Sunday, January 6, 2019

Báo chí Việt-Nam (6/7): Báo chí Sài Gòn thời VNCH

Báo chí Sài Gòn thời VNCH (2)

Đối với những người trong nghề báo, cực nhất là phải làm việc ở các nhật báo vì thời gian giữa hai số báo chỉ cách nhau 24 giờ nên các ký giả phải chạy đua với đồng hồ. Hơn nữa, tin tức đòi hỏi phóng viên phải nhanh, nhạy và chính xác. Loại tiểu thuyết đăng nhiều kỳ cũng đòi hỏi người viết phải sáng tác đều tay, nếu báo bị thiếu một vài kỳ cho “feilleton”, độc giả sẽ chán và chuyển sang đọc báo khác. 

Vô tình trong làng báo thời VNCH hình thành một cuộc cạnh tranh, tuy âm thầm nhưng rất khốc liệt. Chủ báo biết rõ điều này nên họ sẵn sàng trả lương cao cho các phóng viên và những người viết nhiều kinh nghiệm, miễn là tờ báo thu hút nhiều người đọc.


Sạp báo Sài Gòn xưa

Nhà báo Tạ Quang Khôi trong bài viết về “Nhật báo Ngôn Luận và tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong” đã kể lại một giai thoại khá lý thú trong nghề làm báo với “tai nạn nghề nghiệp” qua vụ tướng Nguyễn Chánh Thi “đảo chính hụt” Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 11/11/1960:

“Phan Nghị là một phóng viên có uy tín trong làng báo. Ông viết nhiều bài phóng sự rất hay. Nhưng ông lại là người chân thật, cả tin, bạn bè liệt ông vào loại “phổi bò”. Khi ông Nguyễn Chánh Thi làm đảo chính, Phan Nghị đến building Cửu Long ở đường Hai Bà Trưng để chơi bài với một nhóm văn nghệ sĩ như: Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư… rồi khi ra về nghe đồn ông Diệm đã đầu hàng, bèn viết tin có tựa đề “Quân ta đại thắng, Diệm đầu hàng”, được để lên tám cột trang nhất của tờ Ngôn Luận. Báo đã in được 6.000 tờ thì lại có tin tướng Trần Thiện Khiêm đem sư đoàn 7 từ Mỹ Tho về cứu giá. Thế là 6000 tờ báo phải hủy tức khắc”.

Nhà văn Bình Nguyên Lộc cũng nói về nỗi khổ của nhà văn viết feilleton:

“Nhà in Sàigòn là nơi làm việc phản luật lao động nhứt thế giới, điều đó thì ai cũng biết, nhưng sao các tay viết lách lại chen vào đó để làm gì...? Tòa soạn của một tờ hàng ngày nghèo nhứt, vẫn không thiếu bàn. Ấy, người ở ngoài nghề không làm sao mà biết được chuyện bê bối của các tay viết tiểu thuyết cho báo hàng ngày, mà kẻ nầy là một.

Phải chun vào nhà in, vì thợ sắp chữ họ gào họ thét, họ đòi bài, ta vào đó, xé giấy ra từng mảnh nhỏ, viết được ba bốn giòng chữ thì nộp cho một anh thợ để anh xếp chữ ngay, kẻo không kịp in. Ta lại viết ba bốn giòng nữa giao cho anh thợ thứ nhì, nếu anh thứ nhứt khi nãy, làm chưa xong công việc. Chun vào nhà in để được gần thợ, hầu nộp bài cho nhanh ấy mà! Dĩ nhiên là bài không bao giờ qua tay các thư ký tòa soạn, mà các ông ấy cũng mong khỏi phải đọc bài, vì các ông chỉ có mấy mươi phút mà phải đọc hết năm tiểu thuyết, thì quá đau đầu…”


Tạp chí xưa

Bên cạnh “người anh em” nhật báo, Sài Gòn còn có rất nhiều loại tạp chí xuất bản định kỳ bao gồm tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san hay có khi báo ra hàng quý (3 tháng một kỳ), mỗi nửa năm và thậm chí mỗi năm chỉ ra một số.

Làm báo định kỳ không gặp nhiều căng thẳng về thời gian như báo ngày. Hơn nữa, báo định kỳ phần đông mang tính cách nghiên cứu hoặc chuyên ngành nên đòi hỏi người làm báo phải có một số kiến thức về chuyên đề của tờ báo. Như vậy, làng báo hình thành 2 loại ký giả theo hình thức của tờ báo: phóng viên chạy tin cho nhật báo và người viết tạp chí.

