Hành trình ngôn ngữ Xưa & Nay (3/4)
Từ Việt gian, Việt cộng
đến Việt kiều
Trước tiên, xin xác định,
hành trình ngôn ngữ tiếng Việt có cột mốc thời gian Xưa và Nay được căn cứ vào thời điểm Trước và Sau 1975 giữa bối cảnh
cuộc chiến hai miền Nam-Bắc. Qua loạt bài về hành trình ngôn ngữ, tác giả có
tham vọng phản ảnh những giai đoạn lịch sử Việt Nam qua những thay đổi về ngôn
từ trong cuộc sống hàng ngày.
Theo Wikipedia, Việt gian là
một cụm từ miệt thị dùng để ám chỉ những người Việt Nam phản quốc, làm tay sai
cho ngoại bang, có những hành động đi ngược lại với quyền lợi dân tộc. Nhiều nhân
vật lịch sử từ thời xa xưa cũng đã bị những người thuộc thế hệ sau cho là Việt
gian. Đứng đầu bảng ‘phong thần’ những Việt gian trong lịch sử phải kể đến Trần
Ích Tắc và Lê Chiêu Thống.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn
thư, Trần Ích Tắc (1254-1329) là con thứ của vua Trần Thái Tông. Ích Tắc thuộc
loại người ‘trên thông thiên văn, dưới thông địa lý’, ngay cả những nghề vặt
như đá cầu, đánh cờ cũng rất tinh thông. Ông đã từng mở học đường ở bên hữu phủ
đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho ăn học, nuôi dưỡng các nhân tài như Mạc Đĩnh
Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu…
Thông minh hơn người, làu
thông kinh sử, Ích Tắc nuôi mộng tranh đoạt ngôi vua với anh cả. Khi quân
Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ hai (1285), Ích Tắc đem cả gia đình
đi hàng giặc, được đưa về Trung Hoa và được Hốt Tất Liệt (vua nhà Nguyên) phong
làm An Nam Quốc vương và chờ ngày trở về nước.
Sau khi quân Nguyên Mông đại
bại, Trần Ích Tắc ở lại Ngạc Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc) và chết tại đó vào
mùa hè năm Thiên Lịch thứ 2 (1329) đời Nguyên Văn Tông, thọ 76 tuổi. Vì sự phản
bội này mà sau này nhà Trần đã loại Ích Tắc ra khỏi tông thất, cho đổi tên
thành Ả Trần.
Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi
lại: “Tháng 5 [năm 1289], sau khi đánh thắng quân Nguyên lần thứ ba, bắt được cả
một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng [Trần Thánh Tông] sai đốt hết đi để yên
lòng những kẻ phản trắc. Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân ở
triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền
sản, sung công, tước bỏ quốc tính. Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội
cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn
nhát như đàn bà vậy...”.
Vua Lê Chiêu Thống (1765 –
1793), tên thật là Lê Duy Khiêm, khi lên ngôi lại đổi tên là Lê Duy Kỳ, là vị
vua cuối cùng của nhà Hậu Lê, thực ở ngôi từ cuối tháng 7 âm lịch năm 1786 tới
đầu tháng giêng năm 1789. Lê Chiêu Thống đã sang cầu viện nhà Thanh đem quân
sang đánh Quang Trung với hy vọng trở lại ngai vàng.
Việc làm đó của ông bị các
nhà sử học trong nước sau này chỉ trích dữ dội, coi đó là hành vi bán nước,
‘cõng rắn cắn gà nhà’. Các tác giả Ngô gia văn phái thân Tây Sơn trong tiểu
thuyết Hoàng Lê nhất thống chí viết:
“Tuy vua Lê Chiêu Thống đã
được phong Vương, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi, đều dùng niên hiệu Càn Long của
Trung Quốc. Vì có Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị ở đấy nên không dám dùng
niên hiệu Chiêu Thống... Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy
bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu
thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên Tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào
Trung Quốc?”.
