Monday, October 26, 2015

Chinh phụ ngâm
Chú-thích
Tôi mượn tạm phần thơ văn từ trang nhà Va(n Ho.c Vie^.t Nam của anh Trần văn Trác trong khi chờ đợi thân nhân bên Việt-Nam sẽ đem qua một ấn phẩm của nhà sách Tân-Việt (link đầu tiên trong mục: OTHER LINKS:). Tôi sẽ trình bầy áng văn này theo cùng thể-thức như những truyện bằng thơ khác; nghiã là sau phần thơ văn sẽ có phần chú-thích những chữ khó.
Phần đóng góp của tôi về tác phẩm này sẽ rất khiêm nhường (chú-thích các chữ khó). Xin quý vị xem công-trình của anh Trác để thưởng thức văn-chương của tiền-nhân cũng như sự sưu-tập công phu của anh Trác.
Sau đây là tiểu-sử của Đặng-trần-Côn, và Đoàn-thị-Điểm từ quyển "Chinh-phụ ngâm-khúc"; do nhà nhà xuất-bản Tân-Việt (235 Phan-thanh-Giản), Sài-Gòn in theo giấy phép số 3524, B.T.T. (Bộ thông tin, 1968).

Tiểu-sử Đặng Trần Côn (1715 ? -1745)

Đặng trần Côn tiên-sinh người làng Nhân-mục ( tục gọi là làng Mọc ) huyện Thanh-trì, tỉnh Hà-đông. Tiên-sinh sinh đời Lê Dụ-tông, trong buổi Trịnh Cương xưng chúa, cầm quyền, phong tước An Đô-vương.
Lúc bấy giờ trong thành Thăng-long thường có hỏa-hoạn có lệnh cấm lửa, mà tiên-sinh hiếu-học lắm, phải đào hầm chong đèn mà học suốt canh khuya ; tiên-sinh ưa ngâm vịnh, nghe bà Đoàn thị Điểm hay chữ, hay thơ, bèn làm một bài thơ đến yết-kiến bà. Bà xem thơ, cười mà bảo rằng: nên học thêm sẽ làm thơ ; tiên-sinh lấy làm thẹn, về ra sức nghiên-tinh đàn-tứ, sau thi đỗ chức Hương-cống ( cử-nhân ) và vẫn chăm học, tay không hề rời quyển sách.
Đầu niên-hiệu Cảnh-Hưng ( 1740-1786 ) đời Hậu Lê gặp buổi binh-cách, lính thú đi chinh-thú nhiều nơi, đã diễn ra lắm nỗi biệt-ly đau đớn, tiên-sinh cảm-xúc làm bài "Chinh-phụ ngâm ", theo thể thơ xưa (Cổ-nhạc phủ) từ-điệu thanh-tao và phiêu-dật lâm-ly, đem đưa ông Ngô Thì Sĩ xem. Ông Sĩ đọc xong rất thán phục mà nói rằng : "Như bài này thì đã áp-đảo được lão Ngô này rồi". Sau tiên-sinh lại đưa cho Đoàn thị Điểm xem, bà khen hay và đem diễn nôm điệu song-thất lục-bát, lại đưa tiên-sinh xem, tiên-sinh rất kinh tài miệng gấm lòng thêu của bà, chịu tôn bà làm bậc sư-bá.
Bài " Chinh-phụ ngâm " truyền tụng khắp trong nước, lan đến bên Tàu, cũng phải khen tài thanh-nghệ-luật của tiên-sinh . Quả thật như vậy, thơ tiên-sinh cổ thể, cận thể đã học đúng và đủ các phép, cho nên thi-phái đời Hậu Lê nhờ tiên-sinh dìu-dắt mà chấn hưng nhiều.
Về sau tiên-sinh làm chức Huấn-đạo rồi lần hồi thăng đến chức Ngự-sử Đài . Tính tiên-sinh rất khoáng-dật, thích ngao-du với trăng gió rượu trà; ngoài bài "Chinh-phụ ngâm" còn lắm bài thơ phú khác, như đề "Tiêu tương bát cảnh" , "Trương Hàn tư thuần lư", "Trương Lương bố y", "Khấu môn thanh "v.v...


Tiểu-sử bà Đoàn Thị Điểm (1705-1748)

Bà Điểm nguyên họ Đoàn, lấy chồng họ Nguyễn, lại theo họ chồng thường gọi là Nguyễn thị Điểm (người làng Hiếu-phạm, huyện Văn-giang, tỉnh Bắc-ninh, em gái ông Giám-sinh (tiến-sĩ) Đoàn Luân ) biệt-hiệu là Hồng Hà nữ-sĩ, sinh về đầu thế-kỷ XVIII đời Lê. Tư-chất bà rất thông-minh, từ năm lên sáu tuổi đã học đến Sử-ký.Tiểu-sử Một hôm ông Luân lấy chữ Sử-ký Hán Cao-tổ ra cho bà một câu nguyên-văn :"Bạch xà đương đạo, Quí bạt kiếm nhi trảm chi" ( Con rắn trắng đón đường, ông Quí rút gươm mà chém đấy) . Bà liền lấy một câu nguyên văn ở Sử-ký, điển ông Vũ đời Thuấn mà đối rằng : " Hoàng long phụ châu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết" (Con rồng vàng đội chiếc thuyền, ông Vũ trông trời mà than rằng ).
Đối như vậy mỗi chữ xứng nhau, lại dùng cả chữ ở nguyên-văn Sử-ký. Lại một hôm, bà soi gương, ông Luân ra câu đối rằng: "Đối kỉnh họa my, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm : Soi gương vẽ mày, một chấm hóa ra hai chấm). Câu này có chữ điểm nghĩa là chấm, lại là tên của bà.
Bà đối lại ngay rằng : "Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân (Đến ao xem trăng, một vành hiện ra hai vành). Chữ luân là vành lại là tên ông Luân ; Đối có tài và lanh, thật đáng gọi là tiên-phận thiên-tài khá cao vậy.
Khi có sứ Tàu sang, bà giả làm người bán quán ; sứ Tàu vào uống rượu thấy bà đang biên sổ, lại thấy ở cột quán rượu có lắm câu đối hay, và bên ghế bà ngồi có nhiều sách vở, mới ra cho bà một câu đối rằng: "An-nam nhất thốn-thổ, bất tri kỷ nhân canh" (An-nam một tấc đất , chẳng biết mấy người cày) - có ý xấc ngạo và ghẹo chọc . Bà đối ngay rằng: "Bắc-quốc chư đại phu giai do thử đồ xuất" (Nước Bắc (tàu) các vị Đại-phu thảy do đường ấy mà ra cả).
Bà cũng đáp lời phúng-thích lại chẳng chịu kém ý lời ra đối. Các sứ-giả chịu tài và cũng lấy làm thẹn.
Bà có tài học cao-siêu nên phải ở nơi địa-vị kén chồng, muốn kén cả người có đủ tài ba và môn-hộ tương-đương, nên đã lâu không có người vừa ý. Sau bà đã ba mươi tuổi, mới kết duyên làm thứ-thất ông Nguyễn Kiều, làm quan Thượng-thư hiệu là Hạo Hiên, cùng nhau ở chốn khuê-phòng yêu-kính đáng gọi là " tương kính như tân ".
Khi ông mất, học trò ông theo học với bà ; bà mở trường dạy học, mãi đến bảy mươi tuổi mới từ trần.
Bà có soạn tập "Tục truyền kỳ" và diễn nôm bài " Chinh-phụ ngâm " này.


1- Thuở trời đất nổi cơn gió bụi ... (1 -4)
2- Xếp bút nghiên theo việc đao cung ...(5 -24)
3- Lòng chàng ý thiếp, ai sầu hơn ai ... (25 - 64)
4- Dòng nước sâu, ngựa nản chân bon ... (65 -88)
Thơ văn đoạn trên
5- Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây ... (89 -112)
6- Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ ...(113 -176)
Thơ văn đoạn trên
7- Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai ? (177 - 240)
8- Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi ... (241 - 292)
Thơ văn đoạn trên
9- Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong (293 -336)
10- Sợ khi mái tóc điểm sương cũng ngừng ... (337 - 372)
Thơ văn đoạn trên
11- Tiếng khải ca trở lại thần kinh .... (373 -392)
12- Giữ gìn nhau vui thuở thái bình ... (393 -412)
Thơ văn đoạn trên
1- Thuở trời đất nổi cơn gió bụi ...

1. Thủa [1] trời đất nổi cơn gió bụi [2],
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên [3].
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này ?

2- Xếp bút nghiên theo việc đao cung ...

5. Trống Trường Thành [4] lung lay bóng nguyệt,
Khói Cam Tuyền [5] mờ mịt thức mây.
Chín tầng gươm báu trao tay [6],
Nửa đêm truyền hịch [7] định ngày xuất chinh.
Nước thanh bình ba trăm năm cũ [8].
10. Áo nhung [9] trao quan vũ từ đây.
Sứ trời [10] sớm giục đường mây,
Phép công là trọng, niềm tây [11] sá nào.
Đường giong ruổi lưng đeo cung tiễn,
Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa [12].
15. Bóng cờ tiếng trống xa xa,
Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng.
Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt [13],
Xếp bút nghiên [14] theo việc đao cung.
Thành liền [15] mong tiến bệ rồng,
20. Thước gươm [16] đã quyết chẳng dung giặc trời [17].

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa [18],
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao [19].
Giã nhà đeo bức chiến bào [20],
Thét roi [21] cầu Vị, ào ào gió thu.

3- Lòng chàng ý thiếp, ai sầu hơn ai ...

25. Ngòi đầu cầu [22], nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non.
Đưa chàng lòng dằng dặc buồn,
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền [23].
Nước có chảy mà phiền chẳng rửa,
30. Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây.
Nhủ rồi nhủ lại cầm tay,
Bước đi một bước dây dây lại dừng.
Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi,
Dạ chàng xa tìm cõi Thiên San [24].
35. Múa gươm rượu tiễn chưa tàn,
Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo [25],
Săn Lâu Lan, rằng theo Giới Tử [26],
Tới Man Khê, bàn sự Phục Ba [27],
Áo chàng đỏ tựa ráng pha,
40. Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống [28],
Giáp mặt rồi phút bỗng chia taỵ
Hà Lương [29] chia rẽ đường này,
Bên đường, trông bóng cờ bay ngùi ngùi.
45. Quân trước đã gần ngoài doanh Liễu [30],
Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương [31],
Quân đưa chàng ruổi lên đường,
Liễu dương [32], biết thiếp đoạn trường này chăng ?
Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng [33],
50. Hàng cờ bay trong bóng phất phơ.
Dấu chàng theo lớp mây đưa,
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.
Chàng thì đi cõi xa mưa gió,
Thiếp thì về buồng cũ gối chăn.
55. Đoái trông theo đã cách ngăn,
Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh [34],
Chốn Hàm Dương [35], chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương [36], thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
60. Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu [37],
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?


4- Dòng nước sâu, ngựa nản chân bon ...

65. Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mát phương nao [38] ?
Xưa nay chiến địa dường bao,
Nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu [39].
Hơi gió lạnh, người rầu mặt dạn,
70. Dòng nước sâu, ngựa nản chân bon [40].
Ôm yên gối trống đã chồn,
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh.
Nay Hán xuống Bạch Thành [41] đóng lại,
Mai Hồ vào Thanh Hải [42] dòm qua.
75. Hình khe, thế núi gần xa,
Dứt thôi lại nối, thấp đà lại cao.
Sương đầu núi buổi chiều như giội,
Nước lòng khe nẻo suối còn sâu.
Thương người áo giáp [43] bấy lâu,
80. Lòng quê qua đó mặt sầu chẳng khuây [44].
Trên trướng gấm [45]thấu hay chăng nhẽ,
Mặt chinh phu ai vẽ cho nên ?
Tưởng chàng giong ruổi mấy niên,
Chẳng nơi Hãn Hải [46] thì miền Tiêu Quan [47].
85. Đã trắc trở đòi ngàn xà hổ,
Lại lạnh lùng những chỗ sương phong.
Lên cao trông thức mây lồng [48],
Lòng nào là chẳng động lòng bi thương !


