Chính Phủ
Bảo Đại tuy chỉ tồn tại từ ngày 17 tháng 4 năm 1945 đến ngày 25 tháng 8 năm 1945 kể cả thời gian
xử lý thường vụ. Nhưng đó là thời gian có nhiều biến động nhất trong lịch
sử. Chúng ta coi lại để thấy chân dung những người có trách nhiệm vào thời đó.
Bảo Đại (chữ Hán: 保大; 22
tháng 10 năm 1913 – 31
tháng 7 năm 1997), tên
khai sinh: Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (阮福永瑞), là
vị hoàng
đế thứ 13
và là vị vua cuối cùng của triều
đại nhà Nguyễn nói
riêng và của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam nói
chung.
Từ Bảo Đại chỉ là niên
hiệu của
ông, tục lệ nhà Nguyễn các vị Hoàng đế đời trước chỉ giữ một niên hiệu nên dân
gian hay dùng niên hiệu để chỉ vị Hoàng đế đó. Ông đồng thời cũng là Hoàng
đế của Đế quốc Việt Nam (1945) và là Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam (1949 – 1955).
Về chính phủ của Bảo Đại và
Trần trọng Kim
Tác
giả: Phạm Cao Dương
KD: Những
tư liệu lịch sử rất cần đọc và lưu trữ để có những góc nhìn khác nhau về một
thời cuộc đầy giông bão
Chính
phủ Trần Trọng Kim
Chính phủ Trần Trọng Kim được Hoàng Đế Bảo Đại thành lập sau ngày 9 tháng
3 năm 1945, ngày Nhật đảo chính Pháp và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn,
rất ngắn, từ ngày 17 tháng 4 năm 1945 đến ngày 25 tháng 8 năm 1945 kể cả
thời gian xử lý thường vụ.Tổng cộng hơn bốn tháng. Chính phủ này thường bị
những người Cộng Sản và luôn cả các tác giả các sách giáo khoa hay những nhà
nghiên cứu chuyên môn ở miền Bắc thời trước và sau năm 1975 trực tiếp hay gián
tiếp gọi là bù nhìn, là Việt gian, là tay sai của Nhật (4). Nhiều học giả ngoại
quốc cũng gọi theo như vậy hay cố tình không nói tới. Các tác giả của miền Nam
và ở hải ngoại, trái lại, đã tỏ ra thận trọng và có cảm tình hơn. Vũ Ngự Chiêu,
một tiến sĩ sử học được huấn luyện ở Hoa Kỳ, tác giả của nhiều công trình
nghiên cứu quan trọng về lịch sử Việt Nam hiện đại, qua tác phẩm song ngữ Anh
Việt:
The Other Side of the 1945 Revolution: The Empire of Viet-Nam (3-8/1945),
A new Interpretation – Phía Bên Kia Cuộc Cách Mạng 1945: Đế Quốc Việt-Nam
(3-8/1945), (5) và Lê Xuân Khoa, một cựu giáo sư triết học thuộc Viện Đại Học
Saigon và một chuyên gia về người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ sau này, qua Việt Nam,
1945-1995:
Chiến Tranh, Tị Nạn, Bài Học Lịch Sử, Tập I (6), là hai trường hợp điển
hình cần được ghi nhận.
Sáu mươi năm đã trôi qua, đã đến lúc người ta phải nhận định lại bản chất
và vai trò của chính phủ này và người đứng đầu nó cho chân thật và rõ ràng hơn,
đồng thời những thành quả, dầu cho là giới hạn của nó. Đây là một nhận thức căn
bản trước khi người ta nói tới Cách Mạng Tháng Tám hay Việt Minh Cướp Chính
Quyền của năm 1945.
Tai
nạn lịch sử hay cái thế “chẳng đặng đừng”
“Tai nạn lịch sử“ là chữ của Vũ Ngự Chiêu (7). Vũ Ngự Chiêu dùng chữ này
để gọi chính phủ Trần Trọng Kim vì theo ông nó “được khai sinh do nhu cầu
quân sự của Nhật”.
Nhận định này không chỉ đúng với hoàn cảnh đương thời mà đúng luôn cả cho
hoàn cảnh, tâm tư của chính Trần Trọng Kim và luôn cả vị hoàng đế đương thời là
vua Bảo Đại. Cả hai đều bị đặt vào thế “chẳng đặng đừng”, nói theo lối của
người Miền Nam.
Cả hai đều không trông đợi, nói theo ngôn ngữ bình thường. Riêng Trần
Trọng Kim, với bản chất là một nhà giáo, một tác giả của bộ sách Giáo Khoa Thư
cho đến hiện tại người ta vẫn còn in lại và vẫn còn ưa đọc và viết nhiều về nó,
với bản chất là một nhà nghiên cứu về lịch sử, triết học, một dịch giả của thơ
Đường, đặc biệt là Việt Nam Sử Lược, một tác phẩm vừa là giáo khoa, vừa là
nghiên cứu phổ thông cho đến những ngày hiện tại vẫn còn được nhiều người tin
cậy và cẩn trọng giữ gìn, đã tỏ ra chẳng bao giờ mong đợi, với tuổi ngoài sáu
mươi của thời đó, ít nhất đã hai lần từ chối để nhường chỗ cho Ngô Đình Diệm và
một lần từ chức nhưng luôn luôn ở vào thế “chẵng đặng đừng” phải chấp nhận đứng
ra lập chính phủ hay ở lại để xử lý thường vụ trong tất cả mọi giới hạn của nó.
Bảo Đại cũng vậy.
Sau này trong hồi ký của ông, vị thủ tướng bất đắc dĩ này đã kể lại rằng
sau gần mười ngày chờ đợi và cứ cách ba bốn hôm ông lại đến gặp cố vấn tối cao
Nhật để hỏi tin tức vê ông Diệm để được trả lời là “chưa biết ông Diệm ở đâu”
sau là “ông Diệm đau chưa về được”, rồi vì Bảo Đại “sốt ruột, triệu tôi vào bảo
chịu khó lập chính phủ mới”.
Tâm sự của hai người đã được giãi bầy qua lời kể lại sau đây:
“Ngài nói:
“Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa
phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu
không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị
theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành
một chính phủ để lo việc nước.”
Tôi thấy vua Bảo Đại thông minh và am hiểu tình thế, liền tâu rằng:
-”Nếu vì quyền lợi riêng tôi không dám nhận chức gì cả, xong
Ngài nói vì nghĩa vụ đối với nước, thì dù sao tôi cũng cố hết sức. Vậy xin Ngài
cho tôi vài ngày để tôi tìm người, hễ có thể được tôi xin tâu lại."
Và Trần Trọng Kim đã thành lập được một chính phủ với danh sách các bộ
trưởng được đệ trình lên nhà vua vào sáng ngày 17 tháng 4 năm 1945.
Học
thức, tư tưởng và đức hạnh
Là một nhà giáo và một nhà nghiên cứu không đảng phái, không bè đảng,
không có sẵn người, Trần Trọng Kim đã dựa theo tiêu chuẩn nào để lựa chọn người
cho nội các của mình? Cũng trong hồi ký của ông, nhà chính trị gia bất đắc dĩ
này đã cho biết là phải có đủ học thức và tư tưởng về mặt chính trị, phải có
đức hạnh chắc chắn để dân chúng kính phục. Nhận xét về danh sách này, Bảo Đại
phê là “Được”, còn Tối Cao Cố Vấn Nhật Yokohama thì chúc mừng là “cụ đã chọn
được người rất đứng đắn.” (6) Cũng cần phải để ý là trong những ngày đầu này,
người đã cộng tác chặt chẽ với Trần Trọng Kim là Hoàng Xuân Hãn, thạc sĩ toán
học (9) và cũng là một nhà giáo được sự kính mến của hầu hết các nhà trí thức
trẻ đương thời. Điều này tất nhiên là dễ hiểu.
Hai nhà giáo bất đắc dĩ phải làm chính trị, vốn quen nhau từ trước, cộng tác
chặt chẽ với nhau là một chuyện tự nhiên. Nó cũng là một dữ kiện cần thiết giúp
ta giải thích tại sao chính phủ Trần Trong Kim lại chú trọng nhiều đến các công
tác văn hóa và giáo dục, nhất là giáo dục mà thành quả đã tồn tại đến tận ngày
nay và có thể rất lâu sau này.
Chính phủ đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập này gồm có một thủ tướng
với danh xưng nội các tổng trưởng và mười bộ trưởng với hai người là giáo sư,
bốn người là y sĩ, bốn người là luật sư và một ngươi là kỹ sư. Đây là lần đầu
danh xưng bộ trưởng đã dùng thay cho danh xưng thượng thư, cùng với sự xuất
hiện của nhiều bộ mới như ngoại giao, thanh niên, y tế, tiếp tế… nhằm đáp ứng
nhu cầu của thời cuộc, thay vì chỉ có lục bộ như thời trước. Trong số các bộ,
không bộ quốc phòng. Trần Trọng Kim trong hồi ký của ông có giải thích điều này
bằng nhiều lý lẽ, nhưng sự thiếu vắng bộ quốc phòng đã gây ra cho chính phủ của
ông nhiều trở ngại khi tình thế thay đổi và nhất là khi quân Nhật bị giải giáp
và Việt Minh cướp chính quyền.
Bốn tháng đầy rẫy những khó khăn nhưng những thành quả đạt được không
phải là không đáng ghi nhận
Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại có hơn bốn tháng kể cả thời gian xử
lý thường vụ, và đã gặp rất nhiều trở ngại do hoàn cảnh của đất nước đương thời
gây ra trong đó có nạn đói, có chiến tranh, có quân đội Nhật chiếm đóng và
chiếm đóng vào lúc họ gần bị thất trận, có sự thiếu thật tình của người Nhật,
có kinh tế khó khăn, có những sự chống đối trong nội bộ, có sự chỉ trích của dư
luận do trình độ hiểu biết còn thấp kém, do sự nông nổi nhất thời hay bị tuyên
truyền sai lạc, doạt nạt bằng bạo lực và ghen tị, có sự thiếu các phương tiện
truyền thông và di chuyển, quan trọng nhất là thiếu nhân sự nhất là ở các địa
phương (10) và các phương tiện để duy trì an ninh.
