Đầu năm nói chuyện… tham nhũng & hối lộ
Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014
Tham nhũng & hối lộ
Không phải là tình cờ mà tôi chọn đề tài “tham nhũng & hối lộ” để khai
bút muộn, mừng năm mới 2014. Thay vì những đề tài nhẹ nhàng, vui vẻ hơn, tôi
chào đón năm 2014 với một vấn đề gây bức xúc trên toàn thế giới từ bấy lâu nay
đến độ Liên Hiệp Quốc phải vào cuộc.
Ngày 31/10/2003 tổ chức quốc tế này đã
thông qua Nghị quết 58/4 với tên gọi “Công ước Liên Hiệp Quốc phòng chống tham
nhũng” có nguyên gốc tiếng Anh là United Nations Convention Against Corruption,
được viết tắt là UNCAC.
Hiệp ước có hiệu lực từ ngày 14/12/2005, sau khi hội đủ 30 quốc gia đầu
tiên phê chuẩn. Tính đến ngày 1/7/2009, đã có 140 chữ ký phê chuẩn, chấp nhận
và chấp thuận của 136 quốc gia. Gần đây nhất là Việt Nam cũng đã phê chuẩn
UNCAC vào ngày 19/8/2009.
Để chống lại tham nhũng, công ước quy định những quy ước và chuẩn mực chung
về các vấn đề chính bao gồm:
Công tác phòng chống tham nhũng;
Hình sự hóa tội phạm tham nhũng;
Thu hồi tài sản bị thất thoát và
Hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật.
Mối tương quan giữa tham nhũng và hối lộ
Tham nhũng và hối lộ luôn luôn “đồng hành” như hình với bóng nhưng lại có
hai phạm trù riêng biệt: một bên “đưa” và một bên “nhận”, người có chức, có quyền
mới tham nhũng và những kẻ yếu thế hơn mới đưa hối lộ. Hiện tượng này xảy ra
trên khắp thế giới, ở cả các nước giàu cũng như nghèo, tiến bộ cũng như chậm tiến.
Tham nhũng và hối lộ cũng diễn ra vào bất cứ thời đại nào, từ cổ chí kim, nhưng
chưa ai có thể xác định tệ nạn này bắt đầu từ đâu và từ bao giờ.
Học giả Vương Hồng Sển [*] đã viết trong tác phẩm Hơn nửa đời hư như sau:
“Hối lộ là một độc dược thâm căn cố đế, mọc gốc mọc rễ từ nhiều đời, không biết
Đông có trước hay Tây có trước, duy biết nay đã tràn đồng, nước nào cũng có, đời
nào cũng có, dây dưa thời bình như thời loạn, lúc thạnh như lúc suy…”
Hối lộ còn được gọi qua những từ ngữ khác như mãi lộ, đút lót… là hành vi đưa
tiền, hoặc vật phẩm có giá trị, hoặc những thứ khác khiến cho người nhận cảm thấy
hài lòng. Từ đó, người nhận hối lộ sẽ giúp đỡ người hối lộ qua hình thức thực
hiện các hành vi trái pháp luật, trái lương tâm hoặc làm hại đến người khác.
Đặc điểm chung, người nhận thường là những người có khả năng ảnh hưởng hoặc
chi phối đến người khác hay công việc khác. Tiền là thứ phổ biến nhất để hối lộ.
Thời phong kiến, người ta còn dùng vàng, bạc, ngọc ngà, châu báu hoặc của ngon
vật lạ để mua chuộc cảm tình của người có chức, có quyền.
Người ta thường nói đến “bổng lộc” của các quan chức. Chữ “bổng” luôn đi
kèm chữ “lộc”, một đằng là tiền lương chính thức nhận được và một đằng là lộc
“của trời cho”. Theo quan niệm xưa, cái lộc đó đến một cách tự nhiên nhưng những
ai đòi lộc về mình tức là đã đòi của hối lộ.
Trong Chuyện đời xưa, Trương Vĩnh Ký có kể chuyện nhờ đút sáp cho cọp ăn mà
khỏi chết. Chuyện được diễn trong tuồng hát bội, anh hề kể lại, “Ý cha chả! Hôm
trước tao đi ăn ong về, gặp ông cọp, tưởng đã xong đời rồi… cũng may, tao có
vác một bó sáp trên vai, tao mới chàng hảng ra, tao đút sáp ra đằng sau, ổng chạy
theo ổng táp, mắc nhai sáp, tao chạy thoát…”.
