Sunday, December 16, 2018

“Bolinao 52”


“Bolinao 52”… chuyện bây giờ mới kể

Bolinao là tên một hòn đảo thuộc tỉnh Pangasinan, vùng Tây Bắc Phi Luật Tân. Theo thống kê chính thức, dân số Bolinao vào năm 2010 là 74,545 người, sống chủ yếu vào nghề đánh cá…

52 là số thuyền nhân sống sót đã đến được Bolinao trên một chiếc thuyền vuợt biển với 110 người, rời Việt Nam vào một đêm tháng 5/1988. Cuộc hành trình kéo dài một thời gian kỷ lục: 37 ngày lênh đênh trên biển với những cơn bão khốc liệt trên biển Đông. Ngoài những cơn bão, chiếc tầu đã bị hỏng máy nhiều lần và thả trôi trên biển.

Cuộc vượt biên tưởng chừng như đã gặp vận may khi họ đến gần một chiếc tầu Hải quân Hoa Kỳ đang trên đường thi hành nhiệm vụ đến Vùng Vịnh Ba Tư. Khi đó đã là ngày thứ 19 của cuộc hành trình đi tìm tự do. Thế nhưng, thuyền trưởng chiếc USS Dubuque quyết định chỉ tiếp tế lương thực cho các thuyền nhân chứ không cứu vớt họ vì lý do đang trên đường công tác.

Chiếc tầu tiếp tục lênh đênh trên biển… Đến khi lương thực và nước uống đã cạn kiệt, người ta phải tính đến việc “xẻ thịt những người đã chết trên tầu thay cho lương thực để cầm hơi”… Đó chính là một khía cạnh nhân bản đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều: người ta bàn đến rất nhiều vấn đề bắt đầu bằng chữ “nhân”. Nhân tính? Nhân đạo? Nhân nghĩa? Và bên cạnh đó còn một câu hỏi về “lương tâm” của cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc.

Cuối cùng, như một phép lạ, 52 trong số 110 thuyền nhân còn sống sót đã được ngư dân Phi Luật Tân đưa về đảo Bolinao. Họ ở lại trên đảo 1 tuần lễ trước khi được chuyển qua trại tỵ nạn. Rời Việt Nam năm 1988 và đến năm 1990 họ đến định cư tại Hoa Kỳ, nơi mà trước đó họ đã một lần bị Hải quân Hoa Kỳ từ chối.


Chuyện tóm tắt một cách đơn giản là vậy. Cũng từ câu chuyện này, đạo diễn Nguyễn Hữu Đức đã dựng lên phim tài liệu “Bolinao 52” dài 57 phút 24 giây [*]. Bộ phim đã được trình chiếu trên toàn Hoa Kỳ thông qua PBS.org, tham gia 15 liên hoan phim quốc tế và đoạt hai giải thưởng: Giải lựa chọn của khán giả trong Liên hoan Quốc tế phim Việt (2007) và Giải thưởng EMMY vùng Bắc California (2009).

Câu chuyện “Bolinao 52” được khởi đầu một cách rất tình cờ. Qua một buổi phát thanh trên radio bằng tiếng Việt tại Orange County, California, một thính giả biết tin đạo diễn Đức cần liên lạc với những thuyền nhân được ngư dân đảo Bolinao vớt. Cô cho biết anh cô là người đã bơi đến tầu USS Dubuque xin cứu giúp. Anh Đức gọi điện thoại cho ông nhưng người này từ chối nói chuyện. Sau 3 tháng kiên trì thuyết phục, người này cho một cái hẹn với điều kiện chỉ gặp nhau một lần duy nhất.

Người đàn ông dấu tên đã cho anh Đức một lối thoát: ông ta không nhớ gì nhiều nhưng có lẽ đạo diễn nên gặp em gái của ông trên chuyến tầu định mệnh ngày nào. Và cuốn phim đã có tia hy vọng được thực hiện khi nhân vật chính, chị Trịnh Thanh Tùng, đồng ý xuất hiện trong phim…

