Saturday, November 9, 2019


HỌC THUÊ, DẠY THUÊ

http://vietluan.com.au/hoc-thue-day-thue/
HỌC THUÊ, DẠY THUÊ
April 17, 2019 Tvo Đời Sống Xã Hội 0



Thời buổi này có nhiều hình thức để người có chí nhưng lỡ dở việc học hành có thể theo đuổi con đường chữ nghĩa.
Nếu buộc phải nghỉ học ở lớp 9 tức cấp II tức trung học cơ sở, bạn có thể tiếp tục học chữ ở một trường phổ cập giáo dục cũng học chữ nhưng chương trình nhẹ hơn trường chính quy, hoặc vào trường trung cấp vừa học chữ vừa học nghề trong ba năm. Sau đó gọi là “liên thông” tức tiếp tục lên cao đẳng.
Có sức lại tiếp tục liên thông lên đại học, chỉ học hai năm thay vì bốn năm. Không thể thi đậu thẳng vào đại học thì đành đi lòng vòng như thế, lâu hơn một chút nhưng cuối cùng mọi con đường đều dẫn đến thành Rome thôi.
Đối với người lớn tuổi cũng có nhiều cơ hội trong việc học hành. Đó là các lớp vừa học vừa làm, học từ xa, học ngoài giờ tức học vào ngày nghỉ cuối tuần hay buổi tối ngoài tám tiếng giờ hành chánh, học tại chức thường do cơ quan gởi đi học, học chuyên tu, học cao học… nhằm mở rộng kiến thức, số ít thôi, nhiều hơn là nhằm kiếm tấm bằng để hồ sơ lý lịch được tốt đẹp đưa tới nhiều cơ hội thăng tiến… là những lý do đưa người ta tìm tới các lớp học được mở ra ngày càng nhiều.

Ngoài ra còn “văn bằng 2” tức là đã có một bằng đại học, lại kiếm thêm một văn bằng đại học khác, thường dành cho những người đang đi làm.

Thế nhưng người đang đi làm thêm việc học thì bận rộn lắm. Nếu học trong giờ hành chánh có khi bận họp hành, công tác đi đâu đó hay là tối mắt tối mũi vì gia đình con cái, nhất là phụ nữ bầu bì mệt mỏi càng chiếm khá nhiều thời gian. Ngay cả lớp học buổi tối ngoài giờ hành chánh, nhiều người vẫn không thể đến lớp đều đặn được vì đủ thứ lý do. Con đường văn tự thật khó khăn, gập ghềnh. Còn như bận rộn gì cả thì cũng… ngại. Ngồi phòng máy lạnh mát mẻ chẳng hơn đến lớp học vừa chán vừa mệt vừa buồn ngủ. Cứ nghỉ đại rồi lấy bài tự học chẳng sao.
Thế là học viên tha hồ nghỉ tràn lan và lớp học trở nên thưa thớt một cách kỳ cục. Để đối phó với tình hình vô kỷ luật, nhà trường cho điểm danh. Mới đầu việc điểm danh chẳng thu được kết quả bao nhiêu vì những học viên tại lớp sẽ giơ tay dùm người nghỉ khi nghe hô tên hoặc ký tên dùm vào tờ danh sách.
Lớp vẫn vắng vẻ một cách thách thức. Vì thế việc điểm danh được xiết chặt hơn cùng nhiều biện pháp trừng phạt đi kèm. Tới nước này, học viên đành nảy ra cách đối phó là thuê người đến lớp dùm. Vừa điểm danh vừa ghi bài dùm. Nếu bài khó quá thì người học dùm về giảng giải lại.

Có khá nhiều học viên đã dùng chiêu thuê người đi học dùm này tới nỗi biến thành tình trạng quen thuộc. Bị khui lên báo là trường hợp xảy ra trong lớp quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên trong năm 2016, bí thư thành đoàn Cần Thơ cũng là đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị TP Cần Thơ đã bị “khiển trách” vì nhờ người khác đi học thay.
Học ở giảng đường rộng lớn, ít ai biết mặt ai nhưng trong một phòng học nhỏ bé bình thường, người lạ vào lớp sẽ bị phát giác ngay. Thế nhưng học viên cùng lớp, lớp trưởng và cả giáo viên đứng lớp không ai lấy làm lạ chuyện ấy cả. Miễn lớp vẫn đông đúc, điểm danh đầy đủ là được. Còn thực sự ai hiện diện, ai vắng không quan trọng.

Có cầu ắt có cung. Khi nhu cầu gia tăng, đương nhiên xuất hiện dịch vụ đi học dùm.