Có điều, Việt gian hay không
còn tùy thuộc vào chính kiến hoặc cái nhìn của người sử dụng ngôn từ. Nhà Nguyễn
do Nguyễn Ánh thành lập ra sau đó lại có cái nhìn khá rộng lượng với Lê Chiêu
Thống. Hoàng đế Tự Đức có lời phê về Chiêu Thống, đại ý nói: “Nhà vua bị người
ta lừa gạt, bị giám buộc ở quê người đất khách, đến nỗi lo buồn phẫn uất, ôm hận
mà chết, thân dẫu chết, nhưng tâm không chết, kể cũng đáng thương! Vậy nên truy
đặt tên thụy là Mẫn Đế”.
Xem ra, Việt gian hay không
còn tùy thuộc vào quan điểm của từng thời kỳ lịch sử. Cụm từ Việt gian được Việt
Minh sử dụng nhiều nhất trong thời kháng chiến để chỉ những thành phần bị cho
là ủng hộ Pháp-Nhật. Ngoài ra còn những phải kể đến thành phần Việt gian thuộc
tầng lớp địa chủ và phản cách mạng. Sau khi Cách Mạng Tháng Tám thành công, Việt
Minh đã thành lập những ban trừ gian để tiêu diệt Việt gian.
Sau này, thật ngữ Việt gian
được sử dụng bởi nhiều phe nhóm chính trị để chỉ những cá nhân và tổ chức có
quan điểm hay hành động đi ngược lại đường lối của họ. Trên website của Đông
Dương Thời báo có bài viết về Việt gian trong lãnh vực tôn giáo:
“Nói về giặc Việt gian Công
giáo, thì phải nói đến Dòng họ Tam đại Việt gian Ngô Đình khuyển sinh của thực
dân xâm lược Pháp và đế quốc bá quyền Mỹ, từ khi chiến thuyền Pháp khởi điểm
xâm lược Việt Nam, bắn phá Đà Nẵng năm 1858, có giáo dân Ngô Đình Niệm (tân
tòng, ông nội Ngô Đình Diệm) hầu cạnh linh mục Caspar, giám mục Pellerin, linh
mục Nguyễn Hoàng, cùng với linh mục Nguyễn Trường Tộ theo hầu giám mục Ngô Gia
Hậu (Guathier)...
Ngày nay, thuật ngữ Việt
gian đã được tận dụng bởi các phe phái chính trị như một vũ khí để chụp mũ những
kẻ bất đồng chính kiến với mình. Như vậy, ý thức hệ quyết định một người có phải
là Việt gian hay không. Gần đây nhất lại có hiện tượng Việt gian trong âm nhạc.
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền viết trên http://www.diendanportland.com/baidoc1/?p=597:
“Như mọi người đều biết về
tên việt gian Trịnh Công Sơn, hắn là một tên nhạc sĩ ăn cơm Quốc Gia, nhưng thờ
ma Cộng sản. Hắn đã được học hành dưới các mái trường tại Miền Nam Tự Do, và
chính vì hai chữ Tự Do đó, nên hắn mới được viết những bản nhạc phản chiến một
chiều, và cũng chính vì sự thờ ơ của chính quyền miền Nam, nên hắn và Khánh Ly
đã được tung hoành đem những bản nhạc ấy đi phổ biến khắp nơi; kể cả trên các hệ
thống truyền hình, truyền thanh nữa…”
Phải thành thật nhìn nhận,
Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ thiên tài của nền âm nhạc miền Nam
trước 1975. Tôi hoàn toàn không có ý ‘thấy người sang bắt quàng làm họ’ nhưng
TCS gắn bó với nhiều địa danh có liên quan đến cuộc đời tôi. TCS ra đời tại xã
Lạc Giao, Ban Mê Thuột (28/2/1939), nơi tôi đã trải qua thời niên thiếu và cũng
là địa chỉ trên giấy khai sinh của đứa con trai đầu lòng.
TCS lớn lên trong một gia
đình ở Huế lại là quê hương của vợ tôi. Trong quãng đời lưu lạc thưở hàn vi,
TCS đã lên Đà Lạt, tại đây tên tuổi ông gắn bó với Khánh Ly và đây cũng là quê
hương thứ hai của tôi khi gia đình chuyển vào Nam năm 1953.
Trịnh Công Sơn & Khánh
Ly trên sân khấu sinh viên
Thời thanh niên, tôi mê nhạc
Trịnh qua những ca từ như thơ mà đôi lúc cũng khó hiểu như triết. Trong gần 600
bài nhạc của TCS hình như cũng là ngần ấy bài thơ thuộc đủ thể loại. Nhưng đó
là TCS của thời kỳ tiền-1975, một thời kỳ mà người ta ca tụng nhạc tình TCS hết
lời. Nhạc phản chiến TCS có người yêu, người ghét nhưng hình như nhạc tình TCS
người nghe đều thích.