Năm 1917 tại Bắc Kỳ, Nam Phong Tạp chí của Phạm Quỳnh [1] ra đời với bản in bằng tiếng quốc ngữ và phần chữ Nho do Nguyễn Bá Trác phụ trách. Cũng vào thời gian này tại Nam Kỳ, Toàn quyền Albert Sarraut, ký sắc lệnh ra tạp chí Tribune Indigène bằng tiếng Pháp. Nam Phong xuất bản hàng tháng, tổng cộng ra được 210 số báo trong 17 năm. Đây là một trong những tạp chí Việt Nam đầu tiên đăng thơ, truyện ngắn, phê bình văn học, và tài liệu lịch sử với sự góp mặt của nhiều tác giả như Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Trần Trọng Kim, Tương Phố, Dương Quảng Hàm và Tản Đà.


Nam Phong Tạp chí

Năm 1926, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu [2] lại đứng ra thành lập An Nam Tạp chí, tờ báo chuyên về văn học ra được 46 số nhưng cũng giữ một kỷ lục về số lần đình bản và tái bản. Tản Đà và An Nam Tạp chí có một quãng đời gian nan, lận đận được nhắc đến trong lịch sử văn học Việt Nam. Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) làm bài thơ “Trời đầy Nguyễn Khắc Hiếu”, nhại lại bài “Hầu trời” của Tản Đà:

Tội nặng nhất trần gian
Là bắt anh Khắc Hiếu
Làm tạp chí An Nam

Nhà thơ “hậu sinh” Bùi Giáng cũng đã nhận xét về “tiền bối” Tản Đà: “Nếu tiên sinh còn sống, ắt tại hạ xin được phép cùng tiên sinh nhậu nhẹt một trận lu bù. Thơ của tiên sinh làm, chẳng có chi xuất sắc. Nhưng bản dịch "Trường hận ca" của tiên sinh quả thật là vô tiền khoáng hậu”.

Cùng thể loại với An Nam Tạp chí sau này còn có  Phong hóa - Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Văn học Tạp chí của Dương Bá Trác, Dương Tự Quán (1932), Tiểu Thuyết Thứ Bảy của Vũ Đình Long (1934), Phổ Thông Bán Nguyệt San cũng của Vũ Đình Long (1936), Tinh Hoa (1937), Tao Đàn (1939), Hà Nội Tân Văn (1940), Phụ Nữ Tân Văn (Phan Khôi), Trung Bắc Chủ Nhật (Nguyễn Văn Luận)...


Tiểu Thuyết Thứ Bảy

Sang đến thời Đệ nhất Cộng Hòa báo định kỳ tại Sài Gòn nở rộ không kém gì báo ngày. Đáng kể nhất là hai tạp chí Bách Khoa và Sáng Tạo.  Tiền thân của Bách Khoa là tạp chí của Hội Văn hóa Bình dân và nhóm chủ trương xin lại manchette của tờ Bách Khoa Bình Dân. Như vậy, Bách Khoa Bình Dân chỉ sống được 2 số và sau đó xuất hiện đưới tên Bách Khoa từ năm 1957 cho đến ngày Sài Gòn đổi chủ.

“Thay Lời Phi Lộ” trên Bách Khoa số ra mắt ngày 15/1/1957 xác định mục đích của tạp chí: “… Quy tụ mọi người không cần cùng một tôn giáo, một quan điểm chính trị, một tổ chức chính trị chặt chẽ mới có thể trở thành bạn đường trong lúc tìm kiếm bất chấp đến dĩ vãng nếu hiện thời đi cùng một con đường…”.

Tờ báo cũng khẳng định bài vở “…không cứ phải cao siêu, vì trải nghiệm của người lao động cũng quan trọng như lý thuyết của học giả” và cũng không nhất thiết “…chỉ nói về một tôn giáo, vì đạo đức của Phật giáo cũng đáng để ta tôn trọng như lòng nhân ái của Chúa Jesus”. Sở dĩ vấn đề tôn giáo được Bách Khoa đề cập đến vì dưới thời của Tổng thống Ngô Đình Diệm đạo Công giáo vốn được “ưu ái” và đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hòa vào năm 1963.

