Monday, May 20, 2019


Tiếng nước tôi (18/19)

Nov 17, 2014
Tiếng nước tôi : Văn-học dân-gian (4.3) / Dân ca / Nam bộ
4. Dân ca
4.1 Dân ca Bắc bộ
4.2 Dân ca Trung bộ

4.3 Dân ca Nam bộ
Lùi vào quá khứ, ba trăm năm trước, khoảng cuối thế kỷ 17, khi người Việt đặt chân xuống đồng bằng Cửu Long khai sơn phá thạch để lập nghiệp cũng là lúc họ phát huy bản lĩnh, khí phách của dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hiến lâu đời. Trước khi gieo hạt giống làm nảy nở mùa màng, họ đã gieo tục ngữ ca dao, tiếng hò, điệu hát.
Trong lịch sử Nam tiến của dân tộc, Nam bộ là một vùng đất mới. Văn hóa nghệ thuật Nam bộ, do đó không hẳn xuất phát trực tiếp từ cội nguồn miền Bắc mà thông qua trạm trung chuyển là Thuận Hóa xưa, là địa danh hành chính cũ của vùng Bình-Trị-Thiên, nguyên là đất các châu của Chiêm Thành xưa.
Cho nên hai thể loại dân ca tiêu biểu của xứ Huế là Lý và Hò đã phát triển rất mạnh mẽ và đa dạng, nổi trội ở dân ca Nam Bộ.




4.3.1 Lý Nam bộ
Nói về những đặc-điểm của dân ca ba miền thì người xưa có câu “Nam lý, Bắc thơ, Huế hò”. Ông Trương Vĩnh Ký giải thích trong “Giáo trình Hát, lý, hò An Nam” (1886): “Người trong Nam (từ Đồng Nai ra tới Quảng Nam) thì hát lý hay hơn cả; còn ca, phú, thơ, vịnh thì người miền Bắc; còn về việc hò thì tại nơi kinh kỳ (Huế)”.
Ngoài ra, ở miền Nam xưa, các nghệ sĩ xếp đứng đầu trong các điệu hát: “Nhứt lý, nhị ngâm, tam nam, tứ oán…”.
Cho nên lý có ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam, nhưng có lẽ lý phát triển mạnh nhất ở Nam bộ.

4.3.1.1 Đặc tính Lý Nam Bộ
Lý là những khúc hát ngắn gọn, vui tươi, dí dỏm, mang tính chất lạc quan yêu đời rõ nét với các nhịp điệu phong phú và sinh động.
Lý là quê mùa, là điệu hát mà ca từ chính là những câu phong dao, ca dao được đệm lót thêm một số nhóm từ, cụm từ, tuy là “hư từ”, sáo rỗng và vô nghĩa nhưng lại rất cần để ngâm nga, đẩy đưa, hỗ trợ làn hơi, đồng thời nghệ nhân cũng hát xen những tiếng láy, điệp ngữ – chính là điệp khúc… làm cho tiết điệu thêm mượt mà, khúc chiết, khi thì tình tứ thiết tha, khi thì buồn thảm não nùng, khi thì nhẹ nhàng phấn khởi…

Lý Nam bộ không chỉ phong phú về số lượng mà cả về đề tài, nội dung cũng như đặc tính âm nhạc. Lý Nam bộ đề cập đến các sinh hoạt, các công việc và tâm trạng, tâm hồn của người dân và thực sự là một thể loại phản ảnh cuộc sống, cách suy nghĩ và tính cách của người Việt ở Nam bộ.
Mặc dầu ở Lý Nam bộ có đủ mọi sắc thái, nhưng có lẽ những nét buồn là sâu đậm hơn, đồng thời lại hồn nhiên mộc mạc và hóm hỉnh ngộ nghĩnh.

Mỗi điệu lý có một nội dung rõ rệt, hoặc phổ biến những kinh nghiệm sản xuất (như Lý đất dòng chẳng hạn), hoặc ca ngợi những đức tính tốt trong cuộc sống (như Lý Ba Tri), cái đẹp trong thiên nhiên (Lý cây xanh) hoặc oán trách nhau (như Lý lu là) hoặc mỉa mai, châm biếm bọn lý trưởng, cường hào (như Lý con chuột, Lý bình vôi, Lý con sam). Các chủ đề nhạc trong các điệu lý rất nhiều vẻ, dưới những hình thức rất độc đáo, nhưng lại rất quen thuộc với phong vị cổ truyền của quần chúng từ lâu đời.
Chính nhờ đề tài và nội dung phản ánh mọi hiện tượng xảy ra trong sinh hoạt đời thường của ca dao, nói được những góc cạnh tình cảm trong cuộc sống, và cũng nhờ ca từ giản dị tươi vui, dí dỏm nên lý dễ đi vào lòng người, rất được người bình dân ưa chuộng.

