Friday, October 2, 2020

 Nền chuyên chế Singapore – Kỳ 4/4: Huyền thoại về chế độ nhân tài

 

https://www.luatkhoa.org/2020/07/nen-chuyen-che-singapore-ky-4-va-het-huyen-thoai-ve-che-do-nhan-tai/

Nền chuyên chế Singapore – Kỳ 4 và hết: Huyền thoại về chế độ nhân tài

Published 1 week ago on 09/07/2020

By Phùng Anh Khương

Thủ tướng Lý Hiển Long và một số thành viên nội các năm 2016. Ảnh: MCI.Thủ tướng Lý Hiển Long và một số thành viên nội các năm 2016. Ảnh: MCI.

 

Dịch từ bài “Justifying Colonial Rule in Post-Colonial Singapore” của tác giả Thum Ping Tjin, được đăng trên New Naratif ngày 9/9/2017. Thum Ping Tjin là giám đốc điều hành của New Naratif, đồng thời là nghiên cứu viên về Đông Nam Á tại Đại học Oxford (Anh).

 

Tựa chính, tựa phụ và cách chia kỳ do Luật Khoa tạp chí đặt.

 

Kỳ 4 và hết: Huyền thoại về chế độ nhân tài

Huyền thoại này có các gốc rễ khá sâu ở Singapore. Lực lượng công nhân viên chức Malaya (Malayan Civil Service – MCS) vốn là lực lượng viên chức chính phủ Anh quản lý toàn bộ khu vực thuộc địa Malaya. Họ có tổng hành dinh tại Singapore và cho đến Thế Chiến thứ Hai, họ là một lực lượng đầy đặc quyền, với tư tưởng phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính nặng nề.

MCS cương quyết chỉ tuyển người là các “gentlemen” có gốc gác phù hợp, và phải là nam giới người châu Âu. Vấn đề với MCS là phần lớn những người được cử đến Malaya làm việc đều không hề xem Malaya là một khu vực đáng mong đợi.

Với các sinh viên mới ra trường từ các trường “tốt nhất” và từ các đại học hàng đầu như Oxford và Cambridge, các cơ quan nhà nước đáng ngưỡng vọng nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, các cơ quan hành chính thuộc địa tại Sudan và tại Ấn Độ. Chương trình đào tạo cán bộ Viễn Đông, vốn đào tạo những người sẽ được cử đến Singapore, là một trong những chương trình ít được sinh viên coi trọng nhất. Ngay cả trong nội bộ Chương trình đào tạo cán bộ Viễn Đông, người ta cũng thích đến Ceylon (Sri Lanka ngày nay) hoặc Hong Kong hơn.

Tranh minh hoạt Singapore nhìn từ Government Hill khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nơi ngày nay là Fort Canning Hill. Nguồn: Bảo tàng Quốc gia Singapore.

Những người gia nhập MCS không hề là những người giỏi nhất. Ngược lại, họ là những người thuộc nhóm cuối, thường là đã thi tuyển vào các cơ quan khác nhưng không thành công và “bất đắc dĩ” phải chọn MCS.

Qua thời gian, MCS dần quán triệt rằng yếu tố quan trọng cho việc bổ nhiệm chức vụ không phải là kết quả học tập mà là vai vế xã hội. Vai vế xã hội, thay vì năng lực học tập, trở thành điều kiện tuyển chọn tiên quyết của MCS. Họ muốn tuyển người từ một nhóm nhỏ tầng lớp thượng lưu Anh – những người biết cách suy nghĩ và nói năng sao cho thích hợp.

Năm 1899, quan chức cấp cao Sir Charles Mitchell báo cáo với Bộ Thuộc địa Anh rằng MCS cần một số “người đàn ông trẻ, có thể chất tốt, năng động và không e sợ gì, có hiểu biết trung bình, nếu được thì nên đến từ gia đình gia giáo. Năng lực học vấn cao không phải là yếu tố cần thiết.”

Cách tuyển chọn này đã tạo ra một tầng lớp cai trị ở Malaya bao gồm những người thuộc giới thượng lưu nhưng không học hành giỏi giang. Các quan chức MCS có một thái độ tự tôn lấn át, nhưng không hề có thực tài để cho thấy rằng họ xứng đáng được quyền ngạo mạn như thế. Họ sinh ra trong nhung lụa và có vẻ bề ngoài là đã được tuyển chọn thông qua một chế độ trọng nhân tài.

Giai cấp cai trị người Anh thực sự tin tưởng vào tính ưu việt của họ, và theo đó họ trở thành “những nhà tuyên truyền tốt nhất, những người tin tưởng mạnh mẽ nhất vào cái huyền thoại tự-tạo về một năng lực tự-thân độc nhất trong việc đào tạo ra các thủ lãnh nhân loại.”

