Tuesday, January 15, 2019

Bên Thắng Cuộc (6/7)/Quyền bính (2/3)

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013
Tướng Giáp
(Tiếp theo)

“Nhà thơ làm kinh tế
Thống chế đi đặt vòng”

Câu thơ dân gian trích dẫn trên nói lên tình hình quyền bính tại Việt Nam vào năm 1983: Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao kiêm nhiệm chức chủ tịch Ủy ban Quốc gia về sinh đẻ có kế hoạch trong khi nhà thơ Tố Hữu vào Bộ Chính trị giữ chức Phó thủ tướng thường trực với cuộc cải cách “giá-lương-tiền”. Người dân miền Bắc còn đặt thơ:

“Xưa làm bộ trưởng quốc phòng
Nay làm bộ trưởng đặt vòng tránh thai”

Đối với những người không thích ông Giáp, họ cho rằng ông “khiếp nhược”, không có một hành động gì dù nhỏ nhất như là từ chức hoặc xin về hưu để tỏ thái độ phản đối, và giữ gìn khí tiết của một vị tướng. Những người thích ông lại cho rằng ông là người triệt để thực hiện chữ Nhẫn trong suốt cuộc đời mình vì lợi ích chung của dân tộc.

Đối với một vài “đồng chí” đã từng sát cánh trên chiến trường Điện Biên Phủ với ông cũng bày tỏ thái độ bênh vực khi ông bị “thất sủng”. Bên Thắng Cuộc dẫn một chi tiết khá lý thú về 2 vị tướng Điện Biên:

“… Khi Đại tướng Hoàng Văn Thái [1] công bố hồi ký ‘Điện Biên Phủ-Chiến Dịch Lịch Sử’, đăng nhiều kỳ trên báo Quân Đội Nhân Dân, trong mấy kỳ đầu, tờ báo này đã tự ý cắt bỏ tên của Tướng Giáp. Khi có sự kiện bắt buộc phải nhắc đến vai trò của ông, báo Quân Đội Nhân Dân bèn gọi theo chức vụ “tổng tư lệnh” hoặc “bí thư Tổng Quân ủy” thay vì gọi “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” hoặc “anh Văn” thân mật. Tướng Hoàng Văn Thái nổi giận đòi ngưng, tên của Tướng Giáp thỉnh thoảng mới xuất hiện trở lại trên tờ Quân Đội Nhân Dân trong hồi ký của ông Hoàng Văn Thái”.


Hai Tướng Võ Nguyên Giáp & Hoàng Văn Thái

Sau khi Tướng Giáp rời khỏi Bộ Quốc phòng, báo chí nhà nước không bao giờ gọi ông là “đại tướng”. Nhưng, cũng trong suốt thời gian ấy, Võ Nguyên Giáp gần như rất ít khi rời khỏi bộ quân phục của mình. Trong những chuyến công du hiếm hoi mà ông được cử, Võ Nguyên Giáp luôn mặc bộ lễ phục cấp tướng màu trắng.

Ông vẫn sống trong biệt thự 30 Hoàng Diệu. Quân đội, ngay cả trong thời kỳ Lê Đức Anh làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vẫn giữ lực lượng vệ binh gác nhà ông. Nhưng, cao hơn cả mọi nghi lễ là sự ngưỡng mộ mà các tướng lĩnh, quân đội, cũng như đa số dân chúng dành cho ông.

Tên tuổi Tướng Giáp càng bị biên tập khỏi các trang báo Nhân Dân thì nhân dân lại càng nhắc đến ông trong đời thường của họ. Là một ông thầy dạy sử, có lẽ Tướng Giáp biết được vị trí trong lịch sử của mình. Ông đã đi qua những tháng ngày bị xếp xuống hàng cuối cùng trên những lễ đài, tuy lặng lẽ nhưng sừng sững.

Blog Mai Thanh Hải (http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2011/08/chu-nhan-trong-cuoc-oi-ai-tuong.html) trích dẫn bài viết của Đào Tuấn: “Đến nay, vẫn còn tồn tại trong dân gian câu chuyện về ‘Bài thơ chữ Nhẫn’ mà cứ 10 người thì 9 cho rằng đó là bài thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người còn lại chắc không biết là của ai). Có những câu thế này:

“Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi nhẫn để vẹn toàn
Có khi nhẫn để chớ tàn sát nhau”. 

