DẠY CON THEO LỐI BÀ MẸ DO THÁI
vendredi 26 juillet 2013
DẠY CON THEO LỐI BÀ MẸ DO THÁI :
Tôi muốn con tôi trở nên giàu có.
Khi tôi chọn con đường về miền đất Hứa
Israel vào năm 1992 chính là lúc mà gia đình chúng tôi đã lâm vào cảnh bế tắc
không còn lối thoát. Tuy nói rằng trở về quê hương nhưng thực chất ra thì
Israel chỉ là một vùng đất vô định mà tôi không biết phải sinh sống như thế nào
cho bản thân tôi được sinh tồn để nuôi nấng những đứa con thơ dại của tôi hãy
còn kẹt lại ở thiên đường Đỏ. Năm đó đứa con trai lớn của tôi mới được
13, đứa kế ở tuổi 11 và cô bé út vừa trải qua sinh nhật 9 tuổi.
Câu chuyện của tôi phải bắt đầu từ
những năm cuối của thời đệ nhị thế chiến. Cha tôi, một người Do Thái cư ngụ tại
Nga đã trải qua bao khó nhọc mới mang tấm thân tàn đến được thành phố Thượng Hải.
Tại đây, ông bắt đầu cuộc đời trở lại bằng con số không. Là một thợ kim hoàn
khéo tay và cần cù cha tôi đã tạo được một sự nghiệp nho nhỏ để tự nuôi thân.
Ông cưới mẹ tôi là một người phụ nữ Thượng Hải và tôi ra đời dưới sự thương yêu của cha và mẹ. Thế nhưng không biết vì lý do gì mà mẹ đã
lìa bỏ cha và tôi lúc tôi chỉ mới lên ba. Bà đã mang theo tất cả của cái dành dụm
trọn đời của cha khiến hai cha con chúng tôi bỗng dưng trở thành vô sản. Cuộc sống
cha con tôi ngày càng trở nên cơ cực hơn vì sự khép kín dần dần của chính đảng
Cộng Sản tại Trung Hoa. Năm tôi 12 tuổi, cha tôi đã bị bắt đi cải tạo, ông bị đầy
ải đến một vùng hoang vu hiểm trở nào đó rồi không bao giờ tôi thấy ông xuất hiện
trở lại nữa. Từ đó tôi sống mồ côi hẩm hiu một mình, tôi phải làm đủ mọi ngành
nghề để kiếm miếng ăn một cách vất vả. Có lẽ do dòng máu Do Thái trong người của
tôi nung nấu, cho nên tôi đã vượt qua được hết những gian khổ trong đời để sinh
tồn đến năm tôi 20 tuổi.
Lúc đó tôi làm công nhân lao động
trong một hãng tôi luyện gang thép, tôi phải lòng một anh cán bộ trẻ của hãng đến
từ miền Bắc Trung Quốc được biệt phái xuống Thượng Hải làm việc. Chúng tôi
nhanh chóng trở thành một cặp tình nhân rồi đi đến chuyện lấy nhau. Phải thú nhận
rằng trong những năm đầu của cuộc sống hôn nhân chúng tôi đã có được những ngày
hạnh phúc tuyệt vời. Do đó ba đứa con của chúng tôi, hai trai một gái lần lượt
ra đời trước khi cả nước bước vào giai đoạn hạn chế sinh đẻ được áp đúng chặt
chẽ vào năm 1979. Hạnh phúc gia đình chúng tôi không kéo dài được bao lâu, chồng
tôi bỗng dưng bỏ đi mất biệt không một lời từ giả, không một lá thư để lại cho
mẹ con chúng tôi. Tôi cố gắng duy trì cuộc sống cho gia đình bốn miệng ăn nhưng
thực tế cho thấy chúng tôi đã đến lúc khánh tận không còn cơ hội sinh tồn được
nữa. Nếu tiếp tục ở lại Thượng Hải, chung quanh tôi chỉ toàn một màu tang tóc
của kỷ niệm đau buồn, dấu vết của người cha mất tích, của người chồng biệt tăm
và ba đứa con nheo nhóc không còn đường sống.
