Báo chí Việt-Nam (7/7): Báo chí thời VNCH
Báo chí thời VNCH
(3)
Các loại báo định kỳ thời
VNCH rất đa dạng về chủ đề dành cho các đối tượng người đọc. Thích văn chương,
thơ phú có thể tìm đọc Văn, Phổ thông, Văn nghệ Tiền phong… Một trong số các tạp
chí văn chương có nhiều người đọc nhất là tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng. Số
ra mắt từ năm 1964 và sống đến ngày cuối cùng của Sài Gòn. Văn do Trần Phong
Giao trông nom trong 10 năm đầu, đến 1974, chuyển lại cho Mai Thảo với chủ đề
báo “Tập san Văn chương, Tư tưởng, Nghệ thuật”.
Quầy báo Sài Gòn xưa
bán cả báo trong nước và
ngoài nước
Tạp chí Văn cũng quy tụ được
nhiều cây bút thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều khuynh hướng, từ Dương Nghiễm Mậu,
Thanh Tâm Tuyền đến Thế Uyên, Nguyễn Mạnh Côn, Bình Nguyên Lộc... Văn đặc biệt
quan tâm đến việc dịch thuật và giới thiệu văn học nước ngoài. Trần Phong Giao
vốn là một dịch giả nổi tiếng, còn có thêm Trần Thiện Đạo, sống ở Paris, dịch
và viết về những phong trào văn học đang thịnh hành ở Pháp.
Tạp chí Văn, số đặc biệt tưởng
niệm Nhất Linh
Đối với những người quan tâm
đến nghệ thuật sẽ có một số tạp chí chuyên về các bộ môn này như Điện ảnh, Màn ảnh,
Màn ảnh Kịch trường… Nổi bật nhất là các tạp chí khai thác mảng đề tài điện ảnh,
thường được gọi là “nghệ thuật thứ bảy” với đối tượng người đọc là giới trẻ ghiền
xinê. Thông tin tham khảo thường là các tạp chí điện ảnh của Pháp như Ciné
Monde, Ciné Revue… mảng điện ảnh trong nước cũng được khai thác triệt để về thị
trường phim trong nước cũng như cuộc đời của những tài tử nổi danh.
Tạp chí Màn Ảnh
Tân nhạc được gới trẻ quan
tâm, nhất là các vũ điệu mới xâm nhập từ Hoa Kỳ như Bebop, Twist, Limbo Rock… Cải
lương cũng là một đề tài thu hút nhiều người đọc để theo dõi các nghệ sĩ cải
lương trên sân khấu cũng như trong đời thường. Các loại tạp chí nghệ thuật xuất
hiện rất nhiều trên các sạp báo miền Nam, từ đó các phóng viên có thêm ngành
chuyên biệt như “ký giả kịch trường”, “ký giả điện ảnh”…
Độc giả nữ thường chọn cho
mình một trong số các tạp chí như Phụ nữ Diễn đàn, Phụ nữ Ngày mai… Báo dành
cho phụ nữ thường có những mục như làm đẹp, gia chánh dưỡng nhi, gỡ rối tơ
lòng, tâm tình cởi mở....
Phụ nữ Ngày mai
Trong Hồi Ký của mình, bà
Tùng Long, thư ký tòa soạn Phụ nữ Diễn đàn, viết về những kỷ niệm trong đời làm
báo:
“Có thể nói, tôi là người đầu
tiên khởi xướng viết mục Gỡ Rối Tơ Lòng và được đăng trên báo Saigon Mới vào
năm 1953. Nguyên nhân là vì lúc ấy để có tài liệu viết bài về phong trào phụ nữ
trên thế giới, tôi đã thường xuyên mua những tạp chí xuất bản ở Pháp. Trong đó
có mấy tờ tuần báo Marie Claire, Elle và La Femme.
Ngay ở trang đầu báo Marie
Claire có mục “Coeur à Coeur” (từ trái tim đến trái tim). Độc giả nữ tâm sự, hỏi
về những chuyện tình cảm và được một cây bút nữ trả lời ngắn gọn rất hấp dẫn.
