Saturday, February 23, 2019


Bàn về… “Nghề Cai Trị” (1/4)

“Nghề Cai Trị” (1)

“Không ai dám hành nghề mà mình chưa học qua, thế mà ai cũng nghĩ mình có đủ khả năng cho một nghề khó nhất trong các nghề: đó là “Nghề Cai Trị”

Trên đây là nhận xét của Socrates [1] từ thời Hy Lạp cổ đại mà chúng tôi tạm dịch từ tiếng Anh: “No man undertakes a trade that he has not learned; yet everyone thinks himself sufficiently qualified for the hardest of all trades: that of Government”. Từ ngữ “Government” được dịch thành “Nghề Cai Trị” cho hợp với ngữ cảnh của câu nói.

Đúng ra thì “Government” có nghĩa chính xác là “Chính Phủ” trong tiếng Việt, có xuất xứ từ một thuật ngữ của Trung Quốc: 政府. Thu xa xưa, vào thời Đường và Tống bên Tàu, từ ngữ này hàm ý các tể tướng điều hành và xử lý từ chuyện quốc sự đến dân sự. Sau này, từ ngữ “Chính Phủ” được dùng để chỉ cơ quan thi hành quyền lực quốc gia hay còn gọi là cơ quan hành chính quốc gia.

Từ ngữ “Chính Phủ” trong ngôn ngữ của các nước phương Tây có xuất xứ từ gốc tiếng Hy Lạp “Κυβερνήτης” (kubernites) với nghĩa “người lái tàu” (steersman), người chủ quản (governor). Từ đó, tiếng Anh gọi là “Government”, tiếng Pháp “Gouvernement”, tiếng Đức “Regierung”…

Phạm vi bài viết này chỉ bàn về những điểm nổi bật, bao gồm thành tựu cũng như thất bại của “nhà cai trị” trong các chính phủ Việt Nam kể từ ngày được độc lập, thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp cho đến ngày nay. 

Chính phủ đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam cận đại là Nội các Trần Trọng Kim [2] của Đế quốc Việt Nam, được thành lập ngày 17/4/1945. Nội các này được Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam, phê chuẩn và ra mắt quốc dân ngày 19/4/1945 [3].

Trong danh sách nội các, đứng đầu với chức vụ Thủ Tướng là ông Trần Trọng Kim, nhà sử học. Phó Tổng trưởng Nội các kiêm Bộ trưởng Ngoại giao là ông Trần Văn Chương, luật sư và cũng là thân phụ của bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông Ngô Đình Nhu trong chính phủ Đệ nhất Cộng Hòa, thời kỳ 1955-1963. Ông Chương sau này cũng có một thời gian làm Đại sứ VNCH tại Mỹ thời Đệ Nhất Cộng hòa.

Trần Trọng Kim (1882-1953)

Đáng chú ý trong nội các Trần Trọng Kim còn có một số tên tuổi nổi bật, họ đảm nhận trách nhiệm của những “nhà cai trị” như ông Hoàng Xuân Hãn, Thạc sĩ Toán, giữ chức vụ Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ nghệ; ông Trịnh Đình Thảo, luật sư, Bộ trưởng Tư pháp (ông Thảo sau này là Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); ông Kha Vạng Cân, kỹ sư, làm Đô trưởng Sài Gòn, sau này làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Điểm qua danh sách nội các Trần Trọng Kim ta thấy các thành viên đều là những trí thức khoa bảng, người chuyên môm về ngành nghề nào thì giữ trọng trách đứng đầu cơ quan thuộc ngành nghề đó. Đáng tiếc một điều là thời gian tồn tại của nội các này quá ngắn, không đủ để các “nhà cai trị” thi thố tài “an bang, tế thế” trong bối cảnh một nước Việt Nam hãy còn son trẻ.

Về hình thức, điểm nổi bật của chính phủ Đế quốc Việt Nam khác hẳn cái mà sau này chúng ta gọi là nội các của một thể chế chính trị theo Chủ nghĩa Toàn trị [3], trong đó điều tiên quyết để chọn các thành viên trong nội các phải là người thuộc đảng cầm quyền.


