Wednesday, May 8, 2019

Tiếng nước tôi (6/19)

http://phu-tran.blogspot.com/2013/06/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-chinh-ta-dau-hoi.html
Jun 19, 2013
Tiếng nước tôi: Chính tả (1) / Dấu hỏi-Dấu ngã


Chữ viết hiện nay của người Việt là chữ viết ghi lại theo phát âm. Do đó việc viết đúng phải dựa trên đọc đúng; đọc đúng là cơ sử viết đúng. Tuy nhiên, do yếu tố vùng miền, cách phát âm mỗi nơi có khác nhau. Mặc dù những qui tắc, qui ước về chính tả đã được thống nhất theo ngữ pháp chung, nhưng việc “viết đúng chính tả” hiện nay nói chung vẫn còn nhiều khó khăn.
Vấn đề là: Cũng như tất cả các nước dùng hệ thống chữ cái La-Tinh khác trên thế giới, “ghi giọng nói” là thao tác hiển thị cơ bản của ngôn ngữ viết. Trong khi trong thực tế ở nước ta, hiện tượng không đồng nhất trong phát âm là khá phổ biến. “Nghe và hiểu” được tiếng nói của nhau quả là không đơn giản. 
Một số ví dụ tiêu biểu như: Phát âm của một số vùng Bắc Bộ (Hải Dương) thì “nói và làm” thành ra “lói và nàm”, khu vực Trung Bộ (khu vực Bình Trị Thiên, Nghệ Tỉnh) hầu như không phân biệt nỗi các dấu thanh “sắc-nặng-hỏi-ngã” như “nói” lại thành “nọi”. Phát âm khu vực các Tỉnh “xứ Quãng” thì càng gay gắt hơn với những nguyên âm chính như “ ăn” thành “eng”, “nói” thì nghe thành “núa”, các tỉnh Miền Nam thì “về” thành ra “dề” hay “lan” và “lang” nghe như nhau, đặc biệt vùng đồng bằng Nam bộ còn có phát âm như ngọng “Con cá rô bỏ vô rổ giãy rột rột” thành “ Con cá gô bỏ vô gổ dảy gột gột"…

Nguyễn Sĩ Chỉnh
http://giaoan.violet.vn/present/show?entry_id=8388207

1. Dấu "Hỏi" hay dấu "Ngã"?
(đó mới là vấn-đề! That is the question)
Một trong những lỗi chính tả thông-dụng nhất là “dấu hỏi-dấu ngã” mà chúng ta sẽ xem qua tháng này.
Tiếng Việt chúng ta có khoảng chừng 2000 chữ mang dấu "hỏi" và 1000 chữ mang dấu "ngã", nghĩa là chúng ta có đến 3000 cơ-hội viết sai chính-tả trên phương diện này. 
Hai dấu “hỏi” và ‘ngã” đều là thanh “gãy”, nghĩa là lúc đọc, âm thanh lên, xuống thành hai, ba điệu chứ không ngang hay lên hay xuống “một lèo” như thanh ngang, huyền, sắc, nặng. (Cũng vì lý do này, trong thanh nhạc, những chữ với thanh hỏi-ngã thường được hát láy, nghĩa là một nốt hát thành ba, bốn nốt).
Do đó, hai thanh này khó phân biệt hơn và hay bị lầm lẫn. 
(Theo tôi biết, tiếng Lào có dấu “hỏi” nhưng không có dấu “ngã”, cho nên đồng bào ta sống bên Lào lâu năm thường gặp khó khăn với dấu “hỏi-ngã” khi nói tiếng Việt).

Tôi cũng nhớ lại thuở còn trẻ (lâu lắm rồi), làm báo trong các hội-đoàn sinh-viên, lúc đó chưa có máy điện tính, máy đánh chữ tay và nơi xứ ngoài không có thanh dấu, chúng tôi phải bỏ dấu bằng tay. Lúc đó, thông-lệ là chỉ mấy thằng "BK" mới được giao-phó công việc này cũng như việc sửa chữa lỗi chính tả. (Nói như thế không có nghĩa là người Bắc không viết sai chính-tả đâu nhé, chẳng qua là ít hơn thôi).

