Tuesday, November 12, 2019


Ngày xưa…

Ngày xưa…
Huy Phương


Xích lô Sài Gòn – Chợ Lớn, năm 1956. (Hình: Getty Images)
“…Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta.”
(Văn Cao- Thiên Thai)

Các triết gia thường nhắc nhở chúng ta, “để có được bình an trong cuộc sống, cần hiểu rõ, đừng nhớ chuyện quá khứ, đừng nghĩ chuyện tương lai, hãy sống vui với hiện tại!”

Nhưng sự thật người đời, mấy ai đã bằng lòng với hiện tại, tương lai thì chưa cần nghĩ nhưng luôn luôn hoài niệm, nghĩ về dĩ vãng như là một khoảng thời gian đẹp nhất của đời người. Phải chăng những điều gì đã qua, mất đi chúng ta mới thấy thương tiếc?

Bởi vậy, mới có những “Ngày Xưa Hoàng Thị,” “Những Ngày Xưa Thân Ái,” “Gợi Giấc Mơ Xưa,” “Hoa Bướm Ngày Xưa,” “Mối Tình Xa Xưa…”

Bởi vậy, Phạm Duy mới ước mơ “Cho tôi thời niên thiếu- Cho tôi lại từ đầu- Cho đi lại từ đầu- Chưa đi vội về sau…” Bởi vậy mới có: “Tuổi Thơ Ơi!” “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ!”

Chúng ta ai cũng có một thời thơ ấu, quây quần bên gia đình, háo hức nghe một câu chuyện kể rằng: “Ngày Xửa Ngày Xưa…” (One Upon A Day….)

Nhà thơ Pháp Lamartine trong “Le Lac” như muốn níu lại thời gian, muốn sống lại những gì đã mất: “Ô temps, suspends ton vol!” (Ôi thời gian, xin hãy ngừng trôi!) Không những muốn thời gian ngừng trôi, mà còn muốn trở lại quá khứ nữa, vì thực sự mối tình với nàng Elvire đã là những gì của dĩ vãng, qua rồi.

Trong “Đi tìm thời gian đã mất” (À la recherche du temps perdu) của nhà văn Marcel Proust, dù dĩ vãng ấy cũng đã từng đem lại đau khổ cho tác giả, nhưng cuối cùng, Proust cũng đã phải công nhận “Những thiên đường thật là những thiên đường đã mất.”

Trong đời sống thường, chúng ta vẫn thường nhắc nhở, nhớ lại: lúc trước, ngày xưa, hồi nẳm… Bây giờ, so với dĩ vãng, lòng ta không vui bằng, đời sống không hạnh phúc bằng, miếng ăn không ngon bằng, đời sống không hồn nhiên bằng, vật giá không rẻ bằng, con người không nhân hậu bằng, đạo đức thời nay không bằng, liêm sỉ của con người không bằng, giọng hát của ca sĩ không bằng, lòng ta không vui bằng, và nhất là chế độ này không bằng…

Trong ký ức của mỗi người đều chứa đựng những điều tốt đẹp nhất, đó là những kỷ niệm thời ấu thơ mà những hương vị của ngày cũ đã ghi dấu đậm nét không hề phai nhạt.

Những điều chúng ta đã trải qua trong quá khứ, ngày nay chúng ta hồi tưởng lại, có phải là những cảm giác thật sự không hay chỉ là những ảo giác. Sao ngày xưa chúng ta ăn một tô bún bò của một cái gánh bún nhỏ, từ An Cựu lên sao ngon đến thế? Sao tô phở nước trong veo, đơn giản với mấy sợi bánh, lát chả nhỏ, chút tiêu hành, của gánh phở ông già đầu xóm, sao mà ngon đến thế? Miếng thịt quay Chợ Cũ, ổ bánh mì nóng ngày ấy, bây giờ làm sao tìm thấy lại. Những buổi tiệc “sơn hào hải vị” này nay trên những bàn tiệc xa hoa ở xứ người, làm sao bằng bát canh rau và những con cá kho ngày ấy của mẹ?

Mọi người đều nói, làm sao tìm được hương vị của một món ăn, thuở nhỏ, của ngày xửa ngày xưa, đã thật xa rồi.

Khẩu vị của chúng ta đã bị “điều kiện cách” nên không làm sao tìm lại được miếng ngon nếu miếng ăn không ở trong một hoàn cảnh nào đó! Có người lại cho rằng, trong hoàn cảnh một đời sống thiếu thốn, nên ngày xưa món ăn nào cũng ngon!