Ngay trong giai đoạn cơ cực nhất của
cuộc đời tôi thì hai quốc gia Israel và Trung Quốc lại bình thường hoá trên
quan hệ và họ thiết lập bang giao ở cấp bậc đại sứ. Lợi dụng sự ưu tiên cho những
con dân Do Thái được dịp về thăm quê hương xứ sở, tôi mang một tâm trạng gần
như trốn chạy để thoát ra khỏi vùng không khí kìm hãm của Thượng Hải để trở
thành một trong những người di dân Do Thái đầu tiên về miền đất Hứa.
Bạn không thể tưởng
tượng được quang cảnh những ngày đầu tiên của tôi sinh sống tại Israel đâu. Số
vốn liếng tiếng Hebrew ít ỏi mà tôi học được của cha tôi từ lúc nhỏ đã không
còn được sử dụng tại Israel ngày nay. Tôi cũng không biết đến món tiền trợ cấp
lập nghiệp của quĩ di trú Do Thái dành cho những người hồi hương. Những ngày đầu
tiên tôi lang thang dọc suốt những con đường của thành phố Tel Aviv mà bụng dạ
rối bời. Số tiền trong túi chỉ đủ cho tôi cầm cự cuộc sống eo hẹp trong vòng ba
tháng, nếu như không gấp rút ổn định cuộc sống, tôi và những đứa con ở chân trời xa xôi sẽ
phải lâm vào tuyệt lộ ngay.
Không có nhiều thời giờ để nghĩ ngợi
và lo lắng, tôi ngồi xuống vạch ra chương trình hành động ngay lập tức. Trước hết
tôi dồn hết thời giờ vào việc học tiếng Hebrew để có thể giao tiếp với mọi người
chung quanh. Khi đã có thể nói được những câu nói tạm đủ hiểu và biết đếm những
con số từ 1 đến 100 là tôi tức thì lao mình vào cuộc sống ngay lập tức. Tôi mở
ngay một gian hàng bên vệ đường bán món chả giò mà tôi đã cố công học hỏi trước
khi di dân sang vùng đất Hứa nầy. May mắn thay, món chả giò của tôi lại được những
người đồng hương Do Thái của tôi chiếu cố cho nên mỗi ngày tôi cũng kiếm được
vài chục đồng shekel. Quên thưa với quí vị, đơn vị tiền tế của Do Thái rất giản
dị, họ chỉ dùng shekel (đồng) và agora (xu) với một shekel ăn 100 agora.
Khi gian hàng chả giò của tôi đã tạm
thời đứng vững, tôi vội vả làm giấy tờ đoàn tụ để mang những đứa con của tôi về
trở về bên cạnh tôi. Mọi việc đều tốt đẹp không ngờ. Đầu tháng 5 năm 1993, các
con của tôi đã đến được Tev Aviv.
Những ngày đầu sinh sống tại Do
Thái, các con của tôi tỏ ra không được thích ứng cho lắm. Chúng thường bị những
người hàng xóm của tôi phàn nàn. Nguyên do chính là do những va chạm văn hóa như
thế này đây:
Chúng tôi vẫn giữ theo nguyên tắc sống
của nền văn hóa cũ cho nên mỗi một việc làm trong nhà từ lớn tới nhỏ đều do một
mình tôi quán xuyến, các con tôi chỉ phải lo một việc duy nhất là học hành. Mỗi
buổi sáng khi chúng vừa leo lên xe bus đi vào trường là tôi dọn hàng ra sạp ngồi
chiên chả giò mãi cho đến chiều tối. Vào khoảng 6 giờ chiều, tôi ngưng việc
chiên chả giò và bắt một nồi nước súp lên nấu những bát mì hoành thánh thơm
ngát cung cấp bữa ăn chiều cho các con của tôi từ trường trở về. Hôm nọ, khi những
đứa bé đang ngồi ăn thì một bà hàng xóm của chúng tôi xuất hiện. Bà lên tiếng hạch
xách đứa con trai lớn của tôi:
- Anh đã là một cậu
bé lớn chồng ngồng rồi, đúng lý ra anh phải phụ giúp mẹ anh quán xuyến trong
ngoài chứ không phải chỉ ngồi ỳ ra đó đợi mẹ anh dâng cơm tới miệng. Đừng để mọi người chung quanh
cho rằng anh chỉ là một món đồ phế thãi trong xã hội.
