Bên Thắng Cuộc (5/7)/Quyền bính (1/3)
Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013
Tướng Giáp
Sau Bên Thắng Cuộc, Phần I:
Giải phóng, Huy Đức dẫn người đọc đến Phần II: Quyền bính. Tác giả khẳng định:
“Quyền Bính không phải là một cuốn sách nói chuyện “thâm cung bí sử” cho dù có
nhiều câu chuyện, có nhiều nhân vật được đặc tả rất cận cảnh. Những câu chuyện
được kể trong cuốn sách này là sự chia sẻ của rất nhiều người trong cuộc về một
giai đoạn mà Việt Nam đã bỏ lỡ những cơ hội có thể đi tới mục tiêu “công bằng,
dân chủ, văn minh” do chính đảng cầm quyền đề ra”.
Tuy nhiên, người đọc, nhất
là những người thuộc “bên thua cuộc”, vẫn coi đây là chuyện “thâm cung bí sử”
vì (1) họ không có cơ hội tiếp xúc một cách gần gũi với các nhân vật quan trọng
của Đảng Cộng sản như nhà báo Huy Đức và, (2) họ không là “người trong nội bộ Đảng”
nên những gì cuốn sách tiết lộ đều được coi là những góc khuất về quyền lực tại
Ba Đình.
Gần một chục nhân vật chóp
bu trong đảng đều có những góc khuất của riêng mình và việc khám phá ra chúng
làm cho cuốn sách có giá trị lịch sử thú vị, cho dù sự tin cậy của các tài liệu
Huy Đức cung cấp không phải là hoàn toàn khả tín hoặc chính Huy Đức cũng là nạn
nhân của sự cố tình đánh lạc hướng do chính các nhân vật tạo ra.
Nói như vậy để hiểu rằng mỗi
người đọc sẽ có đánh giá riêng của mình về cuốn sách sau khi đã loại trừ những
thông tin, những vấn đề còn nhiều tranh cãi hoặc nghi vấn.
Trong Mấy lời của tác giả,
nhà báo Huy Đức viết,
“Những năm đầu
thập niên 1990, chúng tôi được bố trí ăn, ở với các đoàn đại biểu tại nhà khách
số 8 Chu Văn An; được dự hầu hết các phiên thảo luận mà các đại biểu đang là ủy
viên Trung ương, ủy viên Bộ chính trị. Chúng tôi cũng dễ dàng gặp gỡ, trò chuyện
với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh,
Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo,
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh”.
Trong phạm vi bài viết này,
nhân vật chúng tôi muốn nói đến là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lịch sử đã ghi
chép, duới gốc đa Tân Trào, tại tỉnh Tuyên Quang, ngày 22/11/1944, ông Giáp
cùng với 34 chiến sĩ, trong đó có 3 nữ, ra mắt lực lượng đầu tiên của Việt Minh
với tên gọi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”, tiền thân của Quân đội
Nhân dân Việt Nam ngày nay.
Trong bước đầu thành lập, đội
quân này được trang bị vỏn vẹn 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường,
14 súng kíp và 1 súng máy. Bức ảnh lịch sử thành lập quân đội dưới đây, tướng
Giáp là người đội mũ phớt đứng bên trái. Sau này, Lê Đức Thọ đã gọi ông là…
“ông tướng mũ phớt”.
Võ Nguyên Giáp và đội Việt
Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
Đến tháng 5/1948, tức khoảng
3 năm rưỡi sau, Võ Nguyên Giáp được ông Hồ Chí Minh phong chức Đại tướng, khi ấy
mới 37 tuổi. Đó là cả một “huyền thoại” trong cuộc đời binh nghiệp vì có lẽ
trên thế giới chỉ mới thấy xuất hiện hai đại tướng được phong vượt 17 cấp như
thế! Đầu tiên là ông Giáp và sau này, ở Bắc Triều Tiên, có Kim Jong-un.
Từ đó người ta gọi ông là
“Tướng Giáp” và ông đã trải qua những chức vụ quan trọng như Ủy viên Bộ Chính
trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội
cho đến năm 1982.
