Monday, May 13, 2019

Tiếng nước tôi (11/19)

http://phu-tran.blogspot.com/2014/01/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-choi-chu-3.html
Jan 22, 2014

Tiếng nước tôi: Chơi chữ (3) / Ngữ pháp và Đối đáp
0. Chơi chữ là gì?

1. Chơi chữ dựa trên ngữ âm

2. Chơi chữ dựa trên ngữ nghĩa
./.


3. Chơi chữ dựa trên ngữ pháp
Quy-tắc sử dụng chữ cũng tạo nên nhiều cách chơi chữ thú vị.

3.1 Tách từ/ngữ
Từ kép, từ láy là một đặc-điểm của tiếng Việt nên tách riêng hai chữ ra là cách thứ nhất:
Chớ nghe lời phỉnh tiếng phờ,
Thò tay vào lờ, mắc kẹt cái hom.
hoặc
Người ta đi đôi về đôi,
Thân anh đi lẻ về loi một mình.

hoặc
Thương Vợ (Trần Tế Xương)

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hửng cũng như không.

Các từ duyên nợ, nắng mưa được tách đôi trong đã trạo nên những nét nghĩa riêng... làm nổi bậc cái khổ của người vợ.

3.2 Đảo trật tự
Đảo trật tự từ ngữ để làm thay đổi chức năng ngữ pháp, ngữ nghĩa, nhất là để giữ vần điệu trong thi văn, ca dao:
Tình ngay em phải nói ngay ,
Ai mà chồng có (có chồng), cối xay nghiến liền.
hoặc
Đôi ta như chỉ, chỉ se, 
Xỏ kim, kim xỏ; may hè, hè may.


Có khi trật tự cú pháp thay đổi kéo theo ngữ nghĩa thay đổi.
Thí dụ: bài thơ Cửa Sổ Đêm Khuya (Hàn Mặc Tử)

Đọc xuôi :
Hoa cười nguyệt dọi cửa lồng gương,
Lạ cảnh buồn thêm nổi vấn vương 
Tha thướt liễu in hồ gợn bóng
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương 
Xa người nhớ cảnh tình lai láng 
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng 
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá,
Hòa đàn sẳn có dế bên tường.

Đọc ngược :
Tường bên dế có sẵn đàn hòa 
Lá ũ dâu ngàn yến lại qua
Bàng bẽ rượu thơ ngâm bạn vắng
Láng lai tình cảnh nhớ người xa 
Hương đưa gió thoảng mai hờ hững
Bóng gợn hồ in liễu thướt tha
Vương vấn nổi thêm buồn cảnh lạ 
Gương lồng cửa dọi nguyệt cười hoa.

3.3 Chấm phết

Mỗi gia-đình hai con vợ
chồng hạnh phúc
Một tấm bích chương như thế này, tôi thật tình khó có thể tin không phải do Photoshop.


Nhận được một tấm thiệp mời đi ăn như dưới đây, không biết bạn sẽ nghĩ sao?
... Bạn nào muốn ăn xin cho biết...

Trong bất cứ ngôn-ngữ nào, chấm phết quả là lợi hại.

4. Đối và Đáp
4.1 Câu đối
Phát xuất từ người Trung-Quốc, câu đối được xem là tinh hoa của văn hóa chữ Hán:
"Nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa".

Đây là một nghệ-thuật rất phức tạp trên mặt nguyên-tắc, luật lệ (đối ý và đối chữ, số chữ và các thể câu đối, Luật bằng trắc, v… v…) và thường đòi hỏi sự hiểu-biết tiếng Hán.

Câu đối cũng có rất nhiều thể-loại (Dương Quảng Hàm):
Câu đối mừng: làm để tặng người khác trong những dịp vui mừng như mừng thọ, mừng thi đỗ, mừng đám cưới, mừng nhà mới...

Câu đối phúng: làm để viếng người chết.
(Nguyễn Khuyến: câu đối khóc vợ)

Câu đối Tết: làm để dán nhà, cửa, đền, chùa...về dịp Tết Nguyên Đán.

Hồ Xuân Hương cũng có  câu đối Tết trào lộng:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, đóng chặt lại kẻo ma vương đưa quỉ tới
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào.

Và còn rất nhiều loại câu đối nữa.

4.2 Đối Đáp
Đã đối chữ thì cũng phải có đối chất, đối chọi với nhau và có đối thì phải có đáp mới vui.

