Friday, May 17, 2019

Tiếng nước tôi (15/19)

http://phu-tran.blogspot.com/2014/07/tieng-nuoc-toi-van-hoc-dan-gian-3-ca-dao.html
Jul 26, 2014
Tiếng nước tôi: Văn-học dân-gian (3) / Ca dao

3. Ca Dao
3.1 Tâm hồn của dân-tộc
Ca dao (歌謠) là một từ Hán-Việt; theo từ nguyên, "Ca" là bài hát có chương khúc, giai điệu, "Dao" là bài hát ngắn, không có giai điệu, chương khúc (hát trơn).
Ca Dao là một thể loại trữ tình của văn học dân gian, dưới dạng những câu hát ngắn kết thành khúc điệu.

Nếu như tục ngữ thiên về lý trí, đúc kết kinh nghiệm về cuộc sống thì ca dao lại thiên về tình cảm (nội dung trữ tình). Ca dao đầy tình nghĩa : Tình cảm trai gái, vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em, tình cảm giữa con người với thiên nhiên, cây cối loài vật...
Ca dao bảo vệ Chân Thiện Mỹ, đề cao cái đẹp cái hay, chỉ trích cái xấu trong xã hội loài người.

Ca dao phản ánh lịch sử, miêu tả phong tục, tập quán trong sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân lao động, nhưng trước hết là bộc lộ tâm hồn dân tộc trong đời sống riêng tư, đời sống gia đình và đời sống xã hội. Từ cuộc sống lao động vất vả của nhân dân đã nảy sinh nhiều câu ca dao thể hiện các hình thức lao động và nghề nghiệp khác nhau.

Ca dao là ngôn ngữ của thể loại thơ ca dân gian, một thể loại nghệ-thuật ngôn-từ mang tính đặc-trưng riêng biệt. Ngôn ngữ thơ ca dân gian có nguồn gốc dân dã, thể hiện bản chất bình dị, chất phác, hồn nhiên của người nông dân lao động. Đó cũng chính là đặc tính cơ bản của loại hình ngôn-ngữ trong ca dao.


3.2 Ca dao, tình cảm của cuộc sống
Cũng như tục ngữ và các thể loại văn học dân gian khác, ca dao là tấm gương trung thực về cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của nhân dân.
Nội dung ca dao rất ư là phong phú, nhất là khi quan sát những bình diện, những dạng thức biểu hiện ca dao, chúng ta sẽ thấy rõ hơn tính đa dạng, độc đáo của nó.
Trong bài này, chúng ta sẽ tự hạn chế trong vài chủ-đề chính yếu.

3.2.1 Tình yêu đôi lứa


Phong phú nhất, sâu sắc nhất là mảng ca dao về tình yêu nam nữ, đề tài chính yếu và vĩnh cửu trong loại hình sáng tác dân gian này.
Trai gái gặp gỡ, tìm hiểu nhau, thổ lộ tình cảm với nhau trong khi lao động, hội hè, vui xuân. Họ có thể thổ lộ với nhau bằng câu "ví", bằng hình thức giao duyên trong các hình thức đối đáp nam nữ.

Nội dung những câu ca dao này phản ánh được mọi biểu hiện sắc thái, cung bậc của tình yêu:

- Tỏ tình
Biết mở đầu bằng câu gì bây giờ? Nói thẳng ra thì không dám, sợ nàng giận, mà không nói ra thì nàng lại không hiểu. Thôi thì liều vậy. Nhưng phải nói loanh-quanh, đón trước, rào sau, e-dè từng chữ. Chính thế mà ông cha mình ngày xưa đã tán rất thần-tình:
Gió đánh dò dưa, gió đập dò dưa,
Sao cô mình lơ-lửng mà chưa lấy chồng ?
Gió đánh cành hồng, gió đập cành hồng,
Hỡi cô mình đã muốn lấy chồng hay chưa ?