Nhưng nguy hiểm nhất là sự phá hoại của Cộng Sản được người Mỹ nhất thời
giúp đỡ, hoạt động ngụy trang dưới danh hiệu Việt Minh với mục duy nhất là cướp
chính quyền và cướp chính quyền bằng đủ mọi cách. Từ ngữ bù nhìn đã được họ sử
dụng để chỉ cả Bảo Đại lẫn nội các Trần Trong Kim. Điển hình là qua tờ Cờ Giải
Phóng thời đó tác giả Tân Trào đã viết “Thân phận bù nhìn nó (chính phủ Trần
Trọng Kim) chỉ có thể giữ việc bù nhìn… nhiệm vụ cuả nó là bọc nhung vào cái
ách của Nhật, đầu độc đồng bào, thái độ của nó là ca ngợi Nhật, vào hùa với
Nhật áp bức bóc lột nhân dân”. Đây là đoạn văn đã được Dương Trung Quốc
trích dẫn trong tác phẩm của ông với lời ghi chú tiếp theo về thái độ của những
người cách mạng: “Thái độ của những người cách mạng là cương quyết vạch trần
bản chất của nội các Trần Trọng Kim, thức tỉnh những người có ảo tưởng về “bánh
vẽ độc lập” của Nhật và vạch rõ chỉ có một con đường duy nhất là tiến tới thành
lập một chính quyền cách mạng của nhân dân như chỉ thị của Tổng Bộ Việt Minh đã
đưa ra ngay trước ngày nội các này thành lập” (11).
Xin đọc kỹ tám chữ sau cùng: ngay trước khi nội các này thành lập, không
để cho nó có thì giờ hoạt động. Nói theo ngôn ngữ thông thường, họ đã đánh phủ
đầu ngay từ rất sớm. Sau đó đã từ chối mọi sự cộng tác dù cho Trần Trọng Kim
qua Phan Kế Toại, cho người móc nối và đề nghị gặp và đề nghị mà người viết sẽ
trình bày chi tiết hơn ở phần dưới bài này. Một điều tất nhiên và dễ
nhiểu: Đảng Cộng Sản phải là đảng cầm quyền và duy nhất cầm quyền.
Vượt qua tất cả mọi khó khăn, Trần Trọng Kim và các cộng sự viên của ông
đã vạch ra những mục tiêu và chương trình hành động cụ thể và thực tế, từ những
việc làm có tính các tương trưng như đổi quốc hiệu thành Việt Nam, đổi quốc kỳ,
duyệt lại quốc ca… đến cứu đói, thu hồi toàn vẹn lãnh thổ, bắt các quan ở các
tỉnh phải trực tiếp liên lạc với chính phủ Việt Nam và cấm họ liên lạc trực
tiếp với người Nhật như họ vẫn liên lạc với người Pháp trước kia, Việt Nam hóa
nền giáo dục, cải tổ thuế má, tư pháp, vận động thanh niên sinh viên và cả quần
chúng nói chung tham gia sinh hoạt chánh trị, xã hội, lập các hội đồng tư vấn
địa phương và vận dụng mọi khả năng để thực hiện.
Những thành quả này đã được các sách vở của phía những người không Cộng
Sản nói tới và đặc biệt Vũ Ngự Chiêu, người đầu tiên nghiên cứu tương đối kỹ
càng và có phương pháp dựa trên các tài liệu đủ loại nhất là các tài liệu lấy
từ văn khố Pháp hay các sách báo đương thời, thay vì chỉ sử dụng những tài liệu
mang nặng tính cách tuyên truyền. Theo ông “Tài liệu chính thức của Cộng sản
Việt Nam và các học giả thường hạ thấp giá trị nhhững kế hoạch của chính phủ
Kim như “cải cách giấy”, hay độ lượng hơn, chỉ thuần là những tuyên cáo về ý
định của chính phủ. Từ thời điểm này của lich sử nhìn lại, trong bốn tháng cầm
quyền, chính phủ Kim chỉ có thì giờ ban hành hết dụ này qua sắc luật khác, và
những cuộc cải cách ấy có rất ít ảnh hưởng đến đám đông. Tuy nhiên, các kế
hoạch của Kim xứng đáng được nghiên cứu đầy đủ hơn những lời nhận định sơ sài
trên. Các kế hoạch của chính phủ Kim phản ảnh quan điểm tổng quát của giới
thượng lưu và trí thức về một nước Việt Nam không-ảnh-hưởng Pháp ở cao điểm của
chủ thuyết Đại Á và tinh thần quốc gia Việt Nam. Hơn nữa, trái ngược với niềm
tin phổ quát, Kim và các cộng sự viên phần nào thực hiện những chương trình
trên. Bởi thế các kế hoạch của Kim xứng đáng được nghiên cứu vào sâu chi tiết,
và trên vị thế lịch sử của chúng” (12).
Đi xa hơn, Lê Xuân Khoa đã khẳng định là không riêng Trần Trọng Kim mà
luôn cả Bảo Đại “không phải là “bù nhìn” cuả Nhật và nền độc lập của Việt
Nam, dù chưa hoàn toàn, vẫn là một thưc tại chứ không phải “bánh vẽ”, nhất là
so với những điều kiện của một “quốc gia tự do” và viễn tượng thống nhất mơ hồ
như trong hiệp định sơ bộ 6 tháng Ba 1946 mà Chủ tich Hồ Chí Minh phải ký kết
với Cao Ủy Bollaert” (13).
Nổi bật nhất và tồn tại lâu dài nhất là chủ trương và nỗ lực Việt hóa
giáo dục của chính phủ Trần Trọng Kim qua chương trình Hoàng Xuân Hãn, một chủ
trương đã được thực hiện ngay từ những tháng cuối cùng của năm học 1944-1945
đầy những biến cố khủng khiếp với một kỳ thi tiểu học thành công như một bằng
chứng cụ thể không thể chối cãi được của Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn và các
phụ huynh và các nhà giáo đương thời. Chủ trương có tính cách cấp thời mang
nặng tinh thần quốc gia độc lập này đã mở đầu cho một bước ngoặt mới trong lịch
sử giáo dục Việt Nam.
Nó đã tồn tại và phát triển liên tục trên toàn quốc Việt Nam bất kể là
quốc gia hay cộng sản cho đến tận ngày nay nhưng rất ít được người ta chú ý
tới, y hệt như những nỗ lực âm thầm của các nhà giáo ở bất cứ thời nào, bất cứ
địa phương nào trên lãnh thổ Việt Nam và bây giờ là ở hải ngoại. Kèm theo với
giáo dục là sự vận dụng và tổ chức hàng ngũ thanh thiếu niên thời này hướng tới
ý thức trách nhiệm và những hành động cụ thể để đáp ứng những nhu cầu cấp bách
của xã hội và của dân tộc đương thời như cứu đói, chống nạn mù chữ…
Năm
lần tiếp xúc và mời Việt Minh hợp tác đều bị chối từ
Trước ngày 19 tháng 8, có ít nhất năm lần chính phủ Trần Trọng Kim đã
tiếp xúc với đại diện Việt Minh mời hợp tác. Những chi tiết liên quan tới các
cuộc tiếp xúc này đã được những nhân vật chính trong các biến cố này là Trần
Trọng Kim (14) và Nguyễn Xuân Chữ (15) thuộc chính phủ của nhà vua đương thời và
Lê Trọng Nghĩa, tự xưng tên là giáo sư Lê Ngọc trong thời gian tiếp xúc, người
đại diện cho Việt Minh trong tất cả các buổi họp mặt kể lại trong hồi ký của
mình (16).
Nguyễn Xuân Chữ
Lê Trọng Nghĩa
Trần Trọng Kim hồi đầu tháng 8 ra Bắc với mục đích đòi trả lại các thành
phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và xứ Nam Bộ cùng các cơ sở mà người Nhật còn
chiếm giữ cho chính phủ Việt Nam, hủy bỏ chế độ phủ toàn quyền vốn có từ trước,
từ thời Pháp thuộc, đồng thời đòi trả tự do cho các thanh niên theo Việt Minh
đi tuyên truyền bị Nhật bắt rất nhiều ở Hà Nội. Phan Kế Toại là Khâm Sai Bắc Bộ
lúc đó. Ông vốn là một tổng đốc có tiếng là thanh liêm trước khi được Trần
Trọng Kim chỉ định vào chức vụ này.
Phan Kế Toại
Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ là chủ tịch của Ủy Ban Giám Đốc Chính Trị Miền
Bắc. Ủy ban này gồm có năm người, bốn người kia là Phan Kế Toại, Trần Văn Lai
(lúc đó là thị trưởng Hà Nội), Đặng Thai Mai, nhà giáo và Nguyễn Tường Long tức
nhà văn Hoàng Đạo.
Trần Văn Lai
Đặng Thai Mai
Nguyễn Tường Long tức nhà văn Hoàng Đạo
Lê Trọng Nghĩa, không ró lẽ là đảng viên đảng Dân Chủ của Dương Đức Hiền
và Vũ Đình Hòe, lúc đó đã là đảng viên Đảng Cộng Sản, mới vượt nhà pha Hỏa Lò
ra và được Trung Ương của Đảng Cộng Sản điều về công tác Mặt Trận và được giao
cho phụ trách khối Dân Chủ trong Mặt Trận Việt Minh ở Hà Nội và một số thành
phố miền Bắc, trên lý thuyết dưới quyền Tổng Thư Ký Dương Đức Hiền nhưng trên
thực tế là dưới quyền của Lê Đức Thọ, người vừa thay mặt Trung Ương Cộng Sản
vừa thay mặt Tổng Bộ Việt Minh. Cả hai người này lúc đó đều đi họp ở Tân Trào
nên không có mặt ở Hà Nột trong thời gian tiếp xúc.