Quay sang tôi, bà sừng sộ nói tiếp:
- Còn bà, bà đừng
có mang phương cách giáo dục con cái lạc hậu của mấy người sang Do Thái này.
Nhiệm vụ của người mẹ không chỉ duy nhất là thương yêu con cái mà phải biết dạy
dỗ chúng theo một phương pháp có logic đàng hoàng ...
Những lời khiển trách của bà hàng
xóm làm cho bốn mẹ con chúng tôi chết đứng tại chỗ. Chúng tôi lặng lẽ thu dọn
hàng quán đi về nhà. Vừa về đến nhà, tôi vội vã ôm lấy đầu thằng con vỗ về:
-Con đừng bận tâm
đến lời nói của bà hàng xóm, mẹ còn chống chọi được, các con cứ việc tiếp tục
lo lắng sự học trước là tốt rồi.
Con trai tôi cảm động ôm lấy tôi và
thầm thì vào tai tôi:
-Nhưng con lại thấy
những lời trách cứ của bà ta có phần nào đúng. Hay là mẹ hãy để cho con tập
tành làm người lớn lo chăm sóc cho các em của con đi.
Hôm sau là ngày cầu nguyện trong
tháng, mấy đứa bé được phép về nhà sớm hơn mọi ngày. Thằng con lớn vừa đến nhà
là bỏ ngay cặp sách xuống, cậu ta xông vào dành phần nhồi bột giúp tôi, sau đó
cậu học cách thức của tôi mang bột ra sắt lát mỏng thành những miếng võ hoành
thánh.
Hai đứa bé thì trét thịt vào vỏ
hoành thánh rồi vò thành viên. Động tác của các con tôi vụng về không thành thạo
nhưng nhìn thấy nụ cười trên gương mặt chúng thì tôi
biết là chúng cũng đang hãnh diện về công việc mà chúng đang làm.Tôi thật sự ngạc
nhiên hết sức về sự tiến bộ của bọn chúng, chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, mấy
đứa con tôi đã tỏ ra thành thạo trong việc tự tạo ra thức ăn, nhất là đứa con
trai lớn của tôi, những cuộn chả giò của nó hình như cũng khéo léo và không
thua tôi làm làm bao. Sau bữa ăn chiều, các con tôi đến bàn với tôi là ngày hôm
sau, bọn chúng sẽ dậy thật sớm chiên thêm một mớ chả giò mang vào trường bán để
phụ giúp thêm cho kinh tế của gia đình. Trước sự sốt sắng của các con, tôi đành
phải đồng ý cho bọn chúng vui. Thế là sáng ngày hôm sau, chúng tôi dậy sớm và
hăng hái hợp tác trong công cuộc dùng chả giò "tấn công" vào trường học
của mấy đứa con để cải thiện hoàn cảnh sống của chúng tôi. Hàng ngày, mỗi đứa
mang về cho tôi 10 shekel, số tiền mà chúng bán chả giò trong giờ ăn trưa. Tuy
tôi đưa tay nhận lấy số tiền nhưng trong lòng tôi chợt nhuốm lên nỗi bùi ngùi
vì phải nhờ đến sự cố gắng của mấy đứa nhỏ để cải thiện cuộc sống của gia đình.