Việc gì cũng có luật, có lệ, có qui-tắc, qui-ước làm điểm tựa để thi hành. Dấu hỏi, dấu ngã viết cho đúng, cũng có cách chứ không chỉ phải đoán mò đâu.
Xin mời các bạn "đầu-tư" chút thời giờ và trí năng để luyện lại chính tả tiếng Việt mình, để cha ông chúng ta còn hãnh-diện về con cháu mình mất nước chứ không mất gốc.

2. Phân biệt tiếng thuần-Việt và tiếng Hán-Việt
Tiếng Việt ta biến chuyển theo lịch-sử nên từ-vựng tập-hợp từ những nguồn khác nhau:
- Từ thuần Việt (tiếng Nôm) đã có trước khi dân-tộc ta bị người Hán đô-hộ,
- Từ Hán Việt, là tiếng Hoa đọc theo giọng Việt; số lượng này đã chiếm quá nửa số vốn của chúng ta,
- Từ vay mượn từ một ngôn-ngữ khác (nhất là tiếng Pháp),
và mỗi nhóm từ vựng (vocabulary) có quy-luật riêng để phân-biệt "hỏi-ngã".
Như vậy, ít ra chúng ta phải biết nhận ra chữ Nôm và chữ Hán Việt (chữ vay mượn tiếng Pháp dầu sao cũng ít và dễ phân-biệt hơn nhiều).

Tiếng Nôm là những tiếng "nói sao, hiểu vậy" (cho nên mới có từ-ngữ "nói nôm-na"), trong khi tiếng Hán-Việt thường "rắc rối" hơn.
Thí dụ: tập vở, bàn ghế, nhà thương (thay vì bệnh-viện), máy bay (thay vì phi cơ)...

Ngoài ra, chữ Nôm ta có hai đặc-điểm giúp ta nhận diện. Sẽ là chữ Nôm nếu chữ:
- có thể tạo ra những từ láy (xin mời xem lại bài viết về từ-láy
http://phu-tran.blogspot.com/2013/04/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-tu-on-tu-kep.html );
ví dụ: nở (nang), lẩn (thẩn), đậm (đà), vội (vàng)... là những từ thuần Việt. (Có thể nói tất cả những từ-láy đều là tiếng nôm);

- có thể đổi thanh dấu mà vẫn giữ nguyên ý-nghĩa
ví dụ: dẫu-dầu, chăng-chẳng, đã-đà, lời-lợi... là những từ thuần Việt, vì chúng có thể viết khác dấu mà vẫn đồng nghĩa.

Tiếng Hán-Việt hầu như chỉ dùng trong từ ghép. 
Những chữ như quốc (nước), gia (nhà), sơn (núi), hà (sông), nhất (một), nhị (hai)... có nghĩa nhưng không thể dùng riêng rẽ. Chúng ta có thể nói " tôi yêu nước", hay "tôi leo núi" chứ không ai nói " tôi yêu quốc", hay "tôi leo sơn"...
Chữ nhất, nếu chỉ số (một) là tiếng Hán nhưng chỉ hạng (hạng nhất) lại là tiếng Nôm có thể dùng riêng như trong câu "Tôi yêu vợ tôi nhất".
Cho nên, có thể nói đa số các tiếng đơn đều là từ thuần Việt (dễ nhớ nhé?).

Một nguyên-tắc khác trong tiếng đôi (từ ghép) cũng sẽ rất hữu-ích:
- tiếng Nôm liên kết với tiếng Nôm (thường là từ láy).
Thí dụ: máy bay, lỗi lầm, tươi tốt...
- tiếng Hán-Việt liên kết với tiếng Hán-Việt.
Thí dụ: hoạ sĩ, giang sơn, hành pháp...
Lưu ý: Nguyên-tắc này hiện giờ đã bị xoá bỏ trong tiếng Việt mới dùng một cách "hằm bà lằng" tại Việt-Nam (và bởi một số người Việt tại hải-ngoại) với những chữ như siêu sao (siêu là Hán-Việt, sao là thuần Việt).

Một trường-hợp đặc-biệt là những từ láy gồm 1 tiếng nôm + 1 tiếng Hán Việt đồng nghĩa và đã được dùng đơn độc làm tiếng Nôm.
Thí dụ: máu huyết, màu sắc, lý lẽ ...
(Đây cũng là trường-hợp những chữ Hán-Việt có thể dùng riêng vì đã được xem như tiếng Nôm rồi).