Chú thích:
[1]: Theo cụ Trần trọng Kim thì Việt-ngữ chỉ có vần ua nên phải thủa mới đúng chứ không phải thuở.

[2]: Phong trần : Gió bụi có nhiều nghĩa:
1-Gió cuốn bụi tung, trời đất mờ mịt. Ví đời có nạn chiến-tranh.
2- Ở đời chịu nhiều nỗi gian-nan trong bước công-danh của phường quan lại -Thơ Đỗ Phủ : Bạc hoạn tẩu phong trần : Chức mỏng chạy trong gió bụi, tức là quan nhỏ; chịu nhiều nỗi khó khăn ,
3-Những gái kỹ nữ gọi là trụy-lạc phong trần : Rơi rụng nơi gió bụi.
Thơ Trương Tuần khi nghe trống đánh nổi giặc có câu : Bất biện phong trần sắc, an tri thiên địa tâm : Chẳng nhận được vẻ gió bụi, sao biết lòng trời đất. Ý nói họa chiến-tranh bởi trời đất sinh ra.

[3]: Đi dùng-dằng, bước không tới, hay vất vả lao-đao.

[4]: Đời chiến-quốc, rợ Hồ hay quấy nhiễu nước Yên, Triệu và Tần xây thành dài phía bắc để ngăn ; sauTần Thỉ-hoàng tóm thu cả sáu nước, nối những đoạn thành ấy làm bức thành dài muôn dặm gọi là Vạn-lý tràng-thành.

[5]: Cung nhà Tần dựng trên núi Cam-tuyền gần đô-thành Tràng-an 200 dặm. Câu này ở nguyên văn "Phong hỏa ảnh chiếu Cam-tuyền vân". Phong hỏa là ngọn lửa lên nhọn cao đốt ở núi cao để báo tin giặc. Vì chưa biết dùng thứ gì báo nhanh chóng, phải dùng lối đốt lửa báo tin nên gọi Phong hỏa. Cũng gọi là Lang toại dùng phẩn chó sói lẫn củi đốt ngọn lửa lên cao không bị gió đàn.
Lang là chó sói. Toại là ngọn lửa lớn lên cao.

[6]: bởi chữ Chữ Nguyên-văn dùng chữ Án kiếm là vỗ gươm hoặc chống gươm. Đây dịch "trao tay" có bản dịch là chống tay.

[7]: là truyền lời hịch kể tội giặc mà vua sai đánh; xuất chinh là ra đánh. Chinh là đánh kẻ phạm tội (người lớn đánh kẻ nhỏ) cũng có nghĩa là đi, là đánh thuế, Chinh nhân : người đi xa. Chinh-phu : người chồng đi đánh giặc. Chinh-phụ người vợ có chồng đi đánh giạc.

[8]: Thanh-bình là yên lặng thái-bình

[9]: là áo giáp có kết vảy sắt đỡ tên bắn. Cũng gọi là Chiến-y-bào.

[10]: bởi chữ Sứ-tinh ở nguyên-văn. Điển : Vua Hoà-đế đời Hán sai hai người sứ đến Ích-châu do-thám mà không cho quan thứ-sử châu ấy là Lý Trấp biết. Trấp xem thiên-văn thấy có hai sao sứ về Ích-châu nên biết trước.

[11]: nỗi riêng-tư của người ta.

[12]: là vợ con. Kinh Thi : Lạc nhĩ thê noa là vui với vợ con mầy.

[13]: dịch chữ "Ngô-môn" ở nguyên-văn. Điền Ngô Khi là một tướng võ đời Chiến-quốc có võ-công lừng-lẫy, đánh đông dẹp bắc thiên hạ biết danh. Lý Bạch có câu : Yên-nam tráng-sĩ Ngô-môn hào, Thái-sơn nhất-trịch khinh hồng mao = Đất Yên-nam có kẽ tráng-sĩ giòng hào-kiệt nhà họ Ngô, ném non Thái nhẹ như cái lông chim hồng. Ý nói sự anh-hùng của người tráng-sĩ xem nhẹ tính-mệnh.

[14]: Điển Ban Siêu đời Hán. Ban Siêu nhà nghèo đi viết thuê, một hôm phẫn chí tự nói rằng : Làm trai nên có chí lập công-danh nơi ngoài nghìn dặm như Phó Giới Tử và Trương Khiên, lẽ nào chịu bó tay bên chốn bút-nghiên, bèn xếp bút nghiên theo việc binh nhung ra xứ tây-vực ở 31 năm được nhiều công lớn được phong-tước Viễn đinh hầu khi về nhà đã quá 80 tuổi.

[15]: bởi chữ liên thành là những thành liền nhau. Điển Bắc-sử chép : Nước Triệu được hai hòn ngọc Bích của Biện Hoà tìm được tại núi Kinh-sơn. Sau vua Chiêu-vương nước Tần viết thư xin đem năm thành-trì đổi ngọc ấy. Về sau vật gì quí-báu gọi là quí-giá Liên thành- Bệ rồng nơi vua ngồi, tức là vua.

[16]: Bởi chữ "tam xích" là ba thước, là tiếng danh-tự riêng của gươm. Hán-thư chép lời Hán Cao-tổ nói : Ngô dĩ bố y đề tam xích thủ thiên-hạ= ta mặc áo vải cầm ba thước mà lấy được thiên-hạ, ba thước tức là thanh gươm dài ba thước.

[17]: bởi chữ Thiên Kiêu. Điển Hán thư chép : Rợ Hung-nô có câu quốc thư của Thiền vu gởi Hán đế rằng : Nam hữu đại Hán, bắc hữ cường Hồ, Hồ nải thiên-tử chi kiêu tử giả, nghĩa là : Phương nam có nhà Đại Hán, phương Bắc có cường Hồ. Hồ chính là đứa con kiêu ngạo của thiên tử.

[18]: là da con ngựa, bởi chữ mã-cách ở điển Mã Viện đời Đông -Hán lĩnh chức Phục-ba tướng quân, từng có chiến công thu-phục xứ Giao-chỉ rồi lập trụ đồng để nêu giới hạn. Lại đánh dẹp bọn rợ Ngũ-Khê-Man khi già hơn 80 tuổi. Ông thường nói với bạn bè rằng kẻ trượng-phu lập chí là ; khi khốn cùng nên có lòng kiên nhẫn, khi già nua nên bạo-mạnh. Lại nói : làm trai nên chết chốn xa trường biên-ải, lấy da ngựa bọc thây chôn mới gọi là trai. Sau quả chết trong quân và được phong tước Tân-tức-hầu.

[19]: Núi Thái-sơn lớn và cao nhất ở nước Tàu, lông ngỗng trời ( lông chim hồng) nhẹ nhất. Tư-mã-Tiên nói : "Người ta vẫn có cái chết, song cái đáng chết nặng như núi Thái-sơn, cũng có cái chết đáng nhẹ như lông chim hồng".

[20]: Chiến-bào là cái áo mặc đi ra trận, có kết vảy chép như vảy cá để đỡ tên bắn. Cũng gọi là nhung y và giáp, áo giáp.

[21]: dịch chữ Minh-tiên ở nguyên văn là tét nạt vừa đánh ngựa tiếng roi kêu trót trót giữa luồng gió thu. Minh-tiên cũng có nghĩa là một khí-cụ để dàn hầu, đè nó kêu trót trót như tiếng roi đánh, để răn người phạm phép.- Vỵ kiều cầu sông Vỵ, đời Đường thường sai quân ra bến sông Vỵ chống rợ Đột-khuyết.

[22]: Ngòi là cái lạch, dịch chữ câu ở nguyên-văn, có bản chép "ngoài đầu cầu"-sai.

[23]: Câu này gồm hai câu nguyên văn, dịch ra một câu (chàng lên đường bộ, thiếp tự giận sao thiếp không bằng con ngựa. Chàng trẩy đường thủy, thiếp tự giận sao thiếp không bằng chiếc thuyền). Ngựa thuyền được theo chàng, mà thiếp phải xa chàng.

[24]: tên núi ở tỉnh Phụng-thiên, nhà Đường đánh Cao-ly thường đóng quân ở đấy. Thiên -sơn cũng là tên núi ở Tây cương; đời Đường rợ Vưu làm loạn, Tiết Nhân Quí làm chức Tổng -quản ra dẹp loạn chỉ bắn ba mũi tên giết được ba tướng giặc, bọn ấy rúng động sợ phải về đầu hàng

[25]: bởi điển ông Ban Siêu khi đi sứ Tây vực, vào những miền nguy, thường nói cùng các quan liêu thuộc rằng : Không vào hang cọp sao bắt được cọp con (Bất nhập hổ huyệt an đắc hổ tử).

[26]: là tên hai người : Vua Chiêu đế nhà Đường sai Phó Giới Tử đi sứ đất Đại-uyển nước Qui tư. Giới tử đã dùng mưu cao bắt được vua Đại-uyển là Lâu Lan. Sau Tử được phong tước Nghĩa dương -hầu.

[27]:Điển ông Mã Viện.

[28]: hiệu lệnh xưa ra trận nghe tiếng trống thì tới, tiếng chiêng thì lui

[29]: Hà là sông, lương là cầu bắc trên sông, hay là rường nhà, ngày xưa đưa nhau thường đến chốn cầu sông.Thơ Lý Lăng viết cho Tô Võ có câu : "Huề thủ thượng hà-lương, dư tự mộ hà chi ?": Dắt tay nhau đến nơi Hà-lương, kẻ du-tử chiều nay đi đâu Du-tử là người ra đi nơi xa.

[30]: Tên một nơi đồn quân đóng. Hán thư chép vua Hán văn đế đến doanh Tế-liễu là nơi đồn của tướng Chu Á-Phu đóng để khao-thưởng quân-sĩ, thấy phép quân rất nghiêm, bèn khen rằng thật là một tướng quân xứng đáng vậy.

[31]: Tên một huyện ở tỉnh Hồ-bắc ; cũng có tên cung nhà Tần ở đất Tây-ninh.

[32]: tức cây dương liễu.Vương Xương Linh đời Đương có câu thơ Khuê Oán : "Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc, hối giao phu tế mịch phong hầu" = chợt thấy sắc cây dương liễu tươi xinh nơi đầu đường thì hối-hận sao ta khiến chồng ta đi kiếm sự công danh phong tước hầu nơi xa. Ý nói chồng đi đánh giặc vắng không cùng ai vui thú xem phong-cảnh ; ấy là lời người thiếu-phụ có chồng đi chinh thú nơi xa.

[33]: Câu nguyên-văn : "Khứ khứ Lạc-mai thanh tiệm viễn"> Nghĩa là :Khúc địch tên Lạc-mai khi đi nghe lần lần xa.
Thơ Lý Bạch : Kim dạ hà nhân xuy ngọc dịch, giang thành ngũ nguyệt lạc mai ba = Đêm nay người nào thổi địch ngọc, chốn thành bên sông tháng năm hoa mai rụng ?

[34]: ý lấy ở câu thơ của Mạnh hạo Nhiên đời Đương rằng : "Quân vọng bạch vân khứ, dư vọng thanh sơn qui" nghĩa là: chàng trông mây trắng khi ra đi, thiếp trông non xanh khi trở về.

[35]: tên đất . Ông Hiếu Công nhà Tần xưa đóng đô đất Hàn-dương nay thuộc xứ Thiểm-tây.

[36]: là tên sông ở tỉnh Hồ-nam, hai sông hợp-lưu thành một.