Võ Nguyên Giáp được coi là một
nhà chỉ huy quân sự, nhà hoạt động chính trị và là đại tướng đầu tiên của Quân
đội Nhân dân. Ông cũng là chỉ huy chính trong chiến tranh Đông Dương
(1946–1954) và chiến tranh Việt Nam (1960–1975). Tướng Giáp tham gia vào nhiều
chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới Thu đông (1950), Trận Điện Biên
Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch năm 1972 và Chiến dịch Hồ
Chí Minh (1975).
Điểm đặc biệt về vị Đại tướng
đầu tiên của Quân đội Nhân dân là ông chưa từng trải qua một trường lớp quân sự
nào. Bên Thắng Cuộc tiết lộ:
[color=brown][/b]“Cụ Hồ cũng
đã từng cử Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc học quân sự. Nhưng trên đường đi, Chiến
tranh Thế giới thứ II đưa người Pháp ở chính quốc vào thế thua, Hồ Chí Minh thấy
thời cơ tới nên gọi ông trở lại. Tướng Giáp vì thế chưa từng qua bất cứ một trường
lớp nhà binh nào. Có lẽ, tư duy quân sự của ông hình thành trong những năm dạy
sử”. [/color][/b]
Hồ Chí Minh & Võ Nguyên
Giáp
Tướng Giáp sinh ngày
25/8/1911 tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Gia đình Võ
Nguyên Giáp có 7 anh chị em, nhưng người anh cả và chị cả mất sớm nên còn lại
năm, 3 người con gái và 2 người con trai là Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho, sau
này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục.
Những năm học ở Trường Quốc
Học Huế ông thường tới nhà cụ Phan Bội Châu đàm đạo và được cụ Phan cho mặc sức
sử dụng kho sách của mình. Giáp cũng chơi thân với thầy giáo Đặng Thai Mai.
Năm ông mười sáu tuổi, người
Pháp đuổi học Nguyễn Chí Diểu. Giáp khởi xướng một cuộc bãi khóa để phản đối.
Vì sự kiện ấy, Giáp cũng bị đuổi học. Nguyễn Chí Diểu đến An Xá tìm Giáp và tiết
lộ “Chúng tôi đã lập Đảng Tân Việt” (chứ không phải Việt Tân ngày nay!). Giáp bảo: “Tôi đi với anh”. Võ Nguyên Giáp là
người đã góp phần tích cực đưa Tân Việt tham gia Đông Dương Cộng sản Đảng.
Đầu tháng 10/1930, trong sự
kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa Phủ (Huế),
cùng với người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái, em trai là Võ Thuần Nho và các
giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng... Năm 1935, Nguyễn Thị Quang Thái trở
thành người vợ đầu tiên và có một con với ông.
Võ Nguyên Giáp & Nguyễn
Thị Quang Thái
Chị Quang Thái hẹn
khi con (Võ Hồng Anh) cứng cáp sẽ đi thoát ly hoạt động cùng chồng. Nhưng cả
hai không ngờ lần chia tay năm 1940 cũng là lần vĩnh biệt, chị Thái bị người
Pháp bắt giam và chết trong tù năm 1944. Theo lịch sử đảng, bà Thái là một hình
tượng người phụ nữ mẫu mực, kiên trung, yêu nước và được phong tặng danh hiệu
“liệt sĩ”.
Nguyễn Thị Quang Thái &
Võ Hồng Anh
Giáo sư - Tiến sĩ Võ Hồng
Anh (1941-2009), con gái Tướng Giáp, kể lại: “Năm 1929, cha tôi lần đầu tiên
nghe nhắc đến cái tên Nguyễn Thị Quang Thái, cô em gái trẻ, thông minh và rất
xinh của Nguyễn Thị Minh Khai. Trong chuyến tàu cha tôi trở lại Huế, tới Vinh
thì gặp mẹ tôi lên tàu, cùng với một nữ sinh Đồng Khánh. Lúc đó mẹ tôi mặc áo
dài, tóc để xõa, da trắng, gương mặt sáng. Nhưng điểm gây ấn tượng với cha tôi
nhất là đôi mắt”.