3. Dấu hỏi-ngã đối với tiếng thuần Việt
Luật Trầm-Bổng
Một tính cách rất nổi bật của tiếng Việt là tính cách hoà-phối ngữ-âm (harmonie phonique) giữa hai thành phần của một từ láy, tạo nên sự cân đối giữa các âm-tiết (syllabe) của từ.
Sự hài hoà đó được thực-hiện trong thanh-điệu và như đã nói, trên tiêu-chuẩn cao độ, 6 thanh-điệu Việt-Nam được xếp theo 2 nhóm:
     Bổng:  Ngang-Sắc-Hỏi
Trầm:  Huyền-Ngã-nặng.

Luật Trầm-Bổng sẽ giải-quyết vấn-đề Hỏi-Ngã cho các từ láy thuần-Việt như sau:
- Nếu một từ là thanh Ngang, hay Sắc, hay Hỏi (Thanh Bổng), thì từ kia phải là thanh Hỏi (chứ không thể thanh Ngã)
Thí-dụ: 
Ngang-Hỏi: lửng lơ, thơ thẩn, văng vẳng, sang sảng...
   Ngoại lệ: ngoan ngoãn, khe khẽ, nông nỗi...
Hỏi-Hỏi:     bủn rủn, lảo đảo, lỏng lẻo, rủng rỉnh...
Sắc-Hỏi:    đắt đỏ, gắt gỏng, rẻ rúng, hối hả...

- Nếu một từ là thanh Huyền, hay Ngã, hay Nặng (Thanh Trầm), thì từ kia phải là thanh Ngã (chứ không thể thanh Hỏi)
Thí dụ: 
Huyền-Ngã: thẫn thờ, rầm rĩ, sẵn sàng, ngỡ ngàng, rõ ràng...
    Ngoại lệ: bền bỉ, niềm nở, ...
Ngã-Ngã:    lỡ cỡ, lẽo đẽo, bẽn lẽn, lõm bõm...
Nặng-Ngã:  mạnh mẽ, nũng nịu, đẹp đẽ, kĩu kịt...
   Ngoại lệ:  vỏn vẹn...

Lưu ý: Từ láy không phải lúc nào cũng viết láy mà nhiều khi chỉ dùng riêng, cho nên gặp chữ nào không biết dấu "hỏi" hay "ngã", thì cứ xem thử có từ láy với chữ đó không, rồi nếu có, áp dụng luật Trầm-Bổng.
Thí dụ: nũng viết riêng thì phải nghĩ đến nũng nịu, lỡ viết riêng thì phải nghĩ đến lỡ cỡ, lỏng viết riêng thì phải nghĩ đến lỏng lẻo,...

Luật hài thanh
Những từ biến đổi thanh điệu mà không đổi ý nghĩa theo luật mà ông lê Ngọc Trụ (1959) gọi là "tan-tán-tản" (nhóm ngang-sắc-hỏi) và "lời-lãi-lợi" (nhóm huyền-ngã-nặng):
-Tan-Tán-Tản: Ngang-Sắc-Hỏi đi với nhau:
Thí dụ: 
Ngang-Hỏi:  chăng-chẳng, không-hổng, chưa-chửa, vênh-vểnh...
Hỏi-Sắc:      lén-lẻn, hớ-hở, há-hả, thoáng-thoảng...
Ngang-Sắc: ham-hám, ...

-Lời-Lãi-Lợi: Huyền-Ngã-Nặng đi với nhau:
Thí dụ: 
Huyền-Ngã:   đã-đà, ngỡ-ngờ, dẫu-dầu, cũng-cùng...
Ngã-Nặng:    sẫm-sậm, (thi) đỗ-đậu, ngỡ-ngợ...
Huyền-Nặng: lời-lợi, từ-tự,ngờ-ngợ... 

- Ngoài ra, một số từ Hán Việt và tiếng thuần Việt dường như có liên quan, gần gũi với nhau, cũng theo luật Tan-Tán-Tản / Lời-Lãi-Lợi này.
Thí dụ: 
-Tan-Tán-Tản: thiểu (Hán)-thiếu (Nôm), thố (Hán)-thỏ (Nôm), xả (Hán)-xá (Nôm), ...
-Lời-Lãi-Lợi:  cưỡng (Hán)-gượng (Nôm), trữ (Hán)-giữ (Nôm), ...