Câu chuyện chỉ có vậy nhưng quả là thâm thúy. Ăn đàng sau tức ăn dưới trôn.
Đi làm một chuyện gì, tỉ như nay ta đi làm áp phe, giả cớ gọi đi… ăn ong. Quan
thì gọi ổng nầy ổng kia và muốn cho ổng ăn cứ chàng hảng ra, đút cái ấy dưới
háng ổng vẫn táp như thường!
Thời Pháp thuộc, có những viên chức trọn một đời làm công bộc không nhận của
hối lộ, đến khi trở về già sống trong cảnh thanh bần mà vẫn vui vì lương tâm
thanh thản. Nhưng cũng có những người thấy bạn đồng liêu đã từng nhận tiền “lì
xì” nay vợ con đều ấm no, sung sướng, bất giác than thở: “Phải chi mình cũng
làm như họ thì giờ đây đã khác!”.
Đối với những người đã hối tiếc không ăn của hối lộ lúc còn tại chức, Vương
Hồng Sển đã đưa ra một nhận xét: “Một lời nói khiến bao nhiêu tiếng thơm trong
sạch đều trôi sông trôi biển, vì xã hội có thể tha thứ một con điếm ăn năn, nhưng
vẫn không dung một ông quan ưa ăn vụng”.
Tác giả Hơn nửa đời hư kể lại chuyện trước đây, lúc Nam Kỳ còn hội đồng Quản
hạt, trong một phiên nhóm đại hội, De la Chevrotière là quan thực dân hạng nặng,
công kích hàng phủ, hàng huyện và mấy ông thông phán toà án, rằng họ ăn lương
không bao nhiêu mà ông nào cũng có ruộng, có vườn, có nhà lầu, xe hơi, trong
khi đó, các quan toà, quan chánh án Pháp về hưu nghèo khổ.
Chevrotière đang ngon trớn thì một viên chức người bản xứ, ông Nguyễn Phan
Long, đứng dậy, ông nói chỉ một câu mà quan thực dân phải ngồi xuống vì bẽ mặt:
“Xin lỗi, danh từ “pot-de-vin” phải chăng người gô-loa có sẵn? Chớ phải nào của
ông cha chúng tôi bày đặt!”.
Người Pháp dùng danh từ “pot-de-vin”, hiểu theo nghĩa đen là hũ rượu nhưng
nghĩa bóng là hối lộ vì theo tích xưa, người Pháp có việc dâng rượu nguyên hũ,
nguyên vò để mua chuộc lòng người.
Tham nhũng & Hối lộ = Tù tội
Tại Việt Nam dưới thời Pháp thuộc Sở Thuế Thân là nơi “ngon lành” nhất và
no đủ nhất: nếu chỉ tính ở một địa phương có 20.000 dân đinh đến tuổi chịu thuế,
chỉ cần một nửa số “biết điều”, mỗi đầu người chỉ cần “ăn” 5 cắc là một năm các
quan chức có thể kiếm được 50.000 đồng!
Sở Hành Chánh cũng quan trọng không kém và “ăn” cũng không ít. Các ông
hương chức muốn được vinh thăng huyện hàm, phú hàm, hoặc muốn tiến cử làm hội đồng
tỉnh hay cử làm sung biện, ban biện, phó tổng đều phải đội mâm “có sấp nhiều bộ
lư” hoặc “cỡi voi” đến nói chuyện… Lư và voi là giấy bạc một trăm thời Pháp thuộc.