Theo tôi, khúc quanh của TCS
là sáng ngày 30/4/1975 khi ông lên đài phát thanh Sài Gòn với cây đàn guitar để
hát Nối vòng tay lớn. Có thể TCS yêu quê hương, yêu tổ quốc nên mới ở lại Việt
Nam. Đó có lẽ cũng là lý do khiến ông lên đài phát thanh hát Nối vòng tay lớn với
chiếc guitar lạc dây để chia sẻ niềm khao khát khi đất nước chấm dứt chiến
tranh. TCS hát với cả tấm lòng của một nghệ sĩ nhưng, tiếng hát đó cất lên
không đúng lúc và cũng không đúng chỗ.
Không đúng lúc vì khi đó người
dân Sài Gòn còn đang hoang mang trước diễn biến bi đát của tình hình. Nghe TCS
hát, phần đông đều có cảm giác ông là người của phe bên kia hát mừng chiến thắng.
Rất ít người hiểu được ông chỉ là người phản chiến, không ‘đỏ’ mà cũng không
‘xanh’.
Không đúng chỗ vì đó là đài
phát thanh Sài Gòn, nơi duy nhất mọi người có thể theo dõi từng giây từng phút
vận mệnh của đất nước. Hóa ra ông trở thành ‘cái loa tuyên truyền không công’
cho chế độ mới giữa lúc đa số người Sài Gòn bỗng chốc phải tìm đường tháo chạy…
Cũng vì thế, hằng năm cứ đến ngày 30/4 người Việt ở nước ngoài lại lôi TCS ra
‘đấm đá’ cho đỡ ngứa tay chân, ‘xỉ vả’ cho đỡ ngứa miệng.
Trong khi đó, người miền Bắc
lại bị cấm nghe nhạc ‘ủy mị’ của TCS, phải đợi đến mãi sau này mới được chính
thức công nhận. Chính quyền miền Nam sau 1975 cũng đã gây khó khăn cho nhạc TCS
khi không cho phổ biến trên đài phát thanh, nhưng không thể ngăn cản được sự
lưu hành qua băng cassette.
Hóa ra, TCS chênh vênh giữa
hai lằn đạn. Nguyễn Ðắc Xuân, một nhà sử học người Huế và cũng là một đảng viên
cộng sản, kể lại một cuộc họp ở Huế diễn ra không lâu sau khi Sài Gòn sụp đổ để
bàn về câu hỏi: “Trịnh Công Sơn có công hay có tội?”. Những người tham gia cuộc
họp đó gồm các quan chức địa phương trong ngành giáo dục, văn hoá, và cũng có
các nhà văn lớn vừa từ ‘rờ’ trở về.
Theo Nguyễn Ðắc Xuân, chính
những bài hát phản chiến thời đầu của TCS, chủ yếu là tuyển tập Ca khúc Da
vàng, mới là vấn đề. Một số quan chức cách mạng không thích quan điểm chính trị
trong những bài hát này: TCS phản chiến một cách chung chung, không phân biệt
được giữa “chiến tranh xâm lược và chiến tranh giải phóng dân tộc”.
Ðặc biệt, họ không thích câu
“hai mươi năm nội chiến từng ngày” trong bài Gia tài của mẹ được sáng tác năm
1965. Câu này ám chỉ cuộc chiến vừa qua không có sự xâm lược nào và chỉ là nội
chiến Nam-Bắc. Quan điểm này đã làm cho chính quyền Miền Bắc e ngại. Bởi vậy,
trong giai đoạn gần kết thúc chiến tranh, có người quá khích ở chiến khu đã
tuyên bố khi về Sài Gòn sẽ ‘xử tử’ TCS.