[37]: bởi chữ Mạch thượng tang là nơi thôn quê trồng dâu gần bên đường.
"Mạch thượng tang" cũng là tên một khúc hát (Cổ nhạc phủ) của nàng La Phu gái có chồng ở nước Tần đi hái dâu mà Triệu vương muốn yêu, bèn đặt tiệc rượu mời nàng. Nàng đến đàn tranh và hát khúc ấy để tỏ mình có chồng; sau vương nghe lời hát lắm câu tỏ ý trinh-chính bèn thôi.Ý dùng của nguyên văn rất thâm mà dịch-gỉa không thể đem ra được, chỉ dịch "Ngàn dâu xanh ngắt một màu"v.v.. Vậy câu 63 là một lối văn phục tuyến như mũi chỉ may dấu kín, để sẽ tỏ nơi khác, nơi câu nguyên-văn số 351 đến câu 363.

[38]: Câu này lấy lời cổ thi :
"Kim dạ bất tri hà xứ túc, bình-sa vạn-lý tuyệt nhân yên"
nghĩa là: Đêm nay chẳng biết ngủ nơi nào ? nơi bãi cát bằng, muôn dặm không người ở.
Lại ở Đường thi cũng có câu :
"Kim dạ nguyệt minh hà xứ túc, cửu tiêu văn quyển bích sâm si". nghĩa là : Đêm trăng sáng này ngủ nơi nao, trông trên chín từng mây cuốn màu xanh biếc lắm vẻ so-le cao thăm-thẳm. Hai câu ấy toàn vịnh cảnh người chinh-phu.

[39]: Bài điếu Cổ-chiến-trường của Lý Hoa có câu : " Hạo hạo hồ bình sa vô ngân quýnh bất kiến nhân nghĩa là : Mênh-mông kia nơi bãi cát bằng muôn dặm vắng teo chẳng thấy người.

[40]: tức bôn nghĩa là chạy.

[41]: là Bạch-đăng-thành là nơi ông Hán Cao-tổ đã từng bị vây ở đấy.

[42]: tên đất rợ Thổ Cốc-Hồn đời Đường hùng-cứ ở đấy, có năm bộ--lạc ở phía tây-bắc nước Tàu. Đất ấy có hồ nước mặn rộng. Lý Bạch có câu thơ ở bài Quan-sơn khúc : Hán hạ Bạch-đăng thành, Hồ khuy Thanh-hải khúc nghĩa là : nhà Hán xuống thành Bạch-đăng. Rợ Hồ dòm bãi Thanh-hải

[43]: là áo ra trận có vảy thép kết để đỡ tên bắn- Cũng gọi là nhung-y, chiến bào và thiết y.- Cổ-thi : Hàn quang chiếu thiết y : áng sáng lạnh soi áo sắt.

[44]: thơ Lý Bạch : "Thú khách vọng biên sắc, tư qui đa khổ nhan" : Kẻ chinh-thú trông sắc trời nơi biên trấn, nhớ về lắm vẻ cay-dắng ở nét mặt.

[45]: bởi chữ Cẩm-trướng ; màn gấm, là nơi nhà vua ở.

[46]: hay là Hàn-hải là nơi bãi Sa-mạc.

[47]: tên một cửa aỉ ở Quang-trung là nơi hiểm-trở, các Đường, Tống xây luỹ, đóng đồn mà chống rợ Thổ-phần.

[48]: điển ông Địch Nhân Kiệt đời Đường, đi đánh giặc xa nhà, khi lên núi Thái-hàng trông đám mây trắng ở xa xa, nói với quân-sĩ rằng : "Cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng ấy" : Ngô thân xá ư kỳ hạ. Đây dùng ý nói nhớ nhà.

5- Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây ...

Chàng từ sang Đông Nam khơi nẻo,
90. Biết nay chàng tiến thảo [1] nơi đâu ?
Những người chinh chiến bấy lâu,
Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây [2].
Nức hơi mạnh, ơn dày từ trước [3],
Trải chốn nghèo, tuổi được bao nhiêu [4] ?
95. Non Kỳ [5] quạnh quẽ trăng treo,
Bến Phì [6] gió thổi đìu hiu mấy gò.
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi [7].
Chinh phu tử sĩ mấy người,
100. Nào ai mạc mặt [8], nào ai gọi hồn [9].
Dấu binh lửa, nước non như cũ,
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương.
Phận trai già ruổi chiến trường,
Chàng Siêu [10] tóc đã điểm sương mới về.
105. Tưởng chàng trải nhiều bề nắng nỏ [11],
Ba thước gươm, một cỗ nhung yên.
Xông pha gió bãi trăng ngàn,
Tên reo [12] đầu ngựa, giáo dan [13] mặt thành.
Áng công danh trăm đường rộn rã,
110. Những nhọc nhằn nào đã nghỉ ngơi.
Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai,
Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây [14].

6- Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ ...

Trong cửa này đã đành phận thiếp,
Ngoài mây kia há kiếp chàng vay [15] ?
115. Những mong cá nước [16] sum vầy,
Nào ngờ đôi ngả nước mây [17] cách vời.
Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ [18],
Chàng há từng học lũ vương tôn [19].
Cớ sao cách trở nước non,
120. Khiến người thôi sớm thôi hôm những sầu.
Khách phong lưu đương chừng niên thiếu,
Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên.
Nỡ nào đôi lứa thiếu niên,
Quan sơn để cách, hàn huyên [20] bao đành.
125. Thuở lâm hành oanh [21] chưa bén liễu,
Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca [22].
Nay quyên đã giục, oanh già,
Ý nhi [23] lại gáy trước nhà líu lo.
Thuở đăng đồ [24], mai [25] chưa dạn gió,
130. Hỏi ngày về, chỉ độ đào [26] bông.
Nay đào đã quyến gió Đông,
Phù dung [27] lại đã bên sông bơ sờ.
Hẹn cùng ta: Lũng Tây [28] nham ấy,
Sớm đã trông, nào thấy hơi tăm ?
135. Ngập ngừng, lá rụng cành trâm,
Thôn trưa nghe dậy tiếng cầm lao xao.
Hẹn nơi nao, Hán Dương [29] cầu nọ,
Chiều lại tìm, nào thấy tiêu hao ?
Ngập ngừng gió thổi chéo bào,
140. Bãi hôm tuôn dẫy nước trào mênh mông.
Tin thường lại, người không thấy lại,
Hoa dương [30] tàn đã trải rêu xanh.
Rêu xanh mấy lớp chung quanh,
Sân đi một bước, trăm tình ngẩn ngơ.
145. Thư thường tới, người không thấy tới,
Bức rèm thưa lần dãi bóng dương.
Bóng dương mấy buổi xuyên ngang,
Lời sao mười hẹn, chín thường đơn sai.
Thử tính lại diễn khơi [31] ngày ấy,
150. Tiền sen [32] này đã nẩy à ba.
Xót người lần lữa ải xa [33],
Xót người nương chốn Hoàng Hoa [34] dặm dài.
Tình gia thất nào ai chẳng có,
Kìa lão thân [35], khuê phụ [36] nhớ thương.
155. Mẹ già phơ phất mái sương,
Con thơ măng sữa [37], vả đương phù trì.
Lòng lão thân buồn khi tựa cửa [38],
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm.
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam [39],
160. Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân.
Nay một thân nuôi già dạy trẻ,
Nỗi quan hoài [40] mang mể biết bao !
Nhớ chàng trải mấy sương sao [41] ,
Xuân từng đổi mới, Đông nào còn dư.
165. Kể năm đã ba tư cách diễn,
Mối sầu thêm nghìn vạn ngổn ngang.
Ước gì gần gũi tấc gang,
Giải niềm cay đắng để chàng tỏ hay.
Thoa cung Hán [42] thuở ngày xuất giá,
170. Gương lầu Tần [43] dấu đã soi chung.
Cậy ai mà gửi tới cùng,
Để chàng thấu hết tấm lòng tương tư.
Nhẫn đeo tay mọi khi ngắm nghía,
Ngọc cài đầu [44] thuở bé vui chơi.
175. Cậy ai mà gửi tới nơi,
Để chàng trân trọng [45] dấu người tương thân.

Chú thích:

[1]: Tiến : đi tới, Thảo : đánh dẹp

[2]: Hán-thư chép chuyện nhà Tần có câu "Tần quan nhân tính mệnh như thảo đang " nghĩa là nhà Tần xem tính mệnh người như cỏ rác . Đây dùng ý khinh tính mệnh.

[3]: Câu này dịch câu nguyên-văn số 98 là chữ lấy ở Tả-truyện chép : Vua Sở đi đánh nước Tiêu, Thân-công Vũ-thần nói : Quân-sĩ rét lắm. Vua Sở liền đi tuần tận nơi, vỗ-về ba quân rất ân cần, ba quân cảm ân vua như được mặc áo ấm mà quên lạnh. Hai chữ "hiệp-khóang" là nghĩa ấy.

[4]: nghĩa là trải qua chinh-chiến lắm chốn hiểm nghèo nên kẻ tráng-sĩ phải chịu chết non. Trải qua nhiều trận dưới mũi gươm giáo tức chữ "hoành qua" : xông-pha trước mũi nhọn. Hai câu này dịch nôm rất mắc nghĩa nên phải giải rộng nghĩa thêm.

[5]: Điển Hoắc-khứ-Bệnh, tướng giỏi đời Hán đánh rợ Hung-nô ở núi Kỳ-liên sau ông chết, vua sai đắp mộ ông như hình núi Kỳ-liên.

[6]: Phì thủy : Điển Bồ Kiên đánh Tần thua ở Phì-thủy quân chết mười phần hết chín, thây đắp thành gò. Sông Phì ở tỉnh Cam-túc có hai ngành chảy hiệp lại một.

[7]: lấy ý câu cổ-thi : nhân-gian vô lộ nguyệt mang mang : nơi nhân-gian không còn lối-nẻo, chỉ có mặt trăng dõi dõi soi.

[8]: là vẽ ra dáng mặt. Đơn thanh là sắc đỏ, xanh, sự hội-họa-vẽ.

[9]: là điếu kẻ chết, gọi là điếu vong.

[10]: Ban Siêu tên một lão-tướng đời Hán.

[11]: là lao khổ, mệt-nhọc.

[12]: bởi chữ minh đích là một thứ tên bắn ra kêu tiếng để làm hiệu lệnh do vua Hung-nô đặt ra.Minh là kêu, đích là mũi tên.

[13]: là leo theo cán giáo mà lên thành cao, bởi chữ duyên can.

[14]: là nơi xa xôi. Chân mây mặt nước Cổ-thi có câu : Tương khứ vạn dư lý, các tại thiên nhất nhai : cách nhau hơn muôn dặm, mỗi người ở mỗi nơi chân trời.

[15]: nghĩa là : phải đâu, há phải đâu-không phải vay-mượn.

[16]: bởi chữ ngư-thủy. Cá nước, ví vợ chồng tương đắc với nhau. Kinh THi : Hạo hạo giả thuỷ, dục dục giả ngư.:mênh-mang kìa nước, nhởn-nhơn kìa là cá. Ý nói sự gia-thất nhân-duyên.Lại có điển : khi Lưu Bị cùng Khổng Minh Gia-cát-Lượng thân-mật, thì Quan Công cùng Trương Phi không bằng lòng. Lưu Bị nói :Ta có Khổng Minh như cá gặp nước, các ngươi chớ phiền giận. Cá nước ví vợ chồng yêu nhau, vua tôi tin cậy nhau v.v...

[17]: bởi chữ mây nước : Mây vốn bởi nước sinh ra mà mây ở cao xa, cách trở, ví sự xa cách. Cũng có nghĩa nơi làng mây xóm nước, ca-cách phồn-hoa, hoặc có vẻ phong-lưu ẩ dật không quan hệ với cuộc đời.