Vương Hồng Sển nói về một ông chánh án người Pháp, tên Bernard, trước kia
có vợ Việt còn “ăn” một cách công khai, trắng trợn:
“Ông có sắm một chiếc tam bản cho lính chèo để dành rước từ bên sông mé chợ
những ai muốn sang sông qua “nói chuyện” với ngài thì khỏi tốn tiền đò, và ngài
nhận lễ tại trong dinh cho thêm phần kín đáo… Ngài mập cho đến mặt bàn phải
khoét lỗ chứa cái bụng nước lèo ngài mới với ký tên tới mặt giấy tờ, khi đi
tiêu phải dùng khăn bàn lông kéo như kéo đờn cò chớ tay ngài với không tới
trôn, và khi lên thang lầu phải có hai tên tuỳ phái đỡ cái bụng phệ nâng lên
thì ngài mới bước lên nấc thang được, y như trên sân khấu lúc Đổng Trác bước lên
xe loan hay lên ngai rồng…”
Hình ảnh ông chánh Barnard với cái bụng thuộc loại “thùng nước lèo” khiến
ta liên tưởng tới một quan chức người Mỹ của hãng Apple ngày nay, ông ấy cũng
có “một cái bụng thật tốt”. Đó là Paul Shin Devine, người đã nhận tiền hối lộ
lên đến một triệu đô la của các công ty châu Á chuyên cung cấp thiết bị cho
Apple.
Chính công ty Apple đã khởi đơn kiện, FBI (Cục điều tra liên bang) và IRS
(Sở thuế vụ) đã vào cuộc để phanh phui “người tốt bụng” đã nuốt đến hơn 1 triệu
USD và rất nhiều món quà hối lộ có giá trị khác.
“Người tốt bụng” Paul Shin Devine
Cũng vẫn chuyện nước Mỹ nhưng lại có liên quan đến Việt Nam. Michael T.
Sestak đã từng là viên chức đứng đầu bộ phận cấp thị thực (visa) tại Lãnh sự
quán Mỹ tại Sài Gòn từ tháng 8/2010 tới 9/2012.
Theo hãng AP, đưa tin ngày 5/11/2013, Sestak đã thú nhận một số tiền hối lộ
lên đến 3 triệu đô la, gấp 3 lần Paul Shin Devine, dĩ nhiên là tiền đó của người
Việt Nam xin visa vào Mỹ. Sestak chỉ mới 42 tuổi và anh chàng này cũng đã đồng
ý trả lại tiền thu được do phạm tội, trong đó có tiền bán 9 cơ ngơi đã từng mua
ở Thái Lan, và có nguy cơ đối mặt với án phạt tù từ 19-24 năm.
Cựu nhân viên lãnh sự quán này nhận tiền bán visa qua tài khoản của một
ngân hàng Trung Quốc, rồi lại chuyển qua tài khoản mà anh ta bí mật mở ở Thái
Lan. Sestak bị bắt vào tháng 5/2013 ở nam California.
Trước đó, ba đồng phạm của Sestak là Binh Vo, 39 tuổi, và em gái Hong Vo,
27 tuổi, cùng Truc Tranh Huynh, 29 tuổi, lần lượt bị cảnh sát Mỹ bắt giữ vào
tháng 9, tháng 5 và tháng 6. Ngoài ra, các công tố viên còn xác định một nghi
phạm khác là Anhdao Thuy Nguyen, hay Alice Nguyen, vợ của Binh Vo, trong đường
dây gian lận visa này.
Cũng theo AP, những người Việt xin cấp thị thực vào Mỹ đã phải trả từ
15.000-70.000 USD và theo các nhân viên điều tra, có ít nhất 500 đơn xin visa
gian lận đã qua tay Sestak. Từ ngày 1/5 đến ngày 6/9/2012, lãnh sự quán Mỹ tiếp
nhận 31.386 hồ sơ xin visa phi di dân và từ chối 35,1%. Trong số đó, Sestak xử
lý 5.489 đơn xin visa và chỉ từ chối 8,2%.
Thế mới biết, dân Việt nói chung thì rất nghèo nhưng một thiểu số “đại
gia”, cả xanh lẫn đỏ, vẫn thừa đô la xanh để mua đứt Sestak.
Cựu nhân viên Lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn, Michael T. Sestak
(Ảnh Usconsulate.gov)
Người Mỹ dùng từ ngữ “bribery” để chỉ hành động hối lộ. Họ còn dùng tiếng
lóng “kickback” để chỉ “tiền hoa hồng”, nói theo kiểu miền Bắc là “tiền lại quả”,
hay nói chung là tiền hối lộ qua hình thức “under the table” trong cuộc thương
lượng ngầm.
Câu thuyện “thương lượng ngầm” tai tiếng nhất giữa Úc và Việt Nam xảy ra
năm 2002 khi Việt Nam chuyển qua dùng tiền in trên nhựa polymer thay vì trên giấy
thường. Securency, một công ty Úc, trong đó Ngân hàng Trung ương Úc nắm 50% cổ
phần, đã giành được hợp đồng in tiền béo bở này.
