Góp nhặt buồn vui thời điêu linh (6/7)
Cải tạo Công thương
nghiệp
Người ta thường nói đến chuyện
cải tạo ngụy quân-ngụy quyền sau ngày 30/4/75 nhưng ít người nhắc đến một hình
thức cải tạo không kém phần quan trọng trong thời điêu linh và có ảnh hưởng sâu
đậm đến đời sống kinh tế của người dân. Cuộc cải tạo này đã biến miền Nam đang
từ nền kinh tế tư bản sang nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và cái giá phải trả là
sự tụt hậu của cả đất nước.
Đó là chính sách Cải tạo
công thương nghiệp (CTCTN) hay còn được biết đến qua ngôn ngữ bình dân: Đánh tư
sản. CTCTN là con đường ngắn nhất được chính quyền mới dùng để quét sạch mọi
giai cấp - từ tư sản đến tiểu tư sản - để chỉ còn giai cấp nông dân và công
nhân trong chế độ xã hội chủ nghĩa.
Cửa hàng quốc doanh trên phố
Tràng Tiền, Hà Nội, tháng 3/1970
Tại miền Bắc, CTCTN đã được
thực hiện từ năm 1954, sau ngày tiếp quản Hà Nội. Chính xác hơn, cuộc cải tạo
được tiến hành sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II họp Hội nghị lần
thứ 16 mở rộng vào tháng 6/1959 và ra Nghị quyết về vấn đề hợp tác hoá nông
nghiệp và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội.
Nghị quyết khẳng định:
“Một
trong những nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa là xoá bỏ kinh tế tư bản tư
doanh, xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, xoá bỏ bóc
lột tư bản chủ nghĩa, xoá bỏ giai cấp tư sản”.
Với đường lối này, Nghị quyết khẳng
định, sẽ đưa xí nghiệp tư bản tư doanh từ hình thức thấp và vừa lên hình thức
cao của chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới hình thức công tư hợp doanh, chuyển chế
độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa sang chế độ sở hữu của Nhà nước.
Dựa trên quan hệ sản xuất mới
đó, giai cấp tư sản bị triệt tiêu và xã hội chỉ còn giai cấp vô sản. Tại miền Bắc
vào thời kỳ này, đại đa số các gia đình tư sản, tiểu tư sản không những bị tịch
thu tài sản mà còn phải đi tập trung cải tạo. Đến 1960, giai cấp tư sản đã bị
xóa bỏ tại 31 tỉnh và thành phố trên miền Bắc.
Xe bán hàng lưu động của mậu
dịch quốc doanh gần Khách sạn Thống Nhất, Hà
Nội, 1972
Trước 1975, Sài Gòn đã có một
cơ sở vật chất, kinh tế kỹ thuật lớn nhất miền Nam, ngang bằng với các nước
trong khu vực. Sài Gòn cũng là nơi tập trung hơn 80% năng lực sản xuất công
nghiệp cả miền Trung, miền Nam với hơn 38.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp lớn nhỏ, trong đó có khoảng 766 công ty và 8.548 cơ sở công nghiệp tư
nhân.
Sau 1975, chính quyền mới đã
quốc hữu hóa tư liệu sản xuất và, theo lối dùng chữ của họ, đưa công nhân lao động
lên làm chủ nhà máy, xí nghiệp. Trên website chính thức của TP. HCM ghi lại:
“CTCTN đã tịch thu tài sản của
171 nhà tư sản mại bản, 59 tư sản công thương nghiệp cỡ lớn để biến thành 400
xí nghiệp quốc doanh, 14.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thu hút 270.000 công
nhân và lao động, vận động hồi hương lập nghiệp và từng bước phân bố lại lao động”.
Chợ Bến Thành, tháng 7 năm
1975
Lúc bấy giờ, Ủy viên Bộ
Chính trị phụ trách phía Nam về công cuộc CTCTN là Nguyễn Văn Linh (bí danh Mười
Cúc). Trong một buổi gặp gỡ các nhà tư sản tại Sài Gòn, ông Linh đã từng nói:
“Các bạn đã đi với chúng tôi trong cách mạng dân tộc dân chủ nên gọi là tư sản
dân tộc, nay các bạn đi với chúng tôi lên thời kỳ quá độ lên XHCN, không biết gọi
các bạn là gì cho phù hợp?”.