Cuộc họp thứ nhất có tính cách bí mật được thực hiện vào một buối
sáng không rõ ngày nào nhưng có lẽ vào cuối tháng bảy vì theo Lê Tọng Nghĩa, nó
chỉ cách buổi móc nối tiếp theo nhằm dẫn tới cuộc tiếp xúc của ông với Thủ
Tưởng Trần Trong Kim ít ngày và Trần Trọng Kim thì có mặt ở Hà Nội vào đầu
tháng 8. Địa điểm là tại dinh Khâm sai, trong giờ làm việc. Trong buổi họp này
đại diện Việt Minh Lê Trọng Nghĩa đã trình bày chủ trương và hoạt động chống
Nhật của bên mình và cục diện chiến tranh, chuyện Hoa quân nhập Việt và đồng
minh có thể đổ bộ. Phan Kế Toại thi lắng nghe, hỏi và đề nghị “tiếp tục giữ
mối quan hệ, liên lạc nhưng chú ý giữ kín đáo…” Bốn chữ “chú ý giữ kín đáo”
cho phép người ta nghi rằng cuộc tiếp xúc này của Phan Kế Toại là của riêng cá
nhân ông.
Cuộc tiếp xúc lần thứ hai quan trọng hơn, nếu không nói là quan
trọng nhất vì đó là do sáng kiến của chính Thủ Tướng Trần trọng Kim khi ông ra
Bắc để như đã nói ở trên điều đình với người Nhật về việc thâu hồi toằn bộ lãnh
thổ, các cơ sở hành chánh cũ của Pháp, xin tha và trả lại hết các các binh sĩ
và sĩ quan Việt Nam mà quân Nhật còn giam giữ ở khắp nơi để chức đội quân bảo
an cùng súng ống để võ trang cho đội quân này, đồng thời can thiệp cho các
thanh niên bị người Nhật bắt giữ.
Cả hai nhân vật chủ cốt trong trong cuộc gặp gỡ này là Thủ Tướng Trần
Trọng Kim và đại diện Việt Minh đều đã kể lại trong các hồi ký của minh. Thời
gian gặp gỡ là đầu tháng 8, người móc nối cho cuộc gặp gỡ là Phan Kế Toại và
địa điểm là phòng khách Phủ Khâm Sai Bắc Bộ. Vì đây là một cuộc tiếp xúc quan
trọng, nó phản ảnh quan điểm cuả cả hai phía, có những chi tiết trùng hợp và
những chi tiết khác biệt nên người viết thấy cần phải ghi lại đầy đủ, kể cả lý
do của cuộc tiếp xúc để người đọc có thể đối chiếu và thấy rõ nột dung của cuộc
trao đổi như thế nào.
Trần
Trọng Kim viết trong hồi ký “Một cơn gió bụi”:
“Đảng Việt Minh lúc ây rất hoạt động, đánh huyện này, phá phủ kia, lính
Bảo An ở các nơi, phần nhiều bị Việt Minh tuyên truyền, tuy chưa theo hẳn,
nhưng không chống cự nữa. Nhân dân bấy giờ rất hoang mang, một đường có chính
phủ quốc gia, nhưng vì thời gian eo hẹp, chưa kịp sắp đặt gì cả, công việc thấy
có nhiều sự khốn khó mà thường nghe sự tuyên truyền của Việt Minh nói họ đã có
các nước đồng minh giúp đỡ cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Dân ta từ khi
bị người Pháp sang cai trị, cứ khao khát độc lập, nay nghe Việt Minh nói như
thế, ai nghe nói đảng Việt Minh lên cầm quyền, dân không phải đóng thuế nữa,
được hoàn toàn tự do và có nhiều hạnh phúc, thành ra ai cũng tin theo. Ngay những
đạo thanh niên tiền tuyến do Bộ Thanh Niên lập ra, cũng có ý ngả về Việt Minh.
“Tôi thấy tình thế ấy, tôi bảo ông Phan Kế Toại đi tìm một vài người Việt
Minh đến nói chuyện, vì lúc ấy tôi còn tưởng đảng Việt Minh dù theo chủ nghĩa
cộng sản, nhưng chắc cũng nghĩ đến tương lai nước nhà. Hôm sau ông Toại đưa một
thiếu niên Việt Minh đến, tôi nói:
‘chúng tôi ra làm việc chỉ vì nước mà thôi, chứ không có ý
cầu danh lợi gì cả, tôi chắc đảng của các ông cũng vì nước mà hành động. Nếu
vậy chúng ta tuy đi con đường khác nhau, nhưng cũng cùng một mục đích như nhau,
các ông thử xem ta có thể hợp tác với nhau, kẻ ở trong người ở ngoài để cứu
nước được không?
“Người ấy nói:
– Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có
chương trì nhất định để đem nước đến chỗ hoàn toàn độc lập. Chúng tôi có thể
làm lấy được.
– Sự mưu cầu cho nước được độc lập cũng là mục đích của chúng
tôi nhưng vì đi đường thẳng có nhiều sự khó khăn, nên chúng tôi phải uyển khúc
mà đi từ từ có lẽ chắc chắn hơn.
– Chúng tôi chỉ có một con đường thẳng để đi đến hoàn toàn độc
lập chứ không có hai.
– Theo như ý của các ông như thế, tôi sợ rất hại cho dân, mà
chưa chắc đã thành công được.
– Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng
không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù trong nước mười phần chết chín, chúng tôi
sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại còn hơn với chín phần kia.
“Rồi người ấy đọc một bài hình như đã học thuộc lòng để kể những công
việc của đảng Việt Minh. Tôi thấy thái độ người ấy như thế tôi biết không thể
lấy nghĩa lý nói chuyện được.
“Tôi nói:
– Nếu các ông chắc lấy được quyền độc lập cho nước nhà, các
ông vào chính phủ làm việc, cần gì phải đánh phá cho khổ dân?
– Chúng tôi sẽ cướp quyền để tỏ cho cả nước đồng minh biết
chúng tôi mạnh, chứ không chịu cho ai nhường.
– Các ông chắc là các nước đồng minh tin ở sức mạnh của các
ông không?
– Chắc lắm. Chắc trăm phần trăm.
‘– Tương lai còn dài, các ông nhận lấy trách nhiệm đối với
quốc dân và lịch sử”.
Đại diện Việt Minh Lê Trọng Nghĩa cũng mở đầu bẵng chuyến ra Bắc của Thủ
Tướng Trần Trọng Kim với những mục tiêu tương tự nhưng thêm mục tiêu là để xem
xét tình hình sau vụ Việt Minh đánh đồn Bần Yên Nhân. Ông viết: trong hồi ký
của mình:
“Ngay từ phút đầu, qua
thái độ và vẻ mệt nhọc, hơi khô khan của ông Kim, khi nghe ông Toại giới thiệu,
tôi linh cảm thấy như cuộc gặp gỡ và cá nhân tôi không được coi trọng đúng mức.
Phải chăng vì mình quá trẻ và lại chỉ đến đây có một mình, đã không có được
những hình ảnh như ý ông Thủ Tướng trông đợi.“Với ý thức là một cán bộ của Mặt
Trận VM, tôi đàng hoàng trình bày ngắn gọn chương trình hành động của Mặt trận,
nêu lên cái ưu thế của VM là đã cùng đứng về phía Đồng Minh chống lại phát xít
Nhật ngay từ nhiều năm.. Ông nghe, tôi thấy cũng có vẻ chú ý nhưng không hỏi gì
thêm. Rồi đến lượt ông phác ra điều mà chính phủ ông chủ trương, đã và đang
làm: chương trình xây dựng một nước Việt Nam mới, chống thực dân và thống nhất…
Đoạn, không đi xa thêm như lúc đầu tôi tưởng, ông lại lạnh lùng nói một cách
trống không nhưng mà là để kết luận: ’Lịch sử sẽ phán xét cộng việc của chúng
tôi!’ (Những câu nói này đã gợi cho tôi nhớ ngay đến quyển Việt Nam sử lược
Trần Trọng Kim thời đi học. ”
So sánh các chi tiết được hai bên kể lại, người ta thấy phần quan trọng
nhất của buổi họp với những lời lẽ được trao đổi liên quan tới lập luận cuả hai
bên về đường lối đi tới hoàn toàn độc lập, những tai hại mà người dân phải lãnh
chịu, đăc biệt gợi ý của Trần Trọng Kim mời Việt Minh vào chính phủ làm việc đã
được Trần Trọng Kim tường thuật đầy đủ, trong khi Lê Trong Nghĩa thì hoàn toàn
không nói tới.
Trái lại, người đại diện Việt Minh này lại khẳng định là Trần
Trọng Kim đã không đề nghị gì cả qua câu ông viết: “Đoạn, không đi xa thêm
như lúc dầu tôi tưởng, ông lại lạnh lùng nói một cách trống không nhưng là để
kết luận:
’Lịch sử sẽ phán xét công việc của chúng tôi”
Giữa hai tường thuật này, người viết nghĩ rẳng Trần Trọng Kim đã nói thật
vì bản chất của ông là một nhà giáo, một sử gia, lại chịu ảnh hưởng của Khổng
Mạnh và phần nào Phật Giáo, đồng thời ông viết hồi ký của mình vào lúc về già,
chưa kể tới sự mệt mỏi muốn rút lui của ông vào lúc đó. Chính người đại diện
cho Việt Minh cũng nhận thấy sự mệt mỏi này của vị thủ tướng ngay lúc mới vào
họp. Không những thế, mục tiêu chính yếu của Trần Trọng Kim khi yêu cầu Phan Kế
Toại móc nối và cho mời đại diện Việt Minh vào gặp ông ở Dinh Khâm Sai trong
chuyến ra Bắc với rất nhiều việc phải làm không thể chỉ là để tìm hiểu suông.
Cuối cùng là trong câu “Lịch sử sẽ phán xét công việc của chúng tôi!” hai chữ
chúng tôi hoàn toàn lạc lõng không hợp với toàn thể mạch văn. Chúng phải là các
ông như trong câu của Trần Trọng Kim và cả phần đối thoại với những lời căn vặn
được lập đi, lập lại như Trần Trọng Kim thuật lại mới hợp lý.
Nếu ta tin rằng Trần Trọng Kim đã nhớ đầy đủ và đã tường trình trung thực
về cuộc gặp gời này thì câu tiếp theo sẽ là tại sao Lê Trọng Nghĩa lại nói
ngược lại: Trần Trọng Kim đã không đi xa hơn nữa? Ta có thể có hai giải thích.