Tiếng nói tắt (gộp âm)
Người Việt - nhất là người miền Nam - hay nói gộp các tiếng hai âm tiết thành một trong những trường hợp như: phải không > phỏng (Bắc), bà ấy > bả, ở bên ngoài ấy > ở ngoải, hôm ấy > hổm, năm ấy > nẳm, hồi ấy > hổi...
Tất cả những tiếng nói gộp trên đây đều mang dấu hỏi.

Các bạn chưa "tẩu hoả nhập ma" chứ? Chúng ta xem tiếp tiếng Hán Việt nhé?

4. Dấu hỏi-ngã đối với tiếng Hán Việt
Nhận biết được một từ Hán Việt sẽ có lợi rất lớn là phân biệt được một phần khá lớn những từ mang dấu hỏi-ngã thuộc nhóm từ Hán Việt (hơn nửa từ-vựng của ta).

- Những từ Hán Việt bắt đầu bằng các phụ âm d, l, m, n, nh, ng, v thường viết dấu ngã. (Có khoảng 180 từ Hán Việt mang dấu ngã.)
Ví dụ:
D: Dã (man), dĩ (nhiên), (bồi) dưỡng, diễn (đạt)...
L: Lãnh (đạo), lãng (mạn), lão (thành), lễ (độ)...
M: Mãn (khoá), mãnh (hổ), mẫu (số), miễn (phí)...
N: (Truy) nã, (trí) não, nỗ (lực), nữ (nhi)...
Nh: Nhã (nhặn), nhãn (hiệu), nhẫn (nại), (ô) nhiễm...
Ng/ngh: (Bản) ngã, (ngôn) ngữ, (tín) ngưỡng)...
V: Vãn (cảnh), vĩnh viễn, vĩ (tuyến), vũ (lực)...

Để nhớ luật này, chúng ta hãy dùng thuật-nhớ: “Mình Nên NHớ Viết Liền Dấu NGã”.

 - Ngoài những trường hợp kể trên, hầu hết các từ Hán Việt khác đều viết dấu Hỏi.
Thí dụ:
  Nguyên âm: ả, ảo, ẩn, yểu, uẩn, uỷ...
  Phụ âm:
b:  bảo, bỉ, bỉnh, bổng, bửu...
c/k/q:  cảo, cổ, củ, kỉ, kiểu, quả, quản, quảng, quỷ
ch: chỉ, chiểu, chuẩn, chủng, chử
đ: đả, đẩu, để, điểu, đổ
gi: giả, giảo,
h: hảo, hỉ, hổ, hủ
kh: khả, khẩu, khổ, khởi
ph: phả, phỉ, phổ
s: sỉ, sổ, sửu
t: tả, tảo, tể, tỉ, tổ, tử
th: thải, thổ, thủ, thưởng
tr: trảo, trảm, triển, trưởng
x: xả, xảo, xỉ, xử...

- Nhóm thứ nhì này có khoảng 30 trường hợp ngoại lệ, nên (?) nhớ thuộc lòng:
b: bãi (bãi thị, bãi nại), bĩ (bĩ vận),
c: cưỡng (cưỡng đoạt), cữu (linh cữu, cữu phụ)
đ: đãng (khoáng đãng), đễ (hiếu đễ)
h: hãm (hãm hại), hãn (hãn hữu), hoãn (hoãn binh), hỗ (hỗ trợ), hỗn (hỗn hợp, hỗn mang), huyễn (huyễn mộng), hữu (bằng hữu)
k: kỹ (ca kỹ, kỹ thuật, kỹ xảo)
ph: phẫn (phẫn nộ), phẫu (giải phẫu)
d: quẫn (quẫn bách), quỹ (quỹ đạo, quỹ tích, thủ quỹ)
s: sĩ (bác sĩ, viện sĩ), suyễn (suyễn tức, suyễn yết)
t: tiễn (tiễn biệt), tĩnh (tĩnh mịch), tuẫn (tuẫn tiết)
th: thuẫn (mâu thuẫn), thũng (phù thũng)
tr: trãi, trẫm, trĩ (ấu trĩ), trữ (dự trữ, lưu trữ, tích trữ)
x: xã (xã hội, xã tắc)

5. Những qui-tắc "hỏi-ngã" khác
- Trạng-từ (adverb)
Các chữ về trạng-từ thường viết bằng dấu ngã.
Thí dụ: cũng, đã, vẫn, nữa, sẽ, hãy (hẵng), ...
Một vài ngoại-lệ: chẳng (chả)...