Dĩ nhiên không phải ai đi học dùm cũng được. Nếu chỉ cấp bách có mặt dùm một hai bữa, có thể nhờ em út, bạn thân ló mặt nhưng thường xuyên vắng mặt thì không thể nhờ vả hoài được.
Tốt hơn hết nên thuê một người đến lớp dùm, vả lại khi cần kíp biết kiếm đâu ra người không phải lúc nào cũng sẵn. Do đó xuất hiện ngay, khỏi phải quen biết nhờ cậy, mà trên mạng đầy dẫy là các dịch vụ học dùm, thi dùm hẳn hoi, mời chào quảng cáo công khai với tên và số điện thoại rành rành.
Tùy theo yêu cầu gia chủ học dùm vài buổi hay lâu dài, giờ hành chánh hay ngoài giờ, chỉ điểm danh hay phải ghi chép mà giá tiền và thành phần người học dùm được chọn lựa khác nhau.

Người này được dặn dò kỹ tên họ, nơi làm việc, cầm luôn thẻ học viên để qua cổng hay vào lớp dễ dàng. Rồi sau đó, nếu học ở hội trường hay giảng đường rộng lớn thì quá dễ nhưng học trong phòng bình thường nên kiếm chỗ cuối lớp hay hóc kẹt kín đáo ngồi tránh mọi con mắt dòm ngó. Thường cũng chẳng ai để ý vì đây là hiện tượng bình thường, toàn người lớn cả, lớp trưởng hay giáo viên thấy mặt lạ biết liền nhưng thôi ngơ đi cho người ta vì học viên cũng có tinh thần quyết chiến lắm mới phải cậy đến việc học dùm rất trắng trợn này.

Chỉ cần điểm danh có mặt thì… ai đi cũng được. Kẻ thế thân ngồi xa xa giáo viên ra. Sau đó chống tay lên cằm có vẻ nghiêm trang chăm chú nhưng thực chất ngủ gục. Ngủ thẳng thừng kỳ quá thì mở cuốn truyện ngôn tình để trước mặt đọc cho qua thời gian.

Các lớp học tại chức, liên thông… dành cho người đã đi làm đều có lúc cần tới những người đi học dùm như vậy. Giá khoảng, bảy chục ngàn một buổi tùy gia chủ. Chỉ ngồi chơi thì giá thấp nhưng ghi chép đầy đủ rõ ràng mang bài về, thậm chí giảng lại bài cho gia chủ hiểu thì giá cao hơn. Trường hợp thi dùm giá cao nữa vài trăm ngàn. Hiện nay do tai tiếng quá nên việc kiểm tra học dùm ở các trường khá gắt gao. Chỉ học dùm chứ thi dùm ít vì sợ bại lộ. Người thuê có thể bị đình chỉ học, cấm thi vài năm và người thi dùm cũng bị thông báo về trường hay địa phương.

Làm bài dùm cũng được trả tiền sòng phẳng tùy bài khó hay dễ, dài hay ngắn. Làm tiểu luận hay luận văn tốt nghiệp cũng thuê mướn dễ dàng giá vài trăm đến bạc triệu. Các bải luận văn thường kiếm trên mạng, từ những sinh viên lớp trước, được dân chuyên nghiệp xào nấu kỹ càng cũng ra được một bài suôn sẻ.
Người đi học dùm thường là sinh viên kiếm thêm như một nghề tay trái. Thay vì làm gia sư mệt mỏi lại ưa bị phụ huynh xét nét đủ điều, đứng ngoài đường dang nắng phát tờ rơi hay chạy bàn quán ăn…, thì đi học dùm là công việc nhàn nhã hơn rất nhiều, ngồi nghỉ chơi chịu cơn buồn ngủ ngáp ngáp hai, ba tiếng cũng xong hoặc ngồi đó mở bài của mình ra học cũng trôi qua nhanh vài tiếng.

Đối với sinh viên hoặc cử nhân thất nghiệp tuy giá học dùm, làm bài dùm không cao lắm nhưng chịu khó cóp nhóp, cuối tháng cũng được món tiền trang trải cuộc sống. Không kể học dùm đúng môn của mình cũng có cái hay là khỏi đóng học phí mà được mở mang thêm kiến thức.
Dù sao ngày nào mà xã hội còn trọng bằng cấp hơn thực tài thì việc học dùm kỳ cục này vẫn tồn tại và các trường vẫn tỏ ra bất lực khi không thể hay không muốn dẹp nạn học dùm. Học dùm bị dẹp sạch có nghĩa lượng học viên hao hụt. Điều này rõ ràng ảnh hưởng không ít đến nguồn thu của trường.

Bên cạnh học thuê còn có việc dạy thuê, âm thầm, không rộn ràng như học thuê nhưng vẫn có mặt vài nơi với nhiều cay đắng.