Gia tài của mẹ
Theo tôi, niềm vui thực sự của
TCS trong giai đoạn cuối đời là… rượu, bia và thuốc lá. Họa sĩ Trịnh Cung –
trong bộ ba thân thiết trước 1975 gồm Trịnh Cung, Đinh Cường và TCS – cho rằng
những trở ngại chính trị đối với các sáng tác của TCS, cùng với ‘các bức xúc
khác’ trong cuộc đời, đã khiến TCS chán nản và càng ngày càng lún sâu vào tật
nghiện rượu. Trong bài viết gây nhiều tranh cãi, Trịnh Công Sơn & Tham Vọng
Chính Trị, Trịnh Cung viết trên Da Màu:
“Cuối tháng 5-1978, tôi ra
khỏi trại cải tạo, gặp lại TCS. Lần nào đến nhà anh ở 47c Phạm Ngọc Thạch, Sài
Gòn, sáng hay chiều, cũng thấy TCS ngồi nhậu rượu Ararat, một loại cô-nhắc Nga
(sau “đổi mới” chuyển qua rượu chát đỏ của Pháp, và sau cùng là Whisky Chivas)
với Nguyễn Quang Sáng [nhà văn cách mạng] và một số bạn “mới”.
Và những ‘niềm vui cuối
cùng’ đã dẫn cái thân xác vốn gầy gò, ốm yếu của TCS đến nơi an nghỉ tại nghĩa
trang Gò Dưa. Bỏ qua những bất đồng chính kiến Nam-Bắc, hàng ngàn người đã đưa
tiễn TCS xa lìa Cõi Tạm.
Nơi an nghỉ của Trịnh Công
Sơn tại Nghĩa trang Gò Dưa
Việt Minh được thành lập
ngày 19/5/1941 bởi Nguyễn Ái Quốc, quy tụ mọi thành phần, kể cả những người
không Cộng sản. Đó là tên viết tắt của Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh với
khởi đầu là một tổ chức chính trị và vũ trang nhằm mục đích đánh đuổi Nhật-Pháp.
Thành quả của Việt Minh là việc hình thành nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Kể từ khi đất nước bị chia cắt
năm 1954, tại miền Nam xuất hiện thuật ngữ Việt cộng, danh từ ám chỉ những người
Cộng sản hoạt động tại miền Nam nhằm lật đổ chế độ VNCH. Trung ương Cục miền
Nam là cơ quan đại diện cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực
tiếp lãnh đạo miền Nam trong thời kỳ 1951-1954 và 1961-1975. Cơ quan này còn có
các phiên hiệu là B2, R, Ông Cụ… được dùng để bảo mật tại các chiến trường miền
Nam.
Trên các phương tiện truyền
thông quốc tế, Việt cộng thường được biết đến qua tên gọi Vietnamese Communist
hay VC (đọc là Vi Xi) hoặc Victor Charlie. Bộ máy tuyên truyền của VNCH phác họa
chân dung Việt cộng qua hình ảnh 3 cán binh ‘mặt bủng da chì’ leo một cành đu đủ
(cành đu đủ vốn mong manh, ẻo lả nhưng vẫn đủ sức ‘cõng’ 3 Việt Cộng mà không hề
oằn xuống). Thời Ngô Đình Diệm còn có cả chiến dịch Tố Cộng, Diệt Cộng qua đó
không ít những người không-Cộng-sản cũng bị vạ lây.
Trên thực tế, Việt cộng có mặt
khắp các hang cùng ngõ hẻm trong thời VNCH, từ thành thị đến thôn quê và từ Bến
Hải đến Cà Mau. Tại miền Nam, Việt cộng có thể là bác tài xế taxi, người đạp
cyclo… nhưng cũng có thể là giáo sư đại học, quân nhân hoặc viên chức quan trọng
trong chính phủ VNCH. Họ là Việt Cộng nằm vùng, một thuật ngữ ám chỉ những người
hoạt động bí mật tại miền Nam.
Trong biến cố Tết Mậu Thân
năm 1968, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia kiêm Giám đốc Nha An ninh Quân đội
VNCH, phụ trách Đặc ủy Trung ương Tình báo, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan (1930
– 1998), là người đã cầm súng bắn thẳng vào đầu một Việt cộng có tên là Bảy Lốp
(Nguyễn Văn Lém).
Sự kiện đã được phóng viên
AP, Eddie Adams, thu vào ống kính và bức hình xuất hiện trên các phương tiện truyền
thông quốc tế, dấy lên một đợt sóng phản đối một cuộc chiến ‘phi nhân đạo’.
