Người về từ Hoa lục đỏ
Hồi ký của người về từ Hoa lục đỏ
Posted on January 27, 2017 by dongsongcu
Bí Thư Thắng
Một bất hạnh chợt đến với gia đình tôi trong những ngày đầu năm của mùa
Xuân Giáp Dần. Tôi cũng như một số chiến hữu khác được ghi nhận là mất tích
trong trận hải chiến với Hải Quân Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19 tháng
1 năm 1974.
Sau hai mươi bảy ngày, được gọi là tù binh nơi ngục tù cộng sản trên Hoa lục
đỏ, tôi được trở về với quê hương, được tiếp tục phục vụ cạnh đồng đội trên Khu
trục Hạm Trần Khánh Dư HQ4.
Giờ đây, những gian truân đã qua rồi. Là một kẻ bị bắt làm tù binh, tôi mặc
cảm vì sự yếu đuối của bản thân, đã không làm tròn phận sự mà Tổ quốc giao phó.
Quần đảo Hoàng Sa đã lọt vào tay Trung Cộng, chúng tôi toàn thể mười bốn thủy
thủ thuộc Khu trục Hạm Trần Khánh Dư HQ4, trú đóng đảo Cam Tuyền (Robert) trong
những giờ phút cuối cùng với hỏa lực khủng khiếp từ hạm đội địch cũng như lực
lượng hùng hậu của địch đổ bộ, chúng tôi không còn cách nào để giữ tròn nhiệm vụ
của chiến sĩ trấn thủ hải biên, để cuối cùng bị bắt sống. Nhưng Tổ quốc mến yêu
đã không bao giờ quên chúng tôi.
Trong thời gian bị bắt và bị giam cầm tại trại Thu Dung tù binh thuộc tỉnh
Quảng Châu, nhưng phản ứng mãnh liệt của mười chín triệu nhân dân miền Nam Việt
Nam đã làm cho bọn Trung Cộng phải nới tay với chúng tôi trong cái lý luận “cải
tạo tư tưởng bằng hình thức lao động”. Và sau hai mươi bảy ngày, không thể giữ
mãi cái trắng trợn của kẻ cướp đất, cướp người, bọn Trung Cộng xâm lược đã phải
nhượng bộ cái hào khí bùng cháy của một dân tộc có bốn ngàn năm lịch sử kiêu
hùng, bằng cách trao trả toàn thể bốn mươi tám tù binh Việt Nam Cộng Hòa vào
ngày 17 tháng 02 năm 1974.
Bước xuống phi trường, tôi nôn nao trong một nỗi niềm khó tả trước sự tiếp
đón nồng hậu của đại diện các cơ quan chính quyền, quân đội cũng như hàng ngàn
học sinh, đồng bào đã chẳng quản ngại nắng nôi, mệt nhọc, đến chào mừng chúng
tôi được trở về với Tổ quốc, với mái ấm gia đình. Tôi tự xét bản thân mình, chẳng
làm được việc gì cho đất nước mà vẫn được tổ quốc và nhân dân đãi ngộ, ít nhất
cũng một lần vinh quang trong đời. Tổ quốc ơi, mười chín triệu đồng bào miền
Nam ơi, tôi xin cúi đầu nhận lãnh những ân huệ đại lượng này và chẳng biết nói
gì hơn là xin cho tôi được một lần viết lên sự thật bằng chính những điều mắt
thấy tai nghe, của cái mà Cộng Sản Bắc Việt cùng Mặt Trận giải phóng Miền Nam
tôn thờ như quan thầy của mình.
Vâng, tôi xin nhân danh là một bằng chứng cụ thể với sự phán đoán khách
quan trung thực nhất thế nào là thiên đường Cộng Sản ở Hoa Lục. Với danh dự mà
nói rằng hồi ký này không ẩn chứa một phần chính trị nào, mà chỉ là những sự thật,
tôi không sợ lầm lạc là chỉ phán đoán một chiều hay theo một khía cạnh tuyên
truyền giữa hai ý thức hệ. Tôi đã đến đó, đến với đầy đủ ngũ quan và một khối
óc. Một cán bộ Trung Ương Đảng Bắc Kinh, mà tôi mến phục qua cái dáng dấp, nhân
cách trí thức, điềm đạm và tế nhị, đã nói với tôi:
“Ngày nào ông có trở về nước, nếu có trình bày điều gì, tôi khuyên ông đừng
nên trình bày trung thực quá, nếu không, tôi e ông sẽ ân hận thì đã muộn …”
Vâng, cảm ơn “đồng chí”. Cũng cảm ơn cho những ngày làm tù binh của tôi. Nếu có
mệnh hệ nào thì cũng đủ cho tôi an lòng nhắm mắt, như ông Saint Thomas đã được
nhìn thấy năm dấu thánh của Chúa. Tôi không ân hận dầu cho dù cách mạng vô sản
có nhuộm đỏ cả quê hương tôi, tôi vẫn là kẻ ly khai khỏi tập đoàn đảng trị độc
đoán sai lầm. Bây giờ tôi viết là phó thác cả tâm hồn lẫn thể xác theo giòng chữ
vì không nói lên được những ẩm ức từ trong đáy thẳm tâm hồn thì rồi những tháng
ngày câm lặng này cũng sẽ giết lần đời tôi trong ray rứt ưu phiền …
… Những ngày cuối cùng của năm “con trâu” mệt mỏi đang chậm chạp trôi qua,
thì một biến cố bất chợt mang đến cho trang sử Hải Quân Việt Nam cận đại một
nét chấm phá dị thường, với một khó khăn khôn lường trước một đối thủ siêu cường,
bọn Tàu đỏ xâm lược. Để tiếp nối chí khí hào hùng của một dân tộc với một quá
trình chiến đấu bền bỉ, kiên cường. Vị nguyên thủ quốc gia chỉ thị cho Hải Quân
Việt Nam gửi hạm đội với bốn chiến hạm mang theo ý nguyện của mười chín triệu
con tim rực máu căm hờn, cương quyết tuyên chiến với bọn Tàu đỏ xâm lược để bảo
vệ chủ quyền quốc gia trên những mảnh đất xa lắc ngút ngàn thiêng liêng của dân
tộc …
Các chiến hạm uy dũng vượt hải trình tiến về Hoàng Sa trong hào khí bừng bừng.
Khi đến gần Hoàng Sa, thấy có hai chiến hạm Hải quân Trung Cộng đang thả
trôi án ngữ phía đông nam đảo Cam Tuyền (Robert). Hạm trưởng chiến hạm chúng
tôi (HQ4), chỉ thị cho mười bốn nhân viên thuộc thủy thủ đoàn tình nguyện đổ bộ
lên đảo treo quốc kỳ cùng ngăn chặn lực lượng hải quân Trung Cộng trá hình ngư
phủ xâm nhập đảo.