Tướng Giáp và con gái, GS-TS
Võ Hồng Anh
Cuối năm 1931, nhờ sự can
thiệp của Hội Cứu tế Đỏ của Pháp, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị
Công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế. Ông ra Hà Nội, học trường
Albert Sarraut, nhận bằng cử nhân luật năm 1937 (Licence en Droit). Do bận rộn
hoạt động cách mạng, vào năm 1938, ông bỏ dở học chương trình năm thứ tư về
Kinh tế Chính trị và không lấy bằng Luật sư.
Từ 1936 đến 1939, Võ Nguyên
Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt
trận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại
hội. Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của
chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng.
Tháng 5/1939, Võ Nguyên Giáp
nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội, do Hoàng Minh Giám
làm giám đốc nhà trường. Một trong những học trò của Tướng Giáp, ông Bùi Diễm,
người đã từng là bộ trưởng Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa năm 1965, viết:
“Những gì về
ông Giáp hồi ấy thật đặc biệt, vì vậy mà hơn nửa thế kỷ sau, tôi vẫn còn nhớ rõ
rệt. Phần giảng dạy của ông về Nã Phá Luân rất ly kỳ... Hình như ông đã in tất
cả trong đầu và sử trở thành một phần trong con người ông. Ông như chìm đắm vào
thế giới của mình và ông lôi kéo học trò vào thế giới đó” (Bùi Diễm, Trong Gọng
Kìm Lịch Sử, Phạm Quang Khai xuất bản năm 2000, trang 21, 22, 23).
Hồ Chí Minh & Võ Nguyên
Giáp
(1950)
Mối quan hệ giữa Lê Duẩn và
Võ Nguyên Giáp thoạt đầu được mô tả là khá thân thiện, đằm thắm. Bên Thắng Cuộc
trích dẫn lời Tướng Giáp: “Lúc mới ra Bắc, anh Lê Duẩn thường tâm sự với tôi những
khó khăn trong công việc. Anh đã nhiều lần nói với tôi, năm 1940 nhờ có chị
Thái nên anh thoát khỏi án tử hình”.
Câu chuyện về “chị Thái” mà
ông Lê Duẩn đề cập, theo Huy Đức, xảy ra trong phiên tòa xử những người lãnh đạo
Nam Kỳ khởi nghĩa, Lê Duẩn và Nguyễn Thị Minh Khai đứng đối diện trong song sắt
trước tòa. Minh Khai viết một bức thư nhỏ, gấp lại rồi ném cho Lê Duẩn, chẳng
may thư rơi xuống gần người lính canh ngục. Nguyễn Thị Quang Thái đứng gần đó,
nhanh chóng nhặt và nuốt ngay lá thư.
Năm 1946, khi ông Đặng Thai
Mai (1902-1984) chuyển từ Sầm Sơn ra Hà Nội, Giáp tìm tới thăm, lúc này cô con
gái của thầy Mai, Đặng Bích Hà, đã là một cô gái mười chín xuân thì. Họ lấy
nhau và có bốn người con. Đặng Bích Hà sau này là Phó giáo sư lịch sử tại trường
Đại học Sư phạm Hà Nội.
Võ Nguyên Giáp & Đặng
Bích Hà
Sau 1954, gia đình Tướng
Giáp – Đặng Bích Hà, kể cả người con gái của ông (Võ Hồng Anh) với bà vợ trước
Nguyễn Thị Quang Thái, sống quây quần trong biệt thự, số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Võ Nguyên Giáp - Đặng Bích
Hà cùng 5 người con
Võ Hồng Anh, Võ Hạnh Phúc,
Võ Điện Biên, Võ Hồng Nam và Võ Hòa Bình
(1963)
Bên Thắng Cuộc, Chương 15:
Tướng Giáp, bàn về mối quan hệ giữa Lê Duẩn [1] cùng những người thân cận của
ông với Tướng Giáp. Nổi bật nhất là sự thật về vụ án chống đảng “Năm Châu - Sáu
Sứ” năm 1967 đến sự kiện về việc “Thống chế đi đặt vòng”.