Câu đối thách (đối hay đố): người ta còn nghĩ ra những câu đối oái ăm, cầu kỳ rồi người ta tự đối lấy hoặc thách người khác đối. Lối đối này thường sử dụng nghệ thuật chơi chữ, đồng âm dị nghĩa...
Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già
Con công đi qua chùa kênh, nó nghe tiếng cồng nó kềnh cổ lại
(Câu đối có bốn chữ : cóc cách cọc cạch đối với bốn chữ công kênh cồng kềnh).

Chơi chữ theo cách dùng các đơn vị Hán Việt, Pháp Việt và thuần Việt có ý nghĩa tương đương cũng là một cách thách đố nhau:
Đối : Năm con chim xanh (cinq=5) đậu cành cây ngủ (ngũ=5)
Sáu con bọ xít (six=6) sắc lục (=6) đó tề !


Đáp : Tám con tu hú (huit=8) kêu cây bát bát (=8),
Mười con chuồng chuồng đỏ đít (dix=10), lượn thập (=10) ác nhà.

Giai thoại “Da trắng vỗ bì bạch” 
Tục truyền có lần ông Trạng Quỳnh nhà ta thấy bà nữ-sĩ Đoàn Thị Điểm đang trong phòng tắm, ông đòi vào thì bà ra câu đối, hẹn rằng đối được thì bà sẽ chấp thuận nhưng ông Trạng nghĩ nát óc không ra, đành bẽn lẽn bỏ ra về.
Câu đối này đã có nhiều câu đáp như:
Trời xanh màu thiên thanh
Cô Miên ngủ một mình
Tướng Kỳ chơi cờ tướng
...
nhưng chưa bao giờ hoàn toàn chỉnh trên mọi phương diện ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ âm, ngữ cảnh, nghệ-thuật, ...
Hồng Hà Nữ Sĩ quả là nữ sĩ bậc nhất. Khâm phục, khâm phục.


Hò đối đáp (hát đối) trong ca dao, dân ca
Sinh hoạt hò đối đáp nam nữ ở nước ta được thể hiện trong lao động tập thể, trong các hình thức giải trí vui chơi, và ngay trong các ngày hội lễ, mặc dù tính chất trang nghiêm, nhưng không vì thế mà hò đối đáp không được sử dụng.

Mỗi vùng tại Việt-Nam - Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ - có những đặc tính của vùng và tất cả nằm trong kho-tàng văn-hoá của chúng ta.
Hò giã gạo ở Bình Trị Thiên là trở lại hò thích hợp nhất cho lối hò đối đáp nam nữ. Với nhịp điệu, tiết tấu dồn dập, rộn ràng, hò giã gạo rất thích hợp với lao động tập thể, đồng thời cũng rất hấp dẫn lôi cuốn những người trong và ngoài cối hò say theo câu hát.
Hò mái nhì ở Huế là một loại hò vừa có thể dùng để hò đơn lẻ, lại vừa dùng trong khi đối đáp. Là một điệu hò trên sông nước, hò mái nhì vừa có chức năng phụ lực cho lao động, lại vừa đủ yếu tố để thể hiện tâm tình. Điệu hò man mác, trầm buồn, ngân nga và sâu lắng, êm đềm như mặt nước sông Hương. Âm điệu hò mái nhì có khả năng khơi động đến nơi cùng thẳm nhất của tâm hồn người.

Dân ca quan họ Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang) là hát đối đáp nam-nữ, vào mùa xuân, mùa thu khi có lễ hội hay khi có bạn bè. Một cặp nữ của làng này hát với một cặp nam của làng kia với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. Cặp hát phân công người hát dẫn, người hát luồn nhưng giọng hát của hai người phải hợp thành một giọng. Họ hát những bài ca mà lời là thơ, ca dao có từ ngữ trong sáng, mẫu mực thể hiện tình yêu lứa đôi, không có nhạc đệm kèm theo.
Quan họ là loại hình dân ca phong phú, đa dạng về hình thức ca hát, giầu có về giai điệu và vốn bài bản, lời ca, tạo nên giá trị đặc sắc và đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 9, 2009).

Như đã nói, đối chữ là một nghệ-thuật thật phức-tạp, đòi hỏi kiến-thức cao. Ngược lại, xét trong văn chương bình dân (mà tiêu biểu là ca dao và dân ca nói chung và hát đối nói riêng) thì dân-tộc chúng ta tuy xưa nay đa số sống bằng nghề nông nhưng mức độ văn chương và tinh thần văn nghệ lại thật là cao. Đây là một niềm hãnh diện lớn.


