Friday, May 31, 2019


NGƯỜI MẸ CỦA BIÊN GIỚI SỐNG VÀ CHẾT.

NGƯỜI MẸ CỦA BIÊN GIỚI SỐNG VÀ CHẾT.

Năm 2000, tôi tới giúp tĩnh tâm cho cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở Oakland, miền bắc California. Hôm ấy, cuối nhà thờ có người gọi tôi. Quay lại nhìn, ngờ ngợ, ai ngờ đâu tôi gặp lại người đàn ông tôi đang muốn tìm từ lâu…

Sáu năm làm việc tại trại tỵ nạn Palawan, Philippines 1989 – 1995, tôi gặp ông ở đấy. Một người đàn ông im lặng, ít nói. Ông lúc nào cũng như có chuyện khổ tâm. Ngày ngày ngồi tráng bánh ở một góc đường trong khu trại tỵ nạn. Ngâm gạo đêm trước, dậy tráng bánh từ hai giờ sáng bên vỉa đường. Mỗi ngày vài chục pesos. Ngày ấy,1 US dollar được 25 pesos tiền Philippines.

Hoàn cảnh tỵ nạn bấy giờ nhiều người túng cực. Ông phải đùm bọc hai người gốc Chàm không người quen với bốn em bé không thân nhân. Mấy người sống chung với nhau trong căn nhà tỵ nạn. Kẻ xách nước, người kiếm củi, ông tráng bánh… Khoảng ba tháng ông góp được hai chục đô la, lại nhờ cha Crawford, một cha già người Mỹ trước ở Việt Nam, sau qua trại tỵ nạn giúp đồng bào, gởi qua trại tỵ nạn Hongkong cho vợ.

Ông rời cửa biển Cam Ranh ngày 2.9.1988 vào đất Philippines. Một năm sau, tháng 9 năm 1989 ghe của vợ ông rời Vạn Ninh, Nha Trang được hai ngày bị bể máy. Ghe lênh đênh trên biển đông, rồi lâm nạn. Vợ ông đem theo ba con nhỏ. Hết lương thực, nhờ mưa gió có nước uống mới sống sót. Sau nhiều ngày bão táp, một chủ ghe đánh cá người Tầu ở đảo Hải Nam bắt gặp chiếc ghe lâm nạn này. Ông ta chỉ đồng ý tiếp tế gạo, cho nước và kéo ghe ra khỏi vùng lâm nạn san hô với điều kiện cho ông ta bé cháu trai trên ghe. Cháu bé chính là con của người đàn ông này.

Kể từ ngày rời bờ biển Vạn Ninh đến khi gặp chiếc ghe người Tầu rồi cập được vào đất liền là 25 ngày. Nước Tầu hạn chế sinh sản. Ông chủ ghe người Tầu mong một cháu trai mà không được. Cuộc mặc cả là xé ruột gan người mẹ. Trước biên giới sống và chết, họ phải chọn sống. Vấn đề ở đây là sự sống của toàn thể 44 người trên chiếc ghe. Nếu không mất đứa bé, toàn ghe có thể chết.

Chiếc ghe đánh cá người Tầu mang theo cháu bé rồ máy chạy vội vã biến mất hút về phía Trung Quốc. Rồi tin ấy đưa đến cho người đàn ông này ở Palawan. Mỗi ngày ông cứ lặng lẽ tráng bánh, kiếm ăn gởi qua cho vợ ở trại tỵ nạn Hongkong. Ðau thương vì mất con. Con tôi trôi giạt nơi đâu ? Vợ chồng mỗi người một ngả… Ðứa con mất tích sẽ ra sao? Dáng ông buồn lắm. Cháu bé lúc đó mới hơn ba tuổi.

Cha Crawford kể cho tôi câu chuyện này. Không biết người đàn ông đã nhờ cha già gởi tiền cho vợ như thế bao lâu rồi. Theo ông kể lại, vì không là người Công Giáo, ông đâu có tới nhà thờ. Một hôm có mấy người vào cha xin tiền mua tem gởi thư. Ông cũng đi theo. Rồi một linh cảm nào đó xui khiến ông gặp cha. Ông kể cho cha già nghe chuyện ông mất con.

Một trong những ý định qua trại tỵ nạn làm việc của tôi là thu lượm những mẩu đời thương đau của người tỵ nạn. Tôi tìm gặp ông ta để hỏi chuyện…

Câu chuyện bắt đầu.

Sau khi chiếc ghe được kéo vào đảo Trung Quốc, một nửa số người quá sợ hãi, đi đường bộ trở về Việt Nam. Số còn lại kết hợp với ít người đã trôi dạt vào đảo trước đó, sửa ghe tìm đường qua Hongkong. Người đàn ông tưởng chừng vợ đã chết trên biển vì hơn ba tháng sau mới nhận được mấy lời nhắn tin viết vội bằng bút chì từ trại tỵ nạn Hongkong. Ông đưa miếng giấy nhàu với nét bút chì mờ cho tôi. Sau khi ông rời trại tỵ nạn, mất liên lạc, tôi chỉ còn giữ tấm giấy như một kỷ niệm quý hơn chục năm nay.

Ðó là lá thư thứ nhất ông nhận được. Những lần giảng trong Thánh Lễ về tình nghĩa vợ chồng, tôi lại nghĩ đến ông.. Một người đàn ông cặm cụi tráng bánh để rồi ba tháng trời dành được 20 đô la gởi tiếp tế cho vợ.

