Những phương tiện di chuyển đã đi vào dĩ vãng
(2/5)
Xe kéo
Tìm hiểu về lịch sử của chiếc
xe kéo, người ta cho rằng loại xe này đã ra đời vào đầu kỷ nguyên Minh Trị tại
Nhật Bản, vào khoảng năm 1869. Hồi đó, những gia đình khá giả có thể tậu một
chiếc xe do người làm kéo đi những lúc cần di chuyển, thay vì phải đi bộ.
Theo Wikipedia, xe kéo - tiếng
Anh là Rickshaw, tiếng Pháp là Pousse-Pousse - bắt nguồn từ tiếng Nhật
“Jinrikisha” trong đó ghép bởi “jin” (con người, nhân), “riki” (sức lực) và
“sha” (xe). Như vậy, “Jinrikisha” là loại xe chạy bằng sức kéo của con người.
Xe kéo xưa trên bưu ảnh của
Nhật Bản
Bắt đầu từ năm 1870, chính
quyền thành phố Tokyo cấp giấy phép sản xuất và bán xe kéo cho 3 người được coi
là nhà sáng tạo phương tiện vận chuyển “tân kỳ” này: Izumi Yosuke, Takayama
Kosuke và Suzuki Tokujiro. Để được phép hoạt động tại Tokyo, xe kéo phải được
đóng dấu cho phép của 3 nhà phát minh này.
Xe kéo tại Nhật năm 1897
Đến năm 1872 có khoảng
40.000 xe kéo hoạt động tại các thành phố lớn ở Nhật và đây cũng là phương tiện giao thông chính
trong cả nước. Vào thời đó, sức người rẻ hơn nhiều so với sức ngựa nên ngựa chỉ
được dùng cho các hoạt động mang tính cách quân sự. Nguồn nhân lực cho xe kéo
là những nông dân từ thôn quê ra thành thị kiếm sống, tính ra mỗi ngày họ phải
chạy từ 30 đến 40km với tốc độ trung bình 8km một giờ.
Phu xe kéo tại Nhật
Xe kéo lần lượt xuất hiện tại
các thành phố châu Á như Trung Hoa (1873), Singapore (1880), Việt Nam (1883) và
vào cuối thế kỷ thứ 19 tại Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Indonesia, Hồng Kông, Triều
Tiên… Nói chung, xe kéo có mặt khắp lục địa Á Châu là nơi có dân số đông nhất
thế giới và cũng là nơi có trình độ phát triển kém hơn châu Âu, châu Mỹ.
Xe kéo tại Ấn Độ
Năm 1883, chiếc xe kéo, hay
còn gọi là xe tay tại miền Bắc, xuất hiện lần đầu tiên tại Hà Nội do Thống sứ
người Pháp, Jean Thomas Raoul Bonnal, cho đem từ bên Nhật qua. Xe kéo Hà Nội xuất
hiện một năm sau chiếc xe hơi đầu tiên tại Âu Châu và một năm trước xe tramway,
một loại xe do ngựa kéo. Gần 15 năm sau, Sài Gòn mới biết tới loại xe này.
Hình ảnh xe kéo là một trong
những sắc thái đặc thù của Đông Dương được họa sĩ Adrien Marie vẽ trong một bức
tranh cổ động cuộc đấu xảo năm 1889 tại Pháp
Lịch sử phát triển xe kéo tại
Việt Nam bắt đầu từ năm 1884 khi một nhà thầu người Pháp cho sản xuất khoảng 50
chiếc xe cung cấp cho cả miền Bắc, khi đó còn gọi là Tonkin. Từ đó, chiếc xe
kéo dần dần trở nên quen thuộc tại Hà Nội và chỉ dành cho những người có chức,
có tiền sử dụng làm phương tiện di chuyển trong khi đi bộ vẫn là phương tiện
chính của đại đa số dân chúng.
Ngồi trên xe kéo nói lên cho
sự giàu có và uy quyền của người Pháp và các gia đình quyền quý người bản xứ
nhưng trước đó các tiểu thư khuê các Hà Thành thường ít khi dùng đến xe kéo vì
sợ hiểu lầm là… Me Tây. Thời đó, phụ nữ người bản xứ khi lấy người Pháp tại thuộc
địa thường bị mỉa mai là “Me Tây” cũng như sau này ở Sài Gòn có một số người bị
gán cho “danh hiệu”… “Me Mỹ” khi họ kết hôn với người Mỹ.
