Tiếng nước tôi (13/19)
May 27, 2014
Tiếng nước tôi: Văn-học dân gian (1) / Thành ngữ
Thiết nghĩ dân-tộc Việt-Nam yêu ngôn-ngữ mình và biết dùng nó để phát-biểu
tâm-hồn nghệ-thuật và tình cảm của mình trong mọi tầng lớp xã-hội và dưới nhiều
hình-thức. Không cần phải là kẻ sĩ, người dân thường cũng đã đóng góp rất nhiều
trong văn-học truyền-khẩu Việt Nam với những thành-ngữ, tục-ngữ, ca dao và dân
ca.
Vài định-nghĩa:
Thành Ngữ = những câu nói ngắn gọn dân gian thường dùng trong khi nói hay viết cho
có vẻ màu mè.
Gần thành-ngữ, còn có quán-ngữ (những chữ quen dùng nhưng không phải
để thêm màu mè).
Tục-ngữ = Câu nói có tính cách răn dạy hay châm biếm chuyện đời.
Chúng ta sẽ gom trong thể-loại này những cách-ngôn (lời nói làm
khuôn phép), ngạn-ngữ (lời người xưa truyền lại), danh-ngôn (những
lời nói hay và sâu sắc được truyền tụng), châm-ngôn (lời văn có vần điệu để
khuyên đời), ngụ-ngôn (lời nói có ý nghĩa bên trong), phương-ngôn
(tục-ngữ địa-phương).
Ca Dao = Câu hát ngắn thành khúc điệu được phổ thông trong dân gian.
Và còn có Phong Dao = lời ca câu hát của dân gian tại các địa phương
Đồng Dao = thơ ca dân-gian truyền miệng của trẻ em
Dân Ca = Bài ca có tính cách dân tộc, dễ hiểu và hợp với tâm tình đơn giản của
nhân dân.
Để phân-biệt 4 thể-loại này:
- Thành-ngữ chỉ dùng để mô-tả, nói (viết) cho văn-chương, màu mè, trong khi
Tục-ngữ có ý răn đời hay chăm biếm.
Thành-ngữ chỉ là một nhóm từ, Tục-ngữ dù ngắn đến đâu cũng phải là một câu
hoàn-chỉnh.
- Dân ca hẳn là một bài hát, trong khi Ca-dao chỉ là những câu ca nho nhỏ,
hát ví-von.
1. Thành-ngữ
Hình như Việt-Nam ta không thích nói hay viết "bình thường".
Có lẽ tiếng Viết ta đơn âm nhưng lại đa thanh nên chúng ta thích dùng từ
láy nghe cho đỡ “trơ trọi” mà lại trầm bổng, êm tai hơn (?)
Mặt khác, dùng chữ thì phải cho văn hoa, bóng bảy, cho màu mè để nhấn mạnh,
để diễn tả mạnh mẽ hơn, để đập vào trí tưởng-tượng của người nghe, người đọc:
Thay vì nói "đêm ấy, trời rất tối", chúng ta nói "đêm ấy, trời
tối đen như mực"; thay vì nói "ông ta suốt ngày làm việc khổ cực",
chúng ta nói "ông ta suốt ngày đầu tắt mặt tối".
Và rồi dần dà gây dựng nên một kho chữ làm mẫu cho nhau, từ thế-hệ này qua
thế-hệ khác. Gọi là văn chương truyền-khẩu nên không có sách ghi chép, cắt nghĩa
rõ ràng (trước đây làm gì có Google như bây giờ?) nên nghe một câu thành-ngữ
thì chúng ta thường hiểu ý, nhưng đôi khi cũng không hiểu rõ nguồn gốc từ đâu
ra.
Tại sao lại "nói toạc móng heo"? Bây giờ tham khảo mới hiểu nghĩa
bóng là "làm mất cái vỏ bề ngoài (móng heo) để làm rõ cái bên trong (ngón
chân heo)".
Tại sao lại "chim kêu vượn hú"? Thành ngữ này xuất-phát từ tục-ngữ
miền Nam:
Má ơi! Đừng gả con xa
chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?
ngụ ý cô con gái xin mẹ đừng gả mình cho người làng khác, xa xôi quá lại nhớ
ba má.
Là loại văn-chương truyền-khẩu nên mỗi vùng có từ-vựng của mình, có cách
nói, cách viết của mình, cho nên thành-ngữ miền này, đôi khi người miền kia
không biết, không hiểu, nhưng phần đông thì cũng đoán ra được.