Ông tâm sự với tôi là ông dự tính một ngày nào đó được đi định cư, dành dụm tiền rồi đi Trung Quốc dò hỏi tin con. Nghe ông nói vậy, tôi thấy ngao ngán cho ông. Bao giờ ông mới được định cư ? Rồi định cư xong, biết bao giờ ông mới thực hiện được mơ ước ? Tình trạng tỵ nạn lúc này quá bi đát. Mười người vào phỏng vấn may ra đậu được ba. Ðất Trung Quốc rộng mênh mông như thế biết đâu tìm ? Bao nhiêu khó khăn như tuyệt vọng hiện ra trước mặt. Tôi thấy ý nghĩ mơ ước đi tìm con của ông như cây kim lặng lờ chìm xuống lòng đại dương.

– Tại sao không nhờ Cao Ủy Tỵ Nạn, nhờ Hội Chữ Thập Ðỏ Hongkong ?

Người đàn ông này sợ lên tiếng như thế gia đình Tầu kia biết tin sẽ trốn mất. Chi bằng cứ âm thầm tìm kiếm. Tôi thấy dự tính của ông khó khăn quá. Những năm làm việc bên cha già, tôi biết một đặc tính của ngài là thương kẻ nghèo. Ngài thương họ vô cùng, ngài sẽ làm bất cứ gì có thể. Tôi đề nghị cha già cứ viết thư khắp nơi, kêu cầu tứ chiếng.

Các thư được viết đi. Ngài cầu cứu Cao Ủy Ti Nạn, Hội Hồng Thập Tự, cơ quan từ thiện dịch vụ tỵ nạn Công Giáo, từ Manila đến Bangkok, Thailand. Ðợi chờ mãi mà năm tháng cứ bặt tin. Tôi vẫn thấy người đàn ông cứ dáng điệu buồn bã ngồi bên đường tráng bánh… Trời nhiệt đới nắng và nóng, mỗi khi xe chạy qua, bụi đường bay mờ người. Hàng ngày lên Nhà Thờ, tôi lại hình dung bóng hình ông. Chỗ ông ngồi không xa tháp chuông Nhà Thờ bạc vôi sơn và tiếng chuông mỗi chiều là bao.

Mỗi chiều dâng lễ, tôi lại nhìn thấy cây Thánh Giá trên nóc Nhà Thờ đã nghiêng vì gỗ bị mục. Cây thánh giá trải qua nhiều mùa mưa nắng quá rồi. Bức hình Mẹ Maria bế Chúa Hài Nhi trên tấm ván ép dưới cây Thánh Giá cũng bạc nước sơn. Những người tỵ nạn đã bỏ một vùng đất rất xa. Quê hương của họ bên kia bờ biển mặn. Nhiều người cứ chiều chiều ra biển ngồi. Ðêm về sóng vỗ ì ầm. Biết bao người đã không tới bến.. Họ đến đây tìm an ủi trong câu kinh.

Giữa tháng ngày cằn cỗi ấy, rồi một chiều bất ngờ tin vui đến.. Hội Hồng Thập Tự Hongkong báo tin về Manila.. Manila điện xuống báo cho cha Crawford biết người ta đã tìm được cháu bé.

Lúc bắt cháu bé, người Tầu trên ghe đánh cá kia đã lanh trí che tất cả số ghe. Không ngờ trời xui khiến, trong lúc thương lượng bắt cháu, trên chuyến ghe tỵ nạn Việt Nam có kẻ lại ghi được mấy chữ Tầu ở đầu ghe bên kia vào một chiếc áo. Không ngờ chiếc áo này lại là chính chiếc áo của cháu bé bỏ lại. Quả thật là chiếc áo định mệnh. Nguồn gốc nhờ mấy số ghe đó mà sau này người ta mới phanh phui ra được gốc tích chiếc ghe. Ðó là một thuyền đánh cá ở đảo Hải Nam.

Tìm được cháu rồi, bây giờ lại đến phần gia đình người Tầu đau khổ. Cháu không còn nói được tiếng Việt, vì hơn một năm liền mọi sinh hoạt trong gia đình kia là của cháu. Hồi bị bắt cháu còn bé quá, mới hơn ba tuổi. Bà mẹ người Tầu cũng khóc, biết mình sẽ mất đứa con mà họ đã nuôi. Họ nhất định không trả. Cao Ủy phải can thiệp nhiều lắm. Gia đình ở đảo Hải Nam kia dựa lý do là cháu đang được nuôi nấng tử tế, còn ở trại tỵ nạn cháu thiếu thốn đủ thứ, họ không chịu mất con. Nhưng Cao Ủy bắt phải trả cháu về cho bố mẹ ruột.

Ðể thỏa mãn điều kiện kia, Sở Di Trú Mỹ liền cho bà mẹ bị bắt con quyền định cư tại Mỹ, dù đã đến trại sau ngày thanh lọc. Trong lúc đó người đàn ông này đã bị Mỹ từ chối tại Philippines. Ông buồn lắm. Cha Crawford bảo tôi rằng vợ người đàn ông đã được vào Mỹ, nên cơ quan Cao Ủy Tỵ Nạn tại Philippines yêu cầu cho ông cũng được vào Mỹ theo. Vì nhân đạo, sở di trú Hoa Kỳ đồng ý. Tin vui như vậy mà ông cứ đứng như trời trồng không tin chuyện có thể xảy ra như thế.