Nói về cách đặt tên cho nhiều điệu lý, theo Lư Nhất Vũ – Lê Giang tác giả “Tìm hiểu dân ca Nam Bộ” thì, cũng như ở Bình Trị Thiên và Nam Trung Bộ, ông bà ta ở Nam Bộ có mấy, đại thể:
a) Lấy nội dung lời hát (ca dao) mà đặt: lý con cúm núm, lý con sáo, lý ngựa ô, lý cây bần, lý cây gòn, lý trái bắp, lý trái mướp, lý chúc rượu, lý qua cầu, lý cấy, lý cảnh chùa, lý vọng phu v.v.
b) Lấy mấy chữ đầu câu hát mà đặt: lý con chuột, lý con mèo, lý chim chi, lý chim sắc, lý trồng hường, lý chẻ tre, lý chiếu bông, lý chiều chiều, lý bánh canh, lý dĩa bánh bò, lý ông hương, lý nàng dâu, lý ba xa kéo chỉ, v.v.
c) Lấy tiếng đệm lót hoặc tiếng láy đưa hơi mà đặt: lý í a, lý băng rù, lý bằng rằng, lý cống xê xang, lý giọng ứ, lý hố khoan, lý hố mơi, lý kỳ hợi, lý lu là, lý tú lý tiên, lý rường ơ, lý tang tình, lý ợ, v.v.

Lý biến thể
Một bài Lý vốn tiền thân cùng là một bài ca dao nhưng khi chuyển thể sang hát Lý đã có tới 6, 7 làn điệu, có khi lên đến hàng chục làn điệu với nhiều sắc thái khác nhau.
Dưới đây là vài làn điệu lý “cùng lời khác nhạc” mà các nghệ nhân dân gian đã khéo xử lý những tiếng đệm lót, đệm phụ nghĩa, tiếng lý, tiếng đưa hơi, điệp ngữ… để nhằm hoàn chỉnh cấu trúc âm nhạc. Chúng ta hãy xem qua một số làn điệu bài Lý con sáo.



- Trước tiên là bài được hát với tốc độ nhanh, nhịp điệu “nhát gừng”, khoẻ khoắn:
Ai đem con sáo (ký) qua sông (ký) qua sông
Cho nên con sáo (ơ sáo) sổ lồng (à xa mà) bay xa
Cho nên con sáo (á sáo) sổ lồng (ờ xa mà) bay xa (Ai… xa).

- Bài khác, hát theo giọng “ợ”, xử lý nhóm tiếng đệm “ừ vậy phải đó thê” với cơ cấu giai điệu cũng như cơ cấu điệu thức rất mượt mà, có duyên (do Huỳnh Ngọc Trảng sưu tầm):
Ai đem con sáo (này ơ ợ là sông cái) qua sông (bớ em ôi! Dạ ừ vậy phải đó thê)
Cho nên con sáo sổ lồng bay xa (đồn rằng tang tình bớ mà… bay xa).

- Và một bài nữa với giọng “bằng”, sử dụng cụm từ “ưng ứng ưng” (do Hoàng lê và Trần Kiết Tường ghi):
Ai, ai đem, ai đem bằng chim sáo, ưng ưng ứng ưng ưng.
Sang sang sang sang sang sông ai đem chim sáo sang sông.
Tình bằng sang sông ưng ứng ưng ưng ưng ưng ưng.
Tình bằng sang sông ưng ứng ưng ưng ưng ưng ưng.
Cho, cho nên, cho nên bằng chim sáo, ưng ưng, ứng ưng ưng.
Sổ sổ sổ sổ sổ lồng cho nên chim sáo sổ lồng.
Tình bằng bay xa, ưng ứng ưng ưng ưng ưng.
Tình bằng bay xa, ưng ứng ưng ưng ưng ưng ưng.