Cờ quẻ Ly của chính phủ Đế quốc Việt Nam, 9/3/1945 – 22/8/1945

Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại trong 5 tháng sau vụ mà một số nhà sử học gọi là “cướp chính quyền” của Việt Minh để thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 8/1945. Khi đó, giữa tình hình quân Nhật đầu hàng Đồng minh, Mặt trận Việt Minh đã thu hút nhiều đảng phái và nhanh chóng cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim.

Tại một số khu vực, khi mặt trận Việt Minh cướp chính quyền còn xảy ra xung đột với các các nhóm vũ trang của Đại Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng dù các bên đều cùng theo đuổi mục tiêu buộc Đế quốc Việt Nam bàn giao chính quyền cho họ. Việt Minh gọi đây là cuộc “Cách mạng tháng Tám”, lấy 2/9/1945 là ngày tuyên bố độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và họp phiên chính thức đầu tiên vào ngày hôm sau.

Chính phủ do Việt Minh lập ra trên cơ sở cải tổ Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam được Đại hội Quốc dân ngày 16 và 17/8/1945 tại Tân Trào thành lập. Danh sách chính phủ do ông Hồ Chí Minh [5] thuộc đảng Cộng Sản Đông Dương làm Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.

Những thành viên nội các thuộc đảng Cộng Sản Đông Dương gồm các ông Chu Văn Tấn (Bộ trưởng Quốc phòng), Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Nội vụ, kiêm nhiệm Thứ trưởng Quốc phòng), Trần Huy Liệu (Bộ trưởng Tuyên truyền), Phạm Ngọc Thạch (Bộ trưởng Y tế)…

Những người thuộc đảng Dân Chủ là các ông Vũ Đình Hòe (Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục), Dương Đức Hiền (Bộ trưởng Thanh niên) và những người không đảng phái gồm các ông Nguyễn Mạnh Hà (Bộ trưởng Quốc dân Kinh tế), Đào Trọng Kim (Bộ trưởng Giao thông Công chính) và Nguyễn Văn Tố (Bộ trưởng Cứu tế Xã hội).

Sau khi có sự thương lượng giữa Việt Minh với Việt Quốc và Việt Cách, chính phủ Cách mạng Lâm thời tồn tại đến hết năm 1945 và Chính phủ Liên hiệp Lâm thời chính thức được lập ra ngày 1/1/1946. Cựu hoàng Bảo Đại và Giám mục Lê Hữu Từ được mời làm Cố vấn Tối cao Chính phủ VNDCCH.


Cờ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn

Chính phủ non trẻ của ông Hồ Chí Minh có một số điểm son đáng ghi nhận với chiến lược chống “3 thứ giặc”: giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm. Về “giặc dốt”, những “nhà cai trị” chủ trương xóa nạn mù chữ bằng cách mở các lớp “Bình dân Học vụ”. Tháng 9/1945 ông Hồ Chí Minh viết thư gửi học trò nhân ngày khai trường có đoạn viết:

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Để diệt "giặc đói", ngoài việc kêu gọi tăng gia sản xuất, ông đề nghị đồng bào “cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa” để đem số gạo tiết kiệm được cứu dân nghèo. Ngoài ra, trong năm 1945, chính phủ khuyến khích người dân đóng góp vào ngân sách quốc gia qua “Tuần Lễ Vàng” nhằm tháo gỡ sự khó khăn tài chính của đất nước. Theo thống kê, “Tuần Lễ Vàng” đã quyên góp được tổng cộng 20 triệu đồng (tiền thời kỳ đó) và 370 kilôgam vàng.

Để đối phó với giặc ngoại xâm, chính phủ của ông Hồ Chí Minh thi hành một chính sách đối ngoại mềm dẻo và nhẫn nhịn. Ông nói: “Chính sách của ta hiện nay là chính sách Câu Tiễn, nhưng nhẫn nhục không phải là khuất phục”.


Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình

Ngoài một số thành tựu nhất định như đã nói ở trên, Chính phủ VNDCCH trong suốt thời gian nắm quyền đã phạm phải những sai lầm đáng tiếc. Trước tiên phải nói đến chính sách cải cách ruộng đất tại miền Bắc trong khoảng thời gian từ 1953-1956 mà ông Hồ Chí Minh đã hết lời ca tụng:

“Luật cải cách ruộng đất của ta chí nhân, chí nghĩa, hợp lí hợp tình, chẳng những là làm cho cố nông, bần nông, trung nông ở dưới có ruộng cày, nhưng đồng thời chiếu cố đồng bào phú nông, đồng thời chiếu cố đồng bào địa chủ".