  Độc đáo nhất là những chàng trai, cô gái phương Nam tỏ tình một cách thật hồn nhiên:
Trời xanh bông trắng nhụy huỳnh
Đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình dễ thương.

Phải chi cắt ruột đừng đau
Để em cắt ruột trao nhau mang về.

Quất ông tơ cái trót
Ổng nhảy tót lên ngọn cây bần
Biểu ông se mối chỉ năm bảy lần, ổng hổng se.

Con ếch ngồi dựa gốc bưng
Nó kêu cái "quệt", biểu "ưng" cho rồi.

Những hình ảnh mộc mạc thật ngộ nghĩnh, dễ thương!

-  Những tình cảm thắm thiết trong hạnh phúc:
Tay em nắm lấy tay anh,
Dù ai nói quẩn nói quanh mặc lòng.
Tay ấy đáng vợ, đáng chồng,
Duyên trời đã định tơ hồng đã xe.

Đôi ta như con một nhà
Như áo một mắc, như hoa một chùm.
Đôi ta như nước một chum
Nước cạn mặc nước ta đùm lấy nhau.

- Những nỗi nhớ nhung da diết
Đêm nằm gốc thị mơ màng
Thị thơm mặc thị, nhớ chàng quên ăn.
Ngày ngày ra đứng bờ sông
Trông xa, xa tít cho lòng em đau.
Nhớ ai đứng tủi, ngồi sầu
Mình ve sương tuyết bao lâu mà mòn.

- Tình yêu đơn phương cũng là một mảng đề tài với số lượng bài ca dao không nhỏ:
Đêm qua nằm ngủ sập vàng
Trông xuống sập bạc thấy chàng nằm không.
Vội vàng cởi áo đắp chung
Tỉnh ra em vẫn nằm không một mình.

- Những rủi ro ngang trái, thất bại, khổ đau với những lời than thở oán trách:
Xưa kia mình nói với ta
Sông sâu nên cạn, đường xa nên gần.
Giờ mình ăn ở lần khân
Ngòi cạn nên thẳm, đường gần nên xa.
Ngày nào em nói em thương
Như trầm mà để trong rương chắc rồi.
Bây giờ khóa rớt, chìa rơi
Rương long, nắp lỏng bay hơi mùi trầm.
Và những lời trách móc:
Trách người quân tử bạc tình
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao.

  Yêu nhau chênh lệch về hoàn cảnh xã hội:
Em xinh như đóa hoa sen
Phận anh bèo bọt chẳng chen được vào.
Bao giờ gió cả, mưa rào
Cho sen chìm xuống, bèo trèo lên trên.
... ... ...

Tình yêu quả là lẽ sống của con người trên đời. Tình yêu là tình cảm mạnh, tuôn trào từ trong tim dưới mọi hình thức nghệ-thuật, và đặc-biệt nhất trong ca dao Việt-Nam.
Chỉ tiếc xã-hội thay đổi và trai gái thời nay không còn dùng ca dao để nói lên những tình cảm tuyệt vời đó.

3.2.2 Than phận


Nhưng tình yêu trong sáng, vui vẻ như những buổi gặp gỡ trai gái nói trên không phải tiêu biểu cho cuộc đời người con gái Việt Nam.
Ở một nước nghèo lại phong kiến, kẻ hèn, người nghèo chỉ biết chấp nhận số-phận mình và than thân, trách phận là cách duy nhất để làm vơi đi phần nào nỗi khổ của mình.
Trong xã-hội xưa đó, người đàn bà Việt-Nam chắc hẳn có nhiều lý do để than thân nhất. Tam tòng, tứ đức, bao nhiêu mọi cấm đoán, ràng buộc giam cầm người đàn bà trong một cái lồng không lối thoát.


Chưa là đàn bà, người con gái đã phải đi lấy chồng:
Bướm vàng đậu đọt mù u,
Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn.

