Góp nhặt buồn vui thời điêu linh (5/7)
Kinh tế mới
Kinh tế mới là thuật ngữ đã
được sử dụng tại nhiều nước vào các thời kỳ kinh tế khác nhau. Tại Liên Xô,
trong giai đoạn từ 1921 đến 1929, có Novaya Ekonomicheskaya Politika (Chính
sách kinh tế mới). Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, thời kỳ 1933-1936, Tổng thống
Franklin D. Roosevelt đã đưa ra một loạt chương trình nhằm phục hồi nền kinh tế
trong nước sau thời kỳ Đại khủng hoảng (Great Depression). Chính sách này được
biết đến qua thật ngữ New Deal, cũng được xếp vào loại Chính sách kinh tế mới.
Tại châu Á, Malaysia thực hiện
Chính sách kinh tế mới (Dasar Ekonomi Baru – New Economic Policy (NEP) của Thủ
tướng Tun Abdul Razak trong thời gian từ năm 1971 đến 1990. Sang đến Việt Nam,
thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng đã có chính sách kinh tế mới và sau
này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng thực hiện chính sách này từ năm 1977 đến
1984.
Chính sách kinh tế mới được
thực hiện trong thời VNCH
Tên gọi Kinh tế mới chỉ là một
nhưng mục đích và cách thực hiện lại khác hẳn nhau tại mỗi quốc gia. Trong phạm
vi bài viết này, chúng tôi chỉ khảo sát đến chính sách kinh tế mới trên toàn quốc
Việt Nam, đồng thời phân tích những ưu và khuyết điểm trong việc thực hiện
chính sách này.
Về lý thuyết, xây dựng các
vùng kinh tế mới là một chính sách của nhà nước nhằm tổ chức, phân bố lại lao động
và dân cư trên khắp lãnh thổ. Qua đó, nhà nước chuyển một khối lượng lớn dân cư
từ các vùng đồng bằng và thành phố (nơi có mức sống tương đối cao) tới các vùng
trung du, miền núi, biên giới, hải đảo (thường được gọi là vùng ‘khỉ ho, cò
gáy’).
Chính sách này được thực hiện
tại miền Bắc từ năm 1961 và sau đó được áp dụng trên phạm vi toàn lãnh thổ từ
sau ngày 30/4/1975 cho đến năm 1998. Theo thống kê chính thức, trong suốt 27
năm, Việt Nam đã di chuyển có tổ chức được 1,3 triệu hộ, trong đó di cư trong nội
bộ tỉnh là 702.761 hộ với 3,3 triệu người, từ tỉnh này sang tỉnh khác là
665.930 hộ với 2,8 triệu người.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ III của Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết đại hội về các nhiệm vụ của kế
hoạch kinh tế 5 năm lần thứ nhất, trong đó có đoạn viết: “Phải phân bố hợp lý sức
sản xuất ở đồng bằng, trung du và miền núi, điều chỉnh sức người giữa các vùng,
quy hoạch từng bước các vùng kinh tế, thực hiện sự phân công phối hợp giữa các
vùng kinh tế với nhau”.
Chủ trương này của Đảng Lao
động Việt Nam được thực hiện bằng việc tổ chức di dân từ các địa phương vùng đồng
bằng sông Hồng lên sinh sống và sản xuất tại các vùng núi và trung du phía Bắc.
Mục đích chính là để ‘giãn dân’ nhưng cũng không loại trừ đây là biện pháp nhằm
‘lưu đầy’ những thành phần tiểu tư sản, kẻ thù của chế độ.
Sau 1975 là các chương trình
di chuyển lao động và di dân từ các tỉnh đồng bằng phía Bắc tới Tây Nguyên (đặc
biệt là Đắc Lắc, Lâm Đồng) và tới miền Đông Nam Bộ (đặc biệt là Bà Rịa-Vũng
Tàu, Đồng Nai) theo các chuyến tầu Bắc-Nam.