Khoảng mười giờ ngày 18-1-1974, toán đổ bộ gồm Tr/uý Dũng, ĐT Quý, TP Hội,
TP Cung, TP Chương, PT Bắc, QK Nghiêm, BT Thắng, KT Hưng, CK Chí, CK Huy, PT
Hùng, VC Thanh, và GL Lâm thi hành lệnh đáp xuống đổ bộ đảo. Vừa đặt chân lên đảo,
chúng tôi lục soát chung quanh hạ cờ Trung-Cộng và dựng quốc kỳ, rồi tìm các địa
thể thích hợp để phòng thủ, thu mình trong những lùm cây chờ đợi diễn biến bất
chợt xảy đến …
Qua các tín hiệu trao đổi trên làn sóng vô tuyến, cho thấy có nhiều gay go,
nội dung đại khái bên nào cũng nhận chủ quyền đảo và đuổi đối phương ra khỏi hải
phận mình … rồi một sự yên lặng nặng nề căng thẳng, hình như hai bên đang rơi
vào thế thủ chờ đợi.
Một đêm yên tĩnh đi qua, sáng sớm ngày 19 tháng 01 năm 74, chúng tôi thức tỉnh
bởi hằng loạt biến cố dồn dập. Tình hình trở nên nghiêm trọng, đưa đến cuộc hải
chiến thực sự vào lúc mười giờ hai mươi lăm phút sáng hôm đó. Tất cả chúng tôi
xách súng chạy ra bãi biển trong lúc đạn hải pháo vang rền. Trước mặt chúng
tôi, nhiều chiến hạm đang rực lên những lóe lửa hực sáng từ những họng trọng
pháo đang nhả đạn làm khuấy động cả vùng biển êm lặng. Bởi quá xa, khói súng mù
mịt, không phân biệt được chiến hạm nào của ta, chiến hạm nào của địch … Cuộc hải
chiến kéo dài chừng ba mươi phút, có tàu chìm, có chiếc cháy, chiếc nghiêng, của
cả đôi bên dần dần khuất xa tầm mắt chúng tôi.
Nhìn về vùng biển xa mù mà lòng nghe nặng trĩu, tôi không hiểu số phận của
các chiến hạm và thủy thủ đoàn ra sao. Riêng bản thân thì không một hối tiếc ân
hận nào. Dù có ta thán cũng bằng thừa trước những bất ngờ đương nhiên của chiến
tranh. Để tự an ủi chúng tôi ngồi bàn bạc về trận hải chiến và hy vọng HQ11 sẽ
đến tiếp viện.
Đêm đó, tôi suy nghĩ thật nhiều, nhìn những khuôn mặt đăm chiêu, buồn bã của
đồng đội, tôi nghe những nao nao bứt rứt … Dù thế nào chăng nữa, con người cũng
có những yếu đuối của bản thân, tôi liên tưởng đến sự hy sinh nhưng những bâng
khuâng lo ngại vẫn nhen nhúm bùng lên trong giờ phút lặng lẽ ghê rợn của sự chờ
đợi giữa bóng tối dày đặc của vùng biển đen … Tôi mệt mỏi với niềm suy tư chín
mùi để rồi thiếp dần trong giấc ngủ ưu phiền …
Sáng sớm ngày 20 tháng 01 năm 1974, xuất hiện mười bốn chiến hạm Hải quân
Trung Cộng, trực chỉ đảo Cam Tuyền, Hoàng Sa (do lực lượng địa phương quân và
nhân viên dân chính đài khí tượng trú đóng). Việc gì đến ắt phải đến, sau nhiều
loạt hải pháo,lực lượng hùng hậu của Trung Cộng đổ bộ tràn ngập bốn bề đảo. Cuối
cùng, nhóm tử thủ chúng tôi đành cúi đầu chấp nhận những bất hạnh đã an bài.
Thế là hết, tôi không ngờ lần đầu và cũng là lần cuối cùng đặt chân trên mảnh
đất nhỏ bé tít mù của dân tộc. Tôi tuyệt vọng ngước nhìn về vùng biển xa mù và
xót xa trước những đôi mắt u buồn đang lặng lẽ cúi xuống của đồng đội. Vâng, hãy
cúi xuống, hãy cúi xuống thật gần để nhìn lần cuối cùng cái thân phận của một
quốc gia nhược tiểu, sẽ còn điêu linh biết đến bao giờ?
Những khuôn mặt dữ dằn, với súng trên tay, chĩa về chúng tôi. Thời gian vô
vọng này kéo dài đến đúng cái nắng gay gắt của buổi quá ngọ, thì bọn chúng đổi
thái độ, họ vui vẻ mời chúng tôi hút thuốc, uống nước … Tôi nghe họ qua sự
thông dịch mơ hồ của CK Chi và PT Hưng (là hai người Việt gốc Hoa), họ thuyết
trình về “Chính sách khoan hồng tù binh”, tất cả chúng tôi thinh lặng, dường
như trong thâm tâm ai cũng tự vẽ ra một bối cảnh tối đen hơn là nghe một điều
gì … Sau đó, họ dẫn chúng tôi ra bãi biển và trói lại.
Sáng hôm sau, đưa lên tàu chở về đảo Hải Nam. Khoảng mười hai giờ trưa tàu
cặp bến, được chuyển sang một chiến hạm lớn hơn, nơi đây chúng tôi bắt gặp thêm
ba mươi bốn người nữa bị bắt lên đảo Hoàng Sa. Chúng tôi nhìn nhau thông cảm,
và sau hai đêm một ngày, tàu cập cảng Quảng Châu. Chúng tôi được tiếp nhận bằng
hàng ngàn con mắt của dân quân thị hiếu đứng đầy hải cảng. Tôi đoán thầm, không
lẽ họ tử hình chúng tôi tại đây để trả thù cho đồng chí của họ đã bỏ mình trong
trận hải chiến vừa qua. Nhưng vừa lúc đó, có ba chiếc Molotova chạy tới và theo
sự hướng dẫn của tên cán bộ thông dịch, chúng tôi được đưa qua thành phố Quảng
Châu để đến trại Thu Dung tù binh. Lên xe, tôi chiếm vị trí thích hợp nhất để
quan sát hai bên đường. Khí tiết ở đây thật là lạnh, tôi đã mặc chiếc áo ấm bên
trong, khoác thêm chiếc ba-đờ-xuy bên ngoài mà vẫn còn thấy lạnh khủng khiếp.
Tôi chợt nhớ hôm nay là ngày mùng Một Tết, thì ra, ngẫu nhiên, mình hưởng những
ngày Tết tha hương bất đắc dĩ với thân phận làm tù binh. Tôi ngạc nhiên khi thấy
phố xá hai bên đường không có màu sắc nào của Xuân và Tết, tôi khẽ hỏi tên cán
bộ thông dịch:
“Thưa ông, hôm nay là Tết, sao vắng vẻ và sơ sài thế này hả ông?”.
Tên cán bộ trả lời: “Tại Trung Cộng vĩ đại của chúng tôi, dưới sự lãnh đạo
sáng suốt của Mao Chủ Tịch, Tết bây giờ đã đổi khác rồi chứ không còn lạc hậu
như thời tiền cách mạng nữa.”
