Bích chương tuyên truyền & cổ động (2/2)
Thời Xã hội Chủ nghĩa
(Tiếp theo)
Đảng Cộng sản Việt Nam có một
hệ thống rất lớn từ trung ương tới địa phương để tuyên truyền, tất cả đều đặt
dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương. Tuyên truyền ở miền Bắc dưới thời
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1954 – 1975) mang tính một chiều nhằm cổ động tư tưởng
chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác, bộ máy tuyên truyền chống lại
các tiếng nói đối nghịch, phê phán Đảng Cộng sản hoặc cái gọi là “thế lực phản
động”.
Một trong những bức ảnh thuộc
lại xưa nhất nói về công tác tuyên truyền của miền Bắc được chụp ngày
13/2/1968. Cô công nhân Nguyễn Thị Liên đang đọc báo Nhân Dân trong khi các
công nhân khác đang làm việc tại nhà máy Dệt kim Hà Nội. Người ta thấy chiếc
loa được làm bằng giấy bồi để phục vụ công tác tuyên truyền.
Công tác tuyên truyền sơ
khai tại Hà Nội năm 1968
Để có được nguồn nhân lực và
vật lực phục vụ cuộc chiến tranh vừa qua, ngoài sự chi viện của Liên Xô và
Trung Quốc, nhà nước VNDCCH còn huy động nhân dân miền Bắc hy sinh tất cả cho
“miền Nam ruột thịt”. Sự hy sinh và cũng là nhiệm vụ đó được thể hiện qua bức
tranh cổ động được chia thành 2 mảng: phía trước là hoạt động nông nghiệp, phía
sau là hình ảnh một đội quân. Trên cùng là một câu lục bát:
“Thóc không thiếu một cân
Quân không thiếu một người”
Tranh cổ động thời chiến
tranh
Một số bích chương tuyên
truyền về xã hội cũng có thơ lục bát, chẳng hạn như bức tranh cổ động mang tựa
đề Tăng gia sản xuất:
“Lúa tốt, lợn béo, gà đàn
Góp phần xây dựng, xóm làng ấm
no”
Bức tranh mang dáng dấp của
loại tranh Đông Hồ (1) với hình ảnh lợn, gà thường thấy trong loại tranh dân
gian này.
Tăng gia sản xuất
Bức tranh thứ 2 có tên Tấc đất
tấc vàng với lời ca tụng “Bộ đội đến đâu, tăng gia đến đấy” nhằm tuyên truyền
cho hình ảnh người lính miền Bắc, không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ quê hương mà
còn… tăng gia sản xuất.
Tấc đất tấc vàng
Cuộc chiến trở nên ác liệt
vào năm 1972 khi không lực Hoa Kỳ bắt đầu oanh tạc miền Bắc để buộc Hà Nội phải
đi đến hòa đàm tại Paris. Đây cũng là lúc tranh cổ động xuất hiện nhiều tại miền
Bắc để tuyên truyền, xốc lại tinh thần của người dân trước những cuộc oanh kích
ngay tại thủ đô.
Trong các bích chương dưới
đây người ta thấy xuất hiện những khẩu hiệu như “Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi”
và “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”. Ở bức tranh thứ nhất, tiền cảnh là “giặc
lái” Mỹ bị nữ dân quân bắt sống tại miền Bắc và hậu cảnh là đôi nam nữ quân giải
phóng miền Nam.
Người Hà Nội với những bức
tranh cổ động năm 1972
Ngoài các loại vũ khí phòng
không như “tên lửa” SAM-2 do Liên Xô cung cấp, Hà Nội còn tung ra chiến dịch
tuyên truyền cho mặt trận “Điện Biên Phủ trên không” kéo dài 12 ngày đêm vào cuối
tháng 12/1972. Bức tranh cổ động dưới đây là hình ảnh người nữ dân quân phòng
không với khẩu hiệu Giữ lấy trời xanh của ta:
Giữ lấy trời xanh của ta
Theo vtc.vn, (http://vtc.vn/2-359385/xa-hoi/ten-lua-sam-2-noi-khiep-dam-cua-than-tuong-hoa-ky.htm),
trong chiến dịch phòng không, 14 tiểu đoàn tên lửa SAM-2 bảo vệ Hà Nội và Hải
Phòng đã bắn rơi 27 máy bay B-52. Tuy nhiên, Hoa Kỳ chỉ thừa nhận mất 25 chiếc
B-52 trong toàn bộ cuộc chiến, trong đó có 15 chiếc bị SAM-2 bắn rơi trong Chiến
dịch Linebacker II.
Bích chương dưới đây cho thấy
miền Bắc khi đó đã đạt được trình độ vẽ tranh tuyên truyền khá cao và cách đặt
tiêu đề cũng rất khéo: Bay cao bay thấp đều không thoát. Chỉ tiếc một điều, kiểu
chữ thể hiện tiêu đề quá đơn giản, thiếu tính nghệ thuật và không thuyết phục
người xem.