Thế nhưng gần đây, nhật báo Úc The Age đã tiết lộ rằng công ty Úc đã dành được
hợp đồng nói trên nhờ tung ra hàng triệu đô la để hối lộ tại Việt Nam có dính
líu đến quan chức nhà nước của cả hai bên. The Age nêu rõ tính danh một doanh
nhân Việt Nam là trung tâm điểm của vụ tham nhũng lên đến hơn 12 triệu đô la
Úc, tương đương với gần 11 triệu đô la Mỹ. Nhân vật này là ông Lương Ngọc Anh,
Tổng giám đốc Công ty Phát triển Công nghệ CFTD ở Hà Nội.
Theo nhật báo Úc, trong thời gian qua, công ty Securency đã chuyển cho ông
Lương Ngọc Anh và công ty của ông số tiền bạc triệu kể trên, bản thân ông Anh
nhận được hơn 5 triệu đô la. Một phần trong các món tiền này, gọi là ''tiền hoa
hồng'' (commissions) đã được chuyển vào các tài khoản ở ngoại quốc, đặc biệt là
ở Thụy Sĩ.
Vấn đề chính là luật pháp chống hối lộ hiện hành tại Úc nghiêm cấm việc trả
tiền cho các quan chức chính quyền hay các công ty do chính phủ ngoại quốc kiểm
soát để giành lợi thế trong công việc kinh doanh. Nếu cuộc điều tra do Cảnh sát
Liên bang Úc đang tiến hành xác định là các lãnh đạo điều hành công ty
Securency biết rõ là ông Lương Ngọc Anh làm việc cho chính phủ Việt Nam, thì họ
có thể bị kết án đến 10 năm tù.
Về phiá Việt Nam, nhật báo Úc The Age đã từng tiết lộ cho rằng sở dĩ
Securency thắng được hợp đồng in tiền polymer cho Việt Nam đó là nhờ thuê được
một “công ty trung gian môi giới”, nơi
có con trai của cựu thống đốc Ngân Hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy làm việc.
Việt Nam đã chọn tiền Polymer vào lúc ông Thúy tại chức.
Ngay từ năm 2007, khi vụ hối lộ này bắt đầu thu hút sự chú ý của dư luận,
Công ty Securency từng khẳng định là chỉ thuê công ty Công ty Phát triển Công
nghệ CFTD ở Hà Nội làm “một số công việc biên dịch và phiên dịch, cũng như giúp
liên lạc với Ngân Hàng Nhà nước Việt Nam'”.
Câu hỏi đặt ra là nếu danh chính ngôn thuận như thế thì tại sao số tiền thù
lao cho ông Lương Ngọc Anh và Công Ty CFTD ở Hà Nội lại cao đến thế, và nhất là
lại được chuyển vào các tài khoản ở ngoài Việt Nam. Theo báo The Age, cả Công
ty Securency lẫn Ngân Hàng Trung ương Úc đều từ chối giải thích.
Ngoài Lương Ngọc Anh, một số quan chức Úc có liên quan đến vụ in tiền
polymer gồm bà E. Masamune (viên chức cao cấp Austrade), David Twine (Giám đốc
Ðông Nam Á của Austrade), Vipin Khanma (tay lái súng ở Ấn Ðộ), và Cliff Gerathy
(Giám đốc Điều hành Securency).
Hình minh họa vụ Securency trên báo The Age
Gần đây nhất, nhân vật đã khiến báo chí trong và ngoài nước tốn không ít giấy
mực là Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch
Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Ủy viên Thường
vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu Đại hội
Đảng Cộng sản Việt Nam XI toàn quốc.
Trong phiên xử sơ thẩm ngày 16/12/2013 Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình về
tội tham ô, 28 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý
kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ xử này được báo chí quốc tế nhiều hãng
thông tấn, báo chí lớn của nước ngoài đều đưa tin và nhận định bản án tử hình
dành cho ông này là một nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Dương Chí Dũng là con trai của ông Dương Khắc Thụ, nguyên Đại tá Giám đốc
Công an Thành phố Hải Phòng trong thập niên 1970-1980. Các anh em của Dương Chí
Dũng đều công tác tại Công an Thành phố Hải phòng. Em trai là Đại tá Dương Tự
Trọng từng giữ chức vụ Phó Giám đốc CA Hải Phòng, sau đó được thăng cấp lên Cục
phó Cục Cảnh sát Quản lí Hành chính về trật tự xã hội và em rể, Nguyễn Bỉnh
Kiên, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, em gái là Băng Tâm cũng thuộc
Công an PC 25 Hải Phòng.
