|
Nguyễn An, nhà kiến trúc thiên tài VN
Nguyễn Sang
Ngày nay, nhiều khách
Trung Hoa khi tham quan hoàng thành và cung đình nhà Nguyễn ở Huế thường hay
nói các vua chúa nhà Nguyễn đã bắt chước kiểu Cố cung của Trung Quốc mà xây
dựng hoàng cung và cung điện của mình, nhưng quy mô bé nhỏ hơn nhiều. Mặt
khác, bất cứ thượng khách của quốc gia nào trên thế giới hay là khách du lịch
ngoại quốc nào tới thăm Bắc Kinh, các cán bộ và lãnh đạo Trung Quốc thường
hay giới thiệu cho họ đi tham quan Cố cung, một di tích hoàng cung triều
Minh, triều Thanh có quy mô to lớn, gồm nhiều cung điện nguy nga đồ sộ, tráng
lệ huy hoàng, sân đình rộng thênh thang, nổi tiếng thế giới. Nhưng rất ít ai
được biết công lao đóng góp quan trọng của nhà kiến trúc thiên tài Việt Nam,
Nguyễn An trong những công trình kiến trúc vĩ đại này.
Lược sử thành phố
Bắc Kinh
Thành phố Bắc Kinh hiện
nay có một lịch sử lâu dài. Ngay từ đời nhà Chu, khi Trung Quốc còn đang ở
trong thời kỳ xã hội nô lệ (trước công nguyên 11 thế kỷ), vùng này đã là một
thị trấn quan trọng của đất phong của con cháu vua Nghiêu. Ðến đời Xuân Thu
(trước công nguyên 720-476 năm), Chiến Quốc (trước công nguyên 475-221 năm),
nơi đây là kinh đô của nước Yên. Qua đến đời Tần (trước công nguyên 221-206
năm) thì vùng này thuộc về các quận Quảng Dương, Ngũ Dương và Thượng Cốc.
Sang đến đời Hán (trước công nguyên 206-công nguyên 220 năm) và đời Ðường
(công nguyên 618-907 năm), vùng này thuộc Bộ Thứ Sử U Châu quản hạt. Năm 938,
vua Thái Tôn nhà Liêu lấy nơi đây làm kinh đô phụ và đổi tên thành Yên Kinh
(kinh đô chính của nhà Liêu ở Thường Kinh, nay là thành Ba Lê, Taý Kỳ Ba Lâm
thuộc tỉnh Liêu Ninh).
Tới năm 1153, nhà Kim (công nguyên 1127-1279) chính thức đặt kinh đô ở Yên
Kinh và đổi tên thành Trung Ðô. (Nhà Kim có tất cả 3 kinh đô:
-
kinh
đô chính ở Hội Ninh, nay là phía nam thành Á, thuộc tỉnh Hắc Long Giang;
-
kinh
đô thứ hai là Trung Ðô, nay là Bắc Kinh;
-
kinh
đô thứ ba là Nam Kinh, nay là thành phố Khai Phong thuộc tỉnh Hà Nam).
Hà Nam (tiếng Trung: 河南; bính âm: Hénán),
là một tỉnh ở miền trung của Trung Quốc. Tên gọi tắt là Dự (豫), đặt tên theo Dự châu,
một châu thời Hán. Tên gọi Hà Nam có
nghĩa là phía nam Hoàng Hà.
Ðến đời Nguyên, Trung
Ðô được dùng làm thủ đô của đế quốc triều Nguyên, nhưng được đổi tên gọi là
Ðại Ðô. Năm 1368, Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) thống nhất Trung Quốc, lập
ra nhà Minh (1368-1644), đóng đô ở phủ Khai Phong, cố đô của triều Bắc Tống.
(nay là thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam). Thủ đô Ðại Ðô của nhà Nguyên được
đổi tên thành Bắc Bình. Năm 1403, Chu Lệ (Minh Thành Tổ) lên ngôi, đổi tên
phủ Bắc Bình, đất phong của mình thời còn làm Yên Vương thành phủ Thuận
Thiên. Ba năm sau (1406), Minh Thành Tổ tổ chức quân dân tiến hành các công
trình xây dựng liên tiếp 18 năm trời, tới năm 1424, các công trình ấy hoàn
thành, vua Thành Tổ dời đô tới phủ Thuận Thiên, đồng thời đổi tên nơi đây
thành Kinh Sư. Tới năm 1425, vua Nhân Tôn nhà Minh, tức Chu Cao Xí, lại đổi
Kinh Sư thành Bắc Kinh. Năm 1441, vua Anh Tôn, tức Chu Kỳ Trấn, chính thức
lập Bắc Kinh làm kinh đô nước mình.
Năm 1644, triều Mãn Thanh sau khi diệt nhà Minh, cũng đóng đô ở Bắc Kinh,
trải qua 267 năm, cho tới năm 1911, mới bị quân đội cách mạng do Tôn Trung
Sơn lãnh đạo lật đổ. Nước Trung Hoa Dân Quốc sau khi thành lập lúc đầu vẫn
đặt thủ đô ở Bắc Kinh, tới năm 1928, mới dời đô về Nam Kinh. Bắc Kinh do đó
lại dược đỏi tên lại thành Bắc Bình. Sau ngày 1-10-1949, Chính phủ nước Cộng
Hòa Nhân Dân Trung Hoa do Ðảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo ra đời, lấy Bắc
Bình làm thủ đô, khôi phục lại địa danh là thành phố Bắc Kinh cho tới nay.
Hiện nay, sách báo phương tây quen gọi thủ đô Bắc Kinh là "Bei
Jing" (theo âm tiếng quan thoại) hay là "Peking" (theo âm
tiếng Quảng Ðông). Người Ðài Loan thì vẫn giữ cách gọi là "Bei
Ping" (theo âm tiếng quan thoại, nghĩa là "Bắc Bình"). Vì lẽ
họ không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền do Trung Cộng lãnh đạo.
Tính từ ngày thành Kê, quốc đô của nước Yên ra đời trước công nguyên 1057 năm
cho tới nay thì thành phố Bắc Kinh đã có 3050 năm lịch sử. Nếu tính từ ngày
Bắc Kinh trở thành trung tâm chính trị và thủ đô của chính quyền thống nhất
toàn Trung Quốc (năm 1267) thì Bắc Kinh đã được 726 năm lịch sử.
Ai thiết kế, tổ chức
xây dựng các công trình quan trọng Bắc Kinh đời Minh?