Trên tạp chí ‘Thế giới trong ta’, Giáo sư Trần Văn Hà (người cháu, gọi giáo sư Trần Lê Nhân là bác ruột) đã kể lại trong một dịp đến chúc tết “Thầy Võ”, Giáo sư đã đọc để Đại tướng nghe bài thơ “Nhẫn” này. Còn Đại tướng khi nghe xong thì vẩn vơ, dáng vẻ trầm ngâm. Nhưng thôi, dù là thơ của ai thì Nhẫn vẫn là một chữ cả đời phải học, dùng trăm năm không cũ, không hết”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhớ lại: Năm 2004, vào dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đã có dịp hỏi Đại tướng về một trong những nhiệm vụ dân sự mà ông đã đảm nhiệm là Chủ tịch Ủy Ban Quốc gia Dân số và  sinh đẻ có kế hoạch. Tôi tưởng đấy là câu hỏi “nhạy cảm” nhưng ông cười và trả lời:

“Chắc có nhiều điều thêu dệt lắm phải không? Thực ra, khi đó, chính anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) trực tiếp “nhờ” tôi gánh vác vì theo tập quán quốc tế, với vấn đề quan trọng này thì phải cấp Thủ tướng phụ trách mà anh Tô quá bận. Đối với tôi, đấy là một nhiệm vụ, mà đã là nhiệm vụ thì phải hoàn thành...”.


Trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991, Tướng Giáp được chỉ định về ứng cử đại biểu đi dự Đại hội tại Đảng bộ Nghệ Tĩnh. Huy Đức kể lại,

“Cuối tháng 4/1991, ông vào Vinh dự họp với Đoàn đại biểu Tỉnh. Tới nơi thì đã quá trưa. Đợi vị tướng già cơm nước xong, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh Nguyễn Bá mới trao tận tay bức điện “khẩn tuyệt mật” của Ban Bí thư do ông Nguyễn Thanh Bình ký. Không được phép họp với Đoàn, Tướng Giáp bị yêu cầu phải trở ra Hà Nội ngay trong chiều hôm đó”.

Năm ấy Tướng Giáp đã 80 tuổi, đoạn đường Vinh - Hà Nội dài hơn 300 km nhưng khá gian truân vì bụi bặm và dằn xóc. Đọc xong bức điện “khẩn tuyệt mật”, Tướng Giáp trở về phòng, viết mấy dòng cáo lỗi gửi Đoàn đại biểu Nghệ Tĩnh rồi lại lên xe về Hà Nội. Tại đây, ông sẽ phải ra trước Hội nghị Trung ương 12, đối diện với những cáo buộc chính trị mà về sau được gọi là vụ “Năm Châu - Sáu Sứ”. 

Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 12, Khóa VI, ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng Ban Tổ chức, thay mặt Bộ Chính trị báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương một văn bản tuyệt mật nói rằng:

“Một vụ bè phái vi phạm nguyên tắc Đảng hòng chi phối vấn đề bố trí nhân sự cấp cao đang diễn ra. Những người tham gia bao gồm Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà, cùng một số cán bộ cao cấp khác”.


Tướng Giáp thị sát thị xã Cao Bằng
(1950)

Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách an ninh, Trung tướng Võ Viết Thanh, là một trong những người đóng vai trò quan trọng trong việc điều tra vụ “Năm Châu – Sáu Sứ” kể lại:

“Nghe ông Tâm nói, có cảm giác như đang có một âm mưu đảo chính để đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên làm chủ tịch nước sau đó thay ông Linh làm Tổng Bí thư; đưa Trần Văn Trà lên làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thời gian trước Hội nghị Trung ương 12, ông Trà bị triệu tập ra Hà Nội và bị giữ lại ở Nhà khách số 8 Chu Văn An. Văn bản tuyệt mật này được phổ biến tới thường vụ các tỉnh, thành, bằng cách cho đọc nguyên văn nhưng bị cấm sao chép”.