Xe kéo trước khách sạn
Metropole (đường Henri Rivière), Hà Nội
Một hãng cho thuê xe kéo sau
đó được thành lập tại Hà Nội. Những chiếc xe kéo đầu tiên có bánh xe bằng sắt,
chạy không êm nhưng hành khách phải giữ chỗ trước một ngày nếu muốn được thuê.
Dần dà, bánh xe kéo được bọc cao su nên khi chạy êm hơn và loại xe bánh sắt chuyển
ra các vùng ngoại ô.
Cuộc cách mạng “bánh xe” đã
phân chia thành hai loại khách sử dụng: loại bánh cao su được dành cho giới
quan chức thuộc địa và gia đình trong khi loại bánh sắt dành cho giới trung lưu
người bản xứ.
Xe kéo Hà Nội (1900)
Ngay cả những xe kéo với
bánh cao su cũng chia ra làm hai loại, loại bình thường và loại của hãng OMIC.
Loại nầy có chổ ngồi bằng nhôm trắng bóng và có nệm lò xo cũng được bọc vải trắng,
dĩ nhiên đi xe loại nầy thì mắc tiền hơn là đi xe loại thường.
Hình ảnh về các quan lại,
binh lính, chức dịch… thời đại phong kiến dưới triều đại phong kiến qua góc
nhìn của các nhiếp ảnh gia người Pháp khi họ đến Đông Dương trong đó có Việt
Nam cho thấy một cái nhìn đầy đủ về một thời kỳ đã kéo dài ở Việt Nam dưới thời
Pháp thuộc.
Hãng xe kéo Hà Nội
Chiếc xe kéo được coi là biểu
tượng của sự phân biệt giai cấp giữa người lao động phải dùng sức mình để kiếm
miếng cơm manh áo và hành khách ngồi phía sau là giới quyền quý, giàu sang.
Truyện ngắn Người ngựa – ngựa người của Nguyễn Công Hoan đã nói lên cuộc đời cơ
cực của người kéo xe, còn được gọi bằng “cu-li”, giữa khung cảnh đêm 30 Tết.
Truyện kể anh phu xe đói
khách trong đêm giao thừa gặp phải một cô khách tân thời tưởng lắm tiền ai ngờ
lại quá keo kiệt, chỉ trả hai hào cho một giờ bao xe. Anh kéo xe giờ cho nên cũng
chỉ chạy tà tà, theo cách Nguyễn Công Hoan mô tả: “đít nhổm mạnh, mà bước ngắn”.
Truyện chỉ có 2 nhân vật và
người đọc thoạt đầu cứ tưởng như thuộc hai giai cấp khác nhau nhưng cuối cùng cũng
nhận ra họ chỉ là “người ngựa” kéo phía sau là “ngựa người”, một “bà” khách lại
là một cô gái “ăn sương” thuê xe kéo để đi kiếm khách trong đêm giao thừa. Đã
không có tiền trả anh xe kéo, “bà” khách lại còn mượn anh hai hào để mua gói
thuốc lá, bao diêm và cả hạt dưa để cắn!
Anh phu xe thì hí hửng khi
giờ khắc giao thừa đến gần: “Mười lăm phút nữa, mình sẽ có sáu hào. Sáu hào với
hai hào là tám. Thế nào ta cũng nài thêm bà ấy mở hàng cho một hào nữa là chín.
Chín hào! Mở hàng ngay từ lúc năm mới vừa đến. Thật là may! Mới năm mới đã phát
tài! Thôi, sang năm tất là làm ăn bằng mười bằng trăm năm nay”.
Xe kéo Hà Nội
Nguyễn Công Hoan dẫn người đọc
đến một đoạn thật hấp dẫn sau khi anh phu xe đã kéo “bà” khách đi khắp phố phường
Hà Nội gần 2 giờ đồng hồ trong đêm giao thừa:
- Này, anh đỗ xuống tôi bảo.
Tôi nói thực với anh nhé. Bây giờ đã về sáng rồi, chắc anh kéo tôi mãi cũng đến
thế mà thôi. Tôi thì thực không có tiền giả anh đâu. Tôi gán cho anh khăn, áo,
đồng hồ mà anh không lấy, thì tôi chả biết nghĩ thế nào cho phải cả. Thôi thì
anh kéo tôi ra chỗ kín, vắng, anh muốn bắt tôi gì tôi xin chịu.