Khái niệm mà các văn kiện
chính trị thường hay nhắc đến như một thành phần xã hội mang yếu tố phản động
trong cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng cộng sản lãnh đạo được gọi là tư sản
mại bản. Chỉ ở giai đoạn sau của lịch sử, đặc biệt là ở miền Nam sau 1975 mới
hình thành tầng lớp ‘mại bản’ ăn theo cuộc chiến tranh của Mỹ.
Những thành phần này bị cáo
buộc những tội ác với nhân dân đại khái như: (1) Buôn bán với đế quốc Mỹ và
chính quyền Ngụy; (2) làm giàu bằng cách nhập khẩu (nhập cảng); (3) phát hành
tài liệu đồi trụy, ru ngủ nhân dân; (4) nhập cảng súng đạn và nhu liệu quân sự
chống lại nhân dân; (5) đầu cơ tích trữ, tạo lũng đọan kinh tế của nhà nước; và
(6) ngoan cố dụ dỗ, đầu độc các cán bộ nhà nước làm ăn bất hợp pháp.
Trong năm 1977, chính quyền
dấy động cuộc tố cáo và truy nã các thành phần tư sản mại bản tại Sài Gòn và
các tỉnh miền Nam. Trong đó phần lớn là các thương gia người Việt gốc Hoa. Nhiều
gia đình bị lục soát, tài sản bị tịch thâu, có khi bị bắt dẫn ra ngoài đường
bêu xấu trước công chúng. Có một số gia đình làm ăn lương thiện nhưng tương đối
giàu có, bị hàng xóm ghen ghét tố bậy cho công an vào tra xét đủ điều. Đôi khi,
ngay cả những người ‘có công với cách mạng’ cũng bị tố cáo chỉ vì họ có tí của
cải.
Trên thực tế, đa số những
nhà tư sản lớn đã di tản ra nước ngoài, Sài Gòn chỉ còn các doanh nghiệp loại
‘cò con’ như các chủ nhà in, chủ xưởng thủ công, chủ cửa hàng, cửa hiệu... Những
người chủ này, kể cả những người làm nghề chuyên môn như chủ hiệu thuốc tây, bị
buộc phải kê khai tài sản, vốn liếng sau đó bị trưng thu, tịch thu hoặc trưng
mua. Họ bị bắt buộc bỏ nghề kinh doanh, chuyển qua sản xuất nông nghiệp và nhiều
người bị buộc rời khỏi thành phố. Nhiều cửa hàng nhỏ, vốn liếng chẳng có bao
nhiêu, một số tiệm ăn, tiệm cà phê... cũng bị niêm phong, định giá và chuyển
qua hình thức sản xuất quốc doanh hoặc hợp tác xã.
Sau một đêm thức dậy, người
dân Sài Gòn bỗng thấy thành phố vắng bóng hơn 1.000 nhà thuốc Tây ngày nào. Các
bác sĩ thì chỉ đợi tan giờ làm việc để về nhà nuôi heo, trồng rau cải thiện đời
sống. Một bác sĩ trẻ xin lập phòng khám ‘nửa tư nhân nửa nhà nước’ thì bị phê
phán là ‘con đỉa hút máu’. Sau này, cũng có những tư tưởng ‘cấp tiến’ trong giới
lãnh đạo, họ ‘bật đèn xanh’ với ý nghĩ cho rằng bác sĩ đi làm thêm giờ sau giờ
làm việc thì có lợi hơn việc bắt họ ở nhà nuôi heo!
Nhà thờ Đức Bà, tháng 7 năm
1975
Nguyên tắc hàng đầu của các
chiến dịch CTCTN là bí mật và bất ngờ được thể hiện qua các mã số chiến dịch
như X1, X2... Những tổ công tác được gấp rút thành lập, họ rà soát, lên danh
sách những hộ gia đình kinh doanh, những gia đình giàu có phải vào diện ‘cải tạo
tư sản’. Nạn nhân chỉ biết những gì xảy ra khi cửa nhà bị gõ và tổ công tác đặc
biệt bất ngờ xuất hiện, đọc quyết định ‘kê biên tài sản’.
Sau khi tài sản bị niêm
phong, gia đình sẽ nhận quyết định đi ‘xây dựng vùng kinh tế mới’. Nhà cửa bị tịch
thu sẽ trở thành tài sản của nhà nước, hoặc sẽ được biến thành cửa hàng quốc
doanh, thậm chí cũng có thể trở thành nhà ở cho cán bộ.