[18]: là người vợ có chồng đi chinh thú nơi xa.

[19]: là con nhà qúy-phái, có tính phong-lưu dư-dả hay đi chơi xa. Sở-Từ : Vương Tôn du hề bất qui : chàng Vương Tôn đi chơi không về. Vì người phong-lưu ưa đi chơi không đoái đến gia-đình.

[20]: Hàn là lạnh. Huyên là ấm, tức khí-hậu của trời khi ấm khi lạnh, làm cho người hay mắc phải bệnh-tật. Cho nên khi gặp nhau hỏi sự hàn-huyên cũng như hỏi sự bình-yên, là lời thế-thường thù ứng.

[21]: là chim oanh, lông vàng rất đẹp, kêu hót rất hay thường kêu ngày xuân. Liễu là cây liễu yếu cành dài như cái roi, lá nhỏ như lá tre mà dài. Xuân trổ lá có vẻ thướt tha, chim oanh thường kêu ở cây liễu.

[22]: Chim Đỗ-quyên kêu- Quyên hình như chim O-ho (tu-hú) sắc xám mùa hè kêu suốt đêm ngày. Ta gọi là chim quốc. Hoa-dương quốc-chí chép : Vua nước Thục tên Đỗ Vũ, mất nước, vua chết hoá chim Đỗ-quyên. hay Đỗ Vũ cũng là chim quyên.

[23]: là chim én. Bên Tàu chim én (yến) thường ở trong nhà người. Xuân đến mà thu đi. Có ý thân cận với người. Trang-tử nói :"Điểu mạc tri ư ý nhi : chim không chim nào biết ý người bằng ý-nhi. Đường-thi : Trù-trướng cựu lương song yến-tử. Ni-nam do tự ngữ đông phong : trên rường nhà cũ, còn đôi chim én đậu, ra bộ buồn-rầu chiu-chít kêu như nói chuyện cùng gió đông.

[24]: là lên đường ra đi nơi xa.

[25]: Cây mơ có hoa trắng năm cánh, nở mùa đông giữa băng-tuyết có quả khô, tươi, dùng ăn và nêm nấu hay làm thuốc. Văn-nhân ví mai là tiên, vì có vẻ thanh-cao không sợ tuyết sương và có sắc đẹp hương thơm.

[26]: Cây đào hoa đỏ màu cung-phấn, có hai thứ, đơn năm cánh, kép mười cánh. Nở ngày xuân có vẻ đẹp, ví mặt gái đẹp.

[27]: Hoa màu đỏ cung-phấn, lớn bằng cái đĩa trà, giống hoa hường lá lớn bằng bàn tay, có năm chĩa, hoa nở buổi sớm, tàn buổi chiều, thường trồng ở bờ sông bờ hồ. Thơ Bạch cư Dị : Phù-dung như diện, liễu như my : phù-dung như mặt, liễu như mày : tả dung-mạo Dương quí-phi.

[28]: tên đất ở tỉnh Thiểm-tây.

[29]: tên quận ở tỉnh Cam-túc.

[30]: là hoa cây dương giống như cây liễu mà lá chồng lên, không như lá liễu rủ xuống cũng có hoa trắng như hoa liễu, thường trồng gần nhà vì có vẻ và sắc đẹp xanh tươi.

[31]: là cách xa xuôi ; tiếng ấy xưa dùng mà nay không dùng.

[32]: bởi chữ liên-tiền, nghĩa là lá tre non mới lên ở mặt nước như đồng tiền. Câu 169 nguyên văn dùng chữ tam chú là ba lần đúc. Vì gọi là đồng tiền thì dùng đúc là đúc tiền vậy.

[33]: ở nguyên văn dùng "tử-tái" là aỉ tím. Sách Cổ-Kim-Chú chép : các nơi quan-ải, nơi Vạn-lý-tràng-thành cùng của aỉ Nhạn-môn-quan đất thảy là màu tím nên gọi tử-tái.

[34]: Hoàng-hoa-thú : kẻ lính thú ở đất Hoành-hoa- đất này có nhiều tên : Hoành-hoa đôi : Hoành-hoa lãnh; Hoàng-hoa phụ. Đất ấy đời Chiến-quốc và đời Đường đã nhiều lầ đánh nhau với rợ Nhu-nhiên và rợ Đột-khuyết. Có nhiều bản chú-thích Hoàng-hoa là hoa vàng, tức hoa cúc nở tháng chín; mỗi năm lính đi thú vừa khi hoa cúc nở, nên gọi là Hoàng-hoa thú-như thế là sai.

[35]: là cha mẹ già, Chữ thân chỉ cả cha và mẹ- khuê-phụ : là người vợ ở chốn khuê-phòng.

[36]: khuê-phụ : là người vợ ở chốn khuê-phòng.

[37]: là con non,dại, nói trẻ con.

[38]: bởi chữ ỷ-mon ( chiến-quốc-sách ) :chuyện Vương Tôn Giả thờ vua Tề, bà mẹ già thường trông con. Khi mai đi chiều về tựa cửa trong nhà mà trông, khi tối đi mà mai không về bà lại ra tận cửa ngõ mà trông. Ỷ-môn là tựa cửa trong nhà. Ỷ-lư là tựa cửa ngõ. Ý mẹ trông con làm nghĩa vụ chính-đáng thì lòng lo khẩn-thiết.

[39]: người con trai có hiếu.

[40]: là nỗi nhớ-nhung có quan-hệ.

[41]: bởi chũ tinh-sương. Mỗi một năm có một mùa có sương và mỗi độ sao đi.Sương sao, nghĩa là một năm. Chữ gọi : tinh-sương.

[42]: Thoa trâm giắt tóc có hai ngành, bằng vàng hay ngọc. Điển Hán Võ-đế dựng điện Chiêu-linh.Có hai thần nữ dâng cái thoa ngọc, sau Đế ban cho bà Triệu Tiếp Dư ; về sau có người ghen-ghét mưu đập vỡ thoa ấy, khi mở tráp xem bỗng hóa chim yến bay ra, lên trời.

[43]: Điển Tần Thỉ-hoàng có cái gương lớn, gọi là Chiếu đởmkính : gương soi ngụ-tạng, soi thấy bộ-phận thân-thể người gian ngay : thường soi các cung-nữ lòng tà, đem chém.

[44]: Tao đầu là cái đầu. Cái trâm, hay cái lược giắt tóc, bà Lý phu-nhân đời Hán Võ-Đế dùng ngọc làm trâm cài đầu đầu tiên. Lưu Võ Tích đời Đường, bài Xuân-từ có câu : Hành đáo trung đình sổ hoa đóa, sinh đình phi thượng ngọc tao đầu. Nghĩa là : đi đến giữa sân đếm hoa chơi, bỗng con chuồn chuồn bay đậu trên trâm giắt đầu bằng ngọc.

[45]: là giữ-gìn thân-thể hay là qui-báu nâng-niu. Chữ ấy dùng phải đúng theo hoàn-cảnh. Có khi dặn-dò nhau nên giữ-gìn thân-thể. Có khi tỏ-bày sự tôn-kính v.v...

7- Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai ?

Trải mấy xuân, tin đi tin lại,
Tới xuân này tin hãy vắng không.
Thấy nhàn [1], luống tưởng thư phong,
180. Nghe hơi sương, sắm áo bông [2] sẵn sàng.
Gió tây nổi không đường hồng tiện [3],
Xót cõi ngoài tuyết quyến mưa sa.
Màn mưa trướng tuyết xông pha,
Nghĩ thêm lạnh lẽo kẻ ra cõi ngoài.
185. Đề chữ gấm [4], phong thôi lại mở,
Gieo bói tiền [5] tin dở còn ngờ.
Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ,
Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai.
Há như ai, hồn say bóng lẫn,
190. Bỗng thơ thơ thẩn thẩn như không.
Trâm cài, xiêm giắt thẹn thùng,
Lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo.
Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa [6] rủ thác đòi phen.
195. Ngoài rèm thước [7] chẳng mách tin,
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng [8] ?
Đèn có biết, dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
200. Hoa đèn kia với bóng người khá thương !
Gà eo óc gáy sương năm trống [9],
Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên [10].
Khắc giờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa.
205. Hương gượng đốt, hồn đà mê mải,
Gương gượng soi, lệ lại chứa chan [11].
Sắt cầm [12] gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên [13] kinh đứt, phím loan ngại chùng.
Lòng này gửi gió đông [14] có tiện,
210. Nghìn vàng xin gửi đến non Yên [15].
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.
215. Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun.
Sương như búa bổ mòn gốc liễu,
Mưa dường cưa xẻ héo cành ngô.
Giọt sương phủ bụi chim gù [16],
220. Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi.
Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc [17],
Một hàng tiêu [18] gió thốc ngoài hiên.
Lá màn lay ngọn gió xuyên,
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm.
225. Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa, dưới nguyệt, trong lòng xiết đau.
Đâu xiết kể, muôn sầu nghìn não,
230. Từ nữ công [19], phụ xảo đều nguôi.
Biếng cầm kim, biếng đưa thoi,
Oanh đôi thẹn dệt, bướm đôi [20] ngại thùa.
Mặt biếng tô, miệng càng biếng nói,
Sớm lại chiều, dòi dõi nương song.
235. Nương song luống ngẩn ngơ lòng,
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai [21] ?
Biếng trang điểm, lòng người sầu tủi,
Xót nỗi chàng, ngoài cõi Giang Lăng [22]
Khác gì ả Chức [23], chị Hằng [24],
240. Bến Ngân [25] sùi sụt, cung trăng [26] chốc mòng.

8- Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi ...

Sầu ôm nặng, hãy chồng làm gối,
Buồn chứa đầy, hãy thổi làm cơm.
Mượn hoa, mượn rượu giải buồn,
Sầu làm rượu nhạt, muộn làm hoa ôi.
245. Gõ sanh ngọc mấy hồi không tiếng,
Ôm đàn tranh [27] mấy phím rời tay.
Xót người hành dịch [28] bấy nay,
Dặm xa mong mỏi hết đầy lại vơi.
Ca quyên ghẹo, làm rơi nước mắt,
250. Trống tiều [29] khua, như rứt buồng gan.
Võ vàng đổi khác dung nhan,
Khuê ly [30] mới biết tân toan dường này.
Nếm chua cay tấm lòng mới tỏ,
Chua cay này, há có vì ai ?
255. Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi,
Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề.
Thân thiếp chẳng gần kề dưới trướng [31],
Lệ thiếp nào chút vướng bên khăn.
Duy còn hồn mộng được gần,
260. Đêm đêm thường đến Giang Tân [32] tìm người.
Tìm chàng thuở Dương Đài [33] lối cũ,
Gặp chàng nơi Tương Phố [34] bến xưa.
Sum vầy mấy lúc tình cờ,
Chẳng qua trên gối một giờ mộng Xuân [35].
265. Giận thiếp thân lại không bằng mộng,
Được gần chàng bến Lũng, thành Quan [36].
Khi mơ những tiếc khi tàn,
Tình trong giấc mộng, muôn vàn cũng không !
Duy có một tấm lòng chẳng dứt,
270. Vốn theo chàng giờ khắc nào nguôi.
Lòng theo nhưng chửa thấy người,
Lên cao mấy lúc trông vời bánh xe.
Trông bến Nam, bãi che mặt nước,
Cỏ biếc um, dâu mướt ngàn xanh [37].
275. Nhà thôn [38] mấy xóm chông chênh,
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm.
Trông đường Bắc, đôi chòm quán khách [39],
Mây rà cây xanh ngất núi non.
Lúa thành [40] thoi thóp bên cồn,
280. Nghe thôi ngọc địch véo von bên lầu [41].
Non Đông thấy lá hầu chất đống,
Trĩ xập xoè [42], mai cũng bẻ bai.
Khói mù [43] nghi ngút ngàn khơi,
Con chim bạt gió lạc loài kêu thương.
285. Lũng Tây [44] thấy nước dường uốn khúc,
Nhạn liệng không, sóng giục thuyền câu.
Ngàn thông [45] chen chúc chòm lau,
Cách duềnh thấp thoáng người đâu đi về.
Trông bốn bề chân trời mặt đất, [46]
290. Lên xuống lầu [47] thấm thoát đòi phen.
Lớp mây ngừng mắt ngại nhìn,
Biết đâu chinh chiến là miền Ngọc Quan [48] ?