4.3.1.2 Tiết điệu và âm điệu
Xét về phương diện âm hưởng nói chung toát ra từ các điệu hò và Lý Nam Bộ, chúng ta rút ra được chất tinh khiết, chân thật, tuy mộc mạc, pha lẫn chút ít âm điệu mênh mông của hò, với nhịp điệu sinh động, vui phơi phới đầy tươi mát của các điệu lý.

Đặc biệt về mặt kết cấu, lý cũng có những phân biệt câu cú, khúc, đoạn rõ ràng. Sự trình bày phần âm điệu được mạch lạc, có tính nhất quán toàn bộ, và dễ phát hiện, không cầu kỳ, phức tạp, ngổn ngang.

Cách vận dụng và xử lý các hệ thống điệu thức dân gian 5 cung hoặc 7 cung, hoặc 5 cung có thêm bớt bất thường trong thể loại lý, càng tạo thêm được nhiều sắc thái về giọng điệu, càng làm phong phú thêm, mở rộng ra nhiều khả năng kết hợp chặt chẽ giữa âm điệu và ngôn ngữ.
Hiện nay, các cơ sở nghiên cứu đã sưu tầm và chỉnh lý hơn 40 điệu lý như: Lý con sáo, Lý giao duyên, Lý cây bông, Lý chúc rượu, Lý chia tay, Lý cây gòn, Lý con chuột, Lý bình vôi v.v...

4.3.1.3 Một vài điệu Lý quen thuộc
Lý ngựa ô (Nam Bộ)
Lý con ngựa... ngựa ô (2 lần)
Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen
Búp sen lá đậm - Dây cương đầm thấm
Cán roi anh bịt đồng thà...
Lá anh í a đưa nàng... là anh đưa nàng về dinh
Lá anh í a đưa nàng... là anh đưa nàng về dinh...

Lý con sáo (Gò Công)

Lý Chiều chiều
https://www.youtube.com/watch?v=H_yE3pmCiGEMột bài Lý giao duyên tâm tình với tiết tấu nhẹ nhàng, với ca từ mộc mạc, với tình cảm nồng nàn, gợi cho người nghe cảm giác buồn man mác:
Chiều chiều ra đứng tây lầu tây
Thấy cô tang tình gánh nước
Tưới cây tưới cây ngô đồng
Xui khiến xui trong lòng, trong lòng tôi thương
Thương cô tưới cây ngô đồng...

Khi tiết tấu Lý sôi nổi thì đó cũng là lúc tâm thế con người được thăng hoa nhất:
Kêu cái mà quạ kêu, kêu cái mà quạ kêu.
Quạ kêu nam đáo, lắc đáo nữ phòng, người dưng khác họ, chẳng nọ thời kia.
Nay dìa (về) thời mai ở, ban ngày thời mắc cỡ, tối ở quên dìa.
Rằng a í a ta dìa, lòng thương nhớ thương.
Rằng a í a ta dìa lòng thương nhớ thương...


Lý lu là
Cũng có khi, lý lại được pha lẫn vào chút ít màu sắc trữ tình man mác như bài:
Ai về giòng dứa mà qua truông
Nhắn thăm lu là với bậu ơ bậu ơi!
Bỏ buồn cho nàng ơi! mà cho ai?
Bỏ buồn cho nàng ơi! mà cho anh!

Lý con cua quầy

Trong Nam Bộ, hát lý có sức cuốn hút rất mãnh liệt, đến mức:
Con cua quậy ở dưới hang,
Nó nghe giọng lý kềnh càng bò lên!


“Nam lý, Bắc thơ, Huế hò”. Người xưa quả là không nói ngoa.

4.3.2 Hò Nam bộ
Nguyễn Văn Hầu trong bài nghiên cứu Hò miền Nam cho là Hò từ miền Trung theo đoàn người của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đi khai phá vùng đất mới. 
Nhưng "tiếng hò ở đây không còn giống hệt tiếng hò ở chân đèo Hải Vân hay trên dòng sông Hương hôm nào nữa. Nó tha thiết não nùng hơn. Giọng hò miền Trung từ ấy vì biến thái địa lý và hoàn cảnh kinh tế, dần dần chuyển hóa, sai chạy...”

Có thể nói thức ăn tinh thần chính của dân Nam Bộ trong buổi đầu là tiếng hò câu hát. Những điệu hò cấy lúa, hò quốc sự, hò lờ, đã làm thổn thức, xao xuyến lòng người từ xưa đến nay vẫn còn văng vẳng bên tai. Những cuộc hò làm bớt nặng nhọc trong lúc cày bừa, sạ tỉa giữa nơi nước mặn, đồng chua, làm phấn khởi tinh thần trước cảnh thiên nhiên, đồng thời là đầu mối cho duyên tình trai gái dẫn tới những cuộc vuông tròn vàng đá trăm năm.