Nhà báo Đinh Phong là người
đã từng làm phóng viên tuyên truyền về cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc những
năm 1960 khi còn công tác ở báo Nhân Dân. Sau năm 1975, ông làm việc tại đài
truyền Sài Gòn và lại một lần nữa làm chứng nhân về cuộc CTCTN tại đây:
“Chúng tôi vác máy đi tuyên
truyền mà lòng trĩu nặng, ngơ ngác nhìn nhau hỏi tại sao lại như vậy? Có lần,
chúng tôi mang máy ra chợ Tạ Thu Thâu quay cảnh niêm phong tài sản một hộ kinh
doanh hàng điện tử. Chưa kịp ghi hình ảnh nào, ông chủ hộ kinh doanh bước ra gạt
máy, rồi chỉ vô mặt tôi bảo:
‘Chú về mà hỏi Huỳnh Văn Tiểng [Giám đốc đài truyền
hình lúc bấy giờ] xem ngày xưa tôi đã gửi linh kiện vô chiến khu lắp ráp đài
phát thanh như thế nào, hỏi coi thời chống Mỹ tôi đã giúp đỡ các ông những gì?
Bây giờ tôi buôn bán, có tội tình gì mà bay bắt tôi về làm ruộng hả?’.
Thời
gian sau, tôi có trở lại tìm ông chủ ấy nhưng không gặp, chỗ cũ đã trở thành một
cửa hàng quốc doanh”.
Nhà báo Đinh Phong
Vào thời ấy, Đài truyền hình
HTV có chương trình thời sự khoảng 30 phút, tập trung nhiều thời lượng để tuyên
truyền cho công cuộc cải tạo công thương nghiệp tại Sài Gòn. Phía sau chương
trình ấy, phóng viên truyền hình là những người đã trực tiếp chứng kiến những
giọt nước mắt, những cái nhìn ngạc nhiên, thảng thốt của người dân thành phố.
Khu Dân Sinh từng là một
trong những địa chỉ của công cuộc cải tạo công
thương nghiệp sau năm 1975
Bùi Quý, người đã từng làm
việc trong Ban liên lạc công thương TP.HCM từ năm 1975 đến 1990, kể lại:
“Tôi
được phân công tác về Ban liên lạc công thương, tham gia triển khai thực hiện
các chính sách của Nhà nước về cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Ngay
từ thời điểm đó, tôi đã thấy mặt trái của chính sách cải tạo của chúng ta.
Nó giết chết mọi động lực
phát triển, triệt tiêu sản xuất. Các doanh nghiệp tư nhân không tồn tại trong
thực tế, bởi họ phải hòa tan mình vào cái gọi là hợp tác xã, công tư hợp
doanh... Khổ nỗi, hợp doanh gì mà toàn bộ tài sản là của tư nhân, Nhà nước chỉ
có con người đưa ra để... quản lý, nắm luôn chức giám đốc. Mà họ là những người
chưa bao giờ làm kinh tế.
Tôi vẫn nhớ rõ sự cảm kích của
mình khi được nghe chỉ đạo của ông Năm Xuân (Mai Chí Thọ), chủ tịch UBND
TP.HCM, tại buổi báo cáo tình hình làm ăn của các xí nghiệp công tư hợp doanh
năm 1982-1983. Khi đó anh Năm Xuân đã nói thẳng rằng nếu gọi là hợp doanh thì
Nhà nước phải thực góp tài sản chứ không phải tất cả chỉ là của tư nhân, Nhà nước
chỉ có… con người. Mà những đồng chí này, ông Năm Xuân nói, ai cảm thấy mình
không phù hợp thì xin đi làm việc khác giùm cho”.