Trước khi làm lãnh đạo Vinalines, Dương Chí Dũng đã từng quản lý Tổng Công
ty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco), một đơn vị bị thua lỗ nặng. Ông Dũng được bổ
nhiệm chức Tổng giám đốc Vinalines từ tháng 8/2005 đến tháng 7/2011, ông còn được
bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty này.
Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng đã phát hiện những sai phạm trong việc
thực hiện lắp đặt ụ nổi thuộc dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía
nam. Tháng 2/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định khởi tố bắt tạm giam 4
bị can có liên quan đến hành vi tham ô tài sản. Trong số này có Trần Hải Sơn -
Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.
Theo đó, các bị can này đã có dấu hiệu nâng giá vật tư, quyết toán khống
trong việc sửa chữa ụ nổi để chiếm đoạt số tiền trên 2,5 tỉ đồng. Trong quá
trình điều tra, Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng đã phát hiện có nhiều dấu
hiệu sai phạm trong việc đầu tư dự án nói chung và mua sắm ụ nổi nói riêng.
Theo điều tra của Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng, khi chưa được Thủ tướng
phê duyệt thì ngày 27/6/2007, Chủ tịch HĐQT Vinalines đã ký quyết định phê duyệt
dự án nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư
3.854 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã bị đội lên thành 6.489 tỉ đồng.
Tương tự, việc mua sắm ụ nổi cũng đã bị đội giá lên gấp đôi so với dự toán
ban đầu. Vinalines đã tự ý quyết định đầu tư khi chưa được Bộ Giao thông Vận tải
cập nhật dự án vào quy hoạch và dự án này cũng chưa trình Thủ tướng Chính phủ
xem xét quyết định.
Ngày 18/5/2012, sau khi ra quyết định khởi tố, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã
làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, ngay sau đó Bộ này đã có quyết định đình chỉ
công tác với Dương Chí Dũng. Ngày 19/5/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra
quyết định truy nã đối với ông Dương Chí Dũng khi đương sự bỏ trốn khỏi Việt
Nam.
Theo nhận định của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an “đây là vụ án gây
thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, có tính chất phức tạp, gây nhức
nhối trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ Việt
Nam”.
Dương Chí Dũng (giữa) và 9 đồng phạm trong vụ đại án tham nhũng ở Vinalines
(Ảnh TTXVN)
Các hình thức đưa và nhận hối lộ truyền thống ngày nay còn có những biến tướng
khó lường. Người ta muốn nói đến hình thức hối lộ “phi vật chất”, chẳng hạn như
“hối lộ tình dục”, người đưa hối lộ bằng cách phục vụ tình dục để mong đạt được
lợi ích. Một cô gái trẻ thích hào quang của thế giới showbiz chọn con đường sẵn
sàng hiến dâng thân xác cho một ông bầu show tên tuổi để đạt được “tham vọng”.
Người ta cũng có thể hối lộ bằng cách cung cấp thông tin cho “sếp” để mưu cầu
lợi ích cá nhân, người nhận hối lộ cũng nhận được lợi ích từ thông tin được
cung cấp, chẳng hạn như tiết lộ bí mật thương mại trong cạnh tranh, thông tin
“mật” về các vụ án hoặc các tin tức về thăng quan tiến chức, thuyên chuyển hoặc
“giảm biên chế”…
Còn có một hình thức khác, tạm gọi là “hối lộ thành tích” giữa cấp trên và
cấp dưới trong cùng hệ thống, cùng ngành. Người đưa hối lộ cố ý chuyển thành
tích công việc của mình cho cấp trên hưởng lợi hoặc có trường hợp cấp trên muốn
được thăng chức cao hơn nên cố ý chiếm thành tích của nhân viên. Thường thì khi
được thăng chức cao hơn, cấp trên sẽ điều động cấp dưới lên vị trí cao hơn, có
lợi hơn, và như vậy việc tham nhũng-hối lộ được dựa trên nguyên tắc… hai bên
cùng có lợi.