Chị Tùng xuất thân từ một gia đình, nói theo ngôn ngữ ngày nay, là “có nợ máu với nhân dân”! Sau 1975, chị và mẹ phải bươn chải để “thăm nuôi” những người thân: ba chị đi học tập cải tạo 5 năm và người anh lớn, với cấp bậc Trung tá Biệt Động Quân, đã sống 14 năm trong “trại cải tạo”… Họ chỉ còn một lối thoát duy nhất: rời khỏi Việt Nam trên chiếc tầu định mệnh xuất phát từ Bến Tre sau khi đã nhiều lần thử thách nhưng thất bại…


Đại gia đình chị Tùng trước năm 1975

Ngay từ những phút đầu phim, chị Tùng đã nói với đạo diễn Đức trong chuyến trở lại Bolinao:

“Chị đã nói với lòng… chị sẽ trở lại Bolinao trước khi chị đi đâu… suốt 17 năm nay chưa đi đâu hết… Điều chị muốn làm là làm một lễ cúng cho 58 người bạn đồng hành, họ đã đi chung chuyến tầu đó rất lâu, chị không biết tên hết, không nhớ mặt hết nhưng dầu sao nó vẫn ở trong lòng của chị… lễ cúng này sẽ đem lại cho họ, cho chị… bình an trong tâm hồn để sống…”

Người xem phim được thấy cảnh của hòn đảo Bolinao, 17 năm sau khi được những ngư dân vớt… và một số “hoa đăng” đã được thả trôi ra biển như những vòng hoa riêng tặng những người đã yên nghỉ trong lòng đại dương. Và rồi câu chuyện thuyền nhân mang tên “Bolinao 52” bắt đầu.

“Bolinao 52” trải qua những thử thách đầu tiên khi gặp bão, tài công quyết định tắt máy chờ cơn bão qua đi… Đến khi khởi động lại, máy tầu không nổ. Thuyền nhân một khi ra khơi chỉ bám víu vào những dấu hiệu của sự sống. Một vệt đen trên nền chân trời là hứa hẹn một hòn đảo, một chấm trên biển cả cũng có thể là tầu lớn, nột chấm đen trên bầu trời biết đâu là chiếc máy bay…

Chị Tùng kể lại vào ngày thứ 10 có một chiếc tầu buôn xuất hiện trong tầm mắt… Quần áo, giầy dép, can nhựa được đốt lên trong đêm tối với hy vọng chiếc thuyền sẽ được tầu lớn nhìn thấy.. Năm người con trai còn khỏe trên “Bolinao 52” quyết định sẽ bơi qua tầu để xin cứu vớt. Họ bám vào một mảnh ván với hy vọng đến được tầu buôn. Thế nhưng, chiếc tầu mang cờ Nhật từ từ rời xa họ và 5 thanh niên cũng không thấy quay về… Chị Tùng tin là mỗi con người đều có cái “số” của mình.

“Chết từ từ… Mỗi ngày mình đều thấy có người chết trên thuyền… Chị Năm ngồi kế tôi mượn chiếc áo mưa vì than lạnh… nhưng khi rờ thì thấy nóng hổi… cho mượn áo mưa chị vẫn thấy lạnh. Chồng chị Năm đã chết mấy hôm trước và hai đứa con trai của chị thì đang ngủ… Tôi ôm chị Năm rồi mệt quá cũng thiếp đi, đến khi trời gần sáng chị đã chết trong tay tôi từ hồi nào…!”

Những đứa bé trước khi chết luôn miệng kêu gào thức ăn, nước uống. Có hai anh em nọ, người em thì cứ đòi ăn nên cầm lấy tay anh mà cắn, anh đau quá rút tay ra em lại la lên… “cho em ăn với”… đêm đó đứa em đã chết vì đói… Ít hôm sau, người anh cũng đi theo em… Mọi người chỉ cầu xin… một phép lạ!


Chị Trịnh Thanh Tùng trở lại Bolinao sau 17 năm

Đến đây phim chuyển qua trường hợp của bản thân đạo diễn Nguyễn Hữu Đức cũng là một thuyền nhân. Anh tỵ nạn năm 1980 và may mắn khi được một chiếc tầu của Hải quân Mỹ vớt, khác với số phận bi thảm của những người trên tầu “Bolinao 52”. Anh Đức đã có trích đoạn cảnh sung sướng của những người được tầu USS Long Beach vớt trên biển, hình như để người xem đối chiếu với số phận hẩm hiu của “Bolinao 52”.