1.1 Nội-dung
Thành-ngữ dùng để nhấn mạnh ý mình muốn nói bằng cách so sánh hay một thí-dụ
bóng bảy. Cho nên thành-ngữ thường có hai nghĩa, nghĩa đen trong câu nói và nghĩa
bóng là ẩn ý.
Thí dụ phải gợi hình, gợi cảnh, gợi cảm và thường được phóng đại quá mức để
người nghe phải để ý. Không ai hiểu "bị đè đầu cỡi cổ" (hay
"trèo đầu trèo cổ") theo nghĩa đen là bị kẻ mạnh đè đầu xuống và ngồi
lên cổ, mà chỉ hiểu theo nghĩa bóng là bị áp bức.
Cứ cần nói cho bóng bảy thì người ta dùng đến thành-ngữ, nhất là để so sánh
hay để chỉ trích hay nói mỉa. Ngoài ra, đối với văn-hoá Việt-Nam, có lẽ những
việc liên-quan đến ăn uống, giàu nghèo, sống chết rất hay được đề-cập đến.
1.1.1 Thành-ngữ dùng để so sánh
Để mô tả một sự kiện một cách bóng bảy, chúng ta thường so sánh với một con
vật, một nhân vật, … Thí-dụ như:
Đẹp như tiên, xấu như ma lem,
đen như cột nhà cháy, trắng như tuyết, vàng như nghệ,
tối như mực, sáng như ban ngày,
nhanh như cắt, nhanh như điện,
…
Súc vật cũng hay được dùng để so sánh:
Khỏe như voi,
nói dai như đỉa,
chậm như rùa,
khôn ranh như cáo,
lòng lang dạ sói,
ngang như cua,
ngu như bò (thành ngữ “ngu như chó” có lẽ chỉ dùng để “mắng chửi”?)
…
Điển-tích hay Nhân-vật lịch-sử hay trong truyện cũng được chiếu-cố nhiều,
thí-dụ như:
Đa-nghi như Tào Tháo (nhân-vật trong Tam Quốc Chí),
chết đứng như Từ Hải (trong truyện Kiều),
ghen như Hoạn Thư (cũng trong truyện Kiều),
đẹp như Tây Thi (một trong Tứ Đại Mỹ Nhân thời Xuân-Thu),
xấu như Chung Vô Diệm (Vương Hậu của Tuyên Vương nước Tề),
tri-kỷ như Bá Nha, Tử Kỳ,
...
Câu Tiễn "nằm gai nếm mật": thuộc bộ tem "Thành-ngữ điển-tích"
Trung Hoa.
Truyện rằng: Thời Xuân Thu, Việt Vương Câu Tiễn sau khi ở nước Ngô trở về,
thường nằm ngủ trên gai, có treo túi mật đắng để nếm trước khi ăn uống.
Ý của thành-ngữ này là ý chí chịu đựng khó khăn để mưu-sự việc lớn.
1.1.2 Thành-ngữ dùng súc vật trong nghĩa bóng
Hình như dân ta thích mượn súc vật để so sánh hay để gợi ý trong chuyện đời
và thành-ngữ hay đề-cập đến súc vật.
Thí dụ thì nhiều vô số kể, viết bao nhiêu trang cũng không đủ:
Đàn gảy tai trâu
Rồng đến nhà tôm,
cõng rắn cắn gà nhà,
nuôi ong tay áo,
cò bay thẳng cánh,
con sâu làm rầu nồi canh,
chuột sa chĩnh (hũ) gạo,
nước mắt cá sấu,
lên voi xuống chó,
đầu voi đuôi chuột,
hàng tôm hàng cá,
vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm,
…
1.1.3 Thành-ngữ liên-quan đến việc ăn uống hay giàu nghèo
Có lẽ nước ta nghèo nên việc ăn uống hay việc mưu-sinh là những mối
quan-tâm lớn, ảnh hưởng đến ngôn-ngữ mình (?)
Có những thành-ngữ như:
Ăn bờ ở bụi,
ăn gió nằm mưa,
ăn thúng uống vại,
cố (= chịu) đấm ăn xôi,
ăn bữa hôm, lo bữa mai,
ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau,
kén cá, chọn canh,
giận cá chém thớt,
...
Hay để nói về sự giàu nghèo:
chó ăn đá, gà ăn sỏi,
nghèo rớt mồng tơi,
giàu nứt đố (= thanh gỗ đóng vào vách) đổ vách,
ăn sung mặc sướng,
nước lọ, cơm niêu,
nhà tranh vách đất, nhà cao cửa rộng,
…
1.1.4 Thành-ngữ liên-quan đến sống chết
Sống cái nhà, già (= chết) cái mồ,
chết bờ chết bụi (= chết đường chết chợ),
chết lỗ chân trâu,
thập tử nhất sinh,
vào sinh ra tử,
sống dở chết dở,
(chạy) bán sống bán chết,
sống khôn thác thiêng,
thoát trong đường tơ kẽ tóc,
…
1.1.5 Thành-ngữ nói về đạo làm người hay nhân tình thế thái
Kinh-nghiệm đời thường thể-hiện qua tục-ngữ, phong dao, còn thành-ngữ thường
được dùng để chỉ trích, mỉa mai hơn.