Chương 15 cũng trưng nhiều
tài liệu về vai trò thực sự của Tướng Giáp trong cuộc chiến tranh 1955-1975, Sự
kiện Vịnh Bắc bộ, Tết Mậu Thân 1968. Huy Đức đưa Tướng Giáp vào cuối phần Dấu ấn
Nguyễn Văn Linh, đó là thời điểm bắt đầu một nỗ lực nhằm hạ uy tín của “Vị tướng
Điện Biên” diễn ra vào cuối nhiệm kỳ Tổng bí thư.
Từ trái qua phải:
Nguyễn Văn Linh, Võ Nguyên
Giáp, Hoàng Văn Thái
Lịch sử ghi
lại, mãi tới tháng 5/1940, Võ Nguyên Giáp mới sang Trung Quốc gặp Hồ Chí Minh
và tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương trong khi năm 1939 Lê Duẩn đã được bổ sung
vào Thường vụ Trung ương Đảng. Tuy nhiên, trong thời gian Lê Duẩn gần như mờ nhạt
ở miền Nam thì Võ Nguyên Giáp đã “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” tại miền
Bắc.
Theo ông Hoàng Tùng, khi đó
là chánh Văn phòng Trung ương Đảng, “Khi mới từ miền Nam ra, cả Lê Duẩn và Lê Đức
Thọ [2] đều không thấy thoải mái khi ngồi cùng Tướng Giáp. Cho dù lịch sử gắn
bó giữa Lê Đức Thọ và Lê Duẩn bắt đầu bằng một cuộc đụng độ [3]. Kể từ khi Lê
Duẩn ra Bắc, Lê Đức Thọ đã đóng một vai trò quan trọng trong quy trình cán bộ
đưa Lê Duẩn đạt đến đỉnh cao quyền lực”.
Về phần mình, ông Giáp cũng
đã rất giữ mình, đặc biệt, với Lê Duẩn. Năm 1956, Trung ương Đảng thừa nhận sai
lầm trong cải cách ruộng đất, Trường Chinh xin từ chức, Hồ Chí Minh lúc bấy giờ
là chủ tịch Đảng kiêm thêm chức vụ tổng bí thư. Ông Giáp, lúc đó đang là trợ lý
về Đảng của Hồ Chí Minh, tiết lộ:
“Tháng 7/1956, tôi đề nghị Bộ
Chính trị cử anh Ba [Lê Duẩn] làm phó tổng bí thư để dễ làm việc, nhưng anh đã
từ chối và nói, nên chờ đại hội quyết định. Tại hội nghị Bộ Chính trị bàn việc
chuẩn bị đại hội, khi được đề nghị làm trưởng ban chuẩn bị Báo cáo Chính trị,
anh cũng từ chối và nói, ‘đã mười năm không ở miền Bắc, chủ trì chuẩn bị báo
cáo e khó khăn, vì vậy đề nghị hai đồng chí Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp tham
gia’. Cuối cùng Bộ Chính trị đề nghị Bác làm trưởng ban, anh Ba làm phó”.
Hoàng Tùng kể lại, “Lê Đức
Thọ gặp không ít đàn em gợi ý thẳng… ‘giờ đến lượt tao’. Những năm 1945, 1946,
thế Lê Đức Thọ lớn lắm, chỉ sau Hồ Chí Minh, Trường Chinh. Bác cử Lê Đức Thọ
vào Nam cũng có ý không để hai ‘con hổ’ Trường Chinh, Lê Đức Thọ gần nhau.
Nhưng khi Bác lấy phiếu thăm dò, không ai đề cử Lê Đức Thọ cả. Trong bốn ứng cử
viên Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn cao phiếu
hơn hẳn”.