Tôi nghe đến tiếng “lạc hậu” thì kín đáo nhìn sang hai bên. ừ, lạc hậu, nếu
cái lý luận hoa mỹ của “đêm ba mươi vác cuốc ra đồng, sáng mùng một trồng cây mừng
tuổi đảng”, thì những y phục lòe loẹt, sặc sỡ, những cuộc du xuân ngày nào chỉ
còn là trong mơ. Tôi ngậm ngùi thương cảm cho những con người bị rơi vào cái thế
chỉ biết đầu tắt mặt tối, tăng gia sức lao động để phục vụ cho một lý tưởng mơ
hồ. Tôi hỏi người thông dịch: “Tết mà người ta vẫn đi làm sao ông?” Anh cán bộ
đang ưu tư, có vẻ lười trả lời, nhưng cũng cố gắng: “Đó là những anh hùng lao động,
biết phấn đấu gian khổ cho đại thế giới cách mạng vô sản, các anh chỉ biết hưởng
thụ nên không thấy cái cao cả trong chính sách của đảng, của nhà nước chúng
tôi, từ thực tiễn đến nhận định là thế, tức là những anh hùng công nông của
Trung Quốc, trước kia cũng ích kỷ nhỏ hẹp như các anh, nghĩa là đặt quyền lợi
cá nhân trên cái sống tập đoàn thương yêu. Nhưng nhờ lao động, họ đã ý thức được
công trình vĩ đại cao cả của Đảng và nhà nước Trung Hoa“.
Tôi lạnh mình ý nhị liếc sang người bạn thầm nói: “Gớm! Tên này ý hẳn cũng
vài mươi tuổi đảng chứ chẳng vừa với những mỹ từ giả dối mà có khả năng lấp
khóe mắt dò xét của con người, đâu phải là thứ thường”. Tôi buồn cười bởi cái
phô trương của anh cán bộ. Anh ta nói mà trong ánh mắt dường như ẩn hiện một nỗi
lòng khó tả được tiềm ẩn như trong cái thế nén của chiếc lò so bất lực.Có lẽ
anh ta mơ tưởng đến những thú vui của thời thơ ấu. Đầu năm vẫn là những ngày
thiêng liêng nhất của người thuần tuý Á Đông. Con người vẫn là con người, chứ
không phải là hệ thống máy móc để có thể dễ dàng giết chết cái tập tục truyền
thống của dân tộc có từ muôn đời xa xưa được.
Đoàn xe vẫn tiếp tục lăn bánh, hai bên đường không một mảnh đất hoang, dù
là khô cằn sỏi đá, đều được cày xới trồng trọt. Tôi rùng mình nghĩ đến phần đất
màu mỡ của quê hương miền Nam Việt Nam, là vựa thóc của Đông Dương, nên hẳn
nhiên là miếng mồi quá thơm ngon đối với Trung Hoa lục địa vĩ đại đầy nhân khẩu
mà nạn nhân mãn là mối đe dọa trầm trọng.
Mãi miên man suy nghĩ, xe chạy vào trung tâm thành phố mà tôi không hay.
Khu nội thành cũng vậy, có nghĩa là những hình thức phấn đấu gian khổ đã đồng
lõa với sự áp bức, để cho người dân lầm than khổ đau của Trung Hoa ngày nay, phải
câm lặng khứng chịu tất cả những tàn phá do chính sách đảng trị nhiễu nhương
tác quái… Tôi nhìn đoàn người trên phố, họ đi từng toán trên đường, với y phục
giản đị, đồng nhất được khoác lên những tấm thân còm cõi vốn có của người Quảng
Đông. Họ trầm lặng quá, đúng như người ta bảo “người Cộng sản thầm lặng như chiếc
bóng”, thỉnh thoảng có vài thiếu niên đốt lên vài cây pháo, và đó chính là dấu
hiệu duy nhất đón Tết qua đôi mắt trung thực của tôi.
Tôi viết những sự thật này, cũng như có lần tôi đã viết bài “Mùa Xuân của
Quảng Châu”, khi còn bị giam ở bên Trung Quốc, nội dung cũng như thế này. Và được
các “đồng chí” bên đó nói rằng: “Anh có nhận xét thiếu tinh tế và tư tưởng
xuyên tạc, nên cảm nghĩ của anh về mùa Xuân Quảng Châu còn đầy tính chất châm
biếm, thiếu sự giáo huấn chính trị … “Vâng, tôi không thích chính trị, tôi chỉ
thích những nguồn sống thực, những ngôn từ tôi nói phải phát xuất từ đáy lòng,
chứ không phải từ những chiêu bài chính trị.
Đoàn xe vẫn từ từ lăn bánh, dường như họ muốn chúng tôi quan sát cái trung
tâm của một thành phố được gọi là lớn vào hàng thứ năm của Trung Cộng. Tôi mỉm
cười nhìn những khu chung cư cao ngất “nếu không ở trên đám mây xanh ấy, thì họ
sẽ phải ở đâu!” Với tôi, đừng phô diễn cái trò tuyên truyền trẻ con này, vì phải
chăng đây chính là “nguồn gốc phát sinh ra chính sách xâm lược để tự tồn”.
Những con đường phố ở đây hẹp và dây điện rối mù như mạng nhện, phương tiện
giao thông chính yếu là xe buýt điện và xe đạp, tuyệt đối không có một chiếc xe
gắn máy nào.
Người bạn bên cạnh hỏi anh cán bộ thông dịch:
“Ông ơi, ở bên này không có xe Honda, Yamaha, hay sao?”
Anh cán bộ ngẩn người: “Honda là gì?”
Tôi giải thích: “Đó là một loại xe chạy bằng động cơ, giống như chiếc xe
bình bịch ấy.”
Anh cán bộ nhún vai: “ừ, thế thì bên này chúng tôi không thèm cái loại xe
vô dụng đó, vì nó có tính cách tư bản lãng phí quá, cũng như nó không sản xuất
mà lại còn làm hao hụt nhiên liệu của nhà nước nữa…” và cũng để tỏ ra mình cũng
thông thạo về vấn đề quốc tế, “đồng chí” theo thao bất tuyệt về tình hình căng
thẳng ở Trung Đông và sự tranh chấp giành quyền lợi giữa Nga và Mỹ… Tôi không cần
nghe anh ta nói gì cả, bởi những lời bào chữa để thỏa mãn tự ái cá nhân đều vô
dụng. Tôi cũng không nêu lên cái tính chất quê mùa của cuộc đối thoại, mà chỉ cần
biết rằng anh ta đã bày tỏ trung thực cái hệ thống kiểm thảo nghiêm ngặt của đảng
và nhà nước, để đến nỗi một cán bộ như anh ta mà còn không biết được cái xe
thông dụng ấy, thì huống hồ chi người dân chân lấm tay bùn, sinh ra trong lao động
và chết trong lao động sẽ còn nhận thức được gì ánh sáng văn minh của nhân loại,
đối với họ chỉ được dạy dỗ rằng: “Chỉ có Mao-Trạch-Đông là hoàn mỹ …”
Đoàn xe ra khỏi thành phố, tôi thấy một quân trường ló dạng qua khung cửa
kính và đoàn xe từ từ rẽ vào, hai cánh cổng mở rộng, những tân binh đứng đầy
hai bên chiếu cố nhìn chúng tôi tận tình.