Xin đón đọc trong số tới: Nghệ thuật nói lái

Yên Hà, tháng giêng, 2014

Tài-liệu nguồn:
Câu đối (Wikipedia)
http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A2u_%C4%91%E1%BB%91i

Hò đối đáp nam nữ ở Bình Trị Thiên
http://khoa4suphamhue.vnweblogs.com/post/32614/417705

Hát đối trong Quan Họ
http://hiephoa.net/index.php?option=com_content&view=article&id=3616:b3616&catid=82:thovan&Itemid=517

Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao dân ca Việt Nam: Trần Minh Thương
http://4phuong.net/ebook/46513172/nghe-thuat-choi-chu-trong-ca-dao-dan-ca-viet-nam.html

Mười cách chơi chữ phổ-biến: Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh
http://thinhdailoc.blogspot.com/2012/10/214-muoi-cach-choi-chu-pho-bien.html

Lối chơi chữ trong đối và thơ
http://e-cadao.com/tieuluan/ngonngu/choichutrongcadaovadoi.htm
Nghệ Thuật Chơi Chữ Trong Ca Dao Người Việt  http://www.hoasontrang.us/phorum/showthread.php?t=462

Posted by Thanh Tuyền and Ngọc Phú at 11:50 AM
2 comments:

Hung LevanFebruary 15, 2014 at 4:34 PM
Có những câu đối đọc lên từng chữ đối nhau, như trong cuốn Lều Chõng của Ngô Tất Tổ có câu đối :

"Thuỷ ứng Chu hoa tam bạch hậu, 
Trường trưng Thương quả thập hoàng sơ". 

Chu đối Thương, (Nhà Chu nối tiếp sau nhà Thương và trước nhà Tần ở Trung Quốc)
Hoa đối Quả,
Tam đối Thập,
Bạch đối Hoàng,
Hậu đối Sơ

Từng chữ một đối nhau chan chát, Câu này được tác giả cho là "Thần Cú".

Hoặc trong cuốn Bút Nghiên của Chu Thiên cũng có mấy câu đối rất hay : dùng lối chiết tự tức là đem một chữ mà chia ra từng phần để làm câu đối :

Ba sĩ ngồi một ghế đội đức Đường Ngêu 

(Đường Nghêu là những vị vua giỏi trong lịch sử Trung Quốc. Chữ Nghêu
có ba chữ Sĩ ở trên chữ Kỹ là ghế : ba sĩ ngồi một ghế trong truyện cũng
để tả cảnh ba người có học cùng đến cầu hôn)

Câu này đuoc cậu Tâm đối lại :

Một bách sách hai cung đáng tài Lý Bật

Lý Bật là vị tướng giỏi đời Lý- Đường được phong tước vương ngan
với Quách Tử Nghi. Chữ Bật có một chữ bách ở giữa và hai chữ cung
ở hai bên

Hoặc câu đối chữ nôm :

Vốn giòng thi lễ đôi tám xuân thu, gặp khách thư sinh đem lòng dục dịch

Trong câu này có lấy tên ngũ kinh là : Thi, Thư, Lễ, Dịch và Xuân Thu Câu này đuoc đối lại :

Đệ tử Trương Chu mười năm Khổng Mạnh, thấy nàng nhan sắc nên phải thưa trình.

Trong câu đối lại có lấy tên họ các bật thánh hiền là : Khổng Tử, Mạnh Tử và Trương Tử, Chu Tử, Trình Tử. Ba vị sau là ba vị danh nho đời Tống.

Hưng/

Reply

Hung LevanFebruary 15, 2014 at 5:42 PM
Đối lại vế đối cổ khuyết danh:
vế ra: 
Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh Hồi Hương, Phụ Tử (khuyết danh)

vế đối: 

Vàng bạc nhà nông chuộc đất, trồng đôi hàng Thục Địa, Kim Ngân (Phan Châu Trinh)

vế đối khác 1:
Chị em trồng hoa trông trời, bó hai bó Hướng Dương, Tỉ Muội (Thiền Long Nguyễn Phước Thạnh)

Vế sau này đối chỉnh hơn : "gánh một gánh" đối lại bằng "bó hai bó"

Vài câu đối khó :  

bán mãi cửa quan sợ cụ

Câu này để tả những người ngồi bán hàng rong trước cữa nhà quan nên lâu ngày lo sợ bị quan xua đuổi đi không cho bán nữa.
Bán là tiếng nôm mà mãi là tiếng hán việt cũng là bán buôn mà cũng có nghĩa là lâu ngày. Các chữ sau đều đối nhau từng cặp nôm-hán.

Ai có thì giờ rãnh thì đọc ở mấy site web này :

http://vi.wikiquote.org/wiki/C%C3%A2u_%C4%91%E1%BB%91i_Vi%E1%BB%87t_Nam

Hưng/

No comments:

Post a Comment