Nổi bật hơn cả là cuộc di
dân từ Sài Gòn về các địa phương nông thôn ở miền đông và tây Nam Bộ theo các
chuyến xe đò. Người dân Sài Gòn được cấp tiền vé xe và trang bị cho mỗi lao động
hai công cụ sản xuất thích hợp, thường là cuốc và xẻng, để tự túc làm kinh tế
gia đình. Mỗi hộ được mang theo tối đa 800 kg hành lý. Nếu điểm đến ở xa Sài
Gòn thì mỗi ngày phụ cấp thêm 1 đồng tiền ăn dọc đường cho mỗi người.
Cảnh xuống xe đò khi đến
vùng kinh tế mới
Trên nguyên tắc, khi đến
vùng kinh tế mới, mỗi hộ gia đình được cấp từ 700 đến 900 đồng để dựng nhà, 100
đồng để đào giếng, 100 đồng mua ghe thuyền (nếu ở vùng sông rạch). Ngoài ra,
còn được trợ cấp 1 đồng mỗi ngày nếu đau ốm, không thể lao động được; 50 xu mỗi
ngày tiền thuốc khi bệnh và 150 đồng để mai táng nếu chết.
Với chế độ tem phiếu thời
bao cấp, người lao động trong hợp tác xã tại vùng kinh tế mới được phép mua 18
kg gạo/tháng theo giá chính thức, người lao động phụ 16 kg và người không lao động
9kg.
Theo lệnh ngày 19/5/1976,
chính phủ đề ra năm hạng dân thành thị phải chuyển ra vùng kinh tế mới: (1) Dân
thất nghiệp; (2) Dân cư ngụ bất hợp pháp; (3) Dân cư ngụ trong những khu vực
dành riêng cho công chức và quân nhân chính quyền cũ; (4) Tiểu thương, tiểu địa
chủ, đại thương gia và (5) Người gốc Hoa và những người theo đạo Công giáo.
Kế hoạch 5 năm Chỉ tiêu Thực hiện Trung bình mỗi năm
1976-1980 4 triệu người 1,5 triệu người 304.120 người
1981-1985 1 triệu người 1,3 triệu người 251.460 người
1986-1990 1,6 triệu người 1,1 triệu người 228.520 người
1991-1995 1 triệu người 0,9 triệu người 180.400 người
1996-2000 1 triệu người 0,2 triệu người 105.350 người
Tổng cộng 8,6 triệu người 5 triệu người 239.700 người
Khảo sát những con số thống
kê nêu trên, ta có thể thấy cao điểm của chiến dịch di dân đi vùng kinh tế mới
là kế hoạch 5 năm đầu tiên (1976-1980), nhưng việc thực hiện chỉ đạt 37,5% chỉ
tiêu. Toàn bộ kế hoạch 1976-2000 đạt 58% so với chỉ tiêu đề ra (kế hoạch di dân
8,6 triệu người nhưng chỉ thực hiện được với 5 triệu người).
Riêng tại Sài Gòn, chỉ tiêu
đặt ra là phải đưa đi vùng kinh tế mới 1,2 triệu dân. Cụ thể hơn, 5 thành phần
nói trên sẽ ‘không vượt quá 10% tổng số nguyên thủy’, nghĩa là chỉ còn 120.000
người thuộc nhóm này được ở lại Sài Gòn.
Ngoài lý do kinh tế, việc di
dân ra vùng kinh tế mới còn có chủ ý chính trị để giảm số người thuộc chính quyền
Sài Gòn cũ tập trung ở những đô thị, nhất là vùng Sài Gòn. Rõ ràng đây là một vấn
đề thuộc phạm vi ‘an ninh chính trị’ nhằm loại trừ những phần tử phản động, chống
đối.
Phương pháp cưỡng bức dân
thành thị đi kinh tế mới bao gồm việc thu hồi hộ khẩu, rút sổ mua gạo và các
nhu yếu phẩm, cộng thêm việc gây khó khăn trong học tập của con em họ tại các
trường trong thành phố. Với những biện pháp này, nhiều gia đình vì ‘yếu bóng
vía’ đã phải miễn cưỡng di chuyển ra vùng nông thôn nhưng cũng có những gia
đình ‘ở lỳ’ tại Sài Gòn dù họ đã bị thu hết giấy tờ và sống ‘bên lề’ hệ thống
cung cấp lương thực của nhà nước.