“Không, bởi chúng tôi xuống đảo nên ăn bận lôi thôi thế này, chứ không phải
quân đội chúng tôi có cái ăn bận như cái bàn tán xì xào của các người đâu, còn
các anh em Địa-phương-quân, sở dĩ tóc họ quá dài là vì ba tháng liền ở đảo
không có thợ hớt tóc, chứ quân đội chúng tôi không đồng hóa với Hippy đâu.” Tôi
bực bội nghĩ thế khi thấy ánh mắt diễu cợt của đám tân binh. Chúng tôi xuống xe
và tập họp trước cái sân rộng lớn, nơi đây có hơn hai mươi cán bộ đứng đợi sẵn,
họ mặc quân phục gồm có hải quân và bộ binh, tôi đoán có lẽ đây là nhóm khai
thác tù binh. Chúng tôi được chia làm bốn tổ, tổ một và tổ ba là Địa-phương-quân,
tổ bốn là sĩ quan, và tổ hai là hải quân. Sau đó, họ hướng dẫn chúng tôi đến một
dãy nhà dành sẵn, chỉ định những khu vực của tổ và phát những vật dụng cần thiết.
Sau mấy thủ tục tạp nhạp, chúng tôi được dẫn đến một phòng họp, và tại nơi
đây một đề tài được giáo huấn cấp thời: “Chủ quyền lãnh thổ của Trung Cọng trên
hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”, nội dung nói về những di tích lịch sử của
người Trung Quốc để lại đảo, và họ nói nhiều về những vua chúa đã đem quân chiếm
đảo … cuối cùng, họ xác nhận chủ quyền bằng lập luận: “Trung Quốc muốn thì làm
chứ không cần ảnh hưởng gì của quốc tế, quốc tế chỉ là con số không nếu đi ngược
lại quyền lợi của đảng và nhà nước Trung Hoa”.
Trước khi rời phòng, họ chận đầu chúng tôi: “Các anh nghe theo lời đường ngọt
của ngụy quyền Sài Gòn nên cứ tưởng Hoàng Sa là quê hương mình, điều đó thật là
lầm lẫn, lầm lẫn về sự thực đã đành mà còn hy sinh một cách vô lý nữa!”
Về đến tổ mình, chúng tôi phải tụ tập lại để “tọa đàm” dưới sự hướng dẫn của
ba cán bộ trách nhiệm tổ, trong khi tọa đàm các tổ viên có quyền phát biểu, tuy
nhiên cán bộ luôn nhắc nhở “phải phát biểu những gì khách quan, đứng đắn, chứ
không phủ nhận sự thực bằng thái độ ngoan cố, vì đây là lúc chỉnh đốn lại sai lầm
chứ không phải là cuộc tranh luận chưa có mục đích rõ rệt …” Trong cuộc “tọa
đàm” đầu tiên này, chúng tôi không ai phát biểu gì hết, một cán bộ có vẻ tâm
lý, kéo hai người bạn đứng dậy và nói: “Vì hôm nay các anh tinh thần còn căng
thẳng và mệt mỏi, nên chúng ta tạm ngừng ở đây.” Trong nhóm không ai có ý kiến
gì cả, chúng tôi muốn yên thân hơn là phải nói một điều gì.
Khoảng mười hai giờ trưa, chúng tôi tập hợp đi ăn cơm, bữa cơm tạm thời khá
đầy đủ cho buổi sơ giao của chính sách tuyên truyền – “Hôm nay, ngày đầu năm của
người Á Đông chúng ta, Đảng và nhà nước chúng tôi lấy bữa cơm này là kết tinh của
lao động để đón mời cũng như khuyến khích các đồng chí, cứ tự nhiên hưởng xuân
và sẽ dành được thắng lợi cho đại thế giới cách mạng vô sản.”
Tôi mỉm cười, quả nhiên do kết tinh của lao động, nhưng đảng và nhà nước
đâu có lao động! Chỉ những công nông là những anh hùng biết lao động! Lòng bảo
lòng, thôi cứ hưởng thụ đi, nếu đã tốt đẹp thì bố mẹ, họ hàng ta đâu di cư vào
Nam!
Họ đứng chung quanh bàn ăn chúng tôi, ân cần chuyện trò, hỏi han: “Sao, cơm
Trung Quốc ngon không?” … Tôi cười thầm trong bụng “Nếu cứ thế này cho vài năm
thì hay biết mấy! Chỉ sợ bữa một bữa hai rồi đổi món“. Một cán bộ có vẻ rất trí
thức và cao ngạo, một tay chống nạnh, một tay vân vê điếu thuốc, cười nửa miệng,
hóm hỉnh nhìn chúng tôi – “Cao ngạo trong sự đương nhiên của kẻ chiến thắng,
thì cái thất thế phải đến cho đối thủ, làm quân tử sao cho là nhục!” Tôi thầm
nghĩ như vậy.
Sau một bữa ăn cho bỏ ghét, có giỏi thì cứ nuôi như thế này mãi đi, còn
không đủ khả năng thì cứ thực tình cung khai tám trăm triệu nhân khẩu ra thì có
ai bảo sao đâu!
Trước khi về tổ, một cán bộ tập họp chúng tôi lại và nói: “Sau khi quan sát
và nhìn chung vào vấn đề ăn uống của anh em hôm nay, tôi thấy anh em có nhiều lỗi
lầm cần phải tự sửa chữa, đó là sự phung phí của anh em. Anh em không biết cái
tiêu chuẩn chống lãng phí của đảng và nhà nước, hãy nhìn xem trên mặt bàn của
tám người ăn đầy những hạt cơm vung vãi thế kia, nếu tám trăm triệu người Trung
Quốc mà ăn uống như các anh thì hơn tám trăm triệu hạt cơm rơi ấy sẽ nuôi được
bao nhiêu người đó!” Tôi ớn xương sống, quả thật, những thằng đói nó có lý luận
hay, cả đời chúng chỉ nhìn vào nồi cơm, rá gạo huyền nào mà chẳng tinh thế!
Chúng tôi về tổ nghỉ ngơi, hai giờ chiều, một sĩ quan quản gia đến đánh thức
chúng tôi và cho biết sẽ phải “tọa đàm” tiếp đề tài hồi sáng. Chúng tôi thinh lặng
rất lâu, một cán bộ lên tiếng “Anh em cứ tự nhiên phát biểu ý kiến, vì đây là
cuộc tranh luận, không sao cả.”
Một anh bạn của chúng tôi rụt rè hỏi: “Thưa đồng chí, theo đài BBC Luân
Đôn, Vua Gia Long đã đem quân trú đóng ở Hoàng Sa vào năm 1802 …”
Vừa nói tới đây, thì anh cán bộ đưa tay ngăn lại “Các anh em thật là lạ, tại
sao đài mình không nghe, lại đi nghe cái đài xuyên tạc đó, bên chúng tôi không
bao giờ nghe đài nào khác ngoài đài Bắc Kinh, nên không bao giờ lầm lẫn như thế.