Thế nhưng các con tôi lại có thái độ
khác hẳn, bọn chúng không coi việc mang chả giò vào bán trong trường là một niềm
tủi nhục mà chúng hình như càng ngày càng thích thú hơn trong việc tạo ra của cải
cho gia đình. Những người hàng xóm của tôi càng ngày ngày gần gũi với chúng tôi
hơn. Nhiều người bắt đầu giảng giải cho tôi biết quan niệm giáo dục của dân tộc
Do Thái và nhất là làm sao giáo hoá bọn trẻ cho đúng phương cách. Kể từ thuở xa
xưa, người Do Thái không bao giờ qui định việc kiếm tiền của một người phải bắt
buộc ở một lứa tuổi nhất định nào cả. Đông Phương có câu ngạn ngữ dạy con từ
thuở còn thơ thì người Do Thái lại ngầm cho rằng “Dạy
con kiếm tiền từ thuở còn thơ” mới
là phương pháp giáo dục đúng đắn nhất.
Những người hàng
xóm còn cho chúng tôi biết trong gia đình của họ không có bữa ăn nào mà không
tính tiền. Những đứa trẻ đều được giáo dục làm sao kiếm được tiền để đánh đổi lại
phần ăn của nó trong gia đình và những tiện nghi chúng đang hưởng được.Theo tôi
nghĩ phương thức này có vẻ gắt gao và tàn nhẫn quá mức, tuy nhiên những đứa bé
Do Thái đã được đào từ một môi trường sinh sống trong học đường như vậy nên
chúng thích ứng rất nhanh với mọi hoàn cảnh. Chúng tôi bắt đầu từng bước một sửa
dần quan niệm sống trên đất nước Do Thái chúng tôi.
Trước hết, tôi tập
hợp bọn trẻ lại rồi chúng tôi định lại những giá trị vật chất và tiện ích trong
gia đình. Mỗi một tiện nghi sử dụng trong nhà đều phải có cái giá để trả. Mỗi đứa
bé đều phải trả cho tôi, người quản gia một số tiền là 100 shekel mỗi tháng cho
tiền ăn, 50 shekel cho tiền giặt giũ quần áo. Ngược lại thì tôi cũng phải tạo
điều kiện cho chúng kiếm tiền, mỗi ngày tôi giao cho mỗi đứa con tôi 20 cuốn chả
giò để chúng mang vào trường bán, với giá vốn 30 xu (agora) mỗi cuốn, bọn chúng có thể bán theo
một giá biểu do chúng tự đặt ra. Số tiền lợi nhuận kiếm được hàng ngày sẽ được
khấu trừ vào tiền ăn uống và giặc giũ quần áo chúng phải trả cho tôi hàng
tháng.
Quí vị đoán thử xem các con của tôi
sẽ mang về cho tôi bao nhiêu tiền trong ngày đầu tiên theo qui luật mới. Tôi thực
sự thích thú thấy những đứa con Do Thái của tôi tự nghĩ ra phương cách kiếm tiền
độc đáo hơn hẳn sự tưởng tượng của tôi. Trong ba đứa con, chỉ có cô con gái là dùng phương thức cổ điển nhất,
cô mang bán cho bạn bè trong lớp cô mỗi cuốn chả giờ 50 xu, cô bán nhanh chóng
trong vòng nửa tiếng đồng hồ hết sạch 20 cuốn chả giò và mang về cho tôi 10
shekel tổng cộng trong đó có 4 shekel lợi nhuận; Cậu con thứ nhì dùng phương thức làm biếng, cậu vào nói chuyện
với nhà thầu trong câu lạc bộ ăn uống của nhà trường và đề nghị bán cho họ mỗi
cuốn chả giò giá rẻ 40 xu, tuy rằng cậu chỉ kiếm được 200 xu tổng cộng nhưng
nhà thầu đồng ý sẽ nhận của cậu 100 cuốn mỗi ngày tức là cậu sẽ mang về 1000 xu
= 10 shekel lợi tức mỗi ngày kể từ hôm đó mà không cần phải phí một chút công sức
nào trong việc đi mời mọc khách hàng cả; Cậu con
cả của tôi thì độc đáo hơn, cậu vào thư viện của trường và thương lượng
để mượn một phòng họp của họ nhằm giới thiệu về văn hóa Trung Hoa cho những học
sinh Do Thái trong trường biết thêm về một đất nước mới lạ. Mỗi người chỉ cần trả
cho cậu 20 xu tiền vé là có thể vào xem triển lãm tranh ảnh, nghe cậu trả lời
những câu hỏi và còn có dịp thưởng thức món chả giò, đặc sản của Trung Quốc nữa.