Ngày 26/8/1945, Tướng Giáp về
Hà Nội sau khi Việt Minh giành được
chính quyền
Tiếp đến là thời kỳ Tết Mậu
Thân. Ngày 1/1/1968, sau khi thăm một số nơi bị máy bay bắn phá ở Hà Nội, vào
lúc 2 giờ 30 chiều và tiếp “Bộ Chính trị đến làm việc”, ông Hồ Chí Minh tiếp tục
“sang Bắc Kinh dưỡng bệnh”. Ở Hà Nội, bàn tay của Lê Đức Thọ bắt đầu siết mạnh
hơn.
Để đảm bảo hoàn toàn bí mật
chiến dịch Tổng công kích Tết Mậu Thân, chỉ trước khi nổ súng một tuần, Lê Duẩn
mới triệu tập các ủy viên Trung ương về Kim Bôi họp Hội nghị Trung ương lần 14.
Tại hội nghị, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thông báo với Trung ương rằng trong cuộc
họp quan trọng này “có nhiều đồng chí vắng mặt”. Lê Duẩn giải thích:
“Trước hết, tôi xin báo cáo
với các đồng chí, lần này hội nghị Trung ương chúng ta họp, có một số đồng chí
Trung ương bị ốm không đến được, có một số đồng chí bận việc không đến được.
Trong Bộ Chính trị cũng có đồng chí bận việc không đến được, một số đồng chí sẽ
đến, mai có đồng chí Thọ (Lê Đức Thọ), đồng chí Dũng (Văn Tiến Dũng) sẽ đến báo
cáo”
Sau Hội nghị Trung ương 14,
chiều 20/1/1968, Lê Đức Thọ có đến Bắc Kinh để “báo cáo Bác Hồ”. Tướng Giáp khi
đó lại ở Hungary, ông nhớ lại: “Sắp nổ súng thì Bác cũng đang ở Bắc Kinh. Bác
điện cho tôi: chú thu xếp về càng sớm, càng tốt”.
Từ Hungary, Tướng Giáp bay tới
Bắc Kinh. Theo ông Vũ Kỳ, sáng 25/1/1968, Hồ Chí Minh gặp riêng Võ Nguyên Giáp.
Trong khi, cả “Cha già Dân tộc” và “Anh cả của Quân đội” vẫn đang “an trí” ở Bắc
Kinh thì những binh đoàn chủ lực miền Bắc bí mật áp sát các đô thị miền Nam.
Máy bay Trung Quốc đưa Tướng
Giáp về tới Hà Nội ngay trong ngày 29 Tết. Hôm sau ông mới được Tướng Vũ Lăng,
cục trưởng Cục Tác chiến báo cáo “Kế hoạch Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa”. Vũ
Lăng nói: “Anh Văn Tiến Dũng bảo bây giờ thì có thể báo cáo toàn bộ với anh
Văn” (Văn là bí danh của Võ Nguyên Giáp).
Tướng Giáp cố
giữ vẻ mặt bình thản để dấu niềm cay đắng. Ông, vị tổng tư lệnh, đã không được
biết một kế hoạch lớn như vậy cho đến trước khi nổ súng một ngày. Cái đêm mà cả
miền Nam chìm trong khói lửa của Tổng tiến công Tết Mậu Thân, Hồ Chí Minh đang ở
Bắc Kinh.
Theo lời kể của Vũ Kỳ, thư
ký riêng của Hồ Chí Minh, hai người ngồi “trong căn phòng vắng” để nghe lời
chúc Tết của chính ông qua đài Tiếng nói Việt Nam từ chiếc radio bán dẫn:
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân
qua
Thắng lợi tin vui khắp mọi
nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về
ta!”
Cũng theo lời Vũ Kỳ, bài thơ
trên được Hồ Chí Minh làm trong gần ba tháng khi đang ở Bắc Kinh và đã được thu
thanh khi ông về Hà Nội hồi cuối tháng 12/1967 (Vũ Kỳ, Bác Hồ với Tết Mậu Thân
Năm Ấy, báo Văn Nghệ số Xuân, năm 1998).