Đối với thành phần tư sản,
việc đi vùng kinh tế mới là kịch bản nối tiếp của chiến dịch cải tạo công
thương nghiệp hay còn gọi là Đánh Tư Sản. Các gia đình tư sản sau khi bị kiểm
kê và tịch thu tài sản thường nhận được lệnh rời khỏi thành phố để đi xây dựng
vùng kinh tế mới. Theo chính quyền, đây là lối thoát duy nhất để ‘đổi đời’ từ
giai cấp tư sản sang giai cấp lao động.
Có những gia đình sau khi
lên xe đi khỏi Sài Gòn chỉ ít lâu sau lại bỏ về thành phố. Nhà cửa không còn, họ
tá túc tại nhà bà con hoặc thậm chí tại các mái hiên, gầm cầu trong tình trạng
không hộ khẩu, nhà cửa cũng không. Nhiều người nghĩ rằng thà lang thang trong
thành phố để kiếm ăn còn hơn sống tại những vùng đất hoang vu không một bóng
người.
Căn nhà vắng chủ tại vùng
kinh tế mới
Gia đình tư sản thì gom góp
của cải còn dấu được sau đợt cải tạo công thương nghiệp để tìm những ‘đường
dây’ vượt biên ra nước ngoài. Họ chấp nhận rủi ro trên bước đường đào thoát với
hy vọng mong manh đến được bến bờ tự do để làm lại cuộc đời. Chính sách đánh tư
sản và đuổi họ ra vùng kinh tế mới đã dồn người dân đến bước đường cùng là ‘vượt
biên’ dù những hiểm nguy đang chờ đón.
Đối với gia đình có người đi
học tập cải tạo, tình hình còn bi đát hơn. Họ liên tục ‘được’ công an khu vực,
tổ dân phố và cơ quan hành chính cấp phường ‘động viên’ đi vùng kinh tế mới. Có
những nơi còn quả quyết, nếu gia đình đi kinh tế mới, chồng, cha, con, em họ
đang học tập trong trại cải tạo sẽ có cơ hội được về xum họp với gia đình sớm.
Thực tế cho thấy, việc gia
đình đi vùng kinh tế mới và việc được ra khỏi trại học tập cải tạo hoàn toàn
không liên quan đến nhau. Đi kinh tế mới nằm trong kế hoạch quản lý hành chính
bằng việc ‘giãn dân’ trong khi đi học tập nằm trong chủ trương chính trị nhằm cải
tạo những thành phần ‘ngụy quân, ngụy quyền’. Thế nhưng, nhiều gia đình đã
‘ngây thơ’ tin tưởng vào việc đi kinh tế mới để người thân chóng về từ trại cải
tạo.
Bồng bế con đi vùng kinh tế
mới
Dưới đây là tâm sự của một bạn
trẻ có cha là người đi học tập cải tạo trở về cùng gia đình, họ ‘tái định cư’ tại
một vùng kinh tế mới:
“Nắng và bụi trên suốt đoạn
đường từ Sài Gòn tới Tây Ninh nhưng tôi thấy trong lòng lâng lâng hạnh phúc vì
sau bao năm ly tán, từ đây tôi được gần ba, gần má. Ngồi sau lưng ba trên chiếc
Honda 67, tôi nhìn quang cảnh hai bên đường, nhìn màu lá cây vàng quạch vì nắng
vì bụi mà trông cho mau tới nơi và nhẩm tính số kílômét còn lại khi xe lướt qua
những cột mốc…
“Càng đi, đường càng xa hun
hút chỉ thấy có rừng. Lâu lâu phải xuống xe dắt bộ trên những cây cầu bắc cheo
leo qua các con suối sâu nước cuồn cuộn chảy (nói dại chẳng may mà lọt xuống là
nước cuốn trôi mất tiêu cái xác). Chạng vạng tối mới về được tới lô nhà tranh
mà người ta cấp cho ba ở trong thời gian quản chế…
“Để được cấp một căn nhà như
vậy cần phải hội đủ số nhân khẩu cho nên ba được phép về Sài Gòn đón tôi lên
cho đủ tiêu chuẩn nhận nhà. Thời gian qua phải ở chung với gia đình chú Bảy, ba
thấy chật chội và bất tiện.
