Thursday, October 17, 2019


Mẹ ơi! Cội nguồn con đâu?

Mẹ ơi! Cội nguồn con đâu?
Posted on 04/08/2017 by vuthethanh


Con trai bạn tôi, 15 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Canada, không biết nói tiếng Việt, dù cha mẹ đều là người Việt. Mới đây, cháu hỏi mẹ về thổ dân da đỏ ở Canada, rồi bỗng trầm ngâm: 
‘Mẹ ơi, cội nguồn con ở đâu? Con là người Việt hay Canada?’. 
Bà mẹ email cho ông chồng đang làm giám đốc một công ty ở Việt Nam, yêu cầu giải thích cho cậu con.

TV Nguyễn Phước  Chuyển ngữ : Vũ Thế Thành

Bạn tôi là người có xu hướng cởi mở và tự do với con cái. Anh đã gửi email cho cậu con 15 tuổi, và c/c cho tôi để chia sẻ chuyện ‘nhức đầu’ này (nguyên văn lá thư bằng Anh Ngữ). Nhận thấy, đây là nỗi băn khoăn chung của thế hệ Việt Nam thứ hai ở nước ngoài, tôi đã xin phép anh bạn được trích dịch một phần lá thư, để chia sẻ lại cùng bạn đọc đôi chút  “nỗi lòng người Việt xứ người”
(Vũ Thế Thành)
—-0—-
Vincent thân yêu,
Biết nói thế nào về nguồn cội của con đây nhỉ? Mẹ vừa khẩn cấp yêu cầu ba nói với con đấy.


Nhưng nếu muốn, con cũng có thể tự nhận mình là người Việt Nam, mặc dù trong tâm trí con, Việt Nam là cái gì đó xa xôi, mơ hồ. Làm sao ba có thể bảo con yêu thương một cái gì đó mơ hồ được chứ?
Ba sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, rời quê hương lúc 22 tuổi, rồi nhập tịch Canada. Con là người Canada ‘bẩm sinh’; nhờ máu cha máu mẹ, con có một chút gì đó gọi là Việt Nam. Cuộc đời dâu bể, tự nó vẫn trôi… Ba chỉ có thể kể đôi chút về cuộc đời ba, và biết đâu con có thể nhận ra đôi chút nguồn cội của mình.
Tổ tiên ta thuộc dòng họ lớn, đã từng khai sơn phá thạch, mở rộng bờ cõi phương Nam. Lịch sử đã ghi dấu điều đó từ thế kỷ 16. Ba mẹ là người Việt Nam, và một cách tự nhiên, kính trọng tổ tiên và yêu đất nước mình.
Năm 1975, những người cộng sản "giải phóng" miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cơn hoảng loạn, ba đã rời bỏ Việt Nam trên một chiếc thuyền nhỏ, mang theo mặc cảm vô dụng và bị bỏ rơi…
Tổ chức tị nạn quốc tế đã lo liệu cho ba. Họ cấp cho ba một mảnh giấy tùy thân màu vàng, quốc tịch ghi: 

‘vô tổ quốc’ (stateless). 

Ba không nhớ lúc đó mình bị choáng như thế nào. Hình như ba đã khóc…
Đất nước Canada tử tế đã tiếp nhận ba. Ngay năm đầu tiên trên xứ người, những người bạn Canada thân thiện đã hỏi ba, nếu như xảy ra chiến tranh giữa Việt Nam và Canada, thì anh đứng về phía nào. 
-Việt Nam, ba trả lời không suy nghĩ. Họ trách ba là kẻ vô ơn…
Sau 5 năm ở Canada, ba miễn cưỡng làm thủ tục nhập tịch. Bà chánh án, ba vẫn còn nhớ, từ kinh ngạc, chuyển sang ngờ vực, vì sao lại nhập tịch muộn như vậy.

Chẳng lẽ ba phải nói thẳng với bà chánh án đáng kính rằng, ba áy náy khi chối bỏ mình là người Việt Nam, và ba chưa sẵn sàng trở thành công dân Canada.

Những năm tháng đầu tiên trên xứ người của ba là vậy đó. Ba vẫn ray rứt về quê hương…
Rồi ba cũng trở thành công dân Canada. Tại đây, ba đã học được biết bao điều từ lớp học, từ thư viện, từ giao tiếp xã hội… 
Ba cởi lòng mình để đón nhận nền văn hóa mới lạ, và biết ơn đất nước Canada thân thiện. Hàng ngày, ba nói tiếng Anh, nghĩ theo kiểu Canada, làm theo kiểu Canada… ba không biết mình đã hòa nhập và trở thành người Canada thứ thiệt từ lúc nào. 
Có lẽ từ khi con và em Jeffrey ra đời chăng? Ba nhận ra rằng, Canada đã trở thành quê hương thứ hai của mình. 

