Tiếng nước tôi (19/19)
Trong “Tiếng nước tôi” không đề cập đến văn-phạm
tiếng Việt. Tôi đề nghị chúng ta coi lại mục lục vài chương đầu của quyển “Việt-Nam
Văn-Phạm” của học giả Trần-Trọng-Kim mà tôi đã cho đường dẫn để đem về máy (Bài
thứ nhất).
Chục chương đầu là những điều tôi phải học ở bậc
Tiểu học trước khi tập làm luận, viết thư (việc nay không cần, nhưng đây là cách
giúp ta sắp xếp các ý nghĩ)
Chương I: Dạy nói, viết cho đúng mẹo luật
Chương II: Phép đặt câu (Mệnh Đề:
Chủ từ, túc từ)
Chương III: Danh tự( Người, ngựa, cam quýt…)
Chương III: Mạo từ (Trước danh từ: cái, các,
những…)
Chương V: Loại từ (Trước danh từ: con, cái,
chim …)
Chương VI: Chỉ Định tự (Nay, này, ấy, kia
…)
Chương VII: Đại Danh tự (Tôi, ta, tớ, nó,
anh, chị, …)
Chương VIII: Tĩnh tự (Lớn, nhỏ, cao, thấp
…)
Chương IX: Động tự (Ăn, uống,
ngủ, nghỉ …)
Chương X: Trạng Tự (chậm, mau,nhanh nhẹn
…)
Chương XI: Giới Tự (Bằng, bới,
của …)
Chương XII: LiênTự (và, rằng, vậy nên …)
Chương XIII: Tán ThánTự (Ôi, Ơ, Than ôi …)
…
Rất mong các bạn coi xong mục “Tiếng Nước Tôi” sẽ
dùng tiếng Việt chính xác hơn. Không phải lúc nào ta cũng dùng chữ “Hoàng Tráng”
để khen ngợi sự to lớn, đẹp đẽ…
Mong lắm thay.
Tiếng nước tôi (19/19)
Dec 18, 2014
Tiếng nước
tôi: Văn học dân-gian (4.4) / Dân ca Việt-Nam
4.1 Dân ca Bắc bộ
4.2 Dân ca Trung bộ
4.3 Dân ca Nam bộ
4.4 Dân ca Việt-Nam
Trong dân ca, tất cả các thể
loại -hò, lý, hát hội, ...- đều có ở 3 miền, nhưng mỗi vùng có sở-trường riêng
của mình nên mới có câu “Nam lý, Bắc thơ, Huế hò”. Nhưng đứng trên phương-diện
dân ca, tôi sẽ nói: "Nam lý, Bắc hát hội (nhất là Quan Họ), Huế hò".
Dân ca Tây nguyên
Chúng ta đã nói về dân ca của
nhóm người Kinh (87% dân số) nhưng nếu bàn về dân ca Việt Nam, chúng ta không
thể quên nền dân ca của các sắc tộc khác, phần lớn tập trung ở các vùng miền
núi và cao nguyên (trừ người Hoa, người Chăm và người Khmer).
So với dân ca của người
Kinh, có lẽ người Tây nguyên chú trọng nhiều nơi nhạc khí và những điệu múa-dân
vũ (?)
Một nhà nghiên cứu âm nhạc
Tây Nguyên đã nhận xét rằng: "Dân ca của các dân tộc Tây Nguyên là những điệu
hát huyền thoại được kết dệt từ ngàn xưa và lưu truyền từ đời này sang đời
khác. Nó mô phỏng tiếng vang vọng của núi rừng, tiếng gió lách qua chòm lá, tiếng
chim hót, tiếng suối reo, tiếng thác đổ ào ào... Vì vậy, âm điệu của những bài
ca nghe thì thầm, nhè nhẹ như gió thoảng, lá rơi, như tiếng thì thầm của tâm hồn
con người trên miền cao nguyên huyền thoại".
Dân ca Tây Nguyên cũng có
nhiều hình thức như: hát đơn, hát tập thể, hát kể chuyện trường ca (Khan
của người Ê-Đê, Hơ-ri Jơrai, Hơ-mon Bahnar ), hát múa, hát đợi chờ, hát giao
duyên (đối đáp), hát ru, hát đồng dao (hát trò chơi con trẻ), v.v...