“Nhiệt liệt hoan nghênh chủ
trương bài trừ bọn tư sản mại bản lũng đoạn, đầu cơ tích trữ,
phá rối thị trường”
Trong Hồi ký của một thằng
hèn, nhạc sĩ Tô Hải, người đã từng mang trong người ‘nhiệt tình cách mạng’ của
thời kháng chiến chống Pháp, nhìn công cuộc CTCTN tại Sài Gòn dưới một góc độ
khác:
“Trước tình hình kinh tế
ngày càng khó khăn sau những chiến dịch cải tạo, những cuộc ‘tấn công quyết định
vào pháo đài Chợ Lớn mà chưa chế độ nào dám làm’ (chữ của ông Bảo Định Giang),
những cuộc tịch thu đóng cửa tiệm đồng loạt, những cuộc vây ráp chợ trời, đặc
biệt là hai cuộc đổi tiền (sự thật là thu hồi tiền mặt và chỉ trả lại cho mỗi
người một số tiền tối thiểu), Sài Gòn trở thành rỗng tuếch về bề mặt! Nhưng về
phần chìm, Sài Gòn vẫn là... Sài Gòn! Bên cạnh những ông chủ cũ với những két sắt
đầy vàng, đô-la, kim cương mà các cửa hiệu do con, cháu, người làm công đứng
tên bị đóng cửa, bị tịch thu, xuất hiện những ông chủ mới giàu lên một cách
nhanh chóng nhờ ‘hôi của lúc cháy nhà’.
Chính thời kỳ này đã giúp
cho hàng vạn tay cơ hội chiếm đoạt không biết bao nhiêu tài sản của các thứ ‘kẻ
thù cách mạng’ để biến thành của riêng, của con cháu, người quen. Ai có thể thống
kê được những gì các ‘đội cải tạo’ đã ‘tịch biên’ của hơn một triệu cửa hàng, gần
7.000 xí nghiệp to nhỏ của cái thành phố lớn nhất nước này? Và cũng chẳng lấy
gì làm lạ khi một ‘đạo diễn điện ảnh cách mạng’ bổng trở thành... chủ một cửa
hàng nhiếp ảnh to nhất Chợ Lớn.
Ngay một nhà máy đã quốc hữu
hóa, sau này người ta vẫn có thể úm ba la ‘hô biến’ để nó trở thành nhà máy...
tư nhân, cho vợ đứng tên, như trường hợp nhà máy mì ăn liền Miliket. Một ông bí
thư quận bỗng thành chủ nhân của 5 ngôi nhà cao tầng — tất nhiên ông không dại
gì mà đứng tên. Và những cán bộ ‘cải tạo tư bản’, ‘cải tạo công thương nghiệp’
sau khi kê khai qua quít số hàng, số tiền, số vàng... trong két các khổ chủ rồi
‘quên’ nạp cho ban cải tạo bảng kê khai để sau này thành những nhà tư bản mới.
Chính Tô Hải cũng đã tham
gia đồng thời chứng kiến những chiến dịch tịch thu, tiếp quản, đổi chủ. Theo
ông, đây là cơ hội không chỉ bằng vàng, mà bằng... kim cương cho kẻ đã có kinh
nghiệm hoặc đã bỏ lỡ việc kiếm chác từ những ngày đầu tiếp quản vì máu cách mạng
lúc ấy chưa chuyển từ đỏ sang đen!
“Có nhiều người hôm trước
còn là người hiền lành tử tế, hôm sau đã trở thành tên cướp hung bạo khi khảo của
khổ chủ. Có người chưa kịp phét lác thì khổ chủ đã tất tưởi đem nộp cả hộp bích
quy kim cương chỉ để xin ông cán bộ báo cáo giùm lên trên rằng “nhà này không
có gì”... Những chuyện cười ra nước mắt như thế nhiều lắm, kể không xiết. Chả
thế mà đã có bao ‘nhà cách mạng’ năm xưa nay làm chủ cả mấy ngôi nhà (hồi ấy gọi
là ‘phân phối’), chưa kể tiền vàng, tiêu mấy đời không hết.
Số phận các ‘nhà cách mạng’
sau cuộc đại vơ vét này không giống nhau. Những kẻ lõi đời đóng vai củ mỉ cù mì
cho đến khi đủ tuổi về hưu non, ‘hạ cánh an toàn’, yên hưởng hạnh phúc bên vợ
con và... hàng tá bồ nhí. Ngay giới văn nghệ cũng có những ‘nhà’ nọ, ‘nhà’ kia
đang say mê sáng tác bỗng tự nguyện bỏ nghề để rồi chính mình hoặc con cái trở
thành những ‘đại gia’ sau này”.