Không kể gia sư dạy thêm vì đó là công việc phổ biến trong xã hội hoặc dạy thuê cho trường tư cũng thu hút được nhiều số lượng giáo viên dư thừa hoặc về hưu.
Dạy cho trường tư đa số bị coi là lãnh lương rẻ mạt và bóc lột sức lực nhưng xin vào trường công cực kỳ khó khăn khi biên chế có giới hạn. Chỉ khi một giáo viên về hưu hay nghỉ dạy thì mới khuyết một chỗ để tuyển giáo viên mới.
Một giáo viên tiểu học ở ngoại thành Hà Nội cho biết sau khi tốt nghiệp trung học Sư phạm, cô không cách nào xin việc ở bất kỳ nơi đâu. Cuối cùng cô xin được một chân giáo viên tiểu học ở huyện. Mấy năm sau, số học sinh giảm, lớp học co lại đâm ra thừa giáo viên, nhiều người phải chuyển nghề buôn bán, công nhân… Cô giáo cố ở lại bằng cách nhận dạy thế lớp cho một giáo viên chính thức nghỉ hộ sản. Loại này được gọi là “giáo viên dự khuyết” tức là khi đột ngột thiếu một giáo viên chính thức, họ sẽ được nhờ đứng lớp và hưởng mức lương rẻ mạt từ quỹ phúc lợi nhà trường chứ không được lãnh lương và các phụ cấp chính thức như giáo viên biên chế. Khi nhà trường không cần nữa, loại giáo viên này lại ngồi chơi.

Đó là không kể chính sách của nhà nước có nhiều thay đổi. Để dạy tiểu học, giáo viên không phải chỉ có bằng Trung học Sư phạm như trước mà phải nâng lên thành bằng Cao đẳng. Hiện nay giáo viên mới vào nghề yêu cầu phải có văn bằng đại học. Để tiếp tục được đứng lớp, giáo viên phải đi học bổ túc thêm. Cứ thế họ đeo đuổi hàng chục năm hay hơn, gần cả cuộc đời nhưng vẫn chênh vênh, có thể bị cho nghỉ việc bất cứ lúc nào, hoàn toàn không có hy vọng gì về một chân biên chế chắc chắn ổn định.

Năm ngoái, trường tiểu học Triệu Thành (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) bỗng trở nên nổi tiếng vì giáo viên Trịnh Hữu Hòa của lớp 3A bị phụ huynh tố có dấu hiệu dâm ô. Việc này sau đó chìm xuồng, thầy nghỉ đứng lớp một năm trước khi chuyển sang trường khác.
Nhờ vụ thầy ôm học sinh mà chỉ kết luận là nhổ tóc sâu này, người ta mới phát giác trong suốt một năm nghỉ dạy, ông thầy xấu tính vẫn lãnh lương đầy đủ gần mười hai triệu đồng mỗi tháng. Sở dĩ lương cao gấp đôi những nơi khác vì trường được xếp vào vùng khó khăn. Thầy lãnh đủ lương bỏ túi, nằm nhà phểnh râu, thuê một giáo viên mới ra trường thất nghiệp dạy học với giá khoảng ba, bốn triệu đồng một tháng.
Cũng tại trường này, vợ hiệu phó có bầu nên nghỉ nhà suốt vài tháng hưởng đầy đủ lương và phụ cấp. Cũng giống thầy trên, cô thuê giáo sinh mới ra trường đứng lớp thế. Bỏ ra có vài triệu mạt thuê dạy giùm, cô ở nhà bỏ túi cả chục triệu ngon ơ.

Hai trường hợp này không phải hiếm hoi vì trong trường lại có một thầy bị bệnh nghỉ nhiều tháng, thi thoảng cũng có đi dạy, khi nào không dạy thì thuê người đứng lớp dùm, thuê chính cô giáo dạy dùm cho ông thầy nát rượu Trịnh Hữu Hòa. Hay một cô giáo khác liên tục nghỉ trong thời gian dài vì mắc bận buôn bán hàng đa cấp, cũng lãnh nguyên lương và thuê người dạy dùm. Cô này đã bị bắt vì phạm pháp. Chẳng biết chỗ cô bây giờ khuyết có ai được may mắn thế vào không.

Hiệu trưởng phân bua đây là kiểu làm việc tồn tại từ hiệu trưởng trước để lại. Người thuê dạy và người dạy thuê tự thỏa thuận với nhau chứ hiệu trưởng có tư lợi gì vào đấy đâu. Cấp trên thì tuyên bố trường không báo cáo nên không biết gì cả.
Người có việc nhưng không làm, thuê người dạy dùm ở giữa ăn chênh lệch. Còn người không việc phải đi dạy thuê đành chịu lãnh đồng tiền công bèo bọt.

Chừng nào học thuê, dạy thuê hợp lý không biết đến bao giờ.

Sài Gòn Cô Nương

No comments:

Post a Comment