Sự thật một tô phở thiếu thốn, đơn giản ngày xưa, không đủ xương hầm, thiếu thịt, thiếu gia vị, so với thời đại no đủ ngày hôm nay, có thể là một tô phở ngon hay không? Một giọng hát thiên phú, không có nhiều nhạc khí hỗ trợ, thiếu hòa âm, không tập luyện, thiếu bài bản có thể là một giọng hát hay, hay không?

Nếu có người hỏi chúng ta, thời gian nào là thời gian đẹp đẽ nhất của cuộc đời, hẳn câu trả lời là “thời niên thiếu” hay “tuổi ấu thơ!” Ai cũng có một giai đoạn không quên về bạn bè thuở nhỏ, thầy cũ, mái trường xưa và những kỷ niệm vui buồn một thời hoa niên.

Trong dòng đời, tuổi trẻ phấn chấn, hăm hở lao mình về phía trước, với những mơ ước về tương lai, nhưng với tuổi già, khi bước đi bắt đầu chậm lại, chúng ta thường có lúc dừng chân, đứng lại, quay đầu nhìn lui về dĩ vãng, sống bằng hồi tưởng, và những gì thuộc về quá khứ đều quý cả: bạn cũ, rượu lâu năm, gỗ già, đồ cổ…

Nhà văn Rudyard Kipling từng viết: “Đừng bao giờ ngoái lại phía sau, nếu không bạn sẽ ngã xuống cầu thang,” nhưng sao đến tuổi già, chúng ta vẫn thường quay đầu nhìn lại quá khứ quá vậy? Cứ nhìn một đám đông người già gặp gỡ nhau, hay trong một quán cà phê, nơi tụ tập quý vị cao niên, câu chuyện nào lại không bắt đầu bằng hai tiếng: ngày xưa- hồi trước- lúc đó- chuyện như thế này- tôi kể cho anh nghe…Đó có thể là một chiến công thời trận mạc, một mối tình thời xa xưa, một chuyện đào hoa thời trai trẻ, hay là chuyện một quãng đời hạnh phúc…

Phải chăng kỷ niệm đẹp không phải vì nó vui hay buồn, mà vì nó không bao giờ trở lại.

Tiếc nuối dĩ vãng, đem những ngày quá khứ so với hiện tại để thấy sự hơn thua. Dưới thời Tần Thủy Hoàng bạo ngược, người ta nhớ lại và tiếc nuối thời thạnh trị an bình của Nghiêu Thuấn. Xã hội cần đi tới, cần tiến bộ, nhưng đừng để cho những người dân thấy cách cư xử với dân, sưu cao thuế nặng, còn hơn thời Pháp thuộc, và cái chế độ mà chúng đã giải phóng, giẫm nát còn đẹp đẽ hơn ngàn lần, hơn những con người và chế độ đi “giải phóng!”

Thời nay, trong chế độ này, y tế xuống cấp, giáo dục băng hoại, người dân nghĩ đến những chuyện tốt đẹp của… ngày xưa, chuyện của thời trước. Trong lao tù, người ta luyến tiếc những ngày tự do, trong nghèo đói làm ta nghĩ đến những ngày no đủ, khổ đau làm cho chúng ta tiếc nuối những ngày hạnh phúc. Xót xa vì cảnh ly hương, lòng ta luôn luôn hồi tưởng lại nhũng ngày ở quê nhà.

Người đời khuyên: “Cho dù vui cũng được, khổ cũng được, đã trôi qua rồi thì đừng nên nhắc lại, khi bạn trốn tránh hiện tại bằng cách sống với hồi ức, thì cũng là lúc hạnh phúc trôi đi mất…”

Nhưng phần lớn con người, không ai bằng lòng với cuộc sống hiện tại, trần trụi, thô ráp vất vả… và lúc đau khổ, người ta muốn đắm mình trong hồi tưởng.

Ngày xưa! Ngày xưa ấy! Đó là thơ, nhạc hay là những lời réo gọi của một thời gian đẹp đẽ đã qua rồi! (Huy Phương)


Phụ Lục:
Ngày Xưa - Tam Ca Áo Trắng [Official Audio]