  Đôi khi còn phải đi làm thiếp cho mấy ông chồng già:
Thân em làm lẽ chẳng hề,
Có như chính thất mà lê giữa giường. 

Bữa cơm múc nước rửa rau
Hầu cơm, hầu rượu, hầu trầu, hầu tăm
Đêm đêm dắt cụ đi nằm
Than thân phận gái ôm lưng lão già
Ông ơi ông buông tôi ra
Kẻo người ta thấy, người ta cười chê.

  Chữ "Tòng" phải được tôn trọng triệt để:
Ghe bầu trở lái về đông 
Làm thân con gái thờ chồng nuôi con. 

  Người vợ hiền, theo lang quân đi tới góc biển, chân trời, dù cực khổ cũng không sờn lòng:
Đi đâu cho thiếp đi cùng, 
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam. 

  Những câu ca dao nghe thật não ruột:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai ? 

...Nhưng thôi, quí bà, quí cô chớ lo, những chuyện này đã trở thành chuyện cổ-tích rồi. ;-)

3.2.3 Gia-đình, vợ chồng
Người Việt Nam rất trân trọng cuộc sống gia đình. Trong văn-hoá và đạo lý người Việt, chữ Hiếu (vẫn) là điều quan-trọng và công-đức cha mẹ đã được đề cao trong rất nhiều dịp, và dĩ nhiên trong những câu ca dao:
Đi khắp thế gian, không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng cha.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kính công cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con
Ai con mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để mẹ buồn lên mắt mẹ nghe không.

Tình cảm và quan hệ vợ chồng

Những bài và câu ca dao về tình cảm và quan hệ vợ chồng cũng cho chúng ta thấy mọi mặt trong mối quan hệ này.

Gái thương chồng đang đông buổi chợ
Trai thương vợ nắng quái chiều hôm.
Mẹ cha bú mớm nâng niu
Tội trời đành chịu không yêu bằng chồng.


  Ứng xử trong gia đình:
Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê.
Đang khi chồng giận mình đi
Hết khi nóng giận đến khi vui vầy.
Ngãi nhơn như bát nước đầy
Bưng đi mà đổ hốt rày đặng đâu.

Sáng trăng giải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.
Đêm hè gió mát trăng thanh
Em ngồi canh cửi còn anh vá chài.
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
Hạnh phúc gia-đình thật đằm thắm.

3.2.4 Lao động
Đó là là phần lời cốt lõi của dân ca lao động, là cuộc sống cần cù, giản dị và chất phác, đậm đà phong vị dân tộc.

Lao xao gà gáy rạng ngày,
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu.
Bước chân xuống cánh đồng sâu,
Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu đi cày.
Ai ơi! bưng bát cơm đầy,
Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng.

Trời mưa trời gió đùng đùng
Bố con ông Nùng đi gánh phân trâu
Đem về trồng bí trồng bầu
Trồng ngô, trồng lúa, trồng rau, trồng cà.

Nghề nông là một nghề vất vả nhưng là một nghề cao cả vì nó quyết định đến đời sống của mọi người. Ca dao nói về sự lam lũ của nghề nông và lời nhắn gửi với mọi người đừng quên công lao nhọc nhằn của họ.

3.2.5 Những địa hạt khác
Đồng Dao = thơ ca dân-gian truyền miệng của trẻ em.
Tôi vẫn còn nhớ rõ một vài bài không biết thuộc từ lúc nào:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương ngũ đế
...
Con mèo trèo lên cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ đàng xa,
Mua mắm , mua muối giỗ cha con mèo.
...

Ca dao ru con: Hát ru có từ lâu đời và rất phổ biến, lời hát ru phần nhiều là những câu ca dao có sẵn.

Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về


Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời.

  Ngoài ra, ca dao còn chứa đựng tiếng cười trào phúng:
Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho
Đêm nằm thì ngáy o o
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm
Trên đầu những rác cùng rơm
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.
...