Thứ nhất, Trần Trọng Nghĩa sống trong chế độ cộng sản khi viết hồi ký này, do
đó đã bị cấm hay không dán viết hết sự thực, nhất là sự thực về bản chất chiếm
lãnh độc quyền lãnh đạo đất nước bằng mọi giá, mọi phương tiện kể cả phững
phương tiện bất nhân tàn bạo nhất qua câu nói “mười phần chết mất chín,
chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một phần còn lại, còn hơn với chín phần
kia.”, một câu nói không một nhân vật nào dám nói trong suốt lịch sử dân
tộc kể cả vào những lúc nguy nan nhất.
Một câu nói ông có thể đã được học trong khi được các lãnh tụ cộng sản
huấn luyện.
Giải thích thứ hai là Lê Trọng Nghĩa mang mặc cảm bị coi thường vì
còn quá trẻ. Sự kiện còn quá trẻ của người đại diện Việt Minh được cả hai bên
ghi nhận. Trần Trọng Kim gọi Lê Trọng Nghĩa là thiếu niên (ông Toại đưa một
thiếu niên đến), còn chính đương sự thì dùng chữ quá trẻ (phải chăng vì mình
quá trẻ). Trần Trọng Kim chỉ kể như vậy thôi, không nói thêm gì về yếu tố này
mà chuyển ngay sang phần nội dung của cuộc trao đổi. Còn Lê Trọng Nghĩa thì
ngay từ lúc đầu đã cho biết là ông “linh cảm thấy như cuộc gặp gỡ và cá nhân
tôi không được coi trọng đúng mức. Phải chăng vì mình quá trẻ và lại đến đây có
một mình, đã không có được những hình ảnh như ý ông thủ tướng trông đợi….. Lúc
ấy, tôi đã cảm thấy hơi nóng nóng mặt.”
Những chi tiết này cho phép ta đặt giả thuyết rằng phải chăng ngay từ
phút đầu tiên, người thiếu niên đại diện cho Mặt Trận Việt Minh đã bị mặc ảm
quá trẻ, bị coi thường, từ đó mất hết bình tĩnh, không còn nghe rõ và nghe hết
những gì người mà ông có dịp gặp gỡ đã đề nghị hay vặn hỏi, để chỉ còn trả lời
ngang bướng như một thiếu niên cờn nông nổi, ở tuổi trên dưới hai mươi mà thôi.
Cuối cùng với tâm trạng đầy bất mãn, bực tức và mặc cảm, ông đã kết luận
rằng “từ đó tôi cảm thấy không hào hứng và quan tâm nhiều lắm nữa đến mối
liên lạc với các lãnh đạo cao cấp chóp bu của chính quyền để dồn hết tâm sức
đẩy nhanh việc xây dựng lực lượng – mà tôi thấy rõ lúc đó còn đuối – để chuẩn
bị gấp cho cuộc võ trang khởi nghĩa như chỉ thị của trung ương đã nêu và tình hình
đang thôi thúc…” và tất cả những gì ông nói với hay trả lời Trần Trọng Kim
đều là dựa theo chỉ thị của Trung Ương Đảng Cộng Sản và những gì ông được học
tập trước đó. Điều này cũng cho thấy là trong thời gian này ông hoạt động một
mình; các người trực tiếp lãnh đạo của ông như Lê Đức Thọ, Dương Đức Hiền đều
đi họp ở Tân Trào. Những người khác đứng sau lưng ông lúc đó cũng chưa nhận
được chỉ thị nào rõ rệt.
Cuộc họp thứ ba xảy ra vào buổi sáng ngày 16 tháng 8 tại Dinh Khâm Sai và cũng do Phan
Kế Toại đứng ra móc nối. Người được tìm kiếm cũng là “Giáo Sư Lê Ngọc” bí danh
của Lê Trọng Nghĩa. Về chi tiết của cuộc tiếp xúc này, ta chỉ có bài hồi ký của
ông này. Phan Kế Toại không để lại hồi ký và luôn cả truyện kể cho người thứ
ba. Viên chánh văn phòng và hai hay ba cộng sự viên của ông cũng như các nhân
vật mang tên Khang và Trần Đình Long cũng vậy.
Ông Khang lúc ấy đã đã chính thức trở thành Chủ Tịch Ủy Ban Quân Sự Cách
Mạng Hà Nội (điều này có thể cho phép các sử gia ở trong nước tìm hiểu xem nhân
vật tên Khang này là ai) , còn Trần Đình Long là một thứ cố vấn mới được xứ ủy
Đảng Cộng Sản cử đến. Lần này có lẽ vì tình hình khẩn trương hơn trước và vì tổ
chức của Việt Minh và Đảng Cộng Sản ở Hà Nội đã ró hẳn hoi, kèm theo với các
nhân sự với những chức vu đứng đầu, đồng thời rút kinh nghiệm lần trước, bên
phía Việt Minh có tới ba đại diện, thay vì một người. Nội dung của cuộc trao
đổi cũng đã được Lê Trọng Nghĩa tường thuật rõ ràng đầy đủ hơn như sau:
“Hai bên đều nhấn mạnh đến tình hình khẩn cấp, lợi ích cao cả của đất,
vận mệnh dân tộc… Ông Khâm sai chính thức mời Mặt trận Việt Minh cộng tác với
Chính phủ cụ Trần và vui lòng chờ Mặt trận cử người tham gia Chính phủ. Từ tốn,
lịch sự, anh Khang đã thẳng thắn đáp lại là tốt nhất ông Toại nên từ chức, trao
chính quyền lại cho VM, chúng tôi đã đủ danh nghĩa và đã sẵn sàng. Anh còn đề
xuất thêm việc chuyển số vũ khí nghe nói Nhật sắp giao cho Phủ Khâm sai… để
chống thực dân đang lăm le đe dọa.”
Phát biểu của đại diện Việt Minh cho ta thấy rõ chủ tâm từ đầu đến cuối
trong thời gian này là phải cướp trọn vẹn quyền hành thay vì chỉ tham gia chính
phủ, đúng với chủ trương căn bản của họ: Đảng Cộng Sản phải là đảng cầm quyền
và duy nhất cầm quyền.
Cuộc tiếp xúc lần thứ tư xảy ra vào lúc 8 giờ sáng ngày 18 tháng 8 và đại
diện cho phía chính phủ là Bộ Trưiởng Giáo Dục Hoàng Xuân Hãn, một nhà giáo,
đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam có uy tín,
một “học giả lỗi lạc, bậc thày đáng kính” (lời của Lê Trọng Nghĩa) nhất đương
thời. Vào lúc này tình thế đã không còn như trước nữa vì từ ngày hôm trước,
ngày 17, Việt Minh đã cướp ngang được cuộc biểu tình của Tổng Hội Công Chức để
mừng đất nước được hoàn toàn độc lập sau khi Nhật Bản đã đầu hàng và để ủng hộ
nhà vua và chính phủ Trần Trọng Kim.
Chi tiết về cuộc biểu tình và chuyện Việt Minh cướp máy vi âm
để biến tất cả thành của Việt Minh đều đã được các sách giáo khoa cũng như các
sách khác ở trong vùng Quốc Gia hay ở Miền Nam nói tới đầy đủ, còn các sách ở
miền Bắc trước kia và luôn cả hiện tại đã nói rất sơ lược hay không hề nói tới.
Đồng thời Việt Minh cũng đột nhập vào tòa soạn báo Tin Mới, dùng võ lực
bắt ép các báo này phải loan những tin tức có lợi cho họ. Khâm Sai Phan Kế Toại
thì đã bỏ nhiệm sở. Địa điểm của cuộc tiếp xúc lần này tại ngôi nhà số 101
đường Gambetta, nay là đường Trần Hưng Đạo, một biệt thự của một công chức cao
cấp, thân thuộc của Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Bá Chính, từ lâu đã để cho
Việt Minh sử dụng như trụ sở chính của họ ngay tại Hà Nội. Lê Trọng Nghĩa, tác
giả của hồi ký duy nhất có nói về cuộc gặp gỡ này và cũng là người duy nhất đã
tiếp chuyện Hoàng Xuân Hãn vì hai thượng cấp của ông Nghĩa, người mang tên
Khang bận ở phòng bên cạnh (hay không muốn tiếp, hay thấy không cần tiếp nữa)
đã kể lại như sau:
“Đúng hẹn 8 giờ sáng, ông Hãn một mình đến, được mời vào
phòng giữa, phòng khách của gia đình trước bố trí bộ xa lông gụ đen, nửa cổ nửa
kim mà ông chủ nhà tốt bụng còn để nguyên lại đó. Ông ăn mặc chỉnh tề (so với
chúng tôi quần dài, sơ mi vắn tay) trông vẻ hiền lành nhưng không giấu được
những cử chỉ hấp tấp của người đang xúc động. Tôi trịnh trọng mời. Ông cũng
không chờ thêm, tự giới thiệu ngay là người đại diện cao cấp nhất của Thủ tướng
Chính phủ tại Hà Nội lúc đó, đến để thông báo một tin, đúng hơn là những tin
thục hết sức bất ngờ:
“Ông cho biết ông Khâm sai Phan Kế Toại ngay từ đêm 17 (!) đã từ bỏ nhiệm
vụ và rời nhiệm sở (Dinh Khâm sai).. Chính phủ Nhà Vua hôm nay, 18, đã cử bác
sĩ Nguyễn Xuân Chữ, Chủ tịch UB Chính trị kiêm nhiệm thay… Tôi nghe mà giật
mình.