Ngày trao trả cháu bé, báo chí Hongkong đăng hình cháu khóc thảm thiết. Cháu đẩy mẹ ruột ra, đòi về với mẹ nuôi. Người mẹ nuôi khóc vì thương nhớ cháu. Mẹ ruột cũng khóc vì thấy lại con mà con không biết mình. Tất cả ai cũng khóc… Cao Ủy Tỵ Nạn bồi thường lại phí tổn nuôi nấng cháu bé cho gia đình người Tầu kia. Chuyến bay rời Hongkong mang theo bao tình cảm nhân loại của con người với con người.

Thời điểm bấy giờ không biết bao chuyện thương tâm xảy ra. Hàng trăm ngàn người chết trên biển, ăn thịt nhau vì chết đói. Hải tặc Thái Lan tung hoành bắt người nhốt ngoài đảo, hãm hiếp, chặt răng vàng, giết. Ðối với thế giới chuyện cháu bị bắt cóc chỉ là chuyện nhỏ. Vậy vì đâu họ ra sức đi tìm ?

Ðây là lý do:

Câu chuyện thương tâm của người mẹ mất con đến tai Mẹ Têrêsa Calcutta. Ấn Ðộ là thuộc địa cũ của người Anh. Mẹ Têrêsa viết cho chính phủ Anh xin can thiệp chuyện này. Từ London, chính phủ Anh xin Bộ Ngoại giao Bắc Kinh điều tra tìm chiếc ghe mang số như thế..

Bên ngôi mộ Mẹ Têrêsa ở Calcutta, ngày 14.5.2001 tôi kể chuyện này cho Sơ Bề Trên Dòng. Sơ yêu cầu tôi viết lại cho sơ làm tài liệu. Trong những ngày này, nhân viên Tòa Thánh đang ở Calcutta điều tra để xúc tiến hồ sơ phong thánh cho Mẹ Têrêsa. Một Linh Mục ngồi nghe chuyện tôi kể, ngài nói:

– Tâm hồn Mẹ Têrêsa rất bao dung. Mẹ thương người nghèo. Mẹ là người của biên giới giữa sống và chết.

Nghe câu nói đó của cha. Tôi hiểu ý là Mẹ luôn đứng bên lề sự sống kéo kẻ chết về phía mình. Chính vì thế tôi đặt tên cho bài viết này là: Người Mẹ của biên giới sống và chết.


Nghe tiếng người đàn ông gọi. Quay lại nhìn, không ngờ chính người đàn ông mất con, ngồi tráng bánh ở trại Palawan ngày xưa, tôi mừng lắm. Sau lễ chiều, tôi tới nhà ông dùng cơm. Ông rời trại tỵ nạn Palawan tháng 6, lên Bataan rồi vào Mỹ tháng 12 năm 1990. Không ngờ mười năm sau tôi gặp lại.

Cháu bé bây giờ lớn rồi. Chuyện đã hơn cả chục năm qua. Cháu chẳng nhớ gì. Riêng cha mẹ thì nhớ lắm, nhất là những gì đau thương vì con cái thì trong trái tim cha mẹ không bao giờ quên. Còn tôi, đấy là một kỷ niệm đẹp trong những ngày làm việc bên trại tỵ nạn.

Không ngờ có ngày tôi gặp lại người đàn ông này. Không ngờ có ngày tôi ngồi bên mộ Mẹ Têrêsa trên đất Ấn. Một vùng đất rất xa với chỗ ngồi tráng bánh của người đàn ông mất con. Không ngờ tôi lại là kẻ chứng kiến những chuyện tình này, để rồi nối kết khung trời này với khung trời kia. Không ngờ vào ngày Lễ Phục Sinh năm 1999 ông đã nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội, nếu ông không đi lễ ở Nhà Thờ Oakland hôm đó, làm sao tôi gặp lại.

Tại vùng đất Vạn Ninh, chỉ có một ngôi Nhà Thờ nhỏ miền quê độc nhất. Ðêm Noel năm 1985 sau khi đến Nhà Thờ về, em bé chào đời đúng ngày 25 tháng 12 năm 1985. Người đàn ông kể cho tôi ngày sinh nhật của em thật đặc biệt. Còn tôi, tôi thấy ngày em mới hơn ba tuổi phải hy sinh để cứu chuyến ghe là hình ảnh thế mạng sống chuộc thay cho người khác.

Trong câu chuyện này cả ba người đàn bà đều có những tấm lòng rất đỗi đáng yêu. Người mẹ sinh cháu bé, bao yêu thương và xót xa. Mẹ Têrêsa với tấm lòng hiểu nỗi thương đau của những người mẹ. Bà mẹ nuôi người Tầu đã săn sóc em khi ông chồng đánh cá đem cháu về. Tất cả là tấm lòng bao dung của những bà mẹ.

Tôi viết dòng này, cha già Crawford đã chết rồi. Mẹ Têrêsa cũng chết rồi.

Ngày mai, giữa biên giới của sự sống và chết ,còn những chuyện không ngờ nào sẽ xảy đến nhỉ ?

Lm. NGUYỄN TẦM THƯỜNG, Dòng Tên,

Trích trong sách “Những Trang Nhật Ký Của Một Linh Mục”


Thursday, May 30, 2019


Dép Râu Ngày Về.

jeudi 15 septembre 2016
Nguyễn Bá Chổi viết Dép Râu Ngày Về.

