Thông minh kiểu Việt Nam và Tàu
Thông minh kiểu Việt Nam và Tàu – Hồng Ngọc
Lời giới thiệu:
Nhiều người Việt Nam và Tàu (Trung Quốc) có cùng một suy nghĩ giống nhau:
Đó là hay cười nhạo người Tây phương ngu ngốc, không hiểu chuyện đời, “não không có nếp nhăn,” và bản thân họ lấy
làm tự mãn. Vậy rốt cuộc thông minh theo kiểu người Việt Nam và Tàu Trung Quốc
là như thế nào? (HN)
(*) Bài này được viết bởi một người đang sống trong nước
Viêt Nam cho nên quý vị đọc sẽ thấy nhiều chữ hơi “lạ!” (TVG)
*
Gần đây, một “kênh” truyền thông ở New Zealand đã đăng một bài viết nói về “Thông minh kiểu Trung Quốc” và nhận được sự chú ý của đông đảo người sử dụng
“internet.” Tác giả bài viết tự nhận là người Hoa, đã nhận định rằng:
“Thông minh kiểu Trung Quốc” chính là không màng trắng đen hay thị phi, không
cần biết thật giả hay đúng sai, có sơ hở liền lách vào, có tiện nghi liền chiếm
lấy.
“Thông minh kiểu Trung Quốc” chính là không màng chính nghĩa hay tà ác, bất cứ
lúc nào cũng có thể vì “bảo hộ” bản thân mình mà làm trái lương tâm.
“Thông minh kiểu Trung Quốc” chính là để cho người khác phải “phó xuất” và gặp
nguy hiểm, còn bản thân mình những gì mười phần có lợi sẽ giành lấy hết.
Kỳ thực, “Thông minh kiểu Trung Quốc”
chính là không nói đến thành tín, là ức hiếp người lương thiện, chính là các
giá trị đều đã đảo lộn, không xét đến quy tắc…
Nhiều người Việt có người thân là Việt Kiều ở Mỹ, có thể đã nghe câu chuyện
về việc hàng hóa sau khi mua ở Mỹ có thể được trả và lấy lại tiền mà không cần
phải giải thích lý do. Vì vậy, nhiều người trong nước khi chuẩn bị tham dự một
“sự kiện” nào đó, liền đến “mua” một bộ quần áo, sau khi tham dự xong rồi, lập
tức mang trả lại quần áo để lấy tiền về (!)
Hệ thống bán hàng ở Mỹ còn có một chính sách đáng chú ý, gọi là “Price
Match.” Với chính sách này, nếu bạn mua một sản phẩm sau đó chứng minh được sản
phẩm này bán giá rẻ hơn giá tại cửa hàng nào khác, thì có thể được mua sản phẩm
với mức giá tương đương mức giá mà bạn tìm thấy. Do vậy, có một số người, khi
đi mua hàng với giá đắt hơn những nơi khác, họ không hề mặc cả, mà lại chọn những
màu sắc hay “kích cỡ” (mà ở các cửa hàng khác không có), sau đó khi tìm được cửa
hàng nào có mức giá rẻ hơn thì sẽ mang hóa đơn quay lại nơi mua hàng để được giảm
giá.
Những người này dương dương tự đắc với hành vi của bản thân, đi đến đâu cũng
tự cho rằng bản thân mình thông minh, thậm chí còn đặt câu hỏi sao những người
khác quá “ngu ngốc,” không biết lợi dụng “kẽ hở” này.
Coi việc chiếm tiện nghi của người ta là “thông minh,” coi gian xảo là có
“năng lực lớn”… mọi giá trị dường như đều đảo lộn.
Bài viết của tác giả người Hoa trên truyền thông New Zealand còn liên hệ đến
tỷ phú Warren Buffett. Rất nhiều nhà đầu tư hỏi về “tiêu chỉ” chọn đầu tư cổ
phiếu của ông Warren Buffett như thế nào?
Ông ta thường hay nhấn mạnh rằng ông rất coi trọng sự thành tín của giám
đốc điều hành công ty, nếu không phải công ty làm ăn chân chính, ông nhất định
sẽ không lựa chọn để đầu tư. Với ông, lợi nhuận không phải là yếu tố hàng đầu,
mà là chữ tín.
Một người Hoa đưa đứa con nhỏ mới 3 tuổi đến Mỹ du lịch và ở tại nhà người
thân cũng người Hoa. Người chủ nhà đã đưa cho người Hoa khách này một chiếc ghế
ngồi ô-tô dành cho trẻ nhỏ (car seat) và nói:
“Ở đây theo luật định, trẻ nhỏ khi đi xe nhất định phải
dùng loại ghế này, tôi đưa cho anh dùng, nhưng vì là ghế đi mượn, nên anh phải
giữ gìn cẩn thận, vì chúng ta sẽ phải trả lại cho người ta.”
Hai tuần sau khi không dùng xe ô-tô nữa, chiếc ghế này đã được đem đến trả
lại cửa hàng. Người bán hàng không hỏi lý do tại sao, chỉ đơn giản là đưa đủ số
tiền cho người trả hàng. Người Hoa chủ nhà liền tự hào nói:
“Các cửa hàng ở Mỹ đều như vậy, nếu mua hàng trong vòng 2
tuần thì đều có thể mang hóa đơn đến và trả lại, do đó chúng tôi thường đến đây
‘mượn’ một số đồ đạc. Nhiều người Đại lục thậm chí còn mượn cả TV. Anh nói
‘Xem! Người Mỹ có ngốc hay không chứ? Trả
lại hàng vô điều kiện đúng là sơ hở quá lớn, vậy mà họ còn chẳng biết điều đó!’