- Tôi bắt gì cô mà tôi bắt!
Cô ả nắm lấy tay, vỗ vào vai
anh xe, nhăn nhở cười:
- Anh này thực thà quá, nghĩa
là chỉ có anh với tôi thôi, thì người tôi đây, anh muốn làm gì tôi cũng bằng
lòng.
- Ối thôi! Tôi lạy cô. Nhỡ
cô đổ bệnh cho tôi thì tôi bỏ mẹ tôi.
- Không sợ, tôi mới khám bệnh
hôm qua.
- Thôi, tôi chắp tay tôi van
cô, cô có thương tôi thì mời cô xuống xe cho tôi về, và xin cô tiền xe!
- Thế thì anh cứ kéo tôi về
nhà tôi, xem có đồ đạc gì đáng giá, thì anh cứ việc lấy.
Xe kéo trên đường Paul Bert,
ngày nay là phố Tràng Tiền, Hà Nội (1915)
Đến cửa một nhà săm, cô ả bảo
anh xe kéo ghé vào để hỏi vay tiền. Mệt lử nên trong khi chờ khách vay tiền anh
phu xe ngủ gật. Khi pháo giao thừa nổ vang anh mới tỉnh dậy. Vào hỏi thăm anh bồi
“săm” mới biết là cô gái đã chuồn mất bằng cổng sau. Và đây là đoạn kết:
“Anh xe nghiến răng, cau mặt,
lủi thủi ra hè, cầm cái đệm quật mạnh vào hòm đánh thình một cái! Anh móc túi lấy
bao diêm đốt vía, rồi khoèo bàn chân, co cái càng lên, đưa tay ra đỡ, thủng thẳng
dắt xe đi… Tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng toạch toạch”.
Phu xe “đói” khách
Như đã nói ở phần trên, Sài
Gòn xưa vào năm 1898 mới làm quen với xe kéo, khoảng gần 15 năm sau Hà Nội. Lý
do cũng dễ hiểu là xứ thuộc địa chính thức của người Pháp có phương tiện di
chuyển duy nhất là những chiếc xe do ngựa kéo mà người Pháp gọi là “Malabar”
hay “Boîte d’allumettes” (vì xe có dáng dấp như một hộp diêm).
Một đặc điểm của xe kéo Sài
Gòn vào đầu thập niên 1920 là mỗi chiếc đều được cấp phát số xe gồm 4 chữ số để
dễ kiểm soát khi lưu thông, trong khi đó, xe kéo Hà Nội không có. Dưới đây là một
số hình ảnh về xe kéo tại miền Nam:
Xe kéo và xe ngựa trước chợ
Bến Thành đầu thập niên 1920
Xe kéo và xe hơi trước “Hôtel de Ville”
Xe kéo trước Nhà hát Thành
phố
Xe kéo trước Nhà thờ Đức bà
Xe kéo trên đường Catinat
(ngày nay là Đồng Khởi)
Xe kéo trong Chợ Lớn
Phụ Lục:
Phần này đáng lẽ đăng ở
trong bài “Phương Tiện Di Chuyển: Kiệu, Võng”. Khỉ đăng bài tôi quên nên bỏ ở
đây để quý vị thưởng thức lại hai câu:
…Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe…
Chùa Hương Thơ của Nguyễn Nhược Pháp
1 nhận xét:
Hồng Ngọc09:29 28 tháng 8,
2013
Việc trích dẫn truyện ngắn
"Ngựa người, người ngựa" (Nguyễn Công Hoan) vào bài nghiên cứu này quả
là chỗ thể hiện công phu dụng tâm và tài năng của anh Chính. Nó không những làm
giảm sự khô cứng hàn lâm bắt buộc của đề tài loại này mà ngược lại, nó làm tăng
tính văn học cho bài viết, dùng văn học để vẽ lại thời sự quá khứ (miêu tả sự
kiện lịch sử). Hoan hô anh.
PS: Rất lâu sau này, hiếm thấy
một tấm hình Nhà thờ Đức Bà nào đẹp như hình đăng trong bài này!
Trả lời
No comments:
Post a Comment