Adams sau đó đã đoạt giải Pulitzer về báo chí với bức hình gây nhiều tranh cãi.
Về sau, Eddie Adams viết
trên tạp chí Time về Nguyễn Ngọc Loan và bức ảnh của ông: “Viên tướng giết Việt
Cộng, còn tôi giết viên tướng bằng máy ảnh của mình. Hình ảnh vẫn là thứ vũ khí
mạnh nhất thế giới. Người ta tin vào hình ảnh, nhưng hình ảnh cũng có thể nói dối,
cho dù không cố ý lừa dối. Hình ảnh chỉ là một nửa sự thật... Điều mà bức ảnh
đã không nói lên là 'Liệu bạn sẽ làm gì nếu bạn là ông tướng vào lúc đó, tại
nơi đó, trong cái ngày chiến tranh nóng bỏng ấy, và tóm được một kẻ bị xem là
khốn kiếp sau khi hắn vừa mới bắn tan xác một, hai, hoặc ba người lính Mỹ? Làm sao bạn biết được nếu chính là bạn, bạn sẽ
không bóp cò?”. (*)
Ngày 14/7/1998 Nguyễn Ngọc
Loan qua đời do bệnh ung thư tại Burke, Virginia, ngoại ô Washington, D.C. Sau
khi tướng Loan chết, nhà báo Eddie Adams đã gửi lời viếng và bày tỏ sự ân hận
vì những tác động của bức ảnh lên cuộc sống của tướng Loan: “Người này là một
anh hùng. Nước Mỹ đáng lẽ phải tiếc thương ông ta. Tôi rất tiếc là đã để cho
ông ta ra đi như thế này, trong khi người ta không hề biết một chút gì về ông
ta cả.” (**)
Ảnh do Eddie Adams chụp Tướng
Loan và Bảy Lốp
Tết Mậu Thân 1968
Người Sài Gòn còn nhớ, ngày
25/7/1970 có hai thanh niên người Pháp – André Menras và Jean Pierre Debris –
treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trên bức tượng thủy quân lục chiến
trước Quốc hội (ngày nay là Nhà hát Thành phố). Hai “Ông Tây Việt Cộng” này đã
gây chấn động dư luận thời đó và cái giá phải trả là hơn 30 tháng trong khám Chí
Hòa. Cũng tại đây, André Menras được các bạn tù đặt tên Việt Nam là Hồ Cương
Quyết.
Ngày 1/1/1973 cả hai ông Tây
Việt Cộng được thả và bị trục xuất về Pháp. Chỉ trong vòng 11 ngày, họ hoàn
thành cuốn sách Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo, được xuất bản tại
Pháp tháng 5/1973. Sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, tại Việt Nam, NXB Văn Nghệ
Giải Phóng (của Mặt trận Giải phóng miền Nam) ấn hành tháng 9/1974, đến năm
2003, NXB Trẻ in lại, bổ sung thêm phần Phụ lục. Ngày 1/12/2009, đích thân Chủ
tịch nước Nguyễn Minh Triết trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho André
Menras Hồ Cương Quyết, người bạn Pháp thủy chung suốt gần 40 năm qua đã gắn bó
với nhân dân Việt Nam.