Những dịp đặc biệt như ngày Tết, trung thu, sinh nhật, cưới hỏi cũng là cơ
hội tốt để hối lộ một cách… công khai. Quà cáp tặng trong dịp này thường là những
món “trên mức bình thường” nhằm mục đích hối lộ. Việc trao đổi này thực sự mang
lại lợi ích lớn đối với cả hai phía cho & nhận và cái mà cả hai mất là
không đáng kể so với những gì họ cho hoặc nhận.
Chẳng hạn người hối lộ bỏ ra 10 triệu để có thể được ưu tiên khai thác khu
đất tốt, sinh lời đến 100 triệu, trong khi người nhận hối lộ “chẳng mất gì”,
hay đúng ra họ tự hiểu khi nhận 10 triệu mình sẽ “chiếu cố” người đưa hối lộ và
như vậy cái mà họ mất đi chính là danh dự, uy tín, đạo đức của chính mình.
Mặt khác, hành vi trao đổi “lợi ích” giữa hai người đã ảnh hưởng đến lợi
ích chung của cả xã hội. Hành động hối lộ này rõ ràng là “gian lận” vì lợi dụng
“mối quan hệ ràng buộc” đã cướp lấy cơ hội đáng lẽ ra của người khác.
Phong bì hối lộ
Từ bao đời nay, người Việt có truyền thống tặng quà tết như rượu chè, bánh
trái để bày tỏ mối thân tình vì thực lòng quý mến nhau. Giá trị vật chất của những
món quà này chẳng đáng là bao nhưng cái giá trị tinh thần mới là điều quan trọng.
Nhìn qua khía cạnh đạo đức, đây là một hình thức biểu thị tình cảm giữa người
cho và kẻ nhận.
Tuy nhiên, khi nhận một bao gạo thơm đầu mùa của gia đình đứa học trò nhà
giàu đem biếu thì thầy giáo phải chăng đã nhận của lễ trá hình? Khi bác sĩ nhận
một chục hột gà của thân nhân bệnh nhân đem biếu ta có gọi đó là “đút lót” hay
không? Ranh giới giữa quà biếu và quà hối lộ thật mong manh khiến người nhận
luôn cảm thấy lương tâm áy náy.
Thời nay lại khác, quà tết lại là phong bì, thậm chí là cả một số tiền lớn
chuyển vào tài khoản. Hành động lách luật này vô hình dung có điều kiện để tồn
tại công khai, và ảnh hưởng xấu của nó lại được che giấu đi khiến lợi ích của
xã hội bị tổn hại.
Hành vi tặng quà tết nhằm mục đích hối lộ vẫn xảy ra ngày càng mạnh mẽ hơn
đang gây tổn hại lớn hơn. Có khi nó còn là hành động “ăn cắp” một cách trắng trợn
qua việc mua chuộc và tham ô tiền bạc và tài sản của người khác.
Một nghiên cứu cho thấy số người sử dụng phong bì trong dịch vụ y tế tăng gấp
đôi trong vòng ba năm, từ 13% (năm 2007) lên đến 29% (năm 2010). Năm 2012, kết
quả cuộc khảo sát được công bố bởi Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ của
Việt Nam (được thực hiện bởi Cục Chống tham nhũng) cho thấy 76% những người đút
phong bì là tự nguyện và 21% là do được gợi ý.
Phong bì & Bệnh viện
Tại Việt Nam, việc cấm tặng quà cấp trên không phải là điều mới lạ nhưng việc
kiểm soát không nghiêm nên vẫn tiếp diễn, thậm chí có khả năng tăng dần trong mấy
năm qua, nhất là vào các dịp đặc biệt như lễ tết...
Nhiều người thắc mắc, từ trước đến nay chỉ cấm có một “vế”, tức là cấm người
biếu, còn vế thứ hai không cấm, đó là người nhận. Có người lại thắc mắc, “Cấm tặng
quà cho sếp chứ đâu có cấm tặng vợ và người thân của sếp?”.