Ông lại chầm chậm
tiếp, đại ý nói Việt Minh các ông chắc đã kiểm soát được tất cả thôi. Nhưng
chúng tôi biết chắc chắn có tin quân đội Đồng minh đã bắt đầu lên đường chia
nhau vào chiếm nam, bắc vỹ tuyến 16 nước ta rồi. Ông ngừng lấy hơi rồi rồi như
tự than: đất nước đang có nguy cơ đe dọa lại bị xâm chiếm và chia cắt một lần
nữa thôi! Tôi như ù tai, nhưng cũng còn nghe ông nói: Chúng ta hãy tiếp tục
thương thảo, nói chuyện với nhau. Ông gợi ý luôn: Việt Minh các ông cứ nắm tất
cả các vùng nông thôn nhưng để cho Chính phủ quản lý một số thành phố lớn, cốt
để có danh nghĩa mà nói chuyện với Đồng Minh trong lúc này, không thì nguy cả…”
Cuộc tiếp xúc lần thứ năm tức là lần cuối cùng, trước khi xảy ra
cuộc cướp chính quyền, chữ Lê Trọng Nghĩa dùng trong hồi ký của ông, cũng xảy
ra vào ngày 18 tháng 8, vào lúc 2 giờ chiều. Người đại diện cho Chính Phủ là
Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ và cho Việt Minh vẫn là Lê Trọng Nghĩa và địa điểm là
Dinh Khâm Sai. Lần này sáng kiến đã đến bất ngờ và từ phía Việt Minh và nhằm do
thám tình hình chứ không phải là để đối thoại hợp tác. Theo Lê Trọng Ngĩa, sau
khi gặp Hoàng Xuân Hãn, ông này đã sang phòng bên gặp thượng cấp của mình để
tường trình thì …
”Ai đó lại lên tiếng ngay: Này, cậu phải nhanh chân nữa
lên, vào ngay Dinh Khâm sai xem sao đi, khéo mà họ – tôi nắm bắt được ý là nói
đến Đại Việt – ‘nẫng tay trên’ mất thì toi cả nút đấy!”
Cuộc gặp gỡ lần chót này được cả hai phía là Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ và
đại diện Việt Minh Lê Trọng Nghĩa kể lại qua hồi ký của hai người. Điều cần
biết là Bác Sĩ Chũ lúc này là Chủ Tịch Ủy Ban Giám Độc Chính Trị Miền Bắc. Ủy
Ban này gồm có năm ủy viên là Phan Kế Toại, Trần Văn Lai, lúc đó là Thị Trưởng
Hà Nội, Đặng Thai Mai và ông. Nhưng vào thời điểm này Phan Kế Toại đã từ bỏ
nhiệm sở, Đặng Thai Mai thi tản cư vào Thanh Hóa chưa về, Nguyễn Tường Long thì
bị bịnh thương hàn phải vào nằm bệnh viện, còn Trần Văn Lai thì bận việc bên
tòa thị chính nên chỉ có một mình Bác Sĩ Chữ với vị thế không rõ ràng, khâm sai
không ra khâm sai, chủ tịch không ra chủ tịch, đảm đương mọi chuyện, ra lệnh
không ai thi hành. Về buổi họp này, hai hồi ký đã kể lai khác nhau.
Theo Lê Trọng Nghĩa thì “Mười bốn giờ ngày 18, một tôi mình đạp xe đạp
tới Dinh Khâm Sai. Ông Chữ, ông Chương, ông Chánh văn phòng và một số người nữa
đã thấy tề tựu, có vẻ nôn nóng chờ.”
Còn theo Bác Sĩ Chữ thì “Tối thứ Bẩy, thanh niên Việt Minh, lần này
đến có một người, gặp lại mỗ y sĩ. (19)”
Tại sao lại có sự sai biệt về giờ giấc như vậy và tại sao không hẹn trước
khi đến mà khi Lê Trọng Nghĩa tới nơi thi toàn bộ ban tham mưu của Bác Sĩ Chữ
đã tề tưu và nôn nóng chờ? Riêng Bác Sĩ Chũ đã dùng hai chữ lần này trong lời
tường thuật và trong phần trước còn cho biết thêm là trước đó ông đã có dịp gặp
người thanh niên ở Phủ Khâm Sai do Phan Kế Toại mời cả hài bên tới.
Nhưng dù được tường thuật khác nhau, cuộc gặp gỡ lần cuối này cũng đã
không mang lai kết quả gì vì một bên đã có mục tiêu tối hậu, có đến chỉ là để
do thám tình hình và rất vôi vã vì sợ
“Đại Việt nẫng tay trên thì toi cả nút”, còn
một bên thì vừa mới lãnh trách nhiệm trong cùng ngày, còn rất nhiều do dự lại
biết rõ kẻ địch là Cộng Sản và chỉ muốn cướp chính quyền. Có họp cũng vô ích.
Trong năm lần gặp gỡ kể trên, ngoại trừ cuộc gặp gỡ lần thứ năm, bốn lần
đầu lần nào phía chính phủ cũng đưa ra những đề nghị mời Việt Minh vào chính
phủ làm việc để cứu nước nhưng tất cả đều bị từ chối. Lý do là Việt Minh với
Đảng Cộng Sản đứng đằng sau đã chủ trương cướp chính quyền từ đó một mình lãnh
đạo đất để thực hiện cuộc cách mạng riêng của mình bất chấp mọi nguy hiểm có
thể xảy ra cho dân tộc, phản ảnh qua những câu trả lời của người đại diện Việt
Minh cho những câu hỏi do chính Thủ Tướng Trần Trọng Kim đặt ra và kể lại. Biến
cố 19 tháng 8 do đó đã xảy ra.
Cách
Mạng hay Cướp Chính Quyền?
Từ ngữ cách Mạng trong lịch sử Việt Nam hiện đại là một từ ngữ mới nhưng
là một từ ngữ đẹp. Nó liên hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh giành độc lập của dân
tộc, sự hy sinh và lòng ái quốc. Điển hình là trường hợp của Nguyễn Thái Học và
Việt Nam Quốc Dân Đảng mà chính những người Cộng Sản cũng phải công nhận và nể
sợ. “Cách Mạng” là đánh đuổi người Pháp, giành độc lập cho Việt Nam dù phải hy
sinh, kể cả hy sinh chính mạng sống của mình.
“Cướp”, trái lại, là một từ ngữ xấu, là dùng bạo lực và công khai hay
bằng mưu mô lừa lọc trước đó để giật từ tay người khác cái gì không phải của
mình, đặc biệt là vào những lúc tình hình hỗn loạn, an ninh không được bảo đảm.
Hai danh từ hoàn toàn không giống nhau nhưng đã được những người tạo ra biến cố
19 tháng 8 năm 1945 dùng để chỉ việc làm của mình và đã chấp nhận sự nghịch lý
này cho đến tận ngày nay. Về phía những người chống lại, dường như thái độ cũng
chưa dứt khoát. Mặc dầu đa số và trong các lớp học, từ ngữ “Cướp” được dùng
nhiều hơn nhưng đôi khi người ta cũng dùng hai chữ “Cách Mạng” và gọi biến cố
này là Cách Mạng Tháng Tám và thêm vô năm chữ Việt Minh cướp chính quyền.
Điều này dễ hiểu vì việc sử dụng những từ ngữ này buổi đầu là do những
người đương thời có dịp tham gia hay chứng kiến biến cố 19/8/1945 lúc khởi đầu.
Họ có thể là những người chống đối ngay từ đầu nhưng cũng có thể là những người
đã vì lý do này hay lý do khác theo và ủng hộ Việt Minh trong buổi đầu rồi sau
đó chuyển hướng. Điều cần được ghi nhớ là những người Cộng Sản trong thời gian
trước biền cố này đã quyết tâm và dùng đủ mọi thủ đoạn để lôi cuốn quần chúng
theo mình trong đó có tuyên truyền, dọa dẫm xuyên qua những đội võ trang tuyên
truyền của họ. Điều này đã được Trần Trọng Kim và Nguyễn Xuân Chữ nói rõ trong
các hồi ký của hai nhân vật chính yếu này.
Riêng Nguyễn Tường Bách, một lãnh tụ Đại Việt Dân Chính đương thời đã kể
lại kinh nghiệm cá nhân của ông khi ông cùng với nhà văn Khái Hưng đến gặp
Dương Đức Hiền, lãnh đạo Đảng Dân Chủ, lúc đó đã gia nhập Việt Minh. “Nếu
các anh cứ lừng khừng nhừ thế mãi, thì có ngày Nhật sẽ beng đầu các anh, mà nếu
không thì cách mạng sẽ beng đầu các anh!” (20) là câu nói nguyên văn của
Dương Đức Hiền với Nguyễn Tường Bách và Khái Hưng nhằm thuyết phục hai người
này phải dứt khoát gia nhập Việt Minh.
Tất nhiên là hai người không sợ, nhưng với những người khác thì sợ nhất
là những người có dính dáng với chính quyền Pháp và quân đôi Nhật trước và
trong thới đó, đúng như phân tích của Nguyễn Xuân Chữ về thành phần của những
người theo Việt Minh trong hồi ký của ông. Không sợ sao được khi mình có quá
khứ thân hay đã cộng tác với Pháp hay Nhật, khi “Báo chí bí mật không ngớt
nhấn mạnh đến tinh thần triệt để cách mạng và phải thẳng tay trừng trị bọn ‘bù
nhìn tay sai bán nước’ một cách có phân biệt. Công tác trừ gian, trừng trị một
cách đích đáng, chính xác có chọn lọc một số tên đầu sỏ như trùm mật thám ác ôn
(Phán Sinh, Võ Văn Cầm…) đang được đầu óc giầu tưởng tượng của quần chúng thổi
phồng lên như những câu chuyện thần thoại…”
Các đội tuyên truyền võ trang do Võ Nguyên Giáp chỉ huy được thành lập
chắc chắn là để làm những công tác này chứ không phải chỉ là để đánh mấy đồn
Nhật. Một trong số những người đã tham gia các đội này là Nhạc Sĩ Văn Cao.
Người ta khó mà hiểu được trường hợp hoàn toàn nghịch lý trong con người của
Văn Cao khi đối chiếu những bài hát mang mầu sách hoài cổ, hoàn toàn đẹp và
lãng mạn ông làm trước đó với thái độ cuả ông khi ông chờ đợi lãnh súng và tham
gia đội vũ trang: “Hôm nay phố đông người hơn và tôi thấy lòng vui hơn. Tôi
đang chờ nhận một khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang.”(21).