Nói tóm lại, bất cứ chuyện gì trong đời sống hàng ngày cũng có thể được trình bày qua những câu ca dao.


3.3 Ca dao, ngôn-ngữ của thi ca
3.3.1 Ca dao là Thơ
Nếu cho rằng một đặc điểm của thơ là ở chỗ biểu hiện một cách cô đúc nhất tư tưởng và tình cảm thì cũng có thể coi tục ngữ như là một dạng của thơ. Tuy nhiên chất thơ chỉ có thể thấy một cách đầy đủ và toàn diện trong ca dao.
Thơ ca dân gian là một thể loại nghệ-thuật ngôn-từ mang tính đặc-trưng riêng biệt. Ngôn ngữ thơ ca dân gian có nguồn gốc dân dã, thể hiện bản chất bình dị, chất phác, hồn nhiên của người nông dân lao động.

Là những tác phẩm thơ ca dân gian, ca dao được sáng tác dưới nhiều hình thức thơ khác nhau: song thất, song thất lục bát, bốn chữ, hỗn hợp, tuy nhiên được vận dụng phổ biến hơn cả là thể lục bát. Điều này thật dễ hiểu vì thơ lục bát là “những lời nói vần” gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân, dễ nhớ, dễ thuộc.

- Thể lục bát truyền thống trong ca dao bộc lộ trực tiếp những tâm tình nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống. Thể 6-8 thường được vận dụng trong những bài nội dung trữ tình hoặc giao duyên.
Dưới góc độ thi pháp, lục bát mang đầy đủ dáng dấp của một thể thơ cách luật với những yếu tố đặc thù về tổ chức âm thanh: gieo vần, ngắt nhịp, phối điệu trong hình thức tối thiểu là một cặp lục bát gồm 2 câu với số tiếng cố định: 6 tiếng (câu lục) và 8 tiếng (câu bát).

Phương thức gieo vần 6-8 là thao tác đặc biệt tạo nên vẻ nhịp nhàng trong ngôn ngữ thơ.

Phương thức ngắt nhịp hai ở thể lục bát là loại nhịp được vận dụng phổ biến và bao trùm trong dân ca. Nhịp hai rất thích nghi với nhiều sinh hoạt lao động, sinh hoạt nghi lễ và các sinh hoạt khác trong đời sống xã hội. Sự luân phiên và đối tỷ giữa một phách mạnh và một phách nhẹ trong một đơn vị nhịp cũng vốn là đặc tính của nhiều dạng nhịp điệu lao động (chèo thuyền, nện đất, kéo gỗ..), nhịp trống mõ trong nghi lễ (đám rước, đám tang), trong nhảy múa và ca hát. Có thể bắt gặp nhịp phách hai trong "Hò đò dọc":
Thuyền anh/ ở bến/ mới ra
Thuyền em/ thì ở/ xa xa/ mới về.

Còn phối điệu mang lại âm điệu trầm bổng trong thơ bằng sự sắp xếp phối hợp các thanh điệu bằng trắc theo nguyên tắc nhất định thể hiện tính cân đối hài hòa về âm thanh giữa các nhịp và các vế tương đương:
Cách sông/ em chẳng/ sang đâu
Anh về/ mua chỉ/ bắc cầu/ em sang
Chỉ xanh/ chỉ đỏ/ chỉ vàng
Một trăm/ thứ chỉ/ bắc ngang/ sông này.

- Thể song thất lục bát (hai câu 7 chữ và hai câu 6-8) thường dùng trong những bài hát có âm điệu “nói lối” và ca xướng do sắc thái giải bày nội tâm của nhịp điệu thơ.
Thang mô cao bằng thang danh vọng?
Nghĩa mô trọng bằng nghĩa chồng con?
Trăm năm nước chảy đá mòn
Xa nhau nghìn dặm dạ còn nhớ thương.