Trước ngày nhà Kim đặt
quốc đô ở nơi đây, quy mô Bắc Kinh vẫn còn nhỏ lắm. Năm 1149, vua Hải Lăng
nhà Kim là Hoài Nhan Lượng định dời đô đến đất Yên Châu, bèn sai thợ vẽ vẽ đồ
án, quy cách cung điện Biện Kinh, cố đô của triều Bắc Tống để làm mẫu. Sau
đó, động viên 800 ngàn dân phu và 400 ngàn binh lính tiến hành xây dựng và cử
Lương Hán Thần làm Chánh Sứ Ðại Nội Yên Kinh, Khổng Nhân Chu làm Phó Sứ, phụ
trách điều khiển đoàn quân xây dựng này. Trải qua 3 năm vất vả xây cất, các
công trình này mới hoàn thành. Di tích ấy hiện vẫn còn ở vùng cửa thành Hội ở
phía tây nam ngoại ô thành phố Bắc Kinh ngày nay.
Người thiết kế và tổ chức các công trình xây dựng đô thành và cung điện Ðại
Ðô, thủ đô của nhà Nguyên theo các sử gia nghiên cứu là một người Á Rập, tên
là Dã Hắc Diệp Nhi. Vậy ai là người đứng ra thiết kế và tổ chức thi công xây
dựng các công trình hoàng cung và thành phố Bắc Kinh đời Minh cách đây hơn
500 năm?
Cách đây hơn 40 năm, có một nhà sử học Trung Quốc tên là Trương Tú Dân liên
tiếp phát biểu một số bài vở ghi nhớ công lao của Nguyễn An trên các báo chí
đương thời với những đầu đề như "Dân chúng Bắc Bình nên kỷ
niệm Nguyễn An, vị Thái giám nhà Minh, người An Nam" [1], "Nguyễn An, nhà kiến trúc thiên tài xây dựng
Ðại Bắc Kinh" [2], "Sự đóng góp của người Giao Chỉ cho Trung Quốc
đời Minh" [3]. Sau năm 1953, các nhà sử học Việt Nam như Trần Văn Giáp, Minh
Tranh, Ðào Duy Anh và Ðặng Thai Mai lần lượt sang thăm Trung Quốc, đến Thư
viện Bắc Kinh thu thập sử liệu Việt Nam. Phía Trung Quốc nhiều lần giới thiệu
với khách Việt Nam về những cống hiến của Nguyễn An đối với công cuộc xây
dựng Bắc Kinh và coi đó là giai thoại về mối tình hữu nghị Việt-Trung lâu
đời. Nhưng những năm gần đây, nhiều tài liệu Trung Quốc khi nói tới các công
trình xây dựng Bắc Kinh đời Minh, chẳng hạn như quyển "Niên Biểu
Ðại Sự Lịch Sử Trung Quốc" và quyển "Giới Thiệu Sơ
Lược Về Cố Cung" của Thẩm Khởi Vĩ khi nhắc tới chuyện Minh
Thành Tổ và Minh Anh Tôn xây dựng Bắc Kinh, đều không có tên của Nguyễn An.
Quyển "Danh lam cổ tích Bắc Kinh" liệt kê danh
sách những người tham dự công cuộc xây dựng cung điện Bắc Kinh, có Ngô Trung,
Thái Tài, thợ mộc Khoái Tường, thợ nề Dương Thanh và thợ đá Lục Tường,
nói "Lục Tường có đóng góp rất to trong công cuộc xây dựng cung
điện Bắc Kinh". Tuy quyển này có thừa nhận sự đóng góp về quy hoạch
thiết kế và thi công của Nguyễn An cũng không nhỏ, nhưng đặt tên của Nguyễn
An ở chỗ cuối cùng, đứng sau cả thợ nề, thợ đá. Ðiều đó hiển nhiên là một sự
bất công. Cuốn "Kỷ Niên Lịch Sử Bắc Kinh" ghi chép
đời vua Minh Anh Tôn có hạ lệnh cho Thái giám Nguyễn An xây dựng chín cửa
thành lầu Kinh Sư và đốc công xây dụng tường thành Bắc Kinh, nhưng khi nói
đến các công trình kiến trúc quy mô lớn nhất thời đó như hai cung, ba điện
thì lại không có tên tuổi của Nguyễn An. Hơn nữa, lại lầm đem Tây cung đặt
vào vị trí của Cố cung ngày nay, đem điện Phụng Thiên của Tây cung gán vào
điện Phụng Thiên-Thái Hòa của Cố cung ngày nay [4]. Vĩnh Lạc năm thứ 8 (1410) và năm thứ 12 (1414), vua Minh Thành
Tổ hai lần thân chinh, khi ban sư về triều, đã làm lễ chúc mừng ở điện Phụng
Thiên. Ðiện Phụng Thiên này là điện Phụng Thiên của Tây cung, chứ không phải
là điện Phụng Thiên-Thái Hòa của Cố cung ngày nay. Vì điện Phụng Thiên-Thái
Hòa của Cố cung mãi tới năm Vĩnh Lạc thứ 15 (1417) mới bắt đầu khởi công xây
cất.
Mấy năm trước đây, tạp chí "Văn Hiến" do Thư viện Bắc Kinh xuất bản
lại đem công lao xây dựng hoàng cung Bắc Kinh hoàn toàn quy vào một anh thợ
mộc tên là Khoái Tường, người gốc Hương Sơn, Tô Châu, chẳng nhắc đến Nguyễn
An một lời [5]. Ðiều này lại càng không phù hợp với sự thực lịch sự Các
quyển "Hoàng Minh Kỷ Lược" của Hoàng Phố tuy quả
có chép chuyện Khoái Tường trong những năm Vĩnh Lạc được triệu về triều tham
gia công việc xây dựng hoàng cung, được vua Hiến Tôn nhà Minh khen là Khoái
Lỗ Ban. Nhưng thực ra, Khoái Tường chỉ phụ trách một bộ phận của công trình.
