40 năm rồi, còn mãi ra đi
Apr 20, 2015
40 năm rồi, còn mãi ra đi
Tôi đã đi
Nói cho đúng, tôi rời
Sài-Gòn đã 46 năm rồi để lên đường đi du học bên trời Bỉ. Cũng như bao nhiêu du
học sinh khác, tôi cũng chỉ nghĩ đó là một chuyến đi ngắn hạn rồi trở về sống
cuộc đời một người Việt bình thường.
Rồi tháng tư năm ấy, chúng
tôi nghe trên đài truyền-thanh, truyền-hình thấy tin tức quê nhà rất đáng ngại
và đến cuối tháng thì điều chúng tôi lo sợ nhất đã xảy ra. Ai nấy bàng hoàng, sửng
sốt. Chúng tôi chợt ý thức rằng mình sẽ không còn được trở về. Một cảm tưởng kỳ
lạ, như khi mình ra khỏi nhà rồi cửa bỗng đóng sập lại mà mình lại không mang
theo chìa khoá, như khi mình bị “nhốt ở ngoài”.
Tôi vẫn đi mãi
Nhưng rồi cuộc sống vẫn phải
tiếp tục và tôi vẫn ra đi. Nhìn lại đời mình, tôi chỉ là một người bộ hành, nay
đây mai đó: Hà-Nội, Sài-Gòn, Liège (Bỉ), Lille, Toulouse, Paris (Pháp) và cuối
cùng là Woodstown (Mỹ). Rồi tôi cũng cưới vợ, có con, đi làm, về hưu, tiếp tục
sống trong một môi-trường đáng lẽ không phải của mình. Và tôi vẫn đi mãi, đến tận
mùa đông cuộc đời.
Sài-Gòn ơi
Sao em còn mãi trong tim tôi
Ôi những con đường ngày nào…
Lâu quá rồi, tôi chỉ còn nhớ
vài con đường: hẻm Cây Điệp nơi tôi đã lớn khôn, một con đường hẻm nhỏ bé ăn
thông từ Tự Đức sang Phan Đình Phùng, song song với Mạc Đĩnh Chi và Đinh Tiên
Hoàng. Tôi đã bắt đầu đi học ở trường Tiểu-học Đinh Tiên Hoàng một hai năm trước
khi chuyển sang trường Lamartine, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cũng trên đường đó
có một hồ tắm, nơi tôi đã tự học bơi (nói cho đúng, không có tiền lấy lớp học
bơi, tôi đã phải học lóm của một chú bé đang học bơi lúc đó).
Tôi nhớ đường Lê Quí Đôn, gần
dinh Độc-Lập, nơi tôi đi học Trung-học, nhớ đường Công Lý khi tôi chở thằng Dũng
đi “lạng Cút” (Cút = chữ gọi tắt cho trường trung học nữ Marie Curie) sau tan
giờ học. Tôi nhớ những lần thằng Dũng và tôi đi xem phim ở rạp Rex (bố nó có vé
mời thường-trực ở rạp này do ông Ưng Thi làm chủ, nếu tôi không lầm).
Tôi nhớ khu ĐaKao của tôi, với những rạp xi-nê Asam (vào trong rạp mới biết
có rận, bảo đảm gãi như điên), Casino và Văn Hoa.
Tôi nhớ mì Cây Nhãn và nhớ tiệm Chez Albert, nơi tôi có kỷ-niệm “buồn” là lần
duy nhất được bố mẹ dẫn đi ăn cơm Tây thì tôi ăn món tôm bị dị ứng, nổi “mề
đay” đầy người, bố tôi phải đưa tôi về trong khi mọi người ở lại tiếp tục hưởng
đời. Tôi nhớ chợ Đa Kao khi thỉnh thoảng, tôi chở mẹ tôi đi chợ trên chiếc
Mobylette xám.