Khẩu hiệu trong một nhà máy
miền Bắc thời chiến tranh:
“Miền Nam còn đổ máu, Ngày
thứ 7 còn sục sôi”
Cuộc CTCTN như một cơn gió lốc
đã quét qua cuộc đời của nhiều ông chủ doanh nghiệp tư nhân tại Sài Gòn. Trên
Tuổi Trẻ Online có rất nhiều bài viết về đề tài này, tôi xin tóm lược một số
chuyện mà ấn bản điện tử của tờ báo gọi là “Những chuyện ai cũng muốn quên”.
Trường hợp của ông Trịnh
Thành Nhơn là một thí dụ điển hình. Năm 1976, cả gia đình ông Nhơn sống nhờ vào
gian hàng bán xà bông ở chợ Bình Tây, Chợ Lớn. Ông gom góp 3.000 đồng, dẹp một
góc trong nhà, kiếm ba cục gạch và một thùng phuy, mướn thợ người Hoa của một
hãng xà bông để hình thành một cơ sở sản xuất xà bông không tên.
Xà bông làm ra được bán cho
các hợp tác xã và công ty thương nghiệp của nhà nước. Sản phẩm bán ra được xem
là hợp pháp, nhưng nguyên vật liệu lưu thông trên đường về xưởng lại là bất hợp
pháp. Ông Nhơn phải mua dừa từ Mỹ Tho, Bến Tre, bỏ vào bịch nilông nhỏ khi đi
qua các trạm kiểm soát.
Ngày ấy, xà bông của ông
Nhơn bán cho ngành thương nghiệp với giá do Ủy ban Vật giá duyệt. Để sản xuất
được 1kg xà bông phải bỏ khoảng 8 đồng vốn, trong khi ủy ban chỉ duyệt giá bán
3,6 đồng. Cũng vì thế, phải ‘ăn gian’ nguyên liệu và tung ra thị trường những sản
phẩm kém chất lượng.
Ông Nhơn kể lại: “Nhiều cán
bộ nhà nước bảo với tôi họ chỉ yêu cầu tôi làm đúng, không cần tôi làm tốt.
Nhưng với các qui định tréo ngoe như vậy, tôi làm đúng sao được?”. Công việc
kinh doanh ngày càng mở rộng, ông Nhơn sắm thêm máy móc, tuyển thêm công nhân.
Mỗi ngày ông sản xuất đến 5 tấn xà bông, có ngày lên đến 10 tấn.
Khi có chiến dịch CTCTN, cơ
sở của ông Nhơn bị thanh niên băng đỏ ‘đóng chốt’ tại nhà gần 1 tháng để kiểm
kê và canh giữ tài sản. Cũng may có ‘tay trong’ mách nước nên ông làm đơn xin
phường xét lại. Đơn của ông được cứu xét với điều kiện ông phải ngưng hợp đồng
cung ứng cho công ty thương nghiệp, tất cả sản phẩm phải chuyển sang bán cho hợp
tác xã phường.
Đầu năm 1980, ông Nhơn bị
phường gọi lên, bảo rằng qui mô cơ sở sản xuất của ông lớn quá, phải ‘phát triển’
lên thành Xí nghiệp Đời sống của phường. Phường cấp cho ông một căn nhà, kêu
ông chuyển hết nguyên liệu, lao động, máy móc... vào đấy để sản xuất. Đồng thời
phường cử người làm Giám đốc, ông được giao phụ trách kỹ thuật.
Ông Nhơn tâm sự: “Ngay từ đầu
tôi đã thấy không ổn. Mấy ổng chẳng hiểu gì về sản xuất kinh doanh gì cả, tôi
làm thế này mấy ổng cứ chỉ đạo thế khác. Hai bên cứ lo cãi nhau thì làm ăn gì
được”. Xí nghiệp hoạt động được hai năm thì giải tán và vốn liếng của ông Nhơn
cũng hết sạch.
Đến năm 1989, với sự ra đời
của Nghị quyết 16, cánh cửa cho tư nhân làm kinh tế mở ra. Ông Nhơn thành lập
doanh nghiệp Sơn Hải và nổi đình nổi đám với kem đánh răng Dạ Lan vào đầu thập
niên 1990.
Chợ Bình Tây trong Chợ Lớn
trước 1975
Gia đình ông Nguyễn Lâm Viên
trước năm 1975 sống nhờ vào cửa tiệm tạp hóa, mỗi chiều 4m, bán giày dép ở Gò Vấp.