Sách "Ngô Lương Chí" đời Khang Hy chép rằng: Vĩnh
Lạc năm thứ 15 (1417) xây dựng cung điện Bắc Kinh và năm 1436, đời Chính
Thống vua Anh Tôn nhà Minh trùng tu lại ba cung điện với quy mô to lớn, đều
do Khoái Tường phụ trách. Nhưng đây chẳng qua chỉ là những lời lẽ khoe khoang
ở chốn quê nhà. Các sử sách chính thức của nhà Minh, như "Minh
Sử", "Minh Thực Lục" đều không có ghi
chép như thế. Ngược lại, nhiều sử sách khi nói đến các công trình xây dựng
quan trọng đời Minh đều nhắc tới Nguyên An. Thí dụ như cuốn "Thủy
Ðông Nhật Ký" của Diệp Thịnh đời Minh ghi chép rằng: "Nguyễn
An, cũng gọi là Á Lưu, người Giao Chỉ, thanh khiết, giỏi tính toán, có biệt
tài về kiến trúc. Trong các công trình xây dựng thành trì Bắc Kinh và chín
cửa thành lầu, hai cung, ba điện, năm phủ, sáu bộ ở Bắc Kinh và nạo vét sông
Trạch Chư ở thôn Dương, đều có nhiều công lao to lớn [6]. Các nhân viên thuộc hạ của Nguyễn An ở Bộ Công chẳng qua chỉ
là những người thừa hành phận sự chấp hành những công trình do Nguyễn An quy
hoạch, thiết kế ra đó thôi."
Các sách "Quốc Triều Chính Lục" của Tiêu
Hoành, "Minh Sử Thiết" của Doãn Thu Hoành đời Minh
và "Minh Thư" của Phố Duy Lân,"Ngu Sơn
Tập" của Thi Nhuận Chương đời Thanh đều đồng thanh nói rằng các
công trình xây dựng quan trọng ở Bắc Kinh thời đó như thành trì Bắc Kinh,
chín cửa thành lầu, hai cung, ba điện và các dinh thự năm phủ, sáu bộ của
triều đình nhà Minh đều do Nguyễn An một tay phụ trách thiết kế, quy hoạch,
mắt đo, bụng nhẩm tính, nhanh nhẹn, chính xác, mọi việc xếp đặt đâu ra đó,
đạt yêu cầu của hoàng thượng. Thuộc hạ trong ngành ai nấy đều râm rấp tuân
theo. "Minh Sử" quyển thứ 304 phần phụ lục Truyện
Kim Anh cũng có đoạn nói về Nguyễn An như sau: "Nguyễn
An người Giao Chỉ, đầu óc minh mẫn, kỹ thuật tài giỏi hơn người, vâng mệnh
vua Thành tổ xây dựng thành trì, cung điện và các dinh thự của các phủ, bộ,
mắt đo, bụng nhẩm tính đâu ra đó, đều đúng kế hoạch. Công bộ chỉ biết vâng
theo, chấp hành. Ðời vua Anh Tôn (1436-1449), Nguyễn An phụ trách dựng lại ba
điện và trị thủy sông Dương Thôn, lập được công to". "Chính
Thống Thực Lục" đời Anh Tôn quyển 54, 84, 91 và 130 cũng có ghi
chép những nội dung tương tự như thế, quy công cho Nguyễn An, chẳng hạn như:
"Ngày 10 tháng 2 năm thứ 6 Chính Thống (1441), hai cung ba điện xây
dựng hoàn thành, nhà vua ban thưởng cho Thái giám Nguyễn An và Tăng Bảo (Sâm
Bảo) mỗi người 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, 8 tấm lụa, 1 vạn quan tiền; thăng
thưởng cho Ðô đốc Ðồng Tri Thẩm Thanh tước Tu Vũ Bá, ăn lộc 1.000 thạch, con
cháu được quyền thế tập; Công bộ Thượng Thư Ngô Trung thăng chức Thiếu Soáị
Các nhân viên công tác khác cũng được ban thưởng tiền bạc, lụa là khác
nhau." Tháng 11 năm đó, nhân việc hai cung, ba điện xây dựng
hoàn thành, nhà vua ra lệnh đại xá toàn quốc và định đô Bắc Kinh.
Tháng 4 năm sau (1442), vua Anh Tôn thấy các cung điện hoàng thành đã xây
dựng xong, bèn ra lệnh cho đội quân lao động ấy tiếp tục tiến quân xây phủ
Tôn nhân [7], Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Công, Hồng Lô Tự, Khâm Thiên
Giám [8], Viện Thái Y, Viện Hàn Lâm và Quốc Học (Quốc Tử Giám)....
"Chính Thống Thực Lục" tuy không ghi chép rõ ràng việc
nhà vua hạ lệnh cho Nguyễn An phụ trách những công trình này, nhưng các sử
sách khác đều có nói rằng các dinh thự, ty sở thuộc 5 phủ, 6 bộ đều do Nguyễn
An quy hoạch, tổ chức, xây dựng. Chỉ tiếc là những tòa kiến trúc đó về sau
đều bị phá hủy hầu hết, chỉ còn lại có tòa kiến trúc Quốc Tử Giám trong cửa
An Dinh là hoàn chỉnh, nay đổi thành Thư viện Thủ đô Bắc Kinh.
Ðể hiểu rõ giá trị đóng góp của Nguyễn An trong việc thiết kế, xây dựng các
kiến trúc thời đó, chúng ta hãy thử đi sâu nghiên cứu vài công trình quan
trọng nói trên.
1. Thành trì Bắc
Kinh.
Thành trì Bắc Kinh đời
Minh lúc đó chu vi 68 dặm. Do cấu tạo thuần túy bằng đất, nên tường thành dễ
bị sụp đổ. Những năm Vĩnh Lạc (1403-1424), Tuyên Ðức (1426-1435) có tu sửa
đôi chút, nhưng bên trong tường thành vẫn còn làm bằng đất, nên gặp phải khi
mưa dầm lụt lội, tường thành thường hay sụp đổ.
Ðến đời vua Anh Tôn năm thứ 10 (1445), Nguyễn An vâng lệnh triều đình đốc
công tu sửa tường thành, kể cả phía trong và phía ngoài, khiến cho tường
thành Bắc Kinh từ đó cao đến 3 trượng 5 thước (đời Minh mỗi thước dài 31,1 cm
hiện naỵ 3 trượng rưỡi tức là 10 mét 88,5 cm), nền tường thành dày 6 trượng 2
thước (19 mét), mặt thành rộng 5 trượng (15,5 mét). Mấy năm trước đây, các
tường thành Bắc Kinh đều bị phá hủy hết.
2. Chín cửa thành
lầu.
Chín cửa thành lầu do
Nguyễn An thiết kế, đốc công xây dựng lúc đó là các cửa nội thành: cửa Chính
Dương, cửa Sùng Văn, cửa Tuyên Vũ, cửa Triều Dương, cửa Ðông Trực, cửa Phủ
Thành, cửa Tây Trực, cửa An Dinh và cửa Ðức Thắng. Mỗi cửa thành trên đều có
xây lầu chính và một nguyệt thành - một thành nhỏ hình bán nguyệt bao quanh
che chở cho cửa thành. Do kiến trúc nguy nga đồ sộ, hùng vĩ, nên sau khi xây
xong đều trở thành những thắng cảnh ở kinh đô lúc bấy giợ Rất tiếc là hầu hết
các cửa thành lầu này qua thời gian trên 500 năm, trải qua nhiều cuộc biển
dâu, nay chỉ còn có cửa thành lầu Chính Dương tồn tại.