- Thể hỗn hợp 4, 5 chữ rất đắc dụng trong đồng dao.
Kết hợp với thể lục bát và song thất lục bát , thể này được sử dụng nhiều trong những loại hát nghi lễ phong tục, những bài hát sinh hoạt, những bài hát giao duyên,

3.3.2 Ca dao là Nhạc
Nhịp điệu có tác dụng nâng đỡ cảm xúc, làm tăng thêm sức biểu đạt của thơ và sự phân chia đều đặn của nhịp câu thơ là cơ sở trực tiếp cho nhịp điệu âm nhạc.
Điều này ta thấy rõ ở những bài ca dao biến thể - ca dao ở Trung Bộ và Nam Bộ, một số gắn chặt với dân ca. Nói cách khác, nó thoát thai từ những điệu hò, điệu lý... như: hò khoan, hò giã gạo, hò mái nhì, hò mái đẩy ở Bình - Trị - Thiên, hò Đồng Tháp ở Nam Bộ và lý hoài xuân, lý bơ thờ, lý trách ai, lý dệt vải, lý đan lờ, lý lên núi, lý cây chanh, lý cây cau, lý con ngựa, lý con tằm... (Nam Trung Bộ), lý xe tơ, lý kéo chài, lý con sáo, lý chuồn chuồn, lý con cua... (Nam Bộ).

Nhạc tính là gạch nối để chuyển từ ca dao sang dân ca và chúng ta sẽ bàn nhiều hơn về đề tài này trong phần Dân ca.

 3.3.3 Ca dao là Diễn-xướng


Được sản sinh ra từ trong môi trường diễn xướng, qua những buổi lao động sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên đồng ruộng, bãi lúa, ven sông, những buổi hội làng... tính ngẫu hứng đầy thẩm mỹ của ca dao thực sự chỉ được thể hiện trọn vẹn khi được đưa vào môi trường sinh hoạt diễn xướng dân ca.

- Ngôn ngữ Độc thoại là hình thức kết cấu đơn giản nhất trong thơ ca trữ tình dân gian, nhằm biểu đạt một cách trực tiếp, giản dị, tự nhiên những ý nghĩ, tâm tư, tình cảm. Ở dạng này, nội dung của lời ca mang tính tự sự.
Hình thức này thường được sử dụng trong sinh hoạt dân ca nghi lễ phong tục và dân ca lao động. Đó là những câu hát với những lời lẽ trang trọng kể về sự tích, ca ngợi công đức các anh hùng trong dân ca nghi lễ:
Bề trên hiển thánh đời Trần
Một đình một miếu bốn dân phụng thờ
Anh linh bảo hộ từ xưa
Dân khang vật thịnh đội nhờ thánh công...
(Hát chèo tàu- Hà Tây)

Độc thoại cũng là dạng đặc trưng của đề tài "Than phận" (xem phần trên).

- Ngôn ngữ Đối thoại là hình thức được sử dụng rộng rãi trong lối hát đối đáp dân ca.
(Xin mời đọc thêm "Tiếng nước tôi / Chơi chữ 3 / Hò đối đáp
http://phu-tran.blogspot.com/2014/01/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-choi-chu-3.html )

Ngôn ngữ đối thoại cũng thật gần gũi với sinh hoạt của cuộc sống đời thường. Chỉ là hình ảnh con trâu, cái cày, những người bạn của nhà nông, nhưng khi bước vào ca dao, nó đã trở thành những hình tượng nghệ thuật mang tính chất so sánh:
- Của chua ai thấy chẳng thèm
Em cho chị mượn chồng em mấy ngày
 - Chồng em nào phải trâu cày
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm.

Đặc biệt hình thức đối thoại trong ca dao là cơ sở cho những bài hát đối đáp giao duyên, một hình thức phổ biến trong sinh hoạt diễn xướng dân ca ba miền mà nhân vật chính là hai bên nam-nữ. Phần lớn nội dung đều mang tính trữ tình, diễn tả tâm trạng của tình yêu lứa đôi:
- Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở
Anh đến tìm đò thì đò đã sang sông
Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng
Em yêu anh như rứa có mặn nồng chi mô?