Kính gửi quý anh chị một bài viết của Nguyễn Bá Chổi.
Caroline Thanh Hương

Dép râu, ngày về


Written by Nguyễn Bá Chổi  
Tuesday, 02 July 2013 09:19

     Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, hắn “được Cách Mạng khoan hồng nhân đạo tập trung để bảo vệ tính mạng cho, vì nếu để ở ngoài sẽ bị nhân dân trả thù”. Huyện Củng Sơn thuộc tỉnh Tuy Hòa là vùng hoạt động của “Cách Mạng” trước 75. Lúc mới “nhập môn” giữa vùng rừng núi này, mỗi lần đi ra ngoài “học tập lao động để sau này trở về không còn bóc lột như thời Mỹ Ngụy nữa, mà biết tự mình làm ra của cải vật chất hầu nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội”, hắn nơm nớp sợ đồng bào địa phương có tiếng là dân Cách Mạng, sẽ trả thù (thù gì thì hắn không biết), nếu họ bắt gặp và nhận ra hắn là “ngụy quân”.
     Một hôm, trên đường đi “lao động là vinh quang” ngang qua khu chợ, có mấy người dân chạy theo đoàn tù binh. Hắn lo lo; đang lúc chuẩn bị tinh thần chịu trận “nhân dân trả thù” thì có người dí vào túi áo hắn gói thuốc lá Sông Cầu. Đó là một nhân dân hoàn toàn xa lạ. Hắn sững sờ, chưa kịp nói lời cảm ơn thì người đàn bà ân nhân đã lách vội vào đám đông như tìm đường chạy trốn. Từ đó về sau, nhiều người trong đám tù và hắn lâu lâu lại được “nhân dân trả thù” như thế; khi cục đường mía, lúc miếng kẹo lạc.
     Lại một hôm, đám tù được thả lỏng phân tán mạnh ai nấy tự đi tìm... cỏ tranh để cắt (về lợp nhà). Hắn được một phụ nữ quần áo vá đùm vá đụp mặt hốc hác, chạy đến trước mặt, mắt dáo dác ngó trước ngó sau một vòng rồi dí vào tay cho cái bánh ú làm bằng bột củ sắn mì với nhân hột mít. Chị ta nói “Anh ăn cho đỡ đói. Bây giờ chúng tôi mới hiểu ra..., và thương các anh quá”.
     Không thấy “Nhân dân trả thù” mà chỉ gặp nhân dân “Thương các anh quá”, nhưng Cách Mạng vẫn nhất quyết tiếp tục “Bảo vệ tính mạng cho Ngụy quân ngụy quyền, những kẻ có tội với nhân dân mà lấy hết trúc Trường Sơn làm bút, lấy sạch nước Biển Đồng làm mực cũng tả không xiết”. Tháng lại tháng. Năm qua năm. Đêm đêm nằm nêm cối đến ngộp thở trong những dãy nhà được bao bọc bởi nhiều lớp kẽm gai xen kẽ lớp xương rồng rồi lớp mìn bẫy, lớp hầm chông. Ngày ngày đi ra ngoài làm đủ thứ công việc của người tù khổ sai. Khi đi lẫn lúc về, đoàn tù binh phải dừng lại nơi cổng ra vào để lính gác đếm. Đi, đếm rất mau; về, vừa đếm vừa khám xét khắp người tù xem có lận theo trong túi áo thắt lưng con cóc con nhái, con rắn con rít, hay cọng rau nạm cỏ (Như cỏ sam heo ăn được là tù ăn được)... gọi chung là những thứ “Cải thiện linh tinh” bị cấm ngặt, nên trong khi chờ đợi, cứ phải ứa gan với cái bảng đỏ to tổ chảng trước mặt treo vắt ngang giữa hai cái lô cốt chằm chằm hai bên cửa ra vào, có hàng chữ màu vàng khè “Không có gì quý hơn Độc Lập Tự Do” phía trên hàng chữ “Trại Cải Tạo A30”. Mỗi lần như thế, hắn lại hình dung ra cảnh tú bà cho treo trước cửa nhà chứa của mụ, cái băng trắng chữ đỏ “Chữ Trinh đáng giá ngàn vàng”.
     “Ngày như lá tháng như mây”, chỉ là với thế giới bên ngoài. Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Hắn thường bày tỏ rằng, nhờ Ơn Trên phù hộ hắn mới qua khỏi hơn 2500 cái “thiên thu tại ngoại”, để có ngày được “Cách mạng khoan hồng” cấp cho tờ “Giấy Ra trại”. Trên đường về với gia đình tận vùng Cao Nguyên, hắn phải ghé lại Nha Trang để chờ mua vé xe cho chặng đường cuối. Hắn đi lang thang để nhìn lại cảnh cũ người xưa nơi thành phố mà hắn đã qua nhiều thời kỳ gắn bó. Thuở nhỏ “du học”; lớn đi thi Tú Tài; mấy tháng học Không Trợ tại Trường Không Quân, và những lần “quá cảnh” trên đường đi đi về vê. Người thiếu nữ đầu tiên đi qua đời hắn cũng từ bãi thùy dương cát trắng này. Nha Trang đã là một phần đời hắn.
     Hắn đi ngang quầy bán thuốc lá lẻ bên lề đường Nguyễn Hoàng. Bỗng dưng hắn nhớ và thèm một điếu thuốc CAPSTAN ngày nào. Sau khi tính nhẩm và chắc chắn số tiền Trại cải tạo cấp cho theo tiêu chuẩn nhà nước làm “của ăn đi đường” còn đủ để mua được hai điếu thuốc lá Song Long (hắn biết giá thuốc vì Trại thỉnh thoảng có mua giùm cho những ai có tiền cần mua), hắn mạnh bạo tiến đến phía quầy bán thuốc. Đã gần bảy năm, nay hắn mới được thấy lại nụ cười chào khách của những người bán thuốc lá bên đường mà trước kia hắn thường gặp. Hắn hân hoan như vừa tìm lại được một điều gì quý hóa đã mất từ lâu lắm. Nhưng bỗng dưng hắn chưng hửng khi thấy mặt cô gái bỗng nhiên tối sầm lại và tỏ vẻ dửng dưng với khách. Hắn ngạc nhiên trước thái độ thay đổi đột ngột của cô gái. Hắn kiểm điểm lại mình, và đinh ninh mình không hề có cử chỉ khiếm nhã nào hay nói năng gì khác ngoài lời hỏi mua thuốc lá. Hắn sực nhớ lúc nãy cô gái có liếc mắt xuống đôi chân hắn. Hắn chợt thoáng “lý đoán” ra nguyên nhân. Nhìn thẳng vào mặt cô bán thuốc, với vẻ nghiêm trang, hắn nói :
          “Anh vừa từ trại Cải tạo ra, đang trên đường về, nên đành phải mang đôi dép này.”
     Khi hắn vừa mới nói đến “Anh vừa từ trại cải tạo ra”, cặp mắt cô gái sáng lên và đôi má cô ửng hồng, nhếch lên để lộ ra cái núm đồng tiền. Hình như cô muốn nói điều gì mà không cất lên được. Cô luống cuống lấy trong hộc ra gói thuốc Hoa Mai còn nguyên rồi bằng hai tay đưa lên sát ngực hắn, với ánh mắt thương cảm trìu mến :
          “Anh cầm lấy, em biếu anh. Rất tiếc không còn thuốc trước 75.”
     Hắn đã bỏ hút thuốc từ lâu, nhưng vẫn nhớ mãi gói thuốc của ba mươi năm về trước. Mỗi tháng Tư về, hắn lại càng thấy món nợ hắn mắc mỗi to hơn. Không phải nợ cái gói thuốc lá cô gái biếu. Nhưng là nợ chính cuộc đời cô mà hắn đã không bảo vệ được. Để ít ra cô khỏi phải nhìn thấy những đôi dép Tháng Tư.
                                                                                     Nguyễn Bá Chổi