Sau ngày Sài Gòn sụp đổ, cán bộ phường đến bảo cửa tiệm nhà ông rộng quá, phải
chia bớt cho người khác. Cửa tiệm bị xén còn lại ngang 1,5m, dài 2m.
Ông Viên bỏ học, lên rừng,
làm nhân viên phòng kế hoạch Nông trường Sông Ray (Đồng Nai) được vài năm rồi
trở về Sài Gòn. Với kinh nghiệm về gỗ, mây, tre học được từ nông trường, ông mở
cơ sở sản xuất đồ nội thất. Tổ hợp mây tre lá Đồng Tâm ra đời ở Nhà Bè năm
1985.
Chỉ trong vòng hai năm, số
lao động của tổ hợp Đồng Tâm lên đến 100 người. Vốn liếng nguyên liệu, hàng hóa
thành phẩm cũng đã lên đến cả 100 lượng vàng. Tuy nhiên, xưởng sản xuất vẫn
không khác gì nhà lá, hàng làm xong không biết chất đâu phải phơi nắng, phơi
mưa ngoài trời.
Khi chính quyền yêu cầu đưa
Đồng Tâm vào liên doanh với nhà nước và giao cho ông khu đất rộng 10.000m2 để
phát triển, ông đồng ý ngay. Xí nghiệp liên doanh mây tre lá Nhà Bè ra đời năm
1987, trực thuộc Công ty liên hiệp Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Nhà Bè
(Nhabexims). Lãi chia theo tỷ lệ Nhà nước 49%, ông Viên 51%.
Một cán bộ trong công ty kể
lại: “Anh Viên được giao chức giám đốc, được tự chủ kinh doanh vì chúng tôi biết
chỉ có anh mới nắm được kỹ thuật và thị hiếu thị trường. Lúc đó, tôi có nói thẳng
với cấp dưới rằng những ai không có khả năng thì không nên can thiệp vào công
việc kinh doanh của xí nghiệp kẻo hỏng hết việc”.
Ngoài sản phẩm của xí nghiệp
ngoài mây, tre, lá còn có mít sấy khô xuất sang thị trường Đài Loan, Hồng Kông.
Nhưng cái họa cũng đến từ đó. Ông Viên được ban giám đốc Nhabexims gọi lên,
thông báo sẽ cho ông ‘chuyển công tác’. Linh cảm cho ông Viên hay có chuyện
không lành bởi từ hôm trước dư luận đồn ông đang mượn danh nghĩa nhà nước để
làm giàu cho cá nhân.
Ông Viên biết đã đến lúc người
ta không cần đến mình nữa vì lao động đã có sẵn, công nghệ sản xuất mít sấy
đang vận hành tốt, sản phẩm mây tre cũng đã có thị trường. Đấu tranh để ở lại cũng
tốt nhưng sẽ được gì? Vậy là ông thẳng thừng: “Tôi là giám đốc thuê, không phải
là cán bộ nhà nước. Muốn xài thì xài, không xài nữa tôi nghỉ”. Vài ngày sau,
ông nhận được quyết định thôi việc.
Vậy là ông Viên ra đi, hành
trang nhẹ tênh nhưng nỗi buồn nặng trĩu. Ông làm rất nhiều nghề: đi bỏ mối đồng
hồ, buôn xe máy… góp từng đồng chờ ngày tái khởi nghiệp. Hồi ấy, 1 tấn mít bán
sang Đài Loan với giá 6.000 USD, trong khi gạo xuất khẩu chỉ ở mức 200 USD/tấn.
Ông biết nông sản chế biến đang có thị trường, người trồng mít sẽ có lợi.
Năm 1989, ông quyết định đem
công nghệ mít sấy từ Đài Loan về VN và tạo ra bước ngoặt lớn trong sự nghiệp
kinh doanh của mình. Cuối năm 1992, ông quyết tâm dựng lại nhà máy. Như con
chim sợ cây cong, lần này ông chứa nguyên liệu ở Bình Dương, sơ chế ở An Phú
Đông, chế biến ở Thủ Đức… Ông giải thích:
“Tôi cố phân tán nhỏ cơ sở
ra để không ai nhìn thấy mình, không biết mình là ai. Tư nhân mà, mặc dù lúc đó
đã được thừa nhận nhưng mà người ta vẫn có xu hướng ‘thương’ những ‘thằng’ nho
nhỏ, nghèo”.