“Bay cao bay thấp đều không
thoát”
Sáng tác bích chương cũng
còn nhiều vấn đề cần bàn cãi. Trường hợp bức Pháp luật Bảo hộ Lao động, nếu
tinh ý nhận xét, người ta thấy ngay bức tranh được vẽ theo phong cách “Mao Tuyển”
(2) tại Trung hoa Lục địa với trang phục và khuôn mặt của các nhân vật… Tầu!
Pháp luật Bảo hộ Lao động
Điều này cũng dễ hiểu vì
VNDCCH vào thời kỳ này gắn bó với Trung Quốc, người láng giềng tốt trong giai
đoạn 1954-1975. Chúng tôi đã tìm được nguyên bản bức tranh cổ động “Mao Tuyển”
của Trung Quốc ra đời trước bức Pháp luật Bảo hộ Lao động của VNDCCH:
Tranh cổ động “Mao Tuyển” của
Trung Quốc
Sau này, bức tranh Pháp luật
Bảo hộ lại xuất hiện trước Ủy ban Nhân dân quận Ninh kiều, thành phố Cần Thơ do
kỹ sư Nguyễn Đình Đông (Dongblog) chụp được năm 2010. Theo blog Quê Choa của
nhà văn Nguyễn Quang Lập, sau khi tấm hình dưới đây được đưa lên vào buổi sáng
thì đến chiều tối ngày 27/3/2010 tấm pano đã được gỡ bỏ. Như vậy là bức tranh
Pháp luật Bảo hộ có một cuộc hành trình khá kỳ thú: vượt lãnh thổ quốc gia và
vượt cả thời gian…
Bích chương “Pháp luật Bảo hộ”
xuất hiện tại Cần Thơ năm 2010
Những trường hợp tương tự
như bức tranh Pháp luật Bảo hộ không phải là hiếm. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày
thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 20 năm ngày hội Quốc phòng Toàn dân, một
tấm bích chương có hình ảnh “người lính Cụ Hồ” diễu hành dưới lá cờ đỏ sao
vàng. Tranh được dựng tại nhiều nơi vào cuối năm 2009.
Dân cư mạng xôn xao bàn tán:
người lính Việt Nam có khuôn mặt rất… Tầu. Ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở
Văn hóa Thông tin TP HCM, nói đó là do sơ suất của đội ngũ làm tranh cổ động!
Lính Việt Nam hay lính Trung
Quốc?
Tưởng cũng cần nhắc lại vào
năm 1979 đã xảy ra cuộc chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc. Guồng máy tuyên truyền
của nhà nước đã kịp thời cho đặt nhiều panô chống “bá quyền Trung Quốc” tại nhiều
nơi trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Ngôn từ trong tranh chống Trung Quốc rất quyết
liệt.
Chẳng hạn như bích chương dưới
đây. Sau khi dẫn lời Hồ Chủ Tịch “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì
ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”, bức tranh đưa ra những lời lẽ đanh
thép: “Trừng trị đích đáng bọn phản động Trung Quốc xâm lược”.
Bích chương chống Trung Quốc
năm 1979
Tại Sài Gòn, ngay trước Nhà
hát Thành phố, có một bích chương cổ động cho cuộc triển lãm mang tên “Chiến thắng
quân Trung Quốc xâm lược”. Những hình ảnh này thuộc loại “nhân chứng lịch sử”,
ghi lại những thăng trầm trong suốt một giai đoạn dài của đất nước.
Bích chương triển lãm “Chiến
thắng quân Trung Quốc xâm lược”
trước Nhà hát Thành phố
Xem ra việc nghiên cứu các
bích chương qua nhiều thời kỳ của nhiều chế độ chính trị khác nhau cũng là một
hình thức rút ra những bài học lịch sử cho người đời nay và cả những đời
sau.
***
Chú thích:
(1) Tranh Đông Hồ: tên đầy đủ
là Tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất
xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Làng tranh
Đông Hồ xưa là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, cách Hà Nội chừng trên 35
km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam
sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ.
Trước kia tranh được bán ra
chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán
trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Thơ Tú Xương về tranh Đông Hồ
ngày Tết có câu:
“Đì đoẹt ngoài sân tràng
pháo chuột
Loẹt lòe trên vách bức tranh
gà”
Tranh Đông Hồ
(2) Mao Tuyển (Tuyển tập Mao
Trạch Đông): Trước ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một số bài
viết, bài nói của Chủ tịch Mao Trạch Đông đã được in thành những cuốn sách nhỏ
lưu hành trong vùng giải phóng. Tuy vậy phải đến sau ngày 1/10/1949, khi “Uỷ
ban xuất bản tuyển tập Mao Trạch Đông của Tung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc”
được thành lập thì sự xuất hiện của loại sách này mới đều đặn và với qui mô
ngày một lớn hơn.
Tháng 10/1951, tập I của Tuyển
tập ra mắt, tiếp đó là tháng 4/1952 ra mắt tập II, tháng 4/1953 ra mắt tập III
và tháng 10/1960 ra mắt tập IV và phải đợi đến sau khi Mao Trạch Đông chết, tập
V mới ra mắt vào cuối năm 1976.
Tuyển tập Mao Trạch Đông
No comments:
Post a Comment