- Hoa đến kỳ thì hoa phải nở
Đò đã đầy thì đò phải sang sông
Đến duyên thì em phải lấy chồng
Em yêu anh như rứa đó còn mặn nồng thì tùy anh.
...

- Hình thức sử dụng đại từ nhân xưng
Đại từ nhân xưng là hình thức ngôn ngữ thể hiện rõ phương thức diễn xướng qua lối kết hợp câu đối đáp trong ca dao dân ca, chủ yếu ở ngôi thứ nhất và thứ hai như: anh - em, chàng - thiếp, mình - ta, đó - đây, anh ba - em, chị hai - tôi, qua - bậu, tui - mình, bạn - ta, anh - cô nường...
 - Hỡi anh đi dường cái quan
Dừng chân đứng lại em than vài lời.

- Cô kia cắt cỏ bên sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.

Đó là những lời thơ thể hiện rõ dấu ấn của lối kết cấu đối đáp, trò chuyện mang đặc trưng bản chất thể loại của ca dao, dân ca. Với lối trò chuyện, đối đáp trực tiếp, đại từ nhân xưng trong ca dao đã được sử dụng một cách hết sức linh hoạt và độc đáo.


3.4 Ca dao, kho tàng văn học dân gian
Ca dao dễ nhớ, giàu âm điệu, giàu hình ảnh, và có ý nghĩa.
Ca dao mộc mạc dễ thương, không quí phái cao xa như Đường Thi. Ca dao “có sao nói vậy”, đôi khi lại rất phàm tục khiến người ta phải bật cười.
Nội dung của ca dao lại rất phong phú, nhất là phần diễn tả tình yêu đôi lứa, rất tình tứ.

Với hơn mười ngàn đơn vị, dân gian Việt-Nam đã đưa ngôn ngữ văn học đến trình độ nghệ thuật cao, nhiều khi đạt đến tính trong sáng cổ điển.
Thật là một viên ngọc quí trong kho tàng văn học của người Việt chúng ta.


Yên Hà, tháng 7, 2014

Xin đón đọc trong số tiếp: Tiếng nước tôi: Văn-học dân-gian (3) / Dân ca

Tài-liệu nguồn:

Ca dao Việt Nam
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ca_dao_Vi%E1%BB%87t_Nam

Ca dao – ngôn ngữ thơ dân gian
http://maxreading.com/sach-hay/kho-tang-luc-bat-dan-gian/ca-dao-ngon-ngu-tho-dan-gian-38269.html

Ca dao, Tục ngữ
https://sites.google.com/site/nhungngoisaoteencom/tuc-ngu-ca-dao

Tục ngữ, ca dao Việt-Nam  (Mã Giang Lân)
http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=355572

Tình yêu lứa đôi trong ca dao Việt-Nam (Phạm Danh Môn)
http://www.nxbtdbk.vn/sach-moi.html?page=shop.product_details&flypage=flypage.tpl&product_id=169&category_id=18

Văn chương tỏ tình mộc mạc cua người Nam Bộ  (Phạm Thiên Thu)
http://tvqn.info/index.php/suu-tam/53-chuyen-vui/2432-van-chuong-to-tinh-moc-mac-cua-nguoi-nam-bo.html

Tình yêu trong ca dao (Minh Bằng tạp ghi)
http://motgoctroi.com/StVChuong/stvc_tytcdao.htm

Văn chương tỏ tình mộc mạc của người Nam-Bộ (Phạm Thiên Thu)
http://tvqn.info/index.php/suu-tam/53-chuyen-vui/2432-van-chuong-to-tinh-moc-mac-cua-nguoi-nam-bo.html


Posted by Thanh Tuyền and Ngọc Phú at 3:21 PM

No comments:

Post a Comment