Trưởng ban chỉ đạo “cải cách ruộng đất” là Trường Chinh, khi đó giữ vai trò Tổng Bí Thư Đảng. Chương trình cải cách ruộng đất được áp dụng qua bốn bước chính: (1) Huấn luyện cán bộ; (2) Chiến dịch giảm tô; (3) Chiến dịch cải cách ruộng đất; và (4) Chiến dịch sửa sai.

Trên lý thuyết, những người theo chủ nghĩa cộng sản cho rằng phải cải cách ruộng đất để lập lại công bằng xã hội, đồng thời thiết lập nền chuyên chính vô sản nhằm tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách nhanh chóng. Trong bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (Manifesto), Karl Marx đã tuyên bố: "Cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc".

Tại miền Bắc, luật cải cách ruộng đất dựa theo mô hình "Thổ địa Cải cách" của Trung Quốc trong thời gian 1946–1949 với sự cố vấn trực tiếp của các cán bộ đến từ Trung Quốc. Nhìn chung, sau 3 năm tiến hành, cuộc cải cách trên nguyên tắc đã phân chia lại ruộng đất cho đa số nông dân miền Bắc, xóa bỏ giai cấp địa chủ phong kiến. Tuy nhiên, việc áp đặt các biện pháp rập khuôn từ cải cách ruộng đất của Trung Quốc đã gây ra nhiều phương hại và tổn thất.

Tổng cộng có 6 đợt cải cách ruộng đất. Từ cuối năm 1954, dưới sức ép của cố vấn Trung Quốc, chiến dịch cải cách ruộng đất bắt đầu được đẩy mạnh và nhanh. Từ giữa năm 1955, ở một số nơi đã xuất hiện hiện tượng đấu tố tràn lan đến độ mất kiểm soát. Cuối năm 1955, đấu tố địa chủ nhiều lúc chỉ đơn thuần vào một lời tố giác nào đó, trong khi những thành viên thuộc “tòa án nhân dân” có toàn quyền xử tử hình hay phạt tù khổ sai đối với người bị tố giác.

Đã xuất hiện tình trạng lạm dụng quyền hành của các cán bộ đội viên đội công tác ruộng đất. Họ đấu tố mọi nhà, đấu tố mọi người, nhưng lại quên đấu tố bản thân. Số người bị quy oan, bị xử lý sai chiếm tỷ lệ rất cao. Quyết liệt nhất là ở Thái Bình, nơi có đến 294 xã được đưa vào cải cách.

Trường hợp nổi bật là án tử hình bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội, mẹ nuôi của Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh, có con trai một là trung đoàn trưởng một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trước đó, trong “Tuần Lễ Vàng”, gia đình bà Năm đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập.

Trường hợp Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, nguyên Tư lệnh Mặt trận Hà Nội năm 1946 và là Chủ tịch Ủy ban Quân quản Hà Nội, bị các cán bộ cải cách bắt ở ngoại thành Hà Nội vì có người đấu tố ông là "địa chủ, có xuất thân là tư sản, lập trường chính trị không rõ ràng".

Cuộc cải cách đi kèm với chiến dịch đấu tố đã gây ra không khí căng thẳng tại nông thôn, tác hại đến sự đoàn kết dân tộc và ảnh hưởng tới niềm tin của một số tầng lớp nhân dân với Đảng Lao Động Việt Nam.


Cờ VNDCCH

Suốt 1 năm sau đó, chính phủ VNDCCH đã phải tổ chức chiến dịch nhận khuyết điểm và sửa sai, phục hồi danh dự và tài sản cho các trường hợp oan sai, cũng như cách chức nhiều cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm về những sai lầm này. Đề cương báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10, tháng 10/1956 đã xác nhận:

“Tư tưởng thành phần chủ nghiã trong cải cách ruộng đất có tư tưởng nông dân, đặt bần cố nông lên trên tất cả, thậm chí đặt bần cố nông lên trên Đảng… Tư tưởng tả khuynh trong cải cách ruộng đất đã chớm nở lúc đầu; nó đã đưa đến chỗ học tập kinh nghiệm nước bạn [Trung Quốc] một cách máy móc và không chiụ điều tra nghiên cứu đầy đủ tình hình xã hội ta để định chủ trương chính sách cụ thể cho thích hợp…