Thí dụ:
Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm,
no cơm ấm cật,
lười như hủi, (lười) há miệng chờ sung (rơi vào miệng),
dở dở ương ương,
khôn nhà dại chợ,
việc nhà thì nhác (= lười) việc chú bác thì năng (= siêng),
bới lông tìm vết,
ăn mày đòi xôi gấc,
con nhà lính tính nhà quan; lỡ ông, lỡ thằng,
phú quí sinh lễ nghĩa; trưởng giả học làm sang,
đã ngọng còn hay lu, đã ngu còn hay chơi chữ,
vắt chanh bỏ vỏ, ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván, đánh trống bỏ dùi, có
trăng quên đèn, có mới nới cũ... (không hiểu sao lại có nhiều thành-ngữ để diễn
tả ý này thế?),
…
Hà tiện thì bị gọi là “rán sành ra mỡ” hay “vắt cổ chày ra nước".
“Chữ mình, vợ người” được dùng để nói lên thói đời: về chữ nghĩa thì tự phụ
mình nhất, nhưng nói đến vợ thì lại thích đi dòm ngó vợ người.
1.2 Thành-ngữ Hán-Việt
Thành-ngữ Việt-Nam dĩ nhiên ảnh hưởng tiếng Hán rất nhiều.
a. Thành-ngữ nguyên-bản gốc Hán:
Tham quyền cố vị,
tâm đầu ý hợp,
vạn sự khởi đầu nan,
vô danh tiểu tốt,
bất phân thắng bại,
cẩn tắc vô áy náy,
…
b. Thành-ngữ Hán được dịch ra tiếng Nôm:
Tỉnh đế chi oa -> Ếch ngồi đáy giếng,
Tri kỷ tri bỉ -> Biết mình biết người,
Bách chiến bách thắng -> Trăm trận trăm thắng,
Đại ngư cật tiểu ngư -> Cá lớn nuốt cá bé,
Hữu danh vô thực -> Có tiếng không có miếng,
…
c. Thành-ngữ Hán được thay đổi chút cho dễ phổ-thông
Mã đáo công thành -> Mã đáo thành công
Nhập tình nhập lý -> hợp tình hợp lý,
Tác uy tác phúc -> Tác oai tác quái,
An phận thủ kỹ -> An phận thủ thường,
Nhất bộ bình an -> Thượng lộ bình an,
…
Có khi chữ chỉ bị thay đổi vị trí để nói cho thuận miệng như “Xà khẩu Phật
tâm” -> “Khẩu xà Tâm Phật” (Câu này đôi khi cũng dùng phản ý là “Khẩu Phật
tâm xà”).
d. Thành-ngữ Hán được giản-tiện hóa:
Thương hải biến vi tang điền (bãi biền thành ruộng dâu, ý nói cuộc đời thay
đổi) -> Dâu bể,
Xảo ngôn như lưu (= nói năng khéo léo như rót vào tai) -> Xảo ngôn,
Lang bạt kỳ hồ (= ngày đây mai đó) -> Lang bạt
e. Thành-ngữ Hán được nôm hóa:
Dĩ độc trị độc -> Lấy độc trị độc,
Nhất tiễn song điêu (= một mũi tên bắn hai con chim) -> Một công đôi
chuyện.
1.3 Về mặt hình thức
Chữ ta đơn âm, đa thanh nên dân ta nói gì cũng phải có vần có điệu, có đối
có đáp, có cân có xứng, nói phải thuận miệng, nghe phải thuận tai. Mọi thể loại
trong văn-chương dân-gian đều có những tính cách này.
Có đối:
Dài lưng tốn vải,
Văn hay chữ tốt,
Mẹ tròn con vuông,
Môn đăng hộ đối,
Năm thê bảy thiếp,
Khôn nhà dại chợ,
Giơ cao đánh sẽ (= khẽ, nhẹ),
Vỏ quít dày, móng tay nhọn,
Lá lành đùm lá rách,
...
Chúng ta có thể để ý thấy có rất nhiều thành ngữ gồm 4 chữ, một phần vì lý
do này.