Bốn ngày sau khi Chiến dịch
Mậu Thân bắt đầu, một trong những nhân vật quan trọng nhất của chiến dịch, Tướng
Nguyễn Văn Vịnh [4], bị vô hiệu hóa. Ông là Ủy viên Thường trực Tổng Quân ủy,
được cử vào Trung ương Cục trao đổi Kế hoạch Mậu Thân chỉ mười ngày sau khi Tướng
Nguyễn Chí Thanh mất.
Tướng Vịnh trở lại Hà Nội
vào đầu tháng 1/1968, và chính ông là người báo cáo tình hình chiến trường miền
Nam với Quân ủy và cũng là người trực tiếp soạn thảo Nghị quyết Trung ương 14.
Theo thư ký riêng của Tướng
Vịnh, ông Phạm Văn Hùng, thì chiều mồng 5 Tết Mậu Thân, ông Vịnh được Lê Đức Thọ
mời tới nhà riêng để gặp vào lúc 15 giờ. Cuộc gặp kéo dài tới chập tối nên ông
Hùng không thể chờ.
Sáng hôm sau khi ông Phạm
Văn Hùng quay lại nhà riêng và là nơi làm việc của Tướng Vịnh, 34 Cao Bá Quát,
thì được ông Vịnh cho biết, ông bị ngưng tất cả các chức vụ: ủy viên dự khuyết
Trung ương Đảng, ủy viên thường trực Quân ủy, thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Khoảng ba mươi nhân vật cao
cấp đã bị bắt, phần lớn là những người thân cận với Tướng Giáp như: Thiếu tướng
Đặng Kim Giang [5], Đại tá Lê Trọng Nghĩa, Đại tá Lê Minh Nghĩa, Đại tá Đỗ Đức
Kiên… Trừ một số người bị bức cung để phải khai ra “vai trò cầm đầu của Tướng
Giáp” lờ mờ nhận thấy mục tiêu chính trị của “vụ án”, phần đông cho đến tận cuối
đời không hiểu vì sao lại có vụ án này.
(Còn tiếp)
***
Chú thích:
[1] Lê Duẩn (1907–1986) là
Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ 1960 đến 1976, Tổng Bí thư
Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1976 đến 1986. Ông là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng
Cộng sản Việt Nam có tổng thời gian tại vị lâu nhất với 25 năm, 303 ngày. Từ
1960 cho đến khi qua đời năm 1986, ông có một ảnh hưởng chính trị rất lớn tại
miền Bắc và ở Việt Nam sau 1975. Ông cũng đã xác lập quyền uy tối thượng của
mình trong những năm tháng còn tại vị.
Lê Duẩn chính là người đã vạch
ra chiến lược cách mạng ở miền Nam với tác phẩm Đề cương cách mạng miền Nam. Từ
bản đề cương này, hàng loạt phong trào bạo động ở miền Nam nổ ra, dọn đường cho
quân đội Bắc Việt tấn công và đánh chiếm Sài Gòn vào năm 1975, kết thúc Chiến
tranh Việt Nam.
Lê Duẩn tên thật là Lê Văn
Nhuận, sinh ngày 7/4/1907, tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong,
tỉnh Quảng Trị. Sau đó ông theo gia đình về sinh sống tại làng Hậu Kiên, xã Triệu
Thành cùng huyện, ở bên kia dòng sông Thạch Hãn. Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê
Duẩn hiện nay được xây dựng tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành.
Pierre Asselin từng nhận xét
về Lê Duẩn: “Ông khao khát quyền lực tuyệt đối. Thông qua việc cô lập ông Hồ,
ông Giáp và các đồng minh của họ trong đảng, ông Lê Duẩn đã thiết lập một bộ
máy lãnh đạo ở Hà Nội không chỉ trung thành mà còn chung quyết tâm hoàn tất các
mục tiêu cách mạng”.
Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn
Quang Ngọc phủ nhận cách nhìn này, theo đó vai trò của Tướng Giáp bị làm lu mờ
bởi những thành viên Bộ Chính trị trong giai đoạn cuộc chiến tranh Việt Nam.
Ông cũng cho rằng không hề có một sự phân chia ê-kíp trong nội bộ Bộ Chính trị
lúc bấy giờ, mà theo đó Tướng Giáp được cho là thuộc phái "chủ hoà".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng
viết rằng: “Với tôi, những năm công tác trong Bộ Chính trị, Anh [Lê Duẩn] đã
thường xuyên trao đổi ý kiến, thường là nhanh chóng đi đến nhất trí trong những
vấn đề lớn; khi có ý kiến khác nhau thì tranh luận thẳng thắn, những điều chưa
nhất trí thì chờ thực tiễn kiểm nghiệm. Lúc mới ra Bắc, Anh thường tâm sự với
tôi những khó khăn trong công việc... Từ sau Đại hội III và Đại hội IV, tôi đã ba
lần đề nghị Anh là Tổng Bí thư kiêm luôn Bí thư Quân ủy Trung ương, nhưng Anh
nói: “Anh là Tổng chỉ huy lâu năm nên tiếp tục làm Bí thư Quân ủy Trung ương,
như vậy có lợi cho lãnh đạo”.
Hồ Chí Minh & Lê Duẩn
[2] Lê Đức Thọ (1911 – 1990)
là chính khách đã từng được trao tặng giải Nobel Hòa bình cùng Henry Kissinger
vào năm 1973 nhưng ông đã từ chối với lý do hòa bình chưa thực sự lập lại trên
đất nước Việt Nam. Cho đến này, đó là giải Nobel duy nhất dành cho người Việt.
Lê Đức Thọ tên thật là Phan
Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911, tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Cha là Phan Đình Quế, làm hương trưởng, chánh hương hội ở xã, từng được ban hàm
cửu phẩm. Hai vợ chồng ông Phan Đình Quế sinh được tám người con, trong đó có
ba người theo cộng sản: Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ), Phan Đình Dinh (Đinh Đức
Thiện), Phan Đình Đống (Mai Chí Thọ).
Năm 1948, ông vào miền Nam
làm Phó Bí thư, kiêm Trưởng ban Tổ chức Xứ ủy Nam Bộ cho tới khi Hiệp định
Genève được ký kết năm 1954. Sau khi tập kết ra Bắc năm 1955, ông được bầu vào
Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam (sau đổi là Đảng Cộng sản Việt Nam) và đắc
cử.
Đầu năm 1968, ông trở lại miền
Nam làm Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam một thời gian ngắn. Đến tháng 5 cùng
năm, ông làm cố vấn đặc biệt cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị
Paris, bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Từ tháng 3/1983, ông là Bí
thư phụ trách Tư tưởng, Nội chính và Ngoại giao. Năm 1983, ông được cử làm Chủ
tịch Uỷ ban Quốc phòng. Năm 1986, ông là Trưởng Tiểu Ban Nhân sự Đại hội VI. Từ
tháng 12 năm 1986, ông là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Lê Đức Thọ & Henry
Kissinger
[3] Năm 1948, với tư cách là
ủy viên Thường vụ Trung ương, Lê Đức Thọ được cử vào Nam, nơi ông Lê Duẩn đang
là bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Trong một hội nghị do Xứ ủy tổ chức vào năm 1949, Lê Đức
Thọ đã xuất hiện như một cấp trên, chỉ trích Xứ ủy Nam Bộ bằng những lời lẽ nặng
nề. Khi mới vào Nam, ông Lê Đức Thọ là cấp trên và ông cũng có ý định thay thế
Lê Duẩn giữ chức bí thư Xứ ủy. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ sau đó đã chủ động xin
ở lại làm phó cho Lê Duẩn.
[4] Nguyễn Văn Vịnh
(1918-1978) đã từng là Trưởng phái đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy
ban Quốc tế thi hành hiệp định Geneve tại Sài Gòn, Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ -
Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương, Ủy viên Dự
khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III.