Còn cái vấn đề đồng chí Gia Long nào đó cho có quân lính Việt Nam ra trú đóng đảo
vào năm 1802 thì thật không thể tin được, vì sử sách Trung Quốc không hề ghi
chép điều đó. Bởi vậy, đây là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng, anh em đừng
nhắc nhở đến Vua Gia Long nữa.”
Anh ta nhìn sang phía khác: “Anh em bên này có ý kiến nào không?”, rồi quay
ra mỉm cười đắc ý với hai cán bộ ngồi đằng sau, dường như anh ta thỏa mãn với
câu trả lời vừa rồi lắm. Tôi thấy hai tên kia cũng nghiêm mặt gật gù, áng chừng
như đã bằng lòng. Chúng tôi lặng thinh và hầu như trong mấy ngày đầu chúng tôi
không hề muốn nói gì cả. Mấy anh cán bộ có vẻ sốt ruột bởi sự lặng thinh của
chúng tôi nên hơi cau có:
“Sao các anh em không nói gì cả? Đây là tọa đàm chứ không phải là mơ mộng
viển vông, nếu cứ như tình trạng này thì các anh em làm sao thông suốt được đường
lối lãnh đạo sáng suốt của Mao Chủ Tịch và nhận thức thế nào là đúng đắn, thế
nào là sai lầm.”
Chúng tôi cảm thấy tình trạng trở nên nhột nhạt nên lặng lẽ nhìn nhau …
cùng cười, đến một lúc nào đó, con người phải trở về với bản tính cố hữu của
mình, cho dù có phải trên búa dưới đe. Tôi ít khi chịu khuất phục trong vấn đề
tranh luận …
Tôi hắng giọng hỏi: “Thưa các ông, sau bản hiệp định San Francisco năm
1951, 49 quốc gia đều xác nhận chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, mà
Trung Quốc cũng không phủ nhận bản hiệp định trên. Đến nay phải chăng Trung Quốc
phát hiện được ở dưới lòng đảo có một tài nguyên thiên nhiên nào nên ngày nay
Trung Quốc …”
Còn đang nói dở, thì tên cán bộ quắc mắt nhìn tôi. “Ai bảo với anh như thế,
nếu còn giữ mãi cái nhận thức này thì …”
Một tên có vẻ khôn ngoan trầm tĩnh hơn khẽ kéo tên kia ngồi xuống và nói:
“Các anh bị nhiễm tư tưởng Đế-Quốc Mỹ, cũng như ngụy quyền Sài Gòn quá nhiều,
nên những ý tưởng sai lầm rất nhiều, nhưng chúng tôi tạm thời coi đó như là lỡ
lầm đầu tiên và bây giờ các anh phải chú ý đừng phát ngôn những gì xâm phạm đến
quyền lợi của đảng và nhà nước chúng tôi.”
Tôi nghe trong mình những mạch máu tưởng chừng như dừng lại, vì đây cũng là
lần trắc nghiệm cái phản ứng của chúng. Tôi biết chúng phải chinh phục chúng
tôi bằng vuốt ve hơn là bạo tàn, có lẽ lệnh ở trên chỉ thị như thế …
Rồi hai tuần trôi qua trong chán chường của những đề tài và tọa đàm liên tục
không lúc nào ngơi. Tôi không hiểu tại sao chúng tôi lại phải siêng học gấp gáp
quá sức, sáng học tập tới 10 giờ, rồi tọa đàm đến 12 giờ, ăn cơm trưa xong ngủ
được một chút lại tiếp tục tọa đàm đến giờ ăn cơm chiều, xong giờ cơm chiều bắt
đầu coi sách báo và tư tưởng Mao Trạch Đông … Tối đến đi coi xi-nê xong tọa đàm
đến 11 giờ mới được đi ngủ … Ngày nào cũng thế, ở đây đời sống chung không có
ngày chủ nhật, một ngày lao động như mọi ngày là lao động để sáng tạo thế giới
… Về vấn đề xi-nê, chúng tôi sợ còn hơn là cơm nếp nát, cứ những phim với nội
dung đấu tranh giai cấp, tăng gia sản xuất, các thời sự về mối bang giao của
tranh giai cấp, tăng gia sản xuất, các thời tự về mối bang giao của Trung Quốc
hoặc những phim chiến tranh chống Nhật, những trận đánh du kích của thuở tiền
cách mạng với ngụy quyền Tưởng-Giới-Thạch …
Có một lần, tôi bạo dạn hỏi: “Thưa đồng chí, coi những phim như thế này mãi
đồng chí có chán không?”
Một cán bộ cười trừ: “Không, tuy hình thức và nội dung chúng giống nhau,
nhưng nó nâng cao tư tưởng bằng cách mình luôn luôn nhớ mãi cái tàn ác của những
gì đi sai lạc đường lối của cách mạng xã hội chủ nghĩa, như các anh thấy trong
phim Bạch-Mao-Nữ hôm qua đó, với phim Nữ-Hồng-Quân hôm nay, anh thấy không, những
chuyện kể lên những tàn bạo, dã man của tập đoàn phản động đế quốc Mỹ và các bọn
tay sai có bao giờ hết đâu … bởi thế, càng coi càng thấy thích thú, càng thấy
cái nhân đạo của vầng hồng cách mạng… ”
Tôi mỉm cười: “nhưng thưa đồng chí, đã gọi là nghệ thuật thì phải trả cho
nó về đúng với các thuần tuý của nó chứ.”
Tên cán bộ hỏi: “Anh tin có nghệ thuật, vì nghệ thuật?”
Tôi gật đầu: “Đương nhiên là thế!”
Tên cán bộ cười khảy: “Không, anh lầm lẫn rồi, không bao giờ thế, không bao
giờ có cái nghệ thuật siêu giai cấp, mà nghệ thuật chính là công cụ chính yếu để
phục vụ cho đồng chí phần nào cái sự thực của sự lạm dụng nghệ thuật, chứ nghệ
thuật vẫn là thuần túy nghệ thuật, nó vẫn là thế giới tách biệt riêng rẽ bởi nó
khách quan và trung thực …”
Tên cán bộ cười khan trong cổ không trả lời, tôi buồn cười cái nghệ thuật
qua cái trận đánh mìn và đánh sạn đạo với tụi Nhật cũng như quân đội của Trung
Hoa Quốc Gia, cứ chỗ nào có mìn thì bảy tám tên Nhật hoặc lính Trung Hoa Quốc
Gia liền bước vô và chỉ cần vài trái mìn là cả một đại đội Nhật hoặc Trung Hoa
Quốc Gia chết như rạ…
Nói chung là những phim tuyên truyền quá lố đã đành mà còn đồng hóa người
ngồi coi thành một sự ngu độn không tưởng … tôi không hiểu những cán bộ họ có
thực sự thỏa mãn với những phim như thế hay không hoặc muôn đời sự giả tạo này
khoác lên đầu môi mép mỏ để mê muội cái dân trí 800 triệu người mà chỉ có 19 vạn
sinh viên.