Sau khi chiếm lại Malaya sau Thế Chiến thứ Hai, người Anh vẫn không hề cho thấy họ đã học được gì từ thất bại ê chề trước người Nhật. Người Anh nhanh chóng tái thiết lập các đặc quyền về chủng tộc và đặt ra các lằn ranh màu da tại Singapore.

Tuy nhiên, tiến trình trao trả tự do cho các nước thuộc địa càng được đẩy mạnh thì các khẳng định đặc quyền chủng tộc như thế càng trở nên đáng chê trách và khó có thể duy trì.

Trong vai trò những kẻ xâm chiếm thuộc địa, người Anh không thể biện minh cho nền cai trị của họ bằng cách trưng ra rằng họ là những nhà cầm quyền được bỏ phiếu dân chủ hay là những nhà cầm quyền gốc bản địa. Quyền lực của người Anh, trái lại, đến từ các hiệp ước được ký kết với các nhà cầm quyền người Malay và đến từ quyền lực nòng súng của chính người Anh.

Để biện minh cho việc duy trì nền cai trị Singapore trong khi nhiều thuộc địa khác đã được độc lập (Ấn Độ năm 1947, Myanmar năm 1948, và Liên bang Malaya năm 1957), người Anh khẳng định rằng họ có một uy thế vượt trội về đạo đức và trí thức so với người Singapore tại Singapore, rằng là người Anh biết mọi chuyện rõ nhất, rằng là các kế hoạch tại Malay của họ là những kế hoạch hoàn hảo nhất. Tại Singapore, và thực sự là trên toàn đế quốc Anh, các nền cai trị thuộc địa được biểu đạt như là hiện thân của phát triển hiện đại, của giàu sang và của tính đa nguyên.

Huyền thoại về chế độ nhân tài của Singapore cũng đã được đảng PAP tiếp nối từ người Anh. Năm 1959, PAP thực ra có lý do xác đáng để nói rằng họ là một đội ngũ nhân tài. Một trong các lý do chính cho các thành công tranh cử ban đầu của PAP chính là vì họ có một đội ngũ lãnh đạo ban đầu rất đa dạng.

Lý Quang Diệu (người đang phát biểu) và dàn lãnh đạo nội các của PAP sau khi nhậm chức năm 1959. Ảnh: Strait Times.

PAP được thành lập năm 1954 như là một liên minh các lực lượng chống thuộc địa và mang tư tưởng cánh tả đến từ nhiều gốc gác nghề nghiệp, ngôn ngữ, giáo dục khác nhau. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1959, PAP tự hào quảng cáo bản thân họ là đại diện cho mọi người dân Singapore bình thường. Các ứng cử viên PAP bao gồm các nhà nghiên cứu, bác sĩ, nhân viên hành chính, luật sư, kế toán, các thành viên công đoàn, nông dân, thợ cắt tóc, thợ mộc, và thợ may. Thành công của thế hệ lãnh đạo đầu tiên này của PAP là một minh chứng cho thấy nhân tài có thể đến từ mọi gốc gác.

Nhưng khi giới lãnh đạo PAP trở nên ngày càng độc đoán và mang tư tưởng tinh hoa, thì nội bộ lãnh đạo đảng có nhiều chia rẽ giữa các năm 1955 và 1961. Nhiều đảng viên có năng lực với xuất thân đa dạng đã bỏ đảng hoặc bị khai trừ đảng.

Các lãnh đạo còn lại tìm đến những người họ quen biết và tin tưởng để thế vào chỗ những người bỏ đi. Những người mới vào này chủ yếu giống các lãnh đạo PAP còn lại đó về cả địa vị xã hội-kinh tế và tư tưởng chính trị. Quyền lực dần dần được tập trung vào trong tay một nhóm quyền thế nhỏ hẹp. Vào những năm 1980, trong đảng PAP ngày càng có tính đồng nhất về tư tưởng, giá trị, và trải nghiệm. Giới tinh hoa chính trị PAP ngày nay đa số là nam giới, gốc Hoa, thuộc tầng lớp thượng lưu, tốt nghiệp từ một nhóm nhỏ các trường hàng đầu, hay đã từng phục vụ trong quân đội như là các sỹ quan-học giả.

Việc gia nhập vào một giới “tinh hoa” như thế chủ yếu là do may mắn sinh vào gia đình danh giá. Cạnh tranh diễn ra gắt gao trong nội bộ giới quyền thế này, nhưng chế độ nhân tài của Singapore trong truyền thuyết thực ra chỉ tồn tại bên trong nhóm nhỏ đã định sẵn này mà thôi.

Điều này tạo ra một giai cấp cầm quyền đồng nhất giống như giai cấp cầm quyền thuộc địa ngày trước: mọi người đều đến từ một nhóm nhỏ.