- Những tiếng vay mượn từ tiếng nước ngoài (phần lớn từ tiếng Pháp) và đã chuyển sang giọng tiếng Việt, thì thường viết với dấu hỏi.
Thí dụ: moả (moi=tôi), luỷ (lui=hắn), cỏ-vê (corvée= việc nặng nhọc), mỏ lết (molette= kềm vặn ốc), ...

Tóm-lược
Những qui-luật về dấu hỏi-dấu ngã khá phức tạp. Nhưng đò có lưng (đừng có lo)!
Đơn giản hơn, để viết dấu hỏi-dấu ngã cho đúng trong đa số các trường-hợp, chúng ta chỉ cần nhớ 4 điều thật giản-dị và dễ hiểu:

- Tiếng thuần Việt (từ láy và từ chuyển thanh-điệu):
      Ngang-Sắc-Hỏi      đi với nhau    >>>   Hỏi    (chứ không thể Ngã)
      Huyền-Ngã-Nặng   đi với nhau    >>>   Ngã   (chứ không thể Hỏi)

- Tiếng Hán Việt:
   D-L-M-N-Ng-Nh-V  “Mình Nên NHớ Viết Liền Dấu NGã” >>> Ngã
   Những chữ khác đều viết dấu "Hỏi".

Chỉ vậy thôi, không cần phải hiểu nhiều, nhớ hết. Áp dụng chừng ấy là chúng ta đã giải-quyết được vấn-đề trong 90% trường-hợp rồi, phải không?

Thời buổi này, nói chuyện tào-lao hay viết i-meo, nhất là nhiều khi còn phải pha tiếng Anh, tiếng Pháp, thì cần gì phải nói cho đúng, cần gì phải bỏ dấu cho rắc rối cuộc đời?
Nhưng ngôn-ngữ dân-tộc mình, nói đúng, viết chuẩn thì vẫn hơn. Nhất là đối với người Việt tha-hương, chúng ta chỉ còn có tiếng nói, chữ viết của mình để gìn-giữ huyết-thống, gốc gác của mình. Thiết tưởng cũng đáng lắm chứ?
Hoài bảo tôi chỉ có thế, cho nên tôi đã bắt đầu công-trình tham-khảo này để tự học lại căn-bản ngôn-ngữ mình và cùng chia sẻ với các bạn đồng chí hướng.
(Nếu cần phổ biến cho thân hữu, xin các bạn cứ tuỳ tiện phổ-biến link những bài viết).

Tháng sau, chúng ta sẽ xem nốt vài lỗi chính-tả khác.
Yên Hà, tháng 6, 2013


Tài-liệu nguồn Dấu Hỏi-Dấu Ngã:

Dấu hỏi - dấu ngã,  Ðoàn Xuân Kiên
http://hoiquanphidung.com/showthread.php?4969-D%E1%BA%A5u-h%E1%BB%8Fi-d%E1%BA%A5u-ng%C3%A3

Dấu Hỏi-Ngã trong văn-chương Việt-Nam, Cao Chánh Cương
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nnn4ntn3n31n343tq83a3q3m3237nvn

Phép bỏ dấu hỏi-Ngã trong tiếng Việt và Việt ngữ Hỏi-Ngã tự vị, Đinh Sĩ Trang
http://homepage.univie.ac.at/thanh.truong/kultur/pdf/Phep%20bo%20dau%20hoi%20nga%20trong%20tieng%20Viet%20-%20Dinh%20Si%20Trang.pdf

Tiếng Việt
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t

Posted by Thanh Tuyền and Ngọc Phú at 1:07 PM
2 comments:

VNXJune 19, 2013 at 6:56 PM
Đọc bài anh xong em Tẫu Họa Nhập Má!

Reply

Thái HoàngJune 19, 2013 at 7:11 PM
Very useful anh.
Thanks for the post.

em Thái Hoàng

Reply

No comments:

Post a Comment