Cậu con cả của tôi đã khéo léo cắt mỗi cuốn chả giò ra làm 5 khoanh đồng đều
nhau, mỗi một người khách vào cửa đều được cậu mời một khoanh chả giò miễn phí.
Tổng cộng cậu tiếp đãi được 100 bạn học, số tiền thâu được là 2000 xu, sau khi
khấu trừ 500 xu tiền mướn phòng họp, cậu con của tôi mang về cho tôi 1500 xu tức
15 shekel, nếu trừ ra tiền vốn 6 shekel của 20 cuốn chả giò, cậu đã tạo được 9
shekel lợi tức.
Những phương pháp làm tiền của hai cậu
con trai đã thật sự khiến cho tôi sáng mắt ra. Tôi không ngờ hoàn cảnh nghèo
túng đã khiến các con tôi phải mưu sinh tìm cuộc sống và buộc cho “cái khó ló cái khôn”. Chỉ trong vòng mấy ngày
mà các con tôi bỗng như chuyển mình biến thành những tay thương buôn chuyên
nghiệp cả. Việc làm của chúng chỉ tốn một ít thời gian buổi trưa cho nên đã
không ảnh hưởng gì đến vấn để học hành cả.
Những đứa bé con tôi bắt đầu biết
suy nghĩ và trui rèn thêm những phương cách làm tiền tinh vi. Chúng cố gắng áp
dụng sự học trong sách vở cộng thêm những khảo sát bên ngoài thế giới thực tế để
thực hiện những bài học trong trường. Đó chính là tinh thần học hỏi của người
dân tộc Do Thái chúng tôi. Chẳng hạn như trong một bài học thực hành mà tôi đã
tham dự cùng các con tôi, thầy giáo đã hỏi mấy đứa bé:
“Khi gặp phải trường hợp chủng tộc Do Thái bị kẻ thù tấn
công, mỗi người phải tản mác ra mọi phương hướng để tìm đường sống còn thì những
tài sản hay vật dụng cần thiết nào phải được ưu tiên mang theo”.
Nếu như người nào trả lời là tiền bạc hay châu báu thì sẽ bị đánh giá là
sai vì những bảo vật này sẽ khiến cho kẻ thù tối mắt mà tiêu diệt mình đi, câu
trả lời đúng nhất là “ý thức và sự giáo dục”. Chỉ
có ý thức và sự giáo dục mới là báu vật vĩnh cửu của con người không thể nào bị
kẻ khác lấy đi khỏi thân xác ta được.
Các con tôi rất thích lời khuyên của
thầy giáo:
“Nếu như các em muốn sau này trở nên giàu có, thì hãy học
hỏi những điều tôi vừa mới khuyên nhủ. Đó là những điều tối cần thiết trong
hành trang vào đời của các em.....”.