Tôi hiểu cái thâm ý của họ qua cuốn phim “Thi đua phong trào học tập Công
Xã Đại Trại”, Công xã đại trại là một công xã phải nói là bất hạnh được thiết lập
trên vị trí thiên nhiên đầy đồi núi sỏi đá khô cằn. Nhưng có một tên bí thư Đảng
đã hô hào toàn thể nhân dân trong xã hãy phấn đấu gian khổ để khắc phục thiên
nhiên bằng cách lấy sức mạnh của những gì còn lại nơi con người, đục bằng phẳng
trái núi, rồi gánh đất đổ lên đó trồng lúa, sau bao gian truân khó nhọc, cuối
cùng họ thành công. Và một điều lạ lùng hơn nữa là năm đó Đại Trại lại được mùa
hơn tất cả mọi công xã khác, tôi vô cùng xúc động khi thấy ánh mắt bừng vui của
toàn thể nhân dân trong xã nhảy múa vui mừng bên khúc ca được mùa …
Nhưng xúc động vui lây với sự khó nhọc của họ chợt se lại khi thầy từng xe
Molotova chất đầy những bó lúa vàng ánh như giọt mồ hôi phản chiếu cái thiếp
vàng của khung ảnh Mao Trạch Đông treo trên bức tường … Vâng, muốn sống trong sức
lao động của người để mà hưởng thụ thì điều kiện tiên quyết là phải giết đi cái
tri thức mà những ngày tháng lam lũ trong lao động đã khiến con người như quên
đi cái quyền lợi bản thân …
Hôm nay, chúng tôi được đưa đi tham quan xưởng chế tạo xe đạp, nhà máy cơ
khí hạng nặng cũng như tiện nghi ăn ở của tất cả công nhân. Trước tiên là nhà
máy cơ khí, chúng tôi được quan sát những hệ thống máy móc tương đối khá vĩ đại,
nhưng tiếc rằng tôi chẳng thu thập được gì ngoài những tư tưởng Mác Lê-Nin,
Staline, Mao-Trạch-Đông dán đầy trên tường cũng như mỗi lần nghe một nhân viên
hướng dẫn của nhà máy nói: “Đây là kết quả của đường lối lãnh đạo sáng suốt của
…” là tôi đã chán đến buồn ngủ. Vâng, tôi không phải là hạng người sinh ra để
ca tụng một con người, không có ai là thánh sống đối với tôi hết, tôi cười ruồi
khi nghĩ đến chiến tranh giai cấp của họ. Vậy giai cấp là gì khi há miệng ra là
Mao Trạch Đông, nằm ngủ cũng mơ thấy Mao Chủ Tịch …
Bây giờ thì đi thăm khu bệnh viện của nhà máy, tương đối tiện nghi và rộng
rãi, nhất là sự rộng rãi chúng tôi phải công nhận. Có hơn 50 giường bệnh nhân,
mà chỉ tiếc rắng công nhân của hãng này ít người bệnh quá, tôi chỉ thấy có vài
ba người dưỡng bệnh, mặc dù có hơn 5,000 công nhân làm việc cho xưởng. Nhưng
tôi không ngạc nhiên khi nhìn thấy cái ngôi sao đỏ trên nón của một bác sĩ đang
chẩn bệnh cho một ông cụ già gần đó …
Chúng tôi đi thăm các khu chung cư của xưởng, vào từng nhà một tôi thấy các
cán bộ luôn luôn có cái thâm ý bắt chúng tôi chú ý đến cái máy thâu thanh (đặc
biệt có đài Bắc Kinh), cái xe đạp (loại khung đàn ông và theo tôi hiểu đó là
hình thức cơ giới hóa lao động hơn là để đi chơi), và cuối cùng là cái máy khâu
… đại khái nhà nào cũng được trang bị như thế (cái vấn đề tài sản này có phải của
gia chủ hay không thì chỉ có Trời biết).
Cuối cùng, đi thăm vườn trẻ, trong cuộc thăm viếng này, có một hoạt cảnh
hai toán chơi trò bắn nhau, một đám bị thua, đám kia bắt đầu hàng. Nhưng đám
kia nói: “Mao Chủ Tịch dạy ta không hàng …” Tôi nhục quá, cúi đầu lặng thinh.
“Vâng, chỉ những đứa trẻ nó mới mơ mộng siêu việt như vậy thôi, còn con người nếu
có đầy đủ tri giác ai mà không có những yếu đuối của bản thân cũng như cam chịu
những bất hạnh phải đến.”
Chúng tôi chấm dứt cuộc tham quan tại đây để sang xưởng chế tạo xe đạp, ban
đầu chúng tôi nghe đồng chí Giám đốc thuyết trình về quá trình phát triển của
hãng sau 3 lần kế hoạch kinh tế ngũ niên. Theo ông ta cho biết thì hãng bắt đầu
từ năm nay sẽ sản xuất 2,000 chiếc xe mỗi ngày … cũng như ông ta nói nhiều đến
những lời khen của Mao Trạch Đông trong những lần viếng thăm xưởng …
Cuộc thuyết trình được chấm dứt sau một loạt vỗ tay tỉnh ngủ của chúng tôi,
sau đó bắt đầu tham quan, tôi phải thú nhận những chiếc xe đạp của họ rất đẹp
và tiện lợi, có thể co rút cao thấp hay ngắn dài … Nhưng có điều tôi thắc mắc
là tại sao họ làm được như vậy mà lại chẳng hưởng thụ. Tôi xin thề là cả trong
cái trung tâm của một thành phố, xét về lượng còn lớn hơn cả Saigon mà không hề
thấy có một chiếc xe đạp nào đẹp như thế để đi học hoặc để đi chơi. Duy chỉ có
loại xe đạp thồ, tức để chở đồ … Rồi cuộc tham quan này chấm dứt sau một bữa ăn
tương đối thịnh soạn của xưởng ưu ái đãi ngộ tù binh …
Trên đường về cũng như buổi tối hôm đó nhức đầu vì những cảm tưởng của cuộc
tham quan, chúng tôi có nói hay thì cũng phải diễn giải cái hay ở chỗ nào, còn
nói dở thì thật khốn nạn bởi ta không có nhiều lỗ tai mà nghe cho kịp 6-6 cái
miệng …
Hôm nay đề tài mới “Phong trào phê phán Khổng Tử và Lâm Bưu”. Tôi không ngờ
họ lại nhục mạ một con người mà đã đưa cái kiến thức của mình để tác tạo cho một
Trung Hoa với một lần vàng son trong lịch sử văn minh loài người, tôi cứ tưởng
họ cũng phải tôn trọng phần nào cái minh thuyết vĩ đại ấy chứ. Đúng là tiến
hóa, tiến đến độ cực đoan của con người.