Không chỉ dùng thủ đoạn với người khác, các người chủ động còn dùng thủ
đoạn với chính mình. Lê Trọng Nghĩa khi kể lại hoạt động của ông trong ngày
19/8 đã cho biết ông luôn luôn dẫn đầu và những nhân vật lãnh đạo ông mang tên
Khang, tên Bình theo sau cả chục mét. Để làm gi? Ai cũng có thể đoán được. y
hệt sự kiện xua đàn bà, trẻ con đi trước trong các cuộc biểu tình chống chính
quyền ở miền Nam mà báo hay nhiều người đã thuật lại.
Danh từ cách mạng còn được hiểu là thay thế cái cũ tệ hại bằng một cái
mới tốt hơn, trong chính trị là thay một chế độ với những nhân vật tồi tệ, bất
nhân bằng một chế độ với những nhân vật tốt hơn, đạo đức hơn, đặc biệt là trong
một xã hội chịu ảnh hưởng của học thuyết Khổng Mạnh. Áp dụng nhận định này vào
biến cố 19 tháng 8, bình thường người ta phải suy luận là chính phủ Trần Trọng
Kim phải là một chính phủ tệ hại là Việt gian, bù nhìn, tay sai, thân Nhật.
Điều này như người viết đã trình bày ở trên là hoàn toàn không đúng. Ngoài
những lý do đã được nêu, ngay chính người đại diện Việt Minh, Lê Trọng Nghĩa,
cũng phải công nhận là chính phủ này còn có sức thu hút trong những ngày cuối
của nó, khi ông nói tới một buổi họp đầy xúc động của nhiều nhân vật thuộc nhóm
Thanh Nghị, có lẽ là buổi họp cuối cùng để chia tay, trong đó Vũ Đình Hòe và Đỗ
Đức Dục dứt khoát ra chiến khu với Việt Minh.
Nhóm Thanh Nghị, đúng hơn là Hội Tân Việt Nam được thành lập theo Dụ số 7
của Bảo Đại, đã thu hút được rất đông trí thức tên tuổi đương thời và dùng tờ
Thanh Nhị làm cơ quan ngôn luận để phổ biến tư tưởng trong giới trí thức, thanh
niên, sinh viên. Các nhân vật tham gia vận động thành lập nhóm này gồm có: Đào
Duy Anh, Phan Anh, Phạm Đỗ Bình (tức Nhật Trương), Đỗ Đức Dục, Ngô Thúc Địch,
Trần Khánh Giư (tức Khái Hưng), Ngô Tử Hạ, Vũ Văn Hiền, Vũ Đình Hòe,, Nguyễn
Văn Huyên, Trần Duy Hưng, Ngụy Như Kontum, Nguyễn Lân, Vũ Đình Liên, Phạm Lợi, Nguyễn
Ngọc Minh, Nguyễn Quang Oánh, Tôn Quang Phiệt, Phạm Khắc Quảng, Phạm Huy Quát,
Ngô Bích San, Nguyễn Hữu Tảo, Hoàng Thúc Tấn, Nguyễn Đình Thụ, Hoàng Phạm Trân
(tức Nhượng Tống), Bùi Như Uyên, Lê Huy Vận, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, và
do Vũ Đình Hòe làm tổng thư ký.
Danh sách này cho thấy nhóm này bao gồm các trí thức chuyên gia nổi tiếng
nhất đương thời. Cả một nhóm đông như vậy mà chỉ có hai người quyết định đi
theo Việt Minh chứng tỏ đa số đứng về phía chính phủ, đặc biệt nếu ta để ý tới
chủ trương cuả hội này như giữ vững nền độc lập và thống nhất quốc gia Việt Nam
trong phạm vi ‘Đại Đông Á’, đoàn kết hết thảy các giới trong xã hội và các
khuynh hướng chính trị…, những chủ trương phù hợp với chủ trương của chính phủ
Trần Trọng Kim. Hai chữ cách mạng trong trường hợp này do đó cần phải được xét
lại, ít nhất là bởi các sử gia, những người tìm sự thực của quá khứ, nhất là sự
thức liên hệ tới hai nhà nghiên cứu sử học tiền phong của thời hiện đại, đồng
thời cũng là hai nhà giáo dục lớn, những người đã đặt những viên đá đầu tiên
cho nền giáo dục bằng tiếng Việt Nam của một nước Việt Nam độc lập.
Bây giờ nói tới bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh. Bản tuyên ngôn
này cũng bị nhiều người coi là không cần thiết vì từ ngày 11/3 trước đó, Hoàng
Đế Bảo Đại, với tư cách nguyên thủ quốc gia và là người kế vị vua Tự Đức đã
tuyên bố hủy bỏ hết các hòa ước bảo hộ mà Tự Đức đã kết với người Pháp rồi và
Hồ Chí Minh đã làm một việc thừa, không cần thiết. Đi sâu hơn vào chi tiết,
người ta thấy Bảo Đại và những vị thượng thư của ông đã tỏ ra rất thận trọng và
cân nhắc từng câu, từng chữ để chỉ nói lên những gì cần phải nói và nói một
cách rõ ràng, còn bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh thì dài lòng thòng, mang nặng
tính cách xách động quần chúng. Ngay cả những tư tưởng chủ cột liên hệ tới độc
lập, tự do cũng phải đi vay mượn của người Mỹ hay người Pháp. Có điều là tác
giả có những chủ trương riêng của mình. Nhưng đây chỉ là nhận định tổng quát,
người học sử cần phải đọc kỹ hơn trước khi đối chiếu hai văn bản.
Riêng về từ ngữ cướp, một tác giả người Việt ở hải ngoại có uy tín, ông
Minh Võ, tác giả của tác phẩm mới nhất và cũng là đầy đủ nhất về Hồ Chí Minh,
trong một bài viết đăng trên Nhật Báo Người Việt ở Quận Cam, California, vào
trung tuần tháng 8 vừa qua đã vượt ra khỏi ngày này (19/8/45) và đã cung cấp
rất nhiều chi tiết liên hệ. Người đọc có thể tìm đọc sách hay bài viết của ông
để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Chú thích:
(1) Saigon: Vĩnh Sơn, 1969.
(2) “Các cuộc tiếp xúc giữa Việt Minh với chính phủ Trần Trọng Kim”,
trong Xưa và Nay, số 5 (6), VIII, 1994, tr. 4 – 6; số 6 (7), IX, 1994, tr. 9 –
11.
(3) Hồi Ký Nguyễn Xuân Chữ, Những Bài Học Quí Báu của Một Nhà Ái Quốc
Liêm Chính, Nhưng Bất Phùng Thời. Houston, TX: Văn Hóa, 1996.
(4) Điển hình, người viết xin đơn cử ba tác phẩm sau đây: Nguyễn Khánh
Toàn, Nguyễn Công Bình, Văn Tạo, Phạm Xuân Nam, Bùi Đình Thanh. Lịch Sử Việt
Nam, tập II. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1989. Lương Minh, Nguyễn
Cảnh Minh, Nguyễn Ngọc Cơ, Trần Bá Đệ, Trịnh Vương Hồng, Chương Thâu. Lịch Sử
Việt Nam Giản Yếu. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, 2000. Dương Trung
Quốc. Việt Nam: Những Sự Kiện Lịch Sử (1919 – 1945). Hà Nội: Nhà Xuất Bản Giáo
Dục (Tái bản lần thứ hai), 2002. Ba tác phẩm này đều được xuất bản sau năm
1975, trước đó là các tác phẩm của Trần Huy Liệu, nguyên bộ trưởng tuyên truyền
trong chính phủ lâm thời của Hồ Chí Minh. Các tác giả của hai tác phẩm trên đã
trực tiếp dùng hai chữ bù nhìn để chỉ nội các Trần Trọng Kim. Trần Huy Liệu thì
dùng hai chữ này ngay trong nhan đề của một bài viết của ông. Riêng Giáo Sư
Dương Trung Quốc thì tỏ vẻ thận trọng vàdè dặt hơn khi đưa ra nhận xét: “Nội
các Trần Trọng Kim với thành phần là những trí thức tên tuổi, lại chưa hề làm
quan, cùng với hứa hẹn ‘phấn đấu cho Việt Nam thành một quốc gia độc lập’,
‘giải quyết nạn đói’, thống nhất chủ quyền lãnh thổ’ v..v… phần nào có làm cho
một bộ phận dân chúng bị ảo tưởng về nền độc lập trao trả cho Bảo Đại. Nhưng
ông vẫn dùng hai chữ bù nhìn và thêm vào hai chữ thân Nhật, tr. 394.
(5) Houston: Văn Hóa, 1996. Tiến Sĩ Vũ Ngự Chiêu cũng là người chủ trương
dùng sự thực sử như một con đường ngắn nhất dẫn tới đoàn kết dân tộc.. Xin xem
“Sự thực sử học : một con đường ngắn nhất dẫn tới đoàn kết dân tộc”, trong Văn
Học, số 225, tháng 5 & 6, 2005, tr. 164 – 194, xuất bản tại Hoa Kỳ.
(6) Bethesda, MD: Tiên Rồng, 2004.
(7) The other Side…. Phía Bên Kia….., đã dẫn-, tr. 29 và 82.
(8) Một Cơn Gió Bụi, đã dẫn, tr. 50 – 51.
(9) chữ dành riêng để gọi một văn bằng của Pháp nổi tiếng là khó, không
giống với những bằng được gọi là thạc sĩ bây giờ.
(10) Trần Trong Kim, đã dẫn -, tr. 57
(11) Việt Nam: Những Sự Kiện Lịch Sử, đã dẫn, tr. 394.
(12) The Other Side… Phía Bên Kia, đã dẫn, tr. 87.
(13) Việt Nam: 1945 – 1995…., đã dẫn, tr.59. Thực ra là Sainteny chứ
không phải Bollaert.
(14) -đã dẫn-
(15) Hồi Ký Nguyễn Xuân Chữ: Những Bai Học Quí Báu Của Một Nhà Ái Quốc
Liêm Chính, Nhưng Bất Phùng Thời. Houston, TX: Văn Hóa, 1996.
(16) Lê Trọng Nghĩa, “Các Cuộc Tiếp Xúc Giữa Đại Diện Việt Minh Với Chính
Phụ Trần Trọng Kim”, trong Xưa và Nay, số 5 (06), VIII,. 1994, tr. 4 6 và số 6
(07), IX, 1994, tr. 9 -.