Bên Thắng Cuộc cũng trích dẫn lời của Tướng Đồng Sỹ Nguyên, ủy viên Bộ Chính trị Khóa VI: “Lật đổ là một câu chuyện bịa đặt. Ông Giáp không chỉ là một đại tướng mà xứng đáng là một đại nguyên soái. Một người không chỉ coi trọng sinh mạng binh sỹ mà còn đặt danh dự của tổ quốc lên trên. Ông là một người thận trọng”. 

Gần tới ngày Đại hội, Bộ trưởng Nội vụ Mai Chí Thọ triệu tập một cuộc họp kín, trong buổi họp có các thứ trưởng Cao Đăng Chiếm, Phạm Tâm Long, Bùi Thiện Ngộ, Võ Viết Thanh. Ông Mai Chí Thọ nói:

“Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh giao nhiệm vụ cho Bộ Công an làm rõ sai phạm của anh Giáp và anh Trà để xử lý cả về mặt Đảng và Nhà nước. Bộ chỉ đạo anh Võ Viết Thanh đảm nhiệm việc này”.

Cả bốn vị thứ trưởng nghe đều phân vân, lo lắng. Ông Võ Viết Thanh nói:“Đề nghị Bộ trưởng trình bày lại với Tổng Bí thư đây là những người có công với nước, nếu có sai thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác minh làm rõ còn khi đã chuyển công an thì phải có dấu hiệu phạm tội”. Nhưng Mai Chí Thọ dứt khoát: “Chúng ta phải thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư”.

Ông Võ Viết Thanh nói tiếp: “Nếu phải điều tra, tôi đề nghị nên giao cho anh Cao Đăng Chiếm hoặc anh Bùi Thiện Ngộ vì hai anh có kinh nghiệm trong ngành hơn tôi. Tôi không từ chối, nhưng tôi biết bản báo cáo của đồng chí Nguyễn Đức Tâm lấy nguồn tin từ một số người không tốt trong Cục II, Bộ Quốc phòng. Tôi cũng biết người đẩy ra vụ này là Đoàn Khuê. Cá nhân tôi với Cục trưởng Quân báo Tư Văn và Cục phó Vũ Chính có ý kiến khác nhau trong một số việc như: lợi dụng nghiệp vụ đi buôn lậu; tổ chức cài đặc tình vào nội bộ… Bây giờ nếu tôi làm vụ này nữa thì rất căng với Cục II”.

Mai Chí Thọ gắt: “Ông phụ trách an ninh, không làm thì ai làm”. Võ Viết Thành đành nói: “Tôi xin chấp hành”.

Ông Võ Viết Thanh kể tiếp: “Ngày 14/5/1991, tôi ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Sứ [1]. Anh em thi hành không bắt tại nhà vì sợ động mà bắt bí mật, đưa về 258 Nguyễn Trãi.

Vừa vào trại, Sáu Sứ hỏi: ‘Các anh ở phía nào?’.

Anh em dằn mặt: ‘Chị không được phép hỏi như thế, chúng tôi là cơ quan an ninh, yêu cầu chị nói hết’.

Sáu Sứ trả lời: ‘Tôi là người Cục II, yêu cầu được nói chuyện điện thoại với Tư Văn, Vũ Chính’.

Anh em an ninh nói: ‘Chị là người phạm pháp, chị không được phép gặp ai cả’.

Trong một ngày Sáu Sứ khai hết”.


Tướng Giáp gặp cựu bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara
(23/6/1997)

Nhân vụ Sáu Sứ, họ còn lật lại hồ sơ vụ ‘chống Đảng năm 1967’, đưa ra tài liệu cũ của Lê Đức Thọ, đây cũng là một vụ án được dựng lên. Ông Võ Viết Thanh kể thêm:

“Tại hai Hội nghị 12 và 13 của Ban Chấp hành Trung ương, nhiều vị tướng trong Quân đội hết sức bức xúc, đứng lên phát biểu bảo vệ Tướng Giáp. Cụ Võ Nguyên Giáp cay đắng: Đến một vị tướng đã đánh thắng Điện Biên Phủ mà người ta vẫn vu cho là con nuôi của mật thám Pháp”.