Tạp chí Bách Khoa số ra mắt

Tạp chí Bách Khoa do Huỳnh Văn Lang làm chủ nhiệm trong năm đầu, khi ông Lang đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ, ông Lê Ngộ Châu đứng ra điều hành. Có thể nói, Lê Ngộ Châu là linh hồn của tạp chí trong vai trò chủ nhiệm điều hành, ông được sự quý mến của mọi người, từ các đồng nghiệp, cộng tác viên cho đến người đọc.

Nguyễn Hiến Lê [3], cộng tác viên có số bài viết nhiều nhất trên Bách Khoa, nhận xét:  “Bách Khoa có một vị trí đặc biệt, tờ báo không nhận trợ cấp của chính quyền, không ủng hộ chính quyền mà vẫn sống được suốt 18 năm (1957-1975) bằng tờ Nam Phong, có uy tín, tập hợp được nhiều cây bút giá trị như tờ Nam Phong”.

Bách Khoa từ tháng 2/1965 đổi tên thành Bách Khoa Thời Đại, đến tháng 1/1970 lại trở về với tên Bách Khoa. Ngoài số độc giả khá đông tại Sài Gòn và miền Trung, tạp chí còn được sự ủng hộ của các công ty lớn qua việc đăng quảng cáo giúp cho tờ báo đứng vững. Đó là yếu tố tài chính mà bất kỳ một tờ báo nào cũng phải tính đến.

Bách Khoa đã mang lại cho nền văn học nghệ thuật miền Nam một sinh khí mới đồng thời giới thiệu nhiều nhà văn trẻ sau này trở nên nổi tiếng như Vũ Hạnh, Võ Phiến, Lê Tất Điều, Nguyễn Ngu Í, Phạm Việt Châu, Phan Văn Tạo, Đoàn Thêm, Bùi Giáng và các cây bút nữ như Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Thụy Vũ, Túy Hồng… 

Bách Khoa tựa như một “melting pot”, là nơi dung hòa mọi trường phái qua nhiều cây bút cả trẻ lẫn già: bên cạnh Đông Hồ, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sỹ còn có nhưng khuôn mặt mới như Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo... Bách Khoa cũng là “vùng xôi đậu” giữa những chính kiến khác nhau với các bài viết của giáo sư Nguyễn Văn Trung, linh mục Nguyễn Ngọc Lan hay Vũ Hạnh, Võ Phiến.

Bách Khoa được đóng thành tập

Tháng 10/1956, tạp chí Sáng Tạo ra đời tại Sài Gòn. Đối với nhiều người, đó là  “chất nổ phá đổ cái cũ, tạo dựng cái mới”. Sáng Tạo đánh dấu một sự “nổi loạn”.

Trên Sáng Tạo xuất hiện những tên tuổi của các nhà văn “di cư” vào miền Nam năm 1954: Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Cung Tiến, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Ðức Sơn ...

Theo Mai Thảo, nhóm Sáng Tạo “phá đổ” những “ám ảnh” và những “tàn tích của quá khứ”:

“Văn học nghệ thuật mặc nhiên không thể còn là tả chân Nguyễn Công Hoan, lãng mạn lối Thanh Châu, những khái niệm Xuân Thu, những luận đề Tự Lực ... Những trào lưu cạn dòng phải nhượng bộ rứt thoát cho những ngọn triều lớn dậy thay thế”.

Cũng theo Mai Thảo, “Công tác chặt đứt với những trói buộc cũ phải được đặt lên hàng đầu ... và thơ bây giờ là thơ tự do”.

Nếu ta không phủ nhận vai trò của Tự Lực Văn Đoàn trong việc đóng góp vào “thơ mới” thì cũng phải nhìn nhận Sáng Tạo đã đưa ra một loại thơ “mới hơn” mà người ta gọi là “thơ tự do”. Nguyên Sa (Trần Bích Lan) với bài thơ “Mùa xuân buồn lắm em ơi” có những câu thơ rất… tự do:

Mùa xuân buồn lắm em ơi
Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ
Đạp xe qua nhà em
Nhìn vào ngưỡng cửa
Nhà số 20
Anh nhớ má em hồng…

Làm sao chỉ có một mình anh
Vừa đạp xe, vừa ngâm thơ (mà đường vẫn dài)
Ngửa mặt lên cao, trời xanh biêng biếc
Làm sao em không ngó xuống linh hồn?…

Mặt khác, Thanh Tâm Tuyền lên tiếng bênh vực sự nổi loạn mà theo ông. “… nổi loạn là một hành động đòi được gia nhập đời sống: Kẻ nô lệ đòi quyền sống như những người tự do. Như thế nổi loạn là điều kiện sáng tạo”.