Thấy vậy tôi bỗng nghĩ đến một số đông phụ nữ Việt Nam vẫn có những tâm sự
tương tự mà không biết hỏi ai nên liền đề nghị với bà Bút Trà, chủ nhiệm báo
Saigon Mới, để tôi viết mục Gỡ Rối Tơ Lòng và ký bút hiệu Tùng Long. Bà Bút Trà
đồng ý ngay và tờ báo liền quảng cáo về mục Gỡ Rối Tơ Lòng…”
Bà Tùng Long
Các tờ báo chính của quân đội
VNCH gồm các báo Chỉ Đạo, Phụng Sự, Tiền Tuyến, tuần báo Thông Tin Chiến Sĩ,
bán nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa (tiền thân là tờ Quân Đội) và nguyệt san Phụng
Sự. Những tờ báo này quy tụ các cây bút nhà văn quân đội hay quân nhân đồng hoá
như Nguyễn Mạnh Côn, Mặc Thu, Thanh Nam, Phan Nhật Nam, Thảo Trường, Phạm Huấn,
Văn Quang... Ngoài ra còn có tờ Cách mạng Quốc gia do chính quyền đương thời chủ
trương.
Cũng có những tạp chí rất “kén
chọn” người đọc, chẳng hạn như Tập san Sử Địa của nhóm giáo sư và sinh viên trường
Đại học Sư phạm Sài Gòn thực hiện, nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã chủ biên với sự bảo
trợ của nhà sách Khai Trí.
Tập San Sử Địa xuất bản hàng
quý (3 tháng mỗi kỳ) từ năm 1966 cho đến ngày Sài Gòn sụp đổ, tổng cộng 29 số
báo. Ban biên tập là các nhà nghiên cứu chuyên môn về sử ký và địa lý, bên cạnh
đó là sự góp mặt của các cây bút nổi tiếng như Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Hảo,
Vương Hồng Sển, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Đăng Thục, Thái Văn Kiểm, Phan Khoang…
Tập san Sử Địa số ra mắt năm 1966
Điểm nổi bật là trong số báo
cuối cùng (số 29, năm 1975), Tập san Sử Địa chọn chủ đề Đặc khảo về Hoàng Sa và
Trường Sa, quy tụ một loạt bài viết về những quần đảo của VNCH sau cuộc xâm
lăng của Trung Cộng năm 1974. Chủ biên Nguyễn Nhã có hai bài viết Thử đặt vấn đề
Hoàng Sa và Hoàng Sa qua vài tài liệu văn khố của Hội Truyền Giáo Ba Lê. Nguyễn
Nhã viết:
“Cách đây vừa đúng một năm,
vấn đề Hoàng Sa trở nên sôi động nhưng rồi có vẻ như bị chìm dần. Nhưng thật
ra, biến cố “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc” cưỡng chiếm Hoàng Sa đã, đang gieo
vào lòng người Việt Nam những khắc khoải, uất hận về thân phận nhược tiểu trong
khi anh em trong nhà thiếu đoàn kết. [Nguyễn Nhã ám chỉ miền Bắc VNDCCH bị ràng
buộc bởi thế liên minh với Trung Cộng trong cuộc chiến tranh Nam-Bắc vừa qua
nên nội bộ người Việt Nam “thiếu đoàn kết” trong vấn đề TC lấn chiếm Hoàng Sa
năm 1974].
"Dân tộc Việt Nam vốn
là một dân tộc anh hùng, nổi tiếng bất khuất, quyết liệt chống lại mọi hình thức
xâm lăng bất cứ từ đâu tới. Trong quá trình lịch sử, người Việt Nam có thể bị
thất bại, nhưng cũng chỉ tạm thời trong hàng chục năm, hàng trăm năm và có thể
tới hàng ngàn năm, nhưng rồi thời cơ tới, người Việt Nam vẫn còn dẻo dai quật
khởi và cuối cùng kẻ thù nào cũng bị đánh bại để Việt Nam tồn tại.
"Người Trung Hoa đang cố
gắng tạo hỏa mù về Hoàng Sa để dư luận thế giới lầm tưởng rằng quần đảo Hoàng
Sa chưa rõ ràng thuộc về nước nào, nên các quốc gia đã tranh chấp nhau, để rồi
kẻ mạnh đã dùng sức mạnh để thắng.
"Thật ra, việc Việt Nam
hành sử chủ quyền tại Hoàng Sa đã quá lâu và tiếp tục qua nhiều thế kỷ trước
khi người Pháp đến đô hộ Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều biết như vậy và các sử
liệu chữ Hán, Việt, Anh, Pháp mà trong số báo này đã phần nào đăng tải, đã chứng
minh việc hành sử chủ quyền của Việt Nam không thể chối cãi và không còn tranh
nghị nữa”.