Nhà tranh vách đất tại vùng
kinh tế mới
Và đây là vùng kinh tế mới
dưới mắt cô bé ngây thơ:
“Phải mất nhiều đêm tôi mới
quen được với tiếng bom đạn nổ đì đùng lúc xa, lúc gần. Đó là tiếng nổ phát ra
từ những kho vũ khí ngày xưa. Mấy con chồn đi ăn đêm nhái tiếng gà để bắt mồi,
thoắt nghe vách bên này nó lại luồn qua vách bên kia làm lũ gà con sợ kêu líu
ríu. Buổi sáng tinh sương thức dậy thấy yên lành hơn nhờ có ánh sáng mặt trời
dù đâu đâu cũng nhìn thấy cây cối bị đốn hạ xuống, đốt cháy xém như than, chất
đống chờ mấy đội thanh niên xung phong tới chở đi. Đó đây dấu bánh xe tải cày xới
mặt đường mà mưa xuống tạo thành vô số vũng lầy lớn nhỏ.
“Hằng ngày tôi phụ với thím
Bảy nấu cơm nước cho ba với chú Bảy đi lợp nhà. Thời gian còn lại tập chẻ lạt,
đánh tranh. Tre thì sắc, tranh thì xót, nhưng được cái ham làm nên quên. Chiều
chiều, sau khi đi làm về ba thường hái trái rừng cho tôi. Có bữa cả ôm nhánh
trái ‘sai’ (*) chi chít trái. Thứ sai rừng chát ngầm (nuốt hoài không xuống cổ)
nhưng tôi thích màu vỏ nhung đen thẫm, bóng mượt và hạnh phúc cảm nhận tình
thương mà ba dành cho đứa con gái còi cọc, tóc quăn khét mùi nắng.
“Lâu lâu hết mối cho gà ăn
tôi theo ba vô rừng tìm ụ mới. Hễ bước tới đâu là phải phạt cây hai bên cho ngã
rạp xuống để còn biết lối ra. Thấy ụ mối nào non ba lấy rựa chặt một nhánh chảng
ba chỏng ngược xuống đóng vô làm móc để quảy về, tiện thể dọc đường róc thêm
vài bó tre về chẻ lạt... Mối lần vậy là tôi có dịp ăn sấu rừng. Thứ trái hột bự
bằng ngón tay cái, ngọt ngọt chua chua mà ở thị thành không dễ gì có được.
“Có lúc tôi cũng thay ba đi
lãnh gạo. Gạo được lãnh mọt ăn trước người nên hột nào cũng rỗng ruột, nhẹ hều.
Nấu một nồi cơm phải dằn độn thêm hai ba lớp. Vậy mà ăn bữa cơm nào cũng thấy
ngon dù đôi khi chỉ là măng le kho với mấy cục bột nêm (cũng được lãnh) có mùi
ngai ngái mà lần đầu tiên ăn vô là muốn ói (xin lỗi, có sao nói vậy).
“Ở đây cách thị trấn mấy chục
cây số nên không dễ gì tới chợ. Thỉnh thoảng cũng có người gánh tiêu, tỏi, đường,
bột ngọt, bí, bầu.. vô bán. Khi trở ra là cái gánh nhẹ tênh. Ba gởi thơ biểu má
sắp xếp công chuyện ở Sài Gòn xong thì lên liền, sẵn tiện chuẩn bị một mớ gia vị
gói sẵn từng gói lẻ để bày một quầy tạp hóa nho nhỏ trước nhà cho tôi bán.