4.3.2.1 Xếp loại những câu hò
Hò miền Nam gồm có:
- Hò ba lý xuất xứ từ bài Bá Lý Hề của cải lương rất được thông dụng giữa các ca sĩ chuyên nghiệp.
- Hò theo điệu ai oán dùng để kể chuyện.
- A li hò lờ xuất hiện khoảng 50 năm nay thôi, dùng thể thơ lục bát. Hò lô tô, hò cấy, vv...

Trên phương-diện cách sử dụng văn chương, các điệu Hò có thể chia thành ba loại chính: hò mép, hò văn, hò truyện.
- Hò mép theo quan niệm chung được coi là xứng đáng tiêu biểu trung thành cho tiếng nói của dân gian trước mọi cảnh. Nôm na, không dùng điển tích và không mang nặng thành ngữ Hán Việt, loại hò mép dễ làm rung cảm người nghe một cách sâu sắc:
   Hò... ơ... ơ... ơ...
   Vai mang nóp rách... ơ... ơ... ơ...
   Tay xách cổ quai chèo... thương con nhớ vơ.... ơ... ơ... ơ... bởi phận nghèo anh phải đi...       ơ... ơ... ơ...

- Hò văn là dùng những câu văn trong sách Nho ghép vào câu hò. Hò loại này, các tác giả dân gian dễ phạm vào những sai lầm, những nặng nề của từ ngữ. Tuy vậy, người ta đã hò rất nhiều, và cũng có lắm câu giá trị:
   Hò... ơ... ơ... Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu... ơ... ơ...
   Thoại bất đầu cơ bán cú đa...
   Miễn cho anh ăn nói thiệt thà... ơ... ơ...
   Dẫu cho Hồ Việt một nhà lạ chi... ơ... ơ...?

- Hò truyện, do ảnh hưởng luân lý trong truyện Tàu, truyện Việt gieo rắc vào quần chúng khá lâu, nhất là từ khi có truyện diễn nghĩa bằng quốc văn ra đời, người ta đã dùng điển tích trong truyện xa gần, cao thấp với nhau. Một vài câu hò truyện chứa đựng nhiều việc, nhiều nhân vật trong các truyện xưa nói rõ được tinh thần chuộng lễ nghi, tiết tháo của dân gian:
   Hò... ơ... ơ... chẳng thà em chịu đói, chịu rách...
   Học theo cách bà Mạnh, bà Khương... ơ... ơ... ơ...
   Không thèm như con Võ Hậu đời Đường...
   Làm cho bại hoại cang thường hư danh... ơ... ơ... ơ...

   ... Hò... ơ... ơ... Anh tỷ phận anh... ơ... ơ...
   Chẳng thà ở lều tranh như thầy Tăng, thầy Lộ
   ... Chứ không ham mộ như Vương Khải, Thạch Sùng... ơ... ơ...
   Đạo người giữ vẹn cơ cùng sá bao...

Những loại hò kể trên có khi được tổng hợp làm một, có khi lẫn lộn, người giỏi hò tự ý uyển chuyển, xoay sở, miễn làm sao diễn tả được tình cảm chân thật của mình.

4.3.2.2 Hò Đối Đáp Nam Bộ



Hò được gắn liền với sông nước, với khung cảnh êm ả, phẳng lặng. Đặc biệt trong văn hóa dân gian Nam Bộ, sông rạch được xem như một yếu tố đặc trưng của văn hóa dân gian. Có thể nói, chính môi trường sông nước ở đây đã làm nảy sinh những câu hò, điệu hát trên sông.

Hò đối đáp ở Nam Bộ cho ta nghe một làn điệu mênh mông, gợi nhớ những cánh đồng bát ngát, những dòng sông phẳng lặng, dằng dặc.
    Chờ em cho mãn kiếp chờ
    Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông.
Khi nghe chàng trai cất lên câu hò, cô gái liền bẻ lại:
    Rau muống trổ bông lên bờ nó trổ
    Ai biểu anh chờ mà anh kể công ơn.