Nội dung dân ca chứa đựng rất nhiều
yếu tố của cuộc sống đời thường như tình yêu đôi lứa, ca ngợi buôn làng, ca ngợi
những chàng trai anh dũng, có sức khỏe phi thường chiến đấu chống lại cái ác để
bảo vệ buôn làng, ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp. Có bài còn dùng để khẩn cầu các
thần linh làm cho mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu, con người thoát khỏi bệnh
dịch... Nội dung nói trên biểu hiện qua nhiều thể loại dân ca lao động, dân ca
phong tục tập quán, dân ca nghi lễ tín ngưỡng, ...
Nếu xét về thang âm, điệu
thức thì dân ca Tây Nguyên có đủ các thể từ thang 3 bậc âm đến 4, 5, 6 và 7
bậc âm. Tuy nhiên dân ca Tây Nguyên chủ yếu dùng điệu thức 5 bậc âm (có hoặc
không có bản âm tùy theo từng dân tộc).
Các nhạc cụ dân gian
Tây Nguyên có nhiều và rất độc đáo. Nhạc khí Tây Nguyên thuộc nhiều loại, nhiều
nhóm và được chế tác bằng nhiều chất liệu khác nhau.
Loại đầu tiên được chế tác
hoàn toàn bằng chất liệu thiên nhiên như tre, nứa, gỗ, đá, vỏ bầu, dây rừng, sừng
trâu, bò...;
loại thứ hai được chế tác kết
hợp giữa chất liệu thiên nhiên với kim loại;
loại thứ ba là hoàn toàn bằng
kim loại như: đồng, gang, chì, sắt...
Không gian văn hóa Cồng
Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể
nhân loại vào ngày 15 tháng 11, 2005.
Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt-Nam được nhận danh
hiệu này.
Thân mời các bạn nghe
Dân ca Tây Nguyên: Đứa con của
rừng https://www.youtube.com/watch?v=cTo1xhIl9_U
Các sắc tộc Việt Bắc (Dao, H’Mong, Tày, Thái,
Nùng, Mường…) cũng có vẻ riêng của mình : người Thái có có hát lượn, người Tày
có hát then , cũng là loại hát đối đáp, người H'mong có hát đối đáp với khèn,
kèn lá, hay đàn môi, …
Thân mời các bạn nghe Dân Ca
H'Mông - Đỉnh Núi Có Hoa Chân Núi Thơm (Bản tiếng Trung)
Hát ru con
Còn một thể loại dân ca đơn
giản nhất mà nơi nào cũng có, thời đại nào cũng có, một loại nhạc "thính
phòng" mà ca sĩ là người mẹ và thính-giả duy nhất và yêu quí nhất là người
con. Đó là Hát ru ru (miền Bắc), còn gọi là hát đưa em (miền Trung) hay hát ầu
ơ hay là ầu ơ ví dầu (miền Nam).
Hát ru con là những bài hát nhẹ nhàng
đơn giản giúp trẻ con ngủ. Phần lớn các câu trong bài hát ru con lấy từ ca dao,
đồng dao hay trích từ các loại thơ hoặc hò dân gian, hoặc là lời than vãn của
chính mình, được truyền miệng từ bà xuống mẹ, thế hệ trước sang thế hệ sau. Do
đó, những bài hát này rất đa dạng, mang tính chất địa phương, gần như mỗi gia
đình có một cách hát riêng biệt.
Thang âm của hát ru (do re
fa sol la, thuộc loại ngũ cung). Thang âm của hát đưa em miền Trung (do fa sol
sib thuộc loặi tứ cung) và thang âm của ầu ơ miền Nam (do mib fa sol la thuộc
loại ngũ cung).
Trong hát ru thường chỉ chú
ý đến lời (ca từ) còn giai điệu (nhạc lý) thì mỗi bà mẹ có một giọng trữ tình
riêng nhưng vẫn gây ấn tượng sâu sắc trong suốt cả cuộc đời người con.