Không hề có một tổ chức nào do Tướng Giáp đứng đầu như báo cáo của Nguyễn Đức Tâm đề cập. Sáu Sứ khai được Vũ Chính cấp tiền, cấp xe và đi gặp vị tướng nào, nói gì là đều theo chỉ đạo của Cục II. Thông qua một người tên là Năm Châu, từng công tác chung với ông Thanh Quảng, nguyên là thư ký của Tướng Giáp, Sáu Sứ được đưa tới nhà Võ Nguyên Giáp cùng một số cựu chiến binh.

Hôm Sáu Sứ đến, Tướng Giáp đang ăn, nghe có đoàn Cựu chiến binh, ông dừng bữa cơm để tiếp. Sáu Sứ mang theo một giỏ trái cây vào tặng rồi xin Tướng Giáp cùng chụp ảnh với đoàn cựu chiến binh. Toàn bộ cuộc gặp chỉ có vậy nhưng Sáu Sứ báo cáo: “Cụ Giáp đã đồng ý với kế hoạch”.

Theo ông Võ Viết Thanh: “Băng ghi âm cuộc nói chuyện của Sáu Sứ ở nhà Tướng Giáp nghe không rõ nhưng Cục II vẫn xào nấu thành một bản báo cáo, theo đó: Đang có một vụ đảo chính, một vụ bè phái trong Đảng hòng chi phối vấn đề bố trí nhân sự cấp cao trước Đại hội VII do Tướng Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà cùng một số cán bộ cao cấp khác tiến hành. Bản báo cáo này trở thành cơ sở để Trưởng Ban Tổ chức Nguyễn Đức Tâm báo cáo trước Hội nghị Trung ương 12 về Tướng Giáp”.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Huyên, Chánh Văn phòng Tướng Giáp, từ Hội nghị Trung ương 12 về nhà nghỉ trưa, Tướng Giáp hỏi: “Cậu có nhớ ai tên là Năm Châu từng ở Nam Bộ ra đây gặp mình không?”. Ông Huyên nhắc lại sự việc xong, Tướng Giáp ăn cơm rồi đi ngủ. Đến cận giờ họp buổi chiều, ông Huyên vào phòng thấy Tướng Giáp vẫn ngáy khò khò, ông Huyên hỏi: “Việc đang thế này mà anh cũng ngủ được à?”. Tướng Giáp cười: “Cây ngay không sợ chết đứng”.


Tướng Giáp
(2008)

Trong khi đó, ngay sau khi Sáu Sứ bị bắt vào ngày 15/5/1991, theo ông Võ Viết Thanh, Cục II rúng động, Cục trưởng Tư Văn đổ bệnh. Trong ngày ông Võ Viết Thanh cầm bản cung của Sáu Sứ bay ra Hà Nội, 17/5/1991, Tướng Lê Đức Anh viết một bức thư cực ngắn: “Kính gửi: Bộ Chính trị. Tôi xin không ứng cử vào Quốc hội khóa IX. Xin cám ơn Bộ Chính trị. Kính! Lê Đức Anh”.

Do căng thẳng, Tướng Lê Đức Anh ngay sau đó bị đột quỵ. Bác sỹ Vũ Bằng Đình, người trực tiếp cấp cứu, nói: “Ông Lê Đức Anh bị xuất huyết dạ dày, huyết áp tụt xuống bằng 0, hồng cầu chỉ còn một triệu. May mà cấp cứu kịp”.

Cũng theo ông Võ Viết Thanh: “Ra Hà Nội, tôi làm báo cáo đưa ông Mai Chí Thọ đề nghị Bộ trưởng ký. Ông Mai Chí Thọ nói: ‘Cậu ký luôn, gửi và trực tiếp báo cáo anh Linh’. Ngay chiều hôm đó, Chánh Văn phòng Trung ương Hồng Hà xếp lịch gặp Tổng Bí thư. Nghe tôi báo cáo xong, ông Linh không nói gì”.