--
Những bài thơ song ngữ viết về người dân và quê hương Việt Nam, thơ Thoại Liên và Thanh Thanh.

Publié par Caroline Thanh Huong à jeudi, septembre 15, 2016

Wednesday, May 29, 2019


Sách điện tử và công trình vãn hồi, phổ biến sách báo xuất bản tại miền nam trước 1975

sách điện tử và công trình vãn hồi, phổ biến sách báo xuất bản tại miền nam trước 1975
Trùng Dương 1 bình luận 21.01.2019

Hôm nay, một ngày đầu năm, nơi tôi ở trời lấm tấm mưa và sương mù còn giăng mắc mặc dù đã 10 giờ sáng. Có lẽ không hạnh phúc nào bằng ngồi trước lò sưởi với ly cà phê và vài cuốn sách — chính xác thì phải nói là với mấy Web sites sách điện tử, hay e-book, trên cái iPad. Bằng hữu ở xa, giờ già cả cũng ít hoặc hết còn đi thăm nhau được. Ngoài trao đổi điện thư ngày một thưa thớt, chỉ còn cái thú làm bạn với sách. Thú thật chưa bao giờ tôi đọc sách báo nhiều như những lúc về sau này.

Từ ngày về hưu cách đây đã trên 10 năm, tôi dọn nhà nhiều lần, sách vở cho đi gần hết chỉ còn giữ lại vài cuốn tham khảo và hiếm hoi, nhất là sách chữ Việt. Vì đi du lịch luôn nên tôi cũng tập thói quen đọc sách trên iPad để có thể mang theo cả một thư viện sách điện tử bên mình, vô cùng tiện lợi.

Chắc nhiều bạn đọc đã dùng hay nghe biết về cái app Kindle miễn phí để đọc sách của Amazon với những ấn bản (versions) cho các hệ thống máy khác nhau. Bạn tải app đó xuống, hoặc tại Apple Store hoặc tại Google Store, install và mở ra, đăng ký, nếu cần, và xử dụng. Có thể chuyển cả sách hay tài liệu dạng PDF vào Kindle, và đây là dạng của phần lớn sách Việt ngữ.

Cái thú của tôi khi đọc sách bằng tiếng Anh trong Kindle app là khi gặp phải chữ mà mình không biết nghĩa, tôi có thể highlight chữ đó, xong bấm Look up để tìm định nghĩa. Hoặc muốn highlight một câu hay đoạn nào, và ghi chú cảm nghĩ của mình vào một “mảnh giấy” sẵn trong app để khi trở lại biết tại sao mình highlight chữ này hay câu nọ, Kindle cũng cho phép làm việc đó. Đọc sách dạng PDF trong Kindle không xử dụng được những chức năng tự điển hoặc ghi chú như của app Kindle. (Và cái không-thú-tị-nào của việc đọc sách điện tử, đối với tôi, là không thể đưa cho bạn cũng mê đọc sách cuốn sách hay mình vừa đọc xong, như với một cuốn sách bằng giấy. Mua tặng bạn cuốn sách điện tử đó thì cũng dễ thôi, khổ nỗi bạn già lại vẫn còn chỉ thích đọc sách giấy.)