(17) – sách đã dẫn -, tr. 86 – 87.
(18) Lê Trọng Nghĩa, Hồi ký đã dẫn.
(19) đã dẫn, tr. 283
(20) Hồi ký đã dẫn, tr. 154.
(21) Xin xem hồi ký của nhạc sĩ này trong Một Chặng Đường Văn Hóa, Tập
Hồi Ức và Tư Liệu Về Đề Cương Văn Hóa của Đảng và Đời Sống Tư Tưởng Văn Nghệ,
1943 -, tr. 110
Bảo
Đại, Trần Trọng Kim và Chính phủ của hai ông
Cũng cần phải để ý là trong thời gian được gọi là cách mạng này, người
cộng sản đã triệt để sử dụng đường lối tuyên truyền kèm theo với bạo lực để đạt
mục tiêu. Từ ngữ võ trang tuyên truyền đã nói lên sự hiện diện của bạo lực này.
Sau đó khi chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh được thành lập, người ta thấy có Bộ
Tuyên truyền với Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng mà Trần Huy Liệu thì là người đã
ngụy tạo ra anh hùng Lê Văn Tám theo như tiết lộ của một giáo sư sử học nổi
tiếng và uy tín nhất trong giới sử học ở trong nước hiện tại. Cũng chính Trần
Huy Liệu sau này đã trở thành Viện trưởng Viện Sử học Hà Nội và là giáo sư sử
học.
Trước hết là về con người của Bảo Đại. Ai cũng biết là ông này đã được
cho sang Pháp du học, nhưng bình thường người ta vẫn nghĩ rằng một hoàng tử,
sau này bị coi là ham ăn chơi, vô trách nhiệm, thì học hành chỉ là để lấy lệ.
Nhưng Hoàng Xuân Hãn lúc đó vì cũng du học ở Pháp và ở gần nhà Bảo Đại nên “thỉnh
thoảng được mời lên chơi, gặp để khuyến khích ông Bảo Đại học lúc ấy. Tôi còn
nhớ, nhiều khi lên ông ấy hỏi một bài toán gì đấy. Tôi giúp ông ấy như thế. Ông
ấy rất dễ thương, lúc ấy là một người con giai còn trẻ đẹp, học hành cũng không
phải là dốt đâu; qua những câu hỏi tôi biết rằng là người có học cả.” [5]
Điều nên để ý là Hoàng Xuân Hãn giúp Bảo Đại về toán, còn Bảo Đại sau này học
về chính trị học để về nước làm vua. Đó là thời đi học. Đến thời Bảo Đại làm
vua, Hoàng Xuân Hãn lại có dịp gặp Bảo Đại hai lần nữa trước khi được tiếp xúc
và tham gia chính phủ Trần Trọng Kim. Lần đầu vào năm 1934, tức hai năm sau khi
Bảo Đại lên ngôi và thực hiện một số cải cách nhưng bị người Pháp ngăn cản và
bị thất bại, để đưa quà của ông Charles cho Bảo Đại. Lần thứ hai vào khoảng năm
1942, 43 để tặng sách, cuốn Danh từ khoa học.
Lần thứ nhất “ông tiếp tôi. Ông ấy ngồi ì không nói một tiếng nào, hay
cứ nói tiếng một như thế. Sau rồi tôi nói với ông: Tôi ở Pháp về, chưa chắc đã
ở lại được đâu. Ông hỏi tại sao, tôi cũng nói: Bên này, chính người Pháp nói
với tôi: Về đây ông bị đè nén, không có thể làm việc được. Nhưng mà người thanh
niên Việt Nam, nhiều người nhìn vào ngài, về cải cách này, cải cách kia, thì
phải làm cái gì, chứ mà ai cũng để ý tới tới nhất là thanh niên Việt Nam. Ông
ấy chỉ giả nhời tôi một câu, lúc ấy ông chỉ nói: Làm thì làm với ai? Làm
với ai? Tôi cũng nói qua là hiện bây giờ họ có đưa ông Phạm Quỳnh, ông Ngô
Đình Diệm về đấy. Ông ấy cũng cười. Ông cười. Ông ấy lắc đầu rồi thôi. Ông
không nói câu nào nữa cả.” Lần thứ hai, “Thấy bộ ông ấy buồn lắm. Trông ông
ấy buồn lắm và ông ấy không dám nói một cái gì hết cả. Mà hồi ấy, người Nhật đã
ở đấy nhiều rồi đấy. ông ấy chỉ cám ơn, thế thôi.” [6]
Im lặng, không nói gì, buồn lắm, Làm thì làm với ai? Làm với ai? Đây là
tâm sự của một vị vua muốn làm nhưng không ai là người cộng sự và cộng sự tốt,
luôn luôn bị bao vây bởi người Pháp sau thêm người Nhật và phải đề phòng những
kẻ gần gũi với mình. Người viết bài này không hiểu Bảo Đại có dịp đọc Lão Tử
hay không, nhưng thái độ này là một cách sinh tồn tốt nhất. Nó phù hợp với câu
nói của Trần Trọng Kim về vị vua này với Hoàng Xuân Hãn và được Hoàng Xuân Hãn
kể lại: “Cái thằng Bảo Đại nó ngốc lắm, gặp nó làm gì?” và Hoàng Xuân
Hãn trả lời: “Mình nghe tiếng thì thế, mà sự thực chưa chắc đã thế đâu. Cụ
có thì giờ thì cụ cứ gặp đi, rồi cụ hãy nói sau.” Kết quả của cuộc gặp mặt
là khi ra Trần Trọng Kim đã nói với Hoàng Xuân Hãn rằng: “Lạ lắm!“… “Tôi
vào gặp ông Bảo Đại, nghĩa là ông ấy biết hết cả các chuyện chứ không phải ngốc
như người ta nói.” [7]
Còn chính Trần Trọng Kim thì viết rằng “Từ trước tôi không biết vua
Bảo-Đại là người như thế nào. Vì trong thời bảo hộ của nước Pháp hình như ngài
chán nản không làm gì cả, chỉ săn bắn và tập thể thao. Hôm mùng bảy tháng tư
tôi vào yết kiến thấy có vẻ trang nghiêm và nói những điều rất đúng đắn.”
[8] Những điều đúng đắn đó là gì? Trần Trọng Kim kể tiếp: “Trước kia người
mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, Nhưng mình cũng
phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo
mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta.
Vậy ông nên vì nghĩa vụ lập thành một chính phủ để lo việc nước.” [9]
Nhận định này của Bảo Đại phản ảnh rõ rệt quan điểm của ông và việc ông
làm để đối phó với tình hình lúc bấy giờ. Nó là quan điểm của đa số những trí
thức nổi tiếng đương thời trong đó có Phan Anh mà ta sẽ xét tới trong phần sau.
Để hiểu đầy đủ nhận xét này, ta cần nhớ là Trần Trọng Kim mới ở Tân Gia
Ba [Singapore] về và chắc chắn biết rõ những gì đang xảy ra trên thế giới vào
thời điểm này. Cũng vậy với sự kiện Bảo Đại gửi thư cho các vị lãnh đạo của Mỹ
và của Pháp. Câu hỏi được đặt ra là làm sao Bảo Đại ở trong cung mà lại có thể
biết hết các chuyện như vậy được? Một giả thuyết đương nhiên phải được đặt ra.
Đó là qua người Nhật. Người viết sẽ trở lại vấn đề này trong một bài khác.
Bây giờ ta xét tới trường hợp Phan Anh. Vị Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong
chính phủ Trần Trọng Kim và sau là bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong chính phủ liên
hiệp của Hồ Chí Minh này xuất thân là một luật sư hành nghề ở Hà Nội và là một
trong những trí thức chủ trương Nguyệt san Thanh nghị, thường được gọi là Nhóm
Thanh nghị.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho sử gia Na Uy Stein Tonnesson, để đáp lại
câu hỏi “các ông nghĩ thế nào mà lại nhận lời mời của Bảo Đại“, Phan Anh
cho biết có hai mục tiêu. Thứ nhất là để đuổi người Pháp vẫn còn được người
Nhật giữ trong bộ máy hành chánh thời đó ra khỏi bộ máy này và thứ hai, tạm
thời làm việc với người Nhật nhưng giữ trung lập, không là “đồng tác giả”
(co-auteurs), không là “kẻ hợp tác.” Đây là nguyên văn câu trả lời của ông:
“Lúc ấy, những công chức người Pháp vẫn tiếp tục làm việc. Nhưng họ có
mưu mô. Ngoan ngoãn cúi đầu trước Nhật. Thâm ý là chờ đợi xem thế nào? Chờ đợi
một cách tích cực. Cụ thể là: Chịu sự sai bảo của ông chủ mới để được ngồi lỳ
trong bộ máy hành chánh. Trong phủ Toàn quyền, trong phủ Thống sứ: toàn là
người Pháp. Họ đã mất con bài chính trị, thì phải giữ con bài hành chính. Để
làm gì? Thế đấy! Hai khả năng: Hoặc Nhật sẽ bại trận, thì người Pháp cần giữ bộ
máy hành chính để rồi đặt lại nền thống trị; hoặc trái lại người Nhật còn ở
lại, thì ổn rồi người Pháp cứ tiếp tục, với sự giúp đỡ của chính quốc, tiếp tục
nắm một mảnh nhỏ quyền hành. Trong hai khả năng ấy thì khả năng thứ nhất hiện
thực hơn. Chắc chắn Nhật chóng hay chầy sẽ đầu hàng. Giữ chặt các chức vụ hành
chánh để còn có vai trò trong tương lai. Bên cạnh trận địa hành chánh, lại còn
trận địa kín nữa chứ.“Tôi với tư cách người yêu nước, tôi đã quan sát tình hình
ấy.