”
Một năm sau, người Hoa này đến Nhật Bản, một số bạn bè Tàu đồng hương ở Nhật
đã tiếp đón và dùng ô-tô để đi lại. Người Hoa này hỏi:
“Tokyo đất chật người đông, có phải là rất khó tìm chỗ đậu
xe không?”
Đồng hương người Hoa trả lời:
“Không nghiêm trọng đến như vậy đâu. Chính phủ Nhật quy định là cần phải có chỗ để
xe trước rồi sau đó mới được phép mua xe; vì vậy mà không có nhiều xe như anh
nghĩ đâu.”
“Ồ ! Vậy tức là anh có một bãi riêng để đậu xe hay sao?
Chắc là phải đắt đỏ đến mức cắt cổ có đúng không?”
“Anh nghĩ là ai cũng ngốc giống người Nhật Bản sao! Muốn
mua xe thì trước tiên đi thuê một chỗ ở bãi đậu xe. Sau khi mua xe xong thì trả lại chỗ đó; vậy
chẳng phải là vấn đề được giải quyết xong hay sao?”
Hai ngày sau, một số bạn bè người Nhật đến đưa người Hoa này đi chơi. Họ đi bộ hoặc là đi bằng tàu điện ngầm. Những
người bạn Nhật phân trần rằng:
“Ở Tokyo mua xe thì dễ, nhưng tìm chỗ đậu xe thì không dễ
dàng gì. Do đó, anh chịu khó đi tàu điện ngầm vậy nhé.”
Người Hoa này lập tức chỉ cho anh người Nhật ấy cách để giải quyết vấn đề.
Không ngờ rằng anh bạn người Nhật đã
không “ngộ đạo” mà còn dửng dưng nói:
“Nếu muốn lợi dụng sơ hở, thì có nhiều cách lắm. Ví dụ
như mẹ tôi sống ở quê, nếu muốn thì tôi có thể dùng hộ khẩu cũ là mua được xe.
Nhưng thực tế thì tôi đã định cư ở Tokyo, không có chỗ đậu xe mà lại mua xe, vậy
thì những người hàng xóm sẽ nhìn tôi như thế nào? Lái xe đi làm, tôi phải đối
diện với đồng nghiệp ra sao? Cấp trên và những người đàng hoàng sẽ không làm
như vậy.”
“Cơ chế” trả lại hàng vô điều kiện ở Mỹ và những quy định đầy lỗ hổng ở Nhật, đều
được xây dựng trên cơ sở “tín nhiệm.”
Nếu sự “tín nhiệm” sụp đổ, thì xã hội
cũng sẽ có thể sụp đổ. Do đó, ở xã hội Tây phương, người ta có thể tha thứ cho
các chính trị gia làm sai, nhưng không thể tha thứ cho những chính trị gia nói
dối, gian lận.
Nếu như chúng ta “giả đổi thành thật, thật cũng
giả,” mỗi người đều hư hư thực thực, thì toàn xã hội sẽ “vận hành”
trên cơ sở “hoài nghi.” Tư duy ảnh hưởng đến hành vi, mà hành vi của mỗi cá
nhân sẽ ảnh hưởng rộng ra đến dịch vụ kinh doanh và “vận hành” xã hội.
Khi đi tàu điện ngầm tại La Mã (Rome) ở Ý, bạn sẽ thấy rằng có máy bán vé
nhưng không thấy người soát vé. Chắc hẳn bạn sẽ thấy lạ lắm phải không? Làm thế
này làm sao kiểm soát được xem hành khách lên tàu có mua vé hay không? “Vận hành” tàu điện ngầm thế này chẳng phải sớm
muộn gì cũng bị lỗ hay sao?
Đây chính là cách suy nghĩ quen thuộc của chúng ta, luôn luôn liên tưởng đến
mọi chuyện theo kiểu khôn vặt hoặc vì tham lợi nhỏ cho bản thân mình. Đối với
người Ý chẳng hạn, nếu chúng ta hỏi câu hỏi này thì một điều thật kỳ lạ đối với
họ. Đi xe có thể không mua vé chăng? Đi xe làm sao có thể không mua vé cho được?
Cách nghĩ, cách tư duy của hai bên quả có sự khác biệt lớn lao.
Nếu như bạn thực sự muốn biết “có thể đi
tàu mà không cần mua vé hay không?” Thì câu trả lời là có thể chứ.
Bạn có thể không mua vé và lên tàu; và
đi được một vài trạm rất mạnh giỏi; nhưng bạn phải làm cách để không cho giới
quản lý ở tàu điện Ý biết chuyện này. Nếu
biết họ được bạn đi tàu không mua vé, nhất định bạn sẽ bị phạt nặng. Và sau
này, nếu bị phạt nhiều lần, có thể bạn sẽ tạo thành tiếng xấu cho quốc gia của
bạn đối với nước ngoài. Như vậy, thật sự
là “cái được” không bõ cho “cái mất!”
Xây dựng tín nhiệm không dễ, nhưng điều này lại thực sự quan trọng! Mức độ
tín nhiệm lẫn nhau càng cao, thì việc quản lý sẽ càng nới lỏng hơn. Nếu như đi
đúng đường, thì sẽ không sợ phải đi xa!
Hồng Ngọc
No comments:
Post a Comment