Ngày 6/4/2010 trên trang BBC
tiếng Việt có đăng bài Nhiệm vụ ghi nhớ và lòng yêu nước của André Menras viết
bằng tiếng Việt từ Pháp. Ông Tây Việt cộng bày tỏ suy nghĩ của mình với tư cách
là một công dân Việt trước với việc ứng xử thiếu thận trọng và thiếu minh bạch
của chính phủ Việt Nam trong mối quan hệ với Trung quốc. Người Việt Nam ‘thứ
thiệt’ không thể nào làm ngơ khi đọc những dòng sau:
“Với tư cách một công dân Việt
Nam, tôi xin phép nói với các nhà chức trách địa phương một câu: trong tình
hình hiện nay, tình hình mà các vị không thể không biết, nếu các vị muốn tưởng
niệm những người bạn Trung Quốc quý mến của quá khứ, thì các vị nên tỏ ra sáng
suốt và minh bạch hơn... với trong nước. Nhiều người dân đang tỏ sự chống đối
và tức giận trước những hành động ngạo mạn và thách thức của Trung Quốc, ngay
trong năm kỷ niệm Hữu nghị Việt –Trung…”
André Menras với lá cờ Mặt
trận Giải phóng miền Nam
tại tượng Thủy quân lục chiến
trước Quốc hội ngày 25/7/1970
Hiện nay, Việt kiều là một
thuật ngữ gây nhiều tranh cãi nhất, cả ở Việt Nam lẫn hải ngoại. Theo luật pháp
quốc tế, người Việt sống ở nước nào thường mang quốc tịch của nước đó. Theo nhà
cầm quyền Việt Nam, người gốc Việt mang quốc tịch Mỹ, Pháp, Úc, Lào, Cambodge,
v..v.. sẽ được gọi là Việt kiều, tương tự như những ngoại kiều sống tại Việt
Nam như Hoa kiều, Pháp kiều…
Có khoảng gần 3 triệu người
Việt sống ở nước ngoài nhưng một số người không hài lòng khi chính phủ Việt Nam
gọi họ là Việt kiều. Có người cho rằng không thể đánh đồng Việt kiều với các
ngoại kiều khác như Hoa kiều hoặc Pháp kiều… về cả mặt pháp lý lẫn tình cảm. Những
người khác lại nghĩ từ Việt kiều mang ý nghĩa… mỉa mai:
Ngày đi, đảng gọi Việt gian
Ngày về thì đảng chuyển sang
Việt kiều
Chưa đi: phản động trăm chiều
Đi rồi: thành khúc ruột yêu
ngàn trùng
Cộng đồng người Việt tại hải
ngoại rất phức tạp. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, cộng đồng ngày nay được hình thành
từ nhiều nhóm: khởi đầu là đợt di tản năm 1975, vượt biên vào cuối thập niên 70
kéo dài đến thập niên 90, diện đoàn tụ gia đình (ODP) hoặc con lai, diện quân
nhân VNCH (HO).
Từ trình độ văn hóa không đồng
đều nên sau đó hình thành những giai cấp xã hội đa dạng trong cộng đồng. Bên cạnh
những thành phần tinh túy như bác sĩ, kỹ sư, luật sư, nhà khoa học, nhà giáo dục,
phi hành gia… lại xuất hiện những thành phần được coi là cặn bã của xã hội sở tại
với những người tham gia các hoạt động của thế giới ngầm, ma túy, tống tiền… Một
cộng đồng không đồng nhất, không cùng giai cấp, rất dễ nảy sinh những mâu thuẫn
khó tránh khỏi.
Về Việt Nam, có những người
rất khiêm tốn, low profile. Họ là những người về thăm gia đình, thân nhân, bạn
bè để kể lại những khó khăn, cực nhọc của cuộc sống nơi đất khách quê người. Cuộc
sống tạm ổn về mặt vật chất nhưng lại thiếu hẳn những gì thuộc về tinh thần.
Cũng có không ít những trường
hợp “Áo gấm về làng”. Họ về Việt Nam để khoe khoang với người đồng hương. Họ
phóng đại, tô màu những gì mình có và cả những gì mình không có. Ngày nay, ở
Sài Gòn có một cụm từ nói lên tính cách đó: Nổ như Việt kiều.
Không chỉ về thăm gia đình,
nhiều người Việt tại hải ngoại còn về Việt Nam làm ăn. Tờ Wall Street Journal
đã phải công nhận: “Việt Kiều có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của Việt
Nam”. (http://giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=3153)
Henri Trần Anh Dũng thành lập
một công ty chuyên về quảng cáo và phim ảnh mang tên Sud-Est Production tại Sài
Gòn. Bố mẹ là người Việt Nam, nhưng Henri lại sinh ra ở Lào và theo cha mẹ sang
sống ở Pháp từ năm 1975. Đầu những năm 1990, ông trở về Việt Nam để làm bộ phim
Cyclo do người anh trai, Trần Anh Hùng, làm đạo diễn. Hùng đã từng được đề cử
giải Oscar cho bộ phim Mùi đu đủ xanh (The Scent of Green Papaya).
David Thái, định cư tại
Seattle từ năm 1978, là người sáng lập ra thương hiệu Cà Phê Highlands
(Highlands Coffee) mà có một số người ca tụng là Starbucks of Vietnam. Từ một đại
lý nhỏ lẻ ở Sài Gòn năm 2002, giờ đây công ty đã có một loạt các cửa hàng và
hơn 60 đại lý trên khắp cả nước và xuất cảng cà phê bột ra nước ngoài.
