cơ diệu toán. Nếu Quan Công giữ được Kinh Châu, Sở Bá
Vương có được thiên hạ, Gia Cát Lượng phục hưng được nhà Hán thì chắc hẳn người
Trung Quốc đời sau sẽ không sùng bái họ!
Trung Quốc thường tự hào là một đất nước có truyền
thống văn hóa lâu đời vào bậc nhất thế giới. Trung Quốc là nước trọng lễ nghĩa
nhưng hình như trong tự điển giao tế của họ vẫn còn thiếu những câu nói lịch sự
cho xứng tầm với “danh tiếng” vốn có.
Người Trung Quốc rất hiếm khi xử dụng những câu như “Xin
lỗi”, “Cám ơn” và có lẽ không bao giờ người ta nghe được câu “Tôi có thể làm gì giúp bạn?”.
Tại Trung Quốc, nếu hai người đụng nhau trên đường
thì đôi bên sẽ nhanh như chớp, mắt long sòng sọc, trợn trừng nhìn nhau. Thay vì
nói lời xin lỗi, câu đầu tiên dùng để nói với nhau sẽ là kiểu:
“Mắt mù à?”. Người kia phản công:
“Ai mà cố ý! Đi đụng vào người ta mà lại còn không biết
điều!”. Đối thủ gân cổ lên cãi:
“Đụng
vào người ta mà lại còn già mồm, cái đồ vô giáo dục”. Người kia cũng
không kém:
“Đụng vào thì đã chết chưa? Chắc muốn
người ta quỳ xuống lậy mình?”…
Cuối cùng, người có vẻ yếu thế hơn sẽ
bỏ đi, mồm lẩm bẩm chửi rủa, trong khi đó kẻ thắng thế hiên ngang, tự đắc như vừa
thắng trận.
Đa số người Trung Quốc đi du lịch ra nước ngoài
chắc sẽ cảm thấy khó hiểu khi thực khách “Cảm
ơn” người phục vụ trong tiệm ăn. Họ nghĩ đó là điều không cần thiết,
hơn nữa giai cấp phục vụ không xứng đáng nhận lời “Cám ơn”! Vào một cửa hàng,
cô nhân viên bán hàng tươi cười với câu “Tôi có
thể làm gì giúp ông bà?”, cặp vợ chồng du khách người Trung Quốc tỏ
ra bối rối không biết trả lời sao vì đây là lần đầu tiên họ bị… “cú sốc văn hóa”.
Ba câu nói lịch sự vừa nói ở trên thường xuyên xuất
hiện trên đầu môi hầu hết phần còn lại của thế giới nhưng đối với người Trung
Quốc lại là một “hình thức lễ nghi quá phức tạp”
hay đúng ra là họ quá kiêu ngạo đến độ… “mục hạ
vô nhân”, kỳ thị giai cấp.
Nội cái danh xưng Trung Hoa hay Trung Quốc đã đủ
nói lên bản tính kiêu ngạo đó. Người Trung Quốc, tự coi mình là “cái rốn của vũ trụ”, là “tinh hoa của nhân loại”. “Kiêu ngạo
hão” là bản tính của người Trung Quốc. Kiêu ngạo hão chỉ là một thứ
tự mãn khiến người ta mờ mắt, tự mình say sưa với vầng hào quang tưởng tượng.
Việt Nam đã có lần là nạn nhân của tính “kiêu ngạo
hão” khi Trung Quốc tuyên bố “Dạy Việt
Nam một bài học” vào năm 1979 (4).
Tù binh Trung Quốc trong cuộc chiến
năm 1979 tại Lạng Sơn
Bá Dương cho rằng: “Cái
tệ hại nhất của lòng kiêu hão là tự mình xây lên cho mình một bức tường. Tự
mình cô lập mình vào trong một cái thùng chứa nước, uống nước vào phình cả bụng
lên… phình lên đến nỗi không còn cách nhét thêm một thứ gì nữa, cùng lắm chỉ
thêm được vài khẩu súng Tây, mấy khẩu cà-nông và dăm chiếc tàu bọc thép”.
Trung Hoa Lục địa (thuộc quyền quản
lý của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, còn được gọi là Hoa Lục để phân biệt với
Đài Loan) và một số đảo khác (thuộc Trung hoa Dân quốc). Đài Loan tách rời khỏi
Trung Quốc năm 1949 và vươn lên với mức thu nhập tính theo đầu người khoảng
3.000 đô la Mỹ. Hồng Kông (Hương Cảng) đã trở về với Trung Quốc năm 1997 sau một
thời gian làm thuộc địa của Anh nhưng vẫn còn hưởng chính sách “nột quốc gia,
hai chế độ”. Macau (Áo Môn) đã trở về với Trung Quốc từ tay Bồ Đào Nha năm 1999
nhưng vẫn trên danh nghĩa một Đặc khu Hành chính có quyền tự trị. Trung Quốc là
đất nước rộng lớn với 1,3 tỷ người trong đó đại đa số dân nghèo với trình độ
dân trí thấp sẽ không thể nào thống nhất bờ cõi và đến lúc nào đó sẽ không khỏi
bị tan rã vì sự chênh lệch giữa “mẫu quốc” và các “vùng đất vệ tinh”.