Giới tinh hoa đó là những người được sinh ra với những đặc quyền đặc lợi sẵn có, nhưng lại tin rằng họ được tuyển chọn thông qua một quy trình trọng đãi nhân tài. Họ tin rằng các thành quả đạt được là do công sức cá nhân của chính họ và không hề nghĩ rằng họ hàm ơn xã hội cho những đặc quyền sẵn có ấy.

Đặc điểm này khiến cho họ khó mà đồng cảm với các vấn đề kinh tế xã hội bức thiết, như giá sinh hoạt hay chi phí y tế tăng cao, việc phải cạnh tranh giành việc làm với người nước ngoài, hay các ảnh hưởng tiêu cực của việc tư nhân hóa các dịch vụ công ích.

 

Kết luận

 

Các huyền thoại về sự mong manh, về chế độ nhân tài, và về sự phát triển kinh tế của Singapore vốn đang được hô hào bởi chính quyền đảng PAP đều là di sản từ chính quyền thuộc địa Anh.

Cả chính phủ PAP và chính phủ thuộc địa đều dùng các huyền thoại đó cho cùng mục đích: để biện minh cho việc nhà nước can thiệp vào đời sống người dân; biện minh cho việc đẩy ra rìa các nguồn cội truyền thống và nguồn cội cộng đồng của các tổ chức xã hội-chính trị; và để biện minh cho việc mở rộng các quyền lực độc đoán của nhà nước.

Chỉ ra các huyền thoại đó không phải là để phủ nhận hàng loạt thành quả của cả nền cai trị thuộc địa và chính phủ PAP. Chỉ ra các huyền thoại đó giúp chúng ta nhìn nhận rằng Singapore thời kỳ độc lập phần lớn vẫn đang được cai trị bằng các giá trị không hoàn mỹ và mang nặng định kiến vốn đã được các quan chức thuộc địa người Anh đưa vào Singapore từ trước.

Các huyền thoại đó đã, và sẽ vẫn tiếp tục dựa trên một nửa sự thật và những câu chuyện hư cấu. Chúng rất có ảnh hưởng, và chúng được sử dụng để biện minh cho những nền cai trị độc tài, cho việc áp bức, cho việc làm què quặt các cơ chế kiểm soát quyền lực thể chế, và cho việc cắt giảm tự do cá nhân cùng các quyền con người cơ bản.

Đảng PAP từng chối từ các huyền thoại ấy trước khi họ khai trừ phe cánh tả trong đảng này vào năm 1961. Tuy nhiên, khi đối mặt với thử thách và chống đối, giới lãnh đạo PAP đã chọn việc tận dụng chính các diễn ngôn này để biện minh cho nền cai trị độc tài của họ. Theo đó, các giá trị và các giả định quan trọng từng là nền tảng cho nền cai trị thuộc địa đã được PAP dựng lại. Đảng này sau đó phát triển thêm và mở rộng các chính sách đàn áp của chính quyền thuộc địa.

Đặt nền cai trị Singapore rõ ràng trong bối cảnh lịch sử như trên giúp nâng cao khả năng phân tích, phê phán và cải tạo chính quyền trong tương lai. Đặc biệt, hiểu về việc tiếp nối nền cai trị thuộc địa của chính quyền PAP hiện tại giúp chúng ta đi đến một nhận xét: tuy đất nước Singapore đã độc lập về mặt vật lý, chúng ta vẫn chưa tiến hành việc giải thuộc địa chính mình về trí thức và tâm lý.

Như Franz Fanon đã nhìn nhận, chủ nghĩa thuộc địa gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho tâm trí của người dân ở xứ sở bị cai trị. Họ bị làm cho thấp kém đi bởi một định kiến bám rễ sâu trong chính mình, rằng họ có ít phẩm giá hơn.

Franz Fanon

Frantz Omar Fanon, also known as Ibrahim Frantz Fanon, was a French West Indian psychiatrist and political philosopher from the French colony of Martinique. His works have become influential in the fields of post-colonial studies, critical theory and Marxism.

Các huyền thoại được sử dụng bởi chính quyền Anh và PAP đều có mục đích dạy dỗ và uốn nắn những người dân bị nô dịch hóa và những kẻ cai trị vào các vai trò tương xứng: nô lệ và chủ nô. Theo đó, các diễn ngôn này giúp thiết lập các trật tự xã hội mà trong đó những người dân bị nô dịch hóa phải hợp tác trong chính quá trình lệ thuộc hóa bản thân họ.

Vì vậy, để cho xã hội Singapore phát triển thành một xã hội công bằng và bình đẳng, chúng ta phải giải cấu trúc và từ chối các huyền thoại nói trên. Người Singapore càng nhận thức bản thân tốt hơn thì họ càng hiểu đầy đủ hơn vai trò của chính mình trong việc xây dựng một xã hội dân chủ dựa trên công lý và bình đẳng.

(Hết)

No comments:

Post a Comment