- Cửa Chính Dương (Chính Dương Môn) nay gọi là Tiền
Môn, nằm ở phía nam quảng trường Thiên An Môn, là cửa chính của Nội
thành Bắc Kinh đời Minh và đời Thanh, được xây dựng từ đời Vĩnh Lạc năm
thứ 19 (1421), cao 42 mét, mặt tiền rộng bảy gian, ngói ống màu xám,
phía cạnh màu xanh lá cây, mái to mà cong, dưới mái, mặt tiền và mặt hậu
có nhiều cửa to và cửa sổ, cửa sổ hình trám. Tầng dưới tường gạch màu đọ
Mặt trước và mặt sau có một cửa to dùng để cho người qua lại hay xe cộ
ra vào. Trên lầu thành, còn có lầu cao dùng để bắn tên, gọi là
"tiễn lầu". Hình dáng nóc, mái tiễn lầu cũng giống như thành
lầu, có khác là trên tường dưới mái hiên ở ba phía đông, tây và nam có
tất cả 82 cửa nhỏ dùng để nhắm bắn tên ra bên ngoàị Phía bắc chia thành
5 gian, có ba cửa thông ra sân thành lầu. Cửa lầu thành Chính Dương từng
bị hỏa hoạn và chiến tranh phá hoại nhiều lần, nhưng nhờ đuợc tổ chức
trùng tu, nên kết quả hình thành cảnh vật như ngày nay.
3. Hai cung, ba
điện.
Hai cung ba điện là một
quần thể kiến trúc to nhất ở Cố cung.
Cố cung cũng gọi là "Tử Cấm Thành", là hoàng cung của nhà Minh và
nhà Thanh, nằm ở trung tâm thành phố Bắc Kinh. Nơi đây bảo tồn quần thể kiến
trúc cổ đại Trung Quốc quy mô to nhất và hoàn chỉnh nhất, là trung tâm tiêu
biểu cho chế độ phong kiến quân chủ lâu dài vào bậc nhất thế giớị Năm Vĩnh
Lạc thứ 4 (1406), Minh Thành Tổ bắt đầu xây dựng Bắc Kinh. Lúc bấy gió, công
trình trọng điểm là xây cất Tử Cấm Thành (Hoàng cung) và hoàng thành. Tử Cấm
Thành nam bắc dài 960 mét, đông tây rộng 760 mét, trong đó, theo đường trục
giữa, phía trước có ba tiền điện: điện Phụng Thiên, điện Hoa Cái và điện Cẩn
Thân. Phía sau có ba hậu điện: cung Càn Thanh, điện Giao Thái và cung Khôn
Ninh. Cửa chính Tử Cấm Thành là cửa Ngọ Môn ở phía nam. Cửa bắc là Huyền Vũ
Môn. Hai phía đông tây có cửa Ðông Hoa Môn và Tây Hoa Môn. Chung quanh Tử Cấm
Thành có sông đào bao bọc bảo hô Hai bên bờ dùng đá miếng xếp thành. Ðồng
thời tiến hành còn có các công trình cải tạo thủ dô Bắc Kinh. Ngoài ra, ở Nam
giao (ngoại ô phía nam) Bắc Kinh còn xây dựng Thiên Ðàn với quy mô to lớn.
Những công trình này khởi công xây dựng từ năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406) tới năm
Vĩnh Lạc thứ 18 (1420) cơ bản hoàn thành, trải qua 570 năm, 24 đời vua. Tuy
đời Minh và đời Thanh có tu sửa và mở mang nhiều lần, song bố cục vẫn như
buổi ban đầu.
Cố cung ngày nay chiếm diện tích 72 vạn mét vuông, cung điện, lầu gác, kiến
trúc trên 9900 ngôi (ngụ ý "cửu cửu"), diện tích kiến trúc là 15
vạn mét vuông. Chung quanh là tường thành cao hơn 10 mét, chu vi dài độ 3 cây
số. Bốn góc có lầu gác, phong cách độc đáo, tráng lệ. Ngoài tường hoàng thành
có sông đào bao quanh hộ vệ thành, mặt sông rộng 52 mét, khiến cho hoàng cung
thành một thành lũy trang nghiêm, kiên cố. Cách bố cục của các kiến trúc
trong Cố cung ngày nay vẫn chia thành 2 phần: phần triều ngoại và phần hướng
đình. Phần triều ngoại lấy ba điện Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa làm trung
tâm, hai điện Văn Hoa và Vũ Anh ở hai bên cạnh sườn. Phía nam Cố cung là một
sân trước (tiền đình) hình dài theo chiều nam bắc, có cửa Thiên An Môn và cửa
Ðoan Môn, hình thành trước cung điện có một loạt dài kiến trúc. Cửa chính
hoàng thành là cửa Ngọ Môn ở phía nam, cửa bắc là Thần Vũ Môn, cửa đông là
Ðông Hoa Môn, cửa tây là Tây Hoa Môn. Sau Ngọ Môn là một quảng trường hình
vuông. Giữa quảng trường có con sông nhỏ - sông Kim Thủy uốn khúc lượn quanh.
Trên sông Kim Thủy có 5 chiếc cầu làm bằng đá trắng Hán Bạch ngọc. Phía bắc,
sau cầu Kim Thủy, là cổng Thái Hòa mái to, hai bên có 9 điện nhỏ. Hai phía
đông tây có hai cổng Hiệp Hòa và Hy Hòa có thể thông sang điện Văn Hoa và
điện Vũ Anh. Sau khi vào cổng Thái Hòa, đối diện là điện Thái Hòa. Sau điện
Thái Hòa là điện Trung Hòa. Tiếp đó là điện Bảo Hòa Ba điện này đều hình
vuông, tường đỏ, xây trên nền đá trắng Hán Bạch ngọc cao độ 2 mét, theo hình chữ
"công" (ứu), mái bốn phía lợp ngói lưu ly, chóp mũi nhọn mạ vàng.
Bốn bề của ba điện trên có mái che, dưới có trụ đá vây quanh. Trên các trụ
đá, điêu khắc rồng bay phượng múa. Mặt tiền và mặt hậu của mỗi điện, mỗi phía
có ba bậc thềm đa. Giữa các bậc đá đó có điêu khắc Ngự lộ với hình rồng lượn
trên mây, sóng gợn phía dưới.