Miền Trung
Ạ ơi., chứ mang nặng đẻ dau,
cưu mang chín tháng, nghĩa mẹ tay trời trong cạn nuôi con
Ạ ời đói cơm sách áo ruột mẹ
héo hon, khi con no ấm lòng mẹ vẫn chưa trọn mà thảnh thơi.
Ạ ơi…
(Hát ru Huế http://dancavietnam.net/Play/1955/Hat-Ru-Hue.dcv)
Hoặc
Hạ ơ….ai về mà nhắn với bạn
nguồn, chứ mít non gởi xuống chứ cá chuồn gởi lên.
Chuột kêu chút chít trong
rương, anh đi cho khéo cái đụng giường mẹ la,
chớ khi xa thì chỗ ngõ cũng
xa, …
(Hát Quảng Nam http://dancavietnam.net/Play/1953/Hat-Ru-Quang-Nam.dcv)
Miền Nam, có những câu ru như :
Ầu ơ Gió đưa bụi chuối sau
hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẩm tay bồng
Tay dắt mẹ chồng đầu đội
thúng bông.
Hoặc
Ầu ơ... ví dầu
Cầu ván đóng đinh
Cầu treo lắc lẻo
Gập ghềnh khó qua...
Ầu ơ...
Khó qua mẹ dắt con qua...
Con đi trường học
Mẹ đi trường đời...
Nói về miền Bắc thì
riêng tôi có được diễm phúc ru con tôi ngủ mỗi tối cho đến khi nó 4 tuổi. Tôi
ru lại cho nó những bài tôi nghe được của mẹ tôi lúc trước như:
À ơi...
Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm Lộn cổ xuống ao À ơi...
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng À ơi...
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục Đau lòng cò con...
Hoặc mấy câu như:
Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em...
Những bài này, tôi cũng có
hát tiếp cho thằng cháu ngoại. Hy vọng con cháu tôi sẽ tiếp tục hát ru tiếp cho
cháu chắt tôi...
GS-TS Trần Văn Khê (năm nay
đã mừng sinh-nhật thứ 94), một người cống hiến cả đời cho nền âm nhạc dân tộc
VN, từng nhắc lại những kỷ niệm của ông về kỹ thuật hát ru mà từ xa xưa ông có
dịp nghe tại quê nhà: “Hồi xưa lúc còn nhỏ thì tất cả trong làng tôi đều ru như
thế này:
“À... ơi.... Mẹ ru cái lẽ ở
đời, Sữa nuôi phần xác, Hát nuôi phần hồn,
À... ơi... Bà ru mẹ, mẹ ru
con, Liệu mai xa cách con còn nhớ chăng
Ạ ời... Ạ... ơi, Con ơi muốn
nên thân người, Lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru”.
Thân mời các bạn nghe:
Hát ru Bắc bộ https://www.youtube.com/watch?v=D7z8y8i8bmo
Hát ru Trung bộ https://www.youtube.com/watch?v=E7OUa7O0W6o
Hát ru Nam bộ https://www.youtube.com/watch?v=jyH2EewEx2A
Trở về với dân ca
Từ ngày đi du học, nhớ nhà
nên tôi đã nghe dân ca, tôi đã hát dân ca trong những buổi sinh-hoạt văn-nghệ
sinh-viên và tôi đã càng ngày càng yêu dân ca, sản phẩm tinh thần quý giá của
cha ông để lại. Bao năm nay, quê-hương càng xa vời, tôi lại càng thiết tha với
cội-nguồn, với văn-hoá dân-tộc mình.
Tôi chỉ buồn là giờ đây, muốn
đi nghe dân ca cũng chả có ai tổ-chức văn-nghệ mà đi nghe, tôi muốn hát dân ca
cũng chả ai muốn nghe.
Còn ai thương dân ca? Tôi hy
vọng rằng còn nhiều lắm.
Yên Hà, tháng 12, 2014
Tài-liệu tham khảo
Dạo một vòng trên đôi cánh
âm nhac Tây nguyên, Đào Huy Quyền
Không gian văn hóa Cồng
Chiêng Tây Nguyên, Wikipedia
Hát ru (Wikipedia)
Posted by Thanh Tuyền and Ngọc
Phú at 9:54 AM
No comments:
Post a Comment