Chúng tôi không muốn bị cả người Pháp lẫn người Nhật đánh lừa mình. Nhóm
trí thức chúng tôi không phải một đảng mà là một nhóm, chúng tôi nghĩ rằng
nhiệm vụ cấp bách là phải đuổi bọn Pháp ra khỏi bộ máy hành chính. Chúng tôi
huy động sinh viên, thanh niên công chức làm việc đó.“Khẩu hiệu thứ hai của
chúng tôi là tạm thời ngồi làm việc với người Nhật, nhưng không là “đồng tác
giả” (co-auteurs), không phải là “kẻ hợp tác” với họ; phải giữ thế trung lập.”
[10]
Đối chiếu nhận định này với nhận định của Bảo Đại trong cuộc trao đổi
giữa nhà vua và Trần Trọng Kim và với bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 11.3.1945 của
vị Hoàng đế thiếu may mắn và có thể nói là bất hạnh này, người ta thấy có nhiều
điểm giống nhau cũng như những nỗ lực thu hồi các cơ sở hành chính lại cho
chính phủ Nam Triều.
Về bản chất của chính phủ Trần Trọng Kim, khi được hỏi là “chính phủ
này có phải là chính phủ bù nhìn không“, Phan Anh đã khẳng định: ”Lấy tư
cách là thành viên của chính phủ Trần Trọng Kim, tôi nói với ông rằng chúng tôi
tuyệt đối không có ảo vọng gì về người Nhật. Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là
kẻ điên mới đi hợp tác với Nhật. Có những người điên, nhưng chúng tôi là trí
thức, chúng tôi tham gia chính phủ là để phụng sự. Chính với chính sách ấy mà
chúng tôi đã thành lập chính phủ với khẩu hiệu như vừa nói là: Đuổi cổ bọn Pháp
và nắm lấy độc lập.” [11]
Với nhận định này và để giữ thế trung lập, trong chính phủ Trần Trọng Kim
đã không có Bộ Quốc phòng. Phan Anh giải thích: “Trong chính phủ Trần Trọng
Kim có một bộ mà chúng tôi phải suy nghĩ nhiều: Bộ “Quốc phòng” hay Bộ “Quân
lực” hoặc Bộ “Chiến tranh”. Chính vì muốn giữ thế trung lập mà chúng tôi đã
quyết định không có Bộ Quốc phòng. Người Nhật muốn có bộ ấy để lôi chúng tôi đi
với họ. Thay bộ ấy, chúng tôi lập Bộ Thanh niên.” [12] Cần để ý là trong suốt
cuộc phỏng vấn, Phan Anh luôn luôn dùng nhân xưng đại danh từ chúng tôi và để
chỉ mình ông dùng tiến tôi. Cách thức làm việc quan niệm và tư cách của Phan
Anh được biểu lộ qua chi tiết này. Phan Anh đã không đặt cái tôi lên trên tập
thể trí thức mà ông chỉ là một.
Về những ngày cuối của chính phủ Trần Trọng Kim và những nỗ lực của chính
phủ này cũng như của Hoàng đế Bảo Đại, Phan Anh đã nhận định và kể lại:
“Chính phủ Trần Trọng Kim với tất cả bộ trưởng cùng theo đuổi một mục
đích như tôi; đã tự vạch ra đường lối chung cho mình mà tôi vừa phác lại để ông
thấy rõ. Chính phủ ấy khi ra đời đã tự coi như một mắt xích lâm thời, tôi có
thể nói hẳn ra là, theo tôi nhận định, như một công cụ phục vụ cho sự nghiệp
giành độc lập. Chúng tôi đã tự coi không phải là những người ‘lãnh đạo phong
trào, lãnh đạo đất nước’, mà là những công cụ, những tay chân của công cuộc đấu
tranh dân tộc. Và do đó sự chuyển tiếp từ chính phủ Trần Trọng Kim đến nền cộng
hòa trong Cách mạng tháng Tám diễn ra một cách tự nhiên suôn sẻ nữa cơ. Tôi có
thể nói với ông rằng với tư cách bộ trưởng, chúng tôi trăm phần trăm ủng hộ Chủ
tịch Hồ Chí Minh. Tất cả, kể cả Thủ tướng Trần Trọng Kim.
Đã có sự nhất trí toàn vẹn, sâu sắc về sự chuyển tiếp ấy. Đấy tôi khẳng
định như vậy đấy. Nhưng cũng phải có chứng cớ. Đây chứng cớ: Ngay ngày hôm sau
mà chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng thì chính phủ Trần Trọng Kim đệ đơn từ chức
lên nhà vua và thông báo tin ấy cho tất cả các tỉnh, đồng thời nói ý định của
mình nói sẵn sàng giao quyền cho quốc dân [người viết bài này đánh
máy đậm]. Cụ thể hơn nữa, Chính phủ gửi thông điệp cho các nhân vật ghi trong
thông điệp cho các nhân vật đại diện cho tất cả các giới và các địa phương, mời
đi Huế để nghiên cứu vấn đề thành lập một chính phủ mới.
Trong số các nhân vật
ghi trong thông điệp, tôi nhờ có hai vị mà ai cũng biết thuộc tổ chức Việt
Minh. Đó là hai bạn tôi, anh Bùi Công Trừng một nhà cách mạng và cộng sản trứ
danh và anh Lê Văn Hiến, sau này trở thành Bộ trưởng Tài chính. Hai nhân vật
thuộc miền Nam. Lẽ dĩ nhiên thông điệp trên đã không có thể chấp hành được, bởi
vì Việt Minh chủ trương khác. Phong trào do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh
đạo đã khởi động (người viết bài này dành chữ đậm).” [13]
Nhưng ít nhất Phan Anh cũng là một trong những người mang thông điệp này
ra Bắc và nửa đường thì ông đã bị Việt Minh bắt, theo báo cáo của những người
bắt ông, như là một đại Việt gian.
Trên đây là một số chi tiết liên hệ tới một biến cố vô cùng lớn lao và vô
cùng quan trọng. Biến cố này đã làm thay đổi hoàn toàn sự diễn tiến của lịch sử
dân tộc Việt Nam về đủ mọi phương diện. Đường lối được gọi là cách mạng hiểu
theo nghĩa đơn giản ban đầu bởi người dân bình thường và ngay cả những trí thức
yêu nước và luôn cả Bảo Đại khi ông thoái vị, đã không được giữ như mọi người
mong muốn. Mặt trận Việt Minh ngay từ đầu đã chủ trương cướp chính quyền để
thực hiện cách mạng theo đường lối riêng của họ. Họ “có chủ trương khác”
theo Phan Anh.
Đó không phải là chủ trương và đường lối của Hoàng đế Bảo Đại khi còn ở
ngôi cũng như của đa số các trí thức và những người trẻ đương thời, điển hình
là những người tham gia chính phủ Trần Trọng Kim, những người không phải chỉ là
xu thời mà có những cái nhìn rất rõ rệt và thực tế về tình hình Việt Nanh ở
thời điểm đương thời đã suy nghĩ và hành động nhất trí từ đầu cho đến chót, đã
thực hiện được những thành quả vô cùng quan trọng trong phạm vi nội trị và luôn
cả đã giữ cho người Việt và nhất là giới thanh niên đứng ngoài cuộc chiến đã
đến ngày tàn của người Nhật, khỏi phải chết oan uổng và mang tiếng là theo phe
bại trận. Đây không phải là một việc làm đơn giản và dễ dàng.
Những cố gắng của Trần Trọng Kim, Phan Anh, nói riêng và cả chính phủ
đương thời, đứng sau là Hoàng đế Bảo Đại phải được ghi nhận khi người ta nói
tới những thành quả họ đã đạt được trong một thời gian ngắn ngủi kỷ lục mà họ
lãnh trách nhiệm lèo lái đất nước vào thời điểm vô cùng khó khăn tế nhị đó. Sự
tế nhị này có thể được thấy rõ một phần nào nếu người ta để ý tới cuộc tiếp
kiến Tsuchihashi Yuichi của Bảo Đại vào cuối tháng 5.1945, khi viên tướng Tổng
Tư lệnh quân đội Nhật ghé qua Huế, ở hoàng cung và yêu cầu nhà vua hạ lệnh động
viên, coi như một hành động biểu lộ sự hỗ trợ Thiên hoàng với chủ trương Đại
Đông Á cùng cách trả lời vừa khéo léo vừa khẳng định quyền tự do nhận định về
quyền lợi của đất nước và dân tộc mình. [14]
__________________
(1/9/2005)
Chú Thích:
[1] Phạm Cao Dương, “Sau 60 năm nhìn lại: 19/8/1945 – 2/9/1945 – Cách
mạng hay cướp chính quyền? – Lịch sử nào cho tuổi trẻ học đường Việt
Nam?” http://danluan.org/node/2269(BT)
[2] Tr. 443-445; tái bản bổ sung năm 2000, NXB Văn học, Hà Nội, đổi tên
là Hồi ký Thanh Nghị, bài này bị bỏ (chú thích của Thụy Khuê).
[3] Califomia: Văn Nghệ, 2002, tr. 125-169 và 171-182.
[4] Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục, 1998, tr. 370-378.
[5] Thụy Khuê, sđd, tr. 126.
[6] Thụy Khuê, sđd, tr. 128.
[7] Thụy Khuê, sđd, tr. 133.
[8] Một cơn gió bụi, sđd, tr. 49.
[9] Một cơn gió bụi, sđd, tr. 51.
[10] Thụy Khuê, sđd, tr. 178-174.
[11] Thụy Khuê, sđd, tr. 174.
[12] Thụy Khuê, sđd, tr. 174 – 175.
[13] Thụy Khuê, sđd, tr. 180 – 181.
[14] S.M. Bao Dai. Le Dragon d’annam. Paris, Plon, 1980. tr. 108-109.
Nguồn: Tạp chí Khởi Hành số 129, tháng 7.2007, tr. 26-28.
Nguồn: Tạp chí Khởi Hành số 129, tháng 7.2007, tr. 26-28.
———-
[url] https://nr-014.appspot.com/nghiencuulichsu.com/2014/05/29/ve-chinh-phu-cua-bao-dai-va-tran-trong-kim/[/url]
Thêm:
[url] http://to-hai.blogspot.com/2010/11/tuan-ki-so-16.html[/url]
[url] http://to-hai.blogspot.com/2010/11/tuan-ki-so-17.html[/url]
No comments:
Post a Comment