Nhưng, sáng hôm sau thì nhận được ‘điện mật’ của Văn phòng yêu cầu các nơi ngưng phổ biến và gửi trả văn bản do Nguyễn Đức Tâm ký về Văn phòng Trung ương. Sau đó, Trung ương không có một lời nào nói lại với Tướng Giáp, còn Tướng Trần Văn Trà thì vẫn bị giữ lại ở số 8 Chu Văn An.


Bên Thắng Cuộc trình bày diễn tiến theo lời kể của Võ Viết Thanh: “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã không đưa kết luận về vụ Sáu Sứ ra báo cáo trước Hội nghị Trung ương và ngay cả các ủy viên Bộ Chính trị cũng không mấy ai biết”. Thái độ của Tổng Bí thư như một tín hiệu để ngay lập tức ông Võ Viết Thanh nhận được đòn “đánh dưới thắt lưng” của Cục II.

“Trước phiên họp cuối cùng của Hội nghị trù bị, Hồng Hà, Chánh Văn phòng Trung ương đưa tôi miếng giấy, ghi: ‘Đề nghị đồng chí Võ Viết Thanh đến giờ giải lao ra gặp Bộ Chính trị và Ban Bí thư có việc riêng’. Tôi tới phòng làm việc của Đoàn Chủ tịch Đại hội, thấy Võ Chí Công, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Khuê, Nguyễn Quyết, Nguyễn Thanh Bình đang chờ. Mặt Đoàn Khuê hằm hằm, Võ Chí Công và Nguyễn Đức Tâm nói ngắn gọn: ‘Chúng tôi thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, báo đồng chí hai nội dung.

Trước hết, xin chuyển tới đồng chí nhận xét của Bộ Chính trị: Đồng chí là một cán bộ cao cấp còn trẻ, công tác tốt, rất có triển vọng, nhưng rất tiếc, chúng tôi vừa nhận được một số báo cáo tố cáo đồng chí hai việc:

Một, ngay sau giải phóng, đồng chí có cho bắt hai cán bộ tình báo của Bộ Quốc phòng và từ đó hai cán bộ này mất tích; hai, cái chết của cha mẹ đồng chí là bị ta trừ gian, chứ không phải do địch giết. Vì vậy, chúng tôi đành phải rút đồng chí ra khỏi danh sách tái cử vào Trung ương khóa VII”.

Ông Võ Viết Thanh nhớ lại:
“Tôi hết sức bất ngờ. Khi nghe xúc phạm đến ba má tôi thì tôi không còn kiềm chế được. Trong cặp tôi lúc đó có một khẩu súng ngắn, tôi đã định kéo khóa, rút súng ra bắn chết cả ba ông rồi tự sát. Nhưng, tình hình lúc đó, nếu tôi làm thế là tan Đại hội. Tôi cố nuốt cơn tức giận”. 

Cho dù giữ mình để bảo vệ Đại hội, tương lai chính trị của ông Thanh đã coi như khép lại. Ông nói: “Nếu tôi cứ nghe lời khuyên, kết luận giống như bản báo cáo của Nguyễn Đức Tâm, thì tôi sẽ được thăng chức, đề bạt nhưng rồi tôi lại phải dấn vào bước thứ hai là ra lệnh bắt oan Tướng Trà và Tướng Giáp. Làm thế, thì lương tâm sẽ giết dần, giết mòn tôi”.

Năm ấy, Tướng Giáp vừa tròn 80 tuổi. Ông không nằm trong bất cứ cơ cấu nhân sự nào, vụ “Năm Châu - Sáu Sứ”, nếu thành, chỉ có thể hạ bệ uy tín của ông trong Đảng. Khi Võ Nguyên Giáp đã là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Lê Đức Anh chỉ mới là một cán bộ ở cấp tiểu đoàn. Có lẽ sự mặc cảm trước uy danh của Tướng Giáp có thể được tích tụ thông qua hai người đã cất nhắc Lê Đức Anh: Lê Duẩn và, đặc biệt là, Lê Đức Thọ.