Ðiện Thái Hòa phía trước rộng 11 gian, phía sau sâu tới 5 gian. Ðiện cao 35
mét, bề ngang 63 mét, mái cong to, kết cấu điện phức tạp, tổng diện tích là
2.377 mét vuông. Các trụ cột trong điện đều được sơn son thếp vàng, đầy vẻ
giàu sang phú quỵ Ðiện Thái Hòa là kiến trúc điện cấu tạo bằng gỗ to nhất và
đẹp nhất ở Cố cung cũng như ở Trung Quốc ngày nay. Các vị hoàng đế Trung Hoa
đời Minh, đời Thanh trước đây thường ngự trên chiếc ngai vàng tượng trưng cho
vương quyền phong kiến ở trong điện này để chủ trì các buổi lễ lớn, quan
trọng như lên ngôi, mừng sinh nhật, Tết Xuân, Tết Ðông Chí, Xuất chinh....
Ðiện Trung Hòa là nơi nhà vua tiếp kiến thành viên Nội các, Lễ bộ và Thị vệ
triều bái, đôi khi cũng xem biểu chương, chúc từ và làm việc ở đây.
Ðiện Bảo Hòa nằm ở sau điện Trung Hòa, hàng năm đến đêm trừ tịch, nhà vua
thường làm tiệc thết đãi các hoàng thân vương công quý tộc và quần thần văn
võ trong kinh đô lúc đó. Cuối đời Càn Long, nơi đây trở thành chốn điện thi
(thi đình) cho các khảo sinh sau khi qua các đợt thi hương, thi hội.
Phần nội đình (cũng gọi là hướng đình) bắt đầu từ cổng Càn Thanh nằm sau điện
Bảo Hòa. Các kiến trúc ở đường trục giữa có cung Càn Thanh, điện Giao Thái và
cung Khôn Ninh. Cuối cùng là Vườn hoa Ngự và điện Khâm An. Hai phía đông, tây
điện Càn Thanh có 6 Ðông cung và 6 Tây cung. Ðây là nơi nhà vua cùng các hậu
phi, hoàng tử cư ngụ, vui chơi và thờ cúng. Phía nam 6 Ðông cung là điện
Phụng Thiên, Trai quán và cung Dục Khánh. Phía trước Tây cung là điện Dưỡng
Tâm. Phía đông đường trục giữa có nhóm cung Ninh Thọ. Phía tây đường trục
giữa có các cung Từ Ninh, Thọ Khang và điện Anh Hoa. Cung Ninh Thọ và cung Từ
Ninh còn có vườn hoa riêng....
Hai cung Càn Thanh và Khôn Ninh do Nguyễn An thiết kế, xây dựng lại đời vua
Anh Tôn, đời Thanh tuy có trùng tu nhiều lần, song tên vẫn giữ y như cũ. Ba
điện Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân xây dựng lần đầu tiên hoàn thành vào
tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420). Tết nguyên đán tháng giêng năm sau
(1421), Minh Thành Tổ ra ngự ở điện Phụng Thiên nghe quần thần chúc mừng, và
đại xá toàn quốc. Nhưng đến ngày mồng 8 tháng 4 năm đó, ba điện này đều bị
sét đánh, lửa cháy, thiêu hủy ra tro tàn.
- Các cung điện của Trung Quốc thời cổ, kết cấu đa số
làm bằng gỗ, nên rất dễ bị lửa bốc cháy. Ngoài việc binh đao khói lửa
chiến tranh phá họai gây ra, hiện tượng bị sét đánh bốc cháy cũng là
nguyên nhân chính đưa đến tai nạn hỏa hoạn. Vì hồi đó, Trung Quốc chưa
có kim thu lôi. Một khi vật kiến trúc to lớn bằng gỗ bị sét đánh thì dễ
xảy ra hỏa hoạn, và thường thường là bị thiêu trụi, vô phương cứu chữa.
Sau trận hỏa hoạn này, vua Minh đành chỉ ngự triều ở cửa Phụng Thiên, vì
không còn khả năng tài chính để xây dựng lại nữa. Mãi cho đến đời chắt
của Thái Tôn là vua Anh Tôn, tức Chu Kỳ Trăn, nước nhà thái bình, nông
dân được mùa, trong và ngoài nước không có việc chinh chiến, dân giàu
nước mạnh, mới có sức người và sức của đi trùng tu lại. Tháng 3 năm
Chính Thống thứ 6, Minh Anh Tôn phái Nguyễn An thiết kế, tổ chức thi
công xây dựng lại ba điện này, kết quả so với đợt xây dựng trưóc càng
thêm tráng lệ huy hoàng. Nhưng đến ngày 13 tháng 4 âm lịch năm Gia Tĩnh
thứ 36 (1557), Bắc Kinh lai gặp phải một trận mưa to gió lớn, giờ Tuất
(độ 7-9 giờ tối), đột nhiên có một trận lửa bốc cháy. Ngọn lửa bắt đầu
từ điện Phụng Thiên, cháy lan ra điện Hoa Cái và điện Cẩn Thân, gây ra
thiệt hại nặng nề.
- Ðến năm Gia Tĩnh thứ 38 (1559), tham khảo đợt xây
dựng trước, ba điện lại một lần nữa được khởi công xây dựng lại. Ngày 3
tháng 9 năm 1562, công trình hoàn thành. Lần này, điện Phụng Thiên được
đổi tên thành điện Hoàng Cực, điện Hoa Cái đổi thành điện Trung Cực,
điện Cẩn Thân đổi thành điện Kiến Cực. Ðến đời Thuận Trị năm thứ 2
(1645), lại đổi tên ba điện thành Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa cho đến
ngày nay.
Qua những điều kể trên,
chúng ta có thể thấy rõ tác dụng của Nguyễn An trong công cuộc xây dựng Bắc
Kinh và hoàng cung nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Người Mãn Thanh từ đông
bắc Trung Quốc, ngoài Trường Thành vào làm chủ Trung Nguyên, song le, mọi chế
độ, cung đình đều giữ y theo nhà Minh. Vì thế, Cố cung nhà Thanh hiện nay, dù
đã trải qua nhiều cuộc tu sửa, mở mang, nhưng trên thực tế vẫn là Cố cung của
nhà Minh. Ngày nay, nếu ta theo đường phía tây đi tham quan Cố cung, vẫn còn
có thể trông thấy một số kiến trúc cung điện xây cất từ đời nhà Minh. Vì thế,
phủ nhận sự đóng góp của Nguyễn An về mặt này là một điều thiếu khách quan.