Chú thích:

[1]: là thấy chim nhạn.Nghĩa riêng là thư-tín. Tô Võ đi sứ rợ Hung-nô, nói lắm lời bất-bình, Hung-nô giận, bắt ở chăn dê nơi Bắc-hải không cho về Hán. Về sau khi Hung nô hòa với Hán, Hán hỏi Tô Võ. Hung-nô nói chết rồi. Có mưu thần là Thương Huệ dặn sứ sang nói với Hung-nô rằng: Tô Võ chăn dê ở bể bắc có bắt được con nhạn xé áo lụa chép thơ buộc chân nhạn, thả bay về Hán. Vua Hán bắn được nhạn , biết Tô Võ còn sống, Hung-nô ngỡ thật, bèn cho Tô Võ về Hán. Bởi điển ấy sau dùng " tin nhàn", "tin hồng", "hồng tiện", "lâu hồng", thảy đều là tin-tức. Đây dùng chữ Tái-bạch là lụa ngoài ải, tức áo lụa Tô Võ xé viết thư. Có chữ Xích-tố thước lụa, cũng là thư.

[2]: Điển của nàng Trần Ngọc Lan chồng đi chinh thú xa, mỗi khi mùa thu hơi sương lạnh nàng sắm áo bông gửi cho chồng. Lại có điển : Trương Khuê đi đánh giạc ở biên-thùy, vợ là Hầu-thị làm bài thơ gởi cho chồng có câu : "Văn nhạn kỷ hồi tu xích-tố, kiến sương tiên tự chế y thường" : mấy lúc nghe nhạn thì chép thước lụa và thấy sương xuống đã sắm sẵn áo xiêm.

[3]: Sự tiện-lợi của chim hồng ( Hồng là chim trống, nhạn là chim mái )-nghĩa gửi thư được thuận-tiện.

[4]: bởi chữ Cẩm-tự nghĩa là chữ gắm- Điển đời Tiền-Tấn có Đậu Thao nhân hờn vợ là Tô Huệ khi ra trấn xứ Tương-dương đoạn-tuyệt thư-tín về nhà. Nàng bèn dệt bức gấm viết bài thơ hồi-văn rất tài tình gửi cho chồng. Đậu Thao xem cảm-phục tài nàng bèn đem ngựa rước nàng. Bức thư dệt ấy gọi là Cẩm-tự, chữ gấm.

[5]: bởi chữ Kim-tiền-bốc ngày xưa dùng cỏ thi và mai con rùa mà bói. Cỏ thi là trăm cái cọng bằng cỏ thi, mai rùa là cái vỏ trên lưng con rùa. Về sau đời Hán, ông Kinh Phòng dùng tiền đồng 3 trự mà bốc, thế cỏ thi, mai rùa.

[6]: nguyên văn dùng chữ Tương liêm là rèm bằng tre đồi mồi. Bởi điển : hai bà vợ vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh tìm vua Thuấn đi tuần thú chết ở đất Thương-ngô, đến nơi sông Tiêu-tương khóc rảy nước mắt vào cây tre ở bờ sông rồi cùng nhau trầm mình. Về sau tre ở đó hóa thành tre đồi mồi bởi giọt nước mắt có chấm lỏ-đổ như đồi-mồi, gọi là Tương-túc, tre ở sông Tiêu-tương, đem làm rèm, sáo gọi là Tương-liêm= rèm tương.

[7]: là chim khách thường kêu gần nhà là có tin. Theo tục tin dị-đoan của Tàu và của ta từ xưa.

[8]: Câu này lấy ý câu thơ của Lý thương Ẩn rằng : Lạp chúc hữu tâm hoàn tích biệt, thế nhân thùy lệ đáo thiên minh, nghĩa là cây đèn sáp có tiếc nỗi ly biệt,thế người rơi lệ đến trời sáng.
Lại có câu cổ thi : thời văn tái nhạn thanh tương hoán, sa song chỉ hữu đăng tương bạn. Nghĩa là Khi nghe chim nhạn bay ngoài ải gọi nhau, là khi nơi song the chỉ có ngọn đèn làm bạn : tả tình cảnh người chinh-phụ lúc canh khuya.

[9]: là năm trống canh, ở nguyên văn dùng chữ Ngũ dạ bởi điển xưa có chức Trung-hoàng-môn. Chép ở sách Hán Nghi giữ chức Ngũ dạ. Mỗi canh truyền mỗi thẻ : Giáp dạ, Bính dạ, Đinh dạ, Mậu dạ, là danh hiệu riêng của năm canh trong một đêm.

[10]: Câu này dịch chữ bát chuyên là viên gạch thứ tám, bởi điển Hàn-lâm chép : trước tòa Hàn-lâm có đường gạch hoa lát, mùa đông, bóng trăng đến viên gạch hàng thứ tám mới vào trực, nên chúng gọi là "Bán-chuyên học sĩ". Đây dùng chữ bát-chuyên là nơi sân thềm.

[11]: Ở nguyên văn có dùng chữ ngọc trở là đũa ngọc, điển bà Yên-hậu đời Nguỵ có nhan-sắc đẹp, khi khóc nước mắt chảy thòng như đôi đũa ngọc. Thơ Lưu Hiếu Oai có câu : "Thuỳ lân song ngọc trở, lưu diện phục lưu khâm. Nghĩa là : ai thương đôi đũa ngọc khi chảy trên mặt rồi lại chảy vào vạt áo.

[12]: tên hai cây đàn thường dùng đàn hòa nhau, ví vợ chồng. Kinh Thi : Cầm sắt tại ngự. Đàn cầm sắt đương khi dùng, ý nói vợ chồng ở cùng nhau.

[13]: hai sợi dây đàn giăng ngang nhau, ví đôi chim Uyên-ương : như con vịt có nhiều màu lông đẹp ở chung với nhau, nếu một con chết thì con kia chết theo, ví vợ chồng. Loan-phụng trụ là cái trục dây đàn đóng kề nhau như bạn, chim loan-phụng cũng như uyên-ương. Phiếm loan là những cái phiếm đàn cũng có đôi, ví bạn vợ chồng. Đây dùng "dây uyên, phiếm loan", lấy vật ví người và ý nói vợ chồng đôi bạn vắng nhau cho nên không muốn đàn sợ đứt hóa ra điềm xấu.

[14]: là đông phong tức gió mùa xuân. Đây ý nói không biết gởi nỗi nhớ chồng cho ai, muốn cậy gió đông gửi.

[15]: tức núi Yên-nhiên ở đất ngọai Mông-cổ ; đời Đường có đặt phủ Đô-đốc để cai-trị Mông -cổ. Hậu Hán có Đậu Hiến đánh đuổi rợ Hung-nô đến đấy, bèn lên núi Yên-nhiên khắc công-huân vào đá rồi về.

[16]: Câu nguyên văn dùng chữ Điểu hạ cao thung, là con chim về buổi chiều hôm .Cao thung là nói chiều hôm. Ngu-uyên là khi chạng vạng

[17]: Ốc nghĩa là nhà, nóc nhà

[18]: tiêu là cây chuối hay là ba tiêu.

[19]: nữ-công, phụ-xảo là việc khôn-khéo của con gái, đàn bà.

[20]: Oanh đôi là một đôi chim oanh-bướm đôi là đôi con bướm, là loài vật chim sâu thảy có đôi-lứa mà mình thì không, nên thẹn mà chẳng thêu.

[21]: Câu này dùng ý câu Kinh Thi : "Tự bá chi đông, thủ như phi bông, khi vô cao mộc, thùy thích vi dung"
nghĩa là : từ chàng đi phương đông, đầu để bù xù như cỏ bông bay, há không tắm gội dầu mỡ, song làm tốt cho ai đó mà ?

[22]:

[23]: bởi chữ Chức Nữ : gái dệt- Cũng gọi là Thiên-tôn, Thiên-đế-tôn là cháu trời. Điển chép ở sách Kinh Sở-tuế thời-ký chép : Ở hướng đông sông Ngân-hà có Chức Nữ cháu trời thêu dệt rất giỏi, trời gả cho chàng Khiên Ngư-Lang hoặc Ngư Lang. Chàng Ngâu - Từ khi có chồng, nàng biếng nhác bỏ việc nữ-công không thêu thùa, nên trời phạt, bắt vợ chồng phải xa lìa nhau. Mỗi năm chỉ được gặp nhau vài giờ đêm mồng bảy tháng bảy tại bến sông Ngân-hà; trước khi hội họp có chim ô-thước bắc cấu đội đá, bắc cầu sông Ngân - Đêm ấy đời Đường có tục mỗi nhà có con gái đặt án cúng giữa sân và bắt con nhện bỏ vào hộp, lại xâu kim dưới bóng trăng. Ai xâu được chỉ luồn kim, nhện giăng tơ đầy hộp tức là có Chức Nữ phù-hộ được nữ-công giỏi khéo - Đêm ấy xem lên trời thấy bên sông Ngân có hai ngôi sao gặp nhau trong ít lâu lại đi lìa nhau- Đến tháng tám lại có những ngày nùi tơ trắng bay đi từ trên mây rơi xuống- Đó là Cức Nữ rầu xa chồng mà xé khung cửi thả tơ bay v.v...

[24]: tức Hằng Nga. Nguyên vợ Hâu Ngại đời Hoàng-đế. Ngại tu tiên cầu thuốc trường sinh, Hằng Nga uống trộm thành tiên bay lên cung trăng ở.

[25]: tứ sông Ngân-hà là một đoạn bóng sáng lờ-mờ đêm giăng ngang trời, ta ngó xa như một vùng nước, nên gọi là sông Ngân, là sông Bạc.

[26]: Tức là cung Quảng-hàn. Điển vua Đường Minh-hoàng đêm Trung-thu cùng đạo-sĩ La Công Viên lên chơi trên cung trăng thấy có biển đề 5 chữ "Quảng-hàn thanh hư phủ" : cung phủ rộng lạnh, trong và rỗng -Cung Quảng, Cung quế, Cung thềm đều là trăng cả.

[27]: nguyên-văn dùng chữ Ngân tranh, lấy ý câu cổ thi :
"Sầu lai dục tấu Tương-tư khúc, bão đắc ngân tranh bất nhẫn đàn",
nghĩa là : khi buồn muốn đàn khúc tương-tư, nhưng ôm cây đàn tranh bạc không nỡ gảy

[28]: là đi làm công việc hay đi chinh thú.

[29]: Ở nguyên-văn dùng chữ nang-thác là cái túi, cái đãy. Ý nói bới đồ ăn và cơm khô theo. Kinh Thi : "Nải lỏa hậu lương, vu nang vu thác" : bè gói cơm khô, ở trong túi trong đãy. Chữ nang-thác cũng có nghĩa là tiền bạc đem theo khi đi đường.

[30]: là cách xa nhau lâu ngày

[31]: là màn trướng trong quân dùng giăng giữa đồng núi mà ở.

[32]: tên một thành trì ở Hồ Bắc ngày nay

[33]: tên núi ở tỉnh Hồ Bắc, phía bắc sông Hán thủy.