Ngoài Kindle còn hàng chục apps khác để đọc sách điện tử. Vì ít hay chưa dùng những apps này, nên tôi không thể có ý kiến. Bài này cũng chỉ thu gọn vào loại sách xưa dạng điện tử, đa số đã tuyệt bản, trong đó phải kể tới toàn bộ sách xuất bản tại Miền Nam trước 1975 đã bị cộng sản thiêu hủy và cấm đoán.

Sách xưa bằng tiếng Anh và Pháp

Gần đây giới yêu sách đón nhận một tin thật vui, đó là một loạt hàng trăm tác phẩm văn học cũ bằng Anh ngữ xuất bản vào thập niên 1920 vừa được đưa vào lãnh vực công (public domain) vì hết hạn tác quyền.(*) Khi một tác phẩm hết hạn tác quyền, có nghĩa là ai muốn tải xuống, đọc, in lại và bán hay làm bất cứ gì với tác phẩm đó, tùy ý. (Thú thật là tôi nghe mà hơi… rùng mình, nghĩ nếu một đứa con tinh thần của mình mà bị ai đó đem ra muốn làm gì nó thì làm thì thấy … thương quá, chắc chẳng nên có nó thì có lẽ hay hơn chăng? Tất nhiên đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua, nghịch ngợm.)

Nếu muốn đọc những sách xưa bằng Anh ngữ đã hết bản quyền và trở thành của công thì có nhiều Web sites chuyên về việc đó. Thay vì đưa ra đây danh sách những Web sites đó, bạn đọc, nếu thích, có thể vào xem tại



Gần đây tôi tìm được một số sách điện tử bằng tiếng Pháp, và tải xuống gần như toàn bộ tác phẩm bằng điện tử của Albert Camus, tác giả tôi yêu thích hồi trẻ và định đọc lại ở tuổi về chiều để xem cảm nghĩ của mình đã thay đổi ra sao. Đây là một cái link tới những tác phẩm bằng tiếng Pháp đã được đưa vào lãnh vực công,

bạn đọc tùy nghi khám phá. Riêng sách của Camus, có thể tìm thấy tại 

Sách xưa bằng Việt ngữ

Biến cố 30 tháng Tư, 1975 đã đưa tới cảnh bức tử vô cùng đau thương của nền văn học tự do của Miền Nam, một nền văn học có thể nói là rực rỡ thứ hai, sau nền văn học tiền chiến, song đa dạng hơn nhờ một bầu không khí tự do thực sự dù tương đối, và một tinh thần khai phóng của chính thể Miền Nam.

Nơi nơi sách vở và các sản phẩm văn hoá khác lưu hành dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, trong đó gồm nhiều văn hoá phẩm thời tiền chiến được di tản vào và tái bản tại Miền Nam, bị đem ra đốt, lên án là “đồi truỵ,” “phản động,” và bị cấm đoán, trong một chủ trương lãnh đạo ngu dân của nhà cầm quyền cộng sản.(**) Trong khi đó các văn nghệ sĩ Miền Nam, nếu không may mắn thoát được ra nước ngoài, bị bắt bớ và lâm vào vòng tù tội.

Dù thế, chính hàng trăm triệu sản phẩm văn hoá bị kết án và cấm đoán này đã giúp dân miền Bắc tỉnh ngộ, hiểu ra là mình đã bị “một chế độ man rợ” lừa gạt cả đời thanh xuân, như nhà văn Dương Thu Hương đã công nhận.(***) Có thể nói là từ đống tro tàn của sản phẩm văn học nghệ thuật của Miền Nam hồi ấy đã giúp hình thành những Dương Thu Hương và một nền văn học phản kháng, tiếp nối truyền thống của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm của giữa thập niên 1950.

Cũng chính nhờ những văn hoá phẩm đó đã được tẩu tán, cất giữ đó đây ở trong nước mà gần đây, với sự phát triển và phổ biến của ngành kỹ thuật cao và hệ thống Internet, chúng dần xuất hiện tại nhiều nơi trên Web. Ở đây tôi không đề cập tới hai nơi lưu giữ nhiều sách (giấy) và báo (microfilm) thời VNCH, là Thư Viện Quốc Hội và Thư viện Đại học Cornell.

Hiện có một số Web sites lưu trữ nhiều sách báo xưa, song người đọc chỉ có thể vào đọc những cuốn sách phần lớn đã được đánh máy lại và đọc tại chỗ, không thể tải xuống máy computer hay các máy di động khác, như điện thoại hay tablet, để đọc mà không cần phải lên mạng. Điển hình là Thư Viện Việt Nam tại
hay Việt Nam Thư Quán tại
và một số văn khố điện tử khác trên mạng.