Phải chăng cũng vì lý do đó mà tạp chí mang tên Sáng Tạo?Tạp chí Sáng Tạo được nhiều người khen không tiếc lời. Võ Phiến viết trong “Văn Học Miền Nam Tổng Quan”:

“Tờ báo [Sáng Tạo] đáp ứng một sự thiếu vắng, nó được hoan nghênh ngay. Trước “vận hội mới” quần chúng độc giả chờ đợi một xuất hiện mới trên lãnh vực văn nghệ. Loại thơ văn trên báo Đời Mới của Trần Văn Ân chẳng hạn không còn sức thu hút nữa, những sáng tác ra mắt trên nhật báo không thể thỏa mãn, tờ Mùa Lúa Mới vẫn chỉ là của một địa phương. Tờ Sáng Tạo chính đã đến đúng lúc. Và nó đã nhằm đúng vào tâm trạng quần chúng: chờ cái mới”. 

Theo Võ Phiến, Sáng Tạo đã có những đóng góp đáng kể. Mặc dù chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn 31 tháng, nó đã phát huy được một số văn tài đông đảo. Nhiều người trong số đó sau khi tờ tạp chí đình bản, tiến lên giữ vai trò quan trọng trong những hoạt động văn nghệ riêng biệt của mình.

Thanh Tâm Tuyền dần dần viết truyện nhiều hơn là làm thơ; Doãn Quốc Sỹ chủ trương một nhà xuất bản; Nguyên Sa đứng ra thành lập các tạp chí Gió Mới, Hiện Đại; Tô Thùy Yên, Sao Trên Rừng (sau đổi ra là Nguyễn Đức Sơn) trở thành những thi sĩ có bản sắc riêng biệt; Dương Nghiễm Mậu sáng tác mỗi lúc mỗi độc đáo, đứng ra chủ trương tạp chí Văn Nghệ cùng với Lý Hoàng Phong…

Thế nhưng, cũng không ít người chê bai Sáng Tạo, chẳng hạn như Nguyễn Hiến Lê:

“Thời đó có một nhóm nhà văn trẻ ở Bắc di cư vào lập nhóm Sáng Tạo, muốn làm một cuộc cải cách, nhưng họ không đủ kiến thức tài năng, chỉ hô hào chống Cộng, điểm này không có gì mới cả - mà cũng không sâu sắc, vì họ ít đọc sách báo ngoại quốc; và đả đảo lối viết của nhóm Tự Lực trước kia, mà người cầm đầu Sáng Tạo - Mai Thảo - lại có bút pháp cầu kỳ "làm duyên, làm dáng" - không hợp thời chút nào, chính bọn họ cũng không theo. Rốt cuộc chẳng được tiếng vang nào cả''.


Sáng Tạo, Số 1, tháng 10/1956

Xét cho cùng, khen hay chê là còn tùy thuộc vào yếu tố chủ quan của mỗi người. Tuy nhiên, có một điều khách quan là những tạp chí ra đời trong suốt thời VNCH đã khiến sinh hoạt văn thơ miền Nam ngày càng đa dạng trong khi miền Bắc lại trầm lắng, mang nặng màu sắc chính trị.

***

Chú thích:

[1] Phạm Quỳnh (1892 - 1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt (thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp) để viết lý luận và nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân.

Phạm Quỳnh sinh tại Hà Nội, quê quán Hải Dương, từ một làng khoa bảng, có truyền thống hiếu học. Mồ côi mẹ từ 9 tháng tuổi, mồ côi cha từ khi lên 9 tuổi; Phạm Quỳnh côi cút được bà nội nuôi ăn học. Ông học giỏi, luôn có học bổng và đỗ đầu bằng Thành chung khi theo học Trường trung học Bảo hộ (tức trường Bưởi, còn gọi là Trường Thông ngôn).

Năm 1908, Phạm Quỳnh làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội lúc vừa tuổi 16. Từ năm 1916, ông tham gia viết báo cho một số tờ có uy tín đương thời; làm chủ bút Nam Phong Tạp chí từ năm 1917 cho đến năm 1932, tuyên truyền cho tư tưởng “Pháp Việt đề huề”. Năm 1919, ông sáng lập và là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến Đức.

Năm 1930, Phạm Quỳnh đề xướng thuyết lập hiến, đòi hỏi người Pháp phải thành lập hiến pháp. Ông bị Việt Minh bắt năm 1945 và giam ở lao Thừa Phủ, Huế. Phạm Quỳnh bị giết cùng với nguyên Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của Ngô Đình Khôi).