Thực ra, Nguyễn An không những là một nhà tổng kỷ sư kiến trúc thiên tài, mà
còn là một nhà tổ chức, chỉ huy xuất sắc xây dựng các công trình quan trọng
thời bấy giờ. Tháng 10 năm 1436 đời vua Minh Anh Tôn, khi chuẩn bị xây dựng
công trình chín cửa thành lầu ở Kinh Sư, Công bộ Thị lang Thái Tín cho
rằng: "Một công trình quy mô to lớn như vậy, cần phải có nhiều
sức lao động, ít nhất phải trưng dụng 18 vạn dân phu." Nhà vua
giao cho Nguyễn An toàn quyền phụ trách công trình này. Nguyễn An chỉ lấy có
hơn 1 vạn quan binh đang thao luyện ở Kinh Sư cho tạm ngừng thao tập, tổ chức
họ tham gia xây dựng chín cửa thành lầu. Ðể cho quan binh làm tốt nhiệm vụ
này, Nguyễn An đã phát lương bổng và cung cấp thực phẩm đầy đủ cho đội quân
lao động ấy. Trong quá trình xây cất, Nguyễn An lại chú ý tổ chức họ kết hợp
lao động và nghỉ ngơi một cách thích đáng. Kết quả, tháng giêng năm 1437 khởi
công, đến tháng 4 năm 1439, chín cửa thành lầu, bao gồm cả hào thành, cầu
cống có liên quan đều hoàn tất một cách tốt đẹp. Như trên đã nói, công trình
quy mô to lớn này, đáng lẽ phải huy động tới 18 vạn dân phu, song le, Nguyễn
An chỉ dùng có hơn 1 vạn quan binh là có thể hoàn thành nhiệm vụ đạt yêu cầu.
Dân chúng không ai bị quấy nhiễu. Dương Kỳ, người đời Minh đã viết trong
bài "Ðô thành lam thắng thi lãm" trong quyển thứ
23 "Ðổng lý tục tập" rằng: "Sở dĩ sự
việc nêu trên đạt được thành công, đó là do Nguyễn An giỏi về quy hoạch,
trung thành với việc công, đối với thuộc hạ, nhiệt tình quan tâm, giúp đỡ,
nên mới có kết quả như vậy."
Tháng 3 năm 1440, Nguyễn An vâng mệnh vua Anh Tôn xây lại ba điện Phụng
Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân (tiền thân của ba điện Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo
Hòa ngày nay). Trong đợt xây dựng này, Nguyễn An chỉ huy 7 vạn thợ nghề và
quan binh hiện dịch tạm ngừng thao luyện để tham gia thi công. Ðến tháng 10
năm sau (1441) thì hoàn thành toàn bộ công trình. Kết quả, vua Anh Tôn rất
vừa ý, trọng thưởng cho Nguyễn An. Ðiều khiển một đoàn quân lao động gồm 70
ngàn người, nếu người chỉ huy không có tài tổ chức, biết cách điều động, xếp
đặt, thì tất không thể nào khiến cho mọi người đều tin phục mình mà chung sức
chung lòng trong vòng thời gian ngắn một năm rưỡi hoàn thành xong toàn bộ ba
công trình to lớn, phức tạp như vậy.
Ðánh giá Nguyễn An
Ngày nay, mỗi ngày có
hàng vạn khách du lịch thập phương đến thăm Cố cung. Ai nấy đều vô cùng khen
ngợi cảnh kiến trúc đồ sộ, huy hoàng, tráng lệ, tầng tầng lớp lớp, nào cung
nào điện, tường đỏ ngói vàng, đặc biệt là điện Thái Hòa với nét kiến trúc độc
đáo và quy mô to lớn, hùng vĩ hiếm thấy của nó trên đời, khiến cho người
người hết lời tán thưởng. Các cung điện trưng bày các của báu về nghệ thuật
lại càng khiến cho mọi người ưa chuộng. Nhưng mấy ai được biết rằng điện Thái
Hòa này trước kia vốn do một người Việt Nam quy hoạch, thiết kế, xây dựng
nên.
Nguyễn An là người Việt Nam vì sao tới Bắc Kinh? Do đâu được các vua chúa nhà
Minh tin yêu như vậy? Muốn tìm hiểu vấn đề này, ta hãy quay ngược dòng thời
gian, lần tìm những trang sử cũ.
Ðời vua Vĩnh Lạc năm thứ 5 (1407), Trương Phụ, một vị tướng trẻ 33 tuổi đã
bình định vùng An Nam trong vòng 8 tháng. Sau khi bắt được cha con Hồ Quý Ly
(Hồ Quý Ly tổ tiên gốc người Chiết Giang, Trung Quốc), Trương Phụ theo lệnh
vua, khôi phục địa danh "Giao Chỉ" như đời Hán, tỏ ý sau hơn 400
năm địa phương cát cứ, độc lập, Trung ương mất đất, giờ khôi phục lại chủ
quyền của Trung Quốc trên phần đất này. Tháng 10 năm 1407, căn cứ theo chiếu
chỉ của Minh Thành Tổ, "Sau khi bình định vùng An Nam, nên rộng
rãi tìm kiếm các người hiền đức và có tài nghề trong vùng, đối xử lễ phép,
tuyển đưa về Kinh", Trương Phụ cho người đưa 9.000 các loại nhân tài
hiền đức, giỏi về Minh kinh, văn hóa và binh pháp cùng với 7.700 các loại
nghệ nhân về Nam Kinh cho nhà vua tuyển dùng. Ngoài ra, Trương Phụ còn chọn
một số thanh, thiếu niên Giao Chỉ dáng mạo thông minh, tuấn tú đưa về Nam
Kinh, cho ăn học, đào tạo làm Thái Giám để hầu giúp vua, trong số đó có
Nguyễn An, Phạm Hoành, Vương Cẩn.... (Tháng 11 năm đó, cha con Hồ Quý
Ly bị Liễu Thăng đưa về Trung Quốc, vì là tội nhân, nên không thuộc diện này.