Ở đây tôi chỉ đề cập tới những Web site hội hai tiêu chuẩn: 
1) sách scanned từ những cuốn sách cũ ra đời trước 1975, không phải loại đánh máy lại có thể bị sai sót, lược bỏ hay hoán đổi, do vô tình hay cố ý; và 
2) đặc biệt độc giả có thể tải những cuốn sách điện tử này xuống máy computer hay tablet của mình để đọc mà không cần phải lên mạng. Có thể còn những Web site nào khác hội đủ hai điều kiện đề ra trong khuôn khổ bài viết này mà tôi không được biết, xin độc giả tùy nghi bổ túc.

1. Sách giáo khoa Google Drive, tại
Thực ra đây chỉ là một đường dẫn vào nơi lưu trữ trên mây (cloud) của ai đó, trên đó chứa trên 100 cuốn sách giáo khoa xưa, phần lớn xuất bản vào thời Việt Nam Cộng Hoà, do chủ nhân có nhã ý mở ra để công chúng vào tham quan hay tải xuống cuốn nào tùy sở thích đọc. Khách viếng thăm cũng có thể tải xuống toàn thể bộ sưu tầm, nếu muốn, song sẽ hơi lâu, và cũng tùy theo tốc độ của dịch vụ Internet của mỗi người. Tôi vừa làm thử, bấm Download All ở trên góc tay phải. Tổng cộng sách lưu trữ tải xuống được là 1.9 GB, không nhẹ.



2. Kho chứa sách xưa tại
chứa nhiều sách báo xưa, trong đó có một số ấn hành từ đầu thế kỷ 20. Tôi cũng vừa download thử cuốn Viet-Nam Tự-Điển của các soạn giả Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, do nhà Khai trí xuất bản năm 1970, dầy tổng cộng 1311 trang. Đây là Quyển Hạ, từ vần M tới X. Chưa biết quyển Thượng ở đâu. Ai biết, xin mách. Cũng tại kho sách xưa này, tôi bắt gặp một tập sách nhỏ, dầy 76 trang, của nhà báo Trần Tấn Quốc, tựa là “Saigon Septembre 45,” ghi lại những hình ảnh của một Saigon sau ngày Việt Minh nắm chính quyền của một Việt Nam độc lập khỏi thực dân Pháp và quân phiệt Nhật. Một tài liệu lịch sử quí giá.



3. Link tải sách: Sách cũ trước 1975, tại
Giống như hai nơi trên, người đọc tùy nghi muốn tải cuốn nào xuống tùy ý. Có điều không thể làm như với trang Sách giáo khoa – Google Drive ở trên, đó 1à không thể tải nhiều hay hết tất cả xuống một lúc.



4. Thư viện Người Việt, tại
Thư viện này của nhật báo Người Việt, trụ sở đặt tại Westminster, Nam Calif., có vẻ được dùng để lưu trữ một số tạp chí xuất bản tại Việt Nam trước 1975 và một số tạp chí xuất bản tại hải ngoại sau 1975 nhưng đã đình bản. Trong số các tạp chí xuất bản trước 1975, đặc biệt thấy có trữ toàn bộ tạp chí Bách Khoa, một tạp chí có đời sống thọ nhất ở Miền Nam trước 1975. Bạn đọc có thể vào tải xuống số báo nào mình muốn xem.



Tại những Web sites trên không thấy có nút chức năng tìm kiếm, nghĩa là muốn tìm một cuốn sách nào đó, hay một tác giả, khách không biết bấm vào đâu.

5. Tủ Sách Tiếng Việt (TSTV), tại
cho đến lúc này vẫn là Web site tôi thích nhất vì cách trình bầy trang nhã, mạch lạc, lại sẵn có chức năng tìm kiếm nên việc truy tầm xem có cuốn sách hay tác giả mình muốn kiếm được dễ dàng.



Ngoài ra, số lượng sách trên TSTV cũng khá phong phú, với trên 5,000 đầu sách. Hầu như mỗi một hay hai tuần đều có sách mới được tải lên, nhờ lợi điểm là TSTV có vẻ có được nhiều người tiếp tay hợp tác.

Một trong những điểm để nhận định xem một Web site có đáng cho mình tin cậy hay không, ngoài nội dung đứng đắn nghiêm chỉnh, cách trình bầy sạch sẽ, trang nhã, còn là việc người trông coi site phải có dễ cho mình tiếp xúc, nếu không qua một số điện thoại hay một địa chỉ bưu điện, thì ít ra cũng qua một địa chỉ e-mail nơi trang gọi là “Contact,” hay “About,” hoặc “Liên lạc” (không phải “Liên hệ” vốn là một danh từ được nhiều người dùng thành động từ).

Tại đây, trên trang TSTV, tôi vào trang Liên lạc. Thoạt tôi hơi thất vọng, vì ở trang này cũng chỉ có một cái mẫu để điền vào những khung trống, xong bấm gửi đi, không có tên hay e-mail của người phụ trách. Dù vậy, tôi thử viết vài chữ xem có liên lạc được một con người, chứ không phải máy tự động, luôn thể cám ơn về một Web site hữu ích, và ngỏ ý nếu muốn tiếp tay thì phải làm sao. Số là tôi hiện có một số sách loại tham khảo cần scan trước khi đem cho, và có một lý do thúc đẩy mình ngồi xuống làm cái việc scanning rất buồn ngủ này là cái tôi đang cần. Tôi hài lòng là chỉ một hai ngày sau đã nhận được hồi âm của người coi TSTV. Nhờ đó tôi cũng cảm thấy được khích lệ để làm cái việc nhàm chán, đó là ngồi scan lại những cuốn sách tham khảo còn giữ được, và gửi đi góp vào TSTV, để có thể an tâm mang sách đi cho sau đó.

