Hành trình ngôn ngữ Xưa & Nay (1/4)
Từ tiếng La-tinh đến Quốc ngữ
Tiếp tục loạt bài về “Hành trình ngôn ngữ” (*), chúng ta trở lại vấn đề thời
sự nóng bỏng để tìm hiểu về một cuộc hành trình dài nhất trong lịch sử ngôn ngữ
Việt Nam, từ thế kỷ thứ 17 cho đến nay. Đó là việc chuyển đỗi từ chữ Nôm sang
chữ quốc ngữ.
Vào thế kỷ thứ 17, các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Ý và Pháp đến Việt Nam để
truyền đạo. Trở ngại lớn nhất là vấn đề “ngôn ngữ bất đồng”. Giải pháp tốt nhất
là dùng mẫu tự tiếng và giọng đọc tiếng La-tinh để phiên âm tiếng nói của người
Việt, tạo sự thuận tiện khi họ học tiếng Việt cũng như truyền đạo cho người Việt.
Tiếng La-tinh vốn thuộc nhóm ngôn ngữ gốc Ý của ngữ hệ Ấn-Âu, được dùng ban
đầu ở Latium, vùng xung quanh thành Roma, hay còn gọi là La Mã. Tiếng La-tinh
là ngôn ngữ chính thức của Đế quốc La Mã, tất cả những ngôn ngữ trong nhóm
“Ngôn ngữ Rôman” (Romance languages) đều có nguồn gốc từ tiếng La-tinh.
Văn khắc bằng tiếng La-tinh tại Đấu trường La Mã
Ở Phương Tây, tiếng La-tinh là một ngôn ngữ quốc tế, thứ tiếng dùng trong
khoa học và chính trị trong suốt hơn một nghìn năm. Mãi đến thế kỷ thứ 18 tiếng
La-tinh được thay thế bởi tiếng Pháp và sang đến thế kỷ thứ 19 là tiếng Anh.
Người ta cho rằng 80% các từ ngữ tiếng Anh có tính học thuật ngày nay đều bắt
nguồn từ tiếng La-tinh, trong đó đa số trường hợp là thông qua tiếng Pháp.
Mặc dù hiện tại đã trở thành một “tử ngữ” vì không được dùng trong giao tế
hàng ngày, tiếng La-tinh vẫn xuất hiện trong các ngôn ngữ chính của thế giới
như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Trong khi đó, các nước
láng giềng với chúng ta như Trung Hoa, Thái Lan, Miên, Lào, Myanmar (Miến Điện
cũ) vẫn giữ nguyên cách viết xưa, không được “La-tinh hóa” như tiếng Việt.
Phải nói, việc chuyển đổi từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ tại Việt Nam là một
“cái may cho cả dân tộc” trong việc tiếp xúc với thế giới ngày nay. Nhờ đó,
chúng ta có nhiều cơ hội tiếp cận, học hỏi cũng như giao tiếp dễ dàng hơn với nền
văn minh Phương Tây.
Công lao đó, trước nhất, thuộc về các giáo sĩ, trong đó nổi bật nhất là
linh mục Alexandre de Rhodes (1591-1660). Thứ đến, còn có sự đóng góp và bổ
sung của những trí thức người Việt để chữ quốc ngữ trở thành hệ thống ký hiệu
ngôn ngữ hoàn chỉnh như ngày nay.
Alexandre de Rhodes (1591-1660)
Việc hình thành chữ quốc ngữ cũng trải qua nhiều giai đoạn rất nhiêu khê.
Trước tiên, các giáo sĩ phải ghi lại cách đọc các âm tiếng Việt theo tiếng
La-tinh. Cũng vì thế, cách đọc tiếng Việt và cách đọc tiếng La-tinh rất giống
nhau.
Đó là điều khiến người Việt có nhiều thuận lợi khi nhìn mặt chữ và học phát
âm các thứ tiếng thuộc họ La-tinh. Ngược lại, người Phương Tây khi tiếp cận với
văn tự tiếng Việt cũng tìm thấy nhiều nét quen thuộc.
Trang đầu sách “Phép giảng tám ngày”
song ngữ bằng tiếng La-tinh (bên trái)
và tiếng Việt với chữ Quốc ngữ (bên phải)
***
· Trích dẫn FB Nguyễn Đình Diễn:
“Để thấy được sự tương đồng giữa tiếng La-tinh và tiếng Việt (cũng như giữa
tiếng La-tinh và tiếng Anh hay tiếng Pháp mà nhiều người Việt Nam được học), từ
đó luôn biết tri ân người xưa đã khai sinh và tài bồi văn tự tiếng Việt mà ra sức
gìn vàng giữ ngọc cho chữ quốc ngữ hiện hành, mời các bạn trẻ xem và nghe video
trình bày cách đọc hai bản kinh bằng tiếng La-tinh hiện nay vẫn đang được đọc
hoặc hát trong đạo Công giáo: Pater Noster (Kinh Lạy Cha) và Ave Maria (Kinh
Kính Mừng).
“Lưu ý, các âm "r" và "tr" được đọc rung lưỡi rất mạnh.
Có phân biệt "r" (như trong từ "regnum") với "gi"
(như trong từ Iesus / Jesus). Cũng có phân biệt "tr" (như trong từ
"nostra") với "ch" (như trong từ "caelis"). Người
miền Nam Việt Nam dù chưa được học tiếng La-tinh chỉ nhìn mặt chữ mà đọc hú họa
cũng sẽ đọc gần đúng trọn vẹn các bản văn La-tinh này.
“Bản kinh Ave Maria (Kinh Kính Mừng) có danh Chúa Giêsu được viết là Iesus
vì chữ "i" trong tiếng La-tinh vừa là nguyên âm vừa là phụ âm. Sau
này "i" là phụ âm được kéo dài cách viết thành "j" (Iesus
được viết thành Jesus). Tuy nhiên, khi chọn âm "gi" ghi cách đọc tiếng
Việt, các nhà truyền giáo đã lấy "gi" từ tiếng Ý và tiếng Bồ Đào Nha.
· Xem video clip “Nghe giọng
đọc tiếng La-tinh để thấy sự tương đồng với giọng đọc tiếng Việt” tại https://www.facebook.com/100009283137385/videos/2126533020999448/
***
Chú thích:
(*) Xem lại loạt bài:
“Hành trình ngôn ngữ Xưa & Nay: Từ Tản cư, Sơ tán đến Di tản”
“Hành trình ngôn ngữ Xưa & Nay: từ Việt gian, Việt cộng đến Việt kiều”
“Hành trình ngôn ngữ Xưa & Nay: A Bê Xê hay A Bờ Cờ?”
“Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Lính tráng (1)”
“Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Lính tráng (2)”
“Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Vay mượn từ tiếng Tàu”
“Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Vay mượn từ tiếng Pháp”
“Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Vay mượn từ tiếng Anh”
“Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Những từ ngữ đã đi vào quá khứ” http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/ngon-ngu-sai-gon-xua-nhung-tu-ngu-i-vao.html
***
No comments:
Post a Comment