Tướng Giáp ngồi chờ tàu ở ga Geneva để đến Zurich
(Ngày 21/9/1996)

Trong “chiến tranh giải phóng miền Nam”, cho dù Tướng Giáp vẫn là bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tổng tư lệnh, bí thư Tổng Quân ủy, nhưng theo Đại tá Lê Trọng Nghĩa:
[color=red][b]“Thay vì ông Giáp là người quyết định, ông Lê Đức Thọ có sáng kiến lập ra Tổ năm người giúp Trung ương chỉ đạo tác chiến miền Nam gồm: Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng và Lê Đức Thọ. Trong tổ này, ông Giáp chỉ còn một phiếu”. [/color][/b]

Sau Đại hội Đảng lần thứ VII, năm 1991, Tướng Giáp chính thức rời khỏi chính trường. Cho dù vụ “Năm Châu-Sáu Sứ” chỉ là một vụ án được dựng lên, Bộ Chính trị đã chưa một lần minh oan như ông đề nghị. Mãi tới năm 1994, trong lễ “kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”, tên tuổi của ông mới chính thức được nhắc lại trong một “diễn văn nhà nước”. Đó là bài diễn văn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc vào tối 6/5/1994:

“Xin chào mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời đó là tổng tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, người đã chấp hành triệt để và sáng tạo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch, chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành toàn thắng”.

Huy Đức nhận định: “Mưu lược và quyết liệt không chỉ trong những cuộc chiến quy ước như Điện Biên Phủ, năm 1946, khi Hồ Chí Minh đi Pháp nhân Hội nghị Fontainebleau, ở Hà Nội, Tướng Giáp đã cùng với Trường Chinh thanh trừng đối lập gần như triệt để. Nhưng trước những đối thủ chính trị nhân danh Đảng, Tướng Giáp trở nên cam chịu và thụ động. Có lẽ lòng trung thành với tổ chức và ý thức tuân thủ kỷ luật đã rút đi thanh gươm trận của ông”. 


Tướng Giáp & Huy Đức

Nhiều người nể phục chữ Nhẫn của Tướng Giáp trước những phê phán gay gắt ngay từ những người “đồng chí” của mình. Theo những lời cáo buộc của họ, Tướng Giáp đã từng là “con nuôi của chánh sở mật thám Đông Dương, Louis Marty”, đã từng “bán bí mật quân sự cho Đại Sứ Liên Xô Serbakov” rồi thì “hèn nhát, sợ chết quanh quẩn trong hầm, không dám ra ngoài” trong chiến dịch Điện Biên Phủ hoặc Tết Mậu Thân 1968 “ông sợ Mỹ sẽ dùng bom nguyên tử đánh Hà Nội, nên xin đi nghỉ ở nước ngoài để lánh nạn”…

Ducan Townson, tác giả cuốn Những vị tướng lừng danh ca tụng ông: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzov, Jukov..., những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh.”

Nhà sử học quân sự Mỹ, Cecil Curay, trong tác phẩm Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam cho rằng: “Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại...

Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu trong tay chưa có quân, vậy mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế quốc Nhật Bản, quân đội Pháp và quân đội Mỹ…”

Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ (xuất bản năm 1993) nhận định: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử.   ”

***

Chú thích:

[1] Hoàng Văn Thái (1915–1986), Đại tướng và là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người có công lao lớn trong cuộc chiến chống thực dân Pháp cũng như có ảnh hưởng đối với cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, góp công trong nhiều chiến dịch quan trọng trong Chiến tranh Việt Nam như Chiến dịch Biên giới Thu đông 1950, Trận Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975).

Ông cũng là nhân vật chính trị cao cấp, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Đại biểu Quốc hội khóa VII, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa III, IV, V.

[2] Nguyễn Thị Sứ sinh năm 1934 tại Kiên Giang, thường trú tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Từng tham gia lực lượng Thanh niên Tiền Phong nhưng sau năm 1954 chọn ở lại miền Nam.