9 bình luận từ Báo Người Việt
Quá khứ không hẳn là tất cả những gì đều tốt đẹp.
Thí dụ : Ta bị CS nhốt tù và đày đọa gần chết, mỗi khi nhớ đến tưởng như là thần chết hiện về. Vậy có nên mớ ước về quá khứ chăng ?
· 
TTNV: • 5 ngày trước
Muốn thời gian ngừng trôi thì tắt cái đồng hồ đi ! ( Charlie Brown ) , nhưng đây không phải là đồng hồ cơ khí mà là đồng hồ tâm lý.l
Làm sao để tắt đi đồng hồ tâm lý ?
·     Chia sẻ ›
huemai5 ngày trước • edited
Những gì nói trong bài này đều đúng, quá khứ luôn là một cái gì đẹp và quý giá, dù thực sự đôi khi nó không như vậy. Có một điều chắc chắn Việt Nam thời trước 1975 đẹp hơn bây giờ gấp vạn lần: phong cảnh, đường xá, phố phường và con người; không phải vì nó đã thay đổi, đã mất rồi mà chúng ta nghĩ vậy. Hãy nhìn lại những bức ảnh xưa cũ còn lưu lại để so sánh; riêng con người Việt Nam ngày trước ăn mặc giản dị nhưng lịch sự, phụ nữ đẹp tự nhiên, đằm thắm, không son phấn loè loẹt, không nâng mũi, độn cằm, không hở hàng, lố bịch, ra đường mỗi người một vẻ: áo dài, áo đầm, quần Tây, bà ba, quần lãnh... Ôi! Đẹp quá đi thôi, mỗi lần xem lại đều say đắm chiêm ngưỡng rồi thở dài nuối tiếc ngẩn ngơ.
·        
·     Chia sẻ ›
huemai biết hình ảnh nào trước năm 75 nằm trong tiềm thức của Ollie không ?
Ấy là hình ảnh của mấy chú có 2 cái chữ QC trên nón sắt & bên cánh tay áo, cộng với những hình ảnh những cô gái mặc áo dài trắng cặp với những chú lính mặc bộ đồ rằn ri.
Bởi vậy từ khi bắt đầu biết nghe nhạc, Ollie rất thích nghe bản Anh Không Chết Đâu Em của Trần Thiện Thanh, & lần đầu Ollie coi qua bản video dưới Ollie đã khóc xướt mướt
😂
https://www.youtube.com/wat...
·     Chia sẻ ›
huemai Ollie4 ngày trước • edited
Thương lắm mấy người lính chiến Việt Nam Cộng Hoà, khi rời quân trường ra chiến trường mặt non choẹt, búng ra sữa, thật tội nghiệp bao người nằm xuống hay thương tật suốt đời cho một cuộc chiến tranh mà kẻ thắng đã trở thành kẻ tham tàn, hèn hạ, đầy đọa cả đất nước và dân tộc vào chỗ diệt vong.
Mấy người mặc áo có chữ QC là Quân Cảnh đó, tức là cảnh sát quân đội, chuyên phạt và bắt mấy quân nhân ba gai, vi phạm kỷ luật hay đào ngũ.
Nhạc Trần Thiện Thanh là số một, nhất là mấy bài về lính, huemai cũng mê mấy chương trình ca nhạc cảnh của người nhạc sĩ tài hoa này lắm. Ước gì ông đừng mất sớm quá.
·     Chia sẻ ›
Ollie huemai3 ngày trước • edited
Vậy mà Ollie cứ tưởng QC thuộc về cảnh sát thành phố chứ.
Nghe huemai kể thấy hay hay.
Từ nhỏ Ollie đã mê nhìn mấy người lính mặc bộ đồ rằn ri, đầu đội nón sắt, tay áo xắn thật cao quá cùi chỏ nhìn rất là bụi đời, như là những người bất cần vậy.
huemai rành quá những chuyện này, chắc huemai cũng ở vào cái thời đó nhỉ ?
Nhạc Trần Thiện Thanh mà có Thanh Lan biểu diễn thì hợp lắm, nhất là nhạc lính.
Trần Thiện Thanh, sau này Ollie có nghe qua, cũng có những bài nhạc tình rất là hay 👍
·        
·     Chia sẻ ›
· 
Xuan Nguyen • 5 ngày trước
Ngay xua ngay xua (One upon a day...) ??!! ONCE UPON A TIME ...
·     Chia sẻ ›
Quá khứ cũng giống như giòng nước trôi ra và hòa tan trong biển cả. Ta không thể tìm lại giòng nước ấy được, nhưng chúng sẽ trở về với ta bằng những giọt mưa ẩm ướt hay làm tươi mát cho cuộc đời.
·     Chia sẻ ›
Nó trở về với ta trong giấc mơ, và rất thật như ta đang sống lúc đó...Khi thức giấc còn nuối tiếc ngẩn ngơ...
·     Chia sẻ › l


No comments:

Post a Comment