Một số tác phẩm chính của Phạm Quỳnh:

Thượng Chi Văn Tập (gồm 5 quyển, Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes Hanoi ấn hành năm 1943)
Văn minh luận
Văn học nước Pháp
Lịch sử thế giới
Phật giáo đại quan


Phạm Quỳnh

[2] Tản Đà (1889 - 1939) tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông. Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng trên văn đàn Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.

Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực và làm chủ bút An Nam Tạp chí. Với những dòng thơ lãng mạn và ý tưởng ngông nghênh, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại”. Ngoài sáng tác thơ, Tản Đà còn giỏi trong việc dịch thơ Đường sang thơ lục bát.

Năm 1915, cuốn sách đầu tiên của Tản Đà được xuất bản, gây tiếng vang lớn, đó là tập thơ Khối tình con. Sau thành công đó, ông viết liền cuốn Giấc mộng con (1917) và một số vở tuồng: Người cá, Tây Thi, Dương Quý Phi, Thiên Thai. Năm 1918, Phạm Quỳnh ca ngợi cuốn Khối tình con  và phê phán cuốn Giấc mộng con, biến Tản Đà trở thành một hiện tượng trên văn đàn. Sau bài phê phán tư tưởng của Giấc mộng con, Tản Đà thôi cộng tác với Nam Phong Tạp chí.

Từ 1919 tới 1921, Tản Đà viết một loạt truyện như Thần tiền, Đàn bà Tàu (1919); sách giáo khoa, luân lý: Đài gương, Lên sáu (1919), Lên tám (1920) và tập thơ Còn chơi (1921). Năm 1922, Tản Đà thành lập Tản Đà thư điếm (sau đổi thành Tản Đà thư cục). Tại đây đã xuất và tái bản hầu hết những sách quan trọng trong sự nghiệp của Tản Đà:

Tản Đà tùng văn (1922);
Truyện thế gian tập I và II (1922),
Trần ai tri kỷ (1924),
Quốc sử huấn nông (1924)
Thơ Tản Đà (1925)


Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu

[3] Nguyễn Hiến Lê (1912–1984) là một nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ông quê ở Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội), xuất thân từ một gia đình nhà Nho, học tại trường Bưởi, Hà Nội. Năm 1934, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội rồi vào làm việc tại các tỉnh miền Nam, từ đó bắt đầu gắn bó với vùng đất này trong suốt nửa thế kỷ. Sau năm 1945, ông thôi làm ở sở, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952 chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo.

Trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, ông đã xuất bản được hơn một trăm bộ sách, về nhiều lĩnh vực: văn học, ngôn ngữ học, triết học, tiểu luận phê bình, giáo dục, chính trị, kinh tế, gương danh nhân, du ký, dịch tiểu thuyết, học làm người... Tính từ năm ông bắt đầu có sách xuất bản vào đầu thập niên 1950, trung bình mỗi năm ông hoàn thành ba bộ sách với 800 trang bản thảo có giá trị.

Năm 1980 ông về lại Long Xuyên và bắt đầu viết Hồi ký Nguyễn Hiến Lê. Tác phẩm này được hiệu đính và hoàn chỉnh vào năm 1983 với tựa đề Đời viết văn của tôi. Ông viết:

“Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời, tôi VIẾT ĐỂ HỌC và HỌC ĐỂ VIẾT”.

Nguyễn Hiến Lê viết gần 250 bài trên tạp chí Bách Khoa, 50 bài trên các tạp chí Mai, Tin Văn, Văn, Giáo Dục Phổ Thông, Giữ Thơm Quê Mẹ. Những tác phẩm nổi bật của Nguyễn Hiến Lê xếp theo thứ tự thời gian:

Đắc nhân tâm (1951, dịch Dale Carnegie)
Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười (1954, du ký)
Tự học để thành công (1954)
Quẳng gánh lo đi và vui sống (1955, dịch Dale Carnegie)
Gương danh nhân (1959)
Chiến tranh và hòa bình (1968, dịch Lev Nikolayevich Tolstoy)
Sử Trung Quốc (1982, 3 tập)
Kinh Dịch, đạo của người quân tử (1990)
Khổng Tử (1992)
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê (1992)
Đời viết văn của tôi (1996)


Nguyễn Hiến Lê

No comments:

Post a Comment