Hồ Quý Ly sau được tha về Quảng Tây làm lính tuần, con trưởng của Hồ Quý Ly
là Hồ Hán Thương, do giỏi về binh khí, dâng vua súng thần, được cử trông coi
chế tạo vũ khí, năm 1445 được thăng làm Công bộ Thị lang. Con cháu Hồ Hán
Thương nối nghiệp cha, làm đến chức Hữu Thị lang Công bộ). Nhà Minh từ
đời Tuyên Ðức trở đi, quyền hành của Thái giám rất lớn, thế lực của phe Thái
giám Giao Chỉ lại càng mạnh. Mọi việc bảo vệ, phò tá Thái Tử, quyết định
chinh chiến đối ngoại, đề cử các quan chức trông coi việc ngoại thương, nắm
giữ quyền hành về tài chính.... đều có Thái giám phe Giao Chỉ tham dự, chẳng
hạn như Phạm Hoành dùng hơn 70 vạn lạng bạc đi xây cất chùa Vĩnh An (Vĩnh An
Tự) ở Hương Sơn, tây nam Bắc Kinh; Vương Cẩn (tức Trần Vũ) được chiếu vua cho
miễn chết, lại được ban cho cung nữ và hàng vạn lạng bạc. Nguyễn An được các
vua Thành Tổ, Anh Tôn tin dùng giao cho trọng trách xây dựng Bắc Kinh.....
Trong thời kỳ xã hội phong kiến chuyên chế ở Trung Quốc, bọn hoạn quan đã gây
ra nhiều tội ác. Số người tốt rất hiếm. Nguyễn An tuy là Thái giám, nhưng ông
có khác với những Thái giám thường khác. Không những có công trong việc xây
dựng Bắc Kinh, mà còn có nhiều cống hiến trong công việc trị thủy. Sử sách
cho biết, Nguyễn An ngoài công việc thiết kế chỉ huy xây dựng các công trình
quan trọng ở Bắc kinh ra, còn phụ trách công tác trị thủy ở sông Dương Thôn,
sông Tái Dương và sông Thu Lịch. Ðiều đó có lẽ là vì công việc của Công bộ là
trông coi về xây dựng các công trình kiến trúc và thủy lợi mà Công bộ thời đó
do Nguyễn An phụ trách. Nguyễn An cũng từng trông coi việc vận tải đường thủy
từ Thông Châu (nay là thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô) đến Nam Kinh. Năm
Cảnh Thái thứ 7 (1456) đời Minh Ðại Tôn, vùng Trương Thu, Sơn Ðông, sông
Hoàng Hà vở đê, hàn mãi không được. Triều đình lại cử Nguyễn An đi trị thủy,
không may bị bệnh mất trên đường công tác. Công lao của Nguyễn An tuy to lớn
như vậy, song ông ta sống một cuộc đời rất là thanh bạch. Khi mất, nhà còn
không đầy 10 lạng bạc. Phẩm hạnh thanh cao của Nguyễn An đã khiến cho nhiều
người đương thời hết sức khâm phục, cảm mến. Có người nhận xét rằng, Nguyễn
An cùng với Trịnh Hòa [9] là hai vị Thái giám xuất sắc nhất trong lịch sử
Trung Hoa. Nhưng nay, tên nhà hàng hải Thái giám Tam bảo Trịnh Hòa ở Trung
Quốc cũng như trên thế giới, nhiều người rất quen thuộc, nhưng tên tuổi của
Nguyễn An thì không mấy ai được biết. Ngay cả giới sử học Trung Quốc đa số
cũng chẳng biết Nguyễn An là ai. Ðó cũng là một điều bất hạnh.
Theo người viết thì đem Nguyễn An đi so sánh với Trịnh Hòa là một việc không
cần thiết. Vì lẽ hoàn cảnh sinh hoạt của mỗi người một khác. Phạm vi hoạt
động của họ cũng không giống nhau. Khuếch đại vai trò của Nguyễn An trong đầu
thế kỷ 14, nói ngay từ năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406), Minh Thành Tổ mới bắt đầu
xây dựng thủ đô Bắc Kinh, Nguyễn An đã phụ trách tổng thiết kê xây dựng Bắc
Kinh như các tác giả"Trung-Việt quan hệ sử giản biên" là
chuyện khó tin (Xem "Trung-Việt quan hệ sử giản biên", đồng
tác giả Hoàng Quốc An, Dương Vạn Tú, Dương Lập Băng và Hoàng Tranh, Nhà xuất
bản Nhân dân Quảng Tây xuất bản, Nam Ninh, 1986). Vì làm thế, xa rời sự
thật. Trương Phụ đưa người Giao Chỉ sang Trung Quốc, đợt đầu tiên và đợt thứ
hai vào tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407). Ðột thứ ba vào tháng 11 năm đó.
Lúc bấy giò, Nguyễn An mới hơn 10 tuổi, lại chưa sang đến Trung Quốc, làm sao
có thể phụ trách thiết kế các công trình kiến thiết quan trọng ở Bắc Kinh?
Ông Thanh An nói năm 1407, Nguyễn An còn là một cậu bé, nhưng ngược dòng thời
gian - năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406), Nguyễn An đã "hai mươi mấy tuổi"
"đảm đương một công công trình trọng đại", phụ trách thiết kế, xây
dựng lưỡng cung và tam điện lúc bấy giờ, lại càng khó hiểu (xem Làng
Văn số 116 trang 67, bài " Ðất nước ngàn năm văn hiến"). Nhưng
nếu cho rằng lúc bấy giờ, Nguyễn An sinh sống ở nước ngoài, mọi cống hiến của
ông ta đều không dính dáng gì tới người trong nước nên gạt bỏ Nguyễn An ra
ngoài lịch sử Việt Nam thì tôi thấy đó là chuyện đáng tiếc. Nếu cho vậy là
đúng thì từ nay, khi học lịch sử Việt Nam, chúng ta không nên nhắc lại những
tên Lý Ông Trọng, Trương Trọng, Lý Tiến, Lý Cầm, Khương Công Phụ [10] và hàng
ngàn người Việt Nam tài giỏi khác lúc sinh thời do hoàn cảnh phải sống nơi xa
quê cha đất tổ. Ðem Nguyễn An đi so sánh với một số người đời nay, thì tôi
thấy Nguyễn An vẫn đáng cho chúng ta khâm phục, kính mến. Vì ít nhất, ông ta
không phải là phường ích kỷ hại người, lừa thầy phản bạn, bán nước buôn dân,
bóc lột, đày ải đồng bào, đưa đất nước, dân tộc đến chỗ bần cùng, lạc hậụ Tuy
sống ở nước ngoài, nhưng Nguyễn An đã không làm nhơ danh tổ tiên, dân tộc, để
tiếng xấu lại cho muôn đời.