[34]: là bờ sông Tiêu-tương

[35]: là giấc mộng đêm xuân, đêm xuân ngắn, giấc mộng không lâu. Nghĩa bóng : sự hội ngộ với chồng. Dùng điển ở sách Hầu-thanh lục chép : Ông Tô Đông Pha, khi về hưu, thường đi chơi chốn đồng ruộng gặp một bà lão bới cơm hỏi ông rằng : Ngài có phải từng làm chức Nội-hàn ngày xưa chăng ? Ông đáp phải; bà nói : bao nhiêu sự vinh hoa phú-quí như giấc mông đêm xuân, ngài còn nhớ chăng ? Đông Pha đáp rằng : tôi vẫn nhớ mà nhớ trong giấc mộng. Từ đó ông gọi bà ấy là "Xuân mộng bà", và có câu thơ :"Sự như xuân mộng khứ vô ngân" : việc như giấc mộng xuân nó đi mất không còn ngấn tích.

[36]: Bến Lũng, tức rặng núi Lũng-sơn xứ Thiểm-tây và Cam-túc, và Thanh-quan tứ Hàm-cốc-quan hay là đồng quan, toàn tên cửa ải ở đất Thiểm-tây . Trần Đào đời Đường có bài thơ Lũng Tây hành, vịnh sự đi đánh xứ Lũng tây rằng :
Thệ tảo Hung-nô bất cố thân,
Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần .
Khả liên vô định hà biên cốt.
Do thị xuân khuê mộng lý nhân .
Nghĩa là: thề lấy thân đem quét sạch rợ Hung nô, cho nên năm nghìn quân kỵ đội " mão gấm lông điêu " thảy chôn lấp ở đất Hồ. Thương thay chết đã thành đống xương trắng bên sông Vô định, mà hồn còn tưởng sống cứ về nhà thăm vợ chốn phòng xuân.
Dịch :
Quét Hung-nô lấy thân thề.
Năm nghìn mão gấm lấp che bụi Hồ.
Đống xương vô định đà khô.
Hồn còn lẻo đẻo thăm dò phòng xuân.

[37]: dịch nguyên văn hai chữ Yên-thảo và Tần tang chữ lấy ở bài xuân tứ của Lý Bạch : Yên-thảo như bích ty,
tần-tang đê lục chi,
đương quân hoài qui nhật,
thị thiếp đoạn trường thì.
Nghĩa là :
Cỏ non Yên như sợi tơ bích,
cần dâu tần sa thấp,
chính là lúc chàng nhớ về mà thiếp cũng nhớ chàng đứt ruột trong khi ấy...

[38]: Ở nguyên-văn dùng chữ Tỉnh-ấp, tỉnh là giếng, ấp là làng xóm . Riêng chữ tỉnh cũng nghĩa là xóm, theo chế-độ đời Chu xưa mỗi một dặm đất vuông vạch theo chữ tỉnh làm chín phần, mỗi phần trăm mẫu, chia cho tám nhà ( làng xóm ), còn phần chính giữa của công. Tám nhà chung sức là làm phần thứ chín giữa là công điền khỏi nạp thuế : Vì vậy, gọi tỉnh-điền, tỉnh ấp.

[39]: Ở nguyên-văn câu 323 dùng chữ Đoản-trường đình là những nơi quán-xá làm bên đường quan, năm dặm một gọi là đoản đình, mười dặm một gọi là Trường đình để cho người đi đưa tiễn dùng làm nơi từ-giã và ăn uống.

[40]: Hòa thử: các thứ lúa . Câu nguyên-văn số 327 dùng chữ ấy lấy chữ ở Kinh Thi : Bài Thử-ly nói khi nhà Chu đã dời về miền đông để cung điện miếu-vũ thành nơi đồng ruộng lúa mọc um tùm. Nhân có quan đại-phu đi hành-dịch qua đó, trông thấy thương tâm làm bài thơ Thử-ly ấy. Hứa hồn đời Đường có câu thơ : Hòa thử ly ly bán dã cao : các thứ lúa lên cao nửa cánh đồng, ý nói về sự hoang-phế cung-điện xưa.

[41]: Cổ-thi : Trường địch nhất thanh nhân ỷ lâu : Địch dài một tiếng người tựa lầu thổi.

[42]: Trĩ xập-xòe là chim trĩ bay, cùng nhau một đôi vẫy cánh xập-xòe. Điển : Chim trĩ kết đôi lứa trống mái không tham chạ như con gà con vịt, vì vậy áo phẩm-phục của bà Hoàng hậu gọi là Hôn-dịch. Áo thêu hình chim trĩ lông năm sắc, tỏ ý trinh chính. Lại tên bài hát "trĩ tiêu phi", điển đời Tề Tuyên-vương có người xử-sĩ ở ẩn đã 50 tuổi không có vợ, một hôm đi hái củi thấy đôi chim trĩ bay với nhau, bèn đặt bài hát Trĩ triêu phi để tự ví và tự tỏ nỗi lẻ-loi của mình.

[43]: đây dịch chữ phong yên nguyên-văn

[44]: là tên sông, một con sông lớn ở Lũng tây- Hà là tên sông.

[45]: tùng thu là những cây thường trồng trên mồ-mả.

[46]: Do chữ thiên đầu địa đầu ở câu nguyên-văn.

[47]: Lên lầu bởi chữ đăng-lâu là một thành-ngữ của sự trông quê-quán gia-đình. Vương Xáng đời Tam-quốc có bài phú : "Đăng lâu" lên lầu có câu :
Đăng tư lâu nhi tứ vọng,
liên độ nhật dĩ tiêu ưu"
Nghĩa là lên lầu này mà ngắm trông bốn mặt, gọi qua ngày tháng cho đỡ ưu phiền.
Đây dùng đăng-lâu hạ-lâu, lên lầu xuống lầu, là ý nói cho đỡ lo sầu.

[48]: là tên một cửa ải ở huyện Long-lặc là nơi giáp-giới Tây-vực.

9- Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong

Gậy rút đất [1] dễ khôn học chước,
Khăn gieo cầu [2] nào được thấy tiên.
295. Lòng này hóa đá [3] cũng nên,
E không lệ ngọc mà lên trông lầu [4].
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu [5],
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.
Chẳng hay muôn dặm ruổi giong,
300. Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng ?
Lòng chàng ví cũng bằng như thế,
Lòng thiếp đâu dám nghĩ gần xa.
Hướng dương [6] lòng thiếp như hoa,
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương.
305. Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái,
Hoa để vàng bởi tại bóng dương.
Hoa vàng hoa rụng quanh tường,
Trải xem hoa rụng đêm sương [7] mấy lần.
Chồi lan [8] nọ trước sân đã hái,
310. Ngọn tần [9] kia bên bãi đưa hương.
Sửa xiêm dạo bước tiền đường,
Ngửa trông xem vẻ thiên chương [10] thẩn thờ.
Bóng Ngân Hà [11] khi mờ khi tỏ,
Độ Khuê Triền [12] buổi có buổi không.
315. Thức mây đòi lúc nhạt nồng,
Chuôi sao Bắc Đẩu [13] thôi Đông lại Đoài [14].
Mặt trăng tỏ thường soi bên gối,
Bừng mắt trông sương gội cành ngô.
Lạnh lùng thay bấy chiều thu,
320. Gió may hiu hắt trên đầu tường vôi.
Một năm một nhạt mùi son phấn,
Trượng phu còn thơ thẩn miền khơi.
Xưa sao hình ảnh chẳng rời,
Bây giờ nỡ để cách vời Sâm Thương [15].
325. Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ [16],
Thiếp dạo hài lầu cũ [17] rêu in.
Gió Xuân ngày một vắng tin,
Khá thương lỡ hết mấy phen lương thì [18].
Xảy nhớ khi cành Diêu đóa Ngụy [19],
330. Trước gió xuân vàng tía sánh nhau.
Nọ thì ả Chức chàng Ngâu,
Tới trăng thu lại bắc cầu sang sông [20].
Thương một kẻ phòng không luống giữ,
Thời tiết lành [21] lầm lỡ đòi nau.
335. Thoi đưa ngày tháng [22] ruổi mau,
Người đời thấm thoắt qua màu xuân xanh.

10- Sợ khi mái tóc điểm sương cũng ngừng ...

Xuân thu để giận quanh ở dạ,
Hợp ly đành buồn quá khi vui [23].
Oán sầu nhiều nỗi tơi bời,
340. Vóc bồ liễu [24] dễ ép nài chiều xuân.
Kìa Văn Quân [25] mỹ miều thuở trước,
E đến khi đầu bạc mà thương.
Mặt hoa nọ gã Phan Lang [26],
Sợ khi mái tóc pha sương cũng ngừng.
345. Nghĩ nhan sắc đương chừng hoa nở,
Tiếc quang âm [27] lần lữa gieo qua.
Nghĩ mệnh bạc, tiếc niên hoa [28],
Gái tơ mấy chốc xảy ra nạ dòng [29].
Gác nguyệt nọ mơ màng vẻ mặt,
350. Lầu hoa kia phảng phất hơi hương [30].
Trách trời sao để lỡ làng,
Thiếp rầu thiếp lại rầu chàng chẳng quên.
Chàng chẳng thấy chim uyên [31] ở nội,
Cũng dập dìu, chẳng vội phân trương.
355. Chẳng xem chim yến [32] trên rường,
Bạc đầu không nỡ đôi đường rẽ nhau.
Kìa loài sâu [33] đôi đầu cùng sánh,
Nọ loài chim [34] chắp cánh cùng bay.
Liễu [35], sen [36] là thức cỏ cây,
360. Đôi hoa cùng sánh, đôi dây cùng liền [37].
Ấy loài vật tình duyên còn thế,
Sao kiếp người nỡ để đấy đây ?
Thiếp xin muôn kiếp sau này,
Như chim liền cánh, như cây liền cành [38].
365. Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy,
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau.
Thiếp xin chàng chớ bạc đầu,
Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung.
Xin làm bóng theo cùng chàng vậy,
370. Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên.
Chàng nương vầng nhật, thiếp nguyền [39],
Mọi bề trung hiều thiếp xin vẹn tròn.

Chú thích:

[1]: Điển tiên là ông Phí trương phòng có thuật rút ngắn đường. Ông có cái gậy cầm trỏ vào đất thì dù đường xa nghìn dặm cũng thu gần trước mặt.

[2]: Điển Thôi Sinh học phép tiên được truyền phép tàng hình ẩn mình, sau vào cung cấm toan làm chạ, bị đạo sĩ đuổi bắt nhờ có tiên nữ là thày dạy ném cái khăn hóa cái cầu dài cho chàng chạy qua nơi sông lớn không có cầu mà đạo-sĩ theo đuổi gấp.

[3]: Đá vọng phu : Sách U-Minh-Lục chép Ở miền bắc núi Võ-xương có hòn đá giống người đàn bà ãm con ngồi trông chồng. Theo lời truyền xưa có người chinh-phụ lánh nạn lên núi rồi hóa đá.

[4]: (xem chú thích ở câu dưới đây )

[5]: Hai câu diễn nôm 297-298 dùng lời bài Khuê-oán của Vương Xương Linh đời Đường:
Hốt kiến mạch đầu dương-liễu sắc,
hối giao phu tế mịch phong hầu.
Nghĩa là :
Chợt thấy đầu đường sắc dương liễu xanh tươi, thì hối-hận sao mình lại khiến chồng đi lập công danh kiếm phong tước hầu nơi xa.
Ý nói thấy sắc liễu đẹp mà không có chồng mình xem, vì chồng đi đánh giặc lập công-danh nơi xa cho nên tự hối-hận.
Bài này nói người thiếu-phụ lên lầu trông phong cảnh ngày xuân sực nhớ chồng đi đánh giặc nơi xa.