Có vần:
Biết thì thưa thì thốt, không biết thì dựa cột mà nghe,
Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng,
Bỏ thì thương, vương thì tội,
Có thực mới vực được đạo,
Tiền mất tật mang,
Thua keo này bày keo khác,
Được ăn, được nói, được gói mang về,
Không mợ thì chợ vẫn đông,
Mất bò mới lo làm chuồng,
Miệng nam-mô, bụng bồ dao găm,
Thấy người sang bắt quàng làm họ,
...
Có vần, có đối:
Sai một li, đi một dặm,
Ăn theo thuở, ở theo thời,
Ăn trông nồi, ngồi trông hướng,
Của chồng công vợ,
Tay làm hàm nhai,
Ăn cơm có canh, tu hành có bạn,
Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm,
Sông có khúc, người có lúc,
...
Thành-ngữ không bắt buộc phải có đối, có vần nhưng thường hay có điệu, bao
giờ nghe cũng nhịp nhàng, uyển chuyển dù không phải là những câu hoàn-chỉnh như
tục-ngữ, ca dao.
Cứ đọc thử:
Năm thê bảy thiếp,
Đêm bảy ngày ba,
Ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh,
Vợ như rợ buộc chân, chồng như gông vào cổ,
Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng…
Nói cho thuận miệng, nghe cho thuận tai thì mới dễ truyền-khẩu được. Đây cũng
là một đặc-trưng của văn-chương dân gian.
1.4 Những thành-ngữ tôi yêu
Đã là văn-chương truyền-khẩu nên tôi "học" thành-ngữ qua ông bà,
bố mẹ, cô chú bác tôi, và dĩ nhiên là những từ-ngữ Bắc-Kỳ. Tôi thích dùng
thành-ngữ nhưng phải nói có những thành-ngữ tôi rất thích vì tính cách gợi cảm
hoặc hài-hước như:
Đi guốc trong bụng (đau chết đi được! ),
ba que xỏ lá,
khỉ ho cò gáy,
gàn sặc gàn sụa,
xấu đau xấu đớn, xấu tàn xấu tệ,
ế xưng ế xỉa,
nghèo rớt mồng tơi,
mê như điếu đổ (= mê như say thuốc lào, làm đổ cả điếu hút),
dốt đặc cán mai (mai là dụng cụ đào đất, có cán bằng gỗ tốt nên đặc),
loạn cào cào,
cả vú lấp miệng em (= dùng sức mạnh để lấn áp kẻ yếu),năm thì mười hoạ (=
hiếm lắm),
nằm trong chăn mới biết có rận,
điếc không sờ sấm (súng),
chưa thấy quan tài chưa đổ lệ,
…
Mặt khác, người Việt ta thích vui đùa nên hay sửa đổi lời một bài hát hay
nói trẹo một tục-ngữ, thành-ngữ một cách hài hước. Thí dụ một vài "ranh
ngôn" học được hoặc do tôi chế biến:
Đời là bể khổ… mà chúng sinh lại không biết bơi,
Có công mài sắt có ngày… mỏi tay,
Nghiêng nước đổ thùng,
... như hủ-tiếu thiếu nước lèo,
Nhân chi sơ, sờ tí mẹ,
Ăn cháu đá bác,
Có (đào) mới, nới (vợ) cũ,
Ăn trong nồi, ngồi trong hũ,
Đồng không mông quạnh -> Quần không đít quạnh,
Gậy bà đập lưng ông,
Giặc đến nhà, đàn bà cũng chạy,
Gần mực thì đen, gần kèn thì thổi,
…
Đối với người Việt-Nam, thành-ngữ quả nhiên là để:
Nói cho màu cho mè, nghe cho vui cho vẻ.
Đón đọc số sau:
Tiếng nước tôi: Văn-học dân gian (2) / Tục ngữ
Yên Hà, tháng 5, 2014
Tài-liệu tham-khảo:
Định-nghĩa trong Tập "Tục Ngữ, Thành Ngữ, Ca Dao và Dân Ca Việt
Nam" của cụ Trần Ngọc Ngải, Chicago, Illinois, USA 1997
Bộ sưu tập "Tâm Hồn Mẹ Việt Nam" (NXB Văn Nghệ, 1994) - Lê
Gia
Thành-ngữ trong tiếng Việt (Hồng Huy - Vũ Ngọc Phan?)
Thành-ngữ Hán-Việt
Ca dao, Tục-ngữ
Posted by Thanh Tuyền and Ngọc Phú at 2:26 PM
1 comment:
AnonymousJune 4, 2014 at 7:05 AM
Anh Phú ơi, kỳ sau anh nói một ít chi tiết về sáo ngữ.
Reply
No comments:
Post a Comment