Một lần, một bộ sách tôi scanned và gửi vào TSTV, một độc giả ở Miền Trung thấy bộ sách xưa mà ông ta vẫn muốn tìm, mừng rỡ tải xuống, rồi hì hục in ra (cả ngàn trang) để tiện đọc và khảo cứu. Ông nhận ra có một số trang bị thiếu, nên gửi thư hỏi ban phụ trách TSTV. Người phụ trách thông báo cho tôi biết và xin tôi, nếu còn giữ bộ sách đó, thì vui lòng mở xem lại và scan gửi cho những trang thiếu đó.

Ngoài việc tôi được tiếp xúc với một con người, có được một tiếp xúc cá nhân, một thứ personal touch, dù người đó nhất định dấu tên hay bất cứ chi tiết gì về mình, tôi thấy ở TSTV là một quan tâm, mối thiết tha thật sự với một công trình văn hoá mà chắc chắn phần thưởng duy nhất nhận được hoàn toàn là tinh thần, niềm vui vô giá nơi một người mê sách.

Để kết luận, xin giới thiệu tới bạn đọc những nơi lưu trữ sách điện tử xuất bản tại Miền Nam trước 1975. Đấy là những nỗ lực âm thầm, vô vị lợi, nhằm vun trồng lại vườn hoa văn học muôn hồng nghìn tiá của Miền Nam dạo nào.

Happy searching, downloading, reading & dreaming.

[TD 2019-01]


Chú thích:

(*) Tìm hiểu về tác quyền tại https://fairuse.stanford.edu/overview/faqs/copyright-basics/

(**) Trùng Dương, “Từ đền sách cấm Parthenon ở đức và Buenos Aires, tới chiến dịch Cộng sản đốt sách Miền Nam 1975,” https://damau.org/archives/47071; và Nguyễn Vy Khanh, "Văn Học Miền Nam Tự-Do 1954-1975 (Phần II) – Một thời tưởng tiếc," http://damau.org/archives/35752, khá chi tiết và đầy đủ về phong trào đốt và cấm sách Miền Nam của Cộng sản Việt Nam, không thua thời Đức Quốc Xã.

(***) Duong Thu Huong in Conversation with Robert Stone, April 30, 2006, https://www.nypl.org/audiovideo/duong-thu-huong-conversation-robert-stone; và cảm nghĩ của nhà văn Dương Thu Hương về ngày 30 tháng 4 năm 1975 rút ra từ cuộc nói chuyện trên, https://www.youtube.com/watch?v=Bcez4ZPSJTw&t=13s

Tuesday, May 28, 2019


CUỘC DI CƯ LỊCH SỬ 1954

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019
CUỘC DI CƯ LỊCH SỬ 1954: Nước non ngàn dăm...vô Nam.


Bán đồ đạc chuẩn bị di cư vào nam sau khi Hiệp định Genève được công bố
Những ngày cuối cùng ở Hà Nội.
<!>


Việt Minh và Pháp bàn giao bót Hàng Trống.


Bộ đội tiến vào tiếp thu bót Hàng Trống, lúc này đang là Ty Cảnh Sát TP Hà Nội.


Tiếp thu bót Hàng Trống


Tiếp thu bót Hàng Trống.


Lễ hạ cờ Tây lần cuối cùng trong thành Hà Nội, phía trước Đoan Môn, chấm dứt hơn 70 năm chiếm đóng thành Hà Nội từ năm 1883 của quân Pháp.






Những ngày cuối cùng của Hà Nội, bệnh viện Yersin.


Những ngày cuối cùng của Hà Nội, bệnh viện Yersin.








Jul 1954, dân chúng đọc Viet-Nam Presse.






Bộ đội Việt Minh tiến vào tiếp quản Hà Nội.


Bộ đội Việt Minh tiến vào Hà Nội.






Chuẩn bị lên tầu vào Nam


Chuẩn bị lên tầu vào Nam


Mẹ và hai con, tay xách nách mang, trên đường vào miền Nam.




Ra phi trường Gia Lâm vào Nam.








Phi trường Gia Lâm.


















Operation Passage to Freedom, October 1954 đi tìm tự do.












USS Bayfield di cư vào Nam 3 September 1954




























Người Công giáo bỏ đi khỏi vùng do CS kiểm soát giữa đêm đen nở nụ cười khi thuyền của họ cặp được vào tàu đổ bộ của Pháp mà sẽ đưa họ đến nơi tự do. Khoảng năm 1954.



Các thủy thủ Pháp giúp người tỵ nạn VN kéo thuyền của họ vào tàu đổ bộ của Hải quân ở Vạn Lý. Mặc cho những cảnh báo và hạn chế bởi công an của Việt Minh, hàng ngànngười Công giáo trong vùng do CS kiểm soát đã lũ lượt di cư vào miền Nam để tái định cư ở các vùng không theo chế độ Cộng sản.


Man looking at posters of new leaders shortly before Communist takeover of city from the French. Oct 1954


Hà Nội 1954 sau Hiệp định Genève. Xin làm nô lệ cho Nga, Tầu
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt. (thơ Tố Hữu).


Hà Nội 1954 sau Hiệp định Genève. Xin làm nô lệ cho Nga, Tầu
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt. (thơ Tố Hữu)
Được đăng bởi Unknown vào lúc 08:55