Cậu con cả của tôi sau những giờ học về luật pháp hiện hành của quốc gia đã
về nhà bàn với tôi là người ta cho cậu biết mỗi một gia đình kiều bào Do Thái
khi trở về quê hương đều được chánh phủ trợ cấp một số tiền định cư tối thiểu
nào đó. Tuy không tin lắm, nhưng tôi cũng đi xin thử. Quả nhiên người ta ký một
chi phiếu 6000 shekel cho tôi ngay lập tức. Đối với gia đình chúng tôi thì số
tiền này phải nói là một gia tài kha khá ngay lúc đó. Cậu cả tức thì đòi hỏi
tôi phải trả 10 phần trăm tiền thưởng (consultant fee) vì cậu đã làm cố vấn luật
pháp cho tôi. Tôi do dự và suy nghĩ lâu lắm nhưng cuối cùng thấy sự đòi hỏi này
hợp lý cho nên đã chi ra số tiền đó cho cậu. Cậu con cả đã dùng số tiền nầy mua
cho mọi thành viên trong nhà một bộ đồ mới, phần tiền còn lại, cậu dùng để đầu
tư. Cậu đã gởi mua những món quà nhỏ, rẻ tiền sản xuất từ Trung Quốc rồi mang
ra bán cho những bạn bè chung lớp chung trường. Lợi nhuận kiếm được lại dùng để
mua thêm nhiều mặt hàng khác. Phải nói rằng cậu con cả của tôi có năng khiếu về
giao dịch cho nên chỉ trong vòng một năm, trương mục ngân hàng của cậu có dư
trên con số 2000 shekel.
So với cách kiếm tiền táo bạo của cậu
con cả thì cậu con kế của tôi còn nắm bắt được những tinh hoa trong chốn thương
trường của người Do Thái hơn – Dân Do Thái có
chung một quan điểm, họ bắt đầu sự nghiệp từ những ngành nghề không cần đến vốn
liếng, nhất là những công việc kiếm tiền mà những người khác không bao giờ nghĩ
tới – Cậu con thứ của tôi bắt đầu sự nghiệp viết văn từ năm 14 tuổi,
với ngòi bút sắc bén và nhận xét tinh tế, cậu đã được hai tờ nhật báo dành cho
một cột phê bình trong trang văn nghệ học sinh. Mỗi tuần cậu nộp hai bài viết,
mỗi bài dài khoảng một ngàn chữ với giá 4 xu một chữ, cậu đã mang về 8000 xu tức
80 shekel một cách nhẹ nhàng.
Cô con gái Út của tôi thì nhu mì và
ít xông xáo hơn hai người anh, nhưng tôi càng lúc càng phát hiện ra những bản
chất dịu dàng và thái độ lạc quan trong sinh hoạt hàng ngày của cô. Mỗi buổi tối
cuối tuần, cô thường pha một bình trà thơm phúc và mang ra những món bánh ngọt
do cô tự chế lấy từ những môn học gia chánh trong trường để cho tôi và hai người
anh của cô cùng thưởng thức. Chúng tôi vừa ăn bánh uống trà vừa vui đùa kể cho
nhau nghe những mẫu chuyện trong sinh hoạt hàng ngày. Ôi, so với những ngày mới
định cư trên đất nước này, chỉ mới có ba năm mà sao cuộc sống của chúng đã tiến
triển vượt xa những điều chúng tôi hằng ước muốn trước kia. A, chút nữa là tôi
quên mất rồi, các anh của cô càng thích
thưởng thức những mẫu bánh của cô làm nhưng cũng phải trả lại cái giá của nó chớ.
Nên nhớ rằng trong nhà của tôi
không có cái gì là “free” cả. Cô con
gái Út cũng phải kiếm tiền để trả lại tiền cơm của cô đấy mà.