Giữa năm 1967, ông được
Trung ương cử bí mật vào Nam, thay tướng Nguyễn Chí Thanh vừa mất trước đó 10
ngày, để phổ biến kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân. Năm 1969, do liên can đến việc
bảo vệ một số người trong Vụ án Xét lại Chống Đảng, ông bị kỷ luật và buộc thôi
giữ các chức vụ, bị hạ quân hàm xuống Thiếu tướng. Ngày 27/1/1972, Ban Chấp
hành Trung ương mới ra nghị quyết tước quân hàm trung tướng của ông Nguyễn Văn
Vịnh.
Ngày 13/10/1977, sau khi phục
hồi đảng tịch và giữ quân hàm thiếu tướng cho Tướng Vịnh, Quyết định số 255 do
chính Lê Đức Thọ ký, viết: “Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh biết Đặng Kim Giang là phần
tử xấu có quan điểm chống lại Nghị quyết 9 của Đảng vẫn quan hệ trao đổi một số
quan điểm sai trái về đường lối chống Mỹ, tiết lộ những tin tức cơ mật về quân
sự, chính trị với Giang. Giang đã sử dụng những tin ấy để hoạt động chống Đảng
và cung cấp cho người nước ngoài. Nhưng tác hại không lớn. Đồng chí Vịnh không
có quan hệ về tổ chức và hành động với nhóm chống Đảng của Đặng Kim Giang và
không biết Giang hoạt động chống Đảng có tổ chức như sai lầm của 3 ủy viên
Trung ương: Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Bùi Công Trừng”.
[5] Đặng Kim Giang
(1910-1983) là một trong bốn chỉ huy quan trọng nhất của chiến dịch Điện Biên
Phủ năm 1954, với vai trò chủ nhiệm cung cấp của mặt trận, ông đã đảm bảo cung
cấp mỗi ngày năm mươi tấn gạo cho chiến dịch. Năm 1958, ông được phong quân hàm
thiếu tướng. Năm 1962, ông ra làm thứ trưởng Bộ Nông trường.
Năm 1967, ông là một trong
những nhân vật chính trong Vụ án Xét lại Chống Đảng. Ông bị chính quyền Việt
Nam Dân chủ Cộng hoà bí mật bắt giam 7 năm tại nhà tù Hỏa Lò Hà Nội và quản
thúc 7 năm sau đó tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc (nay là huyện
Tiên Du tỉnh Bắc Ninh).
Năm 1980 ông trở về Hà Nội,
sống trong ngôi nhà cũ rộng 14 mét vuông tại số 30 ngõ Chùa Liên Phái thuộc quận
Hai Bà Trưng. Mười người, vợ chồng, con cái, cháu nội, cháu ngoại sống trong
ngôi nhà đó hơn 10 năm trời. Ông mất ngày 16/5/1983. An táng tại Nghĩa trang
Văn Điển, Hà Nội.
***
Nhãn: Bên thắng cuộc, Nhân vật,
Sách / Truyện, Thời xuống lỗ
4 nhận xét:
backy5412:39 10 tháng 2,
2013
Không thấy đề cập đến một vị
tướng cuả miền Bắc sa vào mỹ nhân kế bị Mỹ bắt cầm tù.
Anh Chính có tài liệu về ông
này không?
Trả lời
Nặc danh06:40 14 tháng 2,
2013
học trường Albert Sarraut,
nhận bằng cử nhân luật năm 1937 (Licence en Droit). ALbert Sarraut chi la
Lycée, dau phai la université.
Trả lời
Nặc danh12:14 29 tháng 3,
2013
Cảm ơn vì đc đọc những thông
tin bổ ích.
Trả lời
Nặc danh06:47 16 tháng 1,
2015
Bài viết phần đầu về lịch sử
không theo dòng chảy thời gian, tuy nhiên cũng khá mạch lạc. Cám ơn anh đã chia
sẻ
Trả lời
No comments:
Post a Comment