Một cán bộ bảo: “Thằng Khổng lão nhị có làm cho một Trung Hoa đầy những liệt
cường xâu xé, đầy những bóc lột như Từ Hy Thái Hậu …” Tôi chợt nghĩ, thế thì
quá sức sai lầm, sự suy vong của một quốc gia cũng như cái biến hóa thăng trầm
của hoàn vũ chứ đâu do cái nền tảng tư tưởng của nước đó làm sụp đổ … Tại sao
Nhật Bản họ cũng lấy Nho học làm nền tảng sao không sụp đổ mà lại trở thành một
cường quốc nắm đầu về kinh tế như ngày nay. Không, Lâm Bưu và Lưu Thiếu Kỳ cũng
như lấy cái kinh nghiệm của Đảng cộng sản Nga Sô, sau mấy chục năm trời đã nhận
thức thế nào là thiên đường cộng sản để rồi phải đi đến giai đoạn “xét lại chủ
nghĩa” mà Mao Trạch Đông cho là: “Hữu danh là Cộng sản mà thực chất là Tư Bản”.
Tôi nhớ lại cái khuôn mặt đanh lại của tên thủ lãnh khi nhắc đến câu nói của
Kroutchev: “Có vũ khí hạt nhân rồi thì chiến tranh nhân dân chỉ là đống thịt
người: “Câu nói này đã minh chứng thế nào là cộng sản Nga Sô và thế nào là cái
giá trị của Lâm Bưu trong cái mơ hồ, ngoan cố của thiên đường cộng sản. Tôi
tiên đoán trong những ngày cuối cùng của sự già nua, có lẽ rồi Mao Trạch Đông sẽ
được cái hân hạnh của hàng bao những Lâm Bưu, Lưu Thiếu Kỳ đứng lên từ giai cấp
công nhân lật đổ cái vàng son hiện hữu để tái tạo một Trung Hoa với quyền sống
của con người …
Tôi không bao giờ quên được cái khuôn dáng và cái bản chất chân thực thuần
túy Á Đông của một ông Sĩ quan quản gia chăm sóc chúng tôi và một binh sĩ nấu
ăn. Họ đúng là người Trung Hoa thực sự đúng nghĩa nhất. Bởi phải chăng cái bản
chất của con người vẫn là của con người, mặc dù có sống trong giả tạo của môi
trường sống bịp bợm. Tôi nghĩ chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng nói lên phần nào sự
suy luận khách quan của mình về người dân Trung Hoa, họ sống như vậy đã đành, đến
khi chết vẫn không được toàn thây. Xác họ phải đốt thành tro và cái mớ tro tàn
cuối cùng đó có tác dụng gì trước cái luận lý thực tiễn của một lục địa vĩ đại
thiếu màu mỡ …
Tôi rùng mình sợ hãi như nhớ đến sự ghê tởm của cuốn phim mà Cộng sản Trung
Hoa Lục Địa cho là “Những nghệ thuật của Lao động” khi đào các mồ mả của những
vị vua chúa đáng gọi là những bậc minh quân của Trung Hoa để kiếm tìm những di
vật để lại theo cổ truyền mà nói lên cái bàn tay khéo léo của lao động cũng như
gây lòng căm thù trong đám quần chúng u mê trước các vị tiền nhân của một nền
văn minh huy hoàng đã sụp đổ.
Thời gian thấm thoát trôi qua, chúng tôi đã hít cái bầu không khí của vầng
hồng cách mạng này hơn ba tuần lễ. Hôm nay tôi thấy họ có những khuôn mặt đăm
chiêu tư lự, tôi nghĩ thầm lại một biến cố gì chăng. Và quả nhiên, chúng tôi được
tập họp cấp thời tại phòng ăn. Trong phòng đã được trang trí tươm tất với hàng
bàn ghế có khăn trải trắng tinh. Tôi khựng người lên vì cũng cái khung cảnh như
thế này mà một Đại úy Mỹ, 5 người tù binh bị thương đã về đợt trước. Tôi còn nhớ
cũng vì có người Mỹ mà bao nhiêu cán bộ quắc mắt, xừng xộ nắm tay giá vào mặt
tôi khi tôi hỏi: “Thưa các ông, tại sao lại thả người tù binh sớm như vậy? Phải
chăng Trung Quốc sợ áp lực của Đế Quốc Mỹ?” Thú thật hôm đó thấy chúng làm dữ
quá tôi phải xin lỗi để thỏa mãn tự ái của chúng, tôi ngoan ngoãn chăm chú lắng
tai nghe chúng thuyết về “Đế quốc và tập đoàn phản động là con hổ giấy”.
Còn đang ưu tư thì một cán bộ đứng lên hô “Nghiêm”. Tất cả chúng tôi giựt
mình đứng dậy, vị thủ lãnh cùng toàn thể cán bộ Trung Ương Đảng trại Thu dung
Tù binh Quảng Châu ngồi xuống hàng ghế danh dự. Sau đó, phái đoàn báo chí cũng
như đài vô tuyến truyền hình tới quay phim, chụp hình lia lịa. Và toàn thể toán
tù còn lại của chúng tôi đứng tim khi nghe xong bản tuyên bố của bộ ngoại giao
Trung Cộng nói với nội dung: “Đúng 12 giờ trưa ngày 17-2-1974, Trung Quốc sẽ
trao trả toàn bộ 43 bù binh còn lại cho Ủy Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế tại Hồng
Kông
…” Rồi tất cả chúng tôi dự một buổi phát biểu cảm tưởng tự do với đầy đủ kẹo
bánh, trái cây trên bàn. Những giờ phút cuối cùng này, chúng tôi thực tình cởi
mở … Tôi phải bị đề cử lên hướng dẫn 43 tù binh ca bài Việt Nam Trung Hoa, nội
dung bài ca này nói đại khái Việt Nam Trung Hoa nối liền núi, sông liền sống
chung một biển đông mối tình hữu nghị sáng như rạng đông … Và từ đáy thẳm tâm hồn,
tôi cũng ao ước rằng bao giờ không còn sự tranh chấp của ý thức hệ, tất cả những
người da vàng đoàn kết lại một khối với tình thương yêu đồng chủng để sống mãi
với bản chất cần cù đôn hậu của người Á Đông …
Một cán bộ có lẽ bị xúc động với những gì bản nhạc đã đứng dậy nói: “Thưa
các bạn, thưa các đồng chí. Tôi ao ước rằng ngày này các bạn sẽ trở lại thăm
chúng tôi với một tư cách khác nghĩa là khi MTGP miền Nam của các bạn thành
công, lúc đó tôi sẽ …”
Rồi dường như xúc động quá, hắn nói không nên lời. Chúng tôi đang vui trong
cái tình cảm của con người bỗng tư tưởng chính trị nhảy vào làm xìu bao nét mặt.