Khi kinh tế gia đình của chúng tôi bắt
đầu ổn định, tôi và các con gom vốn lại để kinh doanh một nhà hàng Chinese
food. Tôi chiếm hữu 40 phần trăm cổ phần, cậu có cả 30, cậu kế 20 và con út của
tôi chiếm giữ 10 phần trăm. Nhờ tính siêng năng cần cù cố hữu của con người
sinh ra và lớn lên ở phương đông, cộng thêm kiến thức thâu lượm từ cách phân
tích thị trường chúng tôi học được của người Do Thái, nhà hàng chúng tôi chỉ cần
một năm rưỡi là có được tiếng tăm vang dội khắp cả vùng đất Galilee, mà vinh hạnh
nhất là lần chúng tôi được Thủ Tướng Do Thái tiếp kiến tại dinh thự của ngài.
Những lúc sau này, tôi chỉ đứng ở vai trò chỉ huy mà không cần phải bắt tay làm
việc trực tiếp nên tôi có nhiều thời giờ để học hỏi thêm văn hóa Do Thái, ngôn
ngữ Hebrew. Lúc đó nền kinh tế tại Trung Quốc đã được nâng cao, mức sống của
giai cấp trung lưu tăng trưởng nhanh, các công ty thương mại Do Thái lập tức bỏ
vốn kinh doanh vào thị trường khổng lồ này. Người ta bắt đầu săn lùng những
khuôn mặt lớn để có thể làm đại diện cho các công ty Do Thái tại Trung Quốc.
Tôi được công ty Kim Cương Đá Quí của chính phủ mời làm đại diện thương mại
chánh thức cho họ tại Thượng Hải vào năm 1997. Thế là chúng tôi cấp tốc thu tóm
cơ sở làm ăn và lên đường trở về nơi chốn mà chúng tôi sinh trưởng và lớn lên.
Nhìn lại ba đứa con nay đã trở thành những thanh niên thiếu nữ khôi ngô tuấn tú
mà lại trưởng thành từ hình dóc cho đến tư tưởng, tôi cảm thấy giấc mộng đổi đời
đã thực sự phát sinh cho gia đình chúng tôi.
Các con tôi mang về Thượng Hải rất
nhiều món hàng lạ của Do Thái, bọn chúng tiếp tục vào trường để học những năm
còn lại của bậc trung học. Nhưng chỉ nửa tháng sau khi trở lại Thượng Hải, các
thầy cô trong trường của mấy đứa nhỏ đã tới tấp gọi điện thoại phàn nàn với tôi
về các hoạt động của chúng. Một cô giáo còn tới thẳng nhà tôi tố cáo rằng con
gái tôi đã mang rất nhiều thứ lỉnh ca lỉnh kỉnh đến từ Do Thái và bắt đầu tuôn
ra bán cho bạn học ở trong trường, từ những tấm khăn choàng dân tộc cho đến những
vỏ đạn rơi rớt lại sau chiến tranh. Tôi thẳng thắn trả lời cô giáo rằng tôi
không thể nào ngăn cấm việc làm của các con tôi vì đây là phương thức kiếm tiền
để đóng học phí của chúng. Cô giáo con tôi đã mở trợn mắt ngạc nhiên vì cô
không thể nào hiểu nỗi một người có thu nhập trên 5000 USD một tháng như tôi mà
lại không chịu đóng học phí cho con cái. Tôi mỉm cười mời cô giáo ăn thử một mẫu
bánh mà con gái tôi bán giá 2 đồng cho mọi người ăn trong nhà rồi nói với cô:
-Đây là phương cách sống của các con
tôi đã học được từ văn hoá Do thái. Khi biết rõ những nguyên tắc về sản xuất vật
liệu trên đời (material supply principle) nầy, những đứa con của tôi chắc chắn
sẽ trở thành những con người ưu tú trong xã hội....
Cậu con cả của tôi sau khi hoàn tất
năm cuối cùng bậc trung học tại Thượng Hải đã thi vào trường Cao Đẳng Thương Mại
chuyên nghiên cứu về thị trường du lịch. Mộng ước của cậu là muốn trở thành một
chuyên gia về ngành nghiệp này, sau đó cậu sẽ trở về Israel mở một công ty du lịch
để tiếp đãi du khách đông phương vì cậu thấy Trung Quốc sẽ là một thị trường lớn
cho ngành du lịch của những năm tới.