[6]: là chỉ hoa quì. Hoa vàng giống hoa cúc lớn bằng cái đĩa, buổi mai ngảnh về hướng đông, chiều hướng tây theo bóng mặt trời. Cổ thi có câu vịnh hoa quì rằng :
"Huỳnh hoa linh lạc vô nhân khán,
độc tự khuynh tâm hướng thái dương"
Hoa vàng rời-rã không ai thấy, chỉ tự một mình nghiêng lòng theo bóng mặt trời; ý nói mình có lòng trung-trinh tự mình biết không ai hay.
Ở câu diễn nôm số 63-64 trước kia
" Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ",
đó là diễn câu nguyên văn
"Mạch thượng tang, mạch thượng tang,
thiếp ý quân tâm thùy đoản trường "
ba chữ "Mạch thượng tang" nay lại có thâm ý tác gỉa dùng điển của nàng La Phu hát bài "Mạch thượng tang" để tỏ mình là gái có chồng mà cự-tuyệt Triệu vương có ý muốn ghẹo nàng. Khi dịch nôm không thể nào tỏ tâm ý ấy được, nên đây phải giải thêm nghĩa và nêu rõ rằng câu 63-64 trước là lối văn phục tuyến.(Múi chỉ lặn), đến câu 351 lại nổi lên.

[7]: nghĩa là mỗi năm có một thời mùa có sương, đây ở nguyên văn dùng "Kỷ sương" là mấy lần sương, tức mấy năm

[8]: Lan có nhiều tên, nguyên mọc ở núi sâu, người đem trồng nơi bồn chậu lá như lá hành, tỏi, dài và cứng, hoa năm cánh màu trắng tím, có những tên : Bạch-ngọc , Tử-cán , Nhất-điểm-hồng , Túy-ông , Hạc-đinh và nhiều thứ phong lan . Trong núi lan bám vào gốc cây lèn đá mà sống, hương thơm hơn các thứ hoa. Văn-nhân cho vào hạng người hiền nhân, quân-tử bè-bạn có tài lành gọi là Kim-lan nhà người quân-tử gọi lan-thất. Đức Khổng-tử gọi lan có hương Vương-Gỉa nghĩa là hương làm vua các loài hương.

[9]: là cây rau, mọc ở nước như rau nhút, cùng rau táo, cũng loài rau ở nước hay rong. Người đàn bà có đức cần kiệm gọi là Tần Táo. Vì các rau ấy dùng làm cỗ cúng-tế mà việc ấy của bà chủ nhà lo.

[10]: các vẻ trên trời như sao mây, ráng mống, mặt trời mặt trăng v.v... cũng gọi là văn-chương. Phàm vật gì của trời đất có vẻ đẹp như non sông hoa quả cũng là văn-chương của đất.
Kinh Thi : trác bi vân hán, vi chương vu thiên = rực rỡ sông Ngân-hán kia làm nên vẻ đẹp ở trên trời.

[11]: ngân là bạc. Bóng bạc là vẻ sáng đêm của sông Ngân-hà vệt sáng nửa lưng trời như một vùng nước do đám sao nhỏ ở xa trông thấy vẻ sáng lờ mờ. Vân-hán - Ngân-hán - Ngân-hoàng như nhau.

[12]: sao Khuê, thuộc về sự trừu-tượng của văn-chương một tên trong 28 tên sao gọi là nhị thập bát tú. Triền là đường đi của các ngôi sao hành-tinh. Thiên-văn Tàu có 360 triền độ. Đây dùng Khuê-triền là độ đi của sao Khuê.

[13]: sao đẩu ở hướng bắc có bảy ngôi, đóng bảy điểm hình như cái đấu (4 sao hình cái đấu, 3 sao hình cái cán, tức chuôi).

[14]: Đông là phương đông. Đoài là phương tây, đóng theo hình bát-quái, quẻ đoài ở phương tây.

[15]: Sao Sâm là sao Hôm, Thương là sao Mai, hai sao ấy không bao giờ hiện một lần . Sao Sâm hướng tây khi trời vừa tối. Sao Thương hướng đông khi trời gần sáng . Ví sự chia lìa của người ta.

[16]: ( Ngựa ) ở nguyên-văn là con ngựa mạnh sắc xanh . Sách Đường-thư chép : Phiêu là ngựa sắc vàng trắng xen nhau, là con ngựa ở xứ Nam-man, mạnh xà chạy hay.

[17]: ở nguyên-văn dùng chữ Hường-diệp-lang là cái hiên vang tiếng giầy đi. Điển= Vua Phù Sai nước Ngô dùng gỗ biền-sử lát nền cung điện cho nàng Tây-Thi đi, nghe có tiếng vang, gọi là Hưởng-diệp-lang. Di-tích ấy hiện còn ở tỉnh Giang-tô.

[18]: là buổi tốt dịp tốt. Sách Bắc-Tề có câu : Lương-thì mỹ cảnh vị thường hư phí : Buổi tốt cảnh đẹp không hề bỏ qua.

[19]: Diêu là họ Diêu đã tìm đầu tiên giống hoa mẫu đơn sắc vàng. Ngụy là họ Nguỵ đã tìm mẫu đơn màu tím có tiếng truyền từ xưa, hoa mẫu-đơn vàng tím gọi là Diêu Ngụy hay Diêu-hoàng Ngụy-tử hay cành Diêu đóa Ngụy,
Mẫu đơn là một thứ hoa có nhiều màu, cây cao 3,4 thước lá có năm chĩa, hoa lớn bằng cái đĩa trà rất nhiều cạnh như vài mươi hoa hường (tường-vi) kết lại. Có hương thơm sắc đẹp. Có tên riêng là "Phú-quí hoa" "Hoa-vương" và"Quốc-sắc thiên-hương". Nở từ đầu xuân đến đầu hạ.

[20]: Tục truyền khi ả Chức chàng Ngưu hội nhau ở bến Ngân-hà thì có chim Ô-thước (quạ) đội đá bắc cầu cho qua sông.

[21]: tức Lương-thì đã nói ở chú thích số 18.

[22]: Nghĩa là ngày tháng đi nhanh chóng như cái thoi dệt. Cổ thi có câu :
Hồng nhan tam xuân thụ lư quang nhất trịch thoa.
Nghĩa là :
Mặt đỏ (tuổi trẻ) như cây trong ba tháng xuân, bóng sáng trôi đi như thoi đưa, ý nói người gìa và thời giờ đi lanh-lẹ.

[23]: Câu này dùng ý thơ Trương-Tố : Vịnh ả Chức chàng Ngưu - Biệt đa hội hiểu nại nhược hà, khước ức tùng tiền hoan ái đa : Xa nhau nhiều gặp nhau ít, biết làm sao bây giờ, khiến lại nhớ vì trước kia đã nhiều yêu nhau.

[24]: là cây thủy-dương mọc ở bờ hồ ao, chất yếu lắm, chưa đến mùa thu lá đã rụng.
Điển : Cố Duyệt và Giản Văn Đế tuổi bằng nhau mà râu tóc Cố Duyệt bạc hết .
Đế hỏi vì sao ? Duyệt đáp :
Bồ liễu chi tư vọng thu tiêu điều ,
Tùng bá chi chất kinh sương do mậu.
Vóc cây bồ liễu trông mùa thu đã điêu tàn (tức là Cố Duyệt ) chất cây tùng bá trải bao lần sương vẫn tươi tốt (tức giản Văn Đế) .
Có bản giải nghĩa cây cỏ bồ và cây liễu là sai.-Đây ví bồ-liễu là chất đàn bà.

[25]: Con gái Trác Vương-Tôn ở Lâm cùng, góa chồng, nghe Tư-Mã Tương-Như muốn lấy người vợ lẽ , Trác Văn-Quân bèn làm bài Bạch-đầu ngâm . Tương Như cảm-tình không lấy vợ lẽ, cùng Trác Văn-Quân ở đến già ( Hán-thư ).

[26]: tức Phan An-Nhân cũng gọi là Phan Nhạc người có sắc đẹp và tài học cao-siêu mỗi khi ra đường con gái đua nhau ghẹo, ném quả đầy xe ( Tấn-thư ). Hai điển 25-26-ý nói một ngày kia vợ chồng cùng già.

[27]: là bóng sáng mặt trời, tức ngày giờ.

[28]: là đang tuổi trẻ

[29]: là gái có chồng lớn tuổi nhiều con . Ở Bắc-thành xưa gọi những người ấy là Nạ.

[30]: Câu này ở nguyên-văn chữ " Giải hương la " là cởi cái áo thơm ( áo ướp nhang thơm ). Đường-thi, bài Cung-từ : La y dục hóan cánh thiêm hương " : Áo lụa-là khi muốn thay, lại đốt thêm hương mà xông áo cho thơm.

[31]: là chim uyên-ương

[32]: hay là chim én.

[33]: Chữ nguyên-văn là chữ "cùng" cũng gọi là cùng cùng . Có nhiều nghĩa :
1-con sâu như con ve, con dế gọi chung là cùng hay còng là loài sâu ;
2-Tên một thú-vật ở Bắc-hải hình giống con ngựa, cũng có một tên nữa là cự-hư ; con này có sức mạnh chạy xa mà không biết kiếm đồ ăn, nên phải nương tựa vào con khuyết mà mà đi. Con khuyết không đi được phải nương theo con cự-hư . Khi có cỏ ngọt, khuyết nhường cho cự-hư ăn, khi có hoạn nạn cự-hư cõng khuyết chạy. ( Sơn-hải-kinh ).

[34]: Chữ này dịch chữ Kiêm ở nguyên-văn sách Nhĩ-nhã chép : Kiêm như con le le, lông màu xanh, chỉ có một cánh và một mắt, thường ở phương nam, mỗi khi muốn bay thì hai con phải chắp cánh với nhau rồi mới bay được . Gọi là tỹ-dực điểu chim liền cánh-cũng gọi là kiêm-kiêm.

[35]: là cây liễu, nguyên-văn là chữ lộ-liễu : cây liễu ở bên đường.
Điển : Đời Chiến-quốc có ngươi Hàn Bằng, làm chức xá nhân ở nước Tống, vợ là Hà-thị có sắc đẹp, vua Tống muốn đoạt, bèn giam Bằng mà cướp Hà thị, Hà-thị không chịu thất tiết với chồng, bèn tự tử, và để lời xin cho hai vợ chồng được hợp táng với nhau một mồ . Hàn Bằng cũng chết . Vua Tống không cho hợp táng, bắt phải chôn hai mồ cách nhau chừng vài trượng . Được ít lâu trên hai mồ đều mọc một cây liễu, trên liền cành mà dưới đất liền rễ, thường có đôi chim uyên-uơng ở trên cây ấy đêm kêu tiếng nghe rất hảm-thương.

[36]: Ở nguyên-văn chữ Trì-liên sen ở trong ao . Điển : Xưa có hai vợ chồng nhà họ Trương, lánh nạn giặc, cùng nhau nhảy xuống ao xen mà tự-tử. Được ít lâu sen ở ao ấy nẩy hoa, đều hai hoa chung một cọng, gọi là Tịnh-đế hay là Tịnh đầu liên

[37]: Tức là sen và liễu kể trên

[38]: Điển : Bài Trương hận ca của Bạch Cư Dị, thuật lời thề giữa đêm thất-tịch của Đường Minh Hoàng cùng Dương quí-phi tại điện Trường-sinh có câu :
"Tại thiên nguyên tác tỹ dực điểu,
tại địa nguyện vi liên lý chi".
Nghĩa là : Ở trời nguyền làm chim liền cánh, ở đất nguyền làm cây liền cành. Ví vợ chồng cùng nhau đời đời không rời nhau.

[39]: Dịch câu nguyên-văn " Quân y quan hề, thiếp sở nguyện" = Chàng nương bóng sáng-suốt ấy là sở nguyện của thiếp . Chữ quang nghĩa là vẻ vang rạng-rỡ . Kinh Dịch : Xá hoằng quang đại nghĩa là bao hàm sự sâu rộng cao dày và đầy đủ . Đây nên dịch là : Chàng nương vầng nhật, thiếp nguyền. Chữ vầng nhật, có bản viết ra "bóng nguyệt", vì nguyên chữ nôm viết theo chữ Hán, Nhật Nguyệt, có thể chép lầm.