Anh chàng này thiệt ấm ớ quá, sao anh không vui bằng những gì bộc lộ của tình cảm,
và anh đâu có biết chúng tôi đang sung sướng vì sắp trở về với gia đình. Các
anh cười chúng tôi khi mỗi lần nhắc tới gia đình là chúng tôi rưng lệ. Vâng,
gia đình là nền tảng của xã hội, chúng tôi bằng an trong mái ấm gia đình hơn là
sống trong chủ nghĩa quá mơ hồ khó thực hiện …
Kìa anh thấy không, vị thủ trưởng cũng xìu nét mặt vì cái ý thức chính trị
không đúng chỗ của anh rồi đấy. Vâng, trong niềm vui của ông ta, tôi chắc chắn
không phải hoan hỉ vì chính sách khoan hồng tù binh đâu mà tôi tin chắc rằng
ông ta đang chung vui bằng cái niềm vui của chúng tôi nghĩa là sự đoàn tụ của
gia đình. Anh kém tinh tế quá, đúng là cán bộ hạng bét, anh nhìn kỹ đi, anh sẽ
thấy sau những chớp mắt kia, ông ta đang mơ mộng đấy. Ông ta thấy mình cũng vào
trường hợp như chúng tôi và đôi mắt đẫm lệ của người vợ hiền cùng bày con thơ
như đưa ông vào nỗi xúc động không cùng …
Vâng, đó mới là nguồn sống ông nghĩ thế và ngoái cổ nhìn xung quanh, ông ta
không thấy một dấu hiệu nào mừng đón của Đảng mà chỉ có vợ con ông cùng một bà
cụ già bên cạnh người mà trước kia ông từng cho là ngoan cố lạc hậu… Nhưng anh
đồng chí ấm ớ ơi, anh đã thức tỉnh giấc mộng đẹp của ông ấy rồi, anh đã lôi ông
ấy về với chức phận một cán bộ cao cấp của cục trung ương Đảng Bắc Kinh, để ông
ấy sắp sửa lại phải che đậy những tình cảm cao quý của bản thân mà giáo huấn những
điều chính ông cũng cảm thấy dư thừa, không hợp lý. Nhưng anh đồng chí ấm ớ ơi,
tuy anh là cấp dưới mà anh vừa chiến thắng được một thượng cấp đấy và ngược lại
anh đã làm cho ông ấy nổi giận, kể từ ngày mai anh phải coi chừng và đừng nghĩ
mình phải bị la rầy một cách vô lý …
Tôi nhìn lại chiếc giường lần cuối cùng, đêm qua đã mất ngủ để chuẩn bị đồ
đạc cũng như tâm sự vụn với đồng chí quản gia người mà tôi thích nhất vi ông ta
đúng thực là một người Tàu chất phác, chân chính, hiếu khách và tốt bụng. Các
cán bộ cũng thức dậy thật sớm để thi hành nhiệm vụ cuối cùng sau hơn ba tuần lễ
miệng lưỡi Tô Tần chinh phục bọn tôi.
Chúng tôi được đưa lên xe buýt chở lên nhà ga xe lửa Quảng Châu, sau đó, một
toa xe hạng nhất dành sẵn cho bọn chúng tôi. Chúng tôi lên xe, và nơi đây có Hội
Hồng Thập Tự Trung Cộng săn sóc cũng như yêu cầu chúng tôi có những điều kiện
gì muốn nói với Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế thì họ sẽ chuyển lời. Chúng tôi không
ai có ý kiến gì cả. 10 giờ ngày 17-2-1974, xe đỗ ga Thẩm Xuyến, chúng tôi được
đưa lên một khách sạn và ăn bữa cơm cuối cùng gọi là tiệc ly. Sau đó, chúng tôi
được dẫn đến một phòng đợi tại đầu cầu biên giới. 12 giờ Hội Hồng Thập Tự Quốc
Tế sang nhận lãnh. Rồi chúng tôi lặng lẽ bước qua cầu…
Vừa sang bên cầu, chúng tôi được ông Đại sứ Việt Nam tại Hồng Kông tiếp
đón, ông nói: “Nhân danh là một Đại sứ của tòa lãnh sự Hồng Kông, tôi thay mặt
cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa hân hoan chào đón những anh hùng …”
Chúng tôi, 43 người bật khóc. Vâng, không hiểu tại sao mình lại xúc động đột
ngột như vậy, một khơi động nào đã làm nguồn tình cảm dạt dào miên man trôi
theo giòng lệ. Tôi thấm nước mắt leo lên xe buýt về phi trường Hồng Kông. Nơi
đây, vị Tư Lệnh Phó HQ, Đề Đốc Lâm Nguơn Tánh tiếp đón chúng tôi niềm nở, và
khoảng 2 giờ 15 phi cơ bắt đầu cất cánh. đúng 4 giờ 25 phút, phi cơ đáp xuống
phi trường Tân Sơn Nhất, một cảnh xúc động vô cùng diễn ra, hàng ngàn người đủ
mọi thành phần mừng đón chúng tôi trở về với Tổ Quốc và mái ấm gia đình…
Tôi như lạc vào trong mơ, ngơ ngẩn trước rừng người. Trung tướng TCCTCT
thân mật bắt tay cùng phát quà và bao nhiêu giới chức nữa, cơ hồ tôi không thể
nhớ … Tôi gặp lại đầy đủ thân nhân cùng bạn bè mừng mừng tủi tủi sau bao ngày
trông tháng đợi …
Bây giờ hồi tưởng lại bao ngày gian lao qua đi, tôi chợt thấy mình trong
cái rủi lại có một cái may, may là mình đã được diễm phúc chui vào cái hỏa ngục
vĩ đại mà trước một áp lực nào, bọn quỷ đỏ đã phải buông tha. Chúng tha trong
nuối tiếc của kẻ khát máu mà phải nhịn để chỉ biểu lộ sự thèm thuồng bằng câu:
“Các anh là người đầu tiên đặt chân lên lục địa chúng tôi và cũng là những
người duy nhất đầu tiên của Ngụy quyền Sài Gòn có đến và có về. Nếu lần thứ hai
trong các anh hoặc bất cứ một người miền Nam nào chẳng may mà gặp chúng tôi thì
các anh chỉ có đi mà chẳng có đường về …”
Vâng, các người đừng phô trương cái khát máu của các người ra làm gì, 27
ngày thôi cũng quá đủ cho một người dù là kém thông minh như tôi nhận thức được
thế nào là mặt thực của xã hội chủ nghĩa.
Bí Thư Thắng
Ghi chú
[1] Cũng Nguyên Nhi, một đồng-đội cũ HQ.4, khi tưởng nhớ về chiến-hạm lúc
Ông nằm tù cải-tạo như sau: …Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, con tàu nằm đại
kỳ ở hải xưởng. Con kình ngư một thời lướt sóng ngăn thù ấy bây giờ đành ngậm
ngùi mắc cạn. Nó không còn cơ hội vượt trùng lưu- vong. Nó, cũng như anh ta, nằm
lại, nghẽn thở trong chiếc thòng lọng đỏ. Sau này, anh ta viết:
Ðể khắc khoải đêm sâu tù cải tạo
Nghe thinh không thảng thốt một hồi còi... (Nguyên Nhi, 5.2001)
Chân tướng HCM:
1/ Trên trang nhà: http://www1.archives.gov.vn/TrienlamTQ/Program/Chude1_8.asp,
nhà nước ta khoe năm 1939 Hồ quang = HCM được 38 tuổi. Bài này bị lấy xuống khi
đơn xin học của Nguyễn tất Thành được tìm tháy.
2/ Trong đơn xin học, Nguyễn tất thành ghi rõ sinh năm
1892. Như vậy NTT lớn hơn Hồ quang 9 tuổi.
No comments:
Post a Comment