Học giả Hoàng Xuân Hãn có
bài nghiên cứu mang tựa đề Quần đảo Hoàng Sa:
“Quần đảo Hoàng Sa là đất của
Việt Nam, hoặc nói cho hợp hơn, là đất của Đại Việt từ khi dân Việt định cư ở
phủ Tư Nghĩa, tức là đất Quảng Ngãi ngày nay.
"Bút chứng cũ nhất và đầy
đủ nhất thấy trong sách Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn soạn vào năm 1776, với những
tư liệu của các Chúa Nguyễn. Sau đó, các sử gia, địa gia đời vua Nguyễn đều dựa
theo đó và thêm thắt việc mới vào. Về đồ vẽ, các “bản đồ” và “lộ đồ” đời Lê cũng
có ghi một cách sơ sài cái “bãi cát vàng” hoặc “bãi Trường Sa” ấy”.
Thái Văn Kiểm đưa ra những
chứng cớ trong bài Những sử liệu Tây Phương minh chứng chủ quyền của Việt Nam
và quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa từ thời Pháp thuộc đến nay. Ngoài ra, còn có
các bài Hoàng Sa dưới mắt nhà địa chất H. Fontaine (của tác giả Lạp Chúc Nguyễn
Huy), Các văn kiện chính thức xác nhận chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Pháp thuộc tới nay (Bà và Ông Trần Đăng Đại), Nhận
xét về các luận cứ của Trung Hoa liên quan tới vấn đề chủ quyền hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa (Quốc Tuấn) và Hoàng Sa qua những nhân chứng (Trần Thế Đức).
Chúng tôi sẽ có bài viết
riêng về số báo chuyên đề về Hoàng Sa – Trường Sa của Tạp chí Sử Địa trong một
dịp khác. Bạn đọc có thể tham khảo các bài viết trong số 29 của Tạp chí Sử Địa
qua địa chỉ:
Giáo sư Phan Huy Lê, chủ tịch
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (sau năm 1975) đã nhận xét về Tập san Sử Địa của
VNCH:
“Tập san Sử Địa để lại cho
tôi những ấn tượng sâu sắc về tinh thần khoa học và ý thức dân tộc của những
người chủ trương tập san và các tác giả bài viết. Tính khoa học và tính dân tộc
là đặc điểm bao trùm của tập san. Nhiều bài viết trên tập san thật sự là những
công trình nghiên cứu có giá trị cao, sưu tầm tư liệu công phu, xử lý thông tin
khoa học, thái độ khách quan trung thực và nhất là góp phần dấy lên tinh thần
yêu nước, ý thức dân tộc và nêu cao các giá trị văn hóa dân tộc...”.
Số cuối cùng năm 1975 của Tập san Sử Địa:
“Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa”
Hiện tượng báo chí thuộc loại “lá cải” cũng đáng được ghi nhận trong làng
báo Sài Gòn. Các tờ báo này được đa số người đọc ưa thích vì thường đưa tin thời
sự “giật gân” và đăng các loại tiểu thuyết, truyện kiếm hiệp feuilleton. Mục
đích chính của chủ báo là khai thác thị hiếu của người bình dân để kiếm tiền. Số
lượng phát hành của loại báo này luôn luôn cao: Saigon Mới (65.000 bản), Tiếng
Chuông (60.000 bản), Tin Điển (40.000 bản)…
Trước 1954, Sài Gòn có hai tờ báo nổi bật là Thần Chung (Nam Đình làm chủ
nhiệm) và Tiếng Chuông (Đinh Văn Khai). Khi ông Ngô Đình Diệm về nước chấp
chính, tờ Thần Chung bị đóng cửa trong suốt 9 năm, mãi đến khi chính phủ quân
nhân lên nắm quyền mới được phép tục bản. Giấy phép chưa ráo mực, Thần Chung lại
bị đóng cửa một lần nữa vì lý do “thiên cộng”, cụ thể là trường hợp của ký giả
Nguyễn Kỳ Nam bị phát hiện là người của miền Bắc gài trong tòa soạn.