Nhìn chung, tham nhũng và hối lộ là một hoạt động được thực hiện như một
“giao dịch ngầm” giữa người cho và kẻ nhận. Mà đã là “kín đáo” thì làm sao con
mắt của pháp luật có thể soi mói được, trừ khi bị phanh phui, điều tra…
Một cái bắt tay… bằng đống Euro
Trên tờ Tiền Phong, Đại bểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Lê Như Tiến, cũng cho
rằng, bây giờ quà trở thành giá trị vật chất lớn. Có người ngày Tết tặng quà
nhau mấy chục ngàn đô la Mỹ, tặng chai rượu ba bốn mươi năm, trị giá hàng chục
triệu đồng hoặc quà vật chất trị giá hàng trăm triệu đồng.
Ông lý giải: “Quà chỉ còn mang ý nghĩa vật chất, sự trả ơn cho những thứ
anh đã cho tôi như đã thăng chức, đã tạo điều kiện cho tôi làm ăn. Đấy là sự trả
ơn mang tính chất vụ lợi, là một loại lợi ích nhóm”.
Một quan chức cấp cao trong chính phủ nói, “Riêng vấn đề nhận quà trong dịp
lễ Tết, tôi nghĩ không còn cách nào khác là bản thân lãnh đạo phải tự cảnh
giác, nghiêm túc thực hiện quy định cấm từ cấp cao xuống các địa phương. Bên cạnh
đó cần phát huy hơn nữa sự giám sát của nhân dân, cơ quan cũng cần tăng cường
kiểm soát cán bộ”.
Nói thì rất dễ nhưng làm thế nào để biến những lời nói thành hành động cụ
thể quả là một vấn đề nhức nhối từ ngàn xưa để lại.
Không đi chúc Tết người ta
Người ta tự ái khó mà an thân!
***
Chú thích:
[*] Đọc thêm về tác giả Vương Hồng Sển qua bài viết “Cà phê Sài Gòn Xưa
& Nay” tại
9 nhận xét:
nguoigia online04:40 13 tháng 1, 2014
Việt Nam ta...
Trả lời
Tien Hoang08:53 13 tháng 1, 2014
Hối lộ và tham nhũng là những sinh hoạt thường ngày, mọi nơi, mọi lúc, trên
khắp thế giới, không một phút ngừng nghỉ.
Người ta kêu gào, bài bác sinh hoạt này chỉ khi nào có một phe không hài
lòng, hay bị thiệt hại mà thôi.
Sau đó sinh hoạt lại bình thường trở lại, có khi còn bùng lên gấp bội.
Những ai muốn phá bỏ hay muốn loại nó ra ngoài vòng pháp luật, thì chỉ là
mơ tưởng mà thôi.
Tiền tạo ra luật đấy....Ở Mỹ mấy chục năm rồi chắc nghiệm ra chứ............
Trả lời
Duy Nguyen09:54 14 tháng 1, 2014
Hối lộ để được cái lẽ ra mình phải được nhân . VD tiền lót tay trong Bệnh
Viện ; có lẽ phải đặt tên loại tiền này .
Trả lời
TTM Gốc Mai11:16 14 tháng 1, 2014
Một bài viết rất công phu. Hối lộ và tham nhũng ở đâu cũng có, và nó có từ
ngàn năm xưa thông qua việc đi triều cống của nước nghèo cống cho nước giàu, của
các nước phụ thuộc đi cống cho nước hùng mạnh.. thông qua việc đi triều cống
này thì cũng có biết bao nhiêu là người liên đới cho tới khi phẩm vật vào được
cửa triều đinh... Ở Đài Loan đến Tổng thống cũng bị bắt vì tội hối lộ và tham
nhũng này.
Vì vậy, dù có đạo luật này nọ, nhưng những hành vi này sẽ vẫn tồn tại.. chỉ
là, nó tồn tại trong chừng mực hay trong nhũng nhiễu loạn lạc.. và cuộc sống của
người dân trong đất nước đó có quá đau khổ không? Phúc lợi nhân sinh có tốt
không? Trộm cướp cờ bạc giết người có lộng hành không?.. Do đó trách nhiệm chống
tham nhũng thuộc về toàn dân và người lãnh đạo đất nước, điều hành làm sao để
cuộc sống người dân ấm no hạnh phúc và bình yên thì đã là tốt rồi.