Dưới đây là đoạn trích thư gửi Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ngày 15/09/2010 của những đảng viên, cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu tại khu tập thể Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, 16A Lý Nam Đế - phường Hàng Mã - quận Hoàn Kiếm - Hà Nội về vụ Nguyễn Thị Sứ:

“Vụ Sáu Sứ đã được cơ quan chức năng làm rõ ràng: Đây là một vụ án dàn dựng công phu do Cục 2 chỉ đạo và trực tiếp là Tư Văn, Vũ Chính. Thủ đoạn của họ là làm tài liệu giả, dựng chứng cứ giả, làm cho dư luận xã hội ngộ nhận là có thật, đánh lừa dư luận xã hội, đánh lừa lãnh đạo cao nhất rồi dùng lãnh đạo cao nhất đánh ngược trở lại, hãm hại cán bộ, thanh trừng nội bộ. Từ các nguồn tin khác nhau đã gọt tỉa thêm bớt, làm ra thực chất là để vu khống đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Sáu Sứ đã đi gặp nhiều người và đã ghi âm tất cả 16 cuốn băng, đưa lên Ban Bí thư và Bộ Chính trị, băng ghi âm ấy được để trong một phòng tại hội nghị Trung ương lần thứ 12 (khoá 6). Nhiều đồng chí Trung ương (khoá 6) có đến nghe. Băng Sáu Sứ ghi trộm, nên nghe ồm ồm không rõ. Sau phải gỡ ra giấy. Nhiều đồng chí Trung ương (khoá 6) đã nói: Chỉ nghe toàn lời Sáu Sứ chứ có nghe thấy lời ông Giáp nói đâu.

Đứng trước tình hình phức tạp hồi đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có ý kiến với đồng chí Đại tướng Mai Chí Thọ lúc ấy đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ phải làm rõ vụ Sáu Sứ. Đồng chí Đại tướng Mai Chí Thọ đã chỉ thị cho các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ điều tra nghiên cứu. Theo chỉ thị của đồng chí Mai Chí Thọ, đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã cho tạm giữ Sáu Sứ để điều tra.

Vấn đề đặt ra là:

- Ai giao nhiệm vụ cho Sáu Sứ đi làm việc bí mật ghi này?
- Ghi rồi, Sáu Sứ chuyển cho ai để những kẻ đó gửi lên Ban Bí thư và Bộ Chính trị khoá 6? Trong lời khai của Sáu Sứ trước cán bộ điều tra của Bộ Nội vụ là: Khi ra Hà Nội, Sáu Sứ đã đến gặp Vũ Chính ở 34C Trần Phú (Những năm trước là trụ sở của Cục Nghiên cứu, tức là Tổng cục 2) để được sự chỉ đạo của Vũ Chính.
- Cũng theo lời khai của Sáu Sứ, các tài liệu thu được ở phía Nam thì giao cho Ba Tây (lúc đó là cán bộ Đoàn 817, ở phía Bắc thì giao cho chú Vịnh, để giao lại cho Vũ Chính”.

Tham khảo những chi tiết về vụ Sáu Sứ tại:

***
2 nhận xét:

Ngoc Chinh Nguyen14:02 7 tháng 10, 2013
Ngày 5/10/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương đã ra Thông cáo đặc biệt về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.

Toàn văn Thông cáo như sau:

“Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương, vô cùng thương tiếc báo tin:

Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh: Võ Giáp (bí danh: Văn); sinh ngày 25/8/1911, quê xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Do tuổi cao, sức yếu, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và tập thể các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế trong và ngoài quân đội cùng gia đình hết lòng chăm sóc, đồng chí đã từ trần hồi 18 giờ 09 phút, ngày 4/10/2013 (tức ngày 30 tháng 8 năm Quý Tỵ), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; hưởng thọ 103 tuổi.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục trên 80 năm, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Đại tướng đầu tiên và Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí được nhân dân yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân.

Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội ta.
Để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghi thức Quốc tang.

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
QUÂN ỦY TRUNG ƯƠNG

(Theo Chinhphu.vn)

Trả lời

Nặc danh14:50 28 tháng 10, 2013
vo nguyen giap ? Read this
Dân Làm Báo Blog - Đảng CSVN phiên bản của tình báo TQ


Dang CSVN a Version OfCSTQ_Full.pdf

Trả lời


No comments:

Post a Comment