Đối với tờ Tiếng Chuông, ít ai ngờ là có một số ký giả “nằm vùng”. Mãi đến
sau này mới “ngã ngửa” là ký giả Nguyễn Văn Hiếu, tức Khải Minh, đã mang chức
Bí thư ban Trí vận thành ủy khoảng thời gian 1949-1957.
Tờ Buổi Sáng với số phát hành 25.000 bản có sự góp mặt của Trần Bạch Đằng
qua bút hiệu Tổng Tào Lao. Trong suốt cuộc chiến vừa qua, Trần Bạch Đằng lần lượt
đảm trách nhiều cương vị quan trọng của "phía bên kia" như bí thư
Thành ủy Sài Gòn, phụ trách Ban tuyên huấn Trung ương Cục, Ủy viên Đoàn chủ tịch
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông chính là tác giả Nguyễn
Trương Thiên Lý, người viết Ván bài lật ngửa xuất bản sau năm 1975.
Ván bài lật ngửa cũng được lên phim
nhựa, đen trắng, dài 8 tập, do Xí nghiệp phim Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
(nay là Hãng phim Giải Phóng) sản xuất trong những năm 1982-1987. Bộ phim mô phỏng
quãng đời hoạt động của các nhân vật gián điệp “nằm vùng” có thật ngoài đời.
Phim do Nguyễn Trương Thiên Lý viết kịch bản, Khôi Nguyên (tên mới của Lê
Hoàng Hoa trước 1975) đạo diễn, với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên
Nguyễn Chánh Tín (vai Nguyễn Thành Luân), ca sĩ Thanh Lan và Thúy An (vai nữ điệp
viên tình báo Thùy Dung, vợ của Nguyễn Thành Luân).
Bộ phim DVD “Ván bài lật ngửa”
Bên cạnh đó, còn một số không nhỏ những nhà văn, nhà báo có xu hướng “thân
cộng” được Hà Nội gọi là “thành phần tiến bộ”. Tuy không phải là đảng viên
nhưng họ có tư tưởng thiên về Cộng sản. Trong số này phải kể đến Thiên Giang,
Nguyễn Bảo Hóa (Tô Nguyệt Đình), Tam Mộc, Lý Văn Sâm, Thuần Phong, Trần Tấn Quốc,
Quốc Ấn, Thẩm Thệ Hà, Vũ Anh Khanh, Huỳnh Hoài Lạc, Trúc Chi, Đỗ Thiếu Lăng,
Quách Thoại và Tam Ích.
Trong bài viết Báo chí miền Nam trước 1954, Nguyễn Văn Lục điểm mặt đích
danh một số tờ báo có những “ký giả nằm vùng” hoặc “thiên cộng” như Dân Chủ có
cán bộ cộng sản Thành Hương, Ngôn Luận
có Châu Dương, Sàigòn Mai có Ty Ca, Dân Chúng có Phi Vân và Thời Luận có ký giả
Ký Ninh làm tổng thư ký tòa soạn.
Có một trường hợp đặc biệt trong làng báo Sài Gòn: một chính trị gia, nhà
văn, nhà báo đã sống 70 năm trong thế kỷ XX và trải qua nhiều năm tù tội dưới tất
cả các chính quyền tại Việt Nam, từ thời Pháp thuộc, thời VNCH và thời CHXHCN.
Chúng tôi muốn nói đến Hồ Hữu Tường. Thụy Khê đã nhận xét về Hồ Hữu Tường:
“Tác phẩm của ông phản ảnh tính chất nổi loạn trong con người, một con người
vừa trào lộng, vừa bi đát, suốt đời đi tìm phương cách giải phóng dân tộc ra khỏi
mọi hình thức quản trị giáo điều: từ bị trị đến hủ tục, từ độc tôn đến độc tài,
nhưng cũng suốt đời “thất bại” trong việc “chống lại định mệnh”, cho đến phút
chót vẫn muốn “cưỡng lại số trời” mà không được. Có lẽ ở bên kia thế giới, Hồ vẫn
tiếp tục con đường thiên lý của một Phi Lạc đã đại náo trần gian: Tây, Tàu,
Nga, Mỹ và giờ đây, xuống âm ty đại náo địa ngục”.
Tháng 11/1932, Hồ Hữu Tường bị Pháp bắt lần đầu, giam 6 tháng. Ngày
1/5/1933 ra tòa bị xử án treo ba năm. Trong thời gian bị giam giữ, ông xuất bản
nhật báo “nhẩm” Thiên Thu. Trong suốt mười năm làm báo (1930-1939), ông đã viết
rất nhiều nhưng nay không còn lưu lại được gì.