Đại khái, tôi chỉ nhớ bấy nhiêu. Không hiểu tại sao kỷ-niệm Sài-Gòn của tôi
lại ít thế? Tại thuở ấy, tôi “cù-lần” và ít được đi chơi nơi này, chốn nọ? Tại
lâu quá rồi và tại mình già nên quên hết? Nhưng mà nghe nói về già, thường
chúng ta nói trước quên sau chứ chuyện đời xưa thì nhớ vanh vách cơ mà?
Hay tại tiềm-thức tôi đã tự-động xoá đi gần hết để khỏi đau lòng, khỏi luyến
tiếc? Hình như tâm-lý học có nói về chuyện này (?) Tôi nhớ sau đó tôi đã lăn xả
vào đời sống bên Pháp, cắt đứt mọi liên lạc với người Việt và văn-hoá Việt. Tôi
đã cố trốn tránh những gì?
Nhưng quên đi những hình ảnh xưa đâu có nghĩa là không còn cảm xúc? Đâu có
nghĩa là không còn buồn, còn nhớ? Ngược lại, cơn nhớ lại còn ray rứt hơn khi
mình cố trốn tránh sự thật vì vết thương vẫn còn đấy.
Vì Sài-Gòn vẫn còn mãi trong tim tôi.
Biết bao giờ trở lại
Sau tháng 4 năm ấy, tôi đã trao lại sổ thông-hành Việt Nam cho Cơ-quan Bảo
vệ người tỵ nạn và vô quốc-tịch của Pháp (Office Français de Protection des
Refugiés et Apatrides). Tôi không còn là công-dân Việt-Nam.
Hôm nay, tôi mang hai sổ thông-hành và tôi đã nhận quê người làm quê-hương.
(Ai đã nói “Quê hương mình là nơi mình hạnh phúc” ?)
Nhưng quê-hương ơi, suốt đời tôi cũng chỉ có một quê-hương mà thôi. Tên họ tôi vẫn không thay đổi, da tôi vẫn
vàng, mũi tôi vẫn tẹt, tôi vẫn ăn cơm và húp nước mắm mỗi ngày và tôi vẫn nói
và viết tiếng Việt (có bỏ dấu).
Tổ-quốc là nước của cha ông, tổ-tiên tôi thì làm sao tôi
quên được?
Tôi nhớ, tôi thương đất nước tôi quá và giấc mơ hồi
hương, ai lại không ôm ấp?
Tôi muốn về lắm nhưng tôi không muốn về như một người du-khách, như một người
“ngoại-quốc” trên chính đất nước mình, tôi không muốn bị người đồng-hương gọi
là “Việt-Kiều”. Tôi là người Việt-Nam mà?
... Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
(Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan)
Ôi, biết bao giờ trở lại?
Tôi vẫn tin
Tôi vẫn tin mãi sẽ có ngày trở lại…
Trời làm một trận lăng nhăng, Ông hoá ra Thằng, Thằng hoá
ra Ông,
Trời làm một trận lằng nhăng, Thằng vẫn là Thằng, Ông vẫn
là Ông.
Thay đổi là lẽ tự-nhiên ở đời. Cho nên tôi vẫn tin sẽ có ngày đất trời sẽ
thay đổi, tôi tin rằng tôi sẽ được trở lại. Và nếu không phải là tôi, sẽ là con
tôi, hay cháu tôi, hay chắt tôi,… Nhưng tôi tin chắc sẽ có ngày trở lại.
Il pleure dans mon cœur comme il pleut sur la ville. Trời mưa bên ngoài như
tim tôi khóc bên trong.
Sau cơn mưa, trời lại sáng. Nhưng mưa ơi, mưa vẫn mưa mãi, biết bao giờ nắng
lại?
Yên Hà, tháng 4, 2015
Posted by Thanh Tuyền and Ngọc Phú at 9:57 PM
1 comment:
Arthur HongApril 27, 2016 at 11:49 AM
Phu, tu es à la fois nostalgique et mélancolique!Bonjour tristesse
Reply
No comments:
Post a Comment