Chính những câu hò, điệu hát đó đã làm lay động lòng người, giúp con người yêu mến thiên nhiên, cảnh vật, yêu quê hương đất nước và thêm yêu vùng đất thân thương mình đang sống. Và cũng chính những câu giao duyên ấy đã làm nhịp cầu tri âm nối từ trái tim đến trái tim, tình yêu nảy nở cũng từ đó, thật lãng mạn và nên thơ.

Những câu hò vang mãi, truyền tải những tâm tư, nỗi lòng của những người lao động chân chất, hiền hòa. Giọng hò Nam Bộ bay bổng, trải dài trên sông hòa nhịp vào mái chèo khua nước, tạo nên một âm thanh sâu lắng, ngọt ngào.

4.3.2.3 Tiết điệu và âm điệu
Các loại hò thường được ứng khẩu tùy hứng, nhạc thì chỉ có một giai điệu duy nhứt, hay theo một thang âm đặc biệt miền Nam (do-mi-fa-sol-la-do).

Tiết điệu trong câu hò biến đổi khá nhiều, nhưng có thể gom trong hai điệu chính:
Hò huê tình, tức là hát chậm và kéo dài ra,
còn hò lăn, tức tiếng hát mau và ngắn lại.
Dù hò huê tình, hò lăn hay hàng chục điệu hò khác biệt của mỗi địa phương Sa Đéc, Tháp Mười, Gò Công, Rạch Giá, Hà Tiên, Cai Lậy, Tiền Giang... người mộ điệu hò bao giờ cũng sành cung đoạn, âm giai. Họ không bao giờ chịu hạn chế lời ca trong một điệu, hò tuỳ hứng mà sáng tác, tuỳ nội dung mà định hình thức của nốt nhạc. Nhưng luôn luôn, họ có cung đoạn riêng để quyết định cho sự hô ứng, cho lúc nghỉ ngừng.

Âm điệu của các thể loại hò ở từng địa phương thường không giống nhau về chi tiết luyến láy, về cách xử lý các "âm điệu" giữa câu, hay có đôi khi cũng khác nhau về kết cấu toàn bộ. Thí dụ như: hò Đồng Tháp thì kết ở một nốt thuộc "át âm", nhưng trong lúc đây, tuy cùng một điêu thức "xon", nhưng hò Miền Đông, hò Bạc Liêu, hò Gia Ninh, thì lại dùng nốt chủ âm để kết hoàn toàn.

4.3.2.4 Một vài điệu Hò quen thuộc
Hò đối đáp miền Nam https://www.youtube.com/watch?v=dSL112jAlh8
Hò đối đáp Nam bộ   https://www.youtube.com/watch?v=4WWPHCqhcJY
Giọng hò miền Tây   https://www.youtube.com/watch?v=24hm-n4NLAw
Tiếng hò miền Nam (Hương Lan)   https://www.youtube.com/watch?v=6nSehiUiPrw
Tiếng hò miền Nam (Thái Thanh)  https://www.youtube.com/watch?v=igKvpSHcEAQ
Hò đối đáp (GS Trần Văn Khê)   https://www.youtube.com/watch?v=EbtA0B7T32o


Hò Nam Bộ là khúc dân ca thuần tuý, một thời làm say đắm người nghe. Nó tiêu biểu cho tấm lòng chân thành và đa cảm của người dân Nam Bộ.
Từ hơn 60 năm trở lại đây, tiếng hò đã chìm sâu vào dĩ vãng. Bao nhiêu tiếng hò lơ, hò lờ cụt ngủn hiện nay ở các soạn phẩm cải lương, như muốn biểu diễn cái hấp tấp, tranh sống, tranh còn trung-thực của hiện tại, đã có dịp trổi lên thay cho cái trầm lắng, u hoài tha thiết của tiếng hò, tiếng hát ngày trước. Buồn thay.


Yên Hà, tháng 11, 2014

Tài-liệu nguồn:
Dân ca Việt Nam, Trần Quang Hải

Sơ lược về dân ca Việt Nam, Trần Quang Hải

Dân ca Nam Bộ

Hát Lý Và Những Điệu Lý Nam Bộ, Dr Thuận

Hò Nam Bộ,  Trần Trọng Trí ---

Hò Đối Đáp Nam Bộ, Dr Thuận

Dân ca Nam bộ qua báo chí hậu bán TK 20,  Vĩnh Phúc

Posted by Thanh Tuyền and Ngọc Phú at 11:03 AM


No comments:

Post a Comment