Năm 1939, Hồ Hữu Tường từ bỏ Đệ tứ Cộng sản và chủ nghĩa Mác-Lê. Ông hợp
tác với báo Sàigòn Mới, viết tiểu thuyết Phi Lạc sang Tầu dưới bút hiệu Ý Dư. Bộ
tiểu thuyết Ngàn Năm Một Thuở bao gồm
Phi Lạc Sang Tàu, Phi Lạc Náo Huê Kỳ, Phi Lạc Bỡn Nga đã được ông trích đăng từng
đoạn trên các báo Sàigòn Mới, Phương Đông, Ánh Sáng...
Năm 1955, vì có liên lạc với các nhóm trong Mặt Trận Thống Nhất (Cao Đài,
Hòa Hảo, Bình Xuyên), chống lại Ngô Đình Diệm, ông bị bắt ở Rừng Sát. Năm 1957
ra tòa và bị kết án tử hình, nhưng nhờ những trí thức ở Pháp trong đó có Albert
Camus viết thư can thiệp nên án lệnh được đình chỉ và ông bị đưa ra Côn Đảo.
Sau tháng 4 năm 1975 ông lại bị đi học tập cải tạo 5 năm và mất tại Gia Định
ngày 26/6/1980. Xem ra không một ký giả nào đã nếm đủ mùi nhà tù dưới chế độ thực
dân, cộng hòa rồi cộng sản. Có người đã giải thích một cách tiếu lâm vì sao Hồ
Hữu Tường “phi lạc vào tù” dưới cả ba chế độ: đơn giản chỉ vì bản thân cái tên
“Hữu Tường” của ông khi nói lái sẽ là… “hưởng tù”!
Hồ Hữu Tường qua nét vẽ Tạ Tỵ
Tạ Quang Khôi trong bài Ký giả nằm vùng đã liệt kê một số ký giả năm vùng
thời VNCH. Về nhà báo Nguyễn Nguyên (Nguyễn Ngọc Lương), Tạ Quang Khôi viết:
“Sau 30/4/1975, Lương lộ nguyên hình là một cán bộ cộng sản trong lãnh vực
báo chí. Ði đâu ông cũng ôm kè kè một chiếc cặp da đầy các bài viết. Ông thường
hối thúc tôi viết cho ông, nhưng không nói rõ sẽ đăng ở báo nào... Sau khi được định cư ở Mỹ, tôi lại liên lạc
được với Lương qua những lá thư gửi bưu điện. Tôi biết tin ông không còn được đảng
và nhà nước cộng sản trọng dụng nữa. Ông phải viết cho báo Tiếp Thị để tạm sống
qua ngày”.
Về nhà văn-nhà báo Vũ Hạnh, Tạ Quang Khôi Dù viết:
“Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, chính quyền cộng sản tổ chức một buổi họp
mặt các văn nghệ sĩ Saigon ở tòa đại sứ cũ của Ðại Hàn, Hạnh và mấy cán bộ nằm
vùng, như Thái Bạch, Nguyễn Ngọc Lương đều đeo súng lục bên hông. Thi sĩ Hoàng
Anh Tuấn nửa đùa nửa thật nói với Hạnh: “Anh em văn nghệ sĩ chỉ quen dùng bút,
chứ có biết chơi súng đâu.” Hạnh lườm xéo Tuấn một cái rồi bỏ đi… Nhưng mấy
tháng sau đó, tôi tình cờ gặp Hạnh ở giữa đường. Tôi chưa kịp hỏi thăm, ông đã
lắc đầu nói nhỏ: “Totalement deҫu!” (hoàn toàn thất vọng)”.
Tạ Quang Khôi kể tiếp:
“Vào cuối năm 1975, một hôm nhà văn Phan Nghị đến thăm tôi. Khi tôi ra mở cửa,
ông toe toét cười nói oang oang:“Mày biết không? Bây giờ miền Nam hết người mù
rồi.”
Tôi chưa hiểu ý ông định nói gì thì ông đã tiếp:“Chúng nó sáng mắt rồi, mày
ạ!”.
Tạ Quang Khôi qua nét bút Đằng Giao
No comments:
Post a Comment