Highlands Coffee, Sài Gòn
Tuy nhiên, không phải con đường
kinh doanh tại Việt Nam lúc nào cũng suông sẻ. Vào đầu thập niên 1990, ông Trịnh
Vĩnh Bình, quốc tịch Hòa Lan, về nước đầu tư vào nhiều dự án tại Sài Gòn và một
số tỉnh phía Nam, thông qua 2 công ty trong nước. Năm 1998, ông Bình bị Tòa án
Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết án tù về tội đưa hối lộ và vi phạm các quy
định về quản lý và bảo vệ đất đai, bị phạt tiền, đồng thời tịch thu toàn bộ tài
sản có tại Việt Nam.
Sau khi rời khỏi Việt Nam,
ông Bình đã nhiều năm khiếu nại, yêu cầu Nhà nước Việt Nam bồi thường thiệt hại.
Luật sư của ông Bình đã chính thức nêu vấn đề từ cuối năm 2003 nhưng các cuộc
thương lượng giữa 2 bên đã không đạt được kết quả. Phiên tòa quốc tế nhằm giải
quyết vụ tranh chấp này xảy ra tại Stockholm (Thụy Điển) với án phí lên tới
hàng triệu Mỹ Kim. Đó là một bài học đắt giá cho những Việt kiều về làm ăn tại
Việt Nam.
Như đã nói, hành trình ngôn
ngữ tiếng Việt xưa & nay muốn đi lại một đoạn đường lịch sử qua 3 loại người:
Việt gian, Việt Cộng, Việt kiều. Họ gặp nhau ở một cái chung: nguồn gốc vẫn là
người Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều cái riêng về ý thức hệ. Mấy câu thơ dưới đây
là tiếng chuông cảnh báo:
Việt gian, Việt cộng, Việt
kiều
Cả ba thứ Việt lắm chiêu,
nhiều tài
Tương tàn huynh đệ còn dài
Non sông gấm vóc lấy ai giữ
gìn?
===
Chú thích:
(*): “The general killed the
Viet Cong; I killed the general with my camera. Still photographs are the most
powerful weapon in the world. People believe them, but photographs do lie, even
without manipulation. They are only half-truths... What the photograph didn't
say was, 'What would you do if you were the general at that time and place on
that hot day, and you caught the so-called bad guy after he blew away one, two
or three American soldiers? How do you know you wouldn't have pulled the
trigger yourself?”.
(**): “The guy was a hero.
America should be crying. I just hate to see him go this way, without people
knowing anything about him.”
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người
– Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9
Chương:
Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà
Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu
(Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên
(Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài
Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng
Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh
(Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những
chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước
vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút
ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả bắt đầu viết chương
cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
***
5 Comments on
Multiply
penseedl wrote on Apr 4,
'11, edited on Apr 4, '11
Bài phân tích khá chính xác.
Pensée vẫn mãi thích nghe và hát nhạc TCS.
Có vài lỗi nhỏ đánh máy anh
nên sửa lại để bài viết được hoàn hảo.
nguyenngocchinh wrote on Apr
4, '11
penseedl said “Có vài lỗi nhỏ
đánh máy anh nên sửa lại để bài viết được hoàn hảo.”
Comment noted. Thanks
Penseed.
nghihuu wrote on Apr 4, '11,
edited on Apr 4, '11
Gì cũng đều là Việt, đó mới
là điều quan trọng.
duongkhue wrote on Apr 4,
'11
Lắm khi "Việt Kiều"
cũng gọi Việt Cộng là Việt Gian vì vấn đề nhượng đất của tổ tiên cho Trung Cộng!!!
Nói chuyện "Việt Kiều" thiết tưởng cũng nên nói thêm 2 danh từ mới:
Việt Kiều Dởm (Việt Kiều nghèo) và Việt Kiều Giả (người địa phương giả làm VK).
chackadao wrote on Apr 5,
'11
Nguoi dot hay noi chu
Viet kieu No la Viet Kieu Cu
li
Lung mang bi bac ke ke
Noi quay noi qua, thien ha
cung theo dung dung.
No comments:
Post a Comment