Cậu bé Nguyễn Hữu Đức (áo đen) và gia đình tại trại tỵ nạn năm 1980

Anh Đức kể lại trong một đoạn phim chiếc thuyền của anh được tầu Hải quân Mỹ cứu tựa như “cuộc hành trình đi thẳng từ địa ngục đến thiên đàng”:

 “Chỉ mới ra lên đênh trên biển có 4 ngày, chúng tôi đã được vớt… trong khi nhiều người khác lại gặp một kết cuộc bi thảm… Gia đình tôi ra đi vào năm 1980, thuyền của chúng tôi là một trường hợp may mắn… “Ra đi là chuyện bất ngờ / Dù mưa dù nắng thân mình chẳng hay…”

Bản thân những người trên chiếc thuyền của anh Đức có thể tự hào là mình may mắn nhưng những chiếc thuyền khác, những người khác bị cuốn xuống lòng đại dương hay thậm chí còn bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp. Thuyền nhân Việt Nam có nhiều chuyện để kể lại nhưng cũng có nhiều chuyện quá bi thảm không thể nào nói ra và người ta thường yên lặng, dấu kín trong lòng.


Trẻ em thuyền nhân vui cùng thủy thủ trên chiếc USS Long Beach

Trở lại chiếc “Bolinao 52”. Đến ngày thứ 19, phép lạ đã đến với sự xuất hiện của một chiến hạm Hoa Kỳ. Nguyễn Hữu Đức đã may mắn tìm thêm được một nhân chứng vô cùng quý giá: William E. Cloonan, một hạ sĩ quan Hải quân về hưu. Trả lời một câu hỏi trong cuộc phỏng vấn của đạo diễn, Cloonan cho biết:

“Điều khuyến khích tôi tham gia bộ phim này là muốn cho thế giới biết những sự thật về người tỵ nạn… các phương tiện truyền thông đã nói rất nhiều về các thuyền nhân sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975… Những gì truyền thông viết chỉ đúng một phần và phần còn lại được phóng đại đến độ không có thật…

“Anh hỏi tôi có muốn gặp lại một trong những người sống sót trên chuyến tầu đó không, câu trả lời của tôi là có, tôi rất muốn được gặp… Tôi sẽ nói với họ là tôi rất tiếc dù bản thân tôi không phải là cấp có thẩm quyền để thay đổi quyết định bỏ rơi họ… Dù sao đi nữa tôi vẫn cảm thấy mình có lỗi với họ…”


William E. Cloonan và đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Đức


Cloonan phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ 26 năm,nhiều nhất tại khu vực biển Nhật Bản và Việt Nam. Ông có mặt trên một chiếc tầu đã từng vớt người tỵ nạn. Năm 1978 tầu ông gặp chiếc thuyền có 478 người lênh đênh trên biển. Sau khi neo tại khu vực 24 giờ chờ liên lạc, Bộ Ngoại giao và Hải quân đã ra lệnh vớt họ… Ông kể lại:

“Điều đó khiến tôi tự hào là một thủy thủ Hoa Kỳ… tự hào là người Mỹ! Chúng tôi đã vớt họ… hỗ trợ y tế và đưa họ đến tận cổng nhập cảnh để vào Hoa Kỳ… Đó là nhiệm vụ của người thủy thủ và đó cũng là luật pháp quốc tế: Con người trên biển cả, nếu có điều gì đó xảy ra cho họ thì đạo đức và lương tâm sẽ ràng buộc họ với chúng tôi…”.


Thủy thủ tầu Mỹ cứu người tỵ nạn trên biển

“Bolinao 52” không gặp may mắn như những thuyền nhân trước họ. Vào ngày 10/6/1988, chiếc thuyền đã gặp chiến hạm USS Dubuque, trên tầu có nhân chứng William E. Cloonan, cấp bậc Trung sĩ (Chief Petty Officer), kể lại diễn tiến khi chiến hạm gặp chiếc thuyền của người tỵ nạn.

Theo lời Cloonan, hạm trưởng Dubuque, Alexander Balian, chỉ cung cấp cho thuyền nhân bản đồ, nước uống và lương thực… không thể cứu vớt họ vì USS Dubuque đang trên đường đến Vịnh Ba Tư trong hành trình tiếp tế quân dụng đến Iran.