Năm sau, cậu con kế của tôi ra trường
và chọn ngành ngoại ngữ ở học viện quốc gia Thượng Hải, mong ước của cậu là muốn
trở thành một nhà văn. Nguyên tắc của cậu ba này vẫn giữ nguyên như cũ: không cần
phải bỏ vốn đầu tư mà vẫn có thể trích được lợi nhuận từ công việc của mình. Cô
con gái Út của tôi thì dự định trong tương lai sẽ học ngành Gia Chánh nấu ăn để
trở thành một tay thợ khéo chuyên trị các loại bánh ngọt cao cấp nhất. Có nuôi
mộng ước sẽ mở một (hoặc nhiều) cửa hàng bánh ngọt tiếng tăm nhất vùng Địa
Trung Hải....
Sau một năm trở lại Thượng Hải, tôi
nhận thấy những bậc cha mẹ tại Trung Quốc hình như sống trong một tâm trạng
nghiêng ngã bất định: Họ có ước muốn là con của họ sẽ trở thành người thành
công trên mọi ngành nghề, có tiền để cho cuộc sống được sung túc nhưng họ lại e
ngại rằng con cái của họ sẽ quá say đắm vào công việc kiếm tiền. Điều này cũng
giống như họ hy vọng con cái họ có được cuộc sống gia đình hạnh phúc nhưng lại
lo ngại những đứa bé lọt vào lưới tình quá sớm vậy. Phải chăng đây là một thứ
"đạo đức giả" của người sinh ra ở trong nền văn hoá phương đông. Bạn
nên biết rằng người Do Thái đã dùng tiếng leng keng của những đồng tiền va chạm
vào nhau để chào mừng đứa bé ra đời vì họ xem công cuộc kiếm tiền là mục tiêu tối
hậu của con người, còn những thứ khác như giáo dục, học tập, ý thức đều là những
quá trình hay là công cụ để đạt được mục tiêu kiếm tiền của con người mà thôi.
Những bậc làm cha mẹ tại thế giới phương đông dù cho có những ước muốn khao
khát con cái của họ tiến đến mục tiêu đó nhưng không bao giờ họ mở miệng để nói
ra ước vọng đó được.
Ước vọng đó khó nói thành lời lắm phải
không? Thực ra thì chỉ là một câu nói đơn giản như thế này: “Tôi muốn con tôi trở nên giàu có”.
Chỉ có vậy thôi.
Dịch bởi Phạm Huê.
Publié par Caroline Thanh Huong à vendredi, juillet 26, 2013
1 commentaire:
Anonyme27 juillet 2013 à 22:32
Cám ơn chị Thanh Hương đã phóng cho một bài có giá trị ,đọc thích thú thật
sự
Tôi vội viết ngay commentaire và bấm vào Publier , nhưng xem lại không thấy
vì đã biến mất rồi .Xin chị chỉ cho làm sao gửi tới chị để góp ý được như
sau :
Tôi cũng muốn theo gương bà Mẹ Do Thái lắm, trong cượng vị người ông nội.
Nhưng khó thi hành lắm con trai và nàng dâu cả hai lại thích theo cách nuôi
con
của sách dạy con kiểu Mỹ. Chúng chiều chuộng con hết mực không bao giờ dám
la mắng bọn trẻ sợ chúng sẽ nhút nhát trong tương lai lúc ra đời .Tôi thì
không quá
khắt khe với cháu, nhưng vẫn nghĩ như lời dạy của Tiền nhân :
Dạy con từ thủa còn thơ
Khuyên vợ ngay thủơ bơ vơ mới về
mà không sao mở miệng với vợ chồng con mình được . Chi có ý kiến gì
giúp tôi không ?
trân trọng
LTĐQB
No comments:
Post a Comment