“Tôi đợi hoài cái hôm má
lên. Nhìn từ xa, má mặc áo bà ba xám, đội nón lá, gánh theo đôi thúng nặng trĩu
vai (giống như bất kỳ hình ảnh nào của người phụ nữ đồng quê Việt Nam, tận tụy,
tảo tần và chung thủy). Buông gánh xuống, giở nón quạt quạt. Má cười đón hai
cha con. Sau bao năm gia đình ly tán, vất vả thăm chồng, nuôi con, trải bao biến
cố lớn nhỏ trong đời, nụ cười đó vẫn tươi tắn, lạc quan cho đến tận bây giờ. Là
con gái đầu lòng, tôi gần gũi, chứng kiến và hiểu má nhiều hơn ai hết.
“Nếu có thể viết như một người
cầm bút thì tôi tin rằng những câu chuyện của má sẽ là một quyển truyện dài với
vô vàn chi tiết sống thật hay mà tác giả khỏi cần phải nhọc công hư cấu. Ba má
tôi là người cùng quê. Tôi thường tủm tỉm cười khi nghe chuyện tình của Ba Má
mình: "Hồi đó má mầy ở quê, ba đi làm trên Sài Gòn, mỗi lần nghe Ngọc Cẩm-Nguyễn
Hữu Thiết hát ‘Em gái vườn quê’ là ba nhớ má mầy quá trời quá đất.
Một căn nhà tương đối tươm tất
tại vùng KTM
“Từ ngày có má lên, ba như
được tiếp sức. Má giỏi việc đồng áng, lại quen chịu vất vả. Sáng sáng má theo
ba phụ dựng nhà, lợp mái. Chiều chiều tôi đón ba má về ăn cơm. Tối tối gia đình
tôi ở gian trong, gia đình chú Bảy ở gian ngoài vọng ra, vọng vô trò chuyện.
Ba bàn với chú Bảy: ‘Thấy mấy
đứa nhỏ ăn uống kham khổ quá, sẵn có bả lên, tui với anh sắm gàu sòng đi tát hố
bom kiếm mớ cá về cho tụi nó ăn. Hổm nay đi làm ngang qua tui thấy cá nhảy lên
nhảy xuống đớp móng dữ lắm’. Chú bảy chưa kịp ừ hử gì thì đám con của chú đã
reo hò dậy giường dậy chiếu.
Trẻ thơ tại vùng kinh tế mới
“Coi vậy mà công việc chuẩn
bị phải mất mấy ngày mới xong. Ba, má với chú Bảy xếp đặt kế hoạch chu đáo lắm
vì nghe nói đâu cái hố bom chu vi rộng cỡ bằng hai, bằng ba căn nhà gộp lại, dự
trù tát ba ngày ba đêm mới cạn. Đâu đó xong xuôi, sáng sớm ba dẫn đầu hai gia
đình với gàu sòng, dây nhợ, cuốc, xẻng, đèn bão và một cái thùng đựng cá thiệt
bự ra ngoài chỗ hố bom.
“Tôi nhìn cái hồ rộng mênh
mông, nghi ngờ và hỏi thầm: ‘Có thiệt hôn đây? Ba má định tát cho nó cạn thiệt
hả?’. Nghĩ vậy thôi chứ tôi biết tánh ba đâu có bao giờ nói chơi. Có điều, dám
tát cạn cái hố bom nầy thì thiệt là quá sức tưởng tượng.
“Chú Bảy dặn thím Bảy ở nhà
nấu cơm, nấu nước. Tôi với đứa con gái lớn của chú Bảy lo tiếp tế. Hai đứa con
trai của chú thì canh để khai thông đường nước thoát. Hết ngày tới đêm. Dưới
ánh trăng và ngọn đèn bão, ba má với chú Bảy thay phiên nhau tát. Tiếng nước hắt
ra từ gàu sòng trong đêm khuya vắng nghe ầm ầm như tiếng thác.