Một lý do nữa được bổ sung khi hạm trưởng USS Dubuque phải ra tòa án binh vì hành vi “không vớt người gặp hoạn nạn trên biển”: có sự trục trặc trong liên lạc với người trên thuyền với chiến hạm. Theo Hạm trưởng Alexander Balian, ông chỉ biết trên thuyền có 60 người nên việc tiếp tế không đầy đủ và kết quả là sau đó có đến 30 thuyền nhân đã chết trên thuyền dẫn đến cảnh phải xẻ thịt người chết làm lương thực cho người sống…

Tòa án quân sự Hoa Kỳ xét xừ vụ chiến hạm USS Dubuque bỏ rơi chiếc thuyền tỵ nạn “Bolinao 52” vào tháng 11/1988. Từ trại tỵ nạn ở Phi Luật Tân, 52 người sống sót trên thuyền đã ký một đơn kiến nghị ân xá cho thuyền trưởng Alexander Balian.

Alexander Balian bị tước quyền chỉ huy và phải nhận khiển trách nặng nề vào tháng 2/1989. Đây cũng là một án lệ về đạo đức, làm gương cho những thuyền trưởng trong Hải quân Hoa Kỳ. Sau khi được hạ thủy ngày 1/9/1967, USS Dubuque chấm dứt hoạt động ngày 30/6/2011.


USS Dubuque (LPD-8)

“Bolinao 52” chính là câu chuyện thương tâm mà không ai đã từng trải qua muốn nhắc lại những điều bi thảm… Người mẹ nhường phần nước cho con và dặn khi nào con muốn tiểu tiện bà sẽ uống lại phần nước tiểu… Báo chí còn thuật lại có những vụ giết lẫn nhau trên thuyền vì thực phẩm và nước uống. Chị Tùng khẳng định đó không phải là sự thật.

Nhưng lại có một sự thật vô cùng tàn nhẫn đã xảy ra trên thuyền. Những người sống sót phải xẻ thịt những người vừa chết để có đủ sức lực tát nước ra khỏi thuyền. Những người không dám ăn thịt đồng loại sẽ chết và chính họ là nguồn cung cấp thực phẩm cho những người còn sống!

Chị Tùng đã không dám ăn nhưng sau cái tát trời giáng của người anh trai… chị đã phải nuốt. Sau này, có người hỏi cảm tưởng khi phải nuốt thịt người, chị kể lại trong nước mắt… khi đó đâu còn cảm giác, chị chỉ biết nuốt!

Trung sĩ Cloonan khi nghe câu chuyện ăn thịt người trên thuyền, ông tự dằn vặt chính bản thân mình đã không cứu giúp họ dù quyền quyết định nằm trong tay hạm trưởng. “Chúng tôi đã có quyết định sai lầm… Tới giờ này, tôi vẫn cảm thấy mình có lỗi trong việc không cứu vớt họ và tôi chỉ muốn nói lời xin lỗi với họ…”

Đạo diễn Nguyễn Hữu Đức phải mất 2 năm đi tìm những người có liên quan thông qua các phương tiện truyền thanh và truyền hình tại Mỹ. Anh tiết lộ qua một cuộc phỏng vấn: “Bao nhiêu năm nay tôi vẫn thường tự hỏi tại sao một chiếc tầu của Hải quân Mỹ lại từ chối vớt những người tỵ nạn và đó cũng là một trong những lý do khiến tôi thực hiện bộ phim mày…”

Ở phần cuối cuốn phim có thể coi là một “happy ending” khi hai nhân chứng của “Bolinao 52” – Thuyền nhân Trịnh Thanh Tùng và cựu Trung sĩ William E. Cloonan – gặp nhau sau biến cố của 17 năm về trước. Trong buổi hội ngộ còn có bé Lâm ngày nào, nay đã gia nhập Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ (US Marine Corps).


Trong vòng tay thông cảm, chị Tùng và thủy thủ Cloonan đã ôm lấy nhau… Người xem có cảm tưởng “Bolinao 52” đã đi đến đoạn kết cuộc, qua đó những người trong cuộc thấy như vơi đi chuyện của 17 năm về trước… Chuyện thật cảm động nhưng kết cuộc có hậu!

Phim “Bolinao 52”


No comments:

Post a Comment