Cá nhân một người Trung Quốc thì
thông minh tài trí chẳng thua kém một dân tộc nào. Nhưng điều kỳ lạ, tập thể
hơn 1 tỷ người Trung Quốc lại như một đàn cừu. Bí quyết nào cho sự thành công
trong việc chăn bầy cừu? Người lãnh đạo chỉ cần để cho tất cả mọi người cùng khổ,
cùng bị hà hiếp như nhau thì họ sẽ chịu đựng được những cực khổ và ức hiếp đến
độ không một dân tộc nào có thể chịu được.
Tóm lại, người Trung Quốc có thể “đập vỡ nồi để mọi người đều không có cơm ăn”, nhưng
“nhặt củi để đốt cho đống lửa chung cháy to lên”
thì không người Trung Quốc nào làm nổi.
Nước Trung Quốc vĩ đại với 5.000 năm văn hiến
nhưng người Trung Quốc tự hủy hoại danh thơm của chính mình.
Phải
chăng người Trung Quốc xấu xí?
===
Chú thích
(1) Bá Dương (Bo Yang) sinh năm 1920 tại tỉnh
Hồ Nam, Trung Hoa Lục địa, chạy sang Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc) năm 1949 và
mất tại đây năm 2008 vì bệnh viêm phổi. Ông là nhà thơ, nhà văn, nhà báo và sử
gia. Vợ ông là bà Dương Hương Hoa, một thi sĩ.
Bá Dương viết rất nhiều, chuyện trên trời dưới biển,
không chuyện gì không động đến. Tuy nhiên, theo một số nhà phê bình, ông không
biết che đậy dấu diếm, sao tránh được việc xúc phạm vào vùng đất cấm, vào các
húy kỵ của thời đại. Từ năm 1967 đến năm 1977 ông bị chính quyền Trung hoa Dân
quốc bắt giam tại Lục Đảo vì dịch sang tiếng Hoa cuốn sách nhan đề Tranh hý họa
Popeye. Tác phẩm này bị lên án là “phạm thượng”.
Sau khi ra tù, Bá Dương bắt đầu đi nói chuyện về
hiện tượng “người Trung Quốc xấu xí”. Những bài nói chuyện của ông cùng những
bài tranh luận với ông về vấn đề này tại hải ngoại được tổng hợp thành cuốn
sách nang tên Người Trung Quốc Xấu Xí.
(2) Có dư luận cho rằng tác giả của cuốn
sách Người Việt Cao Quý là nhà văn Vũ Hạnh, và vì một lý do nào đó trong thời
VNCH tác giả đã lấy tên A. Pazzi và đề tên người dịch là Hồng Cúc. Có người còn
cho biết Hồng Cúc là vợ của tác giả, người khác lại nói đó là con gái của tác
giả. Chúng tôi đã kiểm lại thông tin về tên cuốn sách cùng tác giả và cho đến
nay thấy được 2 tài liệu đề tên tác giả cuốn Người Việt Cao Quý là Vũ Hạnh.
1. Văn học Đông Á và Đông Nam Châu Á - Người Việt
cao quí / Vũ Hạnh - Cà Mau: Mũi Cà Mau, 2001. (105 tr - 895.9223081/ H107).
[Thư Mục Đại Học An Giang]
2. Vũ Hạnh, Người Việt Cao Quý: Hội liên hiệp văn
học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, 1992. [www.lib.washington.edu/southeastasia/vietlit.html]
(3) Chiến tranh Nha phiến là tên gọi hai cuộc chiến xảy ra giữa thế kỷ XIX (1840-1843 và 1845-1860)
tạo nên xung đột kéo dài dười triều Mãn Thanh và Đế quốc Anh. Trong cuộc chiến
lần thứ hai có sự tham gia của Pháp cùng Anh đối đầu với Trung Quốc. Lý do xảy
ra cuộc chiến: Anh đòi quyền tự do buôn bán nha phiến từ Ấn Độ (thuộc địa của
Anh) sang Trung Quốc, trong khi nhà Mãn Thanh có lệnh nghiêm cấm.
Trung Quốc hoàn toàn thất bại trong cả hai cuộc
chiến và hậu quả là phải công nhận thương quyền buôn bán nha phiến của người nước
ngoài. Triều đình Mãn Thanh phải ký các hiệp ước bất bình đẳng, mở nhiều cảng
biển cho nước ngoài vào thông thương. Hồng Kông (Hương Cảng) bị cắt làm nhượng
địa cho Anh Quốc, các nước Đức, Pháp, Nga, Nhật… theo chân nước Anh vào Trung
Quốc một cách tự do.