11- Tiếng khải ca trở lại thần kinh ....

Lòng hứa quốc [1] tựa son ngăn ngắt,
Sức tỳ dân [2] dường sắt tri tri.
375. Máu Thuyền Vu [3], quắc Nhục Chi [4],
Ấy thì bữa uống, ấy thì bữa ăn.
Mũi đòng vác [5] đòi lần hăm hở,
Đã lòng trời gìn giữ người trung.
Hộ chàng trăm trận nên công,
380. Buông tên [6] ải Bắc, treo cung [7] non Đoài.
Bóng kỳ xí giã ngoài quan ải,
Tiếng khải ca [8] trở lại Thần Kinh [9].
Đỉnh non khắc đá đề danh [10],
Triều thiên vào trước cung đình [11] dâng công [12].
385. Nước duềnh Hán việc đòng rửa sạch,
Khúc nhạc từ [13] réo rắt lừng khen.
Tài so Tần [14], Hoắc [15] vẹn tuyền,
Tên ghi gác Khói [16], tượng truyền đài Lân [17].
Nền huân tướng [18] đai cân rạng vẻ,
390. Chữ đồng hưu [19] bia để nghìn đông.
Ơn trên tử ấm thê phong,
Hiển vinh thiếp cũng đượm chung hương trời.
12- Giữ gìn nhau vui thuở thái bình ...

Thiếp chẳng dại như người Tô Phụ [20],
Chàng hẳn không kém lũ Lạc Dương [21].
395. Khi về chẳng quả ấn vàng,
Trên khung cửi dám dẫy duồng làm cao.
Xin vì chàng xếp bào cởi giáp [22],
Xin vì chàng giũ lớp phong sương [23].
Vì chàng tay chuốc chén vàng [24],
400. Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng [25].
Giở khăn lệ, chàng trông từng tấm,
Đọc thơ sầu, chàng thẩm từng câu.
Câu vui đổi với câu sầu,
Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời.
405. Sẽ rót vơi lần lần từng chén,
Sẽ ca dần ren rén đòi liên.
Liên ngâm [26] đối ẩm [27] đòi phen,
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già.
Cho bõ lúc xa sầu, cách nhớ,
410. Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình.
Ngâm nga mong gửi chữ tình,
Dường này âu hẳn tài lành trượng phu [28] !

Chú thích:

[1]: là đem thân giúp nước, Khổng trĩ Khuê có câu thơ : "Bổ trì hứa quốc thân" : vốn có nắm chặt tấm lòng đem thân giúp nước.

[2]: là che-chở cho dân

[3]: nguyên-âm đọc : "Đơn-vu" theo tiếng xưa đã thường đọc là thuyền-vu là chúa của rợ Hung-nô.

[4]: nguyên-âm đọc " Nguyệt-thị" theo tiếng xưa đã quen đọc là Nhục-chi, cũng viết là Nhục-chi, là tên nước xưa ở miền Tây Trung-hoa, sau bị rợ Hung-nô đọat mất và đem chia hai : Gọi là Đại-Nhục-chi theo nhà Hạ ở miền Hà-bắc và Tiểu Nhục-chi, ở tỉnh Cam-túc.

[5]: là dịch nghĩa chữ Can-qua là gươm dáo hai đòng vác thảy là khí giới cả. Kỳ môn là nơi vua Vũ-Đế hẹn các quan-sĩ bắn giỏi ở đất Lũng-tây, đúng kỳ hẹn đến họp trước điện, gọi là kỳ-môn.

[6]: bởi chữ "truyền tiễn", là bắn cái tên chuyền lần đi, từ vòm canh này qua vòm canh khác để làm hiệu lệnh . Câu nguyên văn dùng chữ "Hưu truyền tiễn", là thôi, bãi sự chuyền tên, tức là yên-ổn không có giặc.

[7]: bởi chữ quải cung, treo cung là thôi đánh giặc. Đường-thi : "Phiên hải vô truyền tiễn, Thiên-sơn tảo quải cung" : "Chốn Phiên-hải không còn bắn tên chuyền, Núi Thiên-sơn cũng sớm treo cung". Ý nói bãi bỏ sự chinh chiến.

[8]: là bài hát vui-vẻ khi đã thắng trận kéo quân về.

[9]: là một danh-từ nơi vua ở, cũng như "Đế-đô".. Ngọc-kinh và Hoàng châu đồng một nghĩa. Chữ Thần-kinh dịch chữ Vị-ương là tên một cung điện nhà Hán ở trong chu-vi 28 dặm, xây dựng hết cung này đến điện nọ, không bao giờ nên đặt tên Vị-ương.-Kinh Thi : Dạ như hà kỳ dạ vị-ương : Đêm ra thế nào, đêm chưa sáng. Chính nghĩa vị-ương là chưa hết.

[10]: "Đỉnh non kia" là dịch chữ "Yên-nhiên sơn" = Núi Yên-nhiên là nơi người xưa đã chạm chữ ghi công ở đấy.

[11]: tức cung Vị-ương

[12]: dịch chữ Hiến quắc là dâng đầu giặc đã chém.

[13]: dịch ở nguyên-văn chữ Bình-hoài-tụng; điển : Cựu Đường-thư chép rằng : Khi đất Hoài, Thái đã dẹp yên thì ông Hàn-Dũ làm bài bia :"Bình-Hoài tây bi" đem những lời khen ngợi công-huân của ông Tể-Tướng Bùi Độ, nhưng thực ra thì công-lao của Lý Tố đã vào tận nước Ngô, bắt được giặc là Ngô Nguyên-Tế mới dẹp yên.
-Vợ Lý Tố là con bà Đường-an công-chúa không chịu, bèn vào tâu vua xin cải chính lời bia Hàn Dũ và khiến ông Đoàn văn Xương hàn-lâm học-sĩ làm bài bia khen Lý Tố.
Lắm bản chú-thích chỉ nói khen ông Bùi Độ- sai. Vì nói như thế mất cái ảnh hưởng của người chinh-phụ vì chồng mà sửa lại sự Bình-hoài-tụng.

[14]: tức Tần Quỳnh tự là Thúc Bão, người đời Đường, ở đất Lịch-thành, theo Đường Thái-tông đánh bọn Vương Thế-Sung, có chiến-công, được phong tước Hồ quốc-công và tặng chức Từ-châu Đô-đốc.

[15]: tức Hoắc Quang, tự là Tử Mạnh có công giúp Hán Chiếu-đế, đón thái-tử Xương Ấp về lên nối ngôi, sau lại bỏ Ấp lập Tuyên Đế nhớ công bèn vẽ tượng Hoắc Quang ở Kỳ-lân các.

[16]:bởi chữ Lăng-yên-các nghĩa là cái lầu gác cao vượt trên tâng mây khói, của Đường Thái-tông dựng để vẽ tượng các vị công-thần.

[17]:bởi chữ Kỳ-lân-đài của Đường Thái-tông dựng để vẽ tượng các vị công-thần.

[18]: là sự bền-bỉ phong tước cho các tướng có công-huân, Đây dùng "nền huân-tướng" để thế chữ Mao-thư-khoán ở nguyên-văn. Mao-thư là cỏ và tranh, cũng có nghĩa là họ. Ông Chu-công tể-tướng đời Chu, họ là Mao, khi phong người con thứ ba của ông ở đất Mao, lễ phong-tước có dùng đất ngũ sắc bao bọc bằng thứ tranh cỏ màu trắng. "Khoán" là một tấm sắt hình như tấm ngó dùng khắc ghi công-huân của người được phong tước, giữ bền lâu khỏi hư mòn. Sự phong-tước như vậy gọi là "Mao-thư khóan".

[19]: bởi chữ Dữ quốc đồng hưu thích + Cùng sự vui sự lo với nhà nước.

[20]: là vợ Tô Tần, khi hàn-vi Tô Tần bỏ nhà đi du thuyết các nước láng giềng, vì ở nhà bị vợ và chị dâu khinh bỉ . Đi nước Tần nói mưu-mô cùng Huệ-Vương, Vương không dùng lại về nhà, khi về ăn-mặc rách-rưới, mặt mũi gày-gò, vào nhà thấy vợ đang ngồi trên khung cửi dệt, thấy chồng không thèm chào, làm lơ, ngồi trên khung cửi không thèm xuống. Sau Tô Tần lại đi nữa, đến nước Yên, Triệu, được dùng, các nước lân-bang cũng dùng làm tể tướng, khi về nhà đeo sáu quả ấn tể-tướng bằng vàng và phú-quí vô cùng. khi ấy vợ thấy lại quì xuống, cúi đầu xếp tai, mỗi lời Tô Tần nói mỗi dạ và mỗi phục-tùng. Tô Tần người ở Lạc-dương vốn là một người giỏi. Cho nên ở câu 393 "Chàng hẳn không như lũ Lạc-dương" mới đúng nghĩa câu nguyên=văn 453.Câu này có chữ "lũ" vì theo vần phụ phải dùng.

[21]: Tô Tần người ở Lạc-dương.

[22]: áo ra trận có kết những tấm sắt như vẩy cá để đỡ tên bắn. Cũng gọi là : Nhung-y - Chinh-y - Chiến-bào.

[23]: là sương gió, ý nói sự lao-khổ chinh-chiến nơi cõi gió sương.

[24]: chén rượu bằng vàng. Nguyên văn là chữ Hà-bôi, không thể dịch, phải dịch chén vàng. Hà là ráng, bôi là chén . Nhà tu tiên dùng ba thứ thuốc Châu-sa -Thần sa - Hùng-hoàng , tán nhỏ luyện thành cái chén uống rượu sắc tím, gọi là Hà-bôi, lấy nghĩa khi rót rượu vào, rượu thắm thuốc hóa màu đỏ như màu ráng mây trên trời. Cũng gọi là Tử-hà bôi =chén ráng tím. Cổ thi : Nhất khúc thăng bình nhân tận lạc, quân vương hựu tấn tử hà bôi. Nghĩa là : một khúc hát chúc thái-bình mọi người vui hết, mà nhà vua lại uống thêm chén rượu "Tử-hà"

[25]: Nguyên-văn dùng chữ Vân hoàn kháo là cái mái tóc sà nhiều lớp như từng mây, là kiểu tóc trong cung cấm đẹp lắm. Và chữ Ngọc-phu-chi là vẻ da trơn như ngọc, mịn như mỡ.

[26]: là mỗi người ngâm mỗi câu thơ, nối lại thành bài thơ.

[27]: là cùng đối diện với nhau, ở nguyên-văn dùng chữ Bồ-đào-tửu là rượu nấu bằng quả nho. Vương Hàn đời Đường làm bài Lương Châu-từ rằng :
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu,
cổ lai chinh-chiến kỷ nhân hồi.
Rượu bồ-đào ngon rót chén"Dạ quang", muốn uống thì tiếng đàn tỳ bà giục-thúc lên ngựa giục ra đi, nhưng chưa chịu đi, hãy uống đã, uống say nằm trên bãi cát xin ai chớ cười, vì xưa nay đi đánh giặc mấy ai được về, vì lẽ ấy mà uống cho đã nư.
Dịch :
Rượu bồ đào, chén dạ quang,
Ngập ngừng mốn uống tiếng đàn giục đi .
Say nằm bãi cát ly-bì.
Xưa nay chinh-chiến người đi ai về.

[28]: Người đàn-ông có đủ tính-cách , trung-hiếu; nghĩa là xứng -đáng làm người trai trên đời, gọi là trượng-phu.


No comments:

Post a Comment