Trong lúc thi hành thì một mực nhấn mạnh chống hữu khuynh trong khi những hiện tượng tả khuynh đã trở nên trầm trọng… từ khu trở xuống thì hệ thống cải cách ruộng đất trở nên một hệ thống ở trên cả Đảng và chính quyền. Tác phong độc đoán chuyên quyền, do đó mà trở nên phổ biến, không đi theo đường lối quần chúng, mà thực tế đã trấn áp quần chúng, nhẹ tuyên truyền giáo dục, buộc quần chúng làm những điều trái với ý muốn, với lương tâm của họ, có khi trái với chân lý và chính nghĩa.”

Thống kê cho biết đến tháng 9/1957, chiến dịch sửa sai đã phục hồi danh dự và trả lại tài sản cho khoảng 70-80% số người bị kết án. Theo báo Nhân Dân, bản thân chiến dịch sửa sai cũng gây thêm chết chóc khi những người được phục hồi trả thù những người đã đấu tố họ, hoặc chưa kịp trả thù thị bị thủ tiêu trước để tránh việc trả thù.

Theo dư luận quốc tế, số lượng người bị giết dao động khá lớn: (1) Tuần báo Time, ngày 1/7/1957, cho biết khoảng 15.000 người đã bị xử tử; (2) Theo Gareth Porter có từ 800 đến 2.500 người; (3) Theo Edwin E. Moise con số này vào khoảng 5.000; và (4) Theo giáo sư sử học James P. Harrison số người bị xử tử khoảng 1.500 cộng với 1.500 người bị cầm tù.


Đấu tố (1955)

Tục ngữ Việt Nam có một câu vừa khôi hài lại vừa thâm thúy: “Gậy ông đập lưng ông”. Đó là trường hợp bức công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai ngày 14/9/1958 với nội dung nguyên văn như sau:

“Thưa đồng chí Tổng lý

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.

Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.


Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Trước đó, vào năm 1956, Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm của VNDCCH còn đưa ra nhận định trước Đại biện Lâm thời của Trung Quốc rằng “Hoàng Sa và Trường Sa về mặt lịch sử đã thuộc về lãnh thổ Trung Quốc”. Đây chính là “lá bài tẩy” mà Trung Quốc sử dụng trong cuộc “tranh chấp” về Biển Đông sau này khi họ nói:

“Trong một tuyên bố chính thức vào năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng các đảo ở biển Nam Trung Hoa như là một phần của lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc, và sau đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng cũng bày tỏ sự thỏa thuận”

Năm 1958, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền kiểm soát của miền Nam cho nên cũng là một điều dễ hiểu khi những “nhà cai trị” miền Bắc công nhận đó là một phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc theo tinh thần… “quốc tế vô sản” giữa hai đồng minh trong khối Cộng Sản.

Điều trớ trêu là VNDCCH, vào thời điểm 1958, đã không thể ngờ rằng họ thâu tóm miền Nam vào năm 1975. “Gậy ông đập lưng ông” là ở chuyện bất ngờ đó. Sai lầm của công hàm năm 1958 tác hại đến những “nhà cai trị” thế hệ kế tiếp, dù họ đã cố gắng “đi dây”, bám theo “16 chữ vàng và 4 tốt” của Đặng Tiểu Bình để tìm sự an toàn.

Làm chính trị cũng cần phải có sự tiên liệu bên cạnh những yếu tố khác cần có như bản lĩnh, cương quyết, thông minh, dũng cảm theo “vương đạo”… thậm chí kể cả những thủ đoạn giảo quyệt, những lời nói mỵ dân, đạo đức giả theo “bá đạo”...

Xem ra, không phải bất cứ ai cũng có thể nhảy vào “nghề cai trị” như Socrates đã nói ở trên.


 Đặng Tiểu Bình và Hồ Chí Minh thuở còn là… “bạn vàng”

(Còn tiếp)

***
Phần thêm của Tôi về HCM:
1/ Độc Lập hay tay sai?
2/ HCM là gián-điệp Hồ quang:


Chú thích:

[1] Socrates hay Sokrates (469-399 TCN) là một triết gia người Hy Lạp cổ đại. Ông sinh ra tại thành phố Athens và đã sống vào một giai đoạn thường được gọi là thời hoàng kim của thành phố này.