“Mới có ba ngày hai đêm đã bắt
đầu thấy ló mặt bùn (người ta nói đâu có sai, đồng vợ đồng chồng, biển Đông tát
còn cạn, huống hồ gì là cái hố bom!). Ba, má với chú Bảy ngưng tát, bắt đầu nhảy
xuống mò cá. Đám con nít cũng nhào xuống bóp bùn. Lâu lâu mới nghe la lên: ‘Được
một con!’. Giở lên thấy con cá ‘bự’ cỡ hai ngón tay. Xà quần dưới lớp bùn hơn một
tiếng đồng hồ mà cá ở trong thùng chỉ vỏn vẹn cỡ… nửa ký.
“Thấy ba cứ tiếc nuối không
chịu lên, má giục: ‘Thôi mình đi về!’. Rồi hối tụi tôi trèo lên gom gàu, dây nhợ,
cuốc, xẻng kéo nhau về. Vừa mệt, vừa tiếc công, dọc đường ba rủa... mấy con cá:
‘Mẹ bà nó! Có mấy con mà cứ nhảy lên nhảy xuống làm tao tưởng nhiều!’.
Cô gái viết những đoạn văn
trên hiện sống cùng gia đình tại Hoa Kỳ. Xin chia vui cùng cô và gia đình đã
chuyển về một vùng kinh tế mới khác với thời thơ ấu ngày nào...
===
(*) Trái sai (hay còn gọi là
‘trái say’) có vỏ màu đen, mịn như nhung nên còn có tên là ‘trái nhung’, vị thì
chua chua ngọt ngọt, rất hợp với khẩu vị của phụ nữ, nhất là vào lứa tuổi ô
mai. Mùa trái say chín rộ kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 Âm lịch tại rừng núi
huyện K’Bang, Gia Lai nhưng cũng xuất hiện nhiều tại Phan Rang nên đã trở thành
đặc sản của vùng này dưới dạng tươi hay sấy khô.
Trái say
Hàng năm, rất nhiều những
người đi thu hoạch trái say trong rừng, tập trung tại Ka Nát. Họ dùng một cây
tre dài rồi đập lên cây (vì cây say có độ cao từ 3 đến 4 mét) để trái say rớt
xuống lược. Cây say rất sai trái nên có lẽ đó là lý do người ta gọi trái say là
‘sai’, cũng có người giải thích ‘sai’ chỉ là cách phát âm chữ ‘say’ của người
miền Nam. Mặc dù rất ngon và đắt tiền nhưng vì chưa trồng được nên nguồn trái
say vẫn dựa vào việc thu hái trong thiên nhiên. Giá trái say vào cuối vụ có thể
lên đến 100.000đ/kg.
***
4 Comments on Multiply
Ẩn danh wrote on July 9, ’11
Tôi đã được thấy chứng tích
của thời điêu linh này. Thành thật kính phục toàn dân Việt đã cố sống qua thời
kỳ "bao cấp" đầy khắc nghiệt đó.
penseedl wrote on Jul 9,
'11, edited on Jul 10, '11
Mong những bài viết của anh
đến với những người đi di tản trước ngày 30.4.75, cùng thế hệ trẻ sinh ra và lớn
lên ở trong và ngoài đất nước đọc được để biết đến thời gian khổ ải của người
dân miền Nam còn ở lại. Trái SAY hồi đó chị em Pensée hay gọi là trái
"Sa-Lông" - chắc do trên lớp vỏ có lớp lông mịn như nhung vậy, chỉ là
món quà ăn vặt của con gái còn nhỏ đúng như anh Chính đã viết.
klnmt wrote on Jul 8, '11
Câu chuyện là kỷ niệm của rất
nhiều người hay là cả vạn người miền Nam; một quãng đời không thể nào quên, anh
Chính ơi!
Cảm ơn anh rất nhiều! Thân mến!
nguoigiaonline wrote on Jul
8, '11
Thêm một entry hay, cảm ơn
anh Chính nhiều lắm.
No comments:
Post a Comment