Mối nhục này của triều đình Mãn Thanh trước các
cường quốc Phương tây là ngòi lửa góp phần tạo nên các cuộc khởi nghĩa Thái
Bình Thiên Quốc (1850-1864), Nghĩa Hòa Đoàn (1899-1901) và cuối cùng là cuộc
Cách mạng Tân Hợi (1911), kết thúc thời đại phong kiến Mãn Thanh. (Nguồn:
Wikipedia)
(4) Chiến tranh Việt Nam – Trung Quốc, 1979 là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt, khởi đầu từ ngày 17/2/1979 khi TQ
xua quân tấn công VN trên toàn tuyến biên giới. Xuất phát từ quan hệ căng thẳng
kéo dài giữa hai quốc gia và ý đồ “dạy cho Việt Nam một bài học” của Đặng Tiểu
Bình, cuộc chiến kéo dài 1 tháng với thiệt hại nặng nề về nhân mạng và tài sản
cho cả hai phía. Cuộc chiến kết thúc khi TQ rút quân vào ngày 18/3/1979 sau khi
chiếm được các thị xã Lang Sơn, Lài Cai, Cao Bằng và một số thị trấn vùng biên.
Mục tiêu của TQ là buộc VN rút quân khỏi
Campuchia và cuộc chiến giữa hai nước xảy ra, để lại hậu quả lâu dài đối với nền
kinh tế VN và quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia. Xung đột vũ trang tại biên
giới còn tiếp diễn thêm 10 năm. Hơn 13 năm sau, quan hệ ngoại giao Việt-Trung mới
chính thức được bình thường hóa.
Theo TQ, có từ 300.000 đến 400.000 quân tham chiến
cùng 400 xe tăng và hàng chục vạn dân công hỗ trợ vận tải trong khi VN công bố
quân số tham chiến của TQ lên tới 600.000 người. VN công bố tổn thất của TQ là
26.000 người chết, 37.000 người bị thương và 280 xe tăng bị phá hủy. Phần TQ, họ
cho biết số người chết và bị thương phía VN là 50,000 người so với 20.000 người
phía TQ. (Nguồn: Wikipedia)
***
12 Comments
caulongbachai wrote on Jul 30
Cho em xin bài nầy nhé anh. Cám ơn.
nguyenngocchinh wrote on Jul 30
Ok, caulongbachai
penseedl wrote on Jul 31, edited on Jul 31
Sao thấy người mình cũng có nhiều
cái "xấu xí" giống giống anh ba- tàu.
nguyenngocchinh wrote on Jul 31
penseedl said “Sao thấy người mình cũng có nhiều
cái "xấu xí" giống giống anh ba- tàu”
Quả đúng như tôi đã viết:
"Đó là những tật xấu cố hữu của người Trung Quốc
nhưng công bằng mà nói, những hành động đó không phải chỉ người Trung Quốc mới
làm. Điển hình là tại Việt Nam ta những thói xấu này cũng không hiếm".
thahuong82 wrote on Jul 31
1000 năm đô hộ thì giống nhau là chuyện đương
nhiên. Mới 37 năm xa xứ con cái thế hệ thứ 2nd đã giống dân bản xứ. Có một lần
thằng con tôi cho một món quà, mở ra xem xong rất lấy làm hài lòng… Nó cứ đứng
dương mắt nhìn tôi hoài, cuối cùng buột miệng: "Bố
không nói cám ơn à"!
caulongbachai wrote on Aug 1
thahuong82 said “1000 năm đô hộ thì giống nhau là
chuyện đương nhiên. Mới 37 năm xa xứ con cái thế hệ thứ 2nd đã giống dân bản xứ.
Có một lần thằng con tôi cho một món quà, mở ra xem xong rất lấy làm hài lòng.
Nó cứ đứng dương mắt nhìn tôi hoài, cuối cùng buột miệng: "Bố không nói
cám ơn à"
Cái nầy hay chứ :)
caibang9 wrote on Jul 31
Cảm ơn bạn Chính. Đặt viên gạch ... sẽ trở lại đọc
kỹ sau.
nguyenngocchinh wrote on Jul 31
caibang9 said “Cảm ơn bạn Chính. Đặt viên gặch
... sẽ trở lại đọc kỹ sau.”
Lâu quá mới liên lạc được với anh LHQ. Vẫn thường
chứ? Thăm anh luôn Vui - Mạnh.
chackadao wrote on Aug 1
Look, Olympic 2012
Nguoi TQ Khong xau xi
Nguoi VIET, danh dau thua do
nguyenngocchinh wrote on Aug 9
Tin buồn Mul đóng cửa cuối năm nay khiến bạn bè
trên Mul sẽ phải ngâm ngùi chia tay và tìm đường tậu nhà mới. Tôi có 2 accounts
trên Blog Yahoo và Facebook. Sau đây là địa chỉ để bạn bè liên lạc một khi nhà
trên Mul bị... giải tỏa:
Blog của mình trên Yahoo mang tên Người Sài Gòn:
Còn trên Facebook là Nguyễn Chính:
vuonghung51 wrote on Aug 9
Buồn thật anh ạ !
Không an cư thì chẳng vui anh nhỉ !
VH sẽ tìm gặp anh ở hai địa chỉ trên . ..:)
Giải Ảo Thời Sự 190114 : Phần 2: Tử huyệt của
Trung Cộng
No comments:
Post a Comment