Socrates được coi là nhà hiền triết, một công dân mẫu mực của thành Athens, ông là nhà tư tưởng nằm giữa giai đoạn "bóng tối" và "ánh sáng" của nền triết học Hy Lạp cổ đại. Socrates còn được coi là người đặt nền móng cho thuật hùng biện dựa trên hệ thống những câu hỏi đối thoại. Ông có tư tưởng tiến bộ, nổi tiếng về đức hạnh với quan điểm: “Hãy tự biết lấy chính mình” và “Tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả”.

Ông bị chính quyền kết tội làm bại hoại tư tưởng của thanh niên do không thừa nhận hệ thống các vị thần cũ được thành Athens thừa nhận và truyền bá các vị thần mới. Vì thế ông bị tuyên phạt “tự tử bằng thuốc độc”, mặc dù ông vẫn có thể thoát khỏi án tử hình này nếu như ông công nhận những cáo trạng và sai lầm của mình, hoặc là rời bỏ Athens. Nhưng với quan điểm "Thà rằng chịu lỗi, hơn là lại gây ra tội lỗi", ông kiên quyết ở lại, đối diện với cái chết 1 cách hiên ngang. Theo ông, sự thật còn quan trọng hơn cả sự sống.

Sinh thời ông không mở trường dạy học, mà thường coi mình là có sứ mệnh của thần linh, nên phải đi dạy bảo mọi người và không làm nghề nào khác. Socrates thường nói chuyện với mọi người tại các nơi công cộng, ông chấp nhận sống một cuộc sống nghèo túng. Học trò xuất sắc của ông là đại hiền triết Platon từng theo học trong 8 năm ròng.


Chân dung Socrates tại Bảo tàng Louvre (Pháp)

(Theo Wikipedia)

[2] Trần Trọng Kim (1882 – 1953) là một học giả danh tiếng, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sử học, văn học, tôn giáo Việt Nam với bút hiệu Lệ Thần. Ông cũng là Thủ tướng của Đế quốc Việt Nam (1945) và là Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam. Tác giả tác phẩm Việt Nam Sử Lược sinh tại làng Kiều Linh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, vợ ông là em gái nhà nghiên cứu văn học Bùi Kỷ.

Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, ông học chữ Hán từ nhỏ, năm 1897 ông học chữ Pháp tại Trường Pháp-Việt Nam Định. Năm 1900, ông thi đỗ vào Trường thông ngôn và đến 1903 thì tốt nghiệp. Năm 1904, ông làm Thông sự ở Ninh Bình. Năm 1905, ông qua Pháp học trường Thương mại ở Lyon, sau được học bổng vào trường Thuộc địa Pháp. Năm 1909, ông vào học trường Sư phạm Melun và tốt nghiệp ngày 31/7/1911 rồi về nước. Ông lần lượt dạy Trường trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường Hậu bổ và Trường nam Sư phạm.

Ông là nhà sư phạm mẫu mực, có uy tín trong xã hội, giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục thời Pháp thuộc như: Thanh tra Tiểu học (1921), Trưởng ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924), dạy Trường Sư phạm thực hành 1931, Giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1939). Từ thập niên 1910 đến thập niên 1940, ông cũng viết nhiều sách về sư phạm và lịch sử.

Sau khi Việt Minh giành được chính quyền và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Trần Trọng Kim lưu vong ra nước ngoài. Sau nhiều năm tháng ở Quảng Châu và Hồng Kông, ngày 6/2/1947, ông trở về Sài Gòn và sống tại nhà luật sư Trịnh Đình Thảo.

Người Pháp thu xếp cho ông trở về Sài Gòn để vận động thành lập chính phủ mới. Về đến Sài Gòn, ông nhận ra rằng những lời hứa hẹn của người Pháp là giả dối nên ông quyết định không tham chính. Năm 1948, ông qua Phnom Penh và sống với người con gái. Sau đó, ông lại trở về Việt Nam sống thầm lặng và mất tại Đà Lạt vào ngày 2/12/1953, thọ 71 tuổi.