Cách đây 6 năm, tôi có viết một bài nhan đề là "Năm Thìn kể chuyện
Rồng" phát biểu trên tạp chí Quê Mẹ số Xuân Giai Phẩm ở Pháp. Trong bài
đó, phần đầu bàn về nguồn gốc hình thành khái niệm "Rồng", phần thứ
hai nói về những diễn biến của ý nghĩa "Rồng" qua các thời đại,
phần cuối liên hệ tới hiện tình Việt Nam, đưa ra nguyện vọng mong mỏi mọi
người Việt Nam ngày nay, bất cứ đang sống trong hoàn cảnh nào, đều nên sống
sao cho ra sống, sống sao không hổ thẹn với non sông đất Việt, sống sao không
nhơ danh dòng giống Tiên Rồng. Hôm nay, ngồi trước máy điện toán cá nhân, gõ
mấy dòng chữ nói về Nguyễn An này, người viết không có ý định khuyến khích
mọi người bỏ nước ra đi tìm cảnh giàu sang phú quý hay phục vụ cho nước ngoài
để vinh thân phì gia, tận hưởng vật chất, mà chỉ là muốn ghi lại một sự việc
có liên quan tới Việt Nam, hầu cung cấp sử liệu cho các sử gia tham khảo khi
nghiên cứu, và thành tâm mong mỏi những ai đang phải sống cuộc đời lưu vong
nơi hải ngoại hay đang phấn đấu ở trong nước nên cố gắng, sống sao cho ra
sống, sống sao không hổ thẹn với cha ông, tiên tổ, sống sao cho xứng đáng là
dòng dõi Lạc Hồng. Chỉ có thế thôi.
Nguyễn Sang
San Jose ngày 12 - 4 –
1994
Bài “Đi Cống” của Nguyễn Nhược Pháp:
Chú thích:
1. Bài "Dân chúng Bắc Bình nên kỷ niệm Thái giám
Nguyễn An, người An Nam" phát biểu ngày 11-11-1947 trên Tuần
san Sử địa báo "Cái Thế" xuất bản ở Thiên Tân.
2. Bài "Nguyễn An, nhà kiến trúc thiên tài xây
dựng Ðại Bắc Kinh" phát biểu dưới bút danh là "Người
Việt", đăng trên Nhật báo Tiến Bộ xuất bản ở Thiên Tân
ngày 2-2-1950.
3. Bài "Sự đóng góp cho Trung Quốc của người Giao
Chỉ đời Minh" phát biểu trong tập 2 quyển 3 tạp chí "Học
Nguyên" ở Hương Cảng. Bài này sau được thu vào tập "Minh sử luận
tùng" xuất bản ở Ðài Loan. Trương Tú Dân là một nhà sử học Trung Hoa,
chuyên nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam. Cho đến năm 1988, tuy đã về hưu ở
quê nhà, vẫn còn phát biểu bài vở bàn về lịch sử Việt Nam. Nếu còn khỏe mạnh,
năm nay ông đã 87 tuổi.
4. Tây cung này vốn là phủ phiên vương Yên Vương ở vùng điện
Quang Minh phía nam đường trong cửa Tây An Môn. (cũng có thuyết cho rằng phủ
Yên Vương là Cung Hưng Thánh của nhà Nguyên, địa điểm ở bờ tây Bắc Hải và
vùng vườn Tập Linh ngày nay). Vì nằm ở phía tây Cố cung, nên gọi là Tây cung.
Tây cung này xây dựng từ đời Hồng Vũ thứ 15 (1382), tổng số kiến trúc có 1630
ngôi, trong có cổng Phụng Thiên và điện Phụng Thiên, có khác với ba điện Tây
cung xây dựng sau năm Vĩnh Lạc thứ 15 (1417) có trên 8350 tòa kiến trúc, tức
Cố cung ngày nay.
5. Ðời Minh có hai người cùng tên là Nguyễn An, đều là người
Giao Chỉ. Một người có tên là Á Lưu, là nhà kiến trúc, Thái giám; một người
khác cũng tên là Nguyễn An, vốn là thợ trốn dịch. Sau làm tới chức Phó sứ Văn
Tư Uyển, đến năm Thành Hóa năm thứ 20 (1484) hãy còn sống.
6. 5 phủ 6 bộ: 5 phủ là: phủ Thái phó, phủ Thái úy, phủ Tư đồ,
phủ Tư không và phủ Ðại Tướng quân. 6 bộ là: Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Lễ,
Bộ Hình và Bộ Công.
Phủ Thái Phó là dinh thự của thầy nhà vua, cấp bậc Tễ Tướng; Phủ Thái úy là
dinh thự của võ quan cấp cao nhất toàn quốc; Phủ Tư đồ là dinh thự của Hộ bộ
Thượng thư; Phủ Tư Không là dinh thự của Công bộ Thượng thư; Phủ Ðại Tướng
quân là dinh thự của võ tướng cao cấp, người phụ trách việc chinh chiến trong
nước.
Bộ Lại phụ trách những công tác tuyển chọn, ủy nhiệm, bãi bỏ, khảo sát, thanh
tra, thăng thưởng quan chức.
Bộ Hộ chủ quản hộ tịch, ruộng đất, tiền tệ, thuế má, lương bổng quan chức
toàn quốc, tương đương với Bộ Nông nghiệp và Bộ Tài chính hiện naỵ
Bộ Binh chủ quản việc tuyển dụng, khảo sát các quan chức võ bị, luyện binh,
vũ khí và trạm dịch, tương đương với Bộ Quốc phòng ngày naỵ
Bộ Hình chủ quản công việc hành chính Tư pháp, tương đương với Bộ Tư pháp
ngày nay.
Bộ Lễ chủ quản những nghi lễ cúng tế quan trọng của triều đình, tổ chức thi
cử, tiếp đãi khách nước ngoài, tương đương với Bộ Giáo dục và Vụ Lễ tân của
Bộ Ngoại giao ngày nay.
Bộ Công chủ quản xây dựng các công trình thủy lợi, đồn điền, các công trình
kiến trúc thổ mộc quan trọng, tương đương với Bộ Thủy lợi và Bộ Kiến trúc
ngày nay.
Ðứng đầu mỗi bộ là chức quan Thượng thư, tương đương với chức Bộ trưởng ngày
naỵ chức Thị lang tương đương với chức Phó Bộ trưởng hay Thứ trưởng ngày nay.
7. Phủ Tôn Nhân là cơ quan nắm giữ danh sách và các vấn đề tước
lộc, thưởng phạt trong hoàng tộc.
8. Hồng Lô Tự là cơ quan quản lý công việc cúng tế, phán đoán
kiết hung, tiếp khách ngoại quốc... Cơ quan này sau gộp vào Bộ Lễ, tương
đương Vụ Lễ Tân ngày nay.
|
|
No comments:
Post a Comment