Năm 1995, ông Viên quyết định
xây nhà máy ở xã Tân Định (Tân Uyên, Bình Dương). Nhiều người thân bảo ông té
đau một lần rồi mà vẫn chưa tỉnh ngộ. Nhưng ông nghĩ mình đã có tâm huyết, tại
sao không thể đi tới cùng?
Niềm vui của ông là ngày hôm
nay trên thương trường, sản phẩm sấy khô Vinamit đang cạnh tranh bình đẳng với
sản phẩm sấy khô của Nhabexims. Ông Viên tâm sự:
“Tôi vẫn thầm lặng theo dõi
sự phát triển của Nhabexims, bởi ở nơi ấy tôi đã để lại một phần đời của mình,
và có cả một phần tài sản của mình”.
Sản phẩm của Vinamit ngày
nay
Đã có không ít những trường
hợp ‘bỏ của chạy lấy người’ như của ông Trịnh Thành Nhơn và Nguyễn Lâm Viên
trong thời điêu linh. Tất cả chỉ vì những chính sách không phù hợp từ trên cao
và cũng không loại trừ sự lạm dụng quyền lực của các cấp dưới tại địa phương.
Kết quả là nhiều người đã phải
bỏ nước ra đi vì ‘không còn đất sống’, hiểu theo khía cạnh kinh tế, hoặc vì những
bất đồng về quan điểm chính trị. Thời điêu linh của dân tộc Việt Nam khởi đầu từ
đó và không biết đến bao giờ mới có điểm dừng.
Giáo sư Đặng Phong, Đại học
Kinh tế Quốc dân Hà Nội, người đã viết hàng chục ngàn trang ‘sử kinh tế’ Việt
Nam qua các thời kỳ, nhận xét:
“Nền kinh tế miền Nam trước
1975 phồn vinh thật nhưng giả tạo ở chỗ nó không tự nuôi nổi nó… Rất tiếc chúng
ta xóa bỏ bộ máy điều hành kinh tế miền Nam nhanh quá… Phải đến đại hội đảng lần
thứ VI mới xác định được những sai lầm do chủ quan, nóng vội trong việc xóa bỏ
các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa…”
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người,
Chương 6 – Thời điêu linh)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9
Chương:
Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà
Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu
(Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên
(Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài
Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng
Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh
(Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những
chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước
vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút
ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp
một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống
lỗ)!
***
4 Comments on Multiply
anhoai76 wrote on Jul 2, '11
Ôi.. thật là những sáng kiến
của đỉnh cao trí tuệ loài người.
Cám ơn chủ nhà đã cho đọc lại
nhe.. bây giờ mới hiểu vì sao phải "giải phóng" miền Nam bằng mọi
giá.
thahuong82 wrote on Jul 3,
'11
Hồi ký của anh với những dẫn
chứng rất trung thực sẽ là tài liệu để tham khảo cho những sử gia sau nầy.
Không có cái ngu nào bằng cái ngu của kẻ vô học trong vai trò lảnh đạo.
penseedl wrote on Jul 6, '11
Chiến dịch CTCTN thực chất
chỉ là một Kịch Bản được chính quyền lúc bấy giờ dựng lên để Vơ vét của cải của
dân một cách bài bản mà thôi, tầm ngắm chính là vào đám người Hoa ở Chợ lớn. Ai
đã là Thanh niên làm việc (công nhân viên) trong các hãng xưởng ở SG sau năm 75
đều bị huy động trong chiến dịch này. Đúng như tâm trạng của nhà báo ĐP đã viết,
tâm trạng của Pensée hồi đó cũng nặng trĩu khi cầm giấy tờ tới nhà người Hoa ở
quận 5 kê khai tài sản mà nghĩ tới cảnh hãng xưởng của thân phụ ở Thủ Đức cũng
bị xét hỏi tương tự. Nghĩ lại thật buồn lòng!.
thahuong82 wrote on Jul 6,
'11
Một sai lầm lớn của VNCH là
không phổ biến rộng rãi về CS trong mọi lãnh vực. Thật ra đánh tư sản chỉ là bản
sao của CS Nga năm 1917, tiếp đến CS Tàu Mao cũng cũng copy y chang và CSVN năm
1954 cũng như rứa. Năm 1975 vì dân chúng mù mờ tụi nó mới vơ vét tận cùng bằng
số.
No comments:
Post a Comment