Trần Trọng Kim được đánh giá là một học giả uyên thâm cả tân học và cựu học, là người tận tụy cho ngành giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, ông là người có tư tưởng bảo thủ và dân tộc - bảo hoàng. Phan Anh, Bộ trưởng Thanh niên trong Nội các của ông, nhận xét “Trần Trọng Kim là một người yêu nước nhưng không phải là một nhà chính trị”.


Trần Trọng Kim (1882-1953) và tác phẩm Việt Nam Sử Lược

(Theo Wikipedia)

[3] Về Đế quốc Việt Nam, tham khảo thêm các bài viết:

·         “Tên nước Việt Nam, một hành trình lịch sử”

·         “Thời kỳ "Đế Quốc Việt Nam" nhìn qua tem thư”

[4] Chủ nghĩa Toàn trị là một thuật ngữ được sử dụng bởi những nhà khoa học chính trị, đặc biệt là những người trong lĩnh vực chính trị so sánh, để mô tả một chính thể trong đó nhà nước áp đặt Chế độ chuyên chế (totalitarianism), hầu như qui định tất cả mọi hành vi cá nhân và công cộng trên mọi khía cạnh.

Những học giả có ảnh hưởng nhất về chủ nghĩa toàn trị, như Karl Popper, Hannah Arendt, Carl Friedrich, Zbigniew Brzezinski, và Juan Linz đều mô tả mỗi người một cách hơi khác nhau. Điểm chung của tất cả các định nghĩa là sự cố gắng động viên toàn thể dân chúng trong việc hỗ trợ hệ tư tưởng của nhà nước và sự không khoan nhượng đối với những hoạt động không hướng về mục tiêu của nhà nước, trấn áp kèm theo, hoặc là sự điều khiển của nhà nước đối với công đoàn lao động, nhà thờ hoặc là các đảng phái chính trị.

Các chế độ toàn trị duy trì quyền lực chính trị bằng các công cụ như cảnh sát mật, các biện pháp tuyên truyền được gieo rắc qua các phương tiện truyền thông, các quy định và các hạn chế về tự do ngôn luận, việc sử dụng sự giám sát bằng truyền thông và việc sử dụng phổ biến các chiến thuật khủng bố. Các quốc gia cộng sản, các chế độ độc tài quân sự, quân chủ đều là các thể chế chuyên chế theo cách định nghĩa này.

(Theo Wikipedia)

[4] Tham khảo “Bao Daï ou les derniers Jours de l'empire d'Annam” qua bản dịch “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam” trên VNthuquan Thư viện Online (http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4n3n1n3n31n343tq83a3q3m3237nvn)

[5] Hồ Chí Minh (1890 – 1969) là một nhà cách mạng, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông là người viết và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình; là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian 1945 – 1969, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong thời gian 1951 – 1969.

Từ khoảng nửa cuối thập niên 1960, Hồ Chí Minh giảm dần các hoạt động chính trị (nhất là trong 3 năm cuối đời khi ông liên tục ốm nặng, phải đi sang Trung Quốc chữa bệnh nhiều lần).

Ông dần lui về nắm giữ vai trò biểu tượng của cách mạng, dành nhiều thời gian để đi thăm hỏi, động viên cán bộ và đồng bào và viết báo. Quyền lực dần dần tập trung về tay bí thư thứ nhất Lê Duẩn và một số nhân vật gần gũi trong Đảng Lao động Việt Nam, những người chủ trương tích cực thúc đẩy quá trình thống nhất đất nước bằng cách đẩy mạnh cuộc chiến tranh ở miền Nam. Tuy nhiên với vai trò và uy tín to lớn, các quyết sách lớn (như tổng tiến công Tết Mậu Thân hay việc đàm phán ở Paris) vẫn cần sự tham gia chỉ đạo và phê duyệt của Hồ Chí Minh.

Là nhà lãnh đạo được nhiều người ngưỡng mộ và tôn sùng, lăng của ông được xây ở Hà Nội, nhiều tượng đài của ông được đặt ở khắp mọi miền Việt Nam, hình ảnh của ông được nhiều người dân treo trong nhà, đặt trên bàn thờ, và được in ở hầu hết mệnh giá đồng tiền Việt Nam. Ông được thờ cúng ở một số đền thờ và chùa Việt Nam. Ông đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ và nhà báo với nhiều tác phẩm viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Pháp. Ông đã được tạp chí Times bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.


Hồ Chí Minh (1946)

No comments:

Post a Comment