Trả lời
Trả lời
Ngoc Chinh Nguyen12:40 14 tháng 1, 2014
Đồng ý với những nhận xét của TTM Gốc Mai. Tham nhũng & Hối lộ ở thời đại
nào cũng có nhưng một trong những yếu tố khiến tệ nạn này ngày càng “nở hoa”
chính là “môi trường” để chúng phát triển. Nhìn chung, ở các nước Phương Tây tệ
nạn này không nhiều vì hệ thống pháp lý nghiêm minh, nhưng nếu có xảy ra thì lại
ở mức độ nghiêm trọng hơn tại các nước Phương Đông. Nói như vậy ta lại thấy
“trình độ dân trí” của mỗi quốc gia cũng góp một phần không nhỏ trong việc chống
Tham nhũng & Hối lộ. Người dân sống tại các nước Phương Tây không bao giờ
nghĩ đến chuyện hối lộ cảnh sát giao thông khi họ vi phạm luật lệ, ngược lại ở
Phương Đông lại được coi là điều bình thường vì tiền bỏ ra hối lộ vẫn còn thấp
hơn tiền nộp phạt…
Nói như các quan chức chống Tham nhũng & Hối lộ thì rất dễ… nhưng làm thế
nào để biến những lời nói thành hành động cụ thể quả là một vấn đề nhức nhối từ
ngàn xưa để lại và hình như sẽ còn tiếp diễn đến… ngàn sau!
Trả lời
Hồng Ngọc14:49 14 tháng 1, 2014
Chuyện tham nhũng và hối lộ nghe đã nhiều nhưng đến nay mới có một bài viết
khá đầy đủ và công phu. Cám ơn anh Chính.HN nghĩ đến mấy ý như sau: 1. Không chừng
người đặt bút ký UNCAC 19.8.2009 cũng là người nhận hối lộ? Không khéo còn nhận
nhiều là khác! 2. Qua bài này HN mới biết thêm một khái niệm: "hối lộ
thành tích". 3. Hình thức hối lộ ở VN ngày càng tinh vi, pháp luật không
thể nào trừng trị, nghĩa là người nhận vẫn an nhiên thụ hưởng nhưng thực tế tiền
này là mồ hôi nước mắt của bao người lao động, như vậy với người nhận, đây là một
thứ "của phù vân" và nếu anh không thì con cháu anh sẽ bị XỬ bởi luật
Trời! 4. Chữ "mãi lộ" anh dùng ở trên hình như không liên quan đến hối
lộ mà nó là một dạng tiền nộp cho người làm chủ/ tự mình nhận là chủ của một đoạn
đường (phí giao thông)? Anh xem lại thử nhé.
Trả lời
Trả lời
Ngoc Chinh Nguyen19:45 14 tháng 1, 2014
Đúng như anh HN nói, hiểu theo nghĩa xưa, mãi lộ là tiền phải nộp cho bọn
côn đồ, kẻ cướp mỗi khi qua một đoạn đường mà chúng hùng cứ, như ta thường thấy
trong các truyện Tầu như Thủy Hử ngày xưa.
Theo nghĩa ngày nay, mãi lộ chính là đồng tiền bất chính nhưng lại nhân
danh luật pháp để nhận từ người đi đường, những đồng tiền đó chạy vào túi riêng
của của nhân viên nhà nước, chẳng hạn như CSGT tham nhũng. Nếu hiểu theo nghĩa
này thì mãi lộ chính là đồng tiền hối lộ của người sử dụng các tiện nghi công cộng
như đường xá, cầu cống để đút lót cho những người có nhiệm vụ kiểm tra trên đoạn
đường đó.
TTM Gốc Mai21:23 16 tháng 1, 2014
Năm vừa rồi, lúc con trai xuống xuất trình giấy tờ do.. điều khiển xe qua
ngã tư mà đi thẳng, trong khi xe đi trước và sau thì không thấy bạn của dân ngoắc
vào? M ngồi ghế trên nhìn qua kiếng chiếu hậu của xe hơi thấy hình ảnh
"mãi lộ" đó nên có chụp vài tấm hình, hình ảnh của hai người nằm gọn
trong kiếng chiếu hậu xe mà M cho là "đẹp" nhất.
Trả lời
quà tết 201413:12 15 tháng 1, 2014
cũng tại ng ta thích đưa hối lộ nên mới có tham nhũng
Trả lời
No comments:
Post a Comment