Ba chợt rùng mình, nếu như có ai đó hỏi, giả sử xảy ra chiến tranh giữa…

Tự đáy lòng, ba vẫn cảm thấy mắc nợ quê hương của thời thợ ấu, một món nợ cứ mãi dằn vặt… Năm 1994, lần đầu tiên ba trở lại thăm Việt Nam sau gần hai mươi năm xa cách. 

Thật lạ lùng, giữa trùng trùng tập quán, văn hóa, ngôn ngữ, ứng xử, giao tiếp có vẻ quen thuộc, nhưng ba lại thấy lạc lõng, và cảm giác hình như mình không phải là người Việt Nam.

Nhưng khi quay về Canada, ba lại cảm thấy hình  như mình không phải là người… Canada. 
Ba thấm thía vì sao dân Canada chính hiệu lại gọi mình là người Canada – gốc – Việt, chính xác hơn là người người Canada – gốc – Việt thế hệ thứ nhất.

Những lần về Việt Nam sau này, ba học lại tiếng Việt từ bè bạn, biết tếu thoải mái hơn, biết xài tiếng lóng, hòa nhập với cộng đồng hơn. 
Giờ đây, Vincent, ba có thể tự hào với con rằng, ba nói thạo tiếng Việt và tiếng Anh, có nghĩa là ba có thể cảm thụ được cả hai nền văn hóa.
Vincent, bạn bè con, thầy cô con là Canada. Xã hội, văn hóa của con là Canada. Con đang hưởng thụ một trong những nền giáo dục tốt nhất để trở thành một công dân tốt. Lẽ tự nhiên, con phải có nghĩa vụ với người mẹ Canada đã cưu mang và dưỡng dục mình.
Nhưng nếu muốn, con cũng có thể tự nhận mình là người Việt Nam, mặc dù trong tâm trí con, Việt Nam là cái gì đó xa xôi, mơ hồ. Làm sao ba có thể bảo con yêu thương một cái gì đó mơ hồ được chứ? Có điều cha mẹ yêu con, và cũng bởi vì trong trái tim con, dòng máu của mẹ và cha vẫn chảy…

Cội nguồn con ở đâu? Ngày nào đó, có thể con bỗng khao khát nhận diện dòng máu của mình. Đấy là cội nguồn. Đất nước Việt Nam không có công dưỡng, nhưng mãi mãi là người cha trong huyết quản con.
Rồi có lúc con sẽ trở về Việt Nam, nơi cha mẹ đã sinh ra và lớn lên, nơi mà giờ đây, ba đang cật lực làm việc, 

vừa cho mục đích mưu sinh, vừa trả ‘món nợ’ tâm linh với tổ tiên mình. 

Ngày đó, nếu muốn, con có thể ở lại và làm việc tại đây, như những người Việt khác. Đất nước này sớm muộn rồi cũng chuẩn bị để đón chào con, những đứa con xa xứ thế hệ thứ hai trở về làm quen với nguồn cội.
Con có nơi sinh, có quốc tịch, có passport, và con cũng có nguồn cội. Nhưng con cũng có thể là một công dân của thế giới, miễn là con biết yêu đời, và yêu người.
Thế giới đang nhỏ dần lại. Con hãy tận dụng điều đó.
Cha của con.

TV Nguyễn Phước

Chú thích : 
Lá thư trên đã đăng trong tạp chí Thế Giới, Xuân Nhâm Ngọ (năm 2002). Cháu Vincent trong lá thư hiện đang là công chức của Bộ Ngoại Giao Canada. Còn cậu em, Jeffrey đã là tiến sĩ về Biology ở Mỹ. Còn bạn tôi, vẫn đi đi về qua lại giữa Việt Nam và Canada. Tiếng Việt của y lúc này đẳng cấp hơn xa thuở còn đi học ở Việt Nam, tán gái như… chim hót (trong lồng). Câu chuyện đã hơn 15 năm rồi còn gì…

2 Responses to Mẹ ơi! Cội nguồn con đâu?
vuthethanh says:
04/08/2017 at 5:47 pm
Reblogged this on Những thằng già nhớ mẹ.

Like

Reply
K says:
06/08/2017 at 5:48 am
Chang biet ong nay ngay xua truoc 75, co duoc di hoc khong, ma qua Canada nam 22 tuoi ma khong noi duoc tieng Viet. Nguoi vo cung la VN, ma gia dinh khong noi tieng Viet ? Va ong nay ro rang la than Cong Sa?n, “giai phong” voi lai “thong nhat” !!!!!! Roi bay gio lai lam an voi CS